menu

Trung Đạo [S. madhyamapratipad; P. majjhimapaṭipadā; T. dbu ma’i lam; 中道; middle way]

View: 833 -     Đạo Sinh       12/03/2020 06:03:01 pm
Trung Đạo [S. madhyamapratipad; P. majjhimapaṭipadā; T. dbu ma’i lam; 中道; middle way]
Trung Đạo [S. madhyamapratipad; P. majjhimapaṭipadā; T. dbu ma’i lam; 中道; middle way]

 

Xét về mặt từ nguyên, Trung Đạo có nghĩa là “con đường giữa”. Nhưng trong ngữ cảnh của Phật Pháp, Trung Đạo không phải là “con đường giữa”, mà chỉ là “không phải con đường bên phải” và cũng “không phải con đường bên trái.” Nếu Trung Đạo được xác định là con đường nằm ở giữa thì lúc đó nó không còn là Trung Đạo nữa, mà sẽ trở thành con đường “bên trái” so với con đường ở biên phải, hoặc là con đường “bên phải” so với con đường ở biên trái. Như vậy, Trung Đạo là con đường mang tính phủ định hơn là khẳng định. Mục đích của đức Phật khi trình bày giáo nghĩa này chỉ nhằm giúp người học CHẶT ĐỨT mọi đeo bám vào hai cực đoan chứ không nhằm giới thiệu một cái nhìn “trung lập”; vì thế những cố gắng đồng nhất giáo nghĩa này với khái niệm Trung Dung của Nho giáo, cũng như Biện chứng pháp (dialectics) của triết học phương Tây đều trở nên vô ích. Giáo nghĩa này được đức Phật trình bày qua đoạn kinh sau:

“Này Kaccāna, thật sự thì phần lớn thế giới này đều đeo bám hai [cực đoan] là HỮU và PHI HỮU. Thật vậy, Kaccāna, những ai nhìn thấy sự TẬP KHỞI của thế giới bằng cái biết như thực thì thế giới này không phải là ‘phi hữu’. Kaccāna, những ai thật sự nhìn thấy sự BIẾN DIỆT của thế giới bằng cái biết như thực thì thế giới này không phải là ‘hữu’. Kaccāna, phần lớn thế giới này thật sự là sự THIÊN KIẾN, sự HỆ PHƯỢC, sự CHẤP THỦ. Người nào không tiếp cận, không nắm bắt sự thiên kiến, sự hệ phược, sự cố chấp, sự thủ trước này của tâm, thì không nương vào [cái nhìn] — đó là NGÃ của tôi. Khi sinh thì chỉ khổ sinh, khi diệt thì chỉ khổ diệt; ở đó chỉ có CÁI BIẾT ĐỘC LẬP, không nghi, không ngờ. Kaccāna, đó mới thật sự là CHÁNH KIẾN. Thật vậy, Kaccāna, ‘Tất cả đều Hữu’ là một cực đoan; ‘Tất cả đều Phi hữu’ là một cực đoan khác. Kaccāna, Như Lai thuyết giáo bằng [CON ĐƯỜNG] GIỮA, không dựa vào hai cực đoan.”[1]

TÌM HIỂU GIÁO NGHĨA TRUNG ĐẠO

(1) Hữu – Tập Khởi: Để dễ nắm bắt các khái niệm cơ bản của đoạn kinh trên, chúng ta nên bắt đầu bằng các dụng cụ trực quan: quá trình tháo-ráp chiếc xe.

Trước mặt bạn là các bộ phận của một chiếc xe bằng nhựa dùng làm đồ chơi cho trẻ em. Sau một lúc ngồi ráp lại các bộ phận này theo đúng tờ chỉ dẫn thì cuối cùng xuất hiện một chiếc xe trước mặt bạn. Bạn ngắm nghía chiếc xe và có khi tự hào đã không bỏ phí thời gian và công sức để CÓ được một chiếc xe đẹp như thế. Thế nhưng, đức Phật lại bảo rằng “chiếc xe hiện hữu hoàn toàn do sự tưởng tượng của bạn, chứ trong thực tế chẳng có chiếc xe nào cả”, và “một cái nhìn như thế là tà kiến, tức cái nhìn nghiêng lệch chứ không phải cái nhìn đúng đắn, hay chánh kiến.”

Có lẽ bạn sẽ cảm thấy choáng trước một nhận định như thế. “Rõ ràng chiếc xe đang hiện hữu trước mắt mình. Đó không phải là cục phân bò, cũng không phải là đỉnh Everest, mà đó chính là thực tại hiện tiền, là cái đang là; và thực tại như thế nào thì mình đang nhìn đúng như thế ấy (seeing reality as it is); vân vân và vân vân.” “Tại sao đức Phật lại nói như thế?”

Để biết được đức Phật có lừa dối bạn hay không thì bạn phải bình tĩnh trước đã. Bạn thử đặt một số câu hỏi như thế này xem: “Trước khi bắt đầu lắp ráp thì trên bàn rõ ràng chỉ có chừng đó bộ phận, thế thì từ đâu mà CÓ chiếc xe?” Và “Bây giờ các bộ phận đó nó BIẾN đi đâu?”

Nếu bạn cho rằng “chiếc xe CÓ là từ trên trời rơi xuống” thì thiết nghĩ bạn không cần phải học Phật nữa; vì bạn đã có sẵn tất cả các lý thuyết thần học của Ấn giáo, Nho giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Thiên chúa giáo, v.v., làm nền tảng cho đời sống tâm linh của bạn rồi. Nhưng nếu bạn không chấp nhận cách lý giải đó thì bạn không thể không học Phật.

Đức Phật giúp bạn tìm ra sự thật như thế này: Bạn hãy quan sát thật kỹ các bộ phận trên bàn trước khi bạn lắp ráp và tự hỏi, “Nếu không có các bộ phận như thế ở trên bàn thì có thể có sự xuất hiện của chiếc xe không?” “Nếu có đủ các bộ phận như thế nhưng vẫn nằm nguyên vị trí của chúng ở trên bàn thì có sự xuất hiện của chiếc xe không?” “Nếu có đủ các bộ phận như thế nhưng không có yếu tố gia công của con người, thì có sự xuất hiện của chiếc xe không?” “Muốn biết được thực chất của cái mà lâu nay ta nhầm tưởng là ‘chiếc xe’ đó có phải chỉ cần nhìn thấy hình tướng bên ngoài của nó là đủ hay cần phải ‘đào sâu’ vào thể tánh bên trong của nó?”

Khi bạn trả lời được tất cả các câu hỏi trên thì bạn sẽ hiểu được ý nghĩa của TẬP KHỞI, tức sự “sinh khởi” của một hiện tượng là không có thật mà chỉ là sự hội tụ các điều kiện cần và đủ để cấu thành hiện tượng đó. Bạn sẽ dứt bỏ được một số thói quen tiêu cực như “không có mà lại cho là có, có mà lại cho là không có” và “những ý tưởng chỉ có trong đầu bạn mà không tương ưng với thực tại”. Kinh điển gọi một hành động như thế là “viễn ly điên đảo mộng tưởng”.

(2) Phi Hữu – Biến Diệt: Trong quá trình thực hành việc lắp ráp nói trên, vào một ngày đẹp trời nào đó, bạn chợt nhận ra rằng chiếc xe chẳng khác gì các bộ phận ở trên bàn trước đó; hoặc có thể nói rằng nó chính là tổng hợp tất cả những gì nó đang có, chứ không do ai tạo ra cả, ngay cả chính bạn. Nếu có bạn mà không có các bộ phận đó thì vẫn không có sự xuất hiện của chiếc xe. Vì thế bạn cũng chỉ là một trong các yếu tố hình thành, không hơn không kém. Đây là nhận thức bước đầu cực kỳ quan trọng với người học Phật.

Trước khi đức Phật xuất hiện ở Ấn-độ, người dân ở đó tin rằng trong mỗi con người của họ đều có một yếu tố thường hằng bất biến, chuyển dịch từ đời này sang đời khác, gọi là “ātman” (cái ta; 我; self, I), làm chủ thân tâm cũng như mọi hành động của một con người. Đức Phật khẳng định ngài không nhìn thấy có một ātman như thế, nhưng ngài thừa nhận có một “cái nhìn như thế” đang tồn tại trong mỗi người chúng ta, gọi là “ngã chấp” (ātmagraha; 我執; clinging to self, conception of self). Nói cách khác, mặc dù chẳng biết mặt mũi nó là gì nhưng mỗi người chúng ta đều đinh ninh trong thân tâm mình có một ātman như thế. Đây là vấn đề thuộc bình diện siêu nghiệm. Với thân phận phàm phu, chúng ta không có khả năng tự thân kinh nghiệm được điều này. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể học Phật nếu chúng ta TIN PHẬT.

Phật học đề ra 3 cách nhận biết chính của phàm phu chúng ta. (1) Hiện lượng: nhận biết nhờ tiếp xúc trực tiếp, như thấy khói bốc lên từ đống lửa. (2) Tỷ lượng: nhận biết nhờ kinh nghiệm quá khứ, như thấy khói bốc lên phía sau núi nên biết rằng có một đống lửa ở đó. (3) Thánh giáo lượng: không có kinh nghiệm quá khứ nên không thể suy diễn nhưng vì tin Phật nên biết rằng có niết-bàn, giác ngộ, giải thoát, tái sinh, v.v.

Với niềm tin đó, bạn tiếp tục thực hành bước kế tiếp. Bạn bắt đầu tháo rời chiếc xe ra. Và bây giờ: chiếc xe đã biến mất, và các bộ phận bạn tưởng đã biến mất trước đó lại lần lượt xuất hiện. Trước một hiện tượng như thế, nếu bạn thừa nhận sự hiện hữu của chiếc xe là giả hợp; và sự biến mất của một hiện tượng không có nghĩa mọi thứ đều trở thành hư vô, thì bạn đã thành tựu được một phẩm tính cao quý trong Phật Pháp có tên là NHẪN (kṣānti; 忍; acceptance & forbearance).

Nhẫn là thái độ chấp nhận một sự thật và dũng cảm cưu mang sự thật đó. Khi đức Phật cho biết “bạn là một hiện hữu bất toàn”, nếu bạn thẳng thắn thừa nhận đó là sự thật, chứ không tìm cách biện minh hay trốn tránh thì bạn sẽ có đủ dũng khí cưu mang “gánh nặng” đó trên suốt con đường tu tập cho đến khi vứt bỏ được nó. Trong trường hợp này cũng thế, nếu bạn không chịu thừa nhận sự thật “thân bạn cũng là giả hợp” thì suốt đời bạn không thể nào thoát được vòng vây của Tự ngã. Ở đây, cái nhìn muôn kiếp không đổi của bạn về một “cái Ta” không chỉ đeo bám chiếc bóng ma “ātman”, mà nó còn đeo bám toàn thể con người bạn, vì thế mới có tên là “hữu thân kiến” (satkāyadṛṣṭi; 有身見; view of a real person). Chính sự đeo bám này cùng với hai hệ quả lớn nhất của nó là “bảo vệ” và “nuôi dưỡng thân” đã và đang nhấn chìm bạn ngày càng sâu trong dòng sinh-tử. Đến đây có lẽ bạn đã nhận ra mục đích lớn nhất của đức Phật trên trái đất này: Ngài xuất hiện để giúp bạn thoát ra dòng sinh-tử chứ không để thỏa mãn những đòi hỏi của bạn trong dòng sinh tử đó.

(3) Phá Chấp Hữu-Vô: Phá chấp là chặt đứt sự đeo bám của tâm trước thế giới hiện tượng. Thế giới hiện tượng vốn không có các thuộc tính đối đãi như “hữu-vô”, “tăng-giảm”, “cấu-tịnh”, v.v. Tuy nhiên, vì thể thức tư duy của con người được đặt trên nền tảng nhị nguyên (dualistic) cho nên con người luôn luôn tri nhận một hiện tượng qua hai cực đối nhau. Vì thế, khi một hiện tượng được tri nhận là “tốt” hoặc “xấu” thì hai cực “tốt-xấu” này xuất hiện trong tâm thức của con người chứ không phải thuộc tính của hiện tượng.

Dòng sông Se Pon có đoạn chảy qua giữa địa phận tỉnh Quảng Trị và Savannakhet của Lào. Trước và sau khi được phân đôi, dòng sông vẫn y nguyên như thế. “Y nguyên” hiểu theo nghĩa vẫn chỉ là một dòng chảy như nhau, vẫn chừng đó khối lượng, chất lượng nước chung cho cả dòng. Thế nhưng, khi dựng lên một “đường ranh” tưởng tượng giữa dòng sông thì con người bắt đầu nhìn thấy dòng sông xuất hiện hai dòng chảy khác nhau: dòng bên NÀY, và dòng bên KIA. Nếu nhìn từ thượng lưu thì dòng bên này trở thành dòng TRÁI, và dòng bên kia trở thành dòng PHẢI. Khi nhìn từ địa phận Việt Nam thì dòng bên trái trở thành dòng VIỆT, và dòng bên phải trở thành dòng LÀO. Khi đánh bắt cá thì người Việt CÓ THỂ đánh bắt ở dòng này, mà KHÔNG THỂ đánh bắt ở dòng kia. Khi người Lào bơi lội trong dòng kia thì gọi là HỢP PHÁP, nhưng khi bơi lội trong dòng này thì gọi là BẤT HỢP PHÁP. Khi chiến tranh xảy ra thì người ở dòng bên này là TA, và người ở dòng bên kia là ĐỊCH. Cùng là người Việt, nhưng thuộc hàng ngũ bên dòng này thì là BẠN, thuộc bên dòng kia thì là THÙ; v.v.

Tất cả các tính chất và danh xưng đi kèm ở trên đều do giới trí thức của con người đặt ra. Sau khi xác định ranh giới thì con người đặt ra các điều lệ để hai bên tuân thủ cả trong thời bình lẫn thời chiến. Những việc làm như thế đều có thật. Tuy nhiên, sự thật này do con người đặt ra nên gọi là “sự thật quy ước” (conventional truth), và vì đó không phải là sự thật phổ quát, có nghĩa rằng chỉ có giá trị với con người chứ không có giá trị đối với rong rêu, con tôm, con cá trong dòng sông, nên gọi là “sự thật tương đối” (relative truth).

Đức Phật nhìn thấy gì qua cách làm trên của con người? Có lần ngài đã phát biểu, “ngài không tranh cãi với người đời; những gì giới trí thức nói có thì ngài cũng nói có; những gì họ nói không thì ngài cũng nói không.” Phát biểu này có thể xem như một minh chứng cho mục đích, ý nghĩa, cũng như toàn bộ nội hàm sự xuất hiện của ngài trên trái đất:

Ngài đến đây không phải để cải tạo xã hội con người đang tồn tại. Ngài không tranh công với các đạo sỹ Bà-la-môn, Khổng tử, Lão tử, Socrates, Platon, Jesus Christ, Muhammad, Thomas d’Aquin, Tần thủy Hoàng, Napoleon, Karl Marx, Mao Trạch Đông, v.v. Ngài đến chỉ để giúp con người nhận ra họ có một tiềm năng, có thể mang lại cho họ hạnh phúc thật sự. Khi từ chối ngai vàng của vua cha, không phải ngài không công nhận giá trị các định chế xã hội và chính trị được con người đặt ra; mà ngài từ chối chỉ vì thấy rõ các định chế đó không có khả năng giúp con người vượt qua khổ đau. Khi chấp nhận đi chân trần trong suốt cả cuộc đời, và một cuộc sống đi xin ăn, không nhà không cửa, v.v., không phải ngài phủ nhận giá trị của vật chất và tư hữu của con người; mà chỉ vì ngài thấy rõ những cái đó không mang lại hạnh phúc thật sự cho con người.

Đến đây người học có thể đặt ra một câu hỏi với đức Phật: “Thế thì, theo ngài làm thế nào để con người vượt qua khổ đau?” Chính loại “tiềm năng” nói trên là hy vọng duy nhất của con người. Mọi tạo tác, cho dù là thành công hay thất bại của con người, đều xuất phát từ cái nhìn bị “lệch” của con người về chính mình và thế giới xung quanh. Tất cả những gì con người tri nhận được đều là những hiện hữu giả hợp, không có tính chất riêng đích thực của nó; nhưng con người lại tin tưởng rằng chúng thực hữu. Vì tin tưởng như thế nên con người tự động tách rời bản thân mình với thế giới xung quanh. Từ đó con người gán lên cho bản thân mình và những gì không phải bản thân mình mọi tính chất đối đãi không đáng có. Khi chúng ta có thể nhìn thấy dòng sông Se Pon với nguyên trạng của nó thì tất cả mọi thứ mà chúng ta cho là thật có như “này-kia”, “phải-trái”, “ta-người”, “bạn-thù”, “hợp pháp-bất hợp pháp”, “có thể-không thể”, v.v., đều thật sư tan biến như sự tan biến của những gì chúng ta nhìn thấy trong một giấc mộng. Đây chính là sự “nhìn thấy” mà đức Phật mong đợi mỗi người chúng ta có thể khai thác được để mang lại hạnh phúc thật sự. Ngài chỉ có thể giúp chúng ta chừng đó. CHỈ CHỪNG ĐÓ.

Những thông tin trên có thể giúp một người học Phật tránh được những hy vọng và thất vọng không đáng có vào Phật Pháp. Trong quá trình phát triển của Phật giáo trên trái đất, không ít người đã cố gắng rút tỉa từ trong Phật Pháp bất cứ cái gì có thể để bổ sung cho cuộc sống của bản thân cũng như xã hội, từ lãnh vực tích tập kiến thức cho đến giáo dục, khoa học, văn học, nghệ thuật, chính trị, quân sự, tôn giáo, v.v. Thế nhưng tất cả mọi vận dụng đó đều thất bại trong nỗ lực giải thoát con người ra khỏi khổ đau. Chiến tranh và hòa bình vẫn tuần tự xuất hiện không ngừng nghỉ trong thế giới này. Lý do duy nhất là chừng nào con người còn tri nhận mọi hiện tượng qua cái nhìn “chia đôi” cố hữu thì hai chữ “hạnh phúc” vẫn chỉ là một sản phẩm do trí tưởng tượng của con người tạo ra. Bởi vì, không có một xã hội thực hữu và tách rời với con người mà chỉ có con người là thành viên hình thành cái có tên là “xã hội” đó.

Đạo Sinh

[1] “Dvayanissito khvāyaṃ, kaccāna, loko yebhuyyena – atthitañceva natthitañca. Lokasamudayaṃ kho, kaccāna, yathābhūtaṃ sammappaññāya passato yā loke natthitā sā na hoti. Lokanirodhaṃ kho, kaccāna, yathābhūtaṃ sammappaññāya passato yā loke atthitā sā na hoti. Upayupādānābhinivesavinibandho [upāyupādānābhinivesavinibandho (sī. syā. kaṃ. pī.)] khvāyaṃ, kaccāna, loko yebhuyyena. Tañcāyaṃ upayupādānaṃ cetaso adhiṭṭhānaṃ abhinivesānusayaṃ na upeti na upādiyati nādhiṭṭhāti – ‘attā me’ti. ‘Dukkhameva uppajjamānaṃ uppajjati, dukkhaṃ nirujjhamānaṃ nirujjhatī’ti na kaṅkhati na vicikicchati aparapaccayā ñāṇamevassa ettha hoti. Ettāvatā kho, kaccāna, sammādiṭṭhi hoti. ‘Sabbaṃ atthī’ti kho, kaccāna, ayameko anto. ‘Sabbaṃ natthī’ti ayaṃ dutiyo anto. Ete te, kaccāna, ubho ante anupagamma majjhena tathāgato dhammaṃ deseti.” (~ S. 12. 15 / S. ii. 16)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin