menu

Người Việt Nam Tồi Tệ: Tánh lưu manh và thích bạo lực

View: 2087 -     Lâm Nhược Trần       20/12/2020 12:12:03 pm
Người Việt Nam Tồi Tệ: Tánh lưu manh và thích bạo lực
Người Việt Nam Tồi Tệ: Tánh lưu manh và thích bạo lực

Có lẽ vì quá tự tôn dân tộc nên nhiều người thường ngộ nhận, tự hào và cho rằng người Việt thông minh. Tôi thì không nghĩ vậy, do hoàn cảnh lịch sử, địa lý, người Việt chỉ khôn khéo (hay khôn vặt), chứ không thông minh, chỉ giỏi lắt léo, luồn lách, giỏi chịu cực chịu khổ, giỏi chịu đựng và thích nghi với hoàn cảnh. Họ siêng năng, nhưng không có óc sáng tạo, nếu có thì chỉ là những thứ nhỏ nhặt, vặt vãnh. Một thí dụ điển hình: Cùng làm việc như nhau trong một nhà máy, một nhân viên gốc Tây cố mài mò, học hỏi, cố làm việc nghiêm túc, thực hiện đúng qui trình để bộ phận dây chuyền trong xưởng được luôn hoạt động tốt và suôn sẻ, tránh có trục trặc và nếu cần thì cải tiến cho hoàn chỉnh hơn. Một công nhân người Việt thì khác, để lấy thành tích và sớm được thăng tiến, họ âm thầm hoặc lén lút phá hỏng một bộ phận máy móc nào đó và sau đó, giả vờ tìm hiểu, tự động phát hiện ra sự cố, rồi tự mình đề nghị được sửa chữa. Dây chuyền hoạt động bình thường trở lại, như vậy, anh là nhân viên giỏi, có thành tích tốt, anh đã có công khôi phục lại công việc. Một hành động khôn khéo theo cái kiểu rất… ma mãnh.

Vừa rồi, các trang mạng xôn xao về phát biểu của một giám đốc người Nhật ở một công ty liên doanh tại Việt Nam. Xin được trích đăng: “Các anh (người VN) chỉ biết nghĩ đến lợi lộc nhỏ của cá nhân mà không quan tâm đến cái lợi lớn của tập thể. Một cái vít chúng tôi phải mang từ Nhật sang giá 40 nghìn đồng mà rơi xuống đất thì công nhân VN các anh thản nhiên dẫm lên hoặc đá lăn đi mất chỉ vì nó không phải của các anh. Nhưng các anh đánh rơi điếu thuốc đang hút dở giá một nghìn đồng thì các anh sẵn sàng nhặt lên hút tiếp cho dù nó có bị bẩn, chỉ vì nó là của các anh. Cuộn cáp điện chúng tôi nhập về với giá vài triệu mỗi thước, nhưng các anh cắt trộm bán được có vài trăm nghìn. Tất cả những việc đó mang lại chút lợi lộc nhỏ cho các anh nhưng gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, vì chúng tôi phải nhập bổ sung hoặc nhập thừa so với cần thiết. Các anh nên biết rằng, lẽ ra chúng tôi có thể trả lương cao hơn hoặc tăng lương nhiều hơn cho các anh. Nhưng đáng phải tăng lương cho các anh năm trăm nghìn đồng thì chúng tôi chỉ tăng hai trăm nghìn đồng. Còn ba trăm nghìn đồng thì chúng tôi phải giữ lại để chi trả bù đắp cho những trò vụn vặt, gian dối hay phá hoại của các anh. Cuối cùng là tự các anh hại các anh mà thôi. ” Đọc xong lời phát biểu trên, tôi thật sự hổ thẹn vì cảm thấy nó đúng quá!

 

Người Việt vừa gian xảo, vừa thích bạo lực. Do giáo dục bất cập, kỹ năng hay văn hóa, hành vi ứng xử lệch lạc, nhiều người cư xử rất thiếu trưởng thành. Trên một tờ báo mạng, ai đó có ghi: “Người Việt không biết kềm chế cảm xúc tốt nên hơi cãi vã một chút là có thể dẫn đến đánh nhau, có khi còn rút cả dao ra đâm chém nhau trong khi vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng. Ra đường va quẹt xe một chút cũng đánh nhau, liếc mắt nhìn thấy ghét (nhìn đểu) cũng đánh nhau”, tranh cãi một chút cũng đánh nhau, ghen ghét, tranh giành tình cảm theo cái kiểu trẻ con cũng đánh nhau, v. v… Đúng vậy, người Việt không biết cách điều tiết cảm xúc hay kiểm soát tốt sự nóng giận của mình. Cha mẹ thiếu ý thức và sự hiểu biết nên thường làm ngơ hoặc tạo điều kiện để trẻ con xem phim hoặc chơi game bạo lực. Bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em đang ở cấp báo động. Trẻ con, người lớn ra đường mở miệng là chửi thề, chửi tục, kể cả những cô gái trẻ đang mặc trên người bộ đồng phục học đường. Bị từ chối và muốn níu kéo tình cảm cũng giết người, ghen tuông cũng giết người, quịt nợ cũng giết người. Còn gì nữa, con giết cha, cha hại con, vợ giết chồng hay chồng hại vợ, con cháu hành hạ, đánh đập ông bà, cha mẹ, v. v… Say rượu quên đời, xem Trời bằng vung, muốn đánh muốn giết ai cũng có thể ra tay khi bị kích động. Tự tử còn bắt con thơ vô tội phải chết theo, vì quẫn trí hay vì ngu dại? Rồi trộm cướp hoành hành, những vụ giết người man rợ, chẳng gớm tay, cảm xúc thì trơ như đá. Rạng sáng 24/08/2011, Cao Văn Luyện đột nhập tiệm vàng Ngọc Bích tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, đâm chết vợ chồng chủ tiệm, con gái lớn tám tuổi của họ bị chém đứt lìa tay phải, bé út 18 tháng tuổi bị cắt cổ chết. Ngày 22/12/2012, tại Tp. Hải Phòng, một thanh niên giết người tình và cha mẹ của cô gái này tại nhà riêng để cướp tài sản. Mới đây thôi, ngày 2/07/2015, tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, bốn người trong một gia đình bị giết dã man, trong đó, có một đứa trẻ vừa được vài tháng tuổi, nguyên nhân chỉ vì một xung đột nho nhỏ. Ngày 7/07/2015, tại huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, một gia đình gồm sáu người đã bị kẻ hận tình vào nhà trả thù, cướp của, đâm chết tại chỗ. Ngày 12/08/2015, tại một vùng rừng núi thuộc tỉnh Yên Bái, do tranh chấp đất làm nương và nước tưới tiêu, một thanh niên đã dùng dao đoạt mạng bốn người trong một gia đình. Ngày 15/08/2015, do va quẹt xe, một thanh niên đã dùng dao cắt cổ nạn nhân tử vong tại chỗ, hiện trường xảy ra thuộc tỉnh Bến Tre. Ngày 25/08/2015, tại thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình (Bình Thuận), một người mẹ nhẫn tâm tưới xăng lên người đứa con gái ruột 12 tuổi rồi châm lửa đốt vì cô bé bán không hết 30 tờ vé số (giá trị 300. 000 đồng) khiến cho cô bé bị bỏng nặng 60% cơ thể ở các vùng lưng, ngực, bụng, nguy cơ bị nhiễm trùng cao, vẫn còn trong cơn nguy kịch tại bệnh viện. Tối 24/10/2015, tại vòng xoay Dân Chủ (đoạn góc giao lộ Cách Mạng Tháng Tám – Võ Thị Sáu, phường 7, quận 3, Tp. HCM), do va chạm xe máy dẫn đến cự cãi, nam thanh niên 24 tuổi bất ngờ bị một trong hai cô gái đi chung chiếc xe dùng dao mang theo đâm dẫn đến tử vong (nghe qua có lẽ nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng vì thủ phạm bây giờ lại là nữ giới), v. v… Đây là những cuộc thảm sát kinh hoàng, cho thấy rõ một hiện tượng không bình thường đang ngày càng lớn mạnh trong xã hội. Có những trường hợp kẻ gây án còn rất trẻ, có lối sống rất ích kỷ và thiếu hẳn tính vị tha, thể hiện rõ tinh thần ‘ăn không được thì đạp đổ’. Và còn nữa, nhiều vụ án rùng rợn lắm, không tiện kể hết ra đây. Nghe mà sởn cả gai ốc. Tại sao người Việt mình lại có thể tàn độc và man rợ đến như thế? Tất cả những hiện tượng bất thường này, nguyên nhân chủ yếu là do tác động tiêu cực từ những sai lầm của cơ chế, chính sách, từ sự bất ổn hay sự phát triển theo chiều hướng thiếu lành mạnh của xã hội, từ sự bất cập của nền giáo dục gia đình và học đường cùng với sự quản lý yếu kém, lỏng lẻo và lạc hậu của Nhà nước. Xã hội đang rơi vào một trạng thái, vào cái bẫy của khủng hoảng nghiêm trọng và toàn diện, nó sản sinh và tồn tại lâu dài quá nhiều những mâu thuẫn, căng thẳng và sự ức chế. Những áp lực và ức chế bị dồn nén lâu ngày có thể tạo nên những nhân cách, hoặc là trầm cảm, thụ động, nhu nhược hay khiếp sợ, hoặc sẽ bùng nổ được thể hiện qua những hành động nổi loạn, vô văn hóa, nhiều lúc mức độ tàn bạo và hậu quả theo đó không thể lường trước được. Mọi người có tự hỏi, chúng ta đang làm cái gì vậy? Tiếp tục ru ngủ và tránh né sự thật, ngụy biện hoặc đổ vấy mọi tội lỗi cho nền kinh tế thị trường, cho phim ảnh và internet là hành động thiếu lương tâm và vô trách nhiệm.

Đối với chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt thì người Việt chúng ta rất ma mãnh, dữ dằn, còn khi gặp chuyện lớn lao, ‘quốc gia đại sự’ thì đa số là quá ‘hiền lành’ và nhu nhược. Nhiều khi sự nhu nhược này đi đến đỉnh điểm để trở thành một tư duy, một nếp sống thấp kém và yếu hèn.

Cùng có chung một hoàn cảnh văn hóa, xã hội, chính trị, những bất cập, những tệ nạn, những hiện tượng không bình thường (từ xưa đến nay không có) như sự vô cảm, tính thực dụng, ngộ độc thực phẩm, khoe khoang biệt thự, siêu xe, bạo lực học đường, tham nhũng, giết người, v. v… đang xảy ra bên Trung Quốc có nhiều đặc điểm rất giống với nước ta. Hay nước ta đang rập khuôn Trung Quốc, nhưng vì là nước nhỏ, nên cái bi kịch của đất nước mình có vẻ khiêm tốn hơn. Chỉ vậy thôi!

(Trích NGƯỜI VIỆT NAM TỒI TỆ ~ NGHIÊN CỨU VĂN HÓA – ĐIỀU TRA XÃ HỘI. Tác giả Lâm Nhược Trần. Người Việt Book xuất bản, 2016)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin