menu

Tỉnh thức là chìa khoá của hạnh phúc

View: 1073 -     Lê Nguyên Phương, Ngân Hà       20/02/2019 11:02:59 am
Tỉnh thức là chìa khoá của hạnh phúc
Tỉnh thức là chìa khoá của hạnh phúc

TS Lê Nguyên Phương: Tỉnh thức là chìa khoá của hạnh phúc

TS Lê Nguyên Phương, chuyên gia – giảng viên tâm lý học đường tại Hoa Kỳ.

– Ông vui lòng cho biết rõ hơn về môn học “Mindfulness” hiện nay đang được áp dụng như thế nào trong giáo dục ở Mỹ?

– Trong hai thập niên vừa qua, phương pháp Chánh niệm (Mindfulness) ngày càng được phổ biến hơn tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây.  Chẳng hạn, tổ chức Mindful School tại Oakland, bang California, cho biết đã tập huấn cho hơn 25.000 giáo viên từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.  Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu về giá trị của Chánh niệm đối với sức khoẻ tinh thần của không chỉ học sinh, mà còn của nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau.Đối với giới nghiên cứu, giảng viên, và chuyên gia tâm lý thì Chánh niệm đã được xem như một phương pháp chủ lưu (mainstream).

Tuy nhiên, sự phát triển của việc thực hành phương pháp chánh niệm ở Hoa kỳ vẫn bị kỳ thị và cản trở tại nhiều tiểu bang, đặc biệt là tại các tiểu bang thuộc Vành đai Thánh Kinh (Bible Belt) vùng Trung Mỹ, vốn là thành trì của người Mỹ da trắng đạo Tin Lành.

Lúc tôi mới giới thiệu khái niệm “Mindfulness” ở Việt Nam thông qua các hội thảo và khoá tập huấn về tâm lý học, thì tôi đề nghị dùng từ “Minh thức” để dịch từ Mindfulness trong tiếng Anh. Từ Chánh niệm có thể mang nặng dấu ấn Phật giáo, làm cản trở sự phổ biến của phương pháp này.

– Vậy chúng ta sẽ giúp trẻ thực hành sống Minh thức như thế nào, cụ thể là đưa sự Minh thức này vào giảng dạy như thế nào?

– Theo kinh nghiệm của tôi, đầu tiên nên có những hoạt động giúp trẻ chú ý vào những cái “thô” trước như đi, đứng, nằm, ngồi, cử động tay chân, v.v. Chúng ta có thể dùng trò chơi để dạy trẻ con quán thọ, như cho một em học sinh nhắm mắt, ba bốn học viên khác lấy sợi tóc, hoặc lông gà quệt vào chỗ này chỗ kia trên thân thể, và bạn nhắm mắt sẽ đoán là sợi tóc hay lông gà đang chạm vào tay hay chân hay mũi, mắt. Hoặc nhìn hình chụp các cảnh khác nhau rồi xem mình cảm thấy vui buồn như thế nào.Đây là quán thọ, cảm giác và cảm xúc. Ở Mỹ chẳng hạn, giáo viên có thể cho trẻ tiểu học nằm xuống, để gấu bông trên bụng và theo dõi con gấu bông đưa lên đưa xuống theo hơi thở… của mình. Học phương pháp Chánh niệm, cụ thể qua quán “tứ niệm xứ”, gồm thân, thọ, tâm, pháp, bằng trò chơi dễ học dễ nhớ, và giúp trẻ thoát khỏi cái khuôn mẫu là mỗi khi “thiền” là cứ phải kiếm chỗ yên tịnh, nhắm mắt, chéo chân.

Và dĩ nhiên thứ tự quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp chỉ là phương tiện. Chúng ta có thể đi vào bất cứ cửa nào tuỳ theo cấu tạo và tính cách tâm lý của chúng ta. Một vị thầy còn có thể dùng từng “xứ” như phương pháp đối trị cho từng trẻ với các khó khăn trong hành vi khác nhau.Thật ra bản tính nhận biết của tâm vốn tròn đầy, không trụ hay dính vào đâu, cho nên chia chẻ như “tứ xứ” nói trên chỉ là phương tiện tạm thời.

– Ông có thể đơn cử một thí dụ cho thấy Chánh niệm cần cho xã hội của chúng ta hiện nay?

– Tôi về đây ở một thời gian quan sát được một việc như thế này. Tôi thấy mình bớt nhạy bén với môi trường chung quanh mình, giác quan của tôi cùn lụt đi với những tác nhân của thị giác, thính giác và khứu giác. Đối với tôi, không gian sống của người Việt kém trật tự, yên tĩnh, và đẹp đẽ từ trong nhà đến ngoài phố.Chúng ta bị tấn công bởi màu sắc loè loẹt, hình dáng ngổn ngang, mùi vị hôi hám, âm thanh ồn ào.Tất cả những thứ đó tấn công giác quan và làm chúng ta khó chịu.Sự mệt mỏi khiến chúng ta phải lọc những tác nhân này ra khỏi vùng tri giác, mỗi ngày và mọi ngày.

Một hiện tượng khác là khi đi đường tôi hay quan sát khuôn mặt của những người khác. Tôi thấy rất nhiều người đi đường không có sự tự tại. Ai cũng đăm chiêu thậm chí nhăn nhó như đang tư lự, lo toan, hay suy nghĩ điều gì. Người ta sống mải miết chìm đắm trong suy nghĩ hay cảm xúc của mình, nên nhiều khi không để ý đến người chung quanh. Chìm đắm trong tưởng, dù là hoài niệm về quá khứ hay mơ ước về tương lai, đều làm chúng ta đánh mất thực tại và là cửa ngõ vào khổ đau.

Hậu quả của việc mất Chánh niệm là họ sẽ dễ bị thao túng hay bị kích động. Họ bị người khác điều khiển, vì không ý thức về hành vi, lời nói, và ý nghĩ của mình; mà chỉ phản ứng với những hành vi đã bị điều kiện hoá bởi một nền giáo huấn vong thân, hay một hệ thống truyền thông gian trá.

Ngân Hà thực hiện (theo TGTT)

 

Trích dẫn lời của chính tác giả Lê Nguyên Phương trên fb cá nhân.

Vì giới hạn của cột báo và cũng vì phần trả lời của tôi có đoạn chưa cô đọng nên bài đăng báo đã bỏ vài đoạn. Nhận thấy những đoạn bị bỏ cũng có thể giúp các bạn có thêm một số thông tin, tôi xin đăng lại dưới đây.

TỈNH THỨC LÀ CHÌA KHÓA CỦA TỰ DO

Thông tin về 370 trường học ở Anh đưa môn học Mindfulness vào trong chương trình chính khóa (song song với các môn toán, khoa học, văn chương...) như một phần của nghiên cứu về cải thiện sức khỏe tâm thần cho giới trẻ. Dự án triển khai từ cấp tiểu học trở lên, giới thiệu các khái niệm về sức khỏe tâm thần, đời sống an lạc (well-being) và hạnh phúc (happiness), đưa vào thực nghiệm đến năm 2021” theo NYT (4.2.2019) mới đây không chỉ khiến chúng ta bất ngờ mà con rất ngạc nhiên khi một nước phương Tây đã tiến hành phương pháp này, trong khi phương Đông, cái nôi của “mindfulness” được xem là bắt nguồn từ Đạo Phật thì vẫn còn xa lạ.

Báo TGTT đã có buổi gặp gỡ đầu năm với tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chuyên gia và giảng viên Tâm lý Học đường tại Hoa Kỳ. Ông hiện đang giảng dạy các môn Tâm lý Sư phạm thực hành ở Hà Nội và ông cũng nổi tiếng là một chuyên gia tâm lý áp dụng các phương pháp thực hành chánh niệm của đạo Phật vào việc trị liệu và giáo dục.

*Thưa ông, xin ông cho biết rõ hơn về môn học “mindfulness” ở Mỹ hiện nay đang được áp dụng như thế nào trong giáo dục?
TS Lê Nguyên Phương: Trong 2 thập niên vừa qua, phương pháp Chánh Niệm [mindfulness] ngày càng được phổ biến hơn tại Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Chẳng hạn, tổ chức Mindful School tại Oakland, bang California cho biết đã tập huấn cho hơn 25 ngàn giáo viên từ hon 100 quốc gia trên thế giới. Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu về giá trị của Chánh Niệm đối với sức khỏe tinh thần của không chỉ học sinh mà còn của nhiều đối tượng với nhiều lứa tuổi và ngành nghề khác nhau. Đối với giới nghiên cứu, giảng viên, và chuyên gia Tâm lý thì Chánh Niệm đã được xem như một phương pháp chủ lưu [mainstream]. Cũng xin mở ngoặc ở đây một số liệu pháp tâm lý như thôi miên vẫn không được xem là chủ lưu trong điều trị tâm lý ở Hoa Kỳ trong khi ở Việt Nam thì lại được một số nhà trị liệu hồ hởi cổ võ như là liệu pháp chủ lưu.

Tuy nhiên, sự phát triển của việc thực hành phương pháp chánh niệm ở Hoa kỳ vẫn bị kỳ thị và cản trở tại nhiều tiểu bang, đặc biệt là tại các tiểu bang thuộc Vành Đai Thánh Kinh [Bible Belt] vùng Trung Mỹ, vốn là thành trì của người Mỹ da trắng đạo Tin Lành. Họ ngăn chặn những phương pháp như Yoga hay thiền tập vì xem chúng như là phương tiện để các tôn giáo khác xâm nhập và truyền bá đạo của mình.

Lúc tôi mới giới thiệu khái niệm “Mindfulness” ở VN thông qua các hội thảo và khóa tập huấn về tâm lý học thì tôi đề nghị dùng từ “Minh Thức” để dịch từ Mindfulness trong tiếng Anh. Từ chánh niệm có thể mang nặng dấu ấn Phật giáo làm cản trở sự phổ biến của phương pháp này. Ngoài ra chữ “niệm” trong Hán Việt có các nghĩa như đọc tụng, tưởng nhớ, nghĩ ngợi, v.v… đều không phản ảnh rõ tính chất “hay biết” những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại của từ “sati.”

*Vậy theo ông, “minh thức” nên đưa đến giới trẻ Việt Nam như thế nào, cụ thể là các học sinh, nó có ích lợi gì không?

- Nó rất cần thiết cho tuổi trẻ đặc biệt là lứa tuổi học sinh rất nhiều. Đầu tiên, nó giúp tăng sự chú ý chú tâm vào đối tượng trước mắt, có thể nó là bài giảng của thầy cô, một bài tập về nhà, một bài học ôn thi. Nó giúp tránh được sự phân tâm trong học tập. Thứ hai, nó giúp cho trẻ ý thức được những điều gì đang xảy ra trong thân và tâm của chúng. Ý thức về thân thể sẽ làm cho trẻ nhận biết các cử động của tay chân, nét mặt, tư thế, dáng điệu của mình. Ý thức về cảm giác và cảm xúc sẽ khiến trẻ nhận rõ được những tác động của ngoại cảnh đến thân thể, được những cảm xúc như cơn giận dữ, buồn bã xuất hiện như thế nào. Ý thức về trạng thái tâm lý trong tương quan với ngoại cảnh sẽ giúp chúng thấy rõ mình thèm muốn hay đau khổ cái gì, v.v…Từ đó chúng có thể biết nguyên nhân của các trạng thái tâm lý của chúng, biết mức độ và bản chất của các trạng thái này, và do vậy có thể tự điều chỉnh hay hóa giải cả tâm lý lẫn hành vi khi cần thiết. Nhờ đó trẻ sẽ sống hạnh phúc và tự chủ hơn.

* Vậy chúng ta sẽ giúp trẻ thực hành sống trong minh thức như thế nào, cụ thể là đưa sự minh thức này vào giảng dạy như thế nào?

- Mấy tấm hình trong các bản tin về Chánh niệm ứng dụng trong lớp học phương Tây và các khóa thiền Vipassana làm chúng ta dễ hiểu lầm là phải bắt trẻ con ngồi chéo chân nhắm mắt mới là thực hành phương pháp này. Thật ra chánh niệm cần thể hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống.

Theo kinh nghiệm của tôi, đầu tiên nên có những hoạt động giúp trẻ chú ý vào những cái “thô” trước như đi, đứng, nằm, ngồi, cử động tay chân, v.v... đó là quán thân trong Tứ Niệm Xứ. Chúng ta có thể dùng trò chơi để dạy trẻ con quán thọ, như cho một em học sinh nhắm mắt, ba bốn học sinh khác lấy sợi tóc, hoặc lông gà quệt vào chỗ này chổ kia trên thân thể, và bạn nhắm mắt sẽ đoán là sợi tóc hay lông gà đang chạm vào tay hay chân hay mũi, mắt. Hoặc nhìn hình chụp các cảnh khác nhau rồi xem mình cảm thấy vui buồn như thế nào. Đây là quán thọ, cảm giác và cảm xúc. Ở Mỹ chẳng hạn, giáo viên có thể cho trẻ tiểu học nằm xuống, để gấu bông trên bụng và theo dõi con gấu bông đưa lên đưa xuống theo hơi thở… của mình. Học phương pháp chánh niệm, cụ thể qua quán “tứ niệm xứ,” gồm thân, thọ tâm, pháp, bằng trò chơi dễ học dễ nhớ, và giúp trẻ thoát khỏi cái khuôn mẫu là mỗi khi “thiền” là cứ phải kiếm chỗ yên tịnh, nhắm mắt, chéo chân.

Và dĩ nhiên thứ tự quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp chỉ là phương tiện. Chúng ta có thể đi vào bất cứ cửa nào tùy theo cấu tạo và tính cách tâm lý của chúng ta. Một vị thầy còn có thể dùng từng “xứ” như phương pháp đối trị cho từng trẻ với các khó khăn trong hành vi khác nhau. Thật ra bản tính nhận biết của tâm vốn tròn đầy, không trụ hay dính vào đâu, cho nên chia chẻ như “tứ xứ” nói trên chỉ là phương tiện tạm thời.

*Vậy Chánh niệm-Minh thức có thể phổ biến rộng rãi cho mọi người thế nào trong một xã hội mà mọi thứ đang lao nhanh đến nỗi người ta có đôi khi quên cả bản thân?

- Tôi nghĩ là nên phổ biến rộng rãi. Chánh niệm hiện nay trên thế giới được áp dụng cho mọi tầng lớp và sắc dân khác nhau và kết quả cũng thấy tốt cho đa số. Tôi nghĩ chúng ta chưa có thể gọi là cho “tất cả” vì nó cũng còn đòi hỏi người thầy phải biết điều chỉnh phương pháp cho phù hợp với người thực tập. Nếu không nó vẫn có nguy cơ chứ không phải là vô hại đâu. Hiện nay nó là đang thực hiện theo phương pháp “đại trà,” cho mấy chục người cùng thực hành theo một phương phảp duy nhất, cho nên các nguy cơ về sức khỏe tinh thần vẫn có thể xảy ra đặc biệt là các học viên có những vấn đề nội kết và chấn thương trầm trọng. Tôi đã được nghe một số thân chủ ở VN báo cáo về vấn đề này.

Chúng ta cũng đừng mặc nhiên cho rằng đã là người Việt theo đạo Phật là biết và dễ thực hành Chánh niệm. Không phải người nào sinh ra trong gia đình Phật giáo hay học Phật pháp cũng hiểu đúng về chánh niệm hay tứ niệm xứ.

* Xin ông đơn của một thí dụ cho thấy Chánh niệm cần cho xã hội của chúng ta hiện nay.

Trong xã hội hiện nay, tôi thấy nhiều người sống không có sự tỉnh thức về hành động của mình. Lấy một thí dụ. Mấy năm trước tôi về VN sau một chuyến đi Nhật và một hôm có buổi hẹn ăn sáng với mấy người bạn thời trung học. Tôi kể chuyện ở Nhật không dễ tìm được thùng rác khắp nơi như ở Mỹ mà thành phố vẫn sạch sẽ, bởi vì người Nhật đi đâu ở ngoài cũng có một cái bọc nhỏ bỏ vào túi để cho rác vào và chỉ đem về nhà bỏ vào thùng rác của nhà mình. Một người bạn trong nhóm gật gù khen người Nhật hết mức rồi cũng chê bai người VN xả rác khắp nơi. Nhưng ngay sau đó anh ta lấy khăn giấy chùi miệng và vất ngay nó xuống đất mặc dù cái thùng rác nhỏ nó ngay ở dưới chân bàn. Đó là một hành động vô ý thức, mất chánh niệm. Vì mất chánh niệm nên nói một đường làm một nẻo, thậm chí anh ấy có thể không ý thức được cả việc mình đang nói cái gì và đang làm cái gì mà chỉ nói và làm theo quán tính. Vì nếu có chút ý thức, anh ấy sẽ làm theo lời nói của mình.

Tôi về đây ở một thời gian quan sát được một việc như thế này. Tôi thấy tôi bớt nhạy bén với môi trường chung quanh mình, giác quan của tôi cùn lụt đi với những tác nhân của thị giác, thính giác và khứu giác. Đối với tôi, không gian sống của người Việt kém trật tự, yên tĩnh, và đẹp đẽ từ trong nhà đến ngoài phố. Chúng ta bị tấn công bởi màu sắc lòe loẹt, hình dáng ngổn ngang, mùi vị hôi hám, âm thanh ồn ào. Tất cả những thứ đó tấn công giác quan và làm chúng ta khó chịu. Sự mệt mỏi khiến chúng ta phải lọc những tác nhân này ra khỏi vùng tri giác, mỗi ngày mọi ngày khiến giác quan không còn nhạy bén nữa. Một hiện tượng khác là khi đi đường tôi hay quan sát khuôn mặt của những người khác. Tôi thấy rất nhiều người đi đường không có sự tự tại. Ai cũng đăm chiêu thậm chí nhăn nhó như đang tư lự, lo toan, hay suy nghĩ điều gì. Người ta sống mải miết chìm đắm trong suy nghĩ hay cảm xúc của mình nên nhiều khi không để ý đến người chung quanh. Chìm đắm trong tưởng, dù là hoài niệm về quá khứ hay mơ ước về tương lai, đều làm chúng ta đánh mất thực tại và là cửa ngõ vào khổ đau.

Hậu quả của việc mất chánh niệm là thế nào? Nguy hiểm nhất là họ sẽ dễ bị thao túng hay bị kích động. Họ bị người khác điều khiển, trở thành con rối cho người khác giật dây, vì không ý thức về hành vi, lời nói, và ý nghĩ của mình mà chỉ phản ứng với những hành vi đã bị điều kiện hóa bởi một nền giáo dục vong thân hay một hệ thống truyền thông gian trá.

Một người không chánh niệm, sống không tỉnh thức sẽ là một người mất tự do. Một xã hội không chánh niệm, sống không tỉnh thức cũng sẽ là một xã hội bị xiềng xích.

Ngân Hà thực hiện

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin