menu

Sức mạnh hòa hiệp

View: 5755 -     Nam Phương (Nghiêm Thủy)       5/06/2020 12:06:21 am
Sức mạnh hòa hiệp
Sức mạnh hòa hiệp

Trong kinh Đại bát Niết bàn ghi lại rằng khi Đức Phật đang ngụ tại núi Linh thứu gần thành Vương xá. Một hôm vua A xà Thế cử viên quan đại thần đến xin thỉnh ý Đức Phật trước khi nhà vua đem quân đánh chiếm xứ Vajjì. Lúc đó A nan đang đứng bên cạnh Đức Phật, thay vì trả lời sứ giả Ngài quay sang hỏi Anan 7 điều về lối sống của người dân Vajjì và cũng để gián tiếp trả lời vua A xà Thế. Đức Phật hỏi: Này Anan

     1/ Người dân Vajjì có thường xuyện hội họp và hội họp đông đủ không?

     2/ Người dân Vajjì có hội họp trong ý niệm đoàn kết trước, trong cũng như sau khi hội họp không?

     3/ Người dân Vajjì có tôn trọng những luật lệ đã ban hành theo đúng truyền thống không?

     4/ Người dân Vajjì có tôn kính, đảnh lễ các bâc trưởng lão trong xứ không?

     5/ Người dân Vajjì có vì tham ái, dục vọng ép buộc những phụ nữ trong xứ không?

     6/ Ngưòi dân Vajjì có tôn trọng các lễ nghi truyền thống hay bỏ hoang phế các đình miếu tôn nghiêm không?

     7/ Người dân Vajjì có tôn trọng, ủng hộ đúng pháp đến các bậc A La Hán, các bậc trưởng lão tôn túc chưa đến sẽ đến, đến rồi sẽ được an lạc không?

      Khi A nan trả lời xong những câu hỏi, Đức Phật dạy rằng: Này A nan nếu người dân Vajjì quả thật đã thực hành tốt, đúng pháp bảy điều căn bản trên đây thì đất nước sẽ được hưng thịnh, không suy giảm và không có quốc gia nào có thể xâm chiếm được. Vua A xà Thế sau khi nghe viên quan đại thần tâu lại những lời Phật dạy thì bỏ ngay ý định xâm lăng nước vajjì. Nhân câu chuyện  này Đức Phật đã hội họp tăng chúng để truyền dạy bảy điểm làm hoàn thiện tăng đoàn trong hưng thịnh và đoàn kết.

    Đây là bài học quý báu cho mọi tổ chức, hội đoàn, đoàn thể và ngay cả cho sự bền vững của một gia đình nhỏ nữa. Gia đình tuy là đơn vị nhỏ nhưng cũng vô cùng quan trọng, vẫn rất cần đến những buổi họp để giải tỏa mọi vướng mắc trong đời sống không sao tránh khỏi, thì những buổi họp gia đình sẽ là cầu nối đem đến sự cảm thông, hiểu biết và cả tình yêu thương nữa. Chính vì những lợi ích của việc hội họp Đức Phật đã đưa vào bộ luật với quy định cứ mỗi nửa tháng một lần vào ngày 14 và 30, chư tăng ni phải nhóm họp lại gọi là làm Lễ Bố tát để trùng tuyên giới luật, cũng là thời gian để các vị chia sẻ, luận đàm mọi việc tạo sự thông hiểu và gần gũi nhau hơn.

     Việc hội họp quả là điều vô cùng cần thiết cho mọi tổ chức bởi vậy Đức Phật là bậc đại trí đã đưa lên hàng đầu của sự cần thiết ấy. Tiếp theo, phải hội họp trong đông đủ, nếu không đông đủ đại chúng, không thể gọi là cuộc họp đúng nghĩa và điều đặc biệt quan trọng hơn nữa là tất cả các buổi hội họp phải trong ý niệm đoàn kết ở mọi thời điểm. Sau cùng với nhân cách đạo đức của mỗi thành viên trong tổ chức cũng là điểu kiện cần thiết để tạo nên một từ trường hiền thiện thì tổ chức mới thật sự trường tồn vững mạnh. Nếu mỗi cá nhân luôn dẹp bỏ cái bản ngã riêng tư để tôn trọng những lợi ích chung của tổ chức thì không có gì phải lo lắng cho sự tồn vong hay tiêu hoại.

   Đến hôm nay đã qua ngày 30-4-2020 có nghĩa rằng đã qua hơn 45 năm ngày CS chiếm đóng miền Nam VN. Cho dù thời gian có qua đi thật nhanh như dòng nước chảy xuôi thì những đau thương uất hận vẫn còn tồn tại, hiện hữu như mới ngày hôm qua. Bởi cho đến bây giờ không biết bao nhiêu con người vẫn đang bị giam cầm bên trong nhà tù CS, bao nhiêu nhân tố tích cực tài ba của đất nước vẫn còn đang bị đọa đày trong lao ngục và hơn thế nữa đến hôm nay mỗi ngày vẫn tiếp tục không biết bao nhiêu con người bị tống giam vào ngục chỉ vì lòng yêu nước nhiệt thành của họ. Sống trong một đất nước mà mọi tự do, mọi quyền làm người đều bị tước đoạt, mọi sinh hoạt hội họp ở nhiều lãnh vực đều bị cấm đoán thì chẳng có tổ chức nào có thể tồn tại hay phát triển được trong một xã hội, một chế độ gọi là độc tài đảng trị như vậy, thật chẳng còn lời nào để nói  nữa.

     Đây là số phận chung oan khiên, nghiệt ngã của dân tộc, của đất nước mà trong đó có số phận của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) và cho cả số phận của vị Thầy gần nửa cuộc đời với 45 năm dài đăng đẳng, có lúc gần như tuyệt vọng vì những năm tháng bị lưu đày trong lao ngục, bị giam cầm, quản thúc hết ở quê mẹ Thái bình, lại đến Sài gòn muôn thuở vẫn không chịu bỏ cuộc, vẫn không ngừng lên tiếng đấu tranh cho lẽ phải, tự do công bằng cho quê hương dân tộc. Đó là Ngài Đệ Ngũ Tăng Thống Hòa thượng Thích Quảng Độ, một ngọn đuốc kiên cường tiêu biểu cho tinh thần vô uý, bất khuất vừa mới vụt tắt hôm 22-2-2020.

    Thầy đã thực hành hạnh kham nhẫn trong Thập độ Ba La Mật, âm thầm lặng lẽ nhưng cương quyết không sợ hãi, không hợp tác với chế độ CS, để rồi cứ phải vào tù, cứ bị quản thúc vẫn không nản chí, sờn lòng. Cho đến khi cả thế giới biết đến đều tỏ lòng thán phục, đã trao tặng nhiều giải thưởng cũng như nhiều lần đề nghị giải Nobel Hoà bình vì sự đấu tranh mạnh dạn không mệt mỏi của Thầy. Quả thật nếu Thầy Quảng Độ không có một tinh thần lạc quan vô uý xuyên suốt bao nhiêu năm tháng bị tù đày, giam lỏng như vậy, chắc đã không thể có những vần thơ khiến mọi người đều cảm phục:

     Những lúc trầm tư nếm vị thiền

     Lâng lâng không bợn chút ưu phiền

     Ngục thất dầu sôi thành cam lộ

     Lao tù lửa bỏng hoá hồng liên

     Sau năm 1975 Thầy Quảng Độ về quê Thái Bình đón mẹ vào Sài gòn sống cùng với Thầy ở Thanh minh Thiền viện (TMTV) và mặc dù đã bị chính quyền CS bắt lần thứ nhất vào tháng 6-1977, nhưng tại TMTV Thầy vẫn mở những buổi giảng cho đồng bào Phật từ đến nghe pháp, đồng thời cũng để nói lên quan điểm không khuất phục sự áp bức, tước đoạt quyền tự do con người của chính quyền CS qua những bài giảng và những câu thơ, mà mẹ chúng tôi lúc chưa đi định cư ở Mỹ mỗi tuần đều đến TMTV nghe và thuộc nằm lòng những bài thơ của Thầy. Năm 1982 khi CS bắt đầu cảm thấy bất ổn về những buổi giảng của Thầy Quảng Độ, đã ép buộc Thầy phải về quê Thái bình để quản thúc.

    Trong một lần về thăm Hoà Thượng Thanh Minh, Viện chủ TMTV đã kể cho chúng tôi nghe, khi ấy Hòa Thượng (HT) đã nói với Thầy Quảng Độ

     _  Nếu nhà nước bắt Thầy phải về quê thì cứ để cụ ở lại đây tôi sẽ thay Thầy chăm sóc cụ như mẹ tôi vậy.

     Nhân đây chúng tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến HT Thanh Minh dù hôm nay HT đã không còn nữa. Bởi nếu không nhờ có sự thương mến và giúp đỡ của HT Thanh Minh chắc chắn trong những lần về VN chúng tôi không thể nào vào thăm Thầy Quảng Độ được. Nhất là khoảng thời gian sau khi Thầy Quảng Độ được cả thế giới biết đến với nhiều lần đề nghị giải Nobel Hoà bình thì sự kiểm soát của CS càng chặt chẽ hơn nữa. Lối cầu thang dẫn lên phòng Thầy mà trước đó chúng tôi có thể vào được thì nay đã có cửa sắt khoá bên ngoài. Bước vào bên trong sân TMTV, phía bên trái có cái bàn với người đàn ông mặc đồ thường phục ngồi toạ thị ở đó để theo dõi những người vào ra trong Chùa. Vì vậy mỗi khi đến TMTV chúng tôi phải đi thẳng lên chánh điện lễ Phật trước, như người Phật tử bình thường để tránh bị để ý, sau đó đi tìm HT Thanh Minh. Được HT dẫn xuống phòng Tổ đường có cửa sổ nhìn thẳng vào lối dẫn lên phòng Thầy Quảng Độ. Trò chuyện một lúc, khi thấy thuận tiện thì HT ra dấu cho chúng tôi đi thật nhanh lên lầu để thăm Thầy Quảng Độ, vì lúc nào đến thăm HT Thanh Minh cũng biết ý chúng tôi trước là thăm HT sau nữa là thăm Thầy Quảng Độ.

    Năm 2007 chúng tôi cũng có dịp đưa mẹ về thăm được cả hai vị, bà rất vui và mãn nguyện lắm. HT Thanh Minh sau 1975 cũng có thời gian bị chính quyền CS giam giữ, khi ra tù HT về lại TMTV. Tuy không trực tiếp đi theo con đường đấu tranh của Thầy Quảng Độ, nhưng ở chỗ thân tình chúng tôi biết rõ HT là người gián tiếp giúp Thầy Quảng Độ rất nhiều, vì trên cương vị là Viện chủ HT không thể tránh khỏi những phiền phức do chính quyền CS quấy nhiễu khi để Thầy Quảng Độ lưu trú hơn 20 năm ở Thiền viện. Vì vậy cho đến hôm nay chúng tôi vẫn không nghĩ đó là sự thật với thông tin vào ngày 15-9-2018 HT Thanh Minh lúc này đã 90 tuổi lại gây sức ép buộc Thầy Quảng Độ phải rời khỏi Thiền viện, để rồi đúng 4 tháng sau 15-1-2019 thì HT Thanh Minh viên tịch. Quả thật cuộc đời của Thầy Quảng Độ có quá nhiều gian nan, sóng gió, lắm điều tiếng thị phi xen lẫn cả những tôn vinh kính ngưỡng.

    Năm 1992 sau đúng 10 năm bị quản thúc ở Thái Bình, Thầy Quảng Độ đã tự ý về lại TMTV Sài gòn, để rồi 3 năm sau 1995 lại bị bắt đi tù và bị tuyên án 5 năm tù ở, 5 năm quản chế. Đến năm 1998 ra tù và được yêu cầu đi Mỹ nhưng Thầy từ chối. Năm 1999 khi biết tin Thầy Quảng Độ thỉnh cử Thầy Tuệ Sỹ làm Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, chúng tôi đã rất vui mừng vì điều này sẽ tiếp sức thêm cho tiếng nói của Giáo Hội PGVNTN trong công cuộc đấu tranh vì tự do, công bằng cho đất nước. Bởi nói về Thầy Tuệ Sỹ, mọi người đều biết đến Thầy là người nổi tiếng học rộng, uyên bác nhiều ngôn ngữ, kinh điển và cũng là người can trường bất khuất để phải vào tù ra khám dưới chế độ CS mà không hề khiếp sợ, kể cả khi bị tuyên án tử hình, rồi đến chung thân và cuối cùng sau 14 năm bị giam cầm, CS cũng phải thả Thầy ra cùng với câu nói khẳng khái của Thầy “ Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi ”.

     Thầy Tuệ Sỹ cũng là vị Thầy mà chúng tôi vô cùng kính mến và có may mắn được học với Thầy khoảng thời gian 1983 trước khi Thầy bị bắt vào năm 1984. Thầy đã bị chính quyền CS bắt đi học tập cải tạo trước đó 3 năm, được ra trường cải tạo năm 1981, vậy mà trong lúc dạy học chúng tôi Thầy đã dự báo trước và thường hay nói được hôm nào biết hôm ấy vì CS sẽ bắt Thầy trở lại.

   Từ bao nhiêu năm nay Thầy Tuệ Sĩ vẫn vậy, vẫn gầy gò, ốm yếu, ngoại trừ đôi mắt luôn sáng và đầy cương nghị. Sau khi ra khỏi nhà tù CS Thầy về sống giản dị trên căn phòng rất nhỏ ở Tu viện Quảng Hương Già lam, nơi làm việc của Thầy là bên ngoài mái hiên cùng chiếc bàn gỗ thấp không cần ghế, Thầy ngồi dưới nền gạch với những chồng sách chung quanh, mặc cho công an chìm nổi vây bọc bên ngoài Già lam.

   Thế rồi sự hợp tác làm việc của hai vị trong hàng lãnh đạo Giáo hội không được bao lâu đã đi đến chỗ kết thúc, bế tắc hoàn toàn không lý do, không rõ ràng. Điều này cho thấy nếu lấy lời Phật dạy mà suy xét thì đúng là bởi nghịch duyên, nghiệp chướng trong hoàn cảnh mất tự do, tự chủ, vì mọi việc làm của các Thầy đều bị chính quyền CS theo dõi, không thể gặp mặt hay có những buổi hội họp công khai chính thức thì tránh sao khỏi những sai sót hiểu lầm nguy hại xảy ra. Trong một lần về thăm Thầy Quảng Độ được nghe Thầy nói Thầy Tuệ Sỹ tự ý làm đơn xin thôi giữ chức vụ đã giao. Nhưng đến khi gặp Thầy Tuệ Sỹ và cả Thầy Thanh Huyền lúc đó là Tổng vụ Trưởng Tổng vụ Thanh niên cũng đang sống tại Già Lam, thì được các vị cho biết hoàn toàn không hay biết gì về quyết định của Thầy Quảng Độ và cũng không hề có đơn xin từ chức. Chúng tôi chỉ biết lắng nghe trong sự kính phục hạnh kham nhẫn của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Thanh Huyền, khi các vị chỉ im lặng không lên tiếng và cũng không hề buồn phiền gì Thầy Quảng Độ.

   Năm tháng trôi qua, sau khoảng thời gian đó Thầy Tuệ Sỹ nhập thất nhiều hơn nên chúng tôi không còn có dịp gặp lại Thầy nữa. Riêng Thầy Quảng Độ chúng tôi còn được gặp lần cuối cùng vào năm 2015, cũng thật là may mắn. Nhưng lúc này Thầy đã gầy yếu nhiều, nét mặt buồn và cô đơn hiện rõ, Thầy nói mỗi đêm chỉ ngủ được 3-4 tiếng mà thôi, lại thêm nhiều bệnh tật trong người cùng với cả nhiều nỗi ưu tư nữa. Nhân đó chúng tôi có hỏi Thầy hai việc

    1/ Tại Hoa kỳ hiện nay số lượng Chư Tăng Ni và đồng bào Phật tử rất đông Thầy có muốn có một Phòng thông tin ở Mỹ thay vì ở Pháp đã có lâu rồi không ? Thầy trả lời rất muốn nhưng hỏi làm thế nào ?

    2/ Thầy có muốn mời Thầy Tuệ Sỹ ra làm việc trở lại không ? Thầy trả lời có, rồi hỏi lại thế bây giờ Tuệ Sỹ đang ở đâu ?

   Đó là những gì chúng tôi biết được, để hôm nay viết lại những lời này vì quá hoan hỷ khi nhìn thấy dù chỉ qua video ngắn hình ảnh Thầy Quảng Độ và Thầy Tuệ Sỹ ngồi nói chuyện tại Chùa Từ Hiếu Quận 8 Sài gòn vào ngày 21-3-2019, là nơi an trú cuối cùng của Thầy Quảng Độ trước lúc xả bỏ thân tứ đại. Khi Thầy Quảng Độ cho mời Thầy Tuệ Sỹ về để giao lại trọng trách Xử Lý Viện Tăng Thống và cả ấn tín của Viện Tăng Thống đã thể hiện sức mạnh của Giáo Hội PGVNTN mà Thầy đã gìn giữ bao nhiêu năm qua, là một việc làm rất đáng thán phục. Dù tuổi cao sức yếu nhưng thần thái an nhiên, tinh thần vẫn sáng suốt, Thầy vẫn biết mình muốn gì và phải làm gì cho đại cuộc đang còn dang dở.

   Hôm nay Thầy đã đi rồi, bao nhiêu gian truân phiền não của thế sự Thầy đã trút bỏ, thanh thản rời thế gian này nhưng công cuộc đấu tranh trước mắt vẫn còn rất nhiều gian khó dưới chế độ độc tài đảng trị. Làm sao để có thể hội tụ được sức mạnh đoàn kết như lời Đức Phật dạy, điều này thật không phải dễ dàng. Làm sao để có được tự do, tự chủ và hơn thế nữa làm sao để dẹp bỏ tự ngã cá nhân, để cùng ngồi lại với nhau mới có thể tiếp sức cho Giáo Hội trong công cuộc đấu tranh vì đạo pháp và dân tộc đã hơn 45 năm qua.

    Đức Phật dạy không có gì cao quý hơn đời sống lục hòa và cũng không có gì tệ hại hơn tội chia rẽ tăng chúng trong Ngũ nghịch đại tội. Ngày hôm nay Thầy Tuệ Sỹ thương kính Thầy, vâng lệnh Thầy để kê vai gánh vác đại cuộc trong lúc tuổi đời đã xấp xỉ 80 cũng là một việc làm thật đáng kính ngưỡng.

   Riêng chúng con chỉ còn biết chắp tay cầu nguyện Phật lực gia hộ cho Thầy ở một nơi chốn bình an nào đó cùng hộ trì cho Thầy Tuệ Sỹ luôn được nhiều sức khoẻ và cho tất cả mọi người con Phật trên toàn thế giới đều chung tay, góp sức để ước nguyện tự do cho đạo pháp và dân tộc sớm được viên thành như nguyện.

              

California, 30-5-2020

Nam Phương (Nghiêm Thuỷ)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin