menu

ÐẠO PHẬT CỦA TUỔI TRẺ

View: 1699 -     Thích Nhất Hạnh       1/03/2019 06:03:28 am
ÐẠO PHẬT CỦA TUỔI TRẺ
ÐẠO PHẬT CỦA TUỔI TRẺ

THÍCH NHẤT HẠNH: ÐẠO PHẬT CỦA TUỔI TRẺ


Tập tài liệu các anh chị đang cầm trên tay là tổng hợp các bài giảng của Sư Ông Nhất Hạnh cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ trong các khóa tu năm 1997, 1998, và 1999 tại chùa Vạn Hạnh, Cali và tại đạo tràng Thanh Sơn, tiểu bang Vermont.

Chúng tôi tạm chia thành các chương riêng biệt để các anh chị tiện theo dõi nên không theo thứ tự thời gian. Tuy nhiên, đây không phải là một tập sách giáo khoa đầy đủ tất cả các giáo lý căn bản mà các anh chị nên tham cứu thêm nhiều tài liệu hơn như đã được đề cập trong phần "Tư liệu mới".

Điều căn bản nhất là các anh chị phải thực tập những điều học được, thật sự nếm được pháp lạc và chứng nghiệm sự chuyển hóa xảy ra trong tự thân cũng như trong gia đình thì việc hướng dẫn các em tu tập mới có được nhiều hiệu quả và lợi lạc.

(Ban thực hiện: Sư cô Chân Đoan Nghiêm, Chân Thoại Nghiêm, Chân Giới Nghiêm, Chân Hỷ Nghiêm và thầy Chân Pháp Niệm.)

CHỈNH ÐỐN LẠI GIA ÐÌNH PHẬT TỬ
Trong Gia Đình Phật Tử, Huynh Trưởng có thể giận nhau, có thể ghét nhau, có thể không nói chuyện được với nhau. Giữa các đoàn sinh cũng có thể có hiện tượng đó. Vậy nếu chính Gia Đình Phật Tử nằm trong tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử có thể can thiệp vào để giúp những gia đình của đoàn sinh được, có phải như vậy không? Cho nên chuyện đầu tiên cần làm là phải chỉnh đốn lại Gia Đình Phật Tử. Phải thực tập như thế nào để những khổ đau, bất hòa, chia rẽ, ganh tị, những bực bội trong Gia Đình Phật Tử đó tan biến đi. Khi Gia Đình Phật Tử thực tập được những điều đó rồi thì mới có khả năng can thiệp vào những gia đình của đoàn sinh và giúp cho họ thoát khổ. Đó là sứ mệnh của Gia Đình Phật Tử. Vì vậy cho nên về lại đơn vị Gia Đình Phật Tử của mình, ta phải dùng phương pháp quán chiếu của Bụt để nhận diện trong gia đình có những nỗi khổ, niềm đau nào không. Quán chiếu trong từng đoàn viên, từ Huynh Trưởng đến Oanh Vũ, xét xem có những niềm đau trong tâm của từng người không. Đó gọi là quán chiếu về sự thật thứ nhất. Phải công nhận, phải nhận diện những đau khổ có mặt trong Gia Đình Phật Tử. Phải thấy được những bản chất, những triệu chứng của đau khổ đó. Rồi phải biết phương pháp để chuyển hóa. Không phải ta chỉ học thuộc lòng bốn sự thật mà Đức Thế Tôn dạy là Khổ, Tập, Diệt, Đạo thôi. Như vậy không có lợi ích gì hết. Ta có thể nói được trôi chảy về Tứ Diệu Đế, nhưng mà ta không có khả năng áp dụng giáo lý đó trong đời sống đích thực của mình.

Gia Đình Phật Tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Giữa những phụ huynh với nhau cũng có khổ đau, có bất hòa, có giận hờn, rồi cũng có thể đi tới tan rã. Trong mỗi cá nhân của thành viên Gia Đình Phật Tử, trong mỗi Huynh Trưởng hay mỗi đoàn sinh cũng có tình trạng những hạt giống tốt không được tưới tẩm khi tới với nhau. Có thể các Huynh Trưởng chưa học được phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt trong các em và trong bản thân của mình. Đã vậy trong khi nói, khi làm, khi chơi, lại vô tình tưới những hạt giống xấu. Nếu những hạt giống xấu mạnh hơn hạt giống tốt thì khổ đau sẽ tràn lấp, sẽ chiếm thế thượng phong. Vì vậy cho nên người nào cũng đi tìm những trò giải trí, những thức ăn, thức uống để quên đi nỗi khổ niềm đau trong lòng của mình. Nếu Gia Đình Phật Tử lâm vào tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử đóng được vai trò của mình mà can thiệp vào tình trạng của đoàn sinh, giúp cho gia đình của đoàn sinh đó bớt khổ?

MÓN QUÀ CHO QUÊ HƯƠNG
Ba ngày của chúng ta đây, ba ngày mà chúng ta tập họp, sống với nhau, ngồi bên nhau, thở với nhau, đi thiền hành với nhau, chúng ta hãy tập quán chiếu để tìm ra con đường làm mới cho tổ chức của chúng ta. Tôi muốn rằng đó là một món quà mà chúng ta sẽ gửi về quê hương cho các bạn ở Việt Nam. Vậy thì trong ba ngày này chúng ta phải có mặt cho nhau, có mặt đích thực với nhau. Chúng ta phải cùng nhau bước những bước chân thiền hành cho vững chãi. Chúng ta phải cùng nhau ngồi cho thật yên, thở cho thật có ý thức, rồi với năng lượng chánh niệm, chánh định đó mà chúng ta sẽ nhìn sâu vào tình trạng của chúng ta, tình trạng của Gia Đình Phật Tử trong nước cũng như ngoài nước. Và chúng ta sẽ phát kiến ra được những cái chúng ta gọi là ‘tuệ giác’. Những tuệ giác đó là hoa trái của khóa tu này mà chúng ta sẽ hiến tặng cho quê hương và cho đoàn thể của chúng ta. Chúng ta phải sống sâu sắc thì món quà đó mới có giá trị. Còn nếu chúng ta chỉ sống hình thức thôi thì món quà đó tuy có mặt nhưng không có chất liệu cao như chúng ta mong ước.

MỘT NGUỒN SINH LỰC MỚI
Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng ở dưới đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để đưa về sự dinh dưỡng cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại linh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi nào nó ngừng sự lớn lên là bắt đầu có sự thoái hóa. Vì vậy ta phải làm đủ cách để cho cái cây Gia Đình Phật Tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị ngưng lại. Khi mà sự lớn lên bị ngưng lại thì nó bắt đầu già cỗi. Chúng ta biết rằng biến cố chính trị trong nước đã không cho phép chúng ta làm công việc đó một cách dễ dàng trong mấy chục năm qua. Ở trong nước và ở ngoài nước tất cả các bạn đều có chung một niềm thao thức về tổ chức. Phật giáo đã có mặt từ 2600 năm và trong thời gian đó Phật giáo đã có nhiều lần được đổi mới. Mà mỗi lần đổi mới như vậy thì đạo Bụt lại có sinh lực mới. Đó là quy luật chung của tất cả các tổ chức, các đoàn thể. Gia Đình Phật Tử chúng ta cũng vậy: lâu lâu, mười năm, mười lăm năm chúng ta cần phải có sự đổi mới. Vì vậy tất cả chúng ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người nào cũng mong ước có những cơ hội có thể tới được với nhau để cùng nhau quán chiếu về cách thức đổi mới, đem lại sinh lực mới cho đoàn thể chúng ta. Có thể nói rằng Gia Đình Phật Tử là một đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên Phật tử có uy tín trên thế giới. Nếu chúng ta có thể làm mới được, nếu chúng ta có thể đem lại cho đoàn thể của chúng ta những chất liệu dinh dưỡng mới thì ta có thể đóng được vai trò của mình và ta có thể giúp được những đoàn thể thanh thiếu niên Phật tử khác trên thế giới. Chúng ta biết rằng những người ở trong nước và những người ở ngoài nước có liên hệ với nhau rất mật thiết. Tất cả những gì chúng ta làm được ngoài này thì trong nước cũng được hưởng và tất cả những gì người ở trong nước làm được thì chúng ta cũng được hưởng. Cũng như vậy, khi mà chúng ta làm nên lỗi lầm, chúng ta có sự chia rẽ, sự chống báng nhau thì bên nhà, các Phật tử rất đau khổ. Mà nếu ngoài này chúng ta nắm tay nhau được, thương yêu nhau được, thực hiện được một vài công trình gì đó thì tiếng thơm bay về nhà và điều đó an ủi người bên nhà rất nhiều. Tất cả những công việc nào chúng ta làm ở ngoài này mà có tính cách xây dựng thì bên nhà đều được hưởng. Những quyển sách, những quyển kinh, những bài pháp thoại, tất cả những gì mà chúng ta thực hiện được ở ngoài này thì bên nhà đang được hưởng. Và tuy chúng ta không trực tiếp làm việc ở quê hương nhưng tất cả những sự tu tập, tất cả những công trình mà chúng ta thực hiện ở ngoài này đều có ảnh hưởng về bên nhà. Máu trở về tim.

- Tủ Sách Phổ Hòa ấn tống, 2019.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin