menu

GHPGVNTNHN/HK – Phật Giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu: Hai Mươi Năm Trong Chế Ðộ Cộng Sản (1975-1995)

View: 2342 -     Uyên Nguyên       17/11/2021 08:11:06 pm
GHPGVNTNHN/HK – Phật Giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu: Hai Mươi Năm Trong Chế Ðộ Cộng Sản (1975-1995)
GHPGVNTNHN/HK – Phật Giáo Việt Nam, Biến Cố và Tư Liệu: Hai Mươi Năm Trong Chế Ðộ Cộng Sản (1975-1995)
LỜI VÀO TẬP

Thấm thoát đã hai mươi năm trôi qua kể từ khi đất nước lâm vào Quốc Nạn và Phật giáo lâm vào Pháp Nạn dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam. Hai mươi năm ấy so với thời gian có mặt của Phật giáo trên đất nước thì chỉ là một khoảnh ngắn ngủi, một phần trăm của lịch sử 2000 năm. Vậy mà đã có không biết bao nhiêu là suy vi, tủi nhục diễn ra trong cái khoảnh thời gian ngắn ngủi ấy. Và cho đến nay, người ta vẫn chưa dự đoán được là đến lúc nào cơn Quốc Nạn và Pháp Nạn kia mới được giải trừ. Trước cái viễn ảnh mờ mịt đó, những kẻ có lòng đối với Dân Tộc và Ðạo Pháp vẫn chỉ có một con đường trước mắt là tiếp tục ngồi lại với nhau, vạch tìm một khai lộ cho tương lai đất nước. Vạch tìm bằng cách nhìn lại các biến cố lịch sử, các tư liệu mà tự nó đã nói lên một cách trung thực các sự kiện, rồi từ đó thảo luận để rút tỉa kinh nghiệm, bàn bạc để nhận rõ các ưu khuyết điểm… có vậy mới cất được những bước vững chãi hơn trong những ngày dấn thân sắp tới. Ðó là lý do có mặt của tập tài liệu này, vì đây có thể nói là bản đúc kết và tóm lược những biến cố quan trọng liên quan đến sinh hoạt và vận mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở quốc nội từ ngày 30-4-1975 đến khoảng thời gian tiền Ðại Hội Khoáng Ðại lần thứ I của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Hoa Kỳ, Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo.

Mặc dầu có mặt với mục đích như thế, tập sách này cũng rất cần thiết được phổ biến đến tất cả những ai muốn tìm hiểu hoặc chưa có cơ hội tìm hiểu một cách chính xác về hiện trạng Phật Giáo Việt Nam trong nước cũng như hành hoạt của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Hải Ngoại.

Với mục đích cung cấp biến cố và tư liệu, những người thực hiện tập tài liệu này sẽ cố gắng trình bày một cách khách quan các biến cố quan trọng xảy ra theo thứ tự thời gian cũng như theo liên hệ nhân quả của các sự kiện. Chỗ nào đáng giải thích hay chú thích thêm, chúng tôi mới giải thích và chú thích; còn ngoài ra, đều dựa vào và trưng dẫn nguyên văn các văn kiện qua lại từ phía Phật giáo và chính quyền Việt Nam để cho các văn kiện này tự nói lên sự thực.

Như vậy, tập sách sẽ chia làm 5 Phần: Phần I và Phần III xem như là Phần Biến Cố, trong đó, Phần I sẽ trình bày sơ lược các dữ kiện xảy ra trong nước đối với Giáo Hội Phật giáo truyền thống theo thứ tự thời gian, Phần III sẽ trình bày sơ lược các vận động đấu tranh hậu thuẫn của GHPGVNTN Hải ngoại (đặc biệt là Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo tại Hoa Kỳ) nhằm yểm trợ phong trào phục hồi Giáo hội Phật giáo truyền thối; Phần II, IV và V có thể xem như là Phần Tư Liệu, chỉ trưng dẫn nguyên văn các văn kiện liên hệ, cũng theo thứ tự thời gian trong mỗi Phần riêng biệt, trong đó, Phần II là các văn kiện tài liệu quốc nội, Phần IV là những văn kiện tài liệu ở hải ngoại, và Phần V là những văn kiện bằng ngoại ngữ (Anh hoặc Pháp) từ các chính phủ các quốc gia, các tổ chức nhân quyền, các chính khách quốc tế, các tôn giáo bạn v.v… lên tiếng ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chủ xướng.

Trong Phần I, ở một số sự kiện quan trọng, chúng tôi chú thích số trang để quí vị có thể tìm đọc ngay các văn kiện liên hệ được trưng dẫn nguyên văn ở các phần II.

Riêng Phần III, Sơ lược về các hành hoạt của GHPGVNTN Hải Ngoại, chúng tôi xin được sử dụng các bản Báo Cáo và Tổng Kết của Ðại Hội Thống Nhất PGVN tại Hoa Kỳ (1992), Ðại Hội Thường Niên lần I (1993), lần II (1994), lần III (1995) và Ðại Hội Khoáng Ðại lần I (1996) của GHPGVNTNHN-HK vì các văn bản này tự chúng đã làm công việc tóm lược các hành hoạt của Giáo Hội tại hải ngoại rồi. Cũng cần lưu ý ở Phần III này rằng, vì tính cách giới hạn của thời gian và tài liệu nắm được, chúng tôi chỉ có thể cung cấp các biến cố và tư liệu liên hệ trực tiếp đến Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, đặc biệt là Văn Phòng Thường Trực Hội Ðồng Ðiều Hành; ngoài ra, hoạt động của các Châu khác như Châu Âu, Châu Úc và Châu Á với sự vận động tích cực và vô cùng hữu hiệu để yểm trợ công cuộc đấu tranh phục hồi Giáo hội truyền thống của chư Tăng Ni Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Chi Bộ Châu Âu, Chi Bộ Úc Châu/Tân Tây Lan và Chi Bộ Á Châu, đều đề cập đến một cách khái quát theo tài liệu hiện có. Chúng tôi thiết tha chờ đợi một công trình sưu tập của chính Giáo hội các Châu ấy để bổ túc cho tập tài liệu này trong lần tái bản được hoàn bị hơn.

Tất nhiên với số trang giới hạn của một tập tài liệu tóm lược, ấn bản này sẽ không tránh khỏi những sơ xuất hay thiếu sót, vì vậy chúng tôi rất mong đợi sự tận tình chỉ giáo và đóng góp ý kiến từ chư Tôn đức Tăng Ni, các bậc thức giả và đồng bào Phật tử trong nước cũng như ngoài nước để tập sách được hoàn chỉnh hơn trong lần in tới.

Lời cuối, với bấy nhiêu việc nhỏ mọn, chúng tôi chỉ hy vọng rằng sẽ đóng góp một cách nhìn đúng như thực đối với hiện trạng Phật Giáo Việt Nam tại quê nhà. Ðược như vậy thì chúng tôi đã mãn nguyện.

Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo

Văn Phòng Thường Trực Hội Ðồng Ðiều Hành GHPGVNTN-HK

(Nhiệm kỳ I, 1992-1996)



PHẦN I:

SƠ LƯỢC NHỮNG BIẾN CỐ QUAN TRỌNG LIÊN QUAN ÐẾN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

(1975-1995)

Từ bối cảnh băng hoại trầm uất của xã hội Âu châu ảnh hưởng bởi nhiều thế kỷ trước với sự góp phần không nhỏ của các tôn giáo hữu thần Tây phương, Marx đã nhiều lần lặp đi lặp lại nhận định của ông: “Tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng”. Và Lenin, trong bối cảnh của nước mình đầu thế kỷ 20 với Chính Thống Giáo Nga, cũng nhại lời Marx, triển khai cái nhận định vơ đũa kia thành một thứ chân lý chắc nịch trong sách lược nhuộm đỏ thế giới của mình. Thế rồi, cái “chân lý” về tôn giáo ấy trở thành một thứ tín điều mới cho người Cộng Sản khắp năm châu, kể cả châu Á với Trung Hoa, Việt Nam, Ðại Hàn… là những nước được nuôi dưỡng bởi ba nền đạo học (Phật-Khổng-Lão) hoàn toàn không mang tính chất hữu thần cũng như hệ thống tổ chức tập trung quyền lực như các tôn giáo Tây phương.

Ngay từ khi toàn thắng chiếm Trung Hoa, Mao Trạch Ðông đã áp dụng ngay chính sách bài trừ tôn giáo. Tại miền Bắc Việt Nam, chính sách ấy cũng được Hồ Chí Minh và tập đoàn Cộng sản Việt Nam triệt để tuân thủ từ sau Hiệp định Genève 1954. Và cuối cùng, sau khi chiếm trọn đất nước vào tháng 4 năm 1975, giới lãnh đạo Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục thi hành cái tín điều sai lầm ấy đối với các tôn giáo vững mạnh tại miền Nam, đặc biệt nhắm vào Phật giáo – một tôn giáo (phải cưỡng ép mà dùng từ ngữ hạn hẹp này) có số lượng quần chúng đông đảo nhất của dân tộc.

Từ những ngày đầu tiên của chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, đồng thời với các chính sách kinh tế mới, cải tạo thương nghiệp và quốc hữu hóa tài sản của nhân dân, Cộng sản đã tịch thu và chiếm dụng ngang nhiên hầu hết các cơ sở thờ tự (các động sản và bất động sản của chùa…) cho đến các cơ sở văn hóa giáo dục (các trường Trung Tiểu học Bồ Ðề, Tu viện, Sơ – Trung – Cao đẳng Phật học viện, Ðại học Phật giáo…), các cơ quan từ thiện xã hội (Cô nhi viện, Ký nhi viện, Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội…) trực thuộc Giáo Hội Phật Giáo. Ðối với Tăng Ni, họ bắt bớ, giam cầm, cưỡng bức hoàn tục bằng mọi cách, thậm chí còn bắt đi nghĩa vụ quân sự để cầm súng chiến đấu ngoài mặt trận.

Nhưng Phật giáo vốn là một tôn giáo gắn liền một cách hoà hợp với dân tộc từ gần hai mươi thế kỷ qua biết bao nhiêu thời kỳ suy-thịnh nhục-vinh của đất nước; cho nên, lịch sử Phật giáo đã không ngoa khi nói rằng “Phật giáo với Dân tộc là một. Dân tộc còn là Phật giáo còn; Dân tộc mất là Phật giáo mất”. Như vậy, một khi chính sách của người Cộng sản xâm tổn đến quyền lợi chung của dân tộc, hẳn nhiên sẽ có sự lên tiếng phản đối của Phật giáo. Căn nguyên mọi phong trào đấu tranh của Phật giáo là từ đó.

Giai đoạn giao thời giữa hai chế độ và giữa hai Giáo Hội (1975-1980)

09-4-1975: Thông cáo kêu gọi Hóa Giải của Viện Hóa Ðạo: Khi quân đội Cộng sản Bắc Việt ồ ạt vượt vĩ tuyến 17, xâm chiếm các tỉnh cao nguyên, miền Trung, Nam và Tâm Nam bộ, và cuối cùng bao vây Sài Gòn, còn những nhà lãnh đạo trung ương của chính thể miền Nam thì cao bay xa chạy, người ta đã thấy ngay cái viễn cảnh đen tối nhất sẽ chụp phũ xuống thân phận những lương dân vô tội miền Nam. Ðể tránh cảnh đổ máu vô ích vào những giây phút cuối cùng mà mọi người đều thấy rõ phần thắng sẽ về ai – giữa một lực lượng chính quy với bao nhiêu quân đoàn sắt máu có kỷ luật và một lực lượng quân đội đã tan rã không có cấp chỉ huy – Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã ra Thông Cáo vào ngày 09-4-1975, kêu gọi hai phe lâm chiến hãy thương thảo để tìm một giải pháp hòa bình cho Việt Nam. Nội dung Thông cáo, ngoài ý hướng tỉnh giác phía quân đội Bắc Việt đang thắng thế: “đừng biến chúng ta thành tù nhân của chủ nghĩa, vì đời sống con người quý hơn chủ nghĩa”. Giáo Hội còn đề nghị ba điểm cụ thể chính yếu sau:

Với hòa bình, chúng ta có thể phục vụ đạo pháp và dân tộc hữu hiệu hơn.

Yêu cầu hai phe lâm chiến đừng tàn sát nhân dân vô tội vì theo bên này hay theo bên kia.

Yêu cầu hai phe lâm chiến hạn chế tối đa vũ lực cứu mạng người trong giai đoạn chuyển tiếp.

*

22-11-1975: 12 Tu sĩ Phật giáo tự thiêu tại Cần Thơ: Tại chùa Dược Sư, Cần Thơ, Ðại đức thích Huệ Hiền và tất cả Tăng Ni trong chùa tổng cộng gồm 12 vị, đã tự thiêu tập thể nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chế độ CSVN. Trong bản tuyên bố để lại, 12 vị này nêu rõ: “Chúng tôi sắp sửa thể hiện việc thiêu thân để bảo toàn Chánh Pháp, để bảo vệ danh nghĩa của giới Tăng sĩ tại địa phương cũng như toàn quốc… Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cốt đem tấm nhục thân này làm bó đuốc soi sáng cho những người mê muội vô ý thức…” Ðối với đệ tử của chùa Dược Sư, Ðại đức Huệ Hiền căn dặn: “Chúng ta không nên vì cái thân vị kỷ này, không nên nuối tiếc nó, không nên khóc lóc vì nó. Trái lại, chúng ta phải tự hãnh diện đã sử dụng nó đúng mức, sử dụng nó cho công lý, cho tự do… Nên nhớ không ai cứu ta bằng ta tự cứu ta, không ai giải thoát ta bằng ta tự giải thoát ta.” Ðối với nhà cầm quyền Cộng Sản, Ðại đức Huệ Hiền đại diện toàn thể Tăng ni tự thiêu, nêu lên nguyện vọng 6 điểm rồi kết luận rằng: “Chúng tôi, Tăng Ni chùa Dược Sư, tha thiết kêu gọi quý vị hãy tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả mọi tôn giáo… Chúng tôi quyết nguyện thiêu thân hôm nay vì chúng tôi nghĩ thà chết vinh hơn sống nhục, thà chết cho chân lý đạo nghĩa hơn sống mà phải theo tà thuyết hại dân.”

(Kèm theo tư liệu ghi lại sự kiện trên, có ba phụ bản văn kiện liên quan:

– Phụ bản1: thư Tuyệt mệnh của Ðại đức Thích Huệ Hiền, trụ trì Thiền viện Dược Sư, Cần Thơ cùng toàn thể Tăng Ni tự thiêu.

– Phụ bản 2: Tâm thư lưu lại của chư Tăng Ni Tự thiêu tại Thiền viện Dược Sư, Cần Thơ.

– Phụ bản 3: Thư của Tăng Ni chùa Dược Sư gởi chính quyền CSVN.)

28-11-1975: Viện Hóa Ðạo lên tiếng về vụ Tự thiêu ở Cần Thơ: Hòa thượng Thích Trí Thủ, bấy giờ là đương kim Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã gởi văn thư số 0316/VHÐ/VT đến Chủ tịch chánh phủ Cách Mạng lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam, ngoài việc tường trình về nội vụ tự thiêu của 12 vị Tăng Ni theo kết quả điều tra chung giữa Giáo Hội và chính quyền địa phương. Giáo hội đã tế nhị không quy trách nhiệm vụ cho chính quyền trung ương về sự vụ, nhưng trình bày nguyện vọng 5 điểm như sau:

1. (Chính quyền) chỉ thị cho các bộ hạ tầng triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của toàn dân đã được Mặt trận và chính phủ Cánh Mạng bảo đảm bằng minh văn

2. Xử lý thích đáng những người có trách nhiệm đã gây ra sự kiện bi thàm tại Thiền viện Dược Sư.

3. Xin phóng thích những người bị bắt khi họ về thăm Thiền viện Dược Sư.

4. Xin giải toả và trả lại ngôi Thiền viện Dược Sư.

5. Tìm biện pháp hữu hiệu ngăn chặng không để cho những trường hợp tương tự tái diễn.

Phụ bản:

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Viện Hóa Ðạo

Sài Gòn, ngày 28 tháng 11 năm 1975

Kính gởi: Ông Chủ Tịch Chánh Phủ Cách Mạng Lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam

Thưa quí vị Chủ Tịch,

Ngày 02 tháng 11 năm 1975, tại tỉnh Cần Thơ đã xảy ra một vụ tự thiêu tập thể hết sức bi thảm của 12 Tăng Ni để phản đối chánh quyền địa phương về hành động vi phạm chánh sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Mặt Trận Dân Tộc Giải phóng và Chánh Phủ Cách Mạng. Nguyên nhân như sau:

Hằng năm cứ đến ngày 21 tháng 9 Âm lịch, Tăng Ni Thiền viện Dược Sư tại ấp Tân Long A, xã Tân Bình, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ có làm lễ kỷ niệm Ni Cô Diệu Hậu đã tự thiêu ngày 21 tháng 9 năm Nhâm Tý (1972) để cầu nguyện hòa bình. Ðặc biệt năm nay cũng là lần thứ nhất kỷ niệm một Ni Cô nữa tên Diệu Nguyên cũng đã tự thiêu để cầu nguyện hòa bình ngày 21 tháng 9 năm Giáp Dần (1974). Vì hai sự kiện trùng hợp đó nên năm nay Tăng Ni Thiền viện Dược Sư đã tổ chức lễ kỷ niệm trong ba ngày từ 19 đến 21 tháng 9 Ất Mão, tức từ 23 đến 25 – 10 – 1975. Nhưng cuộc lễ đã bị chính quyền địa phương ngăn cấm.

Ðến ngày 24 tháng 10 năm 1975, Ủy Ban Cách Mạng xã Tân Bình đã cho gọi Ðại Ðức Thích Huệ Hiền đến văn phòng xã buộc phải chấp hành những điều sau đây:

1. Cấm tuyệt đối không được treo cờ Phật Giáo ngoài chùa.

2. Cấm tuyệt đối không được để chung việc cầu nguyện tôn giáo cho Bác và liệt sĩ vào các chương trình hành lễ.

3. Tăng Ni thiền viện không được nhập thất và tịnh Khẩu mà phải ăn cơm và nói chuyện để học theo đường lối cách mạng.

4. Ông Trụ Trì phải có trách nhiệm phát huy thắng lợi vẻ vang lịch sử vĩ đại của Cách Mạng cho Tăng Ni Thiền Viện.

5. Tăng Ni Thiền Viện phải hợp tác sinh hoạt chính trị các tổ chức đoàn thể của Cách Mạng.

6. Cấm tuyệt đối không được thu nhận đệ tử xuất gia và tại gia.

Vì nhận thấy những điều trên đây của Uủy Ban Cách Mạng xã Tân Bình quá khắt khe đối với người tu hành, không thể thực hiện đồng lòng chọ cái chết để được giải thoát.

Và đúng 24 giờ khuya ngày 29 tháng 9 Aát Mão, tức ngày 02 tháng 11 năm 1975, tất cả Tăng Ni Thiền Viện Dược Sư đạ tự thiêu để lại một bức thư tuyệt mệnh với bảy các Tăng Ni đã bị nhà chức trách địa phương đưa đi mất tích và thiền viện Dược Sư bị cô lập.

Ba ngày sau nghe tin thầy tự thiêu, mấy người đệ tử của Ðại Ðức Thích Huệ Hiền là Ni Cô Diệu Hoa tục danh Phạm Thị Chước, Ni Cô Diệu Hậu tên Nhà (không rõ họ) và cô Vũ Bạch Tuyết pháp danh Diệu Nga về thăm liền bi bắt và đưa đi đâu không ai biết. Ngoài ra còn nhiều chi tiết liên quan đến vụ này chúng tôi không thể đề cập hết vì quá đau lòng.

Thưa quí vị Chủ Tịch,

Chúng tôi phản ảnh sự kiện này với niềm hy vọng là quí vị Chủ Tịch và Chính Phủ Cách Mạng sẽ lưu tâm nhiều hơn đến tình hình tại các cơ sở hạ tầng. Chúng tôi không tin hay nghĩ rằng sự kiện đáng tiếc nay cũng như một số sự kiện khác liên quan đến vấn đề tự do tín ngưỡng đã xảy ra tại một số nơi, là chủ trương hoặc chính sách chung của mặt trận và Chính Phủ, mà đây chỉ là dự bồng bột và sai lầm của những cán bộ hạ tầng. Chúng tôi chưa mất niềm tin ở chính sách quang minh và chính đại của cách mạng, do đó chúng tôi xin đạo đạt lên ông chủ tịch và chính phủ những nguyện vọng sau đây:

1. Chỉ thị cho các cán bộ hạ tầng triệt để tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đã được Mặt Trận và Chánh Phủ Cách Mạng bảo đảm bằng minh văn.

2. Xử lý thích đáng những người có trách nhiệm đã gây ra sự kiện bi thảm tại Thiền viện Dược Sư.

3. Xin phóng thích những người bị bắt khi họ về thăm Thiền Viện Dược Sư

4. Xin giải tỏa và trả lại ngôi Thiền Viện Dược Sư.

5. Tìm biện pháp hữu hiệu ngăn chặn, không để cho những trường hợp tương tự tái diễn.

Thưa quí vị Chủ Tịch,

Ðáng lý ra chúng tôi phải đến trực tiếp trình bày nội vụ với quí vị cho được đầy đủ hơn và kín đáo hơn thay vì gửi văn thư này, nhưng rất tiếc là một cuộc gặp gỡ trực tiếp như vậy rất khó khăn, bởi vì, từ sau ngày Miền Nam được hoàn tàn giải phóng đã ba lần chúng tôi xin được tiếp xúc với quí vị để trình bày về lập trường của Giáo Hội chúng tôi, nhưng đã không được quí vị chấp thuận. Tuy nhiên chúng tôi vẫn sẵn sàng cung cấp đầy đủ chi tiết về vụ này cũng như về nhiều vấn đề khác một cách trực tiếp nếu quí vị Chủ Tịch thấy điều đo cần thiết.

Với tất cả lòng thành, chúng tôi cầu chúc quí vị Chỉ Tịch dồi dào sức khoẻ để lãnh đạo Mặt Trận và Chính Phủ mang lại yên vui hạnh phúc cho toàn dân.

Trân trọng cám ơn và kính chào quí vị Chủ Tịch

Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo

Hoà Thượng Thích Trí Thủ

(Ấn ký)

04-10-1976: Giáo hội can thiệp việc CSVN bắt tu sĩ đi quân dịch: Đất nước vừa tàn cuộc chiến nồi da nấu thịt sau gần 30 năm khói lửa, CSVN lại tiếp tục vào một cuộc chiến mới gọi là “Nghĩa vụ quốc tế” đối với Campuchea, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ra quyết định số 310/TTG ngày 22-7-1976 trong đó bắt buộc các tu sĩ các tôn giáo trong lứa tuổi từ 18 đến 25 đều phải thi hành “nghĩa vụ” quân sự này. Hòa Thượng Thích Trí Thủ đã lên tiếng can thiệp với lời lẽ khiêm cung qua văn thư số 0189-VHĐ/VP đề ngày 04-10-1976 gởi Thủ tướng Phạm Văn Đồng để xin miễn dịch cho các tu sĩ thanh niên nằm trong 8 trường hợp đặc biệt do Viện Hóa Đạo đề nghị. Nhà nước CSVN đã không đáp ứng yêu cầu của Viện Hóa Đạo. Kết quả là hàng ngàn tăng sĩ trẻ Phật giáo trên khắp đất nước–đặc biệt là miền Trung và Nam Việt Nam–phải lên đường tòng quân, một số không muốn cởi áo cà sa đã phải sống trốn tránh ở các địa phương khác. (Xem Văn thư số 0189-VHĐ/VP, Phần II)

Phụ bản:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN HÓA ĐẠO

Số: 0189 – VHĐ/VP

TP Hồ Chí Minh ngày 04 tháng 10 năm 1976

Kính gửi: Ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng Chính Phủ nước CHXHCNVN

Kính thưa Thủ Tướng,

Chính phủ vừa ra quyết định gọi thanh niên tuổi từ 18 đến 25 thi hành nghĩa vụ quân sự. Một số Tăng sĩ thuộc Giáo Hội chúng tôi trong hạn tuổi nói trên đã được nhà chức trách các địa phương gọi đi đăng ký. Chúng tôi ý thức đây là nghĩa vụ của toàn dân.

Tuy nhiên, đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chúng tôi, từ ngày miền Nam được giải phóng, rất nhiều Tăng sĩ đã tự nguyện trở về đời sống thế tục để phục vụ tổ quốc, số còn lại thực thụ tiếp tục tu hành không đáng kể, nay nếu phải nhập ngũ, thì số quân cũng chẳng thêm được bao nhiêu mà điều đó lại trái với bản chất giáo lý cũng như lịch sử và truyền thống của đạo Phật.

Bởi những lẽ ấy, chúng tôi xin đề nghị Thủ Tướng cứu xét và nếu có thể, cho miễn hoặc tạm hoãn, nếu không được tất cả, thì cũng cho một số Tăng sĩ trong những trường hợp sau đây để mong vớt vát lại một số mầm non hầu duy trì nền tôn giáo cổ truyền trong tương lai:

Những Tăng sĩ hiện đang giữ các chức vụ trong Giáo Hội từ thượng từng đến các cơ sở.

Những tăng sĩ đang theo học tại các Trung và Cao Đẳng Phật Học Viện.

Những tăng sĩ tại các tu viện đang thực hiện các chương trình canh tác và sản xuất.

Những Tăng sĩ đã đi tu thuở nhỏ.

Những tăng sĩ có cha mẹ trên 60 tuổi.

Những chùa có từ 4 tăng sĩ trở xuống.

Những Tăng sĩ ở các chùa có các vị trú trì trên 60 tuổi.

Những tăng sĩ là những người lao động duy nhứt trong chùa.

Kính thưa Thủ Tướng,

Chúng tôi hy vọng Thủ tướng sẽ hoan hỷ cứu xét rộng rãi những thỉnh nguyện trên đây của Giáo Hội chúng tôi.

Xin chân thành cầu chúc Thủ Tướng mạnh khỏe. Trân trọng các ơn và kính chào Thủ Tướng.

Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Hòa Thượng Thích Trí Thủ

(Ấn ký)

09-02-1977: Viện Hóa Đạo lên tiếng về việc 19 tu sĩ bị bắt: 19 Tăng sĩ Phật giáo ở các cấp thuộc nhiều tỉnh khác nhau đã bị Nhà nước giam cầm không lý do chính đáng. Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đã gửi Văn thư số 0031/VHĐ/VP đến Thủ tướng Phạm Văn Đồng, yêu cầu chính phủ cứu xét việc giam giữ 19 vị tu sĩ này và cho họ được trả tự do vào Tết Đinh Tỵ. Ông Đồng không trả lời và yêu cầu Giáo hội đã không được Nhà nước đáp ứng.

Phụ bản:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN HÓA ĐẠO

Số: 0031/VHĐ/VP

Hồ Chí Minh ngày 09 tháng 02 năm 1977

Kính gửi:

Ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng Chính Phủ nước CHXHCNVN

Thưa Thủ Tướng,

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng, một số tu sĩ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chúng tôi bị các cơ quan chính quyền địa phương bắt giữ (danh sách đính kèm) và cho đến nay vẫn chưa được trả tự do hay đưa ra tòa xét xử, nên chúng tôi không hiểu các đương sự đã phạm những tội trạng gì?

Nhân dịp Xuân Đinh Tỵ sắp tới, Giáo Hội chúng tôi xin Thủ Tướng hoan hỷ chỉ thị cho các cơ quan hữu trách địa phương tạm thời cho các đương sự được trở về sum họp với Giáo Hội trong ba ngày ngày Tết, sau đó xin cứu xét từng trường hợp một, nếu có tội thì xin được xét xử sớm, nếu không thì xin trả tự do cho họ được trở về đời sống bình thường để góp phần xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện tại.

Trân trọng cám ơn và kính chào Thủ Tướng.

Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

Hòa Thượng Thích Trí Thủ

(Ấn ký)

Đính kèm theo đây là danh sách các Tăng sĩ bị bắt giam:

Đại Đức Thích Bửu Huệ, Chánh Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Long Khánh, bị bắt tại Long Khánh ngày 05-5-1975.

Hòa Thượng Thích Thiện Đức, Chánh Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Ba Xuyên (cũ), bị bắt ngày 15-7-1975.

Đại Đức Thích Đức Quang, Chánh Đại Diện GHPGVNTN Quận Phú Giáo, tỉnh Bình Dương (cũ) bị bắt tại Quận Phú Giáo ngày 15-8-1975.

Đại Đức Thích Chơn Không bị bắt tại thị xã Đà Nẵng ngày 04-12-1976.

Đại Đức Thích Thiện Thông, tục danh Nguyễn Thanh Minh, Phó Đại Diện GHPGVNTN tỉnh An Giang, bị bắt tại An Giang ngày 07-5-1976.

Đại Đức Thích Thanh Roãn, tục danh Trần Thanh Roãn, Trí Trì chùa Pháp Vương, đường Điện Biên Phủ, thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt tại đồn số 9 xa lộ, ngày 17-02-1976.

Đại Đức Thích Nguyên Minh, Phó Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Nghĩa Bình, bị bắt ngày 15-7-1976.

Đại Đức Phạm Văn Toàn bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Đại Đức Trần Sữu, bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Đại Đức Phạm Chí Tâm, bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Đại Đức Nguyễn Kế Hoạch, bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Đại Đức Tô Thanh Nhơn, bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Đại Đức Hoàng Linh Thoại, bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Đại Đức Đặng Ngọc Hưng, bị bắt tại Bà Rịa ngày 25-3-1976.

Thượng Tọa Thích Khế Hội, Chánh Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Phú Yên bị bắt tại chùa Bảo Tịnh thị xã Phú Yên, tỉnh Phú Khánh ngày 24-10-1976.

Đại Đức Thích Liễu Minh, bị bắt tại Mỹ Tho ngày 17-12-1976.

Đại Đức Thích Minh Tâm, Chánh Thư Ký Ban Đại Diện GHPGVNTN tỉnh Thuận Hải, bị bắt tại thị xã Phan Thiết ngày 06-11-1977.

Đại Đức Thích Giác Minh, Chánh Đại Diện GHPGVNTN xã Tân Minh, Bình Tuy bị bắt cuối tháng 01 năm 1977.

Đại Đức Thích Thiện Huệ, tục danh Nguyễn Văn Lang, bị bắt tại huyện Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 25-21976, hiện bị giam tại trại Lê Văn Duyệt, thành phố Hồ Chí Minh.

03-3-1977: Cô Nhi viện Quách Thị Trang bị chiếm. Viện Hóa Đạo ra Thông Tư số 002/VHĐ/VP/TTK: Trung tâm từ thiện xã hội Quách Thị Trang của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bị Nhà Nước ngang nhiên đến tiếp quản (tiếp thu và quản lý vĩnh viễn) vào ngày 03/3/1977. Lý do của sự tiếp quản này là: Cô nhi viện thường được các cơ quan từ thiện quốc tế viện trợ, vậy có nghĩa rằng Cô nhi viện thuộc hệ thống CIA. Giám đốc Cô nhi viện Quách Thị Trang là Thượng Tọa Thích Nhật Thiện cũng bị công an bắt giữ trong ngày này vì không chịu ký tên vào các văn bản bàn giao cơ sở Cô nhi viện cho Nhà nước.

Trước sự chiếm dụng trắng trợn này cùng với các báo cáo vi phạm tự do tín ngưỡng từ nhiều địa phương khác gửi đến, Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, thừa lệnh Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, đã ra Thông tư số 002/VHĐ/VP/TTK gởi đến toàn thể các cấp Giáo Hội từ trung ương đến địa phương để báo nguy và cảnh giác âm mưu tiêu diệt Phật giáo của Nhà nước.

Phụ bản:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Văn Phòng Viện Hóa Đạo

Số: 002-VHĐ/VP/TTK

Phật lịch 2520, TP Hồ Chí Minh ngày 3/3/1977

THÔNG BÁO

Kính gửi:

– Ban trị sự các cấp Giáo Hội PGVNTN

– Chư Tăng Ni tại thành phố HCM

Thưa quý vị,

Sáng ngày 3/3/1977, có một số người nhân danh chính quyền quận 10 đến tiếp quản cơ sở Quách Thị Trang và ngang nhiên hạ bảng hiệu của Giáo Hội mà không hề thông báo cho Giáo Hội biết trước về việc này.

Giáo Hội đã phản ánh vấn đề lên Ủy ban nhân dân thành phố và quận 10 yêu cầu can thiệp và giải quyết thỏa đáng. Trong khi chờ đợi sự giải quyết của cơ quan có thẩm quyền, Viện kêu gọi Giáo Hội các cấp và toàn thể Tăng Ni tại thành phố Hồ Chí Minh hãy bình tĩnh chờ đợi và triệt để tuân hành mọi chỉ thị của Giáo Hội Trung Ương.

Gần hai năm qua, nhiều tượng Phật bị đập phá, một số chùa, tu viện bị tiếp thu tại nhiều nơi và nhiều Tăng Ni bị giam cầm, giờ đây ngay tại thành phố này, Giáo Hội cũng bị hạ nhục.

Vì danh dự của Giáo Hội và sự sống còn của Đạo Pháp, nếu vấn đề không được giải quyết thỏa đáng, Viện yêu cầu toàn thể Tăng Ni sẵn sàng hy sinh, nếu cần, để bảo vệ Đạo Pháp và danh dự của Giáo Hội.

TL Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

Tổng Thư Ký Hội Đồng Viện Hóa Đạo

Thượng Tọa Thích Quảng Độ

(Ấn ký)

17-3-1977: Giáo hội đúc kết các vụ vi phạm quyền sinh hoạt của PG: Hòa Thượng Thích Huyền Quang, lúc bấy giờ là đương kim Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, gởi văn thư số 0044/VHĐ/VT đến Thủ tướng chính phủ nước CHXHCNVN, tường trình các trường hợp vi phạm tự do tôn giáo. Đính kèm theo văn thư này là các bản báo cáo Phật sự của các cấp Giáo hội địa phương liệt kê 85 vụ xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tịch thu chùa chiền, giam giữ tăng sĩ. Tất cả những báo cáo yêu cầu can thiệp kể trên đều được gởi đến nhà cầm quyền các cấp nhưng đã không được nhà cầm quyền cứu xét mà còn tiến hành chính sách đàn áp khủng bố hơn ngay tại các cơ sở trung ương của Giáo hội: chiếm dụng Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, cơ sở Tổng Vụ Thanh Niên (đường Công Lý), cơ sở Cô nhi viện Quách Thị Trang (đã nói ở trên), tống xuất Hòa Thượng Thiện Minh, Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên ra khỏi trụ sở Tổng Vụ… Văn thư số 0044/VHĐ/VT gởi đến chính phủ đúc kết lại tất cả những vụ vi phạm điển hình trên toàn quốc, yêu cầu có biện pháp giải quyết thỏa đáng. Nhà nước cũng không trả lời bất cứ điều gì về việc này.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

Văn Phòng Viện Hóa Đạo

Số: 0044/VHĐ/VT

Phật lịch 2520, TP Hồ Chí Minh ngày 17/3/1977

Kính gửi: Ông Phạm Văn Đồng, Thủ Tướng Nước CHXHCNVN

Thưa Thủ Tướng,

Từ ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đã xảy ra nhiều vụ vi phạm chánh sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Chính phủ do các cấp cơ sở gây nên đối với Phật giáo tại miền Nam.

Giáo Hội chúng tôi đã phản ánh tất cả những sự kiện này lên Ủy Ban Quân Quản Sàigòn-Gia Định, Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam trước đây và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh hiện nay xin can thiệp để ngăn chận những trường hợp như vậy. Nhưng tình trạng không những không được cải thiện mà còn có chiều hướng phát triển thêm.

Bởi thế hôm nay, Giáo Hội chúng tôi kính gửi đến Thủ Tướng và Ban Thanh Tra Trung Ương tập tài liệu ghi những sự kiện xảy ra từ gần hai năm qua đối với Phật Giáo để Thủ Tướng có biện pháp thích nghi đối với các cấp chính quyền cơ sở để những việc tương tự đừng tái diễn trong tương lai hầu tạo niềm tin của tín đồ Phật Giáo đối với các chính sách của chính phủ và giữ vững tình đoàn kết dân tộc.

Trân trọng cám ơn và kính chào Thủ Tướng.

Thừa Lệnh Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống nhất

Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo

Thượng Tọa Thích Huyền Quang

(Ấn ký)

06-4-1977: Cộng sản bắt giữ các vị lãnh đạo Phật giáo: Đáp lại văn thư khiếu nại số 0044/VHĐ/VT của Viện Hóa Đạo do Hòa Thượng Huyền Quang gửi Thủ tướng chính phủ cũng như lập trường kiên định của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất về pháp nhân và pháp lý độc lập của mình qua Đại Hội Khoáng Đại kỳ VII, nhà cầm quyền Cộng sản đã ra lệnh công an và quân đội hành quân bao vây và lục soát chùa Ấn Quang, trụ sở trung ương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, bắt giữ các vị giáo phẩm lãnh đạo nòng cốt như: Hòa Thượng Thích Huyền Quang – Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Quảng Độ – Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn – Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, Thượng Tọa Thích Thông Bửu – Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ, Thượng Tọa Thích Thông Huệ – Chánh Đại Diện GHPGVNTN Quận Gò Vấp kiêm Trưởng Ban Kinh Tế Tự Túc Tăng Ni, và Thượng Tọa Thích Thanh Thế, Trưởng Ban Thanh Tra Ban Kinh Tế Tự Túc Tăng Ni.

09-6-1977: Lời Kêu Gọi Bảo Vệ Nhân Quyền của Viện Hóa Đạo: Từ khi bị Cộng sản chiếm đoạt cơ sở Tổng Vụ Thanh Niên và mất cả quyền cư trú (xóa tên trong sổ gia đình cũ, không cho lập sổ hộ khẩu mới), Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã phải lang thang nay ở chùa này, mai ở chùa kia. Đến đâu Hòa Thượng cũng bị công an xua đuổi bằng cách gây khó với các vị trụ trì chủ hộ các chùa mà Hòa Thượng ghé đến. Tuy vậy, cũng chính thời gian này, Hòa Thượng đã đúc kết những quyết nghị chưa được công bố của Đại Hội Khoáng Đại Kỳ VII để viết nên “Lời Kêu Gọi của GHPGVNTN để Bảo Vệ Nhân Quyền tại nước CHXHCNVN.” Nội dung gồm 6 điểm chính gởi đến nhà cầm quyền CSVN như sau:

Thả tù nhân chính trị, tôn giáo và hàng trăm ngàn người khác đang ở trong các trại cải tạo.

Thi hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng.

Chấm dứt tình trạng tham nhũng của nhân viên chính quyền các cấp.

Cho phép những người có khả năng, những người không phải đảng viên của Cộng sản được phép tham gia vào công cuộc xây dựng xứ sở theo khả năng chuyên môn.

Yêu cầu cho phép các tu sĩ và tín đồ thuộc các tôn giáo được tiếp tục làm các công tác xã hội mà không phải từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng của mình.

Phá bỏ mọi bất công, kỳ thị giữa các đảng viên Cộng sản và nhân dân. Mọi người đều có quyền công dân.

LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN

CỦA VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN

Trong những tuần lễ trước ngày giải phóng Sài Gòn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã hoạt động tích cực để tránh sự giết chóc dân vô tội và sự tàn phá thành phố Sài Gòn với hơn 4.000.000 dân cư. Để đạt được mục tiêu trên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã:

Sử dụng ảnh hưởng của mình đối với hai phe lâm chiến, làm thế nào để cứu dân chúng Sài Gòn và những thành phố khác khỏi bị tàn phá.

Kêu gọi Phật tử đừng sợ hãi vì viễn tượng chấm dứt chiến tranh, hãy bình tĩnh đừng có giao động. Trong Thông Cáo đề ngày 09 tháng 4 năm 1975, Giáo Hội nói: “Nếu sự nghiệp giác ngộ của bản thân là giác ngộ cho kẻ khác thì việc phục vụ nhân dân theo tinh thần phục vụ đạo pháp. Phật tử chúng ta đừng biến chúng ta thành tù nhân của chủ nghĩa, vì đời sống của con người quý hơn chủ nghĩa. Chúng ta phải cương quyết để thực hiện ba mục tiêu sau:

Với hòa bình, chúng ta có thể phục vụ đạo pháp và dân tộc dễ dàng hơn.

Yêu cầu hai phe lâm chiến đừng tàn sát nhân dân vô tội vì theo bên này hay theo bên kia.

Yêu cầu hai phe lâm chiến hạn chế tối đa vũ lực để cứu mạng người trong giai đoạn chuyển tiếp.”

Trước lời kêu gọi và thiện chí này, chính phủ Cộng Sản Việt Nam, từ 1975 đến 1977 đã tiến hành việc hành hạ, bắt bớ, giam cầm và chiếm đoạt tài sản.

Hàng trăm trường học, cô nhi viện, phòng phát thuốc của Phật giáo đã bị chính quyền tịch thâu, “quản nhiệm” và hàng nghìn cán bộ Phật tử đã không được phép tham gia vào các công tác xã hội của Phật giáo nói riêng của quốc gia nói chung và đã chịu không biết bao nhiêu phiền nhiễu đọa đày. Viện Đại Học Vạn Hạnh bị đóng cửa. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị đóng cửa. Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Phật Giáo bị giải tán, ngân quỹ bị tịch thâu. Tất cả mọi báo chí văn hóa tôn giáo của Giáo Hội bị đóng cửa không cho phép xuất bản. Tăng Ni không được phép tiếp tục dạy các trường, không được phép làm việc tại các bệnh viện, các cô nhi viện, ký nhi viện, phòng phát thuốc mặc dầu chính phủ không đủ cán bộ chuyên môn để điều hành những cơ quan này. Họ không được phép hoạt động vì họ không phải là đảng viên của đảng Cộng Sản.

Sau ngày tịch thu những cơ sở văn hóa và xã hội của Giáo Hội, những cơ sở này không còn hoạt động nữa và chúng biến thành nhà ngủ, văn phòng của chính quyền. Thí dụ trường Bồ Đề Quy Nhơn đã trở thành nhà ngủ cho cán bộ chính quyền. Cán bộ của chính phủ từ miền Bắc vào không đủ khả năng để cai quản và điều hành các cơ sở văn hóa xã hội, kết quả là nhiều nơi bị đóng cửa không hoạt động. Chính phủ chỉ tin tưởng ở đảng viên của mình và do đó trong nhiều trường hợp đã đặt họ vào những vị trí mà họ không đủ sức hoạt động hữu hiệu. Cán bộ Phật Giáo không có công ăn việc làm lại bị chính phủ đưa về các vùng kinh tế mới, nơi đây họ đã phá rừng làm rẫy, phá đất làm ruộng nhưng bị chính phủ đánh thuế quá nặng nề nên nhiều người đã phải bỏ những hợp tác xã canh nông đó. Thí dụ tại Long Thành một số tăng sĩ năm 1975 đã trồng tiêu và họ đã bán mùa tiêu trong năm đó được 2 triệu đồng. Chính phủ đánh thuế 1 triệu 9 trăm ngàn đồng. Một số các tu sĩ khác làm mía năm 1976. Họ bán vụ mía được 300.000 đồng, và bị đánh thuế là 300.000 đồng. Họ phải giải tán và đi kiếm việc riêng, lẽ dĩ nhiên là không có việc. Hàng nghìn trí thức Việt Nam không còn cơ hội để sử dụng khả năng của mình đã trở thành những tài xế taxi, làm nghề nông, hay thất nghiệp hoàn toàn: ngay cả là nghề nông hay nghề lái taxi họ cũng bị theo dõi làm khó khăn nữa.

Chính phủ không dừng ở đây. Theo đuổi chính sách tiêu diệt tôn giáo, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt giam hàng trăm tăng sĩ, tịch thu hàng trăm ngôi chùa để làm văn phòng, nhà ngủ. Đập phá tượng Phật và tượng Bồ tát; cấm không cho hành lễ, không công nhận lễ Phật đản là ngày nghỉ, tước bỏ ruộng đất và những phương tiện sinh sống của Tăng Ni, cấm hay ngăn cấm không cho tín đồ đến chùa, cấm không cho Tăng Ni di chuyển lấy lí do vì an ninh quốc gia.

Vì hạn chế cấm đoán không cho di chuyển nên những vụ bắt bớ Tăng Ni, tịch thu chùa chiền chưa được báo cáo đầy đủ lên cấp Giáo Hội Trung Ương. Những vụ xảy ra mà Giáo Hội được biết, Giáo Hội đã báo cáo đầy đủ với chính quyền, nhưng chính quyền làm lơ để tình trạng càng ngày càng thêm trầm trọng. Ngày 09 tháng 02 năm 1977, Giáo Hội đã gửi văn thư cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng về vụ chính quyền bắt giữ 19 vị sư, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng không trả lời văn thư đó. Ngày 17 tháng 3 năm 1977, Giáo Hội làm bản đúc kết những vụ phá chùa, bắt Tăng Ni và gửi đến chính phủ. Chính phủ cũng làm ngơ không trả lời.

Mười hai vị Tăng Ni chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2 tháng 11 năm 1975 đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính phủ. Đến cuối năm 1975, Giáo Hội đã nhận rất nhiều báo cáo về sự đàn áp tôn giáo, nhưng Giáo Hội vẫn khuyên các vị lãnh đạo Phật giáo các cấp kiên nhẫn đợi chờ, mong chính phủ điều chỉnh sửa sai. Trong những văn thư và báo cáo gửi đến chính phủ Trung Ương, Giáo Hội đã rất dè dặt không đổ tội cho chính quyền Trung ương và hy vọng những việc làm đó chẳng qua chỉ vì cán bộ địa phương chưa thông thạo đường lối chính phủ. Nhưng chính quyền trung ương không những không sửa sai mà còn cố tình đánh lạc hướng, che đậy những hành vi phạm pháp của chính quyền địa phương. Sau nhiều lần can thiệp nhân vụ 12 vị Tăng Ni tự thiêu tại Cần Thơ, chính phủ đã cho phép 3 vị đại diện của Giáo Hội Trung Ương cùng với phái đoàn chính phủ về Cần Thơ để điều tra. Trong một buổi họp giữa hai phái đoàn Chính phủ trung ương và phái đoàn Phật giáo trung ương cùng chính quyền địa phương, ông chủ tịch xã Tân Bình đã nói rõ mọi tình tiết về vụ tự thiêu và những lời nhân chứng đó sau được ông Tỉnh trưởng Cần Thơ xác nhận. Những vị nhân chứng này sau bị chính phủ cất chức vì đã nói rõ sự thật. Bản thâu băng về vụ tự thiêu bị chính phủ trung ương tịch thu. Họ chủ trương rằng “Nhà sư Huệ Hiền, trụ trì chùa Dược Sư đã giết 11 vị Tăng Ni và sau đó tự đốt mình và đốt chùa để phi tang.” Ai không đồng ý với luận điệu đó của chính phủ đều bị thanh toán khai trừ.

Phật tử Việt Nam đã liên tiếp bày tỏ thiện chí của mình, đã uốn mình trong hoàn cảnh mới, trong khuôn khổ mới của giai đoạn lịch sử để có thể hợp tác xây dựng đất nước. Chúng tôi đã quen sống trong nghèo khổ và chúng tôi cũng quen chống lại những kẻ đàn áp. Chúng tôi có thể chịu đựng mọi khó khăn, mọi thử thách. Nguồn lợi tài chánh của chúng tôi là mồ hôi nước mắt của chúng tôi qua nhiều chương trình tiểu công nghệ, nhưng chúng tôi cũng không được phép làm như vậy. Những đợt viện trợ của nước ngoài thật ra không ảnh hưởng mấy đối với chúng tôi, do đó chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể ghép mình vào việc xây dựng một quốc gia xã hội, công bằng hơn. Nhưng chúng tôi không được phép làm như vậy. Chúng tôi muốn giữ mình là Phật tử đồng thời là công dân của xã hội. Chúng tôi đã tập nói, tập sử dụng những ngôn ngữ Mác-xít và đã cố gắng để chúng tôi được thông cảm trong ngôn từ đó. Nhưng đảng Cộng sản không muốn hiểu, không chấp nhận những ước vọng sâu xa và thầm kín nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã mất tin tưởng ở họ. Chúng tôi đã bị đối xử tàn tệ, bị đàn áp, bị khủng bố mọi mặt.

Khẩu lệnh của nhân viên chính quyền thường trái ngược với đường lối hoặc nghị quyết của chính phủ, nhất là đường lối chính sách về tôn giáo. Chúng tôi phải thi hành theo khẩu lệnh hay là đi đúng theo nghị quyết của chính phủ? Làm thế nào để chúng tôi không tuân theo khẩu lệnh khi kết quả của sự bất tuân là nhà tù và trại cải huấn? Cán bộ chính quyền trong những buổi học tập cũng như những buổi họp công cộng, thường tuyên bố Phật giáo là thuốc phiện, văn hóa Phật giáo là thuốc độc và phản động, các nhà sư không sản xuất v.v… nếu ai cố tình chứng minh trái ngược lại là có thể bị trừng phạt. Giáo Hội đã nỗ lực trình lên chính quyền thái độ bất hợp tác của cán bộ hạ cấp và kết quả là những vị lãnh đạo Phật giáo bị chính phủ bắt giam. Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn – Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, Thượng Tọa Thích Thông Bửu – Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ đều bị tù chỉ vì muốn chính phủ biết đến nguyện vọng của Giáo Hội và của tín đồ Phật giáo. Ngoài ra, chính quyền còn muốn triệt hạ khả năng tự túc tự cường của Phật giáo bằng cách bắt cầm tù Đại Đức Thích Thông Huệ và Đại Đức Thích Thanh Thế, hai vị có trách nhiệm trong chương trình kinh tế tự túc của Giáo Hội.

Chúng tôi kêu gọi không những chỉ vì cộng đồng Phật giáo mà cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Những cộng đồng tôn giáo khác cũng chịu những cảnh ngộ tương tự. Ít nhất có vào khoảng mấy trăm linh mục bị bắt, rất nhiều những vị linh mục trước đây đã chống lại chế độ Nguyễn Văn Thiệu, đã qua đời vì Cộng sản cầm tù. Hàng trăm ngàn dân đang phải sống nheo nhóc đọa đày trong những trại tập trung, trại cải tạo mà thân nhân không được viếng thăm, không được tin tức. Hàng nghìn người đã chết vì bệnh tật, vì thiếu ăn, vì thất vọng chán chường. Quốc gia Việt Nam đã trở thành trại cảnh sát. Người lớn cũng như trẻ em bắt buộc phải báo cáo mỗi hành động của người thân mình. Vì vậy bạn bè không thể tin nhau, anh em ruột thịt không thể tin nhau, bà con, đồng nghiệp không thể tin nhau. Thật là một cảnh tượng không khác gì địa ngục. Chúng tôi đã phản đối lại những chính phủ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu một phần vì những chính phủ này đã hạn chế quyền tự do của người dân. Chúng tôi biết những khó khăn trong tình trạng hậu chiến. Nhưng những khó khăn kinh tế này không thể nào dùng để giải thích biện minh cho hoàn cảnh, trạng huống mà dân chúng Việt Nam bây giờ phải chịu đựng. Đói rách bệnh tật lan tràn. Chính phủ độc quyền tất cả, và mỗi cố gắng của chính quyền chỉ để củng cố quyền hành của mình mà thôi. Họ không chấp nhập sáng kiến, họ không chấp nhận xây dựng. Họ chỉ muốn mọi người làm theo ý họ, dù kết quả như thế nào. Họ đã diệt hết mọi khả năng cho mục tiêu hòa hợp hòa giải dân tộc. Hòa hợp hòa giải bây giờ là trò khôi hài mặc dầu đó là chủ trương trên giấy trắng mực đen của họ, mặc dầu đó là chủ trương của những đoàn thể phản chiến để đem lại hòa bình cho Việt Nam.

Đức Giám mục Nguyễn Kim Điền thuộc địa phận Huế đã phát biểu ý kiến một cách can đảm và rõ ràng trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1977 do Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên và Thành phố Huế tổ chức. Đức Giám mục đã nói lên những khổ sở mà cộng đồng Công giáo đã phải gánh chịu và đã đưa ra ý kiến là nếu có tự do tín ngưỡng thì sẽ không có bất đồng ý kiến và do đó việc bắt bớ những người có khuynh hướng bất đồng không có thể xảy ra được.

Từ ngày giải phóng thành công đến nay, hàng trăm người đã tự tử vì phẫn chí, vì tuyệt vọng. Hàng nghìn người đã bỏ nhà ra đi tìm tự do trên những chiếc thuyền nhỏ. Nhà thương chỉ để dành cho cán bộ, dân chúng khó có dịp được nằm, dù bệnh tật có nặng chăng nữa; mặc dù thiếu bác sĩ, hơn 200 bác sĩ vẫn không được sử dụng mà hiện đương nằm trong khám giam. Các trẻ em dưới 14 tuổi đã bị đưa đi làm công tác như nhặt sắt vụn trong mùa hè và kết quả là những vụ nổ ngày 02 tháng 6 năm 1977 đã làm cho 25 trẻ em thiệt mạng. Hàng nghìn các thương phế binh Việt Nam đã bị bỏ rơi không ai săn sóc. Những em khác may mắn được bà con đem về nuôi. Nông dân cày ruộng và bị đánh thuế 40%. Họ được giữ lại một ít hoa màu còn bao nhiêu phải bán lại cho chính phủ và chính phủ đã trả cho họ bằng chứng phiếu.

Hàng nghìn các kỹ thuật gia đương bị cầm tù trên hai năm. Những người không có khả năng cầy cấy như các giáo sư, luật sư v.v… bị bắt phải đi cầy. Việc dẫn thủy nhập điền đã do cán bộ chính quyền không kinh nghiệm đảm trách, kết quả là nước mặn vào làm hư hại mùa lúa không biết thế nào lường được. Một quốc gia trước đây thường xuất cảng gạo, bây giờ không có gạo mà ăn, mặc dù lực lượng nông dân đã lên đến gấp 10 lần.

CHO MỘT XÃ HỘI ÔN HÒA

Thật ra chúng tôi muốn gì? Chúng tôi không muốn những quyền hành chính trị. Mục đích của chúng tôi không phải là lật đổ chính quyền. Chúng tôi cũng không chủ trương bôi nhọ chính quyền. Chúng tôi chỉ muốn sống với tất cả giá trị con người để có thể tham gia trong công tác xây dựng xứ sở. Trong lịch sử Việt Nam đã có những giai đoạn dân chúng sống ôn hòa với những tư tưởng chính kiến sai biệt. Chúng tôi chỉ đòi hỏi sự ôn hòa. Chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền tham dự trong công tác xây dựng quốc gia, xây dựng đời sống con người không phải như những bộ máy mà là những khối óc, những con tim.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể Phật giáo đồ, toàn thể các đồng bào ruột thịt thuộc các thành phần tôn giáo khác – Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, và Mác-xít hãy thông cảm lẫn nhau, đoàn kết nhất trí để xây dựng quốc gia, để tạo niềm tin, để biến ước vọng hòa hợp hòa giải thành sự thật cho một chế độ cộng hòa xã hội hòa bình và thống nhất. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam:

Thả những tù nhân chính trị, tôn giáo và hàng trăm ngàn người khác đang ở trong các trại cải tạo.

Thi hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng: cho phép dân chúng đi chùa, đi nhà thờ ở đô thành cũng như ở các thị xã, thôn quê. Cho phép tổ chức hành lễ. Cho phép xuất bản kinh sách báo chí tôn giáo. Yêu cầu chấm dứt việc tịch thu chùa chiền và nhà thờ để làm nhà ngủ hay văn phòng. Yêu cầu dừng phá hủy các tượng Phật, tượng Chúa.

Chấm dứt tình trạng tham nhũng của nhân viên chính quyền các cấp.

Cho phép những người có khả năng, những người không phải đảng viên của đảng Cộng sản được phép tham gia vào công cuộc xây dựng xứ sở theo khả năng chuyên môn.

Yêu cầu cho phép các tu sĩ và tín đồ thuộc các tôn giáo được tiếp tục làm các công tác xã hội mà không phải từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng của mình.

Phá bỏ mọi bất công, kỳ thị giữa các đảng viên Cộng sản và nhân dân. Mọi người đều có quyền công dân. Mọi người đều có quyền đi học, đi chữa bệnh, mua thuốc men, thực phẩm chứ không phải chỉ nhân viên chính phù, đảng viên mới được hưởng những quyền đó

Làm tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/6/1977

Viện Hóa Đạo

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

13-4-1978: Cộng sản bắt giam HT Thích Thiện Minh: Vốn đã e sợ uy tín và sự can trường đảm lược của Hòa Thượng Thích Thiện Minh, lại biết rằng Hòa Thượng Thích Thiện Minh là cố vấn cao của Viện Hóa Đạo, cũng như là một giáo phẩm lãnh đạo cao cấp, một “chiến lược gia” sâu sắc tinh tường trong các vấn đề hành hoạt ứng xử của GHPGVNTN, Nhà nước Cộng sản đã ra lệnh công an bắt ngài và giam ở trại giam T20 (số 4 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh) để ngăn ngừa mọi biến động có thể nẩy sinh từ Phật giáo, nhất là qua “Lời Kêu Gọi của GHPGVNTN để Bảo Vệ Nhân Quyền tại Nước CHXHCNVN” mà HT Thiện Minh là tác giả.

17-10-1978: Hòa Thượng Thiện Minh bị bức tử

Sau vài tháng giam giữ ở trại giam T20, CSVN đã chuyển Hòa Thượng Thích Thiện Minh sang khám Chí Hòa, rồi ở đây Nhà nước ra lệnh tra tấn Hòa Thượng Thích Thiện Minh đến chết. Sau đó, vì sợ cái chết của Hòa Thượng sẽ xúc động giới lãnh đạo Phật giáo cũng như lòng phẫn uất quần chúng Phật tử để rồi có thể xảy ra những việc nổi dậy khắp nơi, CSVN đã âm thầm đưa xác Hòa Thượng ra trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết). Ba hôm sau, Nhà nước mới thông báo cho Hòa Thượng Thích Trí Thủ thay mặt Viện Hóa Đạo ra Hàm Tân nhận xác. Theo Hòa Thượng Thích Trí Thủ và một vài vị tăng sĩ tháp tùng thuật lại thì xác Hòa Thượng Thiện Minh bị bầm tím, có dấu hiệu của sự đánh đập và xiết cổ.

26-10-1978: Hòa Thượng Đôn Hậu phản đối chính quyền CSVN: Xúc động trước hiện trạng bị đàn áp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và nhất là trước cái chết bi thảm của Hòa Thượng Thích Thiện Minh, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống đã lên tiếng phản đối chính quyền CSVN và viết đơn công khai từ nhiệm hai chức vụ mà Nhà nước đã áp đặt cho ngài trước đây: Đại biểu Quốc Hội và Ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc Trung Ương.

THƯ TỪ NHIỆM CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU

Phật lịch 2525

Bệnh viện Thống Nhất, ngày 08-02-1982

Kính gửi: Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Pháp Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

Kính bạch Hòa Thượng,

Vào những ngày cuối cùng của năm Tân Dậu, vì bệnh tình bức bách, nên ngày 21-01-1982, tôi đành phải rời Huế, vào Thành phố Hồ Chí Minh để chữa bệnh giữa lúc mọi người đang hoan lạc đón xuân sang, và cho đến hiện nay tôi vẫn đang còn được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian ấy, ngày 07-02-1982, tôi lại nhận được lá thư của Hòa Thượng gởi cho tôi với danh nghĩa Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Nội dung bức thư ấy, Hòa Thượng báo tin cho tôi biết là Hội Nghị Đại Biểu Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam đã thành tựu viên mãn, cũng như Hội Đồng Bộ Trưởng đã ra quyết định công nhận bản Hiến Chương, danh sách Ban Lãnh Đạo và cho phép Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hoạt động; đồng thời, Hòa Thượng đã có lời khuyên tôi cố gắng cộng tác với Giáo Hội trong chức vụ nói trên.

Trước hết, tôi xin chân thành cám ơn lòng thạnh tình của Hòa Thượng đối với tôi, đồng thời, tôi cũng rất lấy làm vinh dự và tri ân quý Hòa Thượng đã dành cho tôi một chức vụ quan trọng như thế! Nhưng, thưa Hòa Thượng, như Hòa Thượng đã biết, vào đầu mùa xuân năm 1980, cũng chính là lúc tôi đang nằm điều trị tại bệnh viện Thống Nhất này thì hay tin Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam được thành lập, trong đó tôi được có tên với danh nghĩa Cố Vấn! Thế nhưng vì bệnh duyên chướng ngại, nên tôi đã không tham gia được một Phật sự nào đáng kể, ngay cả cuộc Hội Nghị Đại Biểu vừa qua tôi cũng phải vắng mặt. Cho nên, tôi xét thấy mình nay tuổi đã già sức đã yếu, lại thêm bệnh hoạn liên miên mà mỗi ngày càng thêm trầm trọng. Do đó, tôi viết thư bày để kính báo với Hòa Thượng rõ là tôi không thể đảm nhận được chức vụ quan trọng “Phó Pháp Chủ kiêm Giám Luật” Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam mà Hội Nghị đã đề cử. Tuy vậy, riêng cá nhân, tôi vẫn luôn tâm nguyện sẽ tiếp tục đem tất cả sức tàn ra phụng sự chánh pháp trong khả năng còn lại của mình và trong điều kiện sức khỏe cho phép.

Rất mong được Hòa Thượng thông cảm và nhận nơi đây lòng chân thành của tôi. Kính chúc Hòa Thượng phước trí nhị nghiêm, chúng sinh dị độ.

Kính thư,

Tỳ Kheo Đôn Hậu

(ký tên)

09-12-1978: CSVN xét xử các vị lãnh đạo GHPGVNTN: Các vị lãnh đạo Giáo hội bị bắt vào ngày 06-4-1977 không hề được đưa ra xét xử công khai. Mãi đến một năm rưỡi sau, vào ngày 09-12-1978, do áp lực của dư luận quốc tế từ sự vận động của Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, Nhà nước mới buộc lòng phải lập một phiên tòa không có luật sư biện hộ cho bị cáo, đem các vị lãnh đạo Giáo hội ra xử. Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị kết án 4 năm tù gồm 2 năm tù ở và 2 năm tù treo; các vị Thượng Tọa và Đại Đức khác cũng đều bị lãnh một mức án tương tự. Tính theo ngày bị bắt giam thì nhị vị Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ phải còn ở tù thêm 6 tháng nữa, nhưng do sự can thiệp của quốc tế, Nhà nước đã phóng thích nhị vị sau phiên tòa.

02-02-1979: Đức Đệ Nhị Tăng Thống viên tịch: Ngày 01-02-1979, Đức Đệ Nhị Tăng Thống tiếp Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống và Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên đến chúc thọ đầu năm. Ngài đã di chúc sách tấn chư Tăng Ni và tín đồ tu tập và kiên nhẫn trước mọi nghịch cảnh để phục vụ Giáo hội. Qua giữa trưa hôm sau, 02-02-1979 thì Ngài viên tịch.

Đức Tăng Thống viên tịch, Giáo hội chưa kịp tổ chức được Đại Hội Khoáng Đại kỳ VIII thì chính quyền gia tăng sự đàn áp ở khắp các địa phương, quản thúc chặt chẽ sự đi lại và giao tiếp của nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ. Trước tình trạng bế tắc đó, các vị lãnh đạo trong Hội Đồng Lưỡng Viện của Giáo hội đã cung thỉnh Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống, kiêm luôn trách vụ Xử Lý Viện Tăng Thống.

Năm 1980: CSVN âm mưu thống nhất Phật Giáo Nam-Bắc dưới sự chỉ đạo của Đảng: Đầu năm 1980, nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã triệu tập một phiên họp gồm một số đại diện các hệ phái Phật giáo, đặc biệt là GHPGVNTN với sự tham dự của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Hòa Thượng Thích Trí Thủ. Phiên họp được tổ chức tại trụ sở Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc tại Sài Gòn và đặt dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Văn Linh, Bí Thư Thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Linh cho rằng Phật giáo nên thống nhất cả hai miền Nam Bắc để làm chỗ dựa cho Đảng và Nhà nước. Nhị vị Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Thích Trí Thủ đã phản đối khước từ âm mưu thống nhất có sự chỉ đạo của Nhà nước và đã xin miễn đóng ý kiến với lý do là nhị vị chỉ được mời đến họp và đã tham dự phiên họp trong tư cách cá nhân chứ không đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

09-9-1981: Phản ứng của GHPGVNTN trước sự vận động thống nhất PG do Nhà nước chỉ đạo: Không thuyết phục được Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và Thích Trí Thủ vào năm trước, CSVN đã tìm mọi cách lung lạc, đe dọa, vận động thuyết phục ngầm một số lãnh đạo cao cấp của Giáo hội để gây sức ép hầu thúc đẩy Hòa Thượng Trí Thủ đảm nhận trách vụ Trưởng Ban Vận Động Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam. Công cuộc vận động thống nhất này đưa đến cuộc họp đặc biệt tổ chức tại chùa Ấn Quang vào ngày 09-9-1981 với sự tham dự của Ban Chỉ Đạo Viện Hóa Đạo cùng đại diện các cấp Giáo hội toàn quốc.

Trong cuộc họp này, Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ can trường phủ nhận bản dự thảo Hiến chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – một Giáo hội Phật giáo do Nhà nước vận động dựng nên để làm chỗ dựa cho Đảng và Nhà nước như lời ông Nguyễn Văn Linh nói trước đây – và kiên quyết giữ vững lập trường của Giáo hội truyền thống. Sự kiên quyết của hai vị này đã thuyết phục được hầu hết cử tọa, đưa đến việc bác bỏ bản dự thảo Hiến chương do phía Ban Vận Động Thống Nhất Phất Giáo Việt Nam đưa ra.

11-10-1981: Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ bị bắt lần thứ hai: Kết quả của việc chống lại âm mưu áp đặt Phật giáo dưới quyền lãnh đạo của Nhà nước, nhị vị Hòa Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ bị công an thành phố Hồ Chí Minh mời xuống Ty Công an “làm việc” vào ngày 11-10-1981. Tại đây, nhị vị bị bắt giữ để bên ngoài, việc vận động thống nhất Phật giáo do Nhà nước chủ trương được tiến hành xuôi thuận.

04-11-1981: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ra đời: Sau khi bắt giữ Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ như là đầu tàu của thành phần trung kiên với GHPGVNTN, Nhà nước CSVN lập tức thúc đẩy và hỗ trợ toàn bộ cho việc tổ chức Đại Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ Hà Nội vào ngày 04-11-1981. Từ đại hội này, một Giáo hội Phật giáo tay sai của Đảng và Nhà nước được khai sinh mang tên là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN). Giáo hội này nằm dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn Giáo và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

GIAI ĐOẠN VẬN ĐỘNG PHỤC HỒI

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

(1991-1995)

Giai đoạn này bắt đầu từ năm 1991 và chưa biết sẽ kéo dài đến lúc nào.Riêng đối với tập tài liệu này, chúng tôi tạm thời ghi là bắt đầu từ 1991 đến 1995 (năm mà chúng tôi tạm lấy làm mốc kết thúc cho hai thập niên đấu tranh của Phật giáo trong chế độ CSVN).

Sau 8 năm an nhẫn chịu đựng bao nghịch cảnh do Nhà nước CSVN chụp phủ lên đầu những tăng sĩ và Phật tử trung kiên với GHPGVNTN, Giáo hội có vẻ như lui dần vào trong vùng bóng tối ảm đạm của thảm trạng chung trên quê hương Việt Nam trong khi Giáo hội Nhà nước thì càng ngày càng lộ rõ tính cách công cụ của Đảng và nhân sự của giáo hội này cũng lần lượt thức tỉnh, công khai hoặc âm thầm từ bỏ những chức vị của mình. Có những vị đã đến quỳ sám hối bên vị lãnh đạo cao cấp của Giáo hội truyền thống: Hòa Thượng Thích Đôn Hậu. Uy đức của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu đã cảm hóa được nhiều tăng sĩ lỡ bước đi theo Giáo hội Nhà nước, mở đường cho họ quay trở về. Có thể nói là cũng chính nhờ đạo hạnh và lập trường kiên định của ngài đối với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà Giáo hội được đứng vững tồn tại qua bao sự đàn áp tàn nhẫn của Nhà nước. Ngài xứng đáng là biểu tượng tối cao của Giáo hội truyền thống và đã là động lực trung tâm kết hợp ý chí của toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước, để rồi trước khi nằm xuống với thân lão bệnh, ngài đã cất lên tiếng nói Đại Hùng, Đại Trí, Đại Dũng của một bậc danh tăng suốt đời vì đạo, làm rúng động Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới, khai mở một giai đoạn mới của Giáo hội trong cơn thử thách tàn bạo của xã hội hiện đại.

10-9-1991: HT Thích Đôn Hậu gửi Tâm Thư đến Tăng tín đồ VN hải ngoại: Chứng kiến thảm trạng suy vi phân rã của Phật giáo ở quê nhà dưới sự kiểm soát của Nhà nước CSVN, không có cơ may kiện toàn và phát triển, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống, đã đặt kỳ vọng nơi sự thống hợp của Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hải ngoại như là hậu thuẫn tích cực cần thiết có thể góp phần đáng kể vào công cuộc phục hồi GHPGVNTN; do vậy, ngài đã viết một bức Tâm Thư gởi ra nước ngoài, nhắn nhủ Tăng Ni Phật Tử hải ngoại nên thống hợp thành một Giáo hội duy nhất để hỗ trợ cho Giáo hội quê nhà.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

TÂM THƯ

Kính gởi chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức,

Tăng Ni Việt Nam đang hành đạo tại hải ngoại

Phật lịch 2535 – Huế, ngày 10 tháng 9 năm 1991

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa quý vị,

Đức Thế Tôn ra đời, chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đem lại trí tuệ và tình thương, hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người. Hàng chúng tăng đệ tử thế hệ này qua thế hệ khác tâm trong tâm, nguyện cùng nguyện, đã từng hòa hợp với nhau để kế tục sự nghiệp cao cả ấy. Tuy nhiên việc kế tục ấy không đơn giản, vì có khi hàng đệ tử Phật đã phải hy sinh tính mạng để cho Chánh Pháp được hoằng dương.

Trong lịch sử truyền bá Phật giáo Việt Nam cũng như thế giới, có lúc rất bi thảm đầy tủi nhục, nhưng có lúc vẻ vang cũng đáng tự hào. Lúc bi thảm là lúc bản thể của Tăng Ni bị lu mờ, nội bộ của Tăng Ni bị phân hóa, thành phần của Tăng Ni có nhiều điểm dị biệt, giới hạnh suy kém và hiểu biết đạo lý một cách cục bộ phiến diện. Trái lại, lúc vẻ vang là lúc nội bộ chúng Tăng hòa hiệp, biết gạt bỏ những quyền lợi riêng tư, những ngã chấp tầm thường để tiến xa trên con đường tịnh hạnh, lấy giác ngộ giải thoát làm cứu cánh, lấy bản nguyện độ sanh làm sự nghiệp.

Bài học lịch sử này, Tăng Ni Việt Nam đã và đang rút ra từ kinh nghiệm đầy quý báu trong cuộc sống thực tại.

Bởi vậy, từ quê hương và cũng chính từ kinh nghiệm bản thân, tôi hằng nghĩ đến, nếu không muốn nói là luôn luôn lo âu và theo dõi những sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam đang tu học và hành đạo ở Hải Ngoại, những người con của Giáo Hội “đem chuông đi đánh ở xứ người”, một việc làm cao quý nhưng cũng đầy phức tạp. Với niềm thao thức đó, nay tôi có mấy lời tâm huyết gửi đến quý vị: Vì rằng, năm nay tôi đã xấp xỉ cửu tuần, sự sống có thể ngừng lại bất cứ luc nào và sự từ giã anh em trong trọng trách của mình cũng chưa kỳ hẹn được nên tôi thiết tha kêu gọi quý vị hãy phát huy hơn nữa bản thể của Tăng Già mà đoàn kết hòa hiệp, hãy cùng nhau thể hiện tinh thần tương kính, tương thuận, tương giáo, tương sám, như luật dạy. Hãy vì sự tồn tại của Giáo Hội, vì sự quang vinh của Đạo Pháp và dân tộc mà gạt bỏ những quan điểm dị biệt để cùng nhau hoằng dương Chánh Pháp, làm được nhiều Phật sự cụ thể, hữu ích và lớn lao hơn nữa như có nhiều vị đã thực hiện.

Tăng Ni Phật tử tại quê nhà đang gởi gắm rất nhiều niềm tin tưởng và đạo tình cao quý ở quý vị.

Tôi thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho tất cả anh em thân tâm an lạc phước trí trang nghiêm để hoàn thành sứ mạng của bậc Chúng Trung Tôn mà Phật Pháp và Lịch sử Phật Giáo Việt Nam giao phó.

Nay kính,

Tỳ Kheo Thích Đôn Hậu

(Ấn ký)

14-9-1991: HT Huyền Quang gửi Tâm Thư đến Tăng tín đồ VN hải ngoại: Tiếp theo sau Tâm Thư của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Phó Viện trưởng Viện Hóa Đạo, hiện đang bị công an địa phương quản thúc tại chùa Hội Phước Quảng Ngãi, cũng gởi đến Tăng Ni Phật tử Việt Nam ở hải ngoại một bức Tâm thư khác, kêu gọi hòa hợp thống nhất thể theo kỳ vọng của Hòa Thượng Đôn Hậu cũng như nguyện vọng chung của đại khối phật giáo trong và ngoài nước.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN HÓA ĐẠO

Cơ sở tạm Chùa Ấn Quang

243 Sư Vạn Hạnh Chợ Lớn

Số: 18/VPLV/VHĐ

Viết tại Quảng Ngãi, ngày 24 tháng 9 năm 1992.

Phật lịch 2536

TÂM THƯ

của Hòa Thượng Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN

Kính gởi: Chư Tôn Hòa Thượng, Chư Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni, cùng đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quí liệt vị,

Trước hết, nhân danh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi kính lời vấn an sức khỏe và cầu nguyện hồng ân chư Phật thùy từ gia hộ chư Tôn đức cùng quí liệt vị được mọi sự an lành, phước huệ tăng long, Bồ đề tâm kiên cố để phụng trì chánh pháp.

Riêng tôi, suốt 17 năm qua, ngục tù đã thay cho thiền thất, chốn lưu đày đã trở thành trụ sở lưu vong. Tuổi ngoại 70 vẫn chưa thể từ nan những trọng trách đối với Đạo pháp, quê hương; nhất là từ khi tôi được đến trước kim quan của Đức Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu – Chánh Thư ký kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống – trong tang lễ vừa qua, để bái lãnh Di mệnh thiêng liêng của Ngài để lại.

Trước hoàn cảnh Đạo pháp nhiễu nhương, Tăng Ni điêu đứng, chánh tà lẫn lộn, quần chúng Phật tử chưa biết phải nương tựa vào đâu; vì trách nhiệm đối với lịch sử, tôi không ngại tuổi già sức yếu, quyết chí làm tròn mọi sứ mạng mà Giáo hội và chư vị Tôn đức tiền bối giao phó, để đứng lên đòi hỏi công bằng, lẽ phải cho Dân tộc, cho Đạo pháp trước sự soi sáng của lương tâm loài người thời đại. Tôi có niềm tin tưởng quang minh và ý chí không lay động rằng: Con đường mà Giáo hội chúng ta đã lựa chọn luôn luôn có ánh sáng đại Trí của Chư Phật chiếu soi, có tâm Đại Từ của Bồ Tát nâng đỡ, và gần gũi nhất có là có hình bóng che chở của Lịch Đại Tổ Sư, của chư vị Thánh Tăng và các bậc Thánh Tử Đạo đã nguyện xả thân vì đại nghĩa, dõng mãnh, vô úy trước bạo lực cường quyền.

Vì lý do đó, nay tôi xét thấy có nhiều vấn đề, nhiều tâm sự, nhiều sự thật cần phải được nêu lên, để chư Tôn đức và đồng bào Phật tử các giới trong và ngoài nước cùng thấy, cùng bàn và cùng thẩm nghị, để cho sự thật khỏi bị che mờ bởi những bóng đen thời đại.

I. NHÀ NƯỚC CSVN LẬP RA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO NHÀ NƯỚC TẠI HÀ NỘI VÀO NĂM 1981 VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?

Như tất cả quí liệt vị đều biết, Nhà nước Cộng sản từ kinh điển Mác-Lê, đã từng xem tôn giáo là thuốc phiện, là kẻ thù của nhân đân, là thành phần xấu của xã hội, cần phải đấu tranh dẹp bỏ (1). Vậy thì có lý do nào mà Nhà nước Cộng sản lại dốc hết tâm lực, tài sản để lập ra Giáo hội nầy, Giáo hội nọ cho Tôn giáo?

Câu hỏi ấy có lẽ không cần phải trả lời. Vì ai cũng hiểu, dù kẻ đui mù trí óc cũng hiểu. Ở đây tôi chỉ thưa thêm: Đấy, chỉ là thủ đoạn chính trị, là chiến thuật trong chiến lược trường kỳ nhằm đánh lừa những người có tôn giáo cho dễ bề thôn tính. Do kinh nghiệm lịch sử, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã đàn áp tôn giáo một cách khéo léo tinh vi hơn. Họ không tiêu diệt thẳng tôn giáo như ở Liên Xô cũ, như ở Trung Quốc dưới thời cách mạng văn hóa, như ở Mông Cổ với những mồ chôn tập thể, như ở Campuchia dưới thời Pôn-Pốt… Mà họ còn lập ra Giáo hội cho tôn giáo như hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam ở Miền Bắc năm 1960, Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước ở Miền Nam năm 1975. Và các Hội, Ban nầy đã có các hàng Giáo phẩm là Cộng sản như các Hòa thượng Minh Nguyệt, Thiện Hào, Thế Long, Thanh Tứ… Lãnh đạo chưa đủ đắc lực và tin tưởng hay sao mà phải lập ra Giáo Hội mới cho thêm phiền phức? Vậy Giáo Hội Nhà nước ra đời tại Hà Nội năm 1981 với mục đích gì?

Xin thưa, mục đích ấy là: Lấy danh nghĩa Phật Giáo đoàn kết và thống nhất cả nước, Nhà nước Cộng sản Việt Nam đã lập ra Giáo Hội mới để làm công cụ nhằm lật đổ, xóa bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thông Nhất. Họ đã mượn bàn tay hợp tác của một số Tăng sĩ để chèn ép và tiêu diệt Tăng sĩ, mượn bàn tay của những kẻ đồng đạo để tiêu diệt người đồng đạo. Than ôi! Đây chính là đòn “Gậy ông đập lưng ông”. Thâm độc và dối trá đến thế là cùng.

II. TẠI SAO NHÀ NƯỚC CỘNG SẢN VIỆT NAM CÓ CHỦ TRƯƠNG XÓA BỎ GHPGVNTN?

– Vì chủ trương của Cộng Sản là độc quyền Đảng trị, là chuyên chính vô sản. Đường lối của Cộng Sản là lèo lái bằng mọi cách các tổ chức quần chúng trong xã hội, quy về một mối dưới sự lãnh đạo của Đảng và nhằm phục vụ cho quyền lợi của Đảng. Nhưng họ đã không thực hiện được những điều đó một cách dễ dàng đối với GHPGVNTN. Vì GHPGVNTN có những tính chất quan trọng như sau:

GHPGVNTN là một tổ chức to lớn, có cơ sở qui mô cùng khắp từ thành thị đến thôn quê, từ cao nguyên đến hải đảo, từ trong nước đến ngoài nước với các Chi bộ tại Hải ngoại ngày càng phát triển trên khắp thế giới.

GHPGVNTN có tư cách kế thừa chính thống Lịch Đại Tổ Sư truyền giáo quá khứ và cận đại, nhất là sự hy sinh cao cả của Bồ Tát Quảng Đức, của chư Thánh Tử đạo và của các vị cư sĩ hữu công từng vào tù ra khám.

GHPGVNTN có một hệ thống giáo dục Phật học từ sơ, trung đến cao đẳng; thế học từ tiểu học, trung học Bồ đề đến Đại Học Vạn Hạnh. Có cơ sở xuất bản báo chí, từ thiện xã hội ngày một nhiều.

GHPGVNTN là hậu thân của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (được thành lập từ 6 Tập đoàn Phật Giáo Trung-Nam-Bắc, vào năm 1951). Là một tổ chức được thống hợp bởi các Hệ phái, Tập đoàn Phật giáo Nam-Bắc tông, Việt-Miên-Hoa tông… trên cơ sở tự nguyện, phát xuất từ ý chí tự tồn sau một cuộc đấu tranh đầy gian khổ, lắm hy sinh trong Pháp nạn 1963. Vì thế, sự ra đời của GHPGVNTN, năm 1964, là sự qui tụ của những người con Phật cùng chung một hoàn cảnh, biết tìm về đoàn kết để bảo vệ lẫn nhau sau bao nhiêu kinh nghiệm xương máu, trước những âm mưu chia rẽ, áp bức bởi các thế lực chính trị phi dân tộc, chứ không phải do một chế độ cầm quyền nào dùng áp lực dựng lên. Do đó, GHPGVNTN có tính chất mang đầy bản sắc Dân tộc, không những có tầm vóc Quốc gia mà còn có địa vị Quốc tế (2), không những có vai trò lịch sử trong hiện tại mà còn có sứ mệnh vạch hướng cho dân tộc ở tương lai.

Một tổ chức như thế mà hàng lãnh đạo từ cao cấp đến cơ sở không có một người nào do Cộng sản cài vào (3), nên Nhà nước khó kiểm soát, khó lãnh đạo, khó tuyên truyền, khó lợi dụng. Vì vậy, họ cần phải tạo ra một Giáo hội mới có thể làm công cụ, làm lợi khí tuyên truyền cho chủ nghĩa Cộng sản. Rồi đến một lúc nào đó, khi các thành phần tôn giáo đối lập không còn nữa, thì Giáo hội mới cũng sẽ bị tiêu diệt.

Đây chính là chiến thuật “phù thủy” của Nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Họ đã bỏ công làm ra những “hình nộm”, những “ông thần giấy” với sự tỉa vẽ rất công phu cho ra vẻ linh thiêng, đường bệ, trong chiến dịch “giải hạn, trừ tà”. Để rồi, đến lúc hạ đàn thì tất cả cũng đều bị đưa lên giàn hỏa, chứ không phải có “con nộm”, “ông thần giấy” nào sẽ được đưa lên tượng đài để tôn vinh như có một số người lầm tưởng!

Kính thưa quí liệt vị,

Ở mục nầy, tôi xin mạn phép được luận bàn thêm một vài vấn đề liên hệ:

– Nếu GHPGVNTN không có những tính chất quan trọng như đã nêu trên, thì Nhà nước Cộng Sản Việt Nam đâu có đặc biệt “chiếu cố” đến như vậy. Và nếu một số vị trong hàng Giáo phẩm Phật Giáo có bản lãnh, có lập trường, không dễ bị mua chuộc thì Nhà nước dẫu có kiểm soát, hạn chế sinh hoạt v.v… cũng chỉ lập ra những Quyết định, Nghị quyết khắt khe như 297, 69 là cùng. Chứ không thể nào họ có thể dàn dựng một Giáo hội trùm lên một Giáo hội đồng hình thức, đồng danh hiệu nhưng khác hẳn về bản chất. Để rồi đưa vào cơ cấu đó những người cơ hội, háo danh và xúi dục sự chia rẽ, bức hại lẫn nhau. Thật là xấu hỗ với các tôn giáo bạn, vì họ cũng cùng cánh ngộ như chúng ta, nhưng đâu có cảnh đổ vỡ xáo trộn, đau thương như Giáo hội chúng ta. Đây chính là bài học ngàn đời: “vi trùng trong sư tử ăn thịt sư tử” mà Đức Phật đã dạy cách đây gần 30 thế kỷ!

– Nếu Giáo hội Nhà nước dựng lên có một Hiến chương với nội dung tương đối, thật sự có tự do, có chủ quyền, thì có gì đáng nói. Ngược lại, chúng ta còn vui mừng là khác. Nhưng làm gì có được bản Hiến chương như thế. Vì nó đâu có phải được soạn ra từ những bậc chân tu, vốn thao thức cho sự trường tồn của đạo pháp. Mà chính là sản phẩm của những người có chủ trương ngược lại. Họ còn cố tình xé bỏ Hiến chương GHPGVNTN và dùng áp lực cưỡng bách Tăng Ni Phật tử, phải chấp nhận, phải tuân thủ bản Hiến chương của một Giáo hội giả danh, do Nhà nước Cộng sản lãnh đạo qua hai cánh tay đắc lực của Đảng là Ban Tôn giáo và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Kính thưa quí liệt vị,

Trước và sau khi lập ra Giáo hội thứ hai, Nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã vạch định một kế hoạch lâu dài với đủ mọi biện pháp: Bắt giam một số vị lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hăm dọa, chụp mũ và vu khống những vị có uy tín, không cho các Tự viện tiếp nhận Tăng Ni thừa kế, kiểm tra hộ tịch hộ khẩu khắt khe, tạo khó khăn cho các chùa khắp toàn quốc, tìm mọi cách trở ngại tín đồ lui tới, hạn chế việc giảng đạo, truyền đạo, đi lại của Tăng Ni, không cho mở trường học, trường giới, tịch thu hết ruộng đất của chùa chiền v.v… Và, nếu cái đà kiểm soát, hạn chế nầy kéo dài, thì giới tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, đến cuối thế kỷ 20 nầy sẽ hoàn toàn “tuyệt tự”. Và Đảng Cộng sản sẽ xây dựng cho nhân loại một cảnh thiên đường trên sự đổ nát của tôn giáo (4). Nhưng than ôi! Tham vọng ấy bây giờ còn đâu nữa. Và tôn giáo bao giờ mới bị tận diệt dưới chế độ vô thần!

Từ năm 1991 trở lại đây, tôn giáo được Nhà nước cởi mở đôi phần qua chính sách đổi mới. Nhưng chúng ta đừng thiển cận, nhẹ dạ cho đó là chính sách hay “ân huệ” của Nhà nước đối với tôn giáo. Thật ra, đấy là do vòng quay tất định của lịch sử, là do xu hướng tiến hóa của nhân loại ngày nay. Và đồng thời, cũng do sự tự phát, tự tồn của tôn giáo. “Đổi mới hay là chết” đó là châm ngôn thời đại, là bài học máu xương khắp bốn bể, năm Châu. Nhà nước Việt Nam hiểu rõ như vậy, nên không thể ngăn chận được một sức mạnh hữu hình và vô hình từ bên ngoài và ngay trong lòng dân tộc. Cho nên sự “nới tay” chẳng phải là sự ban ơn, mà chính là sự trả lại – trả lại nhưng vẫn còn chưa đủ – những gì tôn giáo đã có và bất khả nhượng từ trước mà đã bị Nhà nước ngang nhiên tước đoạt.

III. VỚI BẢN CHẤT PHI TRUYỀN THỐNG, LÀ CÔNG CỤ CHÍNH TRỊ CỦA CHẾ ĐỘ HIỆN THỜI, GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC ĐÃ VẤP PHẢI NHỮNG SAI LẦM GÌ?

Để minh chứng rằng, Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội công cụ, đi ngược lại truyền thống Phật giáo dân tộc, tôi xin đơn cử một vài sự sai lầm mà chính Giáo hội ấy phải chịu trách nhiệm với lịch sử.

– Là một tôn giáo có mấy ngàn năm lịch sử trên Tổ Quốc Việt Nam. Giáo hội Nhà nước đã chấp nhận sự thanh trừng, tổ chức, chỉ đạo trực tiếp của các thế lực chính trị nhất thời là Ban Tôn giáo Chính phủ và Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

– Ký văn bản đề nghị Nhà nước xử lý Hòa Thượng Thích Quảng Độ và tôi vào năm 1980, vì không đồng tình để Nhà nước chỉ đạo việc thống nhất Phật giáo.

– Tự nhận mình là thành viên của một tổ chức chính trị Cộng sản là Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

– Đại hội lần thứ nhất, năm 1981, Giáo hội Nhà nước đã hủy bỏ Giáo kỳ Phật giáo một biểu tượng thiêng liêng đã được bảo vệ bằng biết bao xương máu, tù tội của Tăng Ni Phật tử. Đồng thời đã loại bỏ tổ chức Gia đình Phật tử ra khỏi Giáo hội, một tổ chức nòng cốt có nhiều thành tích đối với lịch sử Phật giáo cận đại bị áp lực phải xóa tên.

– Tại Đại hội này, đã thiết trí hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh lớn hơn tôn tượng Đức Phật là một điều sai lầm không thể chấp nhận được.

– Đại hội lần thứ nhất, Giáo hội Nhà nước đã ra tuyên bố chống Trung Quốc theo luận điệu chính trị của Nhà nước Cộng sản hồi đó. Và đã phạm thượng với Đức Phật. Vì chỉ có Đức Phật mới xứng đáng gọi là Pháp vương hay Pháp chủ. Do đó Giáo hội Nhà nước đã đi ngược lại truyền thống của chư Tổ khi dùng từ ngữ nầy để tôn vinh cho một vị Tỳ kheo, và vị Tỳ kheo ấy cũng mặc nhiên tự nhận mình là Pháp chủ.

– Năm 1981 những vị trong ban trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, và Ban Tôn giáo vận đã ngang nhiên chiếm cứ và hạ bảng Văn phòng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN để làm trụ sở thành hội.

– Đại hội lần thứ hai, năm 1986, Giáo hội Nhà nước đã tổ chức ngay tại cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô của Nhà nước, nơi thường diễn ra các sinh hoạt chính trị tại thủ đô Hà Nội. Cũng tại Đại hội lần nầy, Giáo hội Nhà nước đã ra tuyên bố chống “Đế quốc Mỹ” với danh nghĩa chống chiến tranh hạt nhân do Liên Xô đề xướng.

– Nội qui Tăng sự của Giáo hội Nhà nước qui định việc tấn phong Giáo phẩm Hòa thượng, Thượng tọa phải được chính quyền các cấp xét duyệt, chấp thuận là hoàn toàn sai trái với tinh thần giới luật, ngược lại truyền thống của Phật giáo Việt Nam và biến những hàng Giáo phẩm của Phật giáo thành sản phẩm của một chế độ có chủ trương chống tôn giáo.

– Cả hai lần Đại hội nói trên, đều được Nhà nước Cộng sản Việt Nam đài thọ mọi phí tổn, đưa đón các đại biểu về ăn ở tại nhà khách Chính phủ rất sang trọng tại Hà Nội.

– Trong khi cả một dân tộc đang đấu tranh bằng nhiều hình thức để đòi quyền dân chủ thực sự và công bằng xã hội, trong khi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các vị tu sĩ trí thức, các nhân sĩ đất nước… bị bắt bớ giam cầm đến chết rục trong lao tù, trong khi biết bao nhiêu chùa chiền, cơ sở Phật giáo trong cả nước bị chiếm dụng làm nhà kho chứa thóc, chứa phân, nhà hội họp, câu lạc bộ v.v… thì các vị lãnh đạo GH Nhà nước, trừ các vị bị áp lực phải tham gia, còn số ít vẫn ung dung tự tại, thụ hưởng mọi đặc quyền đặc lợi của Nhà nước một cách không hỗ thẹn. Lại còn lớn tiếng hoan hô, ca ngợi một thể chế tự do giả danh, dân chủ hình thức, cản trở sự đấu tranh của dân tộc, nhất là giới Phật giáo của chúng ta.

– Hầu hết các vị lãnh đạo Giáo hội Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều bị ép buộc tham chính bởi Nhà nước theo từng cấp, do sự bố trí của Mặt trận Tổ quốc và ban Tôn giáo.

Diễn tả sai lầm của Giáo hội đối với giới luật, với tăng Ni Phật tử, với lịch sử Phật giáo Việt Nam thì vô cùng vô tận… Nên phải hiểu rằng, lịch sử tự nó không có tội, nhưng nếu chúng ta sai lầm thì liệu lịch sử có dung tha những tội lỗi cho chúng ta không?

IV. GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT CÓ PHẢI LÀ THÀNH VIÊN SÁNG LẬP NÊN GIÁO HỘI NHÀ NƯỚC HAY KHÔNG?

Đây là vấn đề quan trọng, một sự thật lịch sử cần được phát giác để dư luận trong và ngoài nước tỏ tường.

Nguyên vào đầu xuân Canh Thân (1980) Nhà nước đã triệu tập một cuộc gặp mặt đầu năm gồm nhiều vị lãnh đạo được chọn lựa trong cả nước từ các Giáo hội, các tổ chức Phật giáo về tại Trụ sở ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, số 176 đường Võ Thị Sáu. Đến dự cuộc gặp mặt nầy có cả Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ và Hòa Thượng Thích Minh Châu. Tất cả ba vị đều được mời đi tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện cho Giáo hội. Chủ trì cuộc gặp mặt nầy là quí ông Nguyễn Văn Linh, bây giờ là Ủy Viên Trung Ương Đảng, Bí thư Thành ủy, ông Trần Bạch Đằng, Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và quí vị Đại diện Trung ương MTTQVN tại trụ sở. Mục đích cuộc gặp mặt nầy là để bàn luận việc thống nhất Phật giáo Việt Nam mà Nhà nước đã có kế hoạch, có chương trình định sẵn. Sau các lời mở đầu đầy bóng bẩy của ông Nguyễn Văn Linh với nội dung ca ngợi Phật giáo Việt Nam có truyền thống yêu nước, có công lao với lịch sử dân tộc trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, sức mạnh của Phật giáo chính là sức mạnh của quần chúng… Do đó, “muốn tạo nên một thành trì kiên cố làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng, cho cách mạng Việt Nam, không có cách nào tốt hơn là phải củng cố và thống nhất Phật giáo”… “xin quí Hòa Thượng cho phép chúng tôi được gọi là Phật giáo của chúng ta, và đề nghị quí Ngài cũng nên gọi là Đảng của chúng ta…”

Bất bình trước chủ tâm khuynh loát của Nhà nước, cũng như với ý đồ muốn đồng nhất Phật giáo Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam, Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu liền đứng dậy phát biểu: “Hôm nay chúng tôi đến đây là với tư cách cá nhân, vì quí vị mời chúng tôi không phải với chức năng Giáo hội. Nên chúng tôi đến dự không phải là Đại diện Giáo hội và Giáo hội cũng không có Ủy cử chúng tôi.” Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ lúc bấy giờ cũng đứng dậy tán đồng ý kiến ấy. Rồi Cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu nói tiếp: “Thống nhất Phật giáo cả nước là việc làm rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Phật giáo Việt Nam, nên sự thống nhất phải từ trên cơ sở được sự tham gia bàn bạc, quyết định của từng mỗi Giáo hội, Hệ phái, thì mới có được sự thống nhất trọn vẹn. Việc này không thể quyết định một cách vội vàng và do Nhà nước chủ động. Hơn nữa, trước đây Giáo hội chúng tôi đã từng đề bạt việc nầy với Nhà nước và cũng đã có văn thư gởi Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại Miền Bắc. Nhưng tất cả đều từ chối! Vậy thì tại sao hôm nay Nhà nước lại đứng ra triệu tập thống nhất Phật giáo? Tại sao việc lịch sử Phật giáo mà quí vị không để chúng tôi làm, quí vị lại đứng ra nhận lãnh? Tại sao quí vị lại có chủ trương loại bỏ GHPGVNTN chúng tôi? Bằng cớ là đã không mời Giáo hội chúng tôi đến dự cuộc họp hôm nay. Do đó, với tư cách cá nhân, chúng tôi không thể dự bàn cuộc họp nầy được. Và, vì trách nhiệm đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, chúng tôi không thể làm một việc mà đã sai nguyên tắc ngay từ cơ bản, để rồi ra về ngay sáng hôm ấy, mặc dù cuộc họp còn kéo dài suốt ngày, và Ngài đã vào nằm bệnh viện khá lâu để có thể từ chối mọi áp lực.

Đến giữa năm 1980, Cố Hòa Thượng Trí Thủ lúc bấy giờ với tư cách Trưởng ban Vận động thống nhất Phật giáo, dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Hội Đồng Viện Hóa Đạo tại Chùa Ấn Quang. Sau khi được giới thiệu xong, Hòa Thượng Phạm Thế Long phát biểu: “Đảng chủ trương đất nước đã thống nhất thì Phật giáo cũng phải thống nhất… Hôm nay chúng tôi đến xin quí Hòa Thượng, Thượng Tọa góp ý kiến vào việc kiến trúc một ngôi chùa thống nhất cho Phật giáo cả nước.”

Lúc bấy giờ tôi liền nói: “Quí Ngài là sáng lập viên, là kiến trúc sư của ngôi chùa đó, vậy quí Ngài đã phác họa một kiểu mẫu đại khái nào chưa? Chẳng hay ngôi chùa ấy có giống như Quán Sứ, Chùa Keo, Từ Đàm, Linh Mụ… Hoặc là giống như Ấn Quang, Xá Lợi v.v… để chúng tôi có thể dựa vào đó mà góp ý? Tuy nhiên, chúng tôi biết rõ là Nhà nước chủ trương lập một ngôi chùa thống nhất cho các Giáo phái, Tập đoàn Phật giáo cách mạng, chứ Giáo hội chúng tôi đâu có được đặc ân vào đó. Vì chính ông Nguyễn Văn Hiếu, Bộ trưởng Bộ Văn Hóa thời chính phủ cách mạng lâm thời CHMNVN đã nói với Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, khi Ngài bàn với ông Bộ trưởng xin thống nhất Phật giáo cả nước, rằng: “Thống nhất thì tốt, nhưng thống nhất các tổ chức Phật giáo cách mạng, chứ thống nhất làm gì với Phật giáo phản động”. Hòa Thượng chúng tôi hỏi: “Phật giáo phản động là ai?” Ông Bộ trưởng không trả lời. Như vậy, Nhà nước muốn chỉ trích Giáo hội chúng tôi là phản động. Thưa Quí Ngài, vậy thì ngôi chùa thống nhất Phật giáo, Giáo hội chúng tôi đâu được có mặt trong đó, nên cũng không dám đóng góp ý kiến gì cả.”

Tiếp đó, Hòa Thượng Quảng Độ phát biểu: “Phật giáo miền Bắc sống trong phần đất tự do, hòa bình, độc lập; nhưng quí Ngài đã làm được gì cho Phật giáo ngoài đó? Còn Phật giáo trong Nam sống trong phần đất chiến tranh, bị kềm kẹp, đàn áp, bất công… Nhưng chúng tôi đã làm được những gì cho Phật giáo chắc quí vị đã thấy, đã biết. Vậy, bây giờ ai cần thống nhất với ai đây?”

Thế là tan rã, cuộc trưng cầu ý kiến không đem lại một kết quả nào.

Thưa Quí liệt vị,

Tôi chỉ kể lại một vài việc cụ thể như trên để cho tất cả chúng ta đều rõ. Và, như vậy không có nghĩa là GHPGVNTN chúng ta không có thiện chí đối với sự nghiệp thống nhất Phật giáo cả nước. Mà chính vì Nhà nước đã có chủ trương loại bỏ Giáo hội chúng ta ngay từ đầu, đã lên án Giáo hội chúng ta là phản động. Còn có một số vị Giáo phẩm của chúng ta tham gia vào Giáo hội Nhà nước là do được mời với tư cách cá nhân mà thôi. Và một số vị tự ý nhân danh trưởng Đoàn Đại biểu GHPGVNTN, đọc tham luận trong Đại hội kỳ I chỉ là sự lạm xưng. Vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất không có một cuộc họp nào, một văn bản nào đề cử Đại diện tham gia vào Giáo hội Nhà nước cả.

Trên đây, tôi cũng xin đưa ra một vài luận điệu của những kẻ thờ ơ, bàng quan, thiển cận hoặc bị mua chuộc, ru ngủ trước hiện tình Phật giáo, để chúng ta cùng nhau thẩm định cho sâu sắc, phân biệt cho rõ ràng, để khỏi đắc tội với lịch sử.

Có người nói: Giáo hội nào cũng được!

– Xin thưa: GHPGVNTN là Giáo hội kế thừa truyền thống rạng rỡ của Phật giáo Việt Nam, là Giáo hội do Lịch Đại Tổ sư quá khứ và cận đại sáng lập để truyền bá Phật Pháp. Còn Giáo hội Nhà nước là một Giáo hội chính trị thời đại, do nhà nước Cộng sản lập nên để làm công cụ cho việc truyền bá chính trị và tư tưởng của Mác-Lê. Mục đích của nó là làm lũng đoạn nội bộ, hạn chế phát triển kiểm soát sinh hoạt của tôn giáo, lần hồi sẽ đẩy tôn giáo đến chỗ diệt vong. Tại sao chúng ta không thấy được hiểm họa ấy mà còn bảo là Giáo hội nào cũng được!

– Có người nói: Mỗi Giáo hội ra đời phải tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử xã hội, bánh xe lịch sử đã qua rồi thì việc chọn lựa Giáo hội cũng y như vậy.

– Xin thưa: Như trên đã trình bày, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời trong một hoàn cảnh bị chia rẽ và áp bức, và do ý chí tự nguyện tự tồn, do nhu cầu hoằng pháp và do sự thành công của cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội. Còn các Hội, Ban và Giáo hội Nhà nước ra đời trong bối cảnh những năm 1960, 1975, 1981, là do nhu cầu chính trị thời đại ưu tiên thành lập. Một bối cảnh do bị sức ép nên tự phát, tự nguyện vùng lên. Một bối cảnh do nhu cầu chính trị với chiến lược “gậy ông đập lưng ông” và được chính quyền sắp đặt, tổ chức. Hai bối cảnh hoàn toàn trái ngược nhau từ hiện tượng cũng như về bản chất, từ nguyên nhân cũng như về kết quả. Vậy thì chúng ta nên lựa chọn một Giáo hội để tự phát, tự tồn hay chấp nhận một Giáo hội để tự tiêu, tự diệt. Hơn nữa, kinh nghiệm lịch sử cho thấy rằng, tất cả mọi thứ Giáo hội giả danh do các thế lực chính trị thời đại lập nên, đều lần lượt tan hàng nhục nhã theo các thể chế chính trị thời đại ấy, khi mà lịch sử dân tộc phải lật sang trang sử mới. Những kinh nghiệm nầy trong quá khứ không phải là hiếm vậy.

– Lại có người nói: Việc Giáo hội Nhà nước ra đời dù sao cũng là việc đã rồi!

– Đây là thái độ thờ ơ thiếu trách nhiệm, thái độ ấy chỉ để dành cho những ai chưa từng sống chết cho Phật giáo, chưa từng bị đàn áp tù tội, đổ máu và chết chóc trong Pháp nạn 1963 và chưa từng là cán bộ của GHPGVNTN. Thái độ đó cũng chỉ dành cho những ai không phải trưởng thành từ các Phật học viện hay các trường trung, tiểu học Bồ Đề ngày trước.

Nói chung, xin thưa rằng: Nơi nào có chủ nghĩa Cộng sản, thì nơi đó trước sau gì rồi tôn giáo cũng bị tiêu diệt! Nơi nào có chủ nghĩa Cộng sản thì nơi đó có những Giáo hội giả danh, những con bài tôn giáo được dựng lên để làm công cụ tay sai cho chế độ. Hỡi những ai đang còn mê ngủ và mù quáng, hãy thức tỉnh!

V. VẤN ĐỀ KHÔI PHỤC SINH HOẠT GHPGVNTN CÓ CHÍNH NGHĨA KHÔNG? VÀ NHÀ NƯỚC CÓ MẶC NHIÊN CHẤP THUẬN KHÔNG?

Tôi và quí vị Giáo phẩm trong Hội đồng Lưỡng Viện GHPGVNTN có mặt trong và ngoài nước, thừa Di Chúc thiêng liêng của cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Chánh thư ký kiêm Xử Lý Viện Tăng Thống, để lãnh đạo Giáo hội, dẫn dắt Phật tử các giới trong bất kỳ mọi hoàn cảnh, thì sao gọi là không chánh nghĩa?

Tôi, nhân danh Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, đã đệ đơn lên các vị lãnh đạo cao cấp Nhà nước Việt Nam, với nguyện vọng 9 điểm, để đòi hỏi lẽ phải, công lý và lương tâm của những người Việt Nam đang lãnh đạo đất nước. Lời kêu cứu của tôi đã vang vọng và được hưởng ứng, ủng hộ khắp bốn bể năm châu, thì có gì chính nghĩa hơn thế nữa.

Vả lại, từ trước đến nay, Nhà nước Việt Nam cũng chưa hề có một văn bản pháp lý nào qui định tội trạng, và cũng chưa có văn kiện chính thức nào “khai tử” Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thông Nhất. Vậy thì, việc khôi phục sinh hoạt của Giáo hội chúng ta hẳn nhiên là hợp pháp, hợp lý và có chánh nghĩa.

Muốn biết Nhà nước Cộng sản Việt Nam có chấp thuận cho chúng ta sinh hoạt bình thường không, thì cần phải phân tích cho minh bạch để cùng nhau thông hiểu.

Từ căn bản của tư tưởng vô thần, Cộng sản không bao giờ đội trời chung với tôn giáo. Chúng ta đừng có ngây thơ tin tưởng rằng Nhà nước Cộng sản thật sự cho phép “tự do tín ngưỡng”. Đấy chỉ là cụm từ rỗng, chỉ là chiến thuật trong chiến lược để lừa dối quần chúng nhẹ dạ, để làm mờ mắt những Tăng Ni Phật tử cạn cợt.

Sau khi chiếm trọn Miền Nam, Nhà nước Cộng sản biết rằng họ còn phải đương đầu với rất nhiều kẻ thù từ bên trong cũng như từ bên ngoài đất nước. Nên họ không dại gì công khai tuyên bố tôn giáo là kẻ thù. Mà đấy là đối tượng cần phải dùng những cán bộ trung cấp hoặc hạ tầng cơ sở thiếu học để dễ sai khiến họ tìm cách hạn chế phát triển và triệt tiêu dần dần tôn giáo. Những hành động đập phá tượng Phật lộ thiên ở nhiều nơi, chiếm dụng chùa chiền, mạ lỵ, phỉ báng, gây sức ép để Tăng Ni hoàn tục… Thì cứ đổ lỗi cho cán bộ cấp dưới là xong. Còn Đảng và hàng cán bộ cao cấp thì bao giờ cũng sáng suốt và biết tôn trọng tự do tín ngưỡng. Nhưng, thực tế họ có phải thực sự sáng suốt không? Và những vấp váp, sai lầm nghiêm trọng đối với đất nước, đối với dân tộc trong 17 năm qua phát xuất từ đâu? Nếu không phải từ những bộ óc tự nhận mình là “đỉnh cao trí tuệ của loài người”?

Việc ấy bây giờ không còn che mắt ai được nữa. Bức màn huyền bí của chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới đã được vén lên để phơi bày sự thật. Tiêu diệt tôn giáo không được, dùng mọi chiến thuật, chiến lược đều bất thành. Nhà nước Việt Nam đành phải “nới tay” dưới chủ trương “đổi mới”. Nên các Gia đình Phật tử từ Quảng Trị đến Cà Mâu nhất loạt vùng lên sinh hoạt trong những năm gần đây mà Nhà nước đành “thỏng tay bất lực”. Chúng ta cứ sinh hoạt bình thường vì đây là sức mạnh của chúng ta. Cái sức mạnh có từ những bậc Bồ tát, những vị Thánh Tử đạo, không bao giờ chịu khuất phục, chịu nô lệ trước tham vọng, bạo lực, cường quyền. Cái sức mạnh ấy tiềm tàng nơi tự tâm của những con người tin Phật:

– Qui y Phật: Không qui y thiên thần quỉ vật.

– Qui y Pháp: Không qui y ngoại đạo, tà giáo.

– Qui y Tăng: Không qui y tổn hữu, ác đảng.

Những huynh trưởng 60-70 tuổi, trải mười mấy năm qua, đã từng bị công an gọi lên, gọi xuống, hăm dọa hàng chục lần. Các Gia đình Phật tử từng bị giải tán 15-20 lần, nhưng đức nhẫn nại, lòng vô úy của người con Phật không vì vậy mà chùn bước, cứ vẫn lặng lẽ, âm thầm chịu đựng mà tiến lên. Bây giờ thì cờ xanh, sen trắng tung bay khắp bốn phương trời… Những đời sống đạo đức, lành mạnh, hồn nhiên và tươi trẻ ấy đã đi vào lòng dân tộc, đi vào lòng mọi người… lôi cuốn cả đến con em của những cán bộ Cộng sản, lôi cuốn luôn cả những đoàn thể thanh, thiếu niên, nhi đồng của Nhà nước. Và, điều đáng mừng thay, đã có hàng trăm, hàng ngàn cán bộ Cộng sản cùng con em của họ đã qui thuận vào đại Gia đình Phật giáo. Sự thật ấy tất cả chúng ta đều thấy rõ. Quí vị Giáo phẩm lãnh đạo GHPGVNTN tại các tỉnh, các địa phương nên nghĩ gì, làm gì để lãnh đạo GĐPT một cách xứng đáng hơn.

Câu hỏi chúng ta có được phép sinh hoạt bình thường dưới chế độ Cộng sản không? Thiết nghĩ, câu hỏi ấy là của những người chưa hiểu gì về chủ nghĩa Cộng sản cả.

VI. VIỆC KHÔI PHỤC LẠI GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT CÓ BỊ CHỤP MŨ LÀ CHỐNG CỘNG, ĐỂ RỒI BỊ ĐÀN ÁP KHÔNG?

Thưa rằng, cách đây hàng trăm năm, kinh sách các tôn giáo không có câu nào dạy tín đồ chống Cộng cả. Riêng Phật giáo lại còn tuyệt đối không. Từ ngày có chủ nghĩa Mác-Lê-Nin ra đời, chủ nghĩa ấy đã dạy con người sự đấu tranh, căm thù và giết chóc, nhất là chống đối tôn giáo. Sự thoái trào, sụp đổ của chủ nghĩa Cộng sản trên khắp thế giới trong vài ba năm trở lại đây cũng không phải là do tôn giáo chống đối. Mà vì bản chất của chủ nghĩa ấy đã lỗi thời và bị đào thải bởi con người ngày nay đã đủ văn minh và tiến bộ.

Phật giáo Việt Nam suốt mấy ngàn năm lịch sử luôn luôn đứng về phía quần chúng bị áp bức, khổ đau để chống đối với cái ác, cái mê lầm, tham lam và tàn bạo. Cộng sản Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm lãnh đạo Miền Bắc, 17 năm lãnh đạo Miền Nam mà đã đưa đất nước nầy nghèo nàn, lạc hậu, lùi xa đến 50-100 năm so với các quốc gia trong vùng Đông Nam Châu Á. Cộng sản đã biến Việt Nam thành một xã hội vô linh hồn và xem thường các giá trị thiêng liêng của dân tộc. Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã lấy danh nghĩa là vì những người dân đau khổ, hô hào là “lấy dân tộc làm gốc”… Nhưng thật ra những người dân đang cùng khổ trong xã hội đã hưởng được những đặc ân gì dưới một đất nước để những người “vô sản” cầm quyền? Hay thực tế nghèo đói, khổ đau vẫn càng ngày càng thêm khổ đau, nghèo đói?

Qua các kỳ Đại hội Đảng lần thứ 6, thứ 7, họ kêu gọi sửa sai, lần nầy qua lần khác, nhưng càng sửa lại càng sai. Nhiều cán bộ từ hạ tầng đến cao cấp tham nhũng hối lộ lan tràn, tiếp tục nạn ô dù để an thân thụ hưởng, mặc nhiên trước cảnh đau khổ, nghèo nàn, lạc hậu của nhân dân. Tất cả mọi sự thật ấy ngày nay đã bị báo chí, dư luận phanh phui, bóc trần trước mắt mọi người trong nước và quốc tế.

Trước tình cảnh đó, kế thừa và phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam đối với Dân tộc và Đạo pháp, việc đòi lại chủ quyền của GHPGVNTN là việc làm tiên quyết vậy.

Kính thưa quí liệt vị,

Quí vị nghĩ sao? Đơn xin cứu xét nhiều việc của tôi có 9 điểm quan trọng tôi đã gởi đến các cấp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam để đòi hỏi công lý, lương tâm và sự thật; để xin được xét xử tôi một cách công khai trước lịch sử, trước dư luận Quốc nội và Quốc tế. Nhưng đã nhiều tháng rồi, Nhà nước vẫn làm ngơ, không cứu xét. Như vậy, ai là người có thiện chí? Ai là người sợ sự thật bị phơi bày?

Nhân danh Quyền Viện trưởng Viện Hóa Đạo, tôi cũng như quí vị, với lập trường trước sau như một, yêu cầu Nhà nước Cộng sản Việt Nam thực thi các nguyện vọng sau đây:

Cứu xét đúng đắn, giải quyết thỏa đáng 9 điểm yêu cầu đã được ghi rõ trong ĐƠN XIN CỨU XÉT NHIỀU VIỆC đề ngày 25-06-1992 và ĐƠN KHẾU NẠI đề ngày 24-8-1992 của Viện Hóa Đạo gởi quí cấp lãnh đạo Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, đưa BỨC TÂM THƯ nầy ra mổ xẻ phải trái rõ ràng. Để, một là Nhà nước dứt khoát “khai tử” GHPGVNTN có trụ sở tạm tại Chùa Ấn Quang để tôn vinh Giáo hội Nhà nước đã dựng lên vào năm 1981 tại Hà Nội. Hai là mặc nhiên để Giáo hội chúng tôi sinh hoạt bình thường.

Hủy bỏ khẩu hiệu “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Vì Phật giáo Việt Nam đã chưa bao giờ và sẽ tiếp tục không bao giờ tôn thờ, hoặc làm công cụ tuyên truyền cho bất cứ một chủ nghĩa chính trị nào.

Tôn trọng các ngày lễ Phật Đản và Chúa Giáng Sinh, bằng cách cho cán bộ, công nhân viên và học sinh được nghỉ trong 2 ngày lễ trọng đại ấy. Đồng thời, ghi ngày Pháp nạn 20 tháng 8 dương lịch và ngày kỷ niệm Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu và các Thánh Tử Đạo vị pháp vong thân, vào các ngày Khánh tiết hằng năm của dân tộc.

Chấm dứt mọi hình thức dùng áp lực khủng bố hoặc dụ dỗ mua chuộc Tăng Ni, Phật tử phải tham gia vào Giáo hội Nhà nước, nhất là trong đợt vận động cho Đại hội kỳ III sắp tới. Và cho dù, Nhà nước có khéo léo tinh vi đến bao nhiêu như sửa lại Hiến chương, thay người, đổi ngựa v.v… cũng không dễ gì xóa bỏ được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, trong khi hai cánh tay đắc lực của Đảng là Ban Tôn giáo và Mặt Trận Tổ Quốc vẫn còn nhúng sâu vào nội bộ Giáo hội, thì bản chất công cụ của Giáo hội nầy vẫn còn nguyên. Và cứ thế thì sẽ tiếp tục đi theo những dấu vết sai lầm cũ, đồng thời sẽ xảy ra những sai lầm mới đối với Đạo pháp và Dân tộc.

Để kết thúc bức TÂM THƯ nầy, tôi xin có mấy lời tâm huyết:

Kính bạch chư Tôn đức,

Kính thưa quí liệt vị,

Tất cả chúng ta đều là nạn nhân, GHPGVNTN hay là Giáo hội gì đi nữa, nói chung các tổ chức Tôn giáo đều là nạn nhân của chế độ Cộng sản. Nói thế không có nghĩa là chúng ta phải an thân, thủ phận, cam chịu bó tay, cúi đầu chịu nhục mãi để các thế lực chính trị muốn khai sinh, khai tử gì cũng được. Các tổ chức Gia đình Phật tử tại nửa phần đất nước đã không biết khiếp sợ uy quyền và bạo lực, trở lại sinh hoạt trong 5-6 năm qua. Và, trên khắp thế giới, cách xa chúng ta hàng vạn dặm, các vị Giáo phẩm, Chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, đang vượt qua mọi trở ngại xây dựng GHPGVNTN, để dìu dắt Tăng Ni Phật tử tu học, đồng thời đoàn kết một lòng hậu thuẫn rộng rãi, ủng hộ vững chắc cho Giáo hội chính thống tại quê nhà đang gặp nhiều khó khăn, trở lực trong việc khôi phục sinh hoạt sau 17 năm bị tê liệt vì áp lực của chính quyền.

Lịch sử Phật giáo Việt Nam sẽ ghi những ai chống lại Giáo hội truyền thống, những ai thờ ơ vô trách nhiệm với sự nghiệp cứu nguy Phật giáo đang thống khổ trên quê hương xứ sở này.

Tôi nguyện sẵn sàng hy sinh thân mạng cho Phật Pháp trường tồn, cho sự thật lịch sử sáng tỏ, cho bao nạn nhân đã chết và đang chết dần mòn trong lao tù và bóng tối, cho sự hưng vượng ở ngày mai của Dân tộc và Đạo pháp.

Bức TÂM THƯ nầy được viết ra bằng máu, và sẽ gởi đi khắp bốn bể năm Châu. Phật giáo chưa bao giờ chịu khuất phục bởi bất cứ một thế lực phi nghĩa nào trên thế gian, vì nó được trang bị bằng tinh thần Đại Hùng – Đại Lực – Đại Từ Bi của chư Phật và Bồ Tát.

Trân trọng kính chào chư Tôn đức và quí liệt vị.

Nay Tâm Thư,

Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN

Tỳ Kheo Thích Huyền Quang

(Ấn ký)

Bản sao kính gởi:

– Ông Thủ Tướng Chính Phủ nước CHXHCN Việt Nam.

– Ông Chủ Tịch UB Liên Hữu Bảo Vệ Nhân Quyền Quốc Tế.

– Ông Chủ Tịch ủy Ban Bảo Vệ Quyền Làm Người Việt Nam tại Paris “để kính tường”.



CHÚ THÍCH:

(1) Trong tài liệu “phát động quần chúng đấu tranh cải cách ruộng đất vào các năm 1950-1951, Nhà nước Cộng sản có nêu lên các thành phần trong xã hội được gọi là đối tượng phải đấu tranh loại bỏ: Trí (trí thức), Phú (giàu có), Địa (địa chủ), Hào (hào lý), Tôn giáo, lưu manh.

(2) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là thành viên Hội Phật tử Liên Hữu Thế Giới, Hội viên Giáo Hội Tăng Già Thế Giới, và thành viên của tổ chức Văn Hóa Giáo Dục Liên Hiệp Quốc.

(3) Trong thơ của cố Đại lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu từ chiến khu gởi về Viện Hóa Đạo năm 1968 có đoạn nói: “Sau ngày đưa tôi lên Chiến khu, có một vị cán bộ cao cấp (không nói tên) đến thăm tôi và nói rằng: “Chúng tôi mời Bác lên đây để làm cách mạng với chung tôi, sau khi cách mạng thành công Bác sẽ về cứu Giáo hội của Bác. Vì Giáo hội Bác không có ai là cách mạng để làm cách mạng cả…”

(4) Việc xây thiên đường tại trần gian nầy thay cho tôn giáo… là do ông Minh, Trưởng Ban chấp pháp Sở công an Thành phố Hồ Chí Minh nói với tôi lúc tôi bị ở tù tại đó hồi tháng 10 năm 1978.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin