menu

Ông Bụt là ai?

View: 2203 -     Vương Trung Hiếu       18/06/2020 03:06:22 pm
Ông Bụt là ai?
Ông Bụt là ai?
Từ thế kỷ thứ 13 vua Trần Nhân Tông đã viết: Thờ phụng bụt trời, Đêm ngày hương hoả, Tụng kinh niệm bụt (trích bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca). Trong ca dao, tục ngữ Việt Nam cũng không hiếm những câu nói về ông Bụt: Chùa làng hai mõ bốn chuông, Có ba tượng Bụt, có ông thần già; Muốn tu chùa ngói Bụt vàng, Chùa tranh bụt đất quanh làng thiếu chi; Bụt chùa Già, ma chùa Dọc hay Bụt không ăn mày ma ...

Vậy, ông Bụt là ai?

Từ lâu, trong cổ tích, người ta thường xây dựng hình tượng Bụt là một ông già râu tóc bạc phơ, tay cầm gậy hoặc phất trần và mặc định đó là một vị tiên. Đây là quan niệm sai lầm, bởi vì chắc chắn rằng Bụt chính là Phật. Bây giờ chúng ta tìm hiểu về vấn đề này.

+ Phật: Trong chữ Nôm, có 2 từ phật đều mượn từ Hán ngữ, đó là 佛 (âm Hán Việt: phật) và 髴 (âm Hán Việt: phất), ở đây chúng ta phân tích chữ đáng chú ý nhất: phật 佛 trong Hán ngữ.

Người ta không tìm thấy chữ phật 佛 trong Giáp cốt văn, ngay cả trong Tần Hán kim văn (221 tr.CN - 219 s.CN) cũng vẫn chưa có chữ này. Về sau, chữ phật 佛 mới được ghi nhận trong hệ thống Lục thư với 2 cách viết theo lối tiểu triện là và , còn trong Thuyết văn giải tự thì có 1 chữ là .

Trong Hán ngữ chữ phật 佛 có cấu tạo theo lối hình thanh, kết hợp giữa chữ nhân 亻(biểu ý) và phất 弗 (biểu âm). Theo Đường vận, vận hội và chính vận thì chữ 佛 có thiết âm là phù vật 符勿 nên khi chuyển sang từ Hán Việt sẽ được đọc là phật (vì phù + vật = phật).

Trong Hán ngữ cổ, chữ 佛 được viết là 仏 (cũng đọc là phật). Một số học giả cho rằng phật 佛 là chữ viết rút gọn từ Bột Đà 勃 陀 hay phật đà 佛陀 – những chữ phiên âm từ chữ बुद्ध (buddha) trong tiếng Sanskrit. Theo chúng tôi, đây là nhận định không chuẩn xác, bởi vì Bột Đà 勃 陀 và Phật Đà 佛陀 chỉ là những chữ phiên âm từ chữ buddha, tức dựa vào cách phiên âm của chữ बुद्ध sang tiếng Latin hoặc tiếng Anh, trong khi đó phật 佛 là 1 từ độc lập, chỉ có thể phiên âm trực tiếp từ chữ बुद्ध mà thôi.

Chúng ta biết rằng chữ बुद्ध đọc theo tiếng Sanskrit là buddh (âm bud + âm bật hơi dh). Như vậy, âm được nghe rõ là bud, và đây chính là âm “tiền thân” của từ phật 佛.

Phật 佛 là từ mà giáo sư Edwin G. Pulleyblank (Canada), một chuyên gia về âm vị học Trung Quốc đã phục dựng âm trung cổ sơ kỳ là but, về sau but biến thành fɦjyt rồi trở thành fɦut trong giai đoạn âm trung cổ hậu kỳ (1). Như vậy, xin nhắc lại, chữ 佛 là 1 từ độc lập, chỉ có thể phiên trực tiếp từ chữ बुद्ध trong tiếng Sanskrit chứ không phải phiên từ chữ buddha để trở thành Bột Đà 勃 陀 hay Phật Đà 佛陀.

+ Bụt: Trong chữ Nôm, từ bụt có 2 cách viết là 侼 (bột) và 孛 (bột), đều mượn từ Hán ngữ để tạo thành chữ bụt (không mượn nghĩa). Chữ bụt có liên quan mật thiết với cách phát âm chữ Phật 佛 trước thời nhà Đường. Theo thượng cổ âm hệ của Trung Quốc, chữ phật 佛 được tạo dựng âm mô phỏng là bɯd. Một số nhà ngôn ngữ học cũng đã phục dựng âm cổ của phật 佛, trông khá giống âm bɯd. Thí dụ: , bʱi̯uət (Cao Bổn Hán 高本漢), bĭuət (Vương Lực 王力), biuət (Lý Vinh 李榮 và Thiệu Vinh Phân 邵榮芬), bɨut (Trịnh Trương Thượng Phương 鄭張尚芳), biut (Phan Ngộ Vân 潘悟雲), but (Bồ Lập Bổn 蒲立本). Ngoài ra, cũng cần kể đến cách phát âm chữ phật 佛 từ âm cổ của tiếng La Mã là byot và biut. Chúng ta thấy gì? Tất cả các âm cổ của phật 佛 đều có phụ âm đầu là b và khá giống với âm but của Bồ Lập Bổn cũng như âm trung cổ sơ kỳ do Pulleyblank phục dựng kể trên. Hiện tượng này có thể lý giải như sau:

Phật giáo chia thành 2 nhánh chính: Phật giáo Bắc tông (Đại thừa) và Phật giáo Nam Tông (Tiểu thừa). Phật giáo Bắc tông từ Thiên Trúc (Ấn Độ) du nhập vào Trung Quốc rồi chủ yếu từ Trung Quốc truyền sang nước ta, ngoài ra còn phải kể đến Phật giáo Nam tông từ những nước khác truyền vào Việt Nam như Indonesia, Sri Lanca và Đông Dương...

Trong tiếng Sanskrit và Pali có trên 40 chữ được dịch là buddha (tiếng Anh) và đều có nghĩa là Phật (2), trong đó từ thường sử dụng nhất là बुद्ध, được phiên âm sang tiếng Latin là buddha giống như trong tiếng Anh. Chữ phật 佛 trong Hán ngữ là chữ phiên âm trực tiếp từ chữ बुद्ध trong tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) và Pai (Nam Phạn), phiên chính xác phải là buddh như đã trình bày ở trên, chứ không phải là buddha. Như vậy, chữ phật 佛 có âm thượng cổ và trung cổ sơ kỳ là but thì vô cùng hợp lý. Điều này phù hợp với chữ có nghĩa là Bụt trong tiếng Việt và những chữ có âm tương ứng với but, cũng dùng để chỉ Phật đối với những nước theo Phật giáo Nam tông. Thí dụ: ពុទ្ធ = bout (trong tiếng Khmer); ພຸດ = but (Laos); พุทธ = but (Thái Lan)…

Kết luận

Từ những dẫn chứng trên, có thể khẳng định rằng Bụt và Phật là 2 cách gọi chữ 佛 qua từng thời kỳ, song đều có nghĩa giống nhau. Bụt là âm Hán Việt cổ, còn Phật là âm Hán Việt. Chính vì thế, Bụt là Phật, chứ không phải là hình tượng ông tiên như trong truyện cổ tích. Hơn 30 năm qua, chẳng phải ngẫu nhiên mà thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc đến đạo Bụt và việc thờ Bụt.

Vương Trung Hiếu

-------------------------

(1): E. G. Pulleyblank. Middle Chinese: A Study in Historical Phonology. University of British Columbia Press. Vancouver, 1984.

(2): Thí dụ như बुद्ध (buddha), करुण (karuNa), सूचक (sUcaka), लोकज्येष्ठ ( lokajyeSTha), तमोघ्न (tamoghna), सरल (sarala), विगतद्वन्द्व (vigatadvandva), धर्मकेतु (dharmaketu) hay आर्य (Arya)…

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin