Bảy điểm đề nghị của Thiền sư Nhất Hạnh về chính sách của nhà nước Việt Nam đối với Phật giáo
View: 992 - Thiền sư Thích Nhất Hạnh 25/03/2019 06:03:39 pm
7 điểm này đã được thiền sư Nhất Hạnh trực tiếp trao cho thủ tướng Phan Văn Khải ngày 25.03.20051. Nhà nước xác nhận ý muốn thực hiện sự tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền. Giáo quyền và chính quyền là hai lãnh vực riêng biệt không có quyền can thiệp vào nhau. Nhưng cả giáo quyền và chính quyền đều phải có đạo đức, nếu cả hai đều không muốn phá sản. Vì vậy tôn giáo có thể giúp cho chính trị và chính trị có thể giúp cho tôn giáo, nhưng cả hai bên đều phải theo luật pháp quốc gia. Bên tôn giáo có thể đóng góp tuệ giác và nhắc chừng về chiều hướng tâm linh đạo đức trong cả hai ngành lập pháp và hành pháp, bên chính trị có thể đóng góp ý kiến về sự suy thoái đạo đức trong tôn giáo và sự lạm dụng giáo quyền trong việc tìm cầu danh lợi và quyền bính, và yểm trợ cho tôn giáo trong những công tác giáo dục đạo đức và thực tập đưa tới lành mạnh hóa xã hội.
Ngày xưa vua Lý Thái Tổ đã yểm trợ đạo Phật xây dựng cơ sở giáo hội, và thiền sư Vạn Hạnh đã chỉ bày thêm cho vua về các đường lối kinh tế, văn hóa, đạo đức và chính trị. Nhưng vua không chen vào để kiểm soát Phật giáo và thiền sư cũng không nhận trách vụ gì trong guồng máy chính trị.Nhà nước bảo đảm là từ nay các vị xuất gia sẽ không bị mời làm dân biểu quốc hội, trở nên thành viên hội đồng nhân dân các cấp và của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam hoặc trở nên đảng viên của bất cứ một đảng phái chính trị nào. Xen vào lãnh vực chính trị như thế các vị xuất gia sẽ phạm giới, làm mất uy tín của giáo đoàn Phật giáo và cũng làm cho chính quyền mang tiếng là sử dụng những vị ấy để kiểm soát tôn giáo. Từ nay các vị xuất gia sẽ không còn nhận huân chương của chính quyền. Vị cao tăng nào làm cố vấn giỏi, đề nghị được những biện pháp cụ thể lợi nước lợi dân thì chỉ có quyền nhận một chiếc y màu tím như các vị cao tăng quốc sư đời trước.
2. Trong những năm qua đã có xảy ra nhiều điều đáng tiếc trong Phật giáo do những hiểu lầm, e sợ, nghi kỵ và vụng về gây ra . Những điều này đã gây khó khăn không ít cho nhà nước và cho cộng đồng Phật giáo. Nhà nước xin trân trọng chính thức kính mời tất cả các vị tôn túc trưởng lão trong cộng đồng Phật giáo làm cố vấn cho cả hai cơ quan lập pháp và hành pháp của nhà nước để giúp tháo gỡ những khó khăn đang có, hàn gắn những đổ nát, xây dựng lại tình huynh đệ trong cộng đồng Phật giáo và thiết lập truyền thông tốt với phía nhà nước. Danh sách các vị được mời: Hòa thượng Trí Quang, Trí Tịnh, Nhật Liên, Huyền Quang, Quảng Độ, Phổ Tuệ v.v… (xin thêm cho đủ ba miền). Nhà nước muốn lắng nghe liệt vị tôn túc trưởng lão về những vấn đề lớn có liên hệ tới cộng đồng Phật giáo. Các vị tôn túc có thể gặp gỡ nhiều tuần hoặc nhiều tháng bất cứ tại một địa điểm nào trong nước, có thời gian và không gian thoải mái để nghiên cứu và đưa ra những đề nghị và những giải pháp cụ thể. Nhà nước cam kết là không tìm cách gián tiếp hay trực tiếp ảnh hưởng tới tư duy và quyết định của chư vị tôn túc. Nhà nước mong liệt vị sẽ soi sáng cho nhà nước về những điểm sau đây:
Pháp Lệnh về tôn giáo có những điểm nào tích cực cần phát triển và những điểm nào không phù hợp với tinh thần Phật giáo cần phải chỉnh lý? Xin cho các cơ quan lập pháp và hành pháp biết để tu bổ, hoàn thiện và nếu cần, các cơ quan lập pháp và hành pháp sẽ tham vấn lại với liệt vị trước khi tu bổ và hoàn thiện.
Làm thế nào để hợp nhất hai giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Việt Nam Thống Nhất trong tình huynh đệ và đặt cộng đồng này ra ngoài ảnh hưởng của các vùng quyền lực chính trị trong nước và ngoài nước? Xin cho nhà nước biết, nhà nước có thể làm gì (và không nên làm gì) để yểm trợ cho sự phối hợp ấy. Sự có mặt của hai giáo hội sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp quốc gia không bị chi phối bởi chính trị là một sự kiện có thể chấp nhận và thực hiện được, nếu hai bên có điều kiện để ngồi xuống và nói hết cho nhau nghe về những khó khăn và những ước vọng của nhau. Nhà nước cần lắng nghe những khó khăn bên phía Phật giáo và bên phía Phật giáo cũng cần lắng nghe về những khó khăn mà nhà nước đang gặp phải. Không có gì mà ta không thể thực hiện được, nếu ta chịu ngồi xuống nói chuyện thành thật và thẳng thắn với nhau.
3. Chính sách của nhà nước hiện thời để đối phó với các tệ nạn xã hội như tội phạm, mãi dâm, ma túy, trác táng và tham nhũng là xây dựng những tổ văn hóa, những thôn văn hóa, những khu phố văn hóa, v.v… Cố nhiên nhà nước đang kêu gọi mọi nỗ lực của nhân dân và tăng cường sự kiểm tra và trừng phạt, nhưng những phương tiện pháp trị ấy không đủ để đối trị được tận gốc những tệ nạn kia. Các giáo hội có chương trình đức trị gì cụ thể để giúp cha mẹ truyền thông được với con cái, vợ chồng truyền thông được với nhau, tái lập lại được hạnh phúc trong gia đình để tuổi trẻ khỏi phải đi tìm cầu quên lãng trong ma túy, rượu trà, trác táng, băng đảng, tội phạm? Ngôi chùa trong thôn xóm sẽ làm được gì để đóng góp và phục hồi nền tảng đạo đức và niềm tin xóm làng?
4. Các giáo hội có thể làm được gì để giúp chấm dứt tình trạng lợi dụng trong nội bộ Phật giáo và nội bộ chính quyền ngoài sự kêu gọi hay phản đối? Nạn tham nhũng và tranh giành không phải chỉ có mặt trong đảng và trong chính trị mà cũng đang có mặt trong tôn giáo. Liệt vị tôn túc có những biện pháp cụ thể nào để giúp chấm dứt tình trạng hư hỏng của tăng ni sinh, của những vị xuất gia chỉ biết củng cố danh vọng và quyền hành, của những thành phần trong guồng máy hành chính các cấp? Chúng tôi cần tuệ giác của liệt vị, cũng như liệt vị có thể cần tới chúng tôi trong việc bảo hộ Phật pháp, ngăn chặn những thành phần thối nát không hành trì giới luật đang thao túng trong lãnh vực tôn giáo.
5. Nhà nước sẽ ra lệnh cho các ban ngành yểm trợ giới xuất gia bằng cách cấp phát hộ khẩu cho bất cứ vị xuất gia nào muốn gia nhập vào một tổ đình hay một tu học viện để tu học, không cần phải đi qua quá trình xin giấy tạm trú ba tháng, quá trình này trong quá khứ đã gây nên nạn tham nhũng trong cả hai giới giáo quyền và chính quyền. Nhà nước cam kết từ nay trở đi, thời hạn cấp phát hộ chiếu cho người xuất gia cũng là tối đa 21 ngày như những công dân Việt Namkhác, chứ không phải từ sáu tháng đến hai năm như trước.
6. Chuyến về thăm và hành đạo của Thiền sư Nhất Hạnh và Phái đoàn Quốc tế Làng Mai tuy chưa chấm dứt nhưng đã đem lại rất nhiều hàn gắn, trị liệu, nuôi dưỡng và hạnh phúc cho Phật tử từ Nam, Trung, Bắc, hàn gắn được nhiều đổ vỡ, dựng lại được nhiều đổ nát và xây đắp được tình huynh đệ. Việc chư tăng Thừa Thiên đã đến tụng giới chung với nhau lần đầu ngày 22 tháng 2 năm 2005, sau hơn 10 năm trời tụng giới riêng đã đem lại hạnh phúc lớn lao cho cả các giới xuất gia và tại gia tại Thừa Thiên, cả trong nước và ngoài nước. Các buổi giảng diễn của Thiền sư, trong đó có buổi giảng tại Học Viện Hành Chính Quốc Gia, TP HCM, các buổi giảng do Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, Ủy Ban về Người Việt Nam ở Nước Ngoài tổ chức và các khóa tu trong đó có khóa tu cho 1.200 người xuất gia tại chùa Hoằng Pháp, quận Hóc Môn, TP HCM và khóa tu cho 900 người xuất gia tại chùa Từ Hiếu, Huế đã giúp tháo gỡ rất nhiều tri giác sai lầm, nghi ngờ và sợ hãi. Nhà nước muốn được thấy các vị Hòa thượng Huyền Quang và Quảng Độ cũng được thoải mái làm các việc như thế, và bảo đảm quý vị có quyền di chuyển tự do, thuyết pháp và hành đạo trên mọi miền đất nước và sẽ tìm cách yểm trợ các vị. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là một thực tại. Nếu quý hòa thượng muốn giáo hội này phục hoạt lại, điều này không phải là một việc khó. Việc khó là chúng ta phải ngồi lại với nhau để nói chuyện, để thiết lập lại truyền thông với nhau, để lắng nghe nhau, để thấy được những khó khăn của nhau và để cùng đi đến những quyết định chung có thể làm đẹp lòng cho cả hai phía.
7. Bên phía nhà nước có Ban Tôn giáo của Chính phủ để yểm trợ cho tôn giáo, bên phía Phật giáo thì có Ban Tôn giáo liên hệ với thế quyền để yểm trợ cho bên nhà nước. Ban Tôn giáo của Chính phủ không có mục đích kiểm soát và điều khiển các tôn giáo mà chỉ để quán sát và đề nghị với các hàng giáo phẩm về những lạm dụng có thể xảy ra trong địa hạt tôn giáo và để biết được những gì nhà nước có thể làm để bảo vệ an toàn cho các cơ sở tôn giáo và yểm trợ cho giáo hội trong công tác xây dựng xã hội, lành mạnh hóa xã hội. Ban Tôn giáo liên hệ với thế quyền không có mục đích tham dự, cầu cạnh hoặc thao túng chính quyền mà chỉ để quán sát và cố vấn cho chính quyền về những phương pháp bài trừ lạm dụng, bất công, tham nhũng, có hại cho nhà nước, cho quốc gia và cho Phật giáo.