menu

Cảm ơn Gia Đình Phật tử

View: 1260 -     Vĩnh Hảo       26/07/2018 08:07:15 pm
Cảm ơn Gia Đình Phật tử
Cảm ơn Gia Đình Phật tử
Tôi luôn đặt tin tưởng nơi tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN). Trong niềm tin tưởng nầy, còn có sự ngưỡng mộ, yêu thương đối với một tập thể trẻ trong đồng phục màu lam hiền hòa, và nhất là mục đích cao đẹp mà ở đời nầy—ngoài tập thể những bậc xuất gia được đặt ở vị trí cao tột là một trong ba ngôi báu (Tam Bảo)—có thể nói không có tập thể nào mang danh nghĩa người con Phật được xứng đáng ca ngợi tán dương như là những đàn anh, đàn chị (huynh trưởng) trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Với mục đích “Đào luyện thanh – thiếu – đồng niên thành Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo,” GĐPTVN đã kinh qua 66 năm (*) trong việc giáo dục và đào luyện, nuôi dưỡng bao thế hệ mầm non Phật giáo. Với một bề dầy thời gian như thế, GĐPTVN đã vượt qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử của đất nước, chứng kiến bao đổi thay của nhân tâm, thế sự; và vẫn kiên gan tồn tại với chiếc áo màu khói hương, nhu hòa, nhẫn nhục.

Điều kỳ diệu là sau năm 1975, các huynh trưởng GĐPTVN đã mang theo màu áo và mục đích cao đẹp ấy ra hải ngoại, tiếp tục sứ mệnh “đào luyện” đàn em, đàn con trở thành Phật tử chân chính. Sứ mệnh nầy không nhỏ, và không dễ. Các huynh trưởng tiếp nối nhau, gánh vác việc chung nầy một cách tự nguyện, từ lúc còn thanh niên cho đến tuổi lão niên, vẫn còn mặc đồng phục lam, đội nón tứ ân, đến chùa mỗi tuần để dạy dỗ, hướng dẫn, và để nhìn ngắm, thưởng thức sinh hoạt vui tươi của đàn con em, chập chững những bước đầu như thuở ấu thời của mình. Hình ảnh nầy có vẻ gì tương đồng với một vị sư già lặng nhìn các chú tiểu vui chơi nơi sân chùa.

Tuổi nhỏ của tôi đã không có nhân duyên tham gia sinh hoạt làm oanh vũ, thiếu niên hay thanh niên gì với tổ chức GĐPTVN, nhưng từ trong cửa chùa, và từ cửa sổ của giáo hội nhìn ra, tôi vẫn luôn nhìn thấy GĐPTVN song hành với con đường tôi đi.

Một ngày, khi cháu trai lên 6, tôi bắt đầu thấy lo vì không biết dạy dỗ như thế nào để nuôi dưỡng hạt giống Phật của nó, chí ít là qua khỏi tuổi trưởng thành. Cậu bé hồn nhiên, tâm tư như tờ giấy trắng, tôi thật chẳng biết bắt đầu từ đâu. Dạy tụng kinh, niệm Phật, giáo lý, ngồi thiền ư? – Không được. Tôi không biết dạy Phật Pháp cho con nít. Rồi tình cờ đến chùa Phổ Đà để thăm một vị thầy từ phương xa ghé lại, nhằm lúc GĐPT đang sinh hoạt. Tôi như thức tỉnh. Cả một kho báu đây rồi, còn tìm đâu xa! Vậy là tôi đưa cậu nhỏ đến. Dĩ nhiên tôi có thể gửi cháu ở các đơn vị GĐPT gần nhà nhất chứ không cần phải đi xa đến chùa Phổ Đà. Nhưng tôi cũng có chọn lựa của tôi: thay vì đem cháu đến một đơn vị GĐPT nằm trong hệ thống giáo hội mà tôi đang sinh hoạt, tôi lại đem cháu đến một đơn vị “ngoài giáo hội.” Tôi muốn các vị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương của “các bên” hiểu rằng khi đến với GĐPT, tôi không ở bên này hay bên kia. Đó là chọn lựa có vẻ như vô tư, mà thực ra là cố tình. Mặt khác, các mầm non con Phật đến sinh hoạt ở chùa, và GĐPT, không hề phân biệt chùa nầy thuộc giáo hội nào, GĐPT nầy thuộc Ban Hướng Dẫn nào… thì tại sao tôi phải chọn lựa giùm cho cháu, đánh mất vẻ hồn nhiên trong sáng (dù cháu vô tư không hề biết hay cảm nhận nổi những việc của người lớn).

Theo điều lệ của GĐPT Phổ Đà, cháu mới 6 tuổi, chưa được nhận, cháu đứng khóc mếu máo. May có thầy trụ trì thấy tội, xin giùm cho cháu thêm 1 tuổi, và cháu đã được nhận vào đoàn, đến nay đã được 5 năm.

Mỗi tuần đưa đón cháu đến chùa sinh hoạt, tôi luôn say mê nhìn ngắm, lắng nghe các em vui chơi, học tập, tụng kinh, hát hò… Tôi thấy một khoảnh sáng của tương lai Phật giáo nằm ở nơi các đoàn sinh GĐPT. Mai sau, tất nhiên các em sẽ theo duyên mà đến với nơi nào thuận lợi nhất—biết đâu lại gắn bó với một tôn giáo khác; nhưng ít ra hạt giống Phật cũng đã được chăm bón kỹ lưỡng ở tuổi thiếu thời, rồi sẽ đơm hoa kết trái vào một lúc nào đó, trong không gian nào đó, dù còn chiếc áo lam hay không.

Cảm ơn Gia Đình Phật Tử.

Vĩnh Hảo

____________

(*) Tính từ khi chính thức thành lập vào các ngày 24, 25 và 26 tháng 4 năm 1951 tại Chùa Từ Đàm, Huế. Còn nếu tính cả giai đoạn có mặt của các Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (1940), Đoàn Đồng Ấu (1941-1942) và Gia Đình Phật Hóa Phổ (1943) thì GĐPTVN đã có lịch sử gần 80 năm.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin