menu

Sự “Đột Phá” Kỹ Thuật Số

View: 4553 -     Eric Schmidt, Jared Cohen, Sung Nguyen       17/10/2018 08:10:49 am
Sự “Đột Phá” Kỹ Thuật Số
Sự “Đột Phá” Kỹ Thuật Số

Sự “Đột Phá” Kỹ Thuật Số

Sự kết nối và lan truyền của sức mạnh cộng đồng

Eric Schmidt và Jared Cohen

Chuyển ngữ: Tiến sỹ Nguyễn Sung

 

Eric Schmidt , Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Google, là một thành viên của Hội đồng cố vấn về Khoa học và Công nghệ thuộc phủ Tổng Thống Mỹ, đồng thời là Chủ tịch Hội Tân Mỹ.

Jared Cohen, Giám đốc Ý tưởng của Google,  là hội viên thỉnh mời tại Hội đồng Quan hệ ngoại giao, đồng là tác giả quyển sách “Trẻ em của Jihad”, “Một trăm ngày im lặng: Mỹ và diệt chủng Rwanda”

Source: www.wiu.edu/cbt/eds/TheDigitalDisruption.pdf


Sự ra đời và sức mạnh của những công nghệ kết nối - những công cụ giúp con người nối tới những lượng thông tin rộng lớn, và liên kết con người với nhau - sẽ mang đến cho thế kỷ hai mươi mốt đầy những bất ngờ.  Chính phủ các quốc gia sẽ dần mất đi quyền kiểm soát khi số lượng lớn các công dân của họ, được trang bị hầu như không có gì khác ngoài những điện thoại di động; họ tham gia cuộc nổi loạn nhỏ, thách thức với quyền lực của các chính phủ.  Đối với ngành truyền thông báo chí, các phương cách làm báo sẽ tăng trưởng nhanh, tạo tương tác giữa các tổ chức truyền thông truyền thống và nhanh chóng gia tăng số lượng các nhà báo “nhân dân” có mặt khắp mọi nơi. Và các công ty công nghệ sẽ thấy  chính mình bị các đối thủ vượt trội, cạnh tranh gay gắt, và bất ngờ trước “các thượng đế” vừa thiếu lòng trung thành, vừa không có tính kiên nhẫn.

Ngày nay, hơn 50 phần trăm dân số thế giới đã tiếp cận với kỹ thuật kết hợp giữa điện thoại di động (năm tỷ người dùng) và Internet (hai tỷ người dùng). Những người này liên lạc với nhau trong và ngoài các lãnh thổ,  tạo ra những cộng đồng ảo tăng quyền lực cho người dân trước sự bất lực của các chính phủ. Những trang thiết bị mới giúp dân chúng dễ dàng khai thác và truyền lưu nội dung thông tin xuyên qua các ranh giới xưa cũ, và không cần nhiều điều kiện (tiền bạc, nhân sự ...) để làm được chuyện đó. Trong khi đó, báo chí truyền thống được gọi là giới “bất động sản thứ tư”,  chỗ này có thể được gọi là chỗ "bất động sản liên thông" - một nơi mà bất kỳ người nào truy cập được Internet, bất kể điều kiện sinh sống, hay quốc tịch khác nhau, đều có quyền lên tiếng và có quyền tác động đến sự thay đổi.

Đối với những quốc gia mạnh nhất thế giới, sự vươn lên của thế giới “bất động sản liên thông” sẽ mở ra những vận hội mới cho sự tăng trưởng và phát triển, cũng như tạo ra những thách thức to lớn đến phương cách cai trị đã được thiết lập xưa nay.  Những công nghệ kết nối sẽ tạo chỗ đứng cho chế độ dân chủ cũng như chế độ chuyên chính, và thêm quyền lực cho cá nhân theo cả hai mặt tốt và xấu. Các quốc gia sẽ đua nhau kiểm soát các tác động của kỹ thuật đối với quyền lực kinh tế và chính trị.

Một số quốc gia, với quyền lực được kết nối chính yếu, chẳng hạn như Hoa Kỳ, các nước thành viên châu Âu, và các cường quốc kinh tế châu Á (dẫn đầu là Trung Quốc và thấp hơn một chút là Ấn Độ) sẽ ráng sức để quy định “các bất động sản liên thông” trong phạm vi lãnh thổ nhằm củng cố quyền lực riêng của họ.  Nhưng không phải tất cả các nước sẽ có thể kiểm soát hoặc bao quát được quyền của mỗi cá nhân. “Công nghệ kết nối” sẽ tạo thêm những sự căng thẳng trong các xã hội chưa phát triển - buộc họ phải trở nên cởi mở hơn và có trách nhiệm hơn;  nhưng “công nghệ kết nối” cũng cho các chính phủ này công cụ mới để khống chế sự phản kháng và “bế quan tỏa cảng” để dễ đàn áp.  Sẽ có một cuộc đấu tranh liên tục giữa những người kiên tâm ủng hộ những gì Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gọi là “tự do Internet" và những người xem rằng “tự do Internet” là kẻ thù của sự sống còn chính trị của họ.

Đối phó với hoàn cảnh khó xử này sẽ đặt ra những thách thức đặc thù cho các quốc gia dân chủ cùng chung nguyên tắc về sự thông thoáng và tự do. Tinh thần này của họ sẽ đụng phải những quan tâm đã có sẵn về vấn đề an ninh quốc gia.  Để tránh bị thua thiệt trước lợi thế của các quốc gia khác, điển hình như Trung Quốc, vốn tìm cách bành trướng các quyền lực của họ để kiểm soát và kiểm duyệt, các quốc gia như Hoa Kỳ và các nước thành viên EU sẽ phải giữ chặt lấy chính sách “tự do và thông thoáng.”

Những chính phủ dân chủ sẽ rất có thể bị níu lại theo những công nghệ xưa cũ để tiếp tục vì lợi ích quốc gia của họ thông qua một chương trình kết hợp giữa quốc phòng, ngoại giao, và sự phát triển mà họ đã dựa theo suốt cuộc Chiến tranh Lạnh và nhiều thập kỷ về sau. Tuy nhiên, những công cụ truyền thống sẽ không đủ sức mạnh: mặc dù nó vẫn còn chưa chắc chắn một cách chính xác về sự lan truyền của công nghệ mới vốn sẽ thay đổi phương cách quản lý chính phủ; rõ ràng rằng các giải pháp cũ sẽ không hiệu quả trong thời đại mới.  Chính phủ sẽ phải xây dựng các liên minh mới nhằm phản ánh sự tăng trưởng của sức mạnh công dân và thay đổi bản chất của một nhà nước.

Những liên minh sẽ phải phát triển xa hơn mối quan hệ song phương giữa chính phủ  với chính phủ, bao quát cả xã hội công dân, tổ chức phi lợi nhuận, và các khu vực kinh tế tư nhân. Quốc gia dân chủ phải công nhận rằng việc công dân của họ sử dụng công nghệ có thể là một phương tiện hiệu quả hơn để ủng hộ các giá trị nhân bản: tự do, bình đẳng, và nhân quyền trên toàn cầu, hơn là so với các khởi xướng do chính phủ lãnh đạo. Các kiên liệu và nhu liệu được tạo ra bởi các công ty tư nhân trong thị trường tự do chứng minh được những sản phẩm đó có ích hơn cho công dân ở nước ngoài so với sự hỗ trợ bao cấp bởi nhà nước, hoặc chính sách ngoại giao.

Mặc dù sự thật rằng các chính phủ và khu vực tư nhân sẽ tiếp tục thi hành quyền lực mạnh nhất, với bất kỳ các nỗ lực để tiếp cận và giải quyết các thách thức chính trị và kinh tế tạo ra bởi các “công nghệ kết nối”; điều đó sẽ thất bại nếu không có sự tham gia sâu sát tới  nguồn sức mạnh khác đang tăng trưởng trong không gian liên thông này - cụ thể là, các tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động xã hội. Các  hoạt động thực tế trong các “bất động sản liên thông” có thể được tìm thấy trong những văn phòng chật chội tại Cairo (Ai-Cập), các phòng khách cá nhân trên khắp châu Mỹ La tinh, và trên các đường phố Tehran... Từ các địa điểm này tới những địa điểm khác, các nhà hoạt động phối hợp với các chuyên viên công nghệ tập họp những “đám đông quần chúng” để làm lung lay, rạn nứt các chính phủ hà khắc, để tạo ra những công cụ mới vòng qua các “tường lửa” và sự kiểm duyệt, đăng báo, “phóng tin nhanh” trực tuyến, và soạn thảo một dự luật về Nhân quyền cho thời đại Internet. Mỗi người làm mỗi việc riêng biệt nên những nỗ lực này có thể được coi như là không thực tế hoặc không đáng kể;  thế nhưng đoàn kết cùng nhau, họ thiết lập nên một sự thay đổi có ý nghĩa trong tiến trình dân chủ hóa.

CUỘC CÁCH MẠNG SẼ ĐƯỢC TRUYỀN TẢI QUA MẠNG INTERNET


Ý tưởng cho phép công chúng sử dụng công nghệ với mục đích tốt hay xấu không phải là một hiện tượng mới mà cũng  không phải chưa có một tiền lệ chính phủ đối phó như thế nào với hiện tượng này. Sự xuất hiện của báo in trong thế kỷ mười lăm là một ví dụ điển hình. Mặc dù phát minh của Johannes Gutenberg thực sự có ý nghĩa cách mạng, (nhưng) triển vọng  tăng nguồn thông tin lại bị giới hạn bởi những chủ báo và quyết định những thông tin nào được xuất bản cũng như nơi nào báo sẽ được phát hành. Hơn nữa, các chính phủ có xu hướng đàn áp hoặc các tổ chức khác, có được quyền lực sử dụng nhà máy in như một công cụ để kiểm soát (do tuyên truyền tạo ra) hay  đàn áp (đặt ngoài vòng pháp luật những người viết bài chống chính phủ hay tôn giáo).

Trong thế kỷ hai mươi, với sự ra đời của đài phát thanh và truyền hình, các quốc gia - và những người giàu có hoặc đủ quyền lực để lấy được sóng radio - có thể kiểm soát và thậm chí tuyên bố về những gì đã được nghe và nhìn thấy. Đài phát thanh và truyền hình đã chứng tỏ là công cụ tuyên truyền mạnh mẽ cho các quốc gia biết rõ cần phải làm gì với những công cụ này. Bắc Triều Tiên - nơi mà người dân chỉ có thể xem các kênh nhà nước tài trợ - là một “phiên bản hiện đại” của những gì đã từng  phổ biến ở Đông Âu trước khi Bức tường Berlin sụp đổ. Ngay cả khi những đài phát thanh không cấp phép bắt đầu nổi lên trong nửa đầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và truyền hình vệ tinh phát triển trong thời gian sau, nhiều người đã có các loại máy móc/phần cứng, kiến thức, hoặc sự am hiểu để phát triển các chương trình riêng của mình, chưa tính đến đảm bảo việc phát thanh, truyền hình cũng như thời lượng phát sóng.

Mặc dù có  giới hạn nhưng rất nhiều người đã chọn để xem và nghe những thông tin phát sóng thông qua các nguồn độc lập, những điều mà trước đây không có sẵn cho công chúng. Người nghe và người xem gồm cả nhiều người làm việc trong chính phủ - thường tự đặt mình vào nguy cơ bị bắt, hoặc tồi tệ hơn là mất kế sinh nhai.  Ngày hôm nay hiện tượng tương tự cũng xảy ra ở những nơi như Iran và Syria, nơi các quan chức chính phủ đang tìm kiếm tin tức thô bên ngoài biên giới của họ, sử dụng  cái gọi là “proxy server” (Máy chủ  làm nhiệm vụ chuyển tiếp thông tin và kiểm soát  việc truy cập Internet của các máy khác) và công nghệ gian lận để truy cập vào Facebook hoặc tài khoản email – những cách thức mà các chính phủ này thường hay ngăn chặn.


Cuộc Cách mạng Iran năm 1979 minh họa sự chuyển đổi từ truyền thông phát sóng đến một bộ công cụ truyền thông khác. Chắc chắn có nhiều lực lượng xã hội đã làm việc tại Iran trong những năm 1970, kể cả những người không hài lòng với nạn tham nhũng và đàn áp của triều đại Shah và áp lực từ cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học tin rằng một trong các chìa khóa dẫn đến cách mạng là tài năng của Ayatollah Ruhollah Khomeini- người đã truyền bá thông điệp  bằng cách sử dụng một thiết bị đơn giản: các băng cassette. Sử dụng một mạng lưới rộng lớn, Khomeini phân phối băng các bài phát biểu của mình cho hơn 9.000 nhà thờ Hồi giáo. Theo như tạp chí Time đã viết,  " một người đàn ông 78 tuổi thánh  đóng trại ở ngoại ô Paris [và] điều hành một cuộc cách mạng cách đó 2600 dặm giống như  như người chỉ huy một lực lượng tấn công một ngọn đồi”.


Chính phủ Hoa Kỳ đã cảnh giác về sức mạnh của băng cassette ở Iran, vì cả hai lý do:  Công nghệ mới này  quá khó khăn để kiểm soát và  chính quyền Washington tập trung sự quan tâm  vào khối Xô Viết và băng cassette có thể sử dụng  như một công cụ tuyên truyền của các nước cộng sản. Không sử dụng công nghệ này, Hoa Kỳ đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để thúc đẩy các chính sách và giá trị của họ và  trao quyền cho các nhà lãnh đạo dân chủ ít được biết đến. Vào giữa những năm 1970, các nhà sản xuất cassette đã đột nhập vào thị trường mới nổi, và đột nhiên từ một thiết bị giải trí mới,  băng cassette  đã trở thành một công cụ truyền thông hiệu quả.


Trong thập kỷ sau đó, công nghệ đã giúp đạt được một bước tiến quan trọng trong việc giảm quyền lực của thế lực trung gian và  làm nghẽn mạch những chế độ  có khuynh hướng luôn tìm cách dập tắt tiếng nói của phe đối lập. Những nhà hoạt động nhân quyền ở Liên Xô và Đông Âu sử dụng máy photocopy và máy fax để truyền bá thông điệp của riêng mình và thúc đẩy tình trạng bất ổn. Các công nghệ mới lại còn có nhiều hứa hẹn, so sánh tiếng quay số không đáng tin cậy của máy fax với các thiết bị  cầm tay hiện đại ngày nay cũng giống như so sánh một chiếc la bàn của con tàu với sức mạnh của hệ thống định vị toàn cầu.

GÓC KHUẤT CỦA PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG TRUNG GIAN

Ngày nay, người ta có xu hướng than phiền về việc phải xem xét quá nhiều thông tin hơn là việc chẳng có lấy một thông tin nào. Có lẽ khía cạnh mang tính cách mạng nhất của thay đổi này nằm ở sự phong phú của các phương thức cho phép mỗi cá nhân có thể tổng hợp, cung cấp và sáng tạo nên nội dung riêng mà không chịu sự quản lý của chính phủ.

Tất nhiên điều này không đồng nghĩa với việc những phương tiện truyền thông trung gian đột nhiên bị đẩy ra ngoài lề. Những công ty cung cấp dịch vụ truy cập Internet hay những ứng dụng phần mềm vẫn đóng vai trò quan trọng, và chính phủ hoặc những công ty do nhà nước quản lý vẫn nắm giữ quyền chặn truy cập mạng. Nhưng quyền lực này đang dần thu hẹp lại, bởi không chỉ có chính quyền mới có thể ngăn chặn, kiểm soát hay dò xét những nguồn thông tin mọi lúc. Cùng lúc đó, sự tham gia của cộng đồng kiều bào trong việc mang lại sự đổi thay cho đất nước của họ đang ngày càng tăng, tạo nên nguồn mới về  sự hỗ trợ tài chính cùng với áp lực quốc tế. Và một nền công nghệ cá nhân toàn phần đang nổi lên với mục đích tìm kiếm và tạo ra những lỗ hỏng trong tường lửa bảo mật (firewall).

Sự kết hợp của những công nghệ mới và khao khát được tự do hơn đã thật sự thay đổi nền chính trị ở những nơi ít ai nghĩ đến nhất trên thế giới. Ở Colombia vào năm 2008, một kỹ sư thất nghiệp tên Oscar Morales đã sử dụng Facebook và mạng Internet miễn phí dựa trên dịch vụ điện thoại Skype để tạo nên một cuộc biểu tình lớn chống lại Lực lượng Cách mạng Vũ trang của Colombia. Ông đã có thể tập hợp một cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử chống lại một nhóm khủng bố và  hình thức này đã thổi bùng lên một cuộc chiến đấu mà không tổng thống nào có thể làm được trong hơn 40 năm qua. Ở Moldova vào năm 2009, giới trẻ, vốn đang thất vọng và giận dữ do nền kinh tế suy sụp và tình hình xã hội rối ren, đã tập trung tại đường Chisinau sau một cuộc bầu cử gian lận. Họ đã sử dụng tin nhắn trên trang mạng Twitter để biến một cuộc biểu tình nhỏ với sự tham gia của 15.000 người thành một sự kiện toàn cầu. Khi áp lực quốc tế và trong nước ngày càng tăng, kết quả của cuộc bầu cử gian lận bị hủy bỏ, và cuộc bầu cử mới đã đem lại quyền lực cho chính quyền phi cộng sản đầu tiên ở Moldova trong hơn 50 năm qua. Tại Iran vào năm ngoái, những  đoạn video Youtube, những cập nhật trên Twitter và những nhóm trên Facebook đã tạo cơ hội cho những nhà hoạt động và công dân truyền bá thông tin mà những điều này đã thách thức trực tiếp tới kết quả không minh bạch của cuộc bầu cử tổng thống.

Những câu chuyện đầy cảm hứng và tình huống khơi dậy hy vọng đã thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ kết nối. Nhưng khả năng những công nghệ đó có thể bị lạm dụng hoặc sử dụng theo cách gây nguy hiểm vẫn chưa được đánh giá đúng. Những chế độ đàn áp nhất trên thế giới và những nhóm bạo lực xuyên quốc gia, từ Al Qaeda, các tập đoàn ma túy Mexico đến Mafia, Taliban đều sử dụng công nghệ một cách hiệu quả để phát triển thêm thành viên mới, gây khiếp sợ cho dân địa phương  và đe dọa thể chế dân chủ. Để minh chứng cho hậu quả của việc chống đối, những tập đoàn ma túy Mexico, đã lan truyền những video quay cảnh chém đầu những người hợp tác với chính quyền. Al Qaeda và những chi nhánh của nó đã tung ra video cảnh giết chết những người nước ngoài bị bắt làm con tin tại Iraq.

Công nghệ mã hóa tương tự được các nhóm bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động sử dụng để che giấu chính quyền những liên lạc riêng của họ và dữ liệu cá nhân cũng được những kẻ khủng bố và tội phạm sử dụng . Khi công nghệ mã hóa giá rẻ tiếp tục tăng nhanh trên thị trường  thì những kẻ chuyên quyền hay những tin tặc cũng có thể tận dụng chúng. Việc tìm ra sự cân bằng giữa bảo vệ nhóm bất đồng và trao quyền cho tội phạm sẽ là công việc khó khăn nhất. Mạng lưới viễn thông ở Afghanistan là một minh chứng cụ thể về cách mà công nghệ kết nối có thể vừa giúp đỡ vừa làm tổn hại một quốc gia. Kể từ khi lực lượng Hoa Kỳ và NATO tổ chức chiến dịch quân sự đầu tiên ở Afghanistan vào năm 2001, truy cập điện thoại di động ở đây tăng từ 0 lên 30%. Việc phát triển này rõ ràng có những ảnh hưởng tích cực: những chương trình dựa trên điện thoại di động có thể giúp phụ nữ gọi đến các trung tâm từ điện thoại riêng của họ, cung cấp dịch vụ chẩn đoán y tế từ xa, cung cấp cho nông dân thông tin giá cả hàng hóa hiện hành. Và 97% dân số Afghanistan không có tài khoản ngân hàng có thể tiết kiệm và truy cập tài khoản bằng điện thoại nhờ dịch vụ chuyển tiền di động. Lương của 2.500 nhân viên cảnh sát quốc gia Afghanistan ở tỉnh Wardak được chuyển thông qua công nghệ này, cho phép họ chuyển tiền đến cho các thành viên trong gia đình mình bằng cách sử dụng tin nhắn điện thoại.

Cùng lúc đó, Taliban cũng dần am hiểu về việc sử dụng công nghệ điện thoại di động để tạo ra những tác động nguy hiểm. Phiến quân Taliban đã sử dụng điện thoại di động để liên kết các cuộc tấn công, đe dọa dân chúng và tổ chức chống phá việc kinh doanh trong nước bằng cách cho nổ tung những tòa tháp phát sóng điện thoại hoặc buộc chúng phải ngừng hoạt động từ 6 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau, thời điểm mà Taliban tiến hành các cuộc đột kích ban đêm. Vào tháng 2.2009, quân Taliban ở nhà tù Policharki thuộc thủ đô Kabul đã sử dụng điện thoại di động để phối hợp tấn công vào các cơ quan chính quyền. Ở Afghanistan và ở Iraq, việc quân nổi dậy sử dụng điện thoại di động kích hoạt từ xa các quả bom gắn trên đường không phải là chuyện hiếm gặp.

MÈO VỜN CHUỘT

Các chuyên gia miêu tả mối quan hệ quốc tế như một quốc gia hỗn loạn và  bị chế ngự với các bang tự trị. Mặc dù các quốc gia nổi bật chắc chắn sẽ đóng một vai trò trên trường quốc tế, vẫn có những tranh cãi về việc chính xác thì các quốc gia đó trở nên chủ chốt như thế nào. Vào năm 2008, Richard Hass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại đã mô tả thế giới “không phân cực” được thống trị “bởi không chỉ một, hai hay vài quốc gia mà là hàng chục diễn viên đang chiếm hữu và thi hành các loại quyền lực khác nhau”.  Ở giới “bất động sản liên thông”, không gian ảo bị hạn chế không phải bởi những đường biên giới mà bởi luật quốc gia, điều này có thể không đồng nhất với hiệp ước Westphalia, một thỏa thuận được ký kết năm 1648 để kết thúc cuộc chiến 30 năm ở châu Âu và lập nên hệ thống các quốc gia hiện đại. Thay vào đó, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, cá nhân và những công ty tư nhân sẽ cân bằng lợi ích lẫn nhau.

Không phải tất cả các chính quyền đều quản lý sự hỗn loạn còn sót lại trong giai đoạn xuống dốc của chính quyền theo cùng một cách giống nhau. Tất nhiên vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn, nhưng dường như rõ ràng là các quốc gia theo thể chế dân chủ và nền kinh tế thị trường tự do tỏ ra thích hợp hơn trong việc quản lý và ứng phó với tình trạng cực kỳ hỗn loạn này. Mối nguy hiểm nhất với mạng Internet giữa các quốc gia này , có thể định nghĩa như các thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế, sẽ đặt ra quá nhiều quy định cho yếu tố công nghệ, vốn đang phát triển mạnh nhờ đầu tư kinh doanh và mạng lưới mở.

Có lẽ không có quốc gia nào cẩn trọng trong việc cho phép công dân  mình truy cập vào công nghệ kết nối hơn Trung Quốc. Mục đích của chính quyền này quá rõ ràng: kiểm soát việc truy cập vào nội dung trên Internet cũng như sử dụng công nghệ để xây dựng quyền lực chính trị và kinh tế. Bắc Kinh đã bắt giữ những nhà hoạt động mạng và sử dụng những mục thông báo trực tuyến nhằm đẩy mạnh sự tuyên truyền cho chính quyền. Tất cả những điều này là phần (cơ bản) của chiến lược nhằm đảm bảo rằng cuộc cách mạng công nghệ sẽ mở rộng chế độ một đảng cầm quyền hơn là làm tổn hại nó. Hình mẫu quản lý Internet của Trung Quốc đã được các quốc gia như Việt Nam học hỏi theo và được đẩy mạnh ở các nước châu Á và châu Phi, nơi Trung Quốc đang đầu tư mạnh mẽ vào khai thác tài nguyên. Trung Quốc  đã tiến đến việc thu nạp thêm  các tổ chức quốc tế, ví dụ như Liên minh Viễn thông Quốc tế để chiếm được sự đồng thuận toàn cầu và tập hợp đồng minh đằng sau nỗ lực kiểm soát những phương tiện liên lạc của công dân.

Nhưng nhờ vào những nhà hoạt động và các tổ chức phi chính phủ bên trong và ngoài Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đã nhận được một bài học rằng nỗ lực lập kiểm soát hoàn toàn Internet không phải lúc nào cũng đạt hiệu quả. Vừa mới đây chính quyền không thể chống đỡ việc sử dụng điện thoại di động, blog, tải video lên mạng để khuyến khích những cuộc biểu tình của tầng lớp lao động cũng như tường thuật các vụ tai nạn công nghiệp, các vấn đề môi trường, các trường hợp tham nhũng.

Cuộc biểu tình vào tháng 7.2009 của dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế, mặc dù, ngay sau đó Bắc Kinh đã chặn mọi sự truy cập Internet trong vùng. Những nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ đã sử dụng mạng xã hội và các blog nhỏ để lan truyền thông tin đến với đúng đối tượng, trong đó có cả những người Duy Ngô Nhĩ ngoài nước. Trò “mèo vờn chuột”  chắc chắn sẽ tiếp diễn, nhưng trong ngắn hạn, việc kiểm soát truy cập thông tin của chính quyền Trung Quốc sẽ vẫn đạt hiệu quả to lớn.

Sự giao nhau giữa những công nghệ kết nối và quyền lực quốc gia còn được thể hiện ở các nước khác trong khối BRIC, bao gồm Brazil, Ấn Độ và Nga. Ở mỗi quốc gia, tuy không thường xuyên nhưng việc sẵn lòng đón nhận công nghệ mới nằm phục vụ việc phát triển kinh tế đang dần biến thành nỗi lo về việc Internet sẽ bị các nhóm tội phạm, khủng bố và bất đồng lợi dụng. Ví dụ như, vào mùa xuân năm ngoái, một viên chức cảnh sát tên Alexei Dymovsky ở phía nam liên bang Nga đã bị bắt sau khi ông đăng tải một video clip lên Youtube vạch trận sự tham nhũng trong lực lượng cảnh sát quốc gia.

Việc chấp nhận hay phản đối công nghệ kết nối cũng diễn biến khá phức tạp trong chính nội bộ chính quyền. Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình. Bộ Tư pháp quốc gia đã ra lệnh chặn Youtube nhưng tổng thống thì tuyên bố chống lại lệnh này . Quyết định này được đưa ra sau khi xuất hiện hàng loạt blog và video miêu tả Kemal Ataturk - người lập nên quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ - với thái độ công kích, sỉ nhục.  Cuộc tranh luận trong nội bộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã làm dấy lên câu hỏi liệu những quốc gia có thể tiếp tục bảo vệ những vấn đề lịch sử của đất nước mình trong thời đại của “bất động sản liên thông” ?

Những nhà quan sát quốc tế đang theo dõi các nhóm nhỏ những quốc gia siêu kết nối (hyperconnected) như Phần Lan, Israel, Thụy Điển,… Đó là những quốc gia có chính quyền trung ương tương đối mạnh, nền kinh tế ổn định, nền công nghệ phát triển và nhiều yếu tố đổi mới. Những quốc gia này đã và đang chứng tỏ khả năng nắm bắt công nghệ và ý thức đầu tư vào băng thông rộng và nghiên cứu. Ngân sách chi trả cho việc nghiên cứu và phát triển của chính phủ chiếm tỷ lệ phần trăm rất cao trong GDP. Những quốc gia mà đầu tư vào nghiên cứu và cơ sở hạ tầng sẽ giữ vững được lợi nhuận trong tương lai.

“CỞI CƠN SÓNG DỮ..." (*)

Những quốc gia đang phát triển – thuộc nhóm những quốc gia “đang phát triển công nghệ” -  đang đối mặt với những cơ hội và thách thức khác nhau trong việc tiếp cận với những công nghệ kết nối. Cuộc cá cược này sẽ đặc biệt hơn với những quốc gia có chính quyền trung ương yếu đuối hay thất bại, nền kinh tế kém phát triển, cơ cấu dân số thiếu cân xứng với tỷ lệ người trẻ thất nghiệp cao, nền văn hóa đầy những đối lập và bất đồng cùng những tranh cãi với áp lực bên ngoài từ những kiều bào sống ở các nước có nền công nghệ phát triển hơn. Dòng chảy công nghệ đột ngột tràn vào những quốc gia này có thể đe dọa đến hiện trạng xã hội, để lại một chính quyền mỏng manh với vị thế bất ổn.

Về mặt tích cực, việc lan truyền công nghệ đến những quốc gia đang phát triển về công nghệ  như Ai Cập đã phá vỡ rào cản truyền thống của tuổi tác, giới tính và tình trạng kinh tế xã hội. Đa số đều dựa vào sự phát triển của điện thoại di động, có khả năng tạo ra một cuộc cách mạng tương đương với cuộc cách mạng xanh những năm đầu thế kỷ 20 – một bước chuyển ứng dụng công nghệ nông nghiệp và quy trình tiên tiến để tăng sản lượng lương thực trên toàn thế giới. Ví dụ, ở Pakistan, chỉ có 300.000 thuê bao điện thoại di động vào năm 2000, nhưng đến tháng 8.2010 con số này đã lên đến gần 100 triệu. Những thay đổi ngoạn mục trong khả năng liên kết đã có tác động lên các quốc gia này. Tại Kenya, công ty Safaricom đã phát triển một chương trình chuyển tiền bằng cách sử dụng điện thoại di động, cho phép giảm thiểu phí giao dịch gửi tiền, mở rộng truy cập vào tài khoản ngân hàng cho khách hàng và sắp xếp hợp lý quá trình tài chính vi mô.

Ở một số quốc gia đang phát triển khác như Côte d’Ivoire, Guinea, Kyrgyzstan và Pakistan, công nghệ kết nối đang dần làm thay đổi bản chất xã hội, dù với tốc độ chậm. Số lượng các nhà hoạt động vô danh và bán thời gian ngày càng tăng, website đang dần thay thế văn phòng, những thành viên (trên mạng) thay thế cho hệ thống nhân viên được trả lương, và những nhóm cư dân sử dụng nền nguồn mở miễn phí thay cho việc phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài. Cùng lúc đó, những công ty trong nước đang lấp đầy những khoảng trống do chính phủ để lại, như yêu cầu về ngôn ngữ và huấn luyện kỹ năng làm việc, dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và giá cả hàng hóa. Ngày nay những nhà hoạt động đều mang tính địa phương và toàn cầu hóa cao: họ nhập khẩu công cụ từ nước ngoài cho mục đích cá nhân và xuất khẩu những ý tưởng của riêng họ.

Khi công nghệ tiếp tục được mở rộng, nhiều chính quyền của các quốc gia đang phát triển công nghệ kết nối chú trọng nhiều về giá cả hơn lợi ích. Điều này đặc biệt đúng với những quốc gia muốn duy trì tính chính thống của thể chế chính trị. Bất cứ điều gì làm dấy lên câu hỏi về hiện trạng xã hội, đảng cầm quyền hay bề ngoài ổn định đều gây ra mối đe dọa. Với những chính quyền chuyên quyền, tham nhũng hay bất ổn thì khả năng xảy ra những cuộc nổi dậy nhỏ luôn đặc biệt phiền phức. Trong vài trường hợp, điều duy nhất để phía đối lập tiếp tục quấy nhiễu là sự thiếu hụt những công cụ tổ chức và liên lạc để cung cấp công nghệ kết nối rẻ hơn và rộng rãi hơn.

Trong vài năm gần đây, những chế độ từng tiến hành đàn áp thẳng tay dân chúng  trở nên tinh vi và khôn ngoan hơn. Những hành động của chính phủ Iran xung quanh cuộc bầu cử quốc gia năm 2009 là một ví dụ. Trong những tuần trước bầu cử, chính quyền Tehran thỉnh thoảng lại chặn những trang web cố định, ngăn cản việc truy cập để gửi tin nhắn và khiến tốc độ kết nối Internet bị chậm lại. Vào ngày bầu cử, chính quyền đã khóa tất cả các hình thức kết nối kỹ thuật số trong vài ngày, thậm chí là vài tuần (mặc dù những nhà hoạt động có thể sử dụng công nghệ thay thế hoặc gian lận để truy cập vào những trang bị cấm). Những thành viên của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Quốc gia đóng vai là các nhà hoạt động ảo và lùng bắt những người thuộc phe đối lập đang hoạt động trực tuyến. Điều  đáng ngại nhất – giới chức truyền thông Iran đã thuê những kỹ sư nặc danh tạo nên một trang web khuyến khích mọi người đăng tải ảnh của cuộc phản loạn. Sau đó họ sử dụng trang web này để nhận dạng, theo dõi và trong một số trường hợp thì sẽ bắt giữ những người thuộc phe đối lập.

Liệu những quốc gia đang phát triển công nghệ kết nối có đi theo hình mẫu của Iran hay không còn phụ thuộc vào cân bằng giữa sự ổn định của thể chế chính trị quốc gia và nhu cầu phát triển kinh tế. Những quốc gia này đã đối mặt với việc bắt đầu lại hay duy trì nền kinh tế phát triển chậm chạp và đình trệ đều có xu hướng để công dân của mình cũng như việc kinh doanh thuận theo công nghệ mới và duy trì dòng chảy thông tin vốn quan trọng với đầu tư nước ngoài.

CÔNG NGHỆ - TRƯỚC NHỮNG THỬ THÁCH

Một nhóm thứ hai cũng tương tự với nhóm các quốc gia đang phát triển là nhóm “những nước trong giai đoạn tiếp cận công nghệ truyền thông”. Đó là những nước mà sự phát triển công nghệ mới nảy sinh và cả chính phủ lẫn người dân đều đang thử nghiệm những công cụ truyền thông và ảnh hưởng của chúng. Ở những quốc gia này, công nghệ kết nối vẫn chưa đủ phổ biến để biểu thị cơ hội hay thách thức. Mặc dù những quốc gia này rồi sẽ trở thành những nước đang phát triển về công nghệ, vẫn còn quá sớm để quyết định điều này sẽ có ý nghĩa gì đối với mối quan hệ giữa dân chúng, chính quyền và những quốc gia lân cận.

Một vài nước như Cuba, Myanmar (còn gọi là Burma) và Yemen đã cố gắng ngăn chặn hoàn toàn việc tiếp xúc với công nghệ. Ví dụ, họ đã hạn chế quá trình điện thoại di động xâm nhập vào giới thượng lưu. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến thị trường chợ đen buôn bán các phương tiện liên lạc, đồng thời cũng tiềm tàng khả năng kích động phe đối lập. Những nhà hoạt động trong các quốc gia này và ở những nơi họ lưu vong như vùng dọc biên giới Myanmar – Thái Lan, hàng ngày vẫn tìm cách phá bỏ sự phong tỏa thông tin. Trong thời gian tới, chính quyền các nước sẽ làm tất cả để duy trì chế độ độc quyền lên các công cụ truyền thông.

Thậm chí một nhóm lớn hơn gồm những quốc gia đang trong giai tiếp cận có thể gọi là “mở cửa do bắt buộc”. Những nước này, về nguyên tắc, mở cửa để du nhập và sử dụng công nghệ kết nối nhưng chính quyền mỗi nước lại có thể đưa ra những hạn chế kiểm soát định kỳ. Những hạn chế này có thể được thúc đẩy bởi tầng lớp thượng lưu hoang tưởng, giới quan liêu tham nhũng, việc nhận thức được những đe dọa an ninh hay những yếu tố khác. Những quốc gia này có mặt từ châu Phi, Trung Mỹ đến  Đông Nam Á và đều là những nước xuất khẩu nông nghiệp và công nghiệp nhẹ. Với những chính phủ cầm quyền ở các quốc gia này, một trong những tưởng tượng việc tạo ra nền kinh tế bền vững, đa dạng và cởi mở thường được ưu tiên hơn so với nỗi lo quân đối lập có vũ trang được trang bị điện thoại di động sẽ đe dọa đến sự sống còn của chế độ.

Nhóm các quốc gia cuối cùng tuy nhỏ nhưng mang tính toàn cầu, được gọi chung là các nước thất bại. Những nước này có đặc trưng là đều rất hỗn loạn và không có khả năng hành động nhất quán ngay cả trong những vấn đề quan trọng nhất. Những quốc gia như vậy thường là nơi ẩn náu của các tổ chức tội phạm và mạng lưới khủng bố gây nên những bất bình trong nước, nhưng lại ẩn chứa tham vọng khu vực và toàn cầu. Somalia là một ví dụ điển hình. Mặc dù nhiều hoạt động của phe đối lập và quân phiến loạn hướng vào trong nước, một vài mạng lưới khủng bố quốc tế, những tay vận chuyển vũ khí và trùm buôn bán ma túy vẫn nhòm ngó lãnh thổ này để tuyển mộ thành viên hay tuyên truyền về ý thức hệ của chúng. Mặc dù công nghệ kết nối có thể là sự đổi mới sáng tạo cho người dân ở những quốc gia này, chúng còn tạo cơ hội cho việc mở rộng chủ nghĩa khủng bố và hành vi tội phạm ra các nước khác.

HÃY KÉO SẬP BỨC TƯỜNG NGĂN CẢN

Nỗ lực của những chính quyền dân chủ nhằm nuôi dưỡng tự do và cơ hội sẽ còn tiến xa và mạnh mẽ hơn nữa nếu họ nhận ra vai trò quan trọng của công nghệ trong việc nâng cao giá trị của người dân, và công nghệ được cung cấp chủ yếu bởi khu vực tư nhân. Những công ty có sản phẩm hay dịch vụ tập trung vào công nghệ thông tin, như nhà sản xuất điện thoại di động, nhà chế tạo bộ định tuyến để tạo nên hệ thống tường lửa bảo mật, hoặc nhà cung cấp nền Internet, thường buôn bán sản phẩm hàng hóa gắn liền với yếu tố chính trị. Ở trong thế giới tương tác qua lại lẫn nhau của Web 2.0, nhiệm vụ hàng đầu của những tập đoàn có yếu tố công nghệ phát triển nhanh nhất là cung cấp sự kết nối xuyên quốc gia. Một khúc mắc rằng giới chức cũ, những người đã đóng góp cho chế độ độc tài vẫn nhìn nhận những công ty này chẳng khác gì những nơi cung cấp vũ khí trong thời đại thông tin. Mặc dù Hoa Kỳ và những nước khác có thể công khai cảnh báo giới chức Trung Quốc tuân theo thỏa thuận nhân quyền quốc tế, những công ty này có thể hành động thực sự bằng cách công khai việc chính phủ các nước trên thế giới kiểm duyệt nội dung như thế nào hay đơn giản là cô lập người dân của họ. Những công ty điện thoại di động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc này, bởi ở nhiều nơi trên thế giới, điện thoại là một trong những thứ giúp dân chúng chống lại sự lộng quyền.

Các tổ chức phi lợi nhuận và những nhà hoạt động cá nhân trên toàn cầu còn đối diện với những cơ hội mới. Ở những quốc gia đã phát triển công nghệ kết nối, họ sẽ tiếp tục định hình chính quyền và phối hợp chế độ bằng cách đẩy mạnh tự do ngôn luận và bảo vệ người dân khỏi sự đe nẹt của chính quyền. Nhưng tại thời điểm này, họ sẽ phải điều chỉnh chiến lược của mình để phản ánh môi trường mới mà họ tạo nên. Có nghĩa là, giữa những điều khác, phải đảm bảo phơi bày những việc làm sai trái của chính phủ chứ không phải hùa theo chính quyền để tạo nên những bất đồng dân tộc, đứng phía sau hậu trường trong quá trình tạo ra những sản phẩm tốt hơn, nhanh hơn, sử dụng công nghệ mà các khu vực  tư nhân tạo ra cho mục đích riêng của họ. Ví dụ, một trang web mang tên Herdict đã thu thập thông tin ở những trang bị cấm, công khai những thông tin vốn cấm lưu hành trực tuyến và tạo ra sự minh bạch cho người dùng ở mức độ cao nhất từ trước.

Với cả các tổ chức phi lợi nhuận lẫn những công ty, những quốc gia phát triển về công nghệ là nơi họ có thể phối hợp cùng nhau để tạo nên sức ảnh hưởng. Một ví dụ là Mạng lưới Toàn cầu Chủ động (GNI), một tổ chức đưa những công ty công nghệ thông tin, những nhóm nhân quyền, các nhà đầu tư xã hội, học giả lại với nhau để thúc đẩy tự do ngôn luận và bảo mật tính riêng tư (Google là một trong những thành viên đồng sáng lập). GNI đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho các công ty và các nhóm khác khi phải đương đầu với việc chính phủ kiểm duyệt nội dung hay đòi hỏi thông tin về người sử dụng. Dưới thỏa thuận này, các công ty đồng ý để người hội thẩm ngoài công ty quyết định sự chấp thuận của họ với những hướng dẫn của GNI và tất cả các thành viên đều đồng ý nhằm thúc đẩy các lợi ích chung.

SỰ LIÊN MINH CỦA CÁC NƯỚC ĐÃ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ KẾT NỐI

Việc đổi mới liên tục, sự tăng trưởng dân số trên”vùng đất liên thông", hơn bao giờ hết sẽ tạo nên những thách thức và khó khăn mới cho người dân và chính phủ nơi đây. Ngay cả những người am hiểu và nhanh nhạy về sử dụng công nghệ cũng mập mờ trong việc sử dụng các thiết bị và dịch vụ mới. Trong một thời kỳ mà năng lực cá nhân và tập thể gia tăng hàng ngày, chính phủ nào điều khiển được làn sóng công nghệ sẽ khẳng định được vị trí tốt nhất nhằm tạo sức ảnh hưởng lên người dân và đưa họ vào trong quỹ đạo của mình.  Những chính phủ nào không thể làm điều đó được sẽ thấy chính họ đang tạo sự bất đồng trong dân chúng.

Những quốc gia dân chủ đã xây dựng liên minh quân sự, giờ đây có thể xây dựng một liên minh về công nghệ kết nối. Điều này không có nghĩa rằng chỉ duy nhất công nghệ kết nối mới có thể biến đổi thế giới. Nhưng nó đòi hỏi một con đường mới để bảo vệ người dân trên toàn thế giới, những người đang bị chính quyền đàn áp và không thể nói lên chính kiến của mình.

Đối mặt với những cơ hội mới, các chính phủ dân chủ có nghĩa vụ phải liên kết với nhau, đồng thời phải tôn trọng quyền lực của cá nhân và các tổ chức phi chính phủ nhằm đưa lại sự thay đổi. Họ phải lắng nghe từ đầu và nhận ra việc người dân sử dụng công nghệ kết nối có thể là phương tiện hiệu quả để giương cao các giá trị tự do, công bằng và nhân quyền trên toàn cầu. Trong một kỷ nguyên mới của các chính phủ dân chủ - khi quyền lực và trách nhiệm được phân chia hơp lý, không chính phủ nào hành động đơn độc mà có thể tiến bộ được.

Người dịch: Nguyên Túc Nguyễn Sung, Ph.D.

(*) Lời Bà Triệu Thị Trinh, “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ...”


Copyright © 2002-2010 by the Council on Foreign Relations, Inc. All rights reserved.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin