menu

Tình Yêu và Tri Thức (Thắng Man Giảng Luận)

View: 1006 -     Tuệ Sỹ       6/03/2019 09:03:08 am
Tình Yêu và Tri Thức (Thắng Man Giảng Luận)
Tình Yêu và Tri Thức (Thắng Man Giảng Luận)

Tuệ Sỹ: Tình Yêu và Tri Thức (Thắng Man Giảng Luận)

THẮNG MAN GIẢNG LUẬN
Tác giả: Tuệ Sỹ
In lần đầu, nxb Phương Đông, 2007
Tái bản, nxb Phương Đông, 2012
In lần 3, nxb Hồng Đức, 2018
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-0-359-48143-9
© Tác giả và Hương Tích giữ bản quyền.

 

Bản kinh Thắng Man này được dịch và giải vào một thời điểm mà dấu ấn của nó sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí của những chứng nhân lịch sử. Mỗi cá nhân nhìn theo góc độ nhãn quang của mình. Bằng hữu thiện tri thức có thể tìm thấy đâu đó, giữa hai hàng chữ dịch và giải, dấu ấn mơ hồ của thời gian. Một cọng cỏ non yếu, cố vươn mình đón bắt ánh sáng cho lẽ sống, dưới sức nặng tàn bạo của khối đá vô tri lầm lì.

Bản dịch và giải chỉ mới hoàn tất phần đại cương. Nhưng cũng phải tạm thời xếp vào góc tối của giá sách. Người viết đi theo định nghiệp của mình. Hay của cả dân tộc?

Rồi có một bằng hữu thiện tri thức bất chợt tìm thấy nó trong lớp bụi quên lãng của thư viện chùa. Anh ấn hành, với những cái xong và chưa xong.

Từ đó cho đến nay, một, hoặc nhiều, thế hệ đã ra đi, biến mất trong bóng tối của đêm dài sinh tử; nhiều thế hệ mới ra đời. Phôi bào trong Như Lai tạng vẫn liên tục kết rồi rã, thành rồi hoại. Dòng tương tục vẫn tiếp nối không ngừng.

Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng.

Am Thị ngạn, Pl. 2543

TUỆ SỸ

 

BI TRÍ SONG VẬN

Từ bi và trí tuệ, đó là hai bánh xe vận chuyển của cỗ xe Đại thừa, đưa đến mục đích tối thượng, đưa đến chỗ giác ngộ cứu cánh Nhất thừa. Như lời của Thiện Tài Đồng tử khẩn thiết thỉnh nguyện Bồ-tát Văn-thù chỉ cho con đường đi đến giác ngộ cứu cánh: «Biết rõ phương thức vận dụng nghiệp, lão luyện ruỗi cỗ xe pháp; quyết định trong các trí tuệ thừa; xin Người chỉ con cỗ xe trí giác. Với mong cầu và ước nguyện là vành bánh xe; với nhẫn là chốt, bi là trục xe; và được trang hoàng bằng các bảo châu của tín; xin Người chỉ con cỗ xe trí giác».[1]

Và cũng như lời Bồ-tát Đại Tuệ tán thán Phật trong kinh Lăng-già mà chúng ta đã dẫn ở trên: Bằng Bi và Trí, mà Bồ-tát biết rõ bản chất của thế gian, là sinh diệt hay không diệt; là hiện hữu hay không hiện hữu.[2]

Và Đại thừa trang nghiêm kinh luận[3] cũng nói: Bồ-tát phát tâm, lấy đại bi làm gốc rễ.

Tất cả tình yêu, dù lớn hay nhỏ, dù ta gọi đó là đại bi, hay lân mẫn, hay ai mẫn, hay lân tuất; dù gọi là gì đi nữa, tất cả đều bắt đầu bằng sự rung động. Trước đại dương mênh mông của máu và nước mắt; trước những cuồng phong, lửa dữ của tham lam và thù hận; trước những dòng xoáy kinh hoàng của sinh tử, của biến dịch vô thường, tất cả đều bị dao động, bị chấn động mạnh. Với những kẻ hèn yếu, không tìm thấy lối thoát, tự thấy mình bất lực, thì hoặc tự trang bị những mẫu lý luận vụn vặt để chối bỏ hiện thực, hoặc tự vẽ cho mình một thiên đường huyễn hoặc. Những người ấy thiếu cả hai: thiếu sự rung động của trái tim và thiếu sự nhạy bén của trí não.

Có những con người khác; và ở đây chúng ta hãy nhắc đến Thiện Tài đồng tử, trong lúc đang tham quan thành phố Ca-tỳ-la-vệ để học đạo nơi người con gái họ Thích.[4] Thiện Tài tự giới thiệu mình với vị thiên thần ở hội trường của Bồ-tát:[5] «Thưa Thánh giả, tôi tìm thấy niềm vui tuyệt vời khi đi dập tắt ngọn lửa phiền não thiêu đốt chúng sinh».[6] Tại sao thế? Bồ-tát khi lên đường, khi bước vào Thánh đạo, không phải đang đi dạo một hoa viên tráng lệ. Bồ-tát khởi hành từ một tấm lòng thương cảm xót xa, vô cùng xót xa, vì trái tim rung động trước vô vàn thống khổ của chúng sinh. Thiện Tài nói tiếp: «Thưa Thánh giả, vì tất cả chúng sinh đang bị nhận chìm trong biển đời với vô lượng thống khổ, nên chư Bồ-tát dấy lên mối thương cảm, phát khởi đại nguyện muốn ôm trọn cả thế giới vào lòng».[7] Và vị thiên thần Viện trưởng Nhạc viện Bồ-tát này thương tưởng: «Khi nhìn thấy thế gian này bị trùm kín trong nhận thức điên đảo tối tăm, người đã dâng lên mối rung động mãnh liệt, đã bước lên đường vô sư đạo».[8]

Trong quá trình tu chứng, dù ở Tiểu thừa hay Đại thừa, trí tuệ vẫn là yếu tố quyết định.[9] Điều này cũng đã được Tôn giả Mãn Từ Tử trình bày với Ngài Xá-lợi-phất: Mục đích giới là để tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là để kiến hay nhận thức thanh tịnh; cho đến, để đạt được tri kiến thanh tịnh. Chỉ với tri kiến thanh tịnh mới chứng đắc vô thủ trước Niết-bàn.[10]

Trí tuệ có thể được thành tựu do một quá trình chiêm nghiệm lâu dài, bằng sự quan sát. Quá trình chiêm nghiệm này có thể dựa trên năng lực tu tập thiền định. Nhưng nó cũng có thể được thực hiện ngay trong mọi môi trường sinh hoạt.

Nói cách cụ thể như kinh Kim cang, trí tuệ cứu cánh có thể được thành tựu chỉ do trải qua quá trình thành tựu bố thí,[11] là điều mà bất cứ tại gia cư sỹ nào cũng làm được. Tức là, với sự bố thí về tài sản mà bố thí ba-la-mật được thành tựu, với sự bố thí về vô úy mà giới ba-la-mật và nhẫn ba-la-mật được thành tựu, và với sự bố thí về pháp mà tinh tấn ba-la-mật, định ba-la-mật và tuệ ba-la-mật được thành tựu.

Tất cả những điều ấy đều chỉ chung một ý nghĩa rằng trí tuệ được thành tựu mà không phát xuất từ những quan hệ thực tiễn của sự sống, từ những nhận thức sâu sắc về đau khổ và hạnh phúc của tất cả chúng sanh, thì đó chỉ mới là sự thành tựu cục bộ và phiến diện. Ý nghĩa ấy thực sự muốn nói rằng cái hiểu biết chân chính, nhạy bén, và sâu sắc, là sự hiểu biết bằng trái tim đầy nhiệt tình của tình yêu rộng lớn.

Một người khi bưng bát nước để uống, bằng vào phương tiện của khoa học để rọi lớn tầm mắt có thể thấy hàng triệu chúng sanh trong đó. Trái lại, một người khác chỉ bằng đôi mắt thịt, nhưng với một trái tim bén nhạy của tình yêu, còn thấy nhiều hơn thế nữa, không chỉ thấy các chúng sanh ấy sống còn như cát bụi vô tình, mà thấy rõ tất cả khát vọng sinh tồn của chúng, thấy những đấu tranh khốc liệt để sống còn trong từng sát-na của từng sinh vật bé bỏng. Thấy như vậy là thấy rõ thực chất của sự sống, thấy từ động cơ thúc đẩy, từ bản chất tồn tại, cho đến mọi ý nghĩa đau khổ và hạnh phúc của cả thế gian.

Và lại nữa, một đạo sĩ ẩn mình trong các khu rừng cây đầy bí mật của Hy-mã-lạp sơn[12] để nhìn lên vời vợi trên cao khoảng trời bao la vô tận, hay ngồi trầm ngâm trên bờ biển Thái bình dương,[13]hay để nhìn ra biển cả sâu thẳm và mênh mông; không phải chỉ như một người đang đặt đôi mắt vào kính viễn vọng để quan sát các thiên thể, các khối tinh vân vũ trụ, mà với tâm lượng bao la, với tình yêu bao trùm khắp vô tận thế giới phương Đông, phương Nam, cho đến cả mười phương vô tận thế giới, người ấy không phải chỉ hiểu biết về thế giới như là những khối đá vĩ đại nhưng vô tình, những thái dương hệ lầm lì di động không mục đích.

Và một bà mẹ dù có thể là hoàn toàn ngu muội, vô trí, nhưng chắc chắn rất sáng suốt trong nhận thức, can đảm trong khả năng, khi cần phải đối phó với những nguy hiểm đang đe dọa sinh mạng của đứa con thân yêu của chính mình, chỉ bằng vào tình yêu bao la trời biển.

Chính trong những ý nghĩa như vậy Thắng Man Phu nhân sau khi giới thiệu quá trình bồi dưỡng và phát triển tâm nguyện đại bi, tiếp đến giới thiệu chức năng thành tựu cao thượng của nó, là thành tựu của đại trí. Thành tựu đại trí là tất cả nội dung của Nhất thừa.

(Trích THẮNG MAN GIẢNG LUẬN – CHƯƠNG VI: CỨU CÁNH CỦA BỒ TÁT ĐẠO – TIẾT 1: TÌNH YÊU VÀ TRI THỨC)

____________________________________________________________

[1] Gaṇḍavyūha, sđd., tr. 43.23: karmayantravidhiū viśāradā dharmayānarathayantrakovidā/ jñānayānavidhiū viniścitā bodhi-yānamupadaśayāhi me// prārthanāpraidhicakramaṇḍala kānti vajrakpa-akasasthitam/ śraddha-iaguaratnacitrita bodhi-yānam abhirohayāhi me// Tham chiếu, Hoa nghiêm (Phật) Đại 9, tr. 688c18; Hoa nghiêm (Thật) tr. 333a; Hoa nghiêm (Bát), tr. 678b20.

[2] Xem cht. 29 chương ii trên.

[3] Sūtrālakā tr. 15.25: ki mūla … bodhisattvānā cittotpāda? (…) āha: karuāmūla. Cf. Đại 31, tr. 595c21.

[4] Gopā Śākyakanyā ở Kapilavastu, Gaṇḍa tr. 300ff. Cf. Hoa nghiêm (Bát), Đại 10, tr. 784a 27; Hoa nghiêm (Thật), tr. 405c; Hoa nghiêm (Phật), tr. 754cff.

[5] Gaṇḍa, tr. 300.6: Aśokaśrīr nāma bodhisattvasagītiprasāda-devatā, vị thiên thần coi nhạc viện của Bồ-tát tên là Aśokaśrī. Các bản Hán, Hoa nghiêm (Phật), Đại 9, tr. 754c5: Bồ-tát hội trang nghiêm giảng đường Ly Ưu Diệu Đức thiên; Hoa nghiêm (Thật), Đại 10, tr. 405c6: Bồ-tát tập hội Phổ hiện pháp giới quang minh giảng đường thần hiệu Vô Ưu Đức; Hoa nghiêm (Bát), Đại 10, tr. 784b2: Bồ-tát tập hội Phổ hiện pháp giới ảnh tượng quang minh cung điện, thần danh Vô Ưu Đức.

[6] Gaṇḍa, tr. 300.24: aha khalu devate sarvasattvakleśasantāpa-vyupaśamena paramā prītivindāmi. Cf. Hoa nghiêm (Bát), Đại 10, tr. 784b24; Hoa nghiêm (Thật), tr. 405c26; Hoa nghiêm (Phật), tr. 754c19.

[7] Gaṇḍa, tr. 301.5: api tu khalu punar devate bodhisattvā bhava-samudragatānām aparimita­dukhaprapīitānā sattvānāmantike mahākarunā sajanayitvā sarvajagatsagrahamahā prai-dhim abhinirharanti. Cf. Hoa nghiêm (Bát), Đại 10, tr. 784c11; Hoa nghiêm (Thật), tr. 406a 10; Hoa nghiêm (Phật), tr. 755a4.

[8] Gaṇḍa, tr. 302.5: dṛṣṭvà loka viparyastamajñānatimirāvtam / mahākpā sajanayya prasthito’ si svayabhutām. Cf. Hoa nghiêm (Bát), Đại 10, tr. 785c25; Hoa nghiêm (Thật), tr. 406b5; Hoa nghiêm (Phật), tr. 755b1.

[9] Kośa, kārikā 3 (a-b): dharmāā pravicayam antarea nāsti kleśānā yata upaśāntaye’bhyupāya, «ngoại trừ sự tư duy thẩm sát về các pháp, không có phương tiện nào thù thắng hơn để dập tắt phiền não.» Tư duy thẩm sát (dharma-pravicaya: trạch pháp) ở đây được hiểu là tuệ. Kośa, tr. 2.4: tatra prajñā dharmapravicaya. Xem Hoa nghiêm (Thật), Đại 10, T. 68b9: «Văn-thù nói…Trong Phật pháp, trí là đứng đầu.»

[10] Trung «9. Thất xa kinh», Đại 1, tr. 429. Pāli: Rathavinīta-sutta, M.i. 154: sīlavisuddhi yāvad eva cittavisuddhatthā, cittavisuddhi yāvad eva diṭṭhivisuddhatthā; (…) ñāadassanavisuddhi yāva eva anupādā parinibbanatthā.

[11] Thiên Thân Bồ-tát, Kim cang Bát-nhã ba-la-mật kinh luận, Đại 25, tr. 782b2: «Tất cả các Ba-la-mật đều được hiển thị bằng yếu tinh của bố thí ba-la-mật.»

[12] Xem Hoa nghiêm, (Thật) Đại 10, tr. 334aff, : Thiện Tài tham bái Đức Vân trên đỉnh Diệu phong; Cf. Gaṇḍa (tr. 48), gặp Meghaśrī trên núi Sugrīva.

[13] Xem Hoa nghiêm (Thật) (Đại 10, tr. 335a.ff), : Thiện Tài tham bái Hải Vân bên bờ Nam hải Cf. Gaṇḍa (tr. 51); gặp Sāgaramegha tại cửa biển Sāgaramukha.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin