menu

CHA MẸ DÂN

View: 1299 -     VĨNH HẢO       24/07/2018 05:07:02 pm
CHA MẸ DÂN
CHA MẸ DÂN
CHA MẸ DÂN - VĨNH HẢO
Vào tháng 10, mùa đông, nhằm tiết đại hàn, giá lạnh, vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072) nói với các quan hầu cận rằng: "Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa.” (1)

Một lần khác, “Mùa hạ, tháng 4, vua ngự ở điện Thiên Khánh xử kiện. Khi ấy công chúa Động Thiên đứng hầu bên cạnh, vua chỉ vào công chúa, bảo ngục lại rằng: ‘Ta yêu con ta cũng như lòng ta làm cha mẹ dân. Dân không hiểu biết mà mắc vào hình pháp, trẫm rất thương xót, từ nay về sau, không cứ gì tội nặng hay nhẹ đều nhất luật khoan giảm’." (1)

Ở nơi chốn an ổn, ấm cúng mà chợt chạnh lòng nghĩ đến người đói rét trong ngục thất; cùng con gái chứng kiến việc xử kiện mà động lòng thương tưởng tội nhân.

Cả hai trường hợp trên, được ghi vắn tắt trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư theo lối biên niên (2), đều liên quan đến tội nhân, tù nhân. Xem ra, sử chỉ ghi sự quan tâm của nhà vua đối với tội nhân, tù nhân; nhưng nên hiểu lòng vua đối với dân cũng như thế. Nghĩa là vua cũng đặt lòng thương của mình đối với dân như cha mẹ đối với con cái, như quan niệm “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân) (3) được nói đến trong Kinh Thi (4).

Quan niệm vua/quan là cha mẹ của dân, ngay từ thời Mạnh Tử (372 – 289 trước Công nguyên), đã đổi khác, với chủ trương “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh.” (5) Thực ra, triết học chính trị và lãnh đạo Tây phương và Đông phương từ ngàn xưa đã xem dân là chủ nhân ông của đất nước; vua/quan là công bộc của dân (servant of the people). Lãnh đạo có mặt để phục vụ quần chúng chứ không phải để được quần chúng phục vụ. Dù vậy, tư tưởng “dân chủ” này, trớ trêu thay, dường như chỉ mới được đón nhận về mặt lý thuyết (và khẩu hiệu) tại Việt Nam trễ tràng vào thế kỷ 19, 20. Thực tế cho thấy, quan chức thời nay, dưới chế độ độc đảng luôn miệng lên án sự bất minh và độc tài của các chế độ vua chúa thời xưa, đã công khai tự nhận mình là “cha mẹ của dân,” theo cái nghĩa là có quyền đè đầu cưỡi cổ người dân, định đoạt mọi thứ cho đời sống của nhân dân. Người dân Việt Nam cho đến thời đại văn minh tân tiến ngày nay—thời đại mà các tiêu đề “tự do, dân chủ” luôn được rêu rao nhắc đến trên từng bảng hiệu và giấy tờ hành chánh—vẫn chưa từng được quý trọng, thương yêu bởi những người “công bộc” hay “đầy tớ.” Theo cách ấy, quan chức lãnh đạo ngày nay làm cha mẹ thì là cha mẹ vô tâm, thiếu trách nhiệm với con cái; còn làm đầy tớ thì cũng là đầy tớ phản chủ, vô luân.

Làm thế nào mà một vị vua được cả nước tôn quý, đứng trên thiên hạ, ở nơi cung vàng điện ngọc mà vẫn xót thương, tưởng nghĩ đến tù nhân và dân đen? Có khi nào những người lãnh đạo ngày nay dành một phút nhìn thẳng vào thực trạng thống khổ của nhân dân, thay vì chỉ lo tìm cách trấn áp, bỏ tù người dân có ý kiến trái ngược với mình? Có thể nào lãnh đạo ngày nay dừng lại một phút, bớt nói bớt luận bàn, bớt tìm kế sách bảo vệ đảng phái và ngôi vị của mình, để lắng nghe tiếng nói trung thực và tiếng kêu đau thương của người dân?

Vua Lý Thánh Tông sở dĩ có tiếng là vị vua nhân đức, thành công trong việc trị quốc an dân, là nhờ lòng thương chân thành đối với con cái, cũng như đối với con dân (6). Lòng thương không hề là điểm yếu của một chế độ, một chính thể. Lòng thương không làm nhu nhược, yếu hèn đi dũng khí của trượng phu; ngược lại, có thể làm chất liệu hàn gắn những vụn vỡ, phân ly, tạo sức mạnh hòa hợp, đoàn kết trong toàn dân. Bằng chứng là trong thời gian 18 năm tại vị, ông vua nhân từ Lý Thánh Tông đã đánh Tống, bình Chiêm, với những chiến công lẫy lừng khiến quân Tống không còn dám xâm lấn Đại Việt, và vua Chiêm phải đầu hàng, triều cống cả ba Châu (Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính – ngày nay là một số các huyện thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị).

Chuyện người xưa làm, không khó: cha mẹ thì phải ra cha mẹ, công bộc thì phải ra công bộc. Thương dân như con đẻ thì phải làm tất cả cho dân, vì dân; chứ không phải chỉ thương nơi cửa miệng hay khẩu hiệu. Đối với gia đình, cha mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, còn phải biết lắng nghe, nhận biết sở trường, sở đoản, cảm nghĩ, lý tưởng và quan niệm sống của con; và trên tất cả, phải thương yêu con. Không có thương yêu thì cha mẹ không còn là cha mẹ.

Lãnh đạo có lẽ không cần phải học đòi chiêu thuật chính trị nào để an dân, mà chỉ cần nuôi lớn và biểu hiện lòng thương của cha mẹ, chân thành dành cho muôn dân. Cha mẹ sinh dưỡng con cái không phải để được con cái phụng sự, mà chính là để yêu thương, chăm sóc bằng cả lòng thương và trách nhiệm trọn đời của mình. Không thể làm cha mẹ của dân được thì hãy cúi mình làm công bộc, làm con cháu, tận tụy phụng dưỡng nhân dân như chính cha mẹ của mình.

Ý tưởng này không có gì mới. Nhưng cũng chẳng bao giờ lỗi thời trong việc hộ quốc an dân, nhất là trong giai đoạn cùng khốn nguy vong của đất nước.
California, ngày 19 tháng 7 năm 2018.
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info

CHÚ THÍCH

(1) Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ Toàn Thư, Quyển 3.
(2) Ghi chép sơ lược các sự kiện hay biến cố xảy ra từng năm, gom thành biên niên sử từng thập kỷ, thế kỷ, thiên kỷ.
(3) Quan niệm của Nho gia ngày xưa, xem vua là cha mẹ của dân; các quan chức lớn nhỏ cũng theo đó mà tự đặt mình vào ngôi bậc cha mẹ để chăm sóc, cai trị dân như cha mẹ chăm nom con cái. “Kinh Thi nói: "Vui thay người quân tử, là cha mẹ của dân." Điều gì dân thích, thì mình thích, điều gì dân ghét, thì mình ghét. Như vậy thì gọi là cha mẹ dân.” (Thi. Tiểu nhã. Nam Sơn hữu đài, chương 2, câu 3-4).” Trích lại từ Đại Học, phần Bình Thiên Hạ, do Tăng Tử (tức Tăng Sâm, 505 - 435 TCN) truyền lại.
(4) Kinh Thi là một trong Ngũ Kinh, 5 kinh điển nền tảng cho học thuyết Nho giáo (gồm Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân Thu), tương truyền là do Khổng Tử biên soạn.
(5) Dân là quý nhất, thứ đến là xã tắc, sau cùng mới là vua. Mạnh Tử (372 – 289 trước Công nguyên) được xem là người kế thừa học thuyết của Khổng Tử (551 – 479 trước Công nguyên).
(6) Hãy đọc thêm nhận xét của sử gia Ngô Sĩ Liên viết về vua Lý Thánh Tông: “Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài.” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Quyển 3)</
>

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin