menu

NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT NAM TRONG DÒNG SINH MỆNH CỦA DÂN TỘC

View: 1101 -     Nguyễn văn Thái       7/08/2019 10:08:45 pm
NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT NAM TRONG DÒNG SINH MỆNH CỦA DÂN TỘC
NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT NAM TRONG DÒNG SINH MỆNH CỦA DÂN TỘC

Bài Một 

Giáo Dục Con Gái

NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT NAM TRONG DÒNG SINH MỆNH CỦA DÂN TỘC


Trong bất cứ xã hội nào, cha mẹ cũng đặt nặng vấn đề giáo dục con cái về cách hành sử dựa trên những phạm trù luân lý mà họ cho là những giá trị đáng trân quý và gìn giữ. Những phương thức giáo dục có thể khác nhau, nhưng mục đích đều nhắm điều hướng con em có một lối sống đúng theo những phạm trù luân lý đó. Trong các xã hội tây phương thì những phạm trù này phát xuất từ những giá trị Thiên Chúa giáo và Do Thái giáo. Trong xã hội Việt Nam thì những phạm trù này phần lớn phát xuất từ Nho giáo và Phật giáo. Giáo dục về lãnh vực đạo đức ở những xã hội tây phương thường thuộc trách nhiệm của các nhà thờ Thiên Chúa giáo, các giáo đường Do Thái giáo, và các buổi cơm hay sinh hoạt gia đình. Giáo dục về lãnh vực tri thức hàn lâm, khoa học thuộc trách nhiệm của học đường. Trách nhiệm về hai lãnh vực này, theo luật pháp nói chung, không được xen lấn vào nhau. Trong xã hội Việt Nam, mãi cho đến đầu thế kỷ XX, công việc giáo dục không phân biệt, tách rời hai lãnh vực đạo đức và kiến thức hàn lâm, khoa học mà bao gồm cả hai lãnh vực đức dục và trí dục. Thầy giáo dạy cả đạo đức lẫn những kiến thức hàn lâm như văn chương, triết lý, sử học, quản trị hành chánh, toán học cần thiết cho những người sẽ ra đảm trách công việc lãnh đạo. “Tiên học lễ, hậu học văn”. Do đó, khi nói đến một người có học, người Việt thường hiểu là người đó có kiến thức hàn lâm và đồng thời cũng có đức hạnh gương mẫu. Quan niệm này có từ ngàn xưa và vẫn còn duy trì một ấn tượng đậm nét trong tâm lý người Việt mặc dù trong hoàn cảnh hiện nay một người có học vị cao không khẩn thiết là một người có đạo đức. Trách nhiệm giáo dục này, cho đến đầu thế kỷ XX, phần lớn do những thầy đồ đảm trách trong tư cách những thầy giáo dạy học tại tư gia. Thầy đồ là những sĩ tử trượt thi, hay thi đỗ làm quan nhưng đã hưu trí, về làm thầy giáo, hay là những người thi đỗ nhưng không muốn làm quan mà chỉ muốn dạy học. Những thầy đồ này hiện diện tại các thủ phủ, các thành phố cũng như tại các làng mạc, trong những gia đình quan lại hay những gia đình tư sản khoa bảng. Về phương diện đạo đức thì, trong các gia đình khoa bảng ở những nơi thị tứ, con cháu thấm nhuần triết lý đạo đức của Nho giáo chính thống hơn là ở các làng mạc vì chịu sự giáo huấn trực tiếp và liên tục hằng ngày. Ở các làng thì chỉ có một số con em, con nhà tương đối khá giả, mới gởi con đến học tại nhà các thầy đồ. Do đó, sự hiểu biết những phạm trù luân lý của đại đa số quần chúng dân dã thường là gián tiếp qua sự truyền bá của các sĩ tử học được của thầy truyền lại. Việc ứng dụng những phạm trù này lại càng uyển chuyển, tuỳ theo tâm lý, sự hiểu biết và diễn dịch của người dân. Vì vậy, có sự khác biệt về ý nghĩa giữa những phạm trù luân lý Nho giáo chính thống và sự ứng dụng những phạm trù này trong đại đa số quần chúng.


Sự diễn dịch và ứng dụng này biểu hiện một khía cạnh của hệ thống giá trị trong văn hoá dân gian thường được phản ánh qua ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích và các loại hát, hò ở đồng quê. 


Nho giáo chính thống, trong việc giáo dục người con gái, đòi hỏi “tam tòng” và “tứ đức”. 


“Tam tòng” [三從] có nghĩa là ba điều phải theo. Khi còn nhỏ, người con gái có bổn phận phải phục vụ và vâng theo sự giáo huấn người cha. Khi lớn lên đi lấy chồng, phải nghe theo sự dạy bảo của chồng, phục vụ và tuân phục chồng và đại gia đình chồng thường bao gồm cả ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì. Khi chồng mất thì phải theo và phục vụ người con trai trưởng.


Tại gia tòng phụ,

Xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử.

Tam tòng sách hãy còn ghi,

Bé theo cha mẹ, lớn thì theo anh: 

Thuyền theo lái, gái theo chồng.


Theo cha rồi lại theo chồng,

Khi chồng trăm tuổi, dốc lòng theo con.


“Tứ đức” [四德] có nghĩa là bốn phẩm hạnh tốt mà người con gái phải có. Bốn phẩm hạnh này là công, dung, ngôn, hạnh. “Công” là những việc nội trợ như may vá, thêu thùa, lo việc bếp núc, nhà cửa cho vén khéo, sạch sẽ, cung phụng và phục vụ chồng và gia nương nhà chồng. “Dung” là trang điểm và cách ăn mặc. Người con gái không nên trang điểm quá đáng, ăn mặc phải trang nhã, kín đáo. “Ngôn” là nói năng phải dịu dàng, khiêm tốn, thưa trình đúng theo lễ nghi trên dưới. “Hạnh” là đức tính nói chung, có nghĩa là hành vi cử chỉ phải thuỳ mị, từ tốn, đoan trang, nhất là không vồn vả, lả lơi với con trai; và điều quan trọng nhất trong ý nghĩa chữ “hạnh” là sự trinh tiết của người con gái.


Tam tòng


“Tam tòng”, “tứ đức” là những từ ngữ nằm lòng của đại đa số gia đình Việt Nam.


Theo cha rồi lại theo chồng,

Khi chồng trăm tuổi, dốc lòng theo con.

Tam tòng đạo ấy vuông tròn,

Thì câu tứ đức ai còn nghĩ suy.

Công, dung, ngôn, hạnh nữ nhi,

Phận em là gái, em thì phải theo.


Theo chồng [tòng phu] trong ý nghĩa của Nho giáo chính thống mang nặng ý niệm tuân phục theo sự dạy bảo của chồng, phục vụ chồng và gia đình chồng.


Dạy con từ thuở còn thơ,

Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về.


Sự đòi hỏi tuân phục của người vợ đối với chồng còn được biểu lộ qua những câu như:


Con ông Đô Đốc quận công,

Lấy nó làm chồng phải gọi bằng anh.


Con vua lấy thằng bán than,

Nó đem lên ngàn cũng phải đi theo.

Con quan Đô Đốc, đô đoài,

Lấy thằng thuyền chài cũng phải luỵ mui.


Mặc dầu biểu lộ sự lệ thuộc của người đàn bà đối với người đàn ông, những câu ca dao này đồng thời cũng minh chứng mặt trái của vấn đề: đó là sự đối kháng chống lại vai trò thống trị của người đàn ông trong liên hệ vợ chồng. Dùng từ “nó” và “thằng” để gọi chồng nói lên một sự chua chát, đắng cay; hay là bày tỏ một sự khinh miệt chứ không thể phản ánh sự tuân phục của người đàn bà đối với người đàn ông được. 


Sự diễn dịch của người dân dã, nhất là của người đàn bà, về ý nghĩa của từ “theo” không biểu hiện ý niệm dạy bảo và tuân phục mà chỉ biểu hiện một diễn trình phát triển sinh lý tự nhiên của người con gái khi lớn lên thì đi lấy chồng.


Bé theo cha mẹ, lớn thì theo anh: 

Thuyền theo lái, gái theo chồng.


Câu ca dao này chỉ nói là khi còn nhỏ thì ở với cha mẹ, không phải chỉ ở với cha và tuân phục cha; khi lớn lên thì lấy chồng và ở với chồng. Đây là một hiện tượng tự nhiên như “thuyền theo lái.” Và đi lấy chồng là:


Đẹp duyên chồng vợ, đẹp lòng mẹ cha. 

Nghi thất, nghi gia,

Trăm năm kết tóc, giao hoà cùng nhau.


Ở đây ta không thấy ý niệm dạy bảo và tuân phục trong cách diễn dịch ý nghĩa của “tòng phu” mà chỉ thấy sự chú trọng vào tình nghĩa đậm đà của vợ chồng mà thôi.


Tuy nhiên, áp lực của xã hội trọng Nho, nhất là xã hội mà trong đó vai trò của người đàn ông là làm “ông chủ” thì người đàn ông vẫn cố áp đặt lên người đàn bà bổn phận phải phục vụ chồng, gia đình chồng, nghe lời chồng, và phụng dưỡng cha mẹ chồng.


Con hư bởi tại cha dong,

Vợ hư bởi tại thằng chồng cả nghe.

Con cuốc kêu khắc khoải mùa hè,

Làm thân con gái phải nghe lời chồng.

Sách có chữ : phu xướng, phụ tòng,

Làm thân con gái lấy chồng, xuất gia.

Lấy em về thờ kính mẹ cha,

Thờ cha, kính mẹ, ấy là người ngoan.


Mặc dù vậy, người đàn bà dân dã quan niệm vai trò của mình khác hẳn sự áp đặt này. Người đàn bà dân dã tự cho mình cái trách nhiệm là lấy chồng, đi theo chồng, nuôi con khôn lớn, và chính mình quản lý nguồn tài chánh của gia đình.

 

Ghe bầu trở lái về đông,

Làm thân con gái theo chồng, nuôi con.

Rương xe, chìa khoá em cầm,

Giang sơn em gánh, nợ nần em lo.


Anh về hái đậu trảy cà,

Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên.

Chợ lỡ phiên, tốn công thiệt của,

Miệng tiếng người cười rõ sao nên.

Lấy chồng phải gánh giang sơn,

Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì!


Có con phải khổ vì con,

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.


Đây rõ ràng là vai trò của một người chủ gia đình, chứ không phải vai trò của một người lệ thuộc vào người đàn ông, chỉ nghe lời dạy dỗ của chồng, vâng lời chồng, phục vụ chồng và phụng dưỡng cha mẹ và gia đình chồng.


Từ “theo” trong bối cảnh chính thống của nhà Nho, ngoài nghĩa đen là đi về nhà chồng, còn hàm ý vâng lời chồng, phục vụ chồng và cha mẹ của chồng. Trong bối cảnh văn hoá dân gian, từ “theo” nặng về nghĩa đen hơn:


Chữ rằng : “Chi tử vu quy”,

Làm thân con gái phải đi theo chồng.


Lấy chồng thì phải theo chồng,

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng đi.


Có chồng thì phải theo chồng,

Có vào hang rắn, hang rồng cũng theo.


Từ “theo” trong trường hợp này bao trùm một không gian chính yếu gồm có hai người, người vợ và người chồng. Chồng đi vào nơi nguy hiểm (hang rắn) hay chỗ quyền quý cao sang (hang rồng), vợ đều sẵn sàng đi theo. “Theo” cũng còn được người đàn bà dân dã diễn dịch là nghe theo, nhưng nghe theo không phải trong ý nghĩa vâng lời, tuân phục như kẻ tôi tớ mà nghe theo trong ý nghĩa thuận thảo vì tình yêu đôi lứa :


Phụ tuỳ phu xướng, ấy là lẽ thường,

Anh bảo sao, em nghe vậy, cho vẹn đường ái ân.


Do đó:


Em nay khăn khắn một lòng,

Muốn cho phu xướng phụ tòng cùng nhau. 

Lòng em như ý sở cầu.

Phân tách ngữ nghĩa cho ta thấy cụm từ “khăn khắn một lòng” và “cùng nhau” nói lên một quyết định thoả thuận của người đàn bà, một sự đồng tình tương nhượng chứ không phải một sự phục tòng mang tính lệ thuộc và hệ đẳng.


“Theo” có nghĩa là dù cuộc tình có sóng gió hay êm ả, người đàn bà cũng sẵn sàng chấp nhận.


Có chồng phải luỵ theo chồng,

Nắng mưa phải chịu, mặn nồng phải cam.


Có chồng thì phải theo chồng,

Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo.


Theo chồng là thể hiện tình yêu đôi lứa. Trong văn hoá dân gian, tình yêu lứa đôi là chủ điểm của ý nghĩa “tòng phu”. Người đàn bà độc lập, tự quyết định lấy tình yêu của mình và từ bỏ gia đình của cha mẹ, đi theo tiếng gọi của tình yêu, chứ không phải từ bỏ gia đình để trở thành một người con dâu lệ thuộc vào nhà chồng, phải tuân phục và phục vụ chồng và cha mẹ chồng như là những người chủ trong liên hệ chủ tớ.


Vai mang khăn gói theo chồng,

Mẹ kêu mặc mẹ, thương chồng phải theo.


Tay mang khăn gói sang sông,

Mẹ gọi mặc mẹ, theo chồng cứ theo. 


Nước biển non xanh,

Theo nhau cho trọn, tử sanh cũng đành.

Trời cao bể rộng mênh mông,

Ở sao cho trọn tâm tình phu thê.


Vai mang khăn gói theo chồng,

Mẹ kêu, con dạ; trở vào lạy mẹ cùng cha.

Xưa kia con ở nội gia,

Bây giờ con xuất giá tòng phu, nội gia tòng phụ.

Sách có chữ: “tam cang, thường ngũ,”

Ngoài bìa có chữ: “Phu phụ đạo đồng.”

Thương cha, nhớ mẹ; đạo thương chồng phải theo. 


Theo chồng [tòng phu] qua ứng dụng trong đời sống của người đàn bà dân dã còn mang ý nghĩa thuỷ chung:


Trăm năm giữ vẹn chữ tòng,

Sống sao, thác vậy, một lòng mà thôi.




Tứ Đức


Về phương diện “tứ đức” thì giáo dục chính thống của nhà Nho đòi hỏi


Phận gái tứ đức vẹn toàn,

Công, dung, ngôn, hạnh: giữ gìn chớ sai.


Đặc biệt về công việc thì người con gái phải nghe lời giáo huấn là:


Con ơi, muốn nên thân người,

Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha:

Gái thời giữ việc trong nhà,

Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa.


Hay là:


Con ơi, mẹ bảo con này,

Học buôn, học bán cho tày người ta.

Con đừng học thói chua ngoa,

Họ hàng ghét bỏ, người ta chê cười.

Dù no, dù đói cho tươi,

Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bề lo toan.


Đây là những đòi hỏi về công việc cũng như hành vi, cử chỉ thích hợp cho hoàn cảnh những người con gái trong các gia đình quan lại hay tư sản khoa bảng. Ngược lại, công việc của những người con gái đồng quê thường xoay quanh những lao tác đồng áng, người đàn bà cũng phải thức khuya, dậy sớm và lao động như người đàn ông nông dân. Liên hệ với giới sĩ tử không phải luôn luôn là một ước vọng của những cô gái miệt quê. Nông dân gần gũi nhau trong lao động cọng thêm những thực tế kinh tế làm cho người đàn bà dân dã có lúc cũng vượt ra khỏi thông lệ và ý thức là thực hiện ước mơ danh vọng bằng cách lấy một sĩ tử làm chồng có khi chỉ đem lại phiền não.


Một năm chia mười hai kỳ,

Thiếp ngồi thiếp tính khó gì chẳng ra.

Tháng giêng ăn tết ở nhà,

Tháng hai rỗi rãi quay ra nuôi tằm.

Tháng ba đi bán vải thâm,

Tháng tư đi gặt, tháng năm trở về.

Tháng sáu em đi buôn bè,

Tháng bảy, tháng tám trở về đong ngô.

Chín, mười cắt rạ đồng mùa, 

Một chạp vớ được anh đồ dài lưng.

Anh ăn, rồi anh lại nằm,

Làm cho thiếp phải quanh năm lo phiền.

Chẳng thà lấy chú lực điền,

Gạo bồ, thóc giống còn phiền nổi chi.

Trên thực tế, trong lãnh vực công việc, hầu như có một sự thoả thuận, tương nhượng rõ nét giữa vợ và chồng ở thôn quê. Sự thoả thuận, tương nhượng này được biểu lộ qua tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải trong tư cách người chồng dạy dỗ và sai bảo người vợ như kẻ “hầu” người “hạ”.


Anh thời chẻ nứa đan sàng,

Còn lưng bát cháo em đang để dành,

Em đi tỉa cải nấu canh,

Em rang đỗ nành, em hái tầm tơi.

Ba thứ rau, em nấu ba mùi,

Em đơm năm bát, em mời chàng ăn.

 

Nhà anh chỉ có một gian,

Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.

Anh cậy em săn sóc trăm đường,

Để anh buôn bán trảy chương thông hành. 

Còn chút mẹ già nuôi lấy cho anh,

Để anh buôn bán thông hành đường xa.

Liệu mà thờ kính mẹ già,

Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.

Dù no, dù đói cho tươi,

Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.

Cho anh đành dạ bán buôn. 


Những giáo huấn về công, dung, ngôn, hạnh của Nho giáo chính thống phần lớn không phù hợp với bối cảnh của những người con gái ở thôn quê. Về công việc thì người đàn bà dân dã ít khi gần gũi với may vá, thêu thùa vì hầu hết thời gian đều được đầu tư vào lao động đồng áng. Về trang điểm và cách ăn mặc thì người đàn bà dân quê hầu như không bao giờ trang điểm vì thì giờ đâu mà trang điểm. Ăn mặc thì chỉ vài bộ áo quần đơn giản suốt cả năm, thường là màu nâu hay đen, không có chuyện


Cá lên khỏi nước cá khô,

Làm thân con gái loã lồ ai khen.


Cho nên lời răn dạy không nên trang điểm quá đáng hay ăn mặc phải kín đáo không phù hợp với khung cảnh thôn quê. Về cách nói năng, lời lẽ thì người dân quê có những ngôn từ trao đổi bình dị, tự nhiên mang tính khá bình đẳng giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng. Người đàn bà ở thôn quê không có thói thuỳ mị, e dè, “gọi dạ, bảo vâng” như những cô gái ở thành thị trong các gia đìnhh quan lại hay tư sản khoa bảng. 


Về nết na, đức hạnh của người con gái, Nho giáo đặt trọng tâm vào ba điểm chính yếu: (1) không gần gũi với con trai, (2) không vồn vã, lả lơi với con trai, và (3) gìn giữ trinh tiết. 


Tìm hiểu cách phản ứng của người đàn bà ở miền quê về những điểm này qua văn chương bình dân, người ta thấy có sự đồng ý trong tư tưởng cũng như trong ứng dụng vào đời sống hằng ngày.


  1. Giữ quãng cách giữa trai và gái

Làm trai như anh, giữ mưu giữ kế,

Làm gái như em, giữ thế giữ thần.

Miệng thế gian sắc tự gươm thần,

Em thương anh không dám lại gần một bên.


Miếng trầu của đáng là bao,

Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.

Thưa rằng: bác mẹ em răn,

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.


Ra đi mẹ có dặn rằng:

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.


Sáng ngày tôi đi hái dâu,

Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn.

Hai anh đứng dậy hỏi han,

Hỏi rằng: “Cô ấy vội vàng đi đâu?”

Thưa rằng: “Tôi đi hái dâu.”

Hai anh mở túi đưa trầu cho ăn.

Thưa rằng: “Bác mẹ tôi răn:

“Làm thân con gái chớ ăn trầu người”.”


Miếng trầu ăn nặng bằng chì,

Ăn rồi, em biết lấy gì đền ơn.


Ra đường chẳng dám chào nhau,

Con mắt liếc thấy, dạ đau quằn quằn.

Về nhà cơm chẳng muốn ăn,

Chân chẳng muốn bước vì chưng nhớ người.


Yêu nhau cau hết nửa nương,

Trầu hết nửa bãi mà cũng chưa tường mặt nhau.


Thương nhau cau hết nửa vườn,

Trầu hết nửa chợ chưa tường mặt nhau.


Cửa song loan im ỉm còn gài,

Mưa sa gió tạt, tạt ngoài mái hiên.



Bông ba thơm mọc cạnh thờ li,

Anh có thương thì tới, em đi tìm thì không.


Chim khôn chưa bắt đã bay,

Gái khôn chưa bớ đến tay đã hờn.


Hai anh đi hai bên đường,

Thấy em đi giữa, hỏi nường đi đâu?

Thưa rằng: Em đi hái dâu,

Hai anh lại giở khăn trầu mời ăn.

Em là con gái thanh tân,

Đường này vắng vẻ, không ăn trầu người.

Hai anh mỉm miệng liền cười,

_Con nhà có ý nghe lời mẹ cha.

Trầu ta lại bỏ túi ta,

Không ăn đùm lại, kẻo mà héo đi.


Trai gái chỉ được gần nhau khi đã thành vợ thành chồng:


Rau muống bắt cuống rau răm,

Làm chi đến nỗi chàng cầm cổ tay.

Xin chàng hãy bỏ tay ra,

Đến mai về cửa về nhà sẽ hay.

Chàng đừng cầm lấy cổ tay,

Khi xưa cành mận khi nay cành đào.


_Châu Trần phải nợ,

Nhưng em còn sợ lịnh mẹ cha.

Thương thầm nhớ trộm đôi ta,

Mẹ cha hay đặng, ắt là khổ em.

_Thương nhau cách mấy,

Đừng cho thiên hạ thấy, họ nói bậy bạ xấu xa.

Để anh về thưa thiệt mẹ cha,

Lo toan sáu lễ đem qua cho rồi.


Ới anh ơi! Anh có xa thì xa cho mất,

Anh có lại gần thì cho thành thất thành gia.

Em khuyên anh đừng lại lại qua qua,

Một mai kia thầy mẹ biết đặng, đánh la tụi mình.


Cửa song loan anh khoan mở đã,

Thầy mẹ ở nhà cẩn khoá niêm phong.

Anh chớ mê ba [hoa] đắm nguyệt trong lòng,

Một mai e lỗi đạo vợ chồng, anh ơi!



Cửa song loan sớm mở tối gài,

Mình đứng trong than thở, tôi đứng ngoài thở than.


Đêm qua anh nằm nhà ngoài,

Để em thở ngắn, than dài nhà trong.

Ước gì anh được vô phòng,

Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan.


Đêm nằm thổn thức vào ra,

Chờ cha mẹ ngủ, lần qua thăm mình.

Tôi than hết sức, tôi dứt hết tình,

Thiếu điều cắt ruột trao cho mình, mình ôi!


  1. Không vồn vã, lả lơi với con trai 

Con gái cửa gài then đóng.


Nam nữ thụ thụ bất thân.


Nam đáo nữ phòng, nam tắc loạn,

Nữ đáo nam phòng, nữ tắc dâm.


Lửa gần rơm không cháy cũng tròm trèm,

Mèo không ăn vụng, đi đêm làm gì?


Con gái chơi với con trai,

Về sau hai vú bằng hai sọ dừa.


        Gái đừng hay đến nhà trai,

        Mai sau hai vú bằng hai sọ dừa.


Anh có thương em thì đừng có luân con mắt,

Đừng có quẹt ngón tay,

Người ta đông như hội, ngó ngay mà nhìn.

Miếng trầu, miếng thuốc, em không xin,

Thuốc anh, anh hút, đừng đưa em, đừng mời.

Miệng thế gian họ đồn lắm anh ơi!

Giả lơ, làm lãng như hồi chưa quen.


Cá lí ngư sầu tư biếng lội,

Chim phụng hoàng vì cội, biếng bay.

Anh thương em đừng vội nắm tay,

Miệng thế gian ngôn dực, phụ mẫu hay rầy rà.

Nếu mà thương bữa lại qua,

Thấu tai phụ mẫu đôi ta chia lìa.

Anh với em như khoá với chìa,

Như chìa với khoá không lìa mới hay.

Nếu để mà cha mẹ em hay,

Thì nghĩa nhân hai đứa phải càng ngày ắt xa.


Ngọn gió thổi qua, lá đào rơi rụng,

Đôi ta không phải vợ chồng, chung đụng nhau chi!


Chợ nào chợ chẳng có quà,

Người nào chả biết một vài bốn câu.

Ở đây đất đỏ như nâu,

Sao cô không hát vài câu huê tình?

Hỏi cô, cô cứ làm thinh,

Để ta hát mãi một mình sao đang!

_Giã ơn quân tử nghìn vàng,

Buông ra cho khách hồng nhan được nhờ.

Cớ gì mà nắm giữa đường,

Nợ chàng không nợ, vay chàng không vay.

Em van, chớ nắm cổ tay,

Buông ra, em nói lời này thở than.

Xin chàng chớ vội nắm ngang,

Xa xôi cách mấy dặm đàng cũng nên.

Tơ hồng chỉ thắm là duyên,

Bao giờ em thuận thì nên bấy giờ.


Anh như Đại Thánh trên mây,

Em đây nhỏ bé như tay Phật Bà,

Xin anh bỏ tay em ra,

Rồi mai em sẽ đi qua chốn này.

Nếu anh còn giữ lấy tay,

Rồi mai em biết chốn này là đâu.


Thương nhau thì biết ý nhau,

Miếng trầu, miếng thuốc, miếng cau, bạn bè.

Thương nhau chớ vội ngồi kề,

Phụ mẫu hay được khó bề tới lui.


Đèn hết dầu, đèn tắt,

Hoa rữa nhuỵ, hết thơm.

Em biểu anh đừng có lên xuống đêm hôm,

Thế gian đàm tiếu, tiếng đồn tội em.


  1. Trinh Tiết

Không những chỉ con gái trong các gia đình quan lại hay tư sản khoa bảng đặt nặng vấn đề trinh tiết mà người đàn bà dân dã cũng coi trọng trinh tiết. Đây là một vấn đề thuộc bối cảnh văn hoá Nho giáo nói chung, đồng thời cũng là một vấn đề thực tế kinh tế, xã hội và đời sống gia đình ở thôn quê. Người đàn bà không còn trinh tiết rất khó lấy chồng vì xã hội đàm tiếu, chê bai, khinh miệt và con trai thường không muốn lấy vợ không còn trong trắng. Hơn nữa, một khi đã có con mà không có chồng thì, ngoài việc bị xã hội khinh miệt, tương lai chồng con đen tối, người đàn bà dân dã còn gặp khó khăn về tài chánh. Người đàn bà phải ở nhà trông nom, chăm sóc con cho nên không thể đi làm để có lợi tức được. Vì vậy xã hội nông thôn


  1. Trân quý trinh tiết của người con gái

Gái thời trinh trỉnh lòng son,

Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.

Trai lành gái tốt ra người,

Khuyên con trong bấy nhiều lời cho chuyên.


Nam thì mộ trinh tiết, gái thì mộ tài lương.

Đôi ta nay trọng đạo cang thường.

Bớ em ơi!

Khuyên em giữ nết cho bường [bằng] Mạnh-Quang.


Muốn cho chim Phụng gặp Hoàng.

Em ơi!

Tiết trinh được vẹn, đâu màng thấp cao.


Đó thương đây đừng cho ai biết,

Rủi mai xa rồi, danh tiết còn thơm.


Những người hiếu đễ, trung trinh,

Vẻ vang tiên tổ, thơm danh họ hàng.


Hoa thơm ai chẳng nâng niu,

Người khôn ai chẳng kính yêu mọi bề.


Hoa thơm ai chẳng nâng niu,

Người khôn ai chẳng chắt chiu bên mình.

 

Hoa thơm ai chẳng muốn đeo,

Người khôn ai chẳng nâng niu bên mình.


Hoa thơm ai nở bỏ rơi,

Người khôn ai nở nặng lời đến ai.


Hoa thơm, thơm nức cả rừng,

Ong chưa dám đậu, bướm đừng xôn xao.


_Hằng ngày kinh sử dùi mài,

Anh biết chăng ngàn vàng dẫu có, khó nài chữ trinh.

_Phận anh quân tử bất quý ngàn vàng,

Chữ trinh em giữ, anh chẳng màng vàng cân.


  1. Khinh miệt những người con gái không trinh tiết

Giăng xưa đã khuyết mấy lần,

Phẩm tiên trong giá, trắng ngần còn chăng?


Hoa mất nhuỵ lấy gì làm thơm.


Hoa thơm mất nhị đi rồi,

Còn thơm đâu nữa mà người ước ao.


Hoa thơm mất nhị đi rồi,

Dù rằng trang điểm cũng người vô duyên.


Ra đường thấy cánh hoa rơi,

Hai chân dậm xuống, chẳng chơi hoa thừa.


Nghĩ xa thôi lại nghĩ gần,

Làm thân con nhện, mấy lần vương tơ.

Chắc đâu trong đục mà chờ,

Hoa thơm mất tuyết, nương nhờ vào đâu?


Trống treo ai dám đánh thùng,

Bậu không, ai dám giở mùng chun vô.


Trèo lên cây mít, ít múi nhiều xơ,

Con gái lẳng lơ, trai tơ bậy bạ.

Con gái nhu mì, trai đã dám đâu.


Chửa hoang ba làng cũng biết.


Gái chửa hoang, các vàng không lấy.


Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng,

Chữ đề tên bậu không chồng có con.


  1. Do đó, người con gái thấy cần phải lo gìn giữ trinh tiết

Chữ trinh đáng giá ngàn vàng.


Con gái, cửa cài then đóng.


Gái thì giữ lấy chữ trinh,

Siêng năng, chín chắn, Trời dành phúc cho.

_Phàm là thân nữ nhi,

Phải trọng chữ tiết trinh. 

Ngày nay gặp gỡ thình lình,

Lẽ nào em trao hết tâm tình cho anh?

_Anh chẳng phải như phường trăng gió, chặn ngõ, đón truông,

Bao giờ anh cũng giữ cang thường.

Miễn em ừ một tiếng, anh sẽ lạy song đường cưới em.

_Lời anh đã hứa, ngàn bữa em không quên,

Thương nhau cho chặt cho bền,

Từ đây em đốt nén hương nguyền chờ anh.


Mặc ai ép nghĩa, nài tình,

Phận mình là gái, chữ trinh làm đầu.


Trồng tre để ngọn cheo leo,

Có thương đứng dưới, đừng leo tre oằn.


Lều tranh an phận khó,

Nhà bạc bỏ duyên mình.

Nghèo hèn gìn giữ tiết trinh,

Bao giờ gặp gỡ duyên tình sẽ hay.


Thương thời dựa vế, kề lưng

Việc ấy xin đừng, để trọng về sau.


Mẫu đơn nở cạnh nhà thờ,

Đôi ta trinh tiết đợi chờ lấy nhau.


Lược Kết


Nho giáo đề cao “tam tòng” và “tứ đức” như những kim chỉ nam luân lý cho việc giáo dục người con gái. Những phạm trù luân lý này đã biến thành công ước xã hội mà người Việt đã từng tuân theo suốt mấy ngàn năm lịch sử. Ở các thủ phủ và những thành phố thì ảnh hưởng của Nho giáo rất mạnh, nhất là trong các gia đình quan lại hoặc tư sản khoa bảng, và ảnh hưởng này mang tính chính thống. Ở thôn quê, nơi mà dân số chiếm khoảng từ 80% đến 90% dân số toàn quốc, vì những phạm trù luân lý này được truyền bá một cách gián tiếp và không liên tục nên tính chính thống đã được làm loãng đi và chịu sự diễn dịch và ứng dụng dựa trên tâm lý, sự hiểu biết, và đời sống thực tế của người dân nông thôn. 


“Tam tòng” không còn có nghĩa chính thống là người con gái, khi còn nhỏ, có bổn phận phải tuyệt đối vâng lời dạy bảo của cha và phục vụ cha, khi lớn lên đi lấy chồng thì phải vâng lời dạy bảo của chồng và phục vụ chồng và gia đình chồng, khi chồng mất thì phải đi theo và sống với người con trai trưởng. Người đàn bà nông thôn chỉ sống với cha mẹ khi còn nhỏ. Khi lớn lên thì đi lấy chồng như là một tiến trình tự nhiên của cuộc sống con người. “Tòng” đối với người đàn bà dân dã trong bối cảnh văn hoá nông thôn mang những ý nghĩa chính yếu như sau:


  1. Lớn lên thì đi lấy chồng theo tiến trình tự nhiên của đời sống con người; 
  2. Chồng đi đâu thì vợ theo đó dù là nơi nguy hiểm hay chỗ cao sang quyền quý;
  3. Đồng lao cộng khổ, giàu nghèo cùng chung nhau chấp nhận số phận;
  4. Quản lý tài chánh gia đình;
  5. Tương quan công việc giữa vợ chồng được dựa trên sự hoà thuận, thoả hiệp, tương nhượng và tôn trọng lẫn nhau;
  6. Thương yêu nhau trong một không gian gồm hai nhân vật chính, vợ và chồng, nếu có cha mẹ thì hai vợ chồng cùng chung sức phụng dưỡng;
  7. Thuỷ chung.

Sự diễn dịch này mặc dù không phải là một hình thức đối kháng chính thức cố ý chống lại Nho giáo; tuy nhiên, đó là việc ứng dụng hợp lý trong cuộc sống thực tế ở nông thôn. Sự diễn dịch và ứng dụng này gạt bỏ được tính giáo điều khô khan đặt nặng bổn phận mang tính áp đặt của Nho giáo, đồng thời đem lại sự bình đẳng và phong phú nhân bản của tình yêu.


Về “tứ đức” thì những lời giao huấn của Nho giáo chính thống phần lớn không thích hợp với cuộc sống bình dị của người dân dã ở nông thôn. Nhưng quan niệm “trinh tiết” được người đàn bà thôn quê đặc biệt xem trọng. Lý do là vì (1) xã hội Nho giáo nói chung chê bai, bài bác, khinh miệt, không chấp nhận người con gái không trinh tiết, (2) con trai thường không lấy vợ không còn trong trắng, và (3) có con mà không có chồng là một gánh nặng kinh tế mà, một thân một mình, người đàn bà không thể đảm đang nỗi.


Ý nghĩa của chữ “tòng” như được ứng dụng trong bối cảnh văn hoá bình dân là một thành tố quan trọng trong hệ thống giá trị của dân tộc, là một nét son đáng trân quý và trân trọng. “Tứ đức” là một lãnh vực đòi hỏi phân tích sâu rộng hơn, nhất là với sự du nhập văn hoá tây phương bắt đầu từ thế kỳ XVII qua các giáo sĩ và, chính thức hơn, qua làn sóng viễn chinh từ phương tây bắt đầu ồ ạt từ đầu thế kỷ XX với những quan niệm mới về tự do và bình đẳng cũng như những giá trị của tiện nghi vật chất. Chủ đề này cần một bài tham luận riêng rẽ khác mà người viết bài này hy vọng sẽ cống hiến quý độc giả trong tương lai.


Nguyễn văn Thái, Ph.D.

Philadelphia, ngày 30 tháng 7 năm 2019























Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin