Loài Người Ứng Xử Với Ðất Mẹ Như Thể Không Phải Của Mình!
Trên ảnh bìa của tạp chí Time tháng 6/2019 là hình ảnh Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, đứng ngoài bờ biển của quốc đảo Tuvalu, giữa những lớp sóng của Thái Bình Dương đang lấn vào đất liền.
Tuvalu, Fiji, Kiribati, quần đảo Cook, quần đảo Marshall… là những quốc đảo sẽ bị nhấn chìm bởi mực nước biển dâng trong tương lai gần. Chính quyền Tuvalu và Fiji hiện đang đàm phán với nhau để di chuyển dân số qua lại nếu ai bị chìm trước.
Họ đều hiểu số phận chắc chắn của mình, vì chính quyền Donald Trump vẫn cố chấp không chấp nhận sự thật về biến đổi khí hậu, Liên minh Châu Âu chỉ quan tâm đến vụ Brexit của Anh, Canada tiếp tục xây dựng đường ống dẫn dầu ở bờ biển phía Tây, Australia tiếp tục chính sách năng lượng bẩn bằng nhiệt điện than đá, còn Trung Quốc chỉ cố đẩy lượng phát thải của mình ra nước ngoài, và tìm mọi cách để tăng trưởng kinh tế trước cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ. Mọi cường quốc công nghiệp đều viện cớ để phớt lờ và tiếp tục tăng trưởng nền kinh tế của mình.
Trong khi đó, những nước bé nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất đều sẵn lòng cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của mình. Quần đảo Marshall cam kết sẽ cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030, Fiji tuyên bố sẽ xóa hết 100% khí thải vào năm 2050, còn quần đảo Cook sẽ chuyển sang dùng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2020.
Vâng, họ ngây thơ không hiểu rằng, cả Mỹ, Canada, Tây Âu, Trung Quốc, Nga, Nhật, Ấn Độ đều là những gã khổng lồ bị nghiện nặng dầu mỏ. Bọn chúng sẽ không bao giờ từ bỏ thứ năng lượng rẻ và dễ tìm được ấy để làm giàu. Chúng sẽ không dễ cắt cơn nghiện. Mực nước biển dâng đối với các đế quốc công nghiệp này chẳng qua chỉ là những cơn sóng ập vào bờ. Chúng sẽ dùng tiền kiếm được từ dầu mỏ để xây đập chắn sóng, nâng độ cao bờ biển, hoặc cùng lắm là lùi vào sâu trong đất liền. Chẳng ai quan tâm đến số phận của những quốc đảo đâu.
Tuy nhiên, ông trời luôn có mắt.
Osaka của Nhật Bản chỉ cách mặt nước biển vài cm. Bờ Đông của Australia đang khát nước vì các cơn hạn bà chằng. Hơn 500 cơn lốc xoáy tornado đã và sẽ càn quét miền Trung Tây nước Mỹ. Lũ lụt nhấn chìm Ottawa (Canada). Sốc nhiệt giết chết vài trăm người tại Châu Âu. Chennai của Ấn Độ đối mặt với Day Zero về nguồn nước.
Loài người cứ ứng xử như thể đó không phải là chuyện của họ, ngồi đó và nhìn các đảo quốc trên Thái Bình Dương chìm dần, nhưng ai biết kẻ tiếp theo bị khí hậu và thiên nhiên đánh sập sẽ là chính mình?
Nguồn tham khảo:
https://time.com/longform/sinking-islands-climate-change/
https://www.nationalgeographic.com/…/rising-seas-force-mar…/
https://www.telegraph.co.uk/…/Entire-nation-of-Kiribati-to-…
https://www.theguardian.com/…/one-day-disappear-tuvalu-sink…