menu

BÀI KINH NGẮN VỀ TÁNH KHÔNG Kinh Culasunnata-sutta

View: 1478 -     Môhan Wijayaratna, Thanissaro Bikkhu, Hoang Phong       25/11/2018 08:11:45 am
BÀI KINH NGẮN VỀ TÁNH KHÔNG Kinh Culasunnata-sutta
BÀI KINH NGẮN VỀ TÁNH KHÔNG Kinh Culasunnata-sutta
BÀI KINH NGẮN VỀ TÁNH KHÔNG

Kinh Culasunnata-sutta

(dựa theo các bản tiếng Pháp của Môhan Wijayaratna

và tiếng Anh của Thanissaro Bikkhu)

Bản dịch Việt: Hoang Phong

Tôi từng được nghe như thế này:

Có một lần Đấng Thế Tôn ngụ nơi tịnh xá của thân mẫuvị Migâra-Mita tại nơi Tu Viện Phía Đông (Pubbarama) thuộc thành Xá Vệ (Sâvathi). Sau khi chấm dứt buổi thiền định một mình vào lúc trưa thì vị Tôn Kính A-nan-đà (nguyên bản trong kinh là Ayasmanta Ananda, chữ Ayasmanta có thể dịch là vị Tôn Kính hay vị Đáng Kính. Tuy nhiên cũng nên lưu ý là trong các kinh sách “nguyên thủy” bằng tiếng Pa-li thì chữ Ayasmanta chỉ duy nhấtđược dùng để gọi các vị đệ tử trực tiếp của Đức Phật) đứng lên và tiến về phía Đấng Thế Tôn. Khi đến gần thì vị Tôn Kính A-nan-đà đảnh lễ Đấng Thế Tôn rồi lùi lại và ngồi sang một bên. Sau khi an tọa thì vị Tôn Kính A-nan-đà bèn cất lời như sau:

- “Bạch Thế Tôn, có lần Ngài ngụ ở thị trấn Nagaraka thuộc xứ của dân Sakka (Sakka là tiếng Pa-li, tiếng Phạn là Sakya, dịch âm ra tiếng Việt là Thích-ca, và đấy cũng là tên gọi của bộ tộc thuộc dòng họcủa Đức Phật). Vào dịp ấy và trước mặt Ngài tôi đã được nghe chính Ngài nói lên như thế này: ‘Này A-nan-đà, Ta luôn an trú trong tánh không, và đang trong lúc này thì Ta lại càng an trú sâu xa hơn nữa’. Bạch Thế Tôn, tôi nghĩ rằng tôi đã nghe đúng như thế, và hiểu đúng như thế”

Đấng Thế Tôn đáp lại như sau:

- “Quả đúng như thế, này A-nan-đà, những gì người đã được nghe thấy đúng là như thế; những gì người hiểu được cũng đúng là như thế. Đang trong lúc này, và cũng tương tự như trước đây Ta từng an trú trong tánh không thì nay Ta lại càng an trú sâu xa hơn trong tánh không. Cũng chẳng khác gì như gian tịnh xá này do Migâra-Matâ xây cất hoàn toàn trống không, không có một con voi nào, không có một con bò cái nào, không có một con ngựa đực nào, không có một con ngựa cái nào, không có vàng cũng chẳng có bạc, hoàn toàn trống không, chẳng có đám đàn ông hay đàn bà nào tụ tập. Gian tịnh xáchỉ duy nhất không-trống-không về cái đặc tính độc nhất [của nó] thiết lập bởi tập thể Tăng Đoàn (tức là danh xưng mà Tăng Đoàn đã sử dụng để gọi đấy là gian tịnh xá).

1- Cảm nhận về rừng

Tương tự như thế, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến ngôi làng, không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến con người, [mà chỉ] tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng (Thanissaro không dịch là “khu rừng” mà gọi là “nơi hoang dã” - wilderness, trong nguyên bản bằng tiếng Pa-li thì chữ này là khu rừng). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về khu rừng. Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy cũng hiểu rằng: ‘Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do sự cảm nhận về ngôi làng. Nơi này không có mối quan tâmnào phát sinh do sự cảm nhận về con người. Nơi này chỉ có mối quan tâm về đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng’. Do đó người ấy sẽ hiểu rằng: ‘Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về ngôi làng. Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về con người. Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất được thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến khu rừng’ (tất cả đều trống không và hoang dã - không có làng mạc cũng như không có con người - duy nhất chỉ ý thức được “khái niệm” về khu rừng). Tương tự như thế, nếu không có một sự vật nào (trong khu rừng chẳng hạn) thì người ấy cũng sẽ nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu có một chút tàn dư (résidu / remains) nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này sẽ hiểu rằng: “Khi cái này có, [thì] cái kia có” (đấy là quy luật tương liên - interdependence - có nghĩa là mọi hiện tượng sở dĩ hiện hữulà nhờ lôi kéo nhau mà có, không có một hiện tượng nào tự chúng hiện hữu một cách độc lập, riêng rẽ và tự tại được. Câu kinh trên đây có nghĩa là nếu trong khi thiền định về sự trống không của khu rừng mà vẫn còn cảm nhận có một cái gì khác nữa thì đấy cũng chỉ là một sự lôi kéo tự nhiên của các hiện tượng làm phát sinh ra nó). Này A-nan-đà, đấy chính là cách mà người tu tập hội nhập với tánh khôngmang tính cách đích thật, không sai lầm và tinh khiết (dù vẫn còn trong cấp bậc sơ khởi thế nhưng đấy cũng đã là cách khởi sự bước vào tánh không đích thật).

2- Cảm nhận về đất

“Hơn nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến con người, không tập trung vào sự cảm nhận liên quan đến khu rừng, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến đất. Này A-nan-đà, đấy cũng chẳng khác gì một tấm da bò được căng thật thẳng bằng một trăm cái cọc, và không còn dính một chút mỡ nào cả. Cũng thế, này A-nan-đà, người tỳ kheo không tập trung vào những thứ thuộc về đất, chẳng hạn như những vùng đất cao, những vùng đầm lầy, sông ngòi, cây cối với cành lá và gai góc... hoặc núi non, thung lũng, v.v..., [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận về đất. Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận liên quan đến đất (cảm nhận về đất và chỉ thấy có đất, không thấy nơi cao chỗ thấp, sông ngòi, cây cỏ, tương tự như chỉ thấy tấm da bò căng thẳng mà không thấy con bò đâu cả, kể cả những vết mỡ dính trên tấm da cũng không còn). Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó người ấy cũng hiểu rằng: ‘Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về con người. Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về rừng. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận về đất’ (chỉ cảm nhận toàn là đất, ngoài ra không có gì khác). Vì thế, này A-nan-đà, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.

3- Cảm nhận về không gian vô tận

“Hơn nữa, này A-nan-đà, người tỳ kheo không tập trung vào sự cảm nhận về rừng, không tập trung vào sự cảm nhận về đất, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận về “bầu không gian vô tận”(sphère de l’espace infini / infinitude of space). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về “bầu không gian vô tận”. Tu duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấysự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy cũng hiểu rằng: ‘Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về rừng. Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về đất. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duythiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến ‘‘bầu không gian vô tận”‘ (có nghĩa là chỉ duy nhất cảm nhận được một bầu không gian vô tận mà thôi). Vì thế, nếu không có một sự vật nào thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào thì đối với sự tàn dư ấy, người này cũng hiểu rằng: “Khi cái này có [thì] cái kia có”. Do đó, này A-nan-đà, đấy chính là cách mà người ấy hội nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.

4- Cảm nhận về bầu không gian của tri thức vô tận

“Hơn nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận về đất, không tập trung vào sự cảm nhận về “bầu không gian vô tận”, [mà] chỉ tập trung vào “bầu không gian của tri thức vô tận” (sphère de conscience infinie / the infinitude of consciousness. Xin lưu ý bầu không gian vô tậntrong phần trên đây là cách hình dung ra sự bao la của không gian bên ngoài. Trong giai đoạn này hay cấp bậc này là cách hình dung ra một tri thức bao la bên trong nội tâm của người hành thiền). Tư duycủa người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về “bầu không gian của tri thức vô tận”. Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: ‘Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về đất. Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về “bầu không gian vô tận”. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến”bầu không gian của tri thức vô tận” ‘. Do đó người ấy sẽ hiểu rằng: Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về đất. Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về ‘bầu không gian vô tận’. Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “bầu không gian của tri thức vô tận” ‘. Vì thế, nếu không có một sự vật nào (xảy ra trong bầu không gian của tri thứcvô tận đó), thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này cũng hiểu rằng: “Khi cái này có, [thì] cái kia có”. Do đó, này A-nan-đà, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.

5- Cảm nhận về thể dạng hư vô

“Hơn thế nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận về “bầu không gian vô tận”, không tập trung vào sự cảm nhận về “bầu không gian của tri thức vô tận”, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “thể dạng hư vô” (sphère du néant / dimension of nothingness / sự trống không, sự vắng lặng không hàm chứa một thứ gì cả). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về “thể dạng hư vô”. Tư duy của người ấy cảm thấy thích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: “Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về “bầu không gian vô tận”. Nơi này, không có mối quan tâm phát sinh từ “bầu không gian vô tận”. Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về “bầu không gian của tri thức vô tận”. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “thể dạng hư vô” ‘. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: “Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về “bầu không gian vô tận”. Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về “bầu không gian của tri thức vô tận”. Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất của sự cảm nhận về “thể dạng hư vô” ‘. Vì thế, nếu không có một sự vật nào(hiện ra trong thể dạng hư vô đó), thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này cũng hiểu rằng: “Khi cái này có, [thì] cái kia có”. Do đó, này A-nan-đà, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập với tánh khôngđích thật, không sai lầm và tinh khiết.

6- Không-cảm-nhận thế nhưng cũng Không-phải-không-cảm-nhận

“Hơn nữa, này A-nan-đà, người tỳ-kheo không tập trung vào sự cảm nhận về “bầu không gian tri thứcvô tận”, không tập trung vào sự cảm nhận về “thể dạng hư vô”, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhấtthiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận” (sphère sans perception ni non-perception / dimension of neither perception nor non-perception / chữ này trong bản kinh gốc tiếng Pa-li là nevasannânâsannâyatana, các chữ sanna-na-sanna trong từ ghép này có nghĩa là: cảm-nhận không cảm-nhận). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về “thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận”. Tư duy của người ấy cảm thấy thích thúnơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: ‘Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về “bầu không gian của tri thức vô tận”. Nơi này, không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhân cảm nhận về “thể dạng hư vô”. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ nguyên nhân của đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận” ‘. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: “Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về “bầu không gian của tri thức vô tận”. Sự nhận thức ấy trống-không về sự cảm nhận về “thể dạng hư vô”. Sự nhận thức ấy chỉ không-trống-không về đặc tính duy nhất của tư duy thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận” ‘. Vì thế, nếu không có một sự vật nào (hiện ra trong thể dạng đó), thì người ấy cũng nhận biết được rõ ràng về sự vắng mặt ấy. Nếu vẫn còn một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy người này cũng hiểu rằng: “Khi cái này có, [thì] cái kia có”. Do đó, này A-lan-đà, đấy chính là cách mà người ấy hòa nhập với tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.

7- Cảm nhận về thể dạng tập trung tâm thần không chủ đích

“Hơn nữa, này A-nan-đà, một người tu tập không tập trung vào sự cảm nhận về “thể dạng hư vô”, không tập trung vào sự cảm nhận về “thể dạng không-cảm-nhận cũng không-phải-không-cảm-nhận”, [mà] chỉ tập trung vào đặc tính duy nhất thiết lập trên sự cảm nhận liên quan đến “thể dạng tập trung tâm thần không chủ đích”(concentration mental sans indice / theme-less concentration / tiếng Pa-li là animitta-ceto-samâdhi, có nghĩa là định tâm nhưng không hướng vào gì cả ). Tư duy của người ấy lắng sâu vào sự cảm nhận về “thể dạng tập trung tâm thần không chủ đích”. Tư duy của người ấy cảm thấythích thú nơi ấy, trụ vào nơi ấy, tìm thấy sự giải thoát cho mình trong cảnh giới ấy. Do đó, người ấy sẽ hiểu rằng: ‘Thể dạng tập trung tâm thức không chủ đích ấy sở dĩ có là nhờ vào nhiều điều kiện tạo ra nó, tức là liên đới với lục giác (ngũ giác và tri thức). Vì thế nếu nó là một thể dạng được tạo tác bởi tư duy; [thì] nó cũng sẽ không tránh khỏi sự tan biến’. Khi người ấy hiểu được điều này và nhìn thấy được điều này, thì tư duy [của người ấy] cũng sẽ loại bỏ được sự ô nhiễm của sự thèm muốn dục tính; tư duy [của người ấy] cũng sẽ loại bỏ được vô minh. Khi nào người ấy đã loại bỏ hết [những thứ ấy] thì sự hiểu biếtsẽ hiện ra [và người ấy sẽ vụt thốt lên]: ‘Thế ra sự giải thoát chính là như thế ấy!’. Do đó người ấy sẽ hiểu rằng: ‘Tất cả mọi sự sinh mới đều được tiêu trừ, những gì phải thực hiện đều đã được hoàn tất, không còn lưu lại bất cứ gì để phải thực hiện nữa’ (có nghĩa là đã đạt được sự giải thoát). Người ấy sẽ hiểu rằng: ‘Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh từ nguyên nhân của sự ô nhiễm do sự thèm muốn dục tính. Nơi này không có mối quan tâm nào phát sinh do nguyên nhân của sự ô nhiễm vì thèm muốn được hiện hữu và được hình thành. Nơi này không có mối quan tâm phát sinh do nguyên nhâncủa sự ô nhiễm vì vô minh. Nơi này chỉ có mối quan tâm phát sinh từ nguyên nhân của sáu lãnh vựcgiác cảm (six sphères sensorielles / six sensory spheres / sáu lãnh vực giác cảm: gồm ngũ giác và tri thức) lệ thuộc vào sự sống này, lệ thuộc vào thân xác này’. Do đó người ấy cũng hiểu rằng: ‘Sự nhận thức ấy trống không về mọi thứ ô nhiễm gọi là sự “thèm muốn dục tính”. Sự nhận thức ấy trống không về mọi thứ ô nhiễm gọi là “sự thèm muốn được hiện hữu và được hình thành”. Sự nhận thức ấy trống-không về sự ô nhiễm gọi là “vô minh” ‘. Nơi này, những gì không-trống-không là sáu lãnh vực giác cảm liên hệ đến sự sống này, liên hệ đến thân xác này. Do đó, nếu không có một sự vật nào (hiện ra trong thân xác và sự sống đó), thì người ấy cũng sẽ nhận thấy rõ ràng được sự vắng mặt ấy. Nếu có một chút tàn dư nào, thì đối với sự tàn dư ấy, người này sẽ hiểu rằng: “Khi cái này có, [thì] cái kia có” (không liên hệ gì đến tánh không của sự hiện hữu này). Do đó, này A-nan-đà, chính đấy là cách mà người ấy hội nhập vào tánh không đích thật, không sai lầm và tinh khiết.

“Này A-nan-đà, trong quá khứ thật xa xưa nếu có những người tu hành và giáo sĩ (tức là những người luyện tập du-già và các vị Bà-la-môn) từng hội nhập và thường trú trong tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng, thì tất cả những người ấy cũng đã hội nhập và thường trú đúng trong chính cái tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng ấy. Này A-nan-đà, trong tương lai thật xa sau này nếu có những người tu hành và giáo sĩ sẽ hòa nhập và thường trú trong tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng, thì tất cả những người ấy cũng sẽ hòa nhập và thường trú đúng trong chính cái tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng ấy. Này A-nan-đà, trong thời hiện tạinếu có những người tu hành và giáo sĩ đang đạt được và an trú trong tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng, thì tất cả những người ấy cũng đang hội nhập và thường trú đúng trong chính cái tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng ấy. Chính vì thế, này A-nan-đà, người nên tập luyện bằng cách tự nhủ rằng: “[Khi đã] hội nhập vào tánh không hoàn toàn tinh khiết, vô song và tối thượng ấy thì tôi [cũng sẽ] thường trú ở nơi ấy” (đoạn trên đây cho biết khi đã hòa nhập đúng vào tánh không đích thật thì sẽ vĩnh viễn thường trú trong thể dạng đó, vượt thoát khỏi không gian và thời gian).

Đấng Thế Tôn thuyết giảng như trên đây, vị tôn kính A-nan-đà vui sướng và hân hoan tiếp nhận những lời giảng ấy của Đấng Thế Tôn.

Vài lời ghi chú

Một trong những điểm nổi bật nhất trong bài kinh trên đây là tánh không không nhất thiết chỉ là một luận thuyết đơn thuần triết học mà còn mang tính cách vô cùng thực dụng và thiết thực, ứng dụng trực tiếp vào sự tu tập nhằm mang lại sự giải thoát. Do đó tánh không có thể được hình dung dưới ba khía cạnh khác nhau:

1- tánh không là một đối tượng của sự chú tâm hay thiền định

2- tánh không là bản chất hay đặc tính của tất cả mọi hiện tượng

3- tánh không là một phương tiện giúp người tu tập đạt được sự giải thoát

Bài kinh trên đây bao gồm và trình bày toàn diện cả ba khía cạnh này dưới những hình thức ứng dụngtrực tiếp và thực tiễn, không nêu lên một sự biện luận mang tính cách siêu hình nào cả. Thanassaro Bikkhu phân tích và phân chia bài kinh này thành bảy cấp bậc hay bảy giai đoạn luyện tập khác nhau. Buddhadasa Bikkhu trong quyển sách”Cốt lõi của cội Bồ-đề” cũng đã phân chia phép tu tập về tánh không thành bảy cấp bậc từ thấp đến cao đúng với bài kinh này. Dù sao cũng xin lưu ý về một chi tiếtnhỏ là bài kinh gốc trong Trung A Hàm mang tính cách liên tục, sở dĩ Thanassaro Bikkhu đã phân chiathành bảy phân đoạn là chỉ nhằm vào mục đích giúp người đọc dễ theo dõi. Vậy cũng xin mạn phép ghép thêm một vài ghi chú nhỏ nhằm giải thích thêm từng cấp bậc như dưới đây.

1- Cảm nhận về sự hoang dã, tiếng Pa-li là arannasanna (aranna có nghĩa là rừng, sanna là sự cảm nhận). Ở cấp bậc sơ khởi này Đức Phật dạy người hành thiền hãy hình dung ra một cảnh tượng hoang dã mênh mông và an trú trong cảnh hoang dã đó: tất cả đều trống không, không có sự hiện diện của một người nào cả trong ngôi làng cũng như trong khu rừng. Trong cảnh giới đó không có một nhân dạng nào hay một sự vật nào hiện hữu có thể mang lại mối bận tâm và sự xao lãng cho người hành thiền. Tuy rằng cách hình dung ra sự vắng mặt của mọi nhân dạng và mọi sự vật ấy chỉ biểu trưng cho một thểdạng “thô thiển” nhất của tánh không, thế nhưng cũng đủ để cho người hành thiền tìm thấy cho mình một sự giải thoát đích thật nào đó trong cấp bậc tiên khởi của quá trình luyện tập. Nên hiểu rằng một sự luyện tập sai lầm có thể đưa đến những thể dạng lệch lạc của sự nhận định về tánh không.

2- Cảm nhận về đất, tiếng Pa-li là pathavisanna (pathavi có nghĩa là đất). Ở cấp bậc này bài kinh giảng thật rõ: người hành thiền hình dung ra chung quanh mình chỉ toàn là đất và “xóa bỏ” tất cả những gì liên hệ đến đất, từ núi đồi đến cây cỏ, từ sông ngòi đến biển cả. Thí dụ mà Đức Phật đưa ra trong bài kinhđể nhấn mạnh thêm đối tượng thiền định này thật hết sức điển hình và dễ hiểu: khi trông thấy một con bò thì cũng chỉ nhìn thấy một tấm da căng thật thẳng bằng một trăm cái cọc, không còn dính một chút mỡ nào cả. Ngoài tấm da căng thật thẳng thì con bò bằng xương bằng thịt đang gặm cỏ đã bị loại ra khỏi tâm thức của người hành thiền và hoàn toàn biến mất. Người hành thiền xóa bỏ tất cả những gì mà tâm thức diễn đạt khi phóng nhìn vào cảnh tượng chung quanh, tương tự như lấy một cục gôm (cục tẩy) xóa bỏ những nét bút chì trên một tờ giấy trắng mà sự vận hành của xung năng và tác ý trong tâm thứcxui khiến mình vẽ lên đấy.

Thế nhưng tại sao cấp bậc này lại cao hơn cấp bậc thứ nhất trên đây. Cấp bậc cảm nhận về sự hoang dã thật ra dưới một khía cạnh nào đó chỉ là một cách tự đánh lừa mình. Đấy chỉ là một cách “tưởng tượng” ra trong gian nhà, trong ngôi làng, trong khu rừng, tất cả đều trống không. Ở cấp bậc thứ hai người hành thiền nhận thấy trực tiếp các hiện tượng bên ngoài thế nhưng không tạo ra bất cứ một sự diễn đạt nào, tương tự như khi trông thấy con bò nhưng thật ra trước mặt mình chỉ là một tấm da căng thật thẳng không còn dính một chút mỡ nào.

3- Cảm nhận về không gian vô tận, tiếng Pa-li là akasananacayatana (akasa là không khí, không gian, bầu trời...,nanaca: không có gì cả, yatana: sự cố gắng, sự cảm nhận). Trong cấp bậc này người hành thiền chỉ duy nhất cảm nhận “một bầu không gian vô tận”, bầu không gian đó trống không và

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin