Chùa Là Cái Thiện Của Làng
Nhà văn Phạm Xuân Ðài (Phạm Phú Minh) – Ảnh: Uyên Nguyên
Trong truyện ngắn Người Ở Làng Pháo đăng trên một tờ báo Sài Gòn năm 1990, tác giả Nguyễn Khải đã cho nhân vật chính, một bí thư huyện ủy có tinh thần đổi mới tại một làng địa phương miền Bắc nói những lời này:
“Làng tôi có nghề pháo là nghề của Tổ cho, thì nhà nhà đều được quyền làm pháo, cấm thế quái nào được. Ðình là cái gốc của làng, tôi hô hào dân chúng bỏ tiền ra tu sửa, soạn lại thần phả. Chùa là cái Thiện của làng, tôi mời sư về trông nom, tối một hồi chuông, sáng một hồi chuông, thằng ăn cướp nghe chuông mãi cũng có lúc phải hồi tâm nghĩ lại. Có cơm để ăn, có Phật để lễ, người ngợm lại khác ngay, lại hiền lành tử tế không đâu bằng.”
Cái làng pháo mà tác giả tả là hình ảnh thu nhỏ của xã hội Việt Nam sau mấy mươi năm trong chế độ cộng sản: cái gốc bị phai mờ, tình cảm tốt đẹp nhân hậu giữa người với người không còn, kinh tế kiệt quệ, người ta chửi rủa nhau, hãm hại nhau, chia bè, chia cánh, cường hào (tức cán bộ lãnh đạo đảng và chính quyền địa phương) nổi lên thi nhau bách hại dân chúng. Thật giống như anh em sinh đôi với xã hội Trung Hoa dưới thời Mao đã được một tác giả Trung Hoa viết gần đây:
“Cố gắng lớn nhất của chúng ta mười mấy năm nay không phải là cải thiện mối quan hệ giữa người với người mà là cắt đứt mọi sự qua lại chiều ngang giữa con người với con người. Thậm chí tớ cho rằng đó là điều tai họa lớn nhất mà chúng đã gây ra. Chúng đã phá hoại sạch trơn mọi thứ tin cậy, thiện ý, nhân đạo và nghĩa hiệp khí khái giữa con người với con người, đã biến con người thành cáo và chó sói.” (Trương Hiền Lượng, trong tiểu thuyết Một Nửa Ðàn Ông Là Ðàn Bà, bản dịch xuất bản ở Sài Gòn năm 1990).
Tác giả Nguyễn Khải đã tạo ra một mẫu người lãnh đạo mới tại địa phương để mong cứu vớt cái xã hội gớm ghiếc ấy tại xứ sở mình. Mẫu người này rõ ràng không phải là cộng sản chính cống theo giáo điều, vì với giáo điều “tôn giáo là thuốc phiện của dân chúng” thì anh ta không thể cho rằng “Chùa là cái thiện của làng.” Người này cũng không phải là một kẻ thực dụng, trước cảnh phá sản tinh thần và vật chất của địa phương mình vội vã tìm bất cứ phương thuốc gì để cứu chữa, kể cả thuốc phiện, vì rõ ràng anh ta trực giác được – thông qua truyền thống nằm trong vô thức của anh – những giá trị nhân bản rất sâu xa mà cộng đồng người nào trên trái đất này cũng cần để phát triển bình thường, thờ kính tổ tiên, tôn trọng truyền thống, nâng niu đời sống tâm linh và không o ép người dân trong làm ăn sinh hoạt. Người này chỉ đơn giản là đặt lại đúng vấn đề, “đặt lại” mọi chuyện như nó vốn có, sau mấy mươi năm đảo lộn tứ tung.
Ðặt lại vấn đề như nó vốn có trong xã hội Việt Nam cổ truyền thì phải xem tôn giáo là một yếu tố quan trọng. Những người cộng sản Việt Nam khi áp dụng chủ nghĩa duy vật và đưa đất nước vào một cuộc phiêu lưu mới, đã dứt khoát phủ nhận vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội. Họ tạo ra một cái thang giá trị đạo đức khác với cái mà loài người đã tạo ra qua lịch sử tiến hóa của mình, trong đó kinh nghiệm tâm linh đã được khẳng định nhiều ngàn năm như là một khát vọng và một khả năng của con người hướng về cái thiện tuyệt đối. Người duy vật hạ cái điểm tuyệt đối ấy xuống thấp, cụ thể, có thể nhìn thấy dễ dàng. Ðảng lãnh đạo, tức là đảng Cộng sản thành điểm tuyệt đối của mọi tình cảm: đó là nguồn gốc của mọi lẽ Thiện. Nó sẽ định ra mọi tiêu chuẩn cho đời sống tinh thần và vật chất. Nhưng điều đầu tiên là phải biết căm thù. Người ta học tập căm thù, thao dợt căm thù. Căm thù là tiền đề cho sự xây dựng một xã hội mới, trong đó có cái gọi là đạo đức. Rồi sau đó đến yêu đảng, yêu lãnh tụ, yêu giai cấp, tất cả phải là nền móng đầu tiên và là điểm vươn xa cuối cùng cho tình cảm đạo đức của một con người được sinh ra trong xã hội ấy. Các tình cảm khác là thứ yếu, hoặc có thể là tàn tích xấu xa của quá khứ, cần tiêu diệt. Sự thể nghiệm đời sống tâm linh hoàn toàn không cần thiết cho người cộng sản, nếu không muốn nói là một yếu tố phản động. Trước đây ở miền Bắc họ tìm mọi cách khống chế các tôn giáo, không cho dân chúng, nhất là lớp trẻ, sinh hoạt tín ngưỡng. Họ không thể hiểu cái phía bên kia của sự hợp lý, không chịu hiểu cái khả năng ngoài lý trí và tình cảm thông thường mà con người mang trong nó (hoặc hiểu mà muốn tiêu diệt đi).
Tôn giáo có cái công dụng thực dụng mà nó đem lại cho xã hội: vì sợ hãi sự trừng phạt của thế giới bên kia mà người dân hiền lành hơn, không làm việc ác. Nhưng sức mạnh chính của tôn giáo không phải là răn đe, dù là một cách êm dịu. Sức mạnh đó là cảm hứng về thể nghiệm điều Thiện nhờ việc hành đạo. Các lý thuyết chính trị, xã hội, triết học (kể cả môn đạo đức học) dù có khát khao cũng không làm điều đó được – tức là tự thân con người vươn cao một cách tự giác – vì chỉ đụng đến vùng lý trí chứ không phải vùng tâm linh của con người. Lý trí chỉ biếu cho con người sự hợp lý để phục vụ đời sống, trong khi thể nghiệm tâm linh giúp cho con người bay bổng, như sự khác nhau của một bài luận chứng kinh tế và một bài thơ. Tôn giáo là cái cửa mở lên trời của ngôi nhà nhân loại. Nhờ cái cửa ấy, ánh sáng nội tại trong con người được khơi lên làm rực rỡ ngôi nhà của mình.
Năm 1975, khi người miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào chiếm miền Nam, một trong những phát hiện đầu tiên của họ là: trẻ con miền Nam lễ phép quá và các thành phố miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn rộng lớn, lại trật tự, kỷ luật quá, (trong khi chúng ta, người miền Nam, đã cảm thấy Sài Gòn lộn xộn quá rồi, vào thời điểm ấy). Ðiều ấy có nghĩa là đạo đức xã hội chủ nghĩa, không biết đã được thực hiện ra sao ở miền Bắc, chứ sự biểu lộ sơ đẳng của một nền đạo đức là tính lễ phép nơi trẻ con và tinh thần tôn trọng pháp luật trong một đô thị thì hình như từ lâu rồi đã biến mất, và vào thời điểm 1975 đã thành một “của lạ” đối với con người miền Bắc. Như vậy có thật là một “nền đạo đức” đã được thành hình ở miền Bắc không?
Hồi chúng tôi mới ra ở một trại cải tạo trong tỉnh Thanh Hóa, một viên công an trẻ dẫn đội tôi đi lao động đã bảo một người bạn của tôi lẻn vào nhà kho của trại ăn cắp cho anh ta một món gì đó, người bạn của tôi từ chối, đã được người công an ấy “dạy” cho rằng: “Các anh vẫn không chừa cái thói tư sản: lương tâm, danh dự, rụt rè. Nói thực với các anh, nếu các anh vẫn giữ cái thói ấy thì các anh không sống được với xã hội này đâu.” Sau này chúng tôi mới thấm thía đó là sự thật hoàn toàn!
Có một câu thiệu thường được nhắc đến để chứng tỏ là có một nền đạo đức xã hội chủ nghĩa: “mình vì mọi người, mọi người vì mình.” Về ý nghĩa, câu ấy nửa có tính cách vị tha, nửa như gợi ý một sự đổi chác. Ðó chỉ là lời kêu gọi một thứ đạo đức thực dụng. Ánh sáng của cái Thiện hầu như đã tắt ngấm ở khắp mọi nơi.
Cuộc giao lưu hai miền Nam Bắc năm 1975 đã làm nổi bật sự khác biệt giữa con người hai miền. Người miền Nam nhân hậu hơn, người miền Bắc xã hội chủ nghĩa nói chính trị giỏi hơn. Nhìn chung đời sống tinh thần thì người miền Bắc có cái gì ngắn hơn, hẹp hơn người miền Nam. Ðiều này dễ hiểu vì miền Bắc bưng bít thông tin triệt để, dân chúng chỉ được nghe và đọc những gì nhà nước cung cấp. Nhưng không chỉ có thế. Họ còn thiếu cả cái vẻ nhẹ nhõm mộc mạc mà người ta có thể gặp ở một số dân tộc bán khai tuy ở biệt lập với thế giới bên ngoài mà vẫn tự do sinh hoạt tâm linh. Tức là người dân trong xã hội miền Bắc không những bị ngăn chặn thông tin với thế giới bên ngoài mà còn bị ngăn chặn với thế giới bên trong của họ: họ thiếu tôn giáo, thiếu hẳn sự thể nghiệm, sinh hoạt cái tâm thức sâu thẳm và phong phú vốn con người ai cũng có. Thoạt đầu họ hãnh diện về điều này, cho là họ đạt được một bước tiến bộ hơn dân miền Nam hãy còn nhiều mê tín, lạc hậu, nhưng năm tháng trôi qua, trong điều kiện dễ dãi hơn, họ bắt đầu tự khai mở và thăng hoa khả năng về tâm linh vốn chỉ có nó mới cho con người một ý niệm đạo đức thật sự và khiến con người nhân đạo hơn. (Con gái ông Trường Chinh, một kiến trúc sư, bây giờ ở Ðà Lạt, đang thờ Phật trong nhà, tôi cho rằng chẳng có gì lạ). Khi mới chỉ thoạt tiếp xúc với xã hội miền Nam họ ngạc nhiên trước việc điều đình, chùa, nhà thờ, miếu mạo được xã hội công nhận thực sự là chỗ tôn nghiêm và được dân chúng sùng kính một cách thành thật và công khai. Rồi ký ức cá nhân hay tập thể nơi họ dần dần hồi phục mách bảo họ rằng những điều ấy chẳng có gì lạ cả, nó chỉ là một nếp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam mấy mươi năm qua được tiếp tục ở miền Nam mà thôi.
Quan hệ giữa chính quyền cộng sản và tôn giáo luôn luôn là một quan hệ căng thẳng chứ không bao giờ là một sự hòa hợp. Ðó là sự ở chung một nhà của hai kẻ không bao giờ thừa nhận nhau mà chỉ chờ ngày cáo chung của nhau. Những giáo hội thầm lặng cố gắng nuôi dưỡng đức tin trong một cõi giống như địa ngục, cố gắng vừa hòa hợp vừa chống chọi với hàng ngũ “tu sĩ quốc doanh” của nhà nước tung ra để mác-xít hóa các tôn giáo, và người ta hay dùng chữ “yêu nước” (Phật giáo yêu nước, Công giáo yêu nước…) để che giấu ý đồ này, làm như các tôn giáo tự nó không bao giờ biết yêu nước là gì. Chùa chiền cổ ở miền Bắc rất nhiều nhưng đều biến thành các di tích, và không thiếu các nhà thờ ở thôn quê biến thành nhà kho nông nghiệp. Cuộc tranh đấu không cân sức giữa chính quyền và các giáo hội dằng dai một cách không ngờ, một bên đầy đủ quyền hành, thủ đoạn và ý chí bóp chết bên kia, một bên chỉ còn một vũ khí duy nhất là cái ánh sáng bên trong, tuy không lộ ra là một sức mạnh áp đảo, nhưng bền bỉ vì được “tu luyện” hàng ngàn năm, bên kia thổi mãi vẫn không tắt được.
Người ta kể cho nhau nghe mẩu chuyện giữa một cán bộ cộng sản cao cấp và một giáo sĩ Thiên Chúa người Tây phương tại Sài Gòn, năm 1975:
“Các ông đã thấy sự thành tựu vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản chưa? Mới ra đời có hơn một trăm năm nó đã toàn thắng trên nửa quả địa cầu, và vừa rồi toàn thắng trên cả nước Việt Nam. Còn đạo Thiên Chúa của các ông, ra đời đã hai ngàn năm, vẫn không đem lại một cái gì cụ thể cho nhân loại như là cuộc cách mạng vô sản của chúng tôi.”
Vị linh mục trả lời:
“Những điều ông nói đều đúng. Nhưng tôi tự hỏi hai ngàn năm nữa thì chủ nghĩa cộng sản có còn là gì không, như là đạo Thiên Chúa đã tồn tại hai ngàn năm qua?”
Vị giáo sĩ ấy bị trục xuất ngay khỏi Việt Nam. Vì sao? Tôi nghĩ vì ông ta đã gieo một nỗi run sợ cho người cán bộ cộng sản khi đưa ra một viễn tượng ngoài khả năng nhìn của họ.
Ðảng cộng sản Việt Nam trong năm 1990 vừa long trọng khẳng định lại địa vị độc tôn của mình, quyết không từ bỏ chủ thuyết Mac-Lênin và cuộc cách mạng vô sản, khẳng định lại là chủ nghĩa tư bản “sẽ giẫy chết” (thay vì đang giẫy chết). Người ta không phủ nhận thời gian này vẫn là thời kỳ quá độ, nghĩa là mọi cái không phải thuộc tính của chủ nghĩa cộng sản chỉ là tạm thời, là thỏa hiệp giai đoạn. Như vậy ai mà biết được cái cơ chế kinh tế theo thị trường và cho phép tư hữu như hiện nay sẽ tồn tại được bao lâu trước khi đảng thấy có thể lại quay trở về tập thể hóa, diệt tư hữu, đánh tư sản v.v… vốn là cái cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản? Nhiều cái còn mập mờ. Vấn đề tôn giáo cũng thế. Cho đến nay, đảng cộng sản không bao giờ chính thức thừa nhận sự cần thiết của nó. Chính sách có phần dễ dãi cho tôn giáo hiện nay có vẻ là: sở dĩ tao cho mày sống là vì tao chưa giết được mày đó thôi. Trong khi đó, các tôn giáo ngày càng chiếm lĩnh quần chúng ở mọi cấp độ; một số không ít đảng viên đã đến với tôn giáo và hầu hết đều quay về với sự thờ cúng tổ tiên mà họ đã rất lơ là hàng mấy chục năm, trong khi sự quyến rũ của chủ nghĩa cộng sản trong dân chúng xem như đã triệt tiêu. Cái duy nhất nó còn lại là bộ máy quyền lực khá mạnh để duy trì một cái đảng treo lơ lửng vì không có chỗ đứng trong lòng người dân.
Các nhà văn, nhà văn hóa trung thực ở đây đã nhìn thấy sự cần thiết mở rộng và nâng cao tâm thức của người dân, điều mà chỉ có tôn giáo hoặc một thực hành theo lối tôn giáo mới có thể đạt được. Nhà văn Nguyên Ngọc trong một bài báo phê phán sự nông cạn, hẹp hòi, vụ tuyên truyền của chương trình văn học trong nhà trường, đã kêu gọi đào sâu hơn nữa về cổ văn, mở rộng việc chọn lựa tác phẩm giảng dạy, và độc đáo hơn, gợi ý cả việc giảng dạy kinh Phật và kinh Thánh, vốn là những kho báu của nhân loại chứa đựng những cảm hứng vô tận về những vấn đề nhân bản.
Còn tác giả Lê Ngọc Trà trong một bài bàn về sự thách thức của văn hóa khi nó được mở rộng và phát triển đối với lực kềm kẹp của chính quyền, đã kết luận: “Người có văn hóa càng cao thì lòng nhân ái và chữ tâm lại càng phải sáng.”
Và trên tạp chí Sông Hương số 3/90 (số cuối cùng trước khi bị đóng cửa), Nguyễn Huy Thiệp đã viết: “… Ý thức tín ngưỡng hướng thượng khác với mê tín dị đoan. Tôi đã thấy những thành kiến tôn giáo làm cho tư tưởng các nhà văn ở ta thấp kém đi như thế nào. Những nhà văn tiến bộ không ủng hộ thần quyền nhưng cũng không giữ những thành kiến tôn giáo. Ý thức tín ngưỡng, hướng thượng, vươn lên sự cao cả, chân lý, cái đẹp, sự tuyệt đối phải là những hòn than đỏ ủ trong tác phẩm nhà văn.” (Khoảng Trống Ai Lấp Ðược Trong Tư Tưởng Nhà Văn)
Cái công thức: “Có cơm để ăn, có Phật để lễ, người ngợm lại khác ngay, lại hiền lành tử tế không đâu bằng” của anh chàng huyện ủy trẻ tuổi xem ra đơn giản mộc mạc nhưng không phải là không sâu sắc. Nó thâu tóm những gì rất người, mà lại rất Việt Nam. Ðiều khó hiện nay là chỗ này: “Chùa là cái Thiện của làng, tôi mời sư về trông nom…” Sư đâu mà mời, trong cả nước và nhất là miền Bắc hiện nay, sự đào tạo tu sĩ vẫn còn hạn chế, khó khăn lắm! Niềm ao ước bức thiết của mọi người – của xã hội ta – bây giờ là có thật nhiều bậc chân tu. Ðể đạt được điều đó, ngoài cố gắng tự thân của các giáo hội, còn phải có sự yểm trợ của toàn xã hội, của người Việt trong và ngoài nước. Chắc chắn phải gặp nhiều thử thách gay go. Cần phải kiên trì. Ðến ngày nào mỗi làng Việt Nam, nhất là ở miền Bắc (vì sự phá sản ở đây nặng nề nhất) sớm chiều có tiếng chuông ngân nga, chùa là cái Thiện của làng, lúc ấy người Việt Nam, với tâm thức được khai mở trở lại về cội nguồn uyên nguyên của dân tộc, mới thực sự ở ngưỡng cửa của một mùa xuân mới, và chỉ lúc đó mới có thể bắt đầu trở lại một cuộc đời tốt đẹp.
Sài Gòn 31/10/1990
Phạm Xuân Ðài
(*) Trích từ cuốn tùy bút Hà Nội Trong Mắt Tôi, Thế Kỷ (California) xuất bản năm 1994.