menu

Nguyễn Hoàng Lãng Du Và ‘Phẩm Vật Của Trần Gian’

View: 1544 -     Huỳnh Kim Quang       3/06/2019 06:06:31 am
Nguyễn Hoàng Lãng Du Và ‘Phẩm Vật Của Trần Gian’
Nguyễn Hoàng Lãng Du Và ‘Phẩm Vật Của Trần Gian’

 

Tôi biết nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãnh Du rất tình cờ khi đọc tuyển tập thơ “Tâm Trong” cách nay vài năm do một người bạn từ xa gửi tặng.

“Tâm Trong” là tuyển tập gồm thơ của 10 nhà thơ, mà trong đó nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du là một.

Dường như cái duyên với anh đến từ đó. Có lần nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du đến Nam Cali tôi đã có dịp gặp trực tiếp. Dù chưa có cơ hội hàn huyên tâm sự nhiều, nhưng qua lần sơ ngộ tôi đã có cảm tình đặc biệt dành cho anh.

Rồi, bổng một ngày tháng 5 tôi lại nhận được tác phẩm “Phẩm Vật Của Trần Gian” của Nguyễn Hoàng Lãng Du, do Bodhi Media xuất bản năm 2019, gửi tặng. Tôi tò mò muốn đọc xem thử trong đó “Phẩm Vật Của Trần Gian” là gì, nhưng những ngày trong tuần công việc làm đã lôi tôi chạy mãi không ngừng được. Cuối tuần rồi, ngồi ở quán cà phê vắng vào buổi chiều nắng nhạt cuối xuân, tôi lật từng trang sách cho thỏa lòng tò mò.

Càng đọc “Phẩm Vật Của Trần Gian” càng thấy đúng là tác phẩm này chứa đựng nhiều phẩm vật vô giá trên trần gian. Không phải cái vô giá của một thời đại nhất định nào đó, mà là cái vô giá của mọi thời đại, từ ngàn xưa đến ngàn sau.

Tôi có nói quá chăng?

Chắc là không.

Có ai không nghĩ rằng những lời dạy của Đức Phật là di sản giá trị vô bờ của nhân loại mà mọi thời đại.

Có ai không cho rằng những lời dạy và cuộc sống thiêng liêng cao cả của Chúa Jesus đã trở thành tấm gương vô giá cho nhân loại ở mọi thời đại noi theo.

Có ai phủ nhận được rằng Mẹ Teresa có tấm lòng bác ái vô biên mà hậu thế vạn đời sau vẫn tôn kính.

Còn gần cả trăm câu chuyện những nhân vật lớn của nhân loại từ xưa tới nay đã đóng góp vào di sản loài người những phẩm vật vô giá như thế. Tác phẩm “Những Phẩm Vật Của Trần Gian” của Nguyễn Hoàng Lãng Du cưu mang những tấm gương và phẩm vật vô giá đó.

Có thể công việc thực hiện tác phẩm này không có gì khó làm đối với nhiều người, bởi vì chỉ cần bỏ công sưu tầm và biên soạn những mẫu chuyện đại loại như thế trong sách báo hay Google, rồi viết lại và in thành sách, là được.

Ngoài cái vô giá của tự thân những tấm gương rực sáng, những nhân cách lớn,  những tâm hồn vĩ đại, và những triết thuyết cao siêu - tự nó đã là vô giá bất kể là tác giả nào sưu tầm và in thành sách - giá trị của tác phẩm “Những Phẩm Vật Của Trần Gian” còn nằm ở chỗ cái tâm rộng lớn của Nguyễn Hoàng Lãng Du.

Nói thế cũng không phải là quá đáng.

Khi sưu tầm những “Phẩm Vật Của Trần Gian,” Nguyễn Hoàng Lãng Du đã có đủ nội lực để vượt qua mọi biên giới của tư tưởng, triết học, giai cấp, xã hội, quốc gia, và đặt biệt là tôn giáo. Anh làm việc này bằng cái tâm và trí rộng mở, không một chút phân biệt và hạn cục ở bất cứ lãnh địa nào. Có lẽ đối với anh, giá trị vô lượng của những phẩm vật đó là thứ không thể bị chôn sấu trong những khuôn thước cục bộ mà đáng để tôn vinh. Điều này thì không phải ai cũng làm được.

Khi kể về Thánh Gandhi, Nguyễn Hoàng Lãnh Du viết như sau:

“Thánh Gandhi lãnh đạo chống sự đói nghèo, tăng quyền cho phụ nữ và xây dựng tình hữu nghị giữa các tôn giáo, chủng tộc tại quốc gia ông.“…

“Người cha khả kính của dân tộc Ấn nói: “Tôi không có gì mới để dậy thế giới. Sự Thật và Bất Bạo Động là những thứ xưa cũ như những ngọn đồi.”

Kể chuyện và Chúa Jesus, Nguyễn Hoàng Lãng Du viết rằng:

“Phêrô là môn đệ của Đức Giêsu. Một lần ông hỏi:

  • Thưa thầy nếu anh em con cứ xúc phạm đến con thì con phải tha thứ đến mấy lần? Có phải bẩy lần không?

Đức Giêsu đáp:

  • Thầy không bảo là đến bẩy lần nhưng là đến bẩy mươi lần bẩy.”

Câu chuyện về “Cái Tâm” mà Nguyễn Hoàng Lãng Du kể trong “Phẩm Vật Của  Trần Gian” thì vừa vui vừa ý nghĩa như sau:

“Một hôm danh sĩ họ Tô (Tô Đông Pha) hỏi thiền sư Phật Ấn:

  • Thầy thấy tôi như thế nào?

Thiền sư trả lời:

  • Giống như một vị Phật.

Thiền sư hỏi:

  • Còn ông thấy tôi ra sao?

Thấy Phật Ấn mập tròn, mặc áo đen nên ông đáp:

  • Giống như một bãi phân bò.

Nhà sư mỉm cười không nói gì. Ông về nhà kể lại chuyện cho cô em gái (Tô Tiểu Muội).

Tô Tiểu Muội nói:

  • Tâm của thầy là tâm Phật nên nhìn ai cũng là Phật. Tâm anh là gì mà nhìn thấy thầy là phân bò?”

Còn rất nhiều mẫu chuyện như phẩm vật vô giá trên trần gian mà Nguyễn Hoàng Lãng Du đã kể cho chúng ta nghe.

Có một cuốn sách như vậy trong kệ tủ ở nhà để thỉnh thoảng mở ra đọc và chiêm quan những phẩm vật quý giá này là điều rất hạnh phúc và rất nên.

Độc giả có thể liên lạc với nhà xuất bản để mua sách qua địa chỉ email: c.mindful2020@gmail.com , hoặc liên lạc địa chỉ của nhà xuất bản Bodhi Media: 3119 Alta Arden Expressway, Sacramenton, CA 95825.

Cảm ơn tác giả Nguyễn Hoàng Lãng Du.

 

Caption:

Hình bìa của tác phẩm “Phẩm Vật Của Trần Gian.”(nguồn: https://uyennguyen.net )

 

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin