menu

CEO và thuật lãnh đạo Thiền

View: 3158 -     Kim Yến       30/07/2020 07:07:26 am
CEO và thuật lãnh đạo Thiền
CEO và thuật lãnh đạo Thiền
Để có thể lãnh đạo người khác một cách hữu hiệu, biến văn hóa công ty thành nội công của doanh nghiệp, trước tiên, người đứng đầu phải kiểm soát được chính mình, có nội lực, trí lực và tâm lực đủ mạnh.

"Trong một thế giới ồn ào với các phương tiện truyền thông, các trang mạng cá nhân, sách báo, những phong tục tập quán lâu nay có liên quan đến thuật lãnh đạo… "Nhà lãnh đạo thiền" của TS. Ginny Whitelaw dung dị, trầm tĩnh nhưng đầy vững tin, mang lại những góc nhìn quan trọng về thuật lãnh đạo và về chính chúng ta.

Bà phân tích thuật lãnh đạo đến tận cốt lõi của nó, đưa ra những công cụ dễ hiểu, đơn giản cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào, hay những người đang có khát khao trở thành lãnh đạo, nhằm giúp họ hiểu, sử dụng và vun đắp những tài năng bẩm sinh của bản thân".

David Dotlich, Chủ tịch Pivot, đồng tác giả của "Tại sao các CEO thất bại", "Khối óc, Con tim và Khí phách" và nhiều cuốn sách khác về thuật lãnh đạo đã nhận xét như vậy khi nói về tác phẩm "Nhà lãnh đạo thiền" của TS. Ginny Whitelaw.

Từng là Phó giám đốc chương trình tích hợp trạm không gian của NASA, đồng thời là võ sĩ Aikido đệ Ngũ đẳng huyền đai, Ginny Whitelaw đã cùng Master Sridevi Tố Hải giảng dạy và huấn luyện thuật lãnh đạo thiền cho hơn 1.500 doanh nhân tại Việt Nam.

Dưới đây là những chia sẻ rất chân thành của một số doanh nhân về những “cú lật” bắt nguồn từ chính nội lực, để nâng cao trí tuệ, tâm hồn theo một cách thức mới mẻ cho việc xây dựng văn hóa và chiến lược đào tạo nhân sự kế thừa sau khóa đào tạo của TS. Ginny Whitelaw.

“Phải cân bằng 4 nguồn năng lượng Tầm nhìn - Dẫn dắt - Hợp tác - Tổ chức trong văn hóa kế thừa”

(Ông Lê Bá Thông, CEO TTT, Chủ nhiệm cộng đồng Nhà lãnh đạo tỉnh thức)

Trong buổi gặp gỡ doanh nhân tại khách sạn Des Art do cộng đồng Nhà lãnh đạo tỉnh thức tổ chức, chia sẻ về bước chuyển hóa gần đây nhất trong xây dựng văn hóa của Công ty TTT đã đưa doanh nghiệp lên bước phát triển mới, ông Lê Bá Thông nói:

“Quả thật, giữa thiền và chiến lược đào tạo nhân sự kế thừa, có vẻ như hai việc chẳng dính dáng gì đến nhau. Nhưng qua những trải nghiệm của tôi, thiền khí tâm và chiến lược văn hóa doanh nghiệp lại kết nối với nhau rất chặt chẽ. Quy trình, chiến lược là phần cứng, còn văn hóa doanh nghiệp là phần mềm, như thân với tâm vậy.

Ngày xưa TTT xây dựng văn hóa theo cách của mình, và tôi cũng đã từng đi chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp. Trước đây mình quảng cáo TTT là một công ty vui vẻ. Thực sự với trình độ quản trị của mình và trình độ của nhân viên mình, TTT khó có thể xây dựng một quy trình chặt chẽ.

Giữa quy trình này và quy trình khác là một khoảng trống, giống như hơi thở vậy, khi hít vào thở ra sẽ có khoảng trống. Để vận dụng quy trình chặt chẽ, sẽ xảy ra tình trạng nhân viên đổ thừa lẫn nhau, “việc này không phải của tôi”, nhiều công việc bị bỏ trống là chết.

Nên tôi có cách biến công ty thành một gia đình vui vẻ, để mọi người hòa đồng, chia sẻ, “làm hết mình, chơi hết ga”. Văn hóa đầy tiếng cười, sự chia sẻ đã giúp công ty phát triển, và tôi tự hào mình đã xây dựng một văn hóa tốt.

Nhưng sau khi tham dự khóa học "Thuật lãnh đạo thiền" của TS. Ginny Whitelaw, chủ tịch Hội lãnh đạo thiền thế giới, tôi mới giật mình hiểu ra, thấy mình thiếu nền tảng.

Cô Ginny đã giúp tôi hình thành một nền tảng mới. Cô nói rất rõ, mỗi người trong chúng ta chia ra 4 dạng năng lượng rất khác nhau, gồm có Tầm nhìn - Dẫn dắt - Hợp tác - Tổ chức. Trong một doanh nghiệp cũng tồn tại bốn nguồn năng lượng như vậy.

"Nguồn năng lượng lớn nhất của tôi là hợp tác, vì tính tôi vui vẻ, kéo theo một cộng đồng đi băng băng vậy thôi. Nhưng năng lượng yếu nhất của tôi là tổ chức. Tôi biết mình phải dựa vào ai thủ lĩnh về tổ chức, để TTT tiến lên vững vàng hơn, có nền tảng lý thuyết hơn. Bây giờ một bạn nhân viên nóng giận bước vào phòng, tôi hiểu ngay nguồn năng lượng nào đang lên, và phải xử lý thế nào".

Để có thể lãnh đạo người khác một cách hữu hiệu, biến văn hóa công ty thành điều mà nhân viên “ sống với” chứ không phải là điều mà họ “ biết về”, trước tiên, bạn phải kiểm soát được chính mình, có nội lực, trí lực, tâm lực đủ mạnh. Nhưng áp lực buộc phải nhanh hơn, tốt hơn, mạnh hơn… khiến cho nhà lãnh đạo nhiều khi quên mất chính mình.

Cách đây 10 năm tôi đã tổ chức chương trình thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam gặp gỡ 600 doanh nhân. Mong muốn của tôi là giúp cho cộng đồng doanh nhân bình an hơn. Thiền sư và 300 tăng đoàn ngồi thiền, mở đầu thầy nói: “Hôm nay chúng ta nói chuyện đầu tư nhé. Các anh chị đang đầu tư cho doanh nghiệp, cho xã hội, điều đó rất tốt, nhưng có điều các anh chị quên mất là đầu tư cho chính mình”

Nhấn mạnh đến nghệ thuật lắng nghe, để nhân viên có thể chia sẻ thật nhất với nhà lãnh đạo, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của mỗi người, từ đó mới có thể tạo nên một tập thể gắn kết, ông Thông chia sẻ bài học đắt giá: “ Khi Thầy Thích Nhất Hạnh về, tôi đảm nhận khâu thiết kế, vì mình là dân nội thất mà. Sau khi làm xong chương trình, thầy nói “Thầy đi giảng đạo khắp nơi trên thế giới, chưa có chỗ nào đẹp như vậy”.

Tôi đã cất công xây một cây cầu “Đã về, đã tới” ở giữa một bãi cỏ mướt xanh trong khu du lịch Văn Thánh. Khi giảng đạo xong, Thầy gọi “ Bá Thông đâu tới đây”. Sung sướng chưa. Tôi quỳ xuống bên thầy, nhưng điện thoại reo, “cô Tôn Nữ Thị Ninh muốn vào, mà không có vé, cho vào không?”. Giải quyết xong, bỏ điện thoại xuống, bộ đàm lại reo “âm thanh khu Tây có vấn đề, giải quyết thế nào?”. Tôi cầm nguyên điện thoại và bộ đàm quăng đi, ngồi xuống nghe thầy nói 10 phút đồng hồ, mà tới giờ không còn nhớ gì hết! Khi lòng chúng ta không an, chúng ta đến rồi mà cũng không nhận được gì. Hãy tập lắng nghe, nghệ thuật lắng nghe không thể nói bằng ý chí, mà phải có thực tập”.

Nhiều doanh nghiệp lớn người sáng lập muốn lui về, nhưng tìm lực lượng kế thừa là cả một thách thức. Không ít doanh nghiệp đã gãy đổ vì con cái không chịu kế nghiệp, dùng người ngoài thì văn hóa công ty không giữ được.

Quy tắc của năng lượng là phải quy tụ mới kế thừa. Tại sao phương Tây có doanh nghiệp tồn tại cả trăm năm vì không phụ thuộc vào nguồn năng lượng của một cá nhân nào cả. Đừng đào tạo chỉ một nhân sự kế thừa, mà phải đào tạo một nhóm, phải cân bằng 4 nguồn năng lượng nói trên trong văn hóa kế thừa trên môi trường của sự thích nghi, linh hoạt và lan tỏa, chấp nhận mọi biến cố để thuận với tự nhiên.

Văn hóa doanh nghiệp và xây dựng đội ngũ kế thừa phải gắn bó chặt chẽ với nhau mới tạo nên những doanh nghiệp trường tồn. Rất may mắn Master Sridevi Tố Hải đã được cô Ginny chọn là Chủ tịch tổ chức Nhà lãnh đạo thiền châu Á. Chúng tôi mong muốn được lan rộng những giá trị này trong giới doanh nhân.

“Mỗi lần nói chuyện với nhân viên biết đặt hết ánh mắt, con tim, nhịp thở, lắng nghe bằng tất cả các giác quan”

(Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc cấp cao Công ty CP Kết nối nhân tài Talentnet)

Từng có nhiều kinh nghiệm trong ngành nhân sự, nhưng Nguyễn Thị Thanh Hương cũng đã từng chịu áp lực rất lớn từ công việc. Làm thế nào để trở thành một lãnh đạo đáng tin cậy, có tính tập trung và hiệu quả?

Thanh Hương chia sẻ, là doanh nhân chắc chắn không thoát khỏi áp lực, mỗi năm có một thử thách khác nhau, ngày càng lớn hơn. Năm nào tôi cũng phải giải quyết bài toán đó. Mọi người nhìn mình rất thành đạt, nhưng đâu đó mình thấy không hạnh phúc. Lúc đó công ty tôi bắt đầu mở chi nhánh ở nước ngoài, mình đã rất lo lắng. Cuối cùng tôi quyết định đi dự khóa thiền của cô Tố Hải.

Thiền khí tâm đã thay đổi mình không ngờ. Tôi bắt đầu bình tâm lại, mới thấy mình sống quá vội, không thể ngồi tĩnh lại để tiếp nhận điều gì đó. Bỏ hết công việc và con cái để đi học, càng ngày càng khám phá ra nhiều điều, thay đổi sâu sắc với bản thân mình. Cách đây một tháng, được tham gia khóa học "Thuật lãnh đạo thiền", như một bước đột phá.

Thiền là một khoa học về tâm linh, giúp cho tinh thần mình thay đổi, sảng khoái, ảnh hưởng tốt đến những người xung quanh.

Văn hóa đến từ niềm tin, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Talentnet có giá trị đồng đội, luôn quan tâm, chia sẻ. Nhưng khi quá bận rộn, mình quên đi giá trị đó. Từ khi học thiền, tôi đã giành 20% thời gian để huấn luyện nhân viên, nhất là những người đang gặp khó khăn, người vừa được bổ nhiện vai trò quản lý. Khi mình làm mọi việc từ tâm, thì nhân viên cấp quản lý cũng giành thời gian nhiều hơn để huấn luyện cho bên dưới, nguồn năng lượng mình tỏa ra làm nhân viên rất yên tâm khi đồng hành với mình

Từ đó, tôi bắt đầu quan tâm và giành nhiều thời gian hơn cho việc huấn luyện, công ty có rất nhiều chương trình phát triển bản thân, phát triển lãnh đạo theo cách hoàn toàn khác trước. Mình nói chuyện với từng nhân viên, hiểu từng hoàn cảnh, khó khăn của họ.

Không đơn giản liên quan đến công việc mà cả gia đình, bản thân mỗi người. Có những người hoài bão, ước mơ chệch hướng khỏi công ty, trước đây chắc chắn sẽ cho họ nghỉ hoặc ép họ làm theo công ty.

Nhưng bây giờ, với tâm thiện, mình biết thực sự lắng nghe, chia sẻ với họ giống như chị em, cùng với họ giải quyết bài toán phát triển đúng đường hướng mà công ty mong đợi, mà vẫn phù hợp với khát vọng của họ. Với cách thức lắng nghe chân tình, họ bắt đầu thay đổi. Hai định hướng, quyền lợi gặp nhau, họ hết sức phục mình để phục vụ cho mục tiêu chung.

Với những lãnh đạo trẻ, làm thế nào để có đủ kiên nhẫn, thực sự lắng nghe, để nhân viên chia sẻ thực, hiểu được cái bên trong thực sự?

Thanh Hương thổ lộ: “Ngày xưa tôi không biết lắng nghe thực sự, họ đang nói với mình mà trong đầu cứ nghĩ ngày mai phải làm gì, nên nhiều lúc bỏ mất những ý mà người ta muốn chia sẻ. Một người bận rộn là hay nghĩ vậy lắm, không biết dừng lại để lắng nghe. Thiền giúp mình trở lại với thực tại. Mỗi lần nói chuyện với nhân viên biết đặt hết ánh mắt, con tim, nhịp thở, lắng nghe bằng tất cả các giác quan.

Bằng sự chân thành, mình phải là người bắt đầu “mở” ra với từng nhân viên, chủ động coi họ như người thân, kể cho họ những khó khăn mà mình đang gặp phải. Từ đó người ta sẽ thành thật khi chia sẻ với mình.

Làm thế nào để một lãnh đạo kế thừa có thể phát huy được năng lực khi đội ngũ đã quen với văn hóa cũ, không chịu hợp tác, tạo sức ỳ quá lớn?

Bà Hương cho rằng văn hóa doanh nghiệp sẽ thay đổi theo thời gian. Người sáng lập có thể tạo nên văn hóa tự do, nhưng khi cần chuyển mình, văn hóa chắc chắn sẽ thay đổi. Để làm được không chỉ một mình CEO, mà phải là cả đội ngũ quản lý. Muốn thay đổi trước hết phải hiểu cái gì đang vận hành.

Trước mắt, với vai trò lãnh đạo, khi có nhiều người chưa đi cùng, phải hiểu văn hóa, tầm nhìn sắp tới là gì, và phải chia sẻ với tất cả mọi người. Vì khi họ không hiểu, rất sợ ảnh hưởng quyền lợi. Khi người kế thừa có chiến lược cụ thể, rõ ràng, và truyền thông đến tất cả, và sát cánh cùng họ thì họ mới đồng lòng đi đến mục tiêu.



Nguồn: The Leader

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin