menu

Giữa trời mưa bom, làm thơ vì hòa bình

View: 1128 -     Phan Tấn Hải       20/10/2023 03:10:20 pm
Giữa trời mưa bom, làm thơ vì hòa bình
Giữa trời mưa bom, làm thơ vì hòa bình
PHOTO 1:

Ba nhà thơ lớn của dân tộc Palestine, từ trái: Mahmoud Darwish, Muin Bseiso và Samih al-Qasim.


Có cách nào để tìm hòa bình cho vùng Trung Đông? Hãy hình dung về một phép thần nào đó, làm cho quân Israel và quân Hamas buông súng, cùng bước tới bắt tay nhau bùi ngùi, nước mắt ràn rụa, cùng nói rằng tất cả chúng ta hãy sống như một trẻ em mới sinh ra, rằng hãy quên hết tất cả những ngày đau đớn cũ, và cùng trải bản đồ ra vẽ lại, sao cho các thế hệ tương lai không bao giờ nghĩ tới chuyện cầm súng giết nhau nữa. Hình như là bất khả. Đúng là có vẻ bất khả, để có thể sống như một trẻ em mới sinh ra đời. Chỉ trừ, vài thiền sư và nhà thơ.

Tôi có một giấc mơ. Vua Trần Nhân Tông bay từ đỉnh núi Yên Tử tới vùng Gaza, ngay nơi cửa khẩu đang mịt mù khói súng. Bên ngoài cửa khẩu là hàng ngàn xe tăng Israel đang chờ tiến vào, bên trong là nhiều đường hầm và hố chiến hào nơi chiến binh Hamas thò mắt nhìn ra để chờ trận chiến cuối đời của họ. Ngay nơi cửa khẩu là một giáo sĩ Đạo Do Thái ngồi đối diện, nói chuyện với một giáo sĩ Đạo Hồi, trước khi họ có thể nhìn thấy đồng bào của họ xông vào nhau. Hai vị giáo sĩ này có cơ duyên quen nhau như thế vì thời sinh viên, họ cùng học chung về tôn giáo ở Đại Học UC Santa Barbara, ngôi trường đại học ở miền Trung California nổi tiếng vì sinh viên khi ra trường ưa quậy phá để làm kỷ niệm. Hai học giả của 2 tôn giáo lớn đang ngồi mời nhau uống trà và bùi ngùi thảo luận xem những gì Thượng Đế (giả sử, có một Thượng Đế, hay ít nhất là một cái gì mà hai học giả nghĩ là Thượng Đế của họ) đã nói gì về số mệnh của hai dân tộc nơi cùng một đất thánh này, và có cùng một nguồn gốc tôn giáo.

Thế rồi, hãy hình dung rằng, Vua Trần Nhân Tông từ trên mây bước xuống. Hai học giả tôn giáo kia đã nhận ra ngay hình ảnh Thiền sư nhà Trần này, vì trong học trình của UCSB có học về Phật giáo đại cương, trong đó có giải thích sơ lược về vài bài thơ Thiền Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông bước tới, nói với hai học giả Do Thái giáo và Hồi giáo rằng bây giờ hai học giả hãy nhìn vào tự tâm, hãy lặng lẽ nhìn tâm cho mọi chuyện lắng xuống, không cần thảo luận hay nghĩ ngợi gì, hãy tự nhìn xem hai vị là ai, hãy tự nhìn vào tâm, nhìn vào mắt tai mũi lưỡi thân ý của hai vị xem tất cả đều đang chảy xiết trong dòng sông thời gian, và nơi đó, không hề có cái gì gọi là Do Thái với Hồi, không hề có cái gì gọi là ký ức hôm qua với hôm kia, không hề có cái gì gọi là mối thù ngàn năm với thánh chiến ngàn đời. Nhà vua nói rằng, ngay nơi dòng sông chảy xiết trong tâm quý vị đó, tất cả những gì gọi là thánh với phàm đều là Fake News, đều là tin giả, thấy như thế xong, tình yêu thương mới thực sự sinh khởi. Nhà vua nhắc 4 câu thơ trong bài Đắc Thú Lâm Tuyền Thành Đạo Ca mà hai học giả từng học qua bản tiếng Anh dịch từ bản gốc chữ Nôm ở Đại học UCSB:

Niềm lòng vặc vặc
Giác tính quang quang
Chẳng còn bỉ thử
Tranh nhân chấp ngã.

Nghĩa là: khi tâm của bạn lặng lẽ, và trong trẻo, tánh biết sẽ hiển lộ chiếu sáng, sẽ thấy không ta, không người, không còn chuyện gì để chấp là “tôi” hay để tranh với “người” nữa.

Thế rồi, Vua Trần Nhân Tông bay lên mây, về lại núi Yên Tử. Hai học giả đứng lên chắp tay từ biệt, rồi hai vị học giả Hồi giáo và Do Thái giáo cùng ôm nhau, tuyên bố sẽ lui về phía Đông Jerusalem cùng nhập thất, quăng bỏ hết các chức vụ trong đạo. Sáng hôm sau, các vị sư giữ chùa Trúc Lâm Yên Tử kinh ngạc khi thấy bộ áo và đôi hài trên tượng Vua Trần Nhân Tông dính đầy cát sa mạc Trung Đông và nồng mùi khói thuốc súng.


Nhà thơ Mahmoud Darwish

Sự thực lịch sử là, đã có nhiều nhà thơ trưởng thành từ những trận mưa bom, và rồi họ đã cầm bút làm thơ vì hòa bình. Thơ của họ không có đủ tiếng vang hơn tiếng bom, và cũng không có đủ sức mạnh để làm tuột xích các xe tăng hay làm kẹt đạn nơi các nòng súng. Nhưng rồi, nhiều năm sau, nhiều thập niên hay nhiều thế kỷ sau, lịch sử nhân loại sẽ bày tỏ lòng biết ơn đối với những dòng thơ kêu gọi hòa bình đó.

Trong đó, nổi tiếng nhất là nhà thơ Mahmoud Darwish. Ông sinh ngày 13 tháng 3/1941, từ trần ngày 9 tháng 8/2008). Darwish được mệnh danh là nhà thơ quốc gia của Palestine. Ông đã được trao nhiều giải thưởng cho các tuyển tập thơ. Darwish sử dụng Palestine như một phép ẩn dụ cho sự mất mát của Vườn Địa Đàng, một hình ảnh tôn giáo để chỉ về ngôi vườn hạnh phúc uyên nguyên thiết lập bởi Thượng Đế. Trong tinh thần tôn giáo nói chung, ông làm thơ về sự hồi sinh, sự sống lại thể hiện trong các tôn giáo độc thần để hội nhập với Đấng Tạo Hóa. Và đồng thời, nhà thơ Palestine này nói về nỗi thống khổ của một dân tộc bị tước đoạt và lưu đày. Nhà thơ cũng được mô tả là hiện thân và phản ánh "truyền thống của nhà thơ chính trị trong Hồi giáo, con người hành động mà hành động của họ là thơ ca." Và bản thân ông cũng từng là biên tập viên cho một số tạp chí văn học ở Palestine.

Trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, ngôi làng của ông bị quân Israel chiếm giữ và gia đình phải trốn sang Lebanon, đầu tiên là Jezzine và sau đó là Damour. Ngôi làng quê hương của họ đã bị quân Israel san bằng và phá hủy để ngăn cản cư dân đừng trở về nhà của họ bên trong lãnh thổ cua nhà nước Do Thái mới. Trong suốt cuộc đời của mình, Darwish đã xuất bản hơn 30 tập thơ và 8 tập văn xuôi. Lúc này hay lúc khác, ông là biên tập viên của các tạp chí định kỳ Al-Jadid, Al Fajr, Shu'un Filistiniyya và Al-Karmel.

Tác phẩm của Darwish đã giành được nhiều giải thưởng và được xuất bản bằng 20 thứ tiếng. Chủ đề trung tâm trong thơ Darwish là khái niệm về watan hay quê hương. Nhà thơ Naomi Shihab Nye đã viết rằng Darwish "là hơi thở thiết yếu của người dân Palestine, nhân chứng hùng hồn của sự lưu vong và thuộc về..." Trong các giải thưởng văn học trao cho ông, có "Giải thưởng Tự do Văn hóa" ("Cultural Freedom Prize") của Quỹ Lannan Hoa Kỳ, cho mục đích đã nêu là công nhận "những người có công việc phi thường và dũng cảm tôn vinh quyền tự do tưởng tượng, tìm hiểu và thể hiện của con người." Và cũng được chính phủ Liên Xô trao Giải Hòa Bình Lenin (Lenin Peace Prize) năm 1983.


PHOTO 2:




Hình trên là chân dung nhà thơ Mahmoud Darwish trên tranh tường của họa sĩ Miramar Ali, vẽ trên đường King Hussein, thành phố Amman, Jordan. Dòng chữ tiếng Ả Rập là "Trên đất này, có những gì đáng sống" trích từ một bài thơ của Darwish.

Những dòng đầu tiên của bài thơ "Trên đất này" (On this Land) của Darwish viết về quê hương Palestine như sau:

Có trên đất này
những gì đáng sống,
Sự tái diễn của tháng tư,
mùi bánh mì lúc bình minh,
Bùa hộ mệnh của phụ nữ dành cho nam giới,

Các tác phẩm của Aeschylus,
khởi đầu của tình yêu,
Cỏ trên đá,
những bà mẹ đứng trên dây chỉ buộc một ống sáo,
và kẻ xâm lược sợ ký ức.

Darwish viết bằng tiếng Ả Rập, đồng thời nói được tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Do Thái (Hebrew).

Theo tác giả người Israel Haim Gouri, người biết rõ ông, tiếng Do Thái của Darwish rất xuất sắc. Có 4 tập thơ của ông đã được dịch sang tiếng Do Thái bởi Muhammad Hamza Ghaneim: Bed of a Stranger (2000), Why Did You Leave the Horse Alone? (2000), State of Siege (2003), và Mural (2006). Salman Masalha, một nhà văn song ngữ Arabic-Hebrew, đã dịch cuốn sách Memory for Forgetfulness của Darwish sang tiếng Do Thái. Nói như thế, vị trí văn học của nhà thơ Mahmoud Darwish có tầm quan trọng trong cả 2 nền văn học Palestine và Israel.

Vào tháng 3/2000, Yossi Sarid, Bộ trưởng giáo dục Israel, đề nghị đưa hai bài thơ của Darwish vào chương trình giảng dạy trung học của Israel. Thủ tướng Ehud Barak bác bỏ đề nghị này với lý do thời điểm "chưa chín muồi" để dạy Darwish trong trường học. Có ý kiến cho rằng vụ này liên quan nhiều đến chính trị nội bộ của Israel nhằm cố gắng gây tổn hại cho chính phủ của Thủ tướng Ehud Barak hơn là liên quan đến thơ ca.

Bất chấp những lời chỉ trích của ông đối với cả Israel và giới lãnh đạo Palestine, nhà thơ Darwish tin rằng hòa bình có thể đạt được. “Tôi không tuyệt vọng,” anh nói với tờ báo Haaretz của Israel. "Tôi kiên nhẫn và đang chờ đợi một cuộc cách mạng sâu sắc trong nhận thức của người Israel. Người Ả Rập sẵn sàng chấp nhận một Israel mạnh mẽ có vũ khí nguyên tử - tất cả những gì họ phải làm là mở cổng pháo đài và kiến tạo hòa bình."

Mahmoud Darwish qua đời vào ngày 9 tháng 8/2008 ở tuổi 67, ba ngày sau ca phẫu thuật tim tại Bệnh viện Memorial Hermann ở Houston, Texas. Trước khi phẫu thuật, Darwish đã ký văn bản yêu cầu không hồi sức trong trường hợp chết não. Darwish đã hai lần kết hôn và ly hôn. Người vợ đầu tiên của ông là nhà văn Rana Kabbani. Sau khi họ ly hôn, vào giữa những năm 1980, ông kết hôn với một dịch giả người Ai Cập, Hayat Heeni. Ông không có con.

Có một bài thơ của Mahmoud Darwish viết từ năm 1964, nhưng lại gây tranh cãi tới nửa thế kỷ sau. Vào tháng 7/2016, một cuộc tranh cãi đã nổ ra tại Israel về việc phát sóng bài thơ "Bitaqat hawiyya" ("Thẻ nhận dạng" – tức là, thẻ căn cước, hay giấy chứng minh nhân dân) của Darwish trên đài phát thanh Israel Galei Tzahal. Được viết vào năm 1964, nó bao gồm những dòng, trích:

Hãy viết xuống:
Tôi là người Ả Rập
Đã bị cướp mất vườn nho của tổ tiên tôi
Và cả mảnh đất được vun bồi
Bởi tôi và tất cả các con tôi.
Chẳng còn gì cho chúng tôi và con cháu tôi
Ngoại trừ những tảng đá này...

Tình hình một đài phát thanh Israel phát sóng bài thơ của Darwish đã làm Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman nổi giận, ông đã so sánh bài thơ với cuốn sách Mein Kampf của Hitler.

Và rồi một bí ẩn lộ ra dần dần: một thời, Darwish làm nhiều bài thơ tặng "Rita" - một phụ nữ Do Thái mà anh yêu thương khi còn sống ở Haifa; ông tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo người Pháp Laure Adler rằng tên cô gái Do Thái này là Tamar Ben-Ami. Mối quan hệ này là chủ đề của bộ phim Write Down, I Am an Arab của đạo diễn Ibtisam Mara'ana. Tuy nhiên, mối tình này, giữa một nhà thơ Palestine và một thiếu nữ Israel, không trở thành kinh điển như mối tình "Romeo and Juliet" trong vở kịch thơ của William Shakespeare. Bởi vì, khi nàng Rita nhận giấy trưng binh của chính phủ Israel, khi cô tình nguyện gia nhập Lực lượng Hải quân Israel, mối tình kết thúc. Nhà thơ Darwish có một bài thơ nổi tiếng tặng nàng, nhan đề “Rita And The Rifle” (Nàng Rita và Khẩu Súng Trường).


PHOTO 3:



Tấm ảnh hiếm hoi: Nhà thơ Mahmoud Darwish và thiếu nữ Do Thái Rita (tên thật: Tamar Ben-Ami) khi còn bên nhau. Nhà thơ người Palestine Mahmoud Darwish và người yêu Rita, người Israel, người mà ông đã viết về trong các bài thơ của mình. Mối tình của họ chấm dứt khi cô gia nhập hải quân Israel.

Sau đây là bản dịch toàn văn bài thơ “Rita và khẩu súng trường” --- Rita là thiếu nữ Do Thái mà nhà thơ Palestine này một thời yêu thương.

RITA VÀ KHẨU SÚNG TRƯỜNG

Giữa Rita và đôi mắt tôi
Có một khẩu súng trường
Và bất kỳ ai biết Rita
Quỳ gối và chơi đùa
Đến sự linh thánh trong đôi mắt màu mật ong đó
Và tôi đã hôn Rita
Khi nàng còn trẻ
Và tôi nhớ cách nàng bước tới
Và cách tôi đưa tay che các buộc tóc đáng yêu nhất
Và tôi nhớ Rita
Như cách một con chim sẻ nhớ dòng suối
À, Rita
Giữa chúng ta có một triệu con chim sẻ và hình ảnh
Và nhiều buổi hẹn
Bị một khẩu súng trường bắn vào
Tên của Rita là bữa tiệc trong miệng tôi
Thân thể của Rita là một hôn lễ trong máu tôi
Và tôi đã lạc lối trong Rita suốt hai năm
Và trong hai năm nàng đã ngủ trên cánh tay tôi
Và chúng ta đã hứa
Trên những chiếc tách đẹp nhất
Và chúng ta đốt cháy rượu vang trên môi nhau
Và chúng ta được sinh ra lần nữa
À, Rita!
Những gì trước khi khẩu súng trường này có thể đưa mắt anh rời khỏi mắt em
Ngoại trừ một hoặc hai giấc ngủ ngắn, hoặc những đám mây màu mật ong?
Ngày xưa rất xưa
Ôi sự im lặng của hoàng hôn
Buổi sáng, mặt trăng của tôi đã đi về nơi xa
Hướng về đôi mắt màu mật ong đó
Và thành phố đã cuốn đi tất cả các ca sĩ
Và Rita
Giữa Rita và đôi mắt của tôi—
một khẩu súng trường.

---- Thơ Mahmoud Darwish

Nhà thơ Muin Bseiso

Muin Bseiso (1926-1984) là một nhà thơ người Palestine sống ở Ai Cập, nơi ông lần đầu tiên bước vào thế giới thơ ca. Ông hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học và trung học ở Gaza vào năm 1948. Ông bắt đầu xuất bản tác phẩm của mình trên tạp chí Al-Hurriya có trụ sở tại Jaffa, nơi ông xuất bản những bài thơ đầu tiên của mình vào năm 1946. Hai năm sau, năm 1948, ông vào Đại học Hoa Kỳ (American University) ở Cairo và sau đó tốt nghiệp năm 1952.

Ông đã tham gia vào hoạt động dân chủ và quốc gia từ rất sớm, và sau đó cống hiến hết mình cho thơ ca và giảng dạy. Ngày 27 tháng 1 năm 1952, ông xuất bản tác phẩm đầu tiên của mình có tựa đề Al-Ma'raka (tạm dịch: Trận chiến). Ông đã liên tục xuất bản nhiều tập thơ khác. Ông bị giam trong các nhà tù ở Gaza hai lần: 1955 đến 1957 và 1959 đến 1963. Trong một lần, ông gặp người vợ tương lai của mình, Sahbaa al-Barbari, một trong những phụ nữ cộng sản đầu tiên ở Gaza. Ông sống lưu vong sau khi Israel chinh phục Dải Gaza trong Chiến tranh Sáu ngày năm 1967. Ông qua đời vì bệnh suy tim ở London vào năm 1984. Gia đình ông bị Israel từ chối cho phép chôn cất hài cốt của ông ở Gaza. Tác phẩm của ông đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ. Bseiso đã được trao một số giải thưởng văn học.

Sau đây là một bài thơ điển hình của ông, nhan đề “No” (Không).

KHÔNG

Vết thương của anh nói: "Không!"
Dây xích của anh nói: "Không!"
Và con chim cu gáy xỏe lông che vết thương của anh
Nói: "Không!"
"Không!" cho những ai đã bán và đã mua
Vòng chân bạc của Gaza.
Họ bán những viên đạn và mua một con ngỗng.
.

Con ngỗng run rẩy!
Hãy dừng lại một chút.
Và hãy lắng nghe anh
Nói: "Không!"
Thật tội nghiệp cho anh; anh không chết dưới ánh đèn neon,
Giữa chân nến và mặt trăng.
Thật tội nghiệp cho anh; không có thông báo chính thức
hay một tang lễ ngu xuẩn
Không bài thơ hay bài hát thương khóc nào.
Nhưng tảng đá!
Hãy để tôi sáng tác, dù chỉ một dòng thơ,
Rằng tôi có thể đọc nó cho tất cả những người đàn ông có bộ râu dài và giả.
.

Hãy ngừng run rẩy một chút
Và hãy nghe anh nói: “Không!”
Như hàng rào kiên cố của một ngôi nhà ở Gaza.
Mỗi ngày anhbị giết một ngàn lần,
Con ngỗng run rẩy!

---- Thơ Muin Bseiso

PHOTO 4:





Ba nhà thơ lớn của dân tộc Palestine, từ trái: Mahmoud Darwish, Muin Bseiso và Samih al-Qasim.

Samih al-Qasim, nhà thơ Palestine có quốc tịch Israel

Có một nhà thơ nổi tiếng khác: Samīħ al-Qāsim al Kaissy, gọi tắt là Samih al-Qasim. Bạn có thể gọi là nhà thơ Palestine hay nhà thơ Israel cũng được. Ông sinh ngày 11 tháng 5/1939, tại thị trấn Zarqa, Jordan. Chết ngày 19/8/2014, tại thị trấn Safed, Israel. Ông là người Palestine nhưng có quốc tịch Israel, vì không chịu lưu vong. Tác phẩm của ông nổi tiếng khắp Ả Rập và thế giới. Trước Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, ông chủ yếu chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc Ả Rập; sau chiến tranh, ông gia nhập Đảng Cộng sản Israel.

Al-Qasim sinh năm 1939 tại Tiểu vương quốc Transjordan (nay là Jordan), ở thành phố Zarqa phía bắc, trong khi cha ông phục vụ trong Quân đoàn Ả Rập của Vua Abdullah. Ông xuất thân từ một gia đình thuộc tôn giáo cổ Druze, một hệ phái Hồi giáo rất xưa đã bị Hồi giáo chính thống xem là lạc đạo. Al-Qasim tốt nghiệp trung học ở Nazareth. Gia đình ông đã không chạy trốn khỏi Rameh trong cuộc trục xuất và bỏ trốn của người Palestine năm 1948.

Trong cuốn sách "About Principles and Art" (Về Nguyên tắc và Nghệ thuật), ông giải thích: “Khi tôi còn học tiểu học thì thảm kịch của người Palestine đã xảy ra. Tôi coi ngày đó là ngày sinh của tôi, bởi vì những hình ảnh đầu tiên tôi có thể nhớ được là về những sự kiện năm 1948. Những suy nghĩ và hình ảnh của tôi bắt nguồn từ con số 48.”

Đến năm 1984, al-Qasim đã viết 24 tập thơ dân tộc chủ nghĩa và xuất bản sáu tập thơ. Những bài thơ của ông nói chung tương đối ngắn, một số bài chỉ có hai câu. Ông tuyên bố rằng hệ tư tưởng toàn Ả Rập của Chủ nghĩa Nasser đã gây ấn tượng với ông trong thời kỳ chủ nghĩa dân tộc sau năm 1948. Phần lớn thơ của ông liên quan đến sự thay đổi cuộc sống trước và sau Nakba, cuộc đấu tranh của người Palestine và rộng hơn là người Ả Rập để giải phóng vùng đất của họ khỏi ảnh hưởng của nước ngoài, chủ nghĩa dân tộc Ả Rập và nhiều bi kịch Ả Rập khác nhau. Năm 1968, ông xuất bản tập thơ đầu tiên "Waiting for the Thunderbird" (Chờ loài chim sấm sét). Al-Qasim đã viết về những chủ đề này khi đấu tranh đang ở đỉnh cao đối với người dân Ả Rập vào nửa sau thế kỷ 20. Khi người bạn Iraq, nhà thơ Buland al-Haidari hỏi liệu ông đã đến thăm Baghdad chưa, ông trả lời rằng ông không cần phải làm vậy, vì ông coi bất kỳ thành phố Ả Rập nào cũng ngang bằng với nơi cư trú Ả Rập của chính ông.

Al-Qasim tuyên bố rằng hệ tư tưởng toàn Ả Rập của chủ nghĩa Nasser đã gây ấn tượng với ông trong thời kỳ chủ nghĩa dân tộc sau năm 1948. Ông đã bị bỏ tù nhiều lần vì các hoạt động chính trị liên quan đến vận động cho quyền của người Palestine và bất đồng quan điểm với các chính sách của chính phủ, bắt đầu từ năm 1960 vì từ chối nhập ngũ vào quân đội Israel theo yêu cầu của người Druze Israel. Ông cũng bị quản thúc tại gia. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Israel Hadash vào năm 1967 và bị giam giữ cùng với các thành viên khác của đảng khi Chiến tranh Sáu ngày bùng nổ. Ông bị đưa đến nhà tù al-Damoun (tên chính thức: Nhà tù Damon) ở Haifa. Trong thời gian này, ông gần như mất đi cảm xúc dân tộc khi nghe đài phát thanh Israel thông báo về việc giành được lãnh thổ sau chiến thắng của Israel.

Al-Qasim làm nhà báo ở Haifa, nơi ông điều hành Nhà xuất bản Arabesque và Trung tâm Nghệ thuật Dân gian và là tổng biên tập tờ báo Ả Rập Israel Kul al-Arab. Ông đọc nhiều bài thơ của mình cho đông đảo khán giả tại các cuộc tụ họp hàng tháng ở các thị trấn và thành phố Ả Rập ở Galilee. Al-Qasim từ chối rời quê hương; trong một cuộc phỏng vấn với Index, ông được trích dẫn rằng, "Tôi chọn ở lại đất nước của mình không phải vì tôi yêu bản thân mình ít hơn mà vì tôi yêu đất nước của mình nhiều hơn."

Al-Qasim đến thăm Syria vào năm 1997 và năm 2000. Ông bị chính quyền Israel ngăn cản việc đến Lebanon để dự một sự kiện thơ ca vào năm 2001. Al-Qasim qua đời vào ngày 19 tháng 8 năm 2014 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư. Tang lễ của ông được tổ chức vào ngày 21 tháng 8 năm 2014 tại Rameh.

Sau đây là bài thơ "Những đứa trẻ ở Rafah" viết năm 1971.

RAFAH’S CHILDREN

Gửi tới người đã đào đường đi qua vết thương của hàng triệu người
Gửi tới người có xe tăng nghiền nát tất cả hoa hồng trong vườn
Ai đập vỡ cửa sổ trong đêm
Ai đốt một khu vườn và viện bảo tàng và ca hát về tự do.
Ai giẫm nát những con chim hót ở quảng trường công cộng.
Máy bay của ai thả bom vào giấc mơ tuổi thơ.
Ai đập vỡ cầu vồng trên bầu trời.
.

Đêm nay những đứa con của cội nguồn bất khả có thông báo dành cho quý vị,
Đêm nay, những đứa trẻ của Rafah nói:
“Chúng tôi chưa bao giờ dệt bím tóc vào khăn trải giường.
Chúng tôi chưa bao giờ nhổ vào xác chết hay nhổ răng vàng của họ.
Vậy tại sao quý vị giựt đồ trang sức của chúng tôi và đưa cho chúng tôi bom?
Tại sao quý vị chuẩn bị trại mồ côi cho trẻ em Ả Rập?
Cảm ơn quý vị, một ngàn lần hơn!
Nỗi buồn của chúng tôi giờ đây đã trưởng thành và trở thành một người đàn ông.
Và bây giờ, chúng tôi phải chiến đấu.”

---- Thơ Samih al-Qasim

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin