HÃY NHÌN THẲNG VÀO CHÍNH MÌNH
View: 2472 - THÍCH MINH CHÂU 29/09/2020 11:09:15 am
HÃY NHÌN THẲNG VÀO CHÍNH MÌNHTHÍCH MINH CHÂU (1918–2012)
Chiến tranh càng ngày càng trở nên ác liệt, tất cả những đau khổ lớn nhất của nhân loại đã xảy ra tại quê hương của chúng ta, và hôm nay, giữa lòng đau đớn không cùng của đất nước, đấng Thế Tôn lại ra đời, như một vì sao Mai vụt hiện trên vùng tối đen của mặt đất thê lương này.
Đấng Thế Tôn không phải chỉ ra đời cách đây mấy ngàn năm vào một thời gian ấn định, vào một địa điểm xác định nào đó. Không. Đấng Thế Tôn ra đời mỗi ngày và mỗi giây phút trong đời sống chúng ta: chúng ta là những kẻ đồng thời với Ngài, ra đời với Ngài, đau đớn với Ngài, sống với Ngài, lên đường với Ngài và cùng đi về với Ngài trên con đường giải thoát, con đường của vì sao Mai tuyệt đối, hình ảnh bất diệt của Chân Như: đó cũng là dấu hiệu của Pháp thân bất sinh bất diệt giữa sự phân thân bi thảm trầm trọng của quê hương chúng ta.
Giữa cơn biến động tàn khốc của đất nước hiện nay, mỗi người đều cảm thấy rằng mình phải lên tiếng, vì không lên tiếng là có tội lớn với hồn thiêng của quê cha đất tổ; người nào cũng thấy rằng mình phải nói đến Hòa Bình và Dân Tộc, nói đến Trách Nhiệm và Dân Tộc.
Tất cả sự lên tiếng đều đáng tôn kính, tất cả những danh từ cao đẹp đều đáng tôn quý, nhưng thật sự thì đằng sau sự lên tiếng ấy, đằng sau những danh từ cao đẹp ấy chúng ta sẽ thấy được những gì?
Tất cả lời nói đều trở nên vô nghĩa. Bất cứ người nào đi giữa đường cũng có thể lên tiếng và cũng có thể dùng những danh từ cao đẹp... Ai cũng có thể nói được và dùng được những danh từ chìa khóa thời thượng, những danh từ gợi cảm đầy dân tộc tính và nhân loại tính, nhưng tiếng súng đại bác và tiếng phản lực cơ vẫn ồn ào ầm ĩ và lấn át hết tất cả những khẩu hiệu cao đẹp trên đời này.
Chiến tranh càng ngày càng lan rộng, không phải vì thiếu người tranh đấu cho hòa bình... Mà bởi vì đã có quá nhiều người tranh đấu cho hòa bình; chúng tôi nói đến hòa bình, các ngài nói đến hòa bình; Phật giáo nói đến hòa bình, các tôn giáo khác đều nói đến hòa bình: Mỹ, Pháp, Anh, Tàu, Nga, Bắc Việt và Nam Việt đều nói đến hòa bình; tất cả chúng ta đều ca tụng hòa bình, mà đau đớn biết bao là càng nói nhiều đến hòa bình thì máu lửa ở Việt Nam càng trở nên ác liệt thảm khốc hơn nữa.
Nói như thế, không phải chúng tôi đề nghị chúng ta hãy nói nhiều đến chiến tranh hay là chúng ta hãy chấp nhận chiến tranh, không phải thế. Không ai lại có thể tàn nhẫn lãnh đạm thờ ơ như vậy và chúng tôi cũng không thể nào có thái độ ngây thơ như vậy.
Chúng tôi chỉ muốn lễ độ báo nguy với tất cả rằng không phải chỉ lên tiếng, không phải chỉ dùng những khẩu hiệu tình cảm là đủ; không phải chỉ suốt ngày suốt đêm chạy Đông cầu Tây để hô hào bênh vực cho hòa bình là đủ; không phải chỉ nói đến tình thương, không phải nói đến Đạo Pháp và Dân Tộc là cứu nguy quê hương và Tôn Giáo; không phải chỉ nói về hòa bình là đem hòa bình về cho quê hương.
Khi nói như trên, chúng tôi cũng không phải ngây thơ đến nỗi đề nghị với các ngài là đừng lên tiếng và chỉ giữ im lặng thụ động. Không phải thế.
Chúng tôi chỉ muốn lễ độ báo nguy với tất cả chúng ta rằng không phải lời nói là quan trọng, không phải sự im lặng là quan trọng, mà cũng không phải hành động là quan trọng, mà không phải vô vi thụ động là quan trọng.
Chỉ có một điều duy nhất quan trọng, chỉ một điều quan trọng tối thượng là mỗi người phải dám nhìn thẳng bộ mặt thực của chính mình, tự hỏi rằng mình có lường gạt mình bằng những đường lối tinh vi; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thực sự tựdo trong tư tưởng; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thật sự giải phóng khỏi tất cả sự sợ hãi trong ý thức và vô thức; mỗi người phải tự hỏi rằng mình có thật sự tiêu trừ hết mọi tham vọng, dù là tham vọng tâm linh; có thật sự tiêu trừ hết mọi đố kỵ, thù hận; có thật sự tiêu trừ hết mọi sự triển khai bản ngã dưới mọi hình thức bằng cách lấp đầy sự trống rỗng của bản ngã bằng những ý niệm cao đẹp, bằng những khẩu hiệu mà ai cũng muốn dùng trên lưỡi và môi như là dân tộc, hòa bình, bác ái, từ bi, trách nhiệm vv...?
Mỗi người đều chịu trách nhiệm cuộc phân hóa của quê hương hiện nay, mỗi người đều có tội, mỗi người đều đồng lõa với sự tương tàn huynh đệ, máu đổ, nhà tan. Tất cả chúng ta đều đồng lõa với cuộc chiến tranh này, dù tham chiến hay không tham chiến. Chúng ta đồng lõa bằng cuộc sống nông cạn, bằng tình cảm yếu đuối, bằng thành kiến cố định, bằng sự bảo vệ bản ngã, bằng lý tưởng giả đạo đức, nhất là bằng tất cả sự sợ hãi, dưới đủ mọi hình thức.
Sợ hãi là cơn bệnh nặng nề nhất trong mỗi người; sợ hãi là mầm mống của tất cả mọi cuộc chiến tranh; vì sợ hãi, nên phải lên tiếng, vì sợ hãi, nên phải im lặng; vì sợ hãi nên phải thụ động, trốn trong tháp ngà.
Vô úy là một trong những đức tính quan trọng mà đấng Thế Tôn đã dạy cho chúng ta. Đó là con đường của tất cả Bồ-tát. Hóa Thân của đức Di Lặc sẽ mang đủ đức tính của Bất Không Thành Tựu Như Lai. Đó chính là tư thái thản nhiên của Ngài được thể hiện trong Vô Úy Ấn (abhaya mudrà).
Tất cả những gì xảy đến trong ta đều xuất phát từ trong ta, từ trong bản thể sâu kín của ta. Không có gì có thể hại ta được, chỉ trừ ta đã chứa sẵn mầm mống phá hại ấy trong ta; vậy thì không thể nào sợ hãi bất cứ cái gì xảy ra trong đời này, bạo quyền, bất công, độc tài, chiến tranh, tai họa chỉ xuất hiện khi chúng ta đã chứa sẵn những mầm mống trong tự thân và tự thể. Chiến tranh và bạo quyền là thể hiện bên ngoài của những gì ta chứa đựng, tiềm tàng trong sâu kín tâm hồn. Vô Úy Ấn là tư thái của một người thản nhiên mỉm cười nhìn thẳng vào tất cả sự khủng khiếp rùng rợn trong đời mà không sợ hãi, vì ý thức rằng không có gì có thể xảy đến cho mình được, chỉ trừ khi mình đã đồng lõa với nó, nuôi dưỡng nó thầm kín trong tâm tư mình.
Cách đây một tuần, chúng tôi có mời một vị giáo sư người Đức lên giảng đường Đại học Vạn Hạnh để diễn thuyết về Heidegger và sự khủng hoảng của siêu hình học. Lời mời của chúng tôi mang một ý nghĩa kín đáo; đó là một dịp để tư tưởng của triết gia Heidegger được nảy mầm trong khung cảnh đặc biệt của Viện Đại Học Vạn Hạnh, nơi nuôi dưỡng và phát triển tư tưởng Á Đông trong sự chuẩn bị môi trường ngày mai cho sự đối mặt giữa tư tưởng Tây Phương và tư tưởng Phật Giáo trong sự chuyển tánh của vận mệnh con người trên trái đất này.
Nước Đức nhằm chung số mệnh phân ly và phân hóa như nước Việt Nam; Heidegger khi còn làm viện trưởng tại trường Đại học Freiburg im Breisgau, đã chịu đựng những sự ngộ nhận không thể tránh được về thái độ mình đối với sự phân tán trầm trọng của nước Đức. nhưng Heidegger đã không sợ hãi mà từ bỏ con đường lựa chọn của mình và hiện nay tư tưởng của Heidegger đã lan tràn khắp thế giới và ảnh hưởng sâu đậm đến tinh thần của thời đại. Heidegger nói lên sự vắng mặt của Thượng Đế và sự phục hồi ý nghĩa của tính thể. Heidegger nói rằng tính thể (être) là xuất nguồn từ ngôn ngữ Phạn (sanskrit). Đại học Vạn Hạnh được may mắn là nơi có đủ khả năng để đào sâu kiến thức Phạn ngữ cho những người muốn tìm lại nguồn gốc để đặt lại giới hạn của tư tưởng Tây Phương trong cơn khủng hoảng thời đại vô cùng trầm trọng hiện giờ.
Trước sự sụp đổ của con người và thời đại, Heidegger kêu gọi chúng ta hãy trở về tư tưởng thiền định (pensee mé-ditante) và từ bỏ tư tưởng tính toán của tổ chức kinh doanh, kỹ thuật, cơ khí, chính trị, xã hội, thần học, khoa học. Heidegger đã biết đi về trên con đường Phật giáo mà chính Heidegger cũng không ngờ được: đối với Heidegger, con người chỉ có thể tự giải thoát khi trở về thiền tưởng (méditation) qua tư thái song hành: tâm hồn thản nhiên trước sự vật (l'âme égale la présence des choses) và tâm trí mở ra trước huyền diệu bí mật (l’esprit ouvert au secret).
Điều trên khiến chúng ta nhớ đến bình đẳng tánh trí và diệu quan sát trí, hai trong bốn trí của Duy Thức Học. Bình đẳng tánh trí (samatajnana) và Diệu Quan Sát Trí (Pratyaveksanjnana) đưa đến Đại viên cảnh trí (Afdar-sanjnana), cứu cánh của giải thoát; đó mới chính là con đường giải thoát duy nhất cho mỗi người trong chúng ta.
Tâm hồn thản nhiên trước sự vật và tâm trí mở ra trước huyền diệu, đó là con đường đi của tất cả Bồ-tát, thể hiện cô đọng trong Vô Úy Ấn (Abhaya mudra) Của Bất Không Thành Tựu Như Lai (Amoghasiddhi) hóa thân của đức Di Lặc.
Đức Thế Tôn của mấy ngàn năm trước cũng là Đấng Thế Tôn vừa đản sanh hôm nay và sẽ đản sanh vào ngày mai; nơi nào có chiến tranh và hận thù, nơi nào có khổ đau, tàn ác, bạo lực và sự sợ hãi khủng bố thì nơi đó Đấng Thế Tôn ra đời với Vô Úy Ấn của Ngài.
Và hơn bao giờ hết, giữa ngày Phật Đản hôm nay, giữa lúc chiến tranh lan rộng và sợ hãi đe dọa khắp cả quê hương thì Vô Úy Ấn lại sáng ngời lên như một ngôi sao Mai vừa sinh trên bầu trời đen tối của nhân loại; cũng như vì sao Mai trên trời, Đấng Thế Tôn ra đời để báo tin rằng rạng đông đang đến.
Chúng tôi xin cầu nguyện chung cho tất cả những người đã chết trên dải đất này, không phân chia quốc tịch và phân chia màu sắc chính trị.
Sau cùng, một điều đã khiến chúng tôi vô cùng cảm động: đó là sự hiện diện của nhiều đại biểu quốc gia trên thế giới tại buổi lễ Phật Đản hôm nay; sự kiện ấy nói lên rằng ngày Đản Sinh của Đấng Thế Tôn là ngày vui chung không phải chỉ thuộc một biên giới quốc gia nào, mà lại là thuộc chung của cả nhân loại, của tất cả con người thao thức trên mặt đất này, những người đón đợi bình minh bất diệt của tâm linh.
(Trích TRƯỚC SỰ NÔ LỆ CỦA CON NGƯỜI ~ Con Đường Thử Thách Của Văn Hóa Việt Nam. Lotus Media tái bản và ấn tống, tháng 10, 2020)