menu

Dấu ấn Thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm - Guga

View: 1099 -     Tuệ Nguyên       18/08/2018 07:08:34 am
Dấu ấn Thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm - Guga
Dấu ấn Thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm - Guga

Dấu ấn Thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm - Guga
 

Dấu ấn Thiền và sự khải ngộ trong thi ca Chăm 

Đồng thời với các công trình nghiên cứu có hệ thống về văn hoá vật thể Chăm mà điển hình là những đền tháp trong đó kiến trúc, điêu khắc …..luôn phát lộ những điều kỳ diệu, thì ở đây thi ca Chăm vẫn ẩn sau trong mạch ngầm phi vật thể dù đã được khơi chảy, lặng lẽ trong trào lưu thời đại trôi xuôi, đột nhiên dừng lại trở mình ngược dòng âm thầm về nguồn cuội dưới tác động của triều cường đêm không trăng mù mịt.

Dân tộc Chăm có một bề dày lịch sử, một nền văn hoá cao thâm không chỉ ẩn tàng nơi tháp Chàm hùng vĩ đang xuống cấp theo thời gian mà ngụ cư chính trong thi ca Chăm cũng đang dần mai một lãng quên trong tư duy cảm thụ, sáng tạo, kế thừa …trong thế hệ con dân Chăm hôm nay. Có nhiều lý do để kiến giải hiện tượng này nhưng mỗi người Chăm không ai tự xác định vấn đề để có một cái nhìn đúng đắn toàn cục. Từ đó có những nhận định chủ quan phiến diện dẫn đến phê phán lẫn nhau, không mang đến một hệ quả tốt đẹp mà còn gây chia rẽ, phân rã.

Một khi người Chăm không hiểu được chính mình, xa hơn là không hiểu được tổ tiên mình mà gốc rễ là văn hoá Chăm thì không thể trông mong gì vào thế hệ sau có thể làm tốt hơn; không nói là yêu cầu người ngoài hiểu được mình để có sự cảm thông hỗ trợ cần thiết cho cuộc sống ngày càng đấu tranh gay gắt.

Trong bài viết này, tác giả chỉ khơi gợi vài nét đặc trưng của thi ca Chăm với mong muốn được san sẻ một vài kinh nghiệm trong cách tiếp cận văn chương Chăm hơn là hướng dẫn truyền thụ có bài bản học thuật. Nói chung cách dạy và học, cách viết và đọc hôm nay khác biệt ngày xưa: biện chứng logic và thực nghiệm thay vì truyền khẩu nhập tâm và đồng vọng sáng tạo với thi ca Chăm, dấu ấn thiền và sự khải ngộ luôn là tiền đề, là điểm khởi hành để xuất phát.

I. THIỀN VÀ THIỀN CHĂM:

1. Khái niệm thiền:

Thiền là gì? ở đâu tới? có từ khi nào? Có lẽ không ai định nghĩa được, mà cũng không cần thiết định nghĩa vì bản chất của thiền là như thế – lấn theo dấu vết thiền phương Đông, đến dẫy núi Himalaya là mái nhà của trái đất nơi có nhiều nhà ẩn tu khắc kỉ đang ngồi thiền – những YOGI đang luyện YOGA với tư thế quái dị, những FAKIR đang hành xác với các thủ pháp khác thường – khả tín và khả tri khi được Thích Ca Mâu Ni toạ thiền và ngộ đạo dưới gốc cây bồ đề và khai sáng Phật giáo lưu truyền đến ngày nay. Con đường thiền từ Ấn Độ đi qua Trung Hoa qua Nhật Bản đã có zen thiền Nhật – còn bao nhiêu bí ẩn của thiền Mật tông Tây Tạng, Mông Cổ,.. và trong các nước Đông Nam Á chịu ảnh hưởng văn minh Ấn Độ. Riêng với thiền Chăm có lẽ đã thất truyền theo đà suy thoái lịch sử, phôi pha trong sự cảm nhận mang tính kế thừa, lãng quên dưới ánh sáng khoa học thực dụng để rồi lụi tàn trong sự khốn khó sinh tồn theo dòng chảy thời đại – vẫn còn một vài dấu vết để hi vọng, may ra …

2. Tâm Linh Thiền:

Dường như trong bất cứ dân tộc, tôn giáo nào cũng đều ẩn hiện bóng dáng thiền khi con người tĩnh tâm để tìm về bản ngã, tìm đến chân lý, tìm đến thượng đế, tìm đến một cảm thức siêu nhiên khi không thể nhận biết bằng giác quan trần tục. Với người Chăm, có thể nói thiền đã thất truyền bởi không thấy kinh sách nào nói đến, cũng không thấy trong tu tập sinh hoạt đời thường, có chăng chỉ là yoga dưỡng sinh và vài hình thức thiền định khác mang tính khoa học thời đại. Chỉ có thể cảm nhận lờ mờ trong tâm thức và hình thức sinh hoạt tôn giáo để nhận diện thiền Chăm. Xưa kia nơi các cụm tháp uy nghiêm thâm u kỳ bí, trong khói hương trầm nghi ngút, những tu sĩ đang tham thiền nhập định trước ngọn LINGA khai phóng năng lượng lên trời cao – nơi chốn rừng sâu núi thẳm, những cư sĩ Bàlamôn đang hành thiền bên hốc đá, bờ suối lưng chừng đối hay đang lang thang trong khoảng trời vô định.Vẫn còn thiền vũ Tandava, Shiva, Apsara, Garuda, hóa thân trong tượng đá phù điêu nơi viện bảo tàng và đây đó trong palei Chăm lưu truyền vài chuyện kể khác thường về các vị guru cao đạo. Giờ đây, tất cả đã vào quá vãng!

3. Sinh Hoạt Thiền:

Dấu ấn thiền Chăm còn đọng rõ nét trong lễ nghi tín ngưỡng nhưng ý nghĩa của nó không còn lột tả được trạng thái và cứu cánh của thiền. Một khi những lễ nghi tín ngưỡng này không còn cần thiết trong suy nghĩ, nhận định của lớp thế hệ kế tục mang hơi hướng thời đại mới, khi thiền Chăm ngày càng phôi phai và nguy cơ tuyệt tự. Một ông Gru đang hành lễ trong tư thế nghiêm trang, miệng lâm râm, tụng kinh mắt lim dim nhìn vào khoảng thông, bàn tay ngón tay biểu hiện những thao tác bí ẩn… Ong Mưdwơn, Muk Rija nằm thiền (đih swa) trong Rija dayơp, Riya praung… những ông Ka-ing trong những điệu múa cổ truyền đạt đến mức độ thăng hoa nhập đồng thoát xác, những hình thức trun pwơc mang tính thiên khải tiên tri … đều là tồn dư của thiền Chăm còn rơi rớt nên không mang tính hệ thống nền tảng cho sự nhận diện và nghiên cứu khoa học.

Ngày nay, trong một thế giới mà vật chất đang chiếm ưu thế dần đẩy lùi yếu tố tinh thần vào ngõ cụt dị đoan; tình cảm đạo đức đang lép vế dưới âm mưu thủ đoạn đã biến thiền thành món ăn xa xỉ đối với người phàm tục luôn phải đầu tắt mặt tối trong mưu sinh, thiền không còn độc quyền tải đạo của tu sĩ chân chính mà trở thành mốt thời thượng để phô trương của những kể học đòi. Người người tụng thơ thiền, viết văn chương thiền, chụp hình quay phim thiền, mở miệng ra lời thiền là thiền nhưng bụng dạ hẹp hòi ích kỉ. Thương thay!

II. Thiền trong thi ca Chăm:

Để cảm thu tốt tác phẩm văn chương yêu cầu tối thiểu với người đọc là phải có tinh thần văn chương: nghĩa là có một chút hứng thú và năng khiếu cho sự đọc để cảm và nhận. Còn ngược lại, nếu bạn hời hợt thì phí công vô ích và đôi khi có sự ngộ nhận hiểu lầm tai hại dẫn đến một hệ quả khôn lường. Đối với các tác phẩm trong lãnh vực khác như hội hoạ, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh…cũng vậy, cần đòi hỏi trang bị một số kiến thức căn bản để nhận diện và thưởng lãm. Riêng trong thi ca Chăm mà đặc trưng là Ariya luôn mang tính triết luận, tính hình tượng và tính khái quát rất cao, vô tình là một bức tường thành kiên cố cho những ai tò mò muốn tiếp nhận nó như những văn bản đại trà khác. Trong những bài đồng dao, ca dao, tục ngữ…Chăm còn lưu truyền cũng trong hình thái đó. Chúng không đơn thuần là những bài đứa trẻ con hát chơi, những câu bà mẹ ru con trở về giấc ngủ. Không phải ngẫu nhiên các bài đồng dao, ca dao, tục ngữ lại được lưu trữ cẩn thận trong ciet sách của những Po Dhia, Po Gru, những tu sĩ cấp cao của Bàlamôn. Trái với những Damnưy của ông Mudwơn, ông Kadhar mang tính dân dã, Kadha tiap kalơng của ông Gru Urang mang tính bí thuật.

Như đã trình bày ở trên, để cảm nhận một tác phẩm Chăm một cách trọn vẹn, ngoài các yếu tố cần thiết mang tính lí luận biện chứng, phân tích, quy nạp, … nếu vẫn chưa ổn thì sự khải ngộ sẽ giúp chúng ta khám phá theo một chiều hướng khác. Sau đây là một số bài đồng dao, ca dao tiêu biểu được triển khai:

1. Kauk (Con cò).

Kauk kauk, nhjơp hagait hư lawang? – Hadang o đong
Hadang hadang nhjơp hagait o đong? – Harơk ralo
Harơk harơk nhjơp hagait hư ralo? – Kabaw o bbơng
Kabaw kabaw nhjơp hagait o bbơng? – Jamơng o talaih
Jamơng jamơng nhjơp hagait o talaih? – Jabbaih o glơng
Jabbaih Jabbaih nhjơp hagait o glơng? – Tian pađik
Tian tian nhjơp hagait hư pađik? – Lisei mưtah
Lisei lisei nhjơp hagait hư mưtah? – Nhjuh bauk
Nhjuh nhjuh nhjơp hagait hư bauk? – Hajan tathaiy
Hajan hajan nhjơp hagait hư tathaiy? – Kiep garau caduk
Kiep kiep hagait hư garau tcaduk? – Ywa lingik padauk kuw yuw nan.

(dịch)
Cò cò tại sao mầy ốm nhom? – Do tôm không nổi
Tôm tôm tại sao mầy không nổi? – Bởi cỏ quá nhiều
Cỏ cỏ sao lại mọc nhiều? – Trâu chẳng chịu ăn
Trâu trâu sao chẳng chịu ăn? – Thằng Cọc không mở
Cọc Cọc sao mầy không mở? – Thằng sứt không chăn
Sứt Sứt ơi sao mầy không chăn? – Bởi bụng đau
Bụng bụng ơi sao lại kêu đau? – Do cơm sống
Cơm cơm sao mi lại sống? – Bởi củi ướt
Củi củi ơi sao mi ướt? – Mưa dầm dề
Mưa mưa sao mãi dầm dề? – Lũ nhái gãi mông
Nhái nhái ơi sao bây gãi mông?
Bởi trời sinh ta ra như thế

Nếu chúng ta hạn chế trong tầm nhìn kiến thức phổ thông được trang bị trong trường lớp thì đáp án của bài đồng dao này sẽ được suy diễn như sau tuỳ theo trạng huống:

a) Con cò ốm bởi lý do khách quan

- Diễn giải: Cò không có gì ăn bởi tôm không nổi lên. Đó là hệ quả trong định đề đảo từ việc con ếch gãi mông dẫn đến mưa dầm làm cho củi ướt không nấu chín nồi cơm khiến cho thằng Bbaih ăn vào đau bụng, không tháo dây dắt trâu đi ăn cỏ cho tôm nổi lên. Quá nhiều lý do móc xích dây chuyền từ đầu, làm cho con cò ốm.

- Ý Nghĩa: Cuộc đời quá nhiêu khê phức tạp, không nên đánh giá bản chất vấn đề qua hiện tượng nhất thời một cách nông nổi phiến diện. Không dựa vào hình thức để đánh giá nội dung, căn cứ vào thành bại để quyết toán một sinh thể.

b) Con cò ốm bởi lý do chủ quan:

Con cò lười biếng không chịu đi kiếm ăn, một thái độ sống tiêu cực há miệng chờ sung. Không chịu thích nghi hoà nhập với môi trường, không đấu tranh để giành giật cuộc sống cho riêng mình. Tại sao chỉ ăn một thứ tôm mà không ăn tạp như con ếch?

c) Con cò ốm bởi lý do xã hội:

Con cò ốm nhưng không tự nhận ông trời sinh ra mình như thế mà đùn đẩy trách nhiệm cho tôm, tôm lại đẩy đưa cho cò…Sau rốt quy trách nhiệm cho ông trời. Ông trời cũng không dám nhận nên bàn giao cho ếch và con ếch dũng cảm nhận lấy trách nhiệm về mình chứ không quy cho tập thể như loài người vẫn thường làm. Bài đồng dao nói về con cò thanh cao nhưng mục đích để tôn vinh con ếch thấp kém hơn?!

+ Sự khải ngộ của thiền:

Kauk là một bài đồng dao có cấu trúc đặc biệt, một câu hỏi kèm theo một câu trả lời ngắn gọn rõ ràng. Càng đặc biệt hơn khi nó không có bố cục dọc theo cách thông thường qua ba phần nhập đề thân bài và kết luận mà lại bố cục ngang theo một đường thẳng, mà tâm điểm 0 là câu thứ 6 có vai trò con người: Ja Bbaih. Đó là một đòn cân đĩa mà mỗi bên chia đều 5 câu, một đĩa cho con cò và một đĩa đựng con ếch. Con người là cây kim điều chỉnh sự thăng bằng giữa hai bên cân công lý và đạo đức. Ja Bbaih là biểu tượng của người nông dân, lực lượng chính để sản xuất của cải vật chất để nuôi sống con người. Là đại biểu của quần chúng nông dân, từ giai cấp nông dân nghèo khó muốn vươn lên phải trang bị kiến thức từ lao động và học tập – cuộc hành trình bắt đầu từ ý thức đến việc làm và có điểm đến rõ ràng – đó là mục tiêu: cây cọc! Anh ta phải tháo dây buộc để dắt trâu đi ăn cỏ để sẵn sàng cày cấy cho vụ mùa bội thu no ấm, khi cỏ dại đã phát quang xong thì mùa màng thu hoạch cũng đã đến! Những con tôm lộ ra và những con cò khoan thai tiếp nhận – con cò không còn ốm nữa, nó sẽ cất cao đôi cánh mượt mà trắng tinh bay lượn thanh bình. Con cò ở đây là biểu tượng của kẻ sĩ có nhân cách đạo đức và tri thức trí tuệ, cái đích mà người nông dân muốn đạt đến trong bất cứ thời đại nào – cái nhân cách thanh cao đó được biểu hiện qua việc chỉ ăn con tôm, chứ không ăn tạp để sống qua ngày, không chấp nhận luồn lách nịnh bợ để kiếm sống cầu vinh, thà nhịn đói ốm trong gầy mòn hơn là phải làm những điều xằng bậy phi nghĩa.

Nhưng người nông dân vẫn không thực hiện được ước muốn của mình vì bụng đói, đau yếu bệnh tật, ngoại cảnh thiên nhiên khắc nghiệt? Không! không phải ông Trời không chiều lòng người như câu “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên“ mà ở đây còn có cậu ông Trời chính là con ếch. Đây là thiên tử thay mặt trời và người để quyết định và áp đặt mọi việc – con trời đã khiến trời mưa để vạn vật sinh sôi nẩy nở tạo nên sự sống, nhưng nếu hành sự không đúng lúc hoặc thái quá thì sẽ gây thiên tai đại hoạ ảnh hưởng cho sự sinh tồn của nhân loại.

Ếch là con vật sống lưỡng cư, trời mưa sẽ tạo nguồn thức ăn phong phú cho loài ăn tạp này cũng như giúp chúng gọi bầy giao phối gầy dựng nòi giống. Nhưng cứ mưa mãi mưa hoài phục vụ cho loài ếch thì vô tình làm cho người nông dân khổ, kẻ sĩ rách nát gầy mòn. Ếch là biểu tượng cho quyền lực và tham vọng, của sự vị kỉ phàm phu và sự toan tính thấp hèn; là đối trọng với hình tượng con cò thanh cao yên bình trong cuộc sống. Một sự đối cách khá thú vị giữa hai con vật, cũng làm nổi bật sự khác biệt giữa hai đối tượng phần nào giúp “ngộ” có điều kiện phát tích. Hình ảnh con ếch với tư thế ngồi chễm chệ, bụng phệ, hai con mắt lồi trâng tráo luôn sẵn sàng táp mồi khiến chúng ta thấy con cò ốm đang co ro trong mưa, con mắt lạc hồn tuyệt vọng ngu ngơ mới đáng thương làm sao!.

2. Japlwai

Japlwai lwai ia / Mưja hwa gaiy
Kuw pan di laiy / Kuw cabauh di gơng
Ong Dơm Xơng / Anak maik Japlwai.

(dịch)
Japlôi lội nước / Con Chồn kéo ghe
Nắm lấy cẳng / Quẳng vào cột
Ông Dơm Sơng / Đứng trước mặt mẹ Japlôi.

Một số người đã giải thích bài đồng dao này thật logic biện chứng như sau.

- Thằng Plôi lội nước (vì mơ thấy bên kia sông) có một con chồn mắc bẫy (và đang lôi bẫy tìm cách trốn thoát), nhưng có ông nào đó tóm lấy cẳng nó quẳng người nó đập vào cột – thì ra đó là ông Dam San cao lớn chửi mẹ nó, ỷ lớn bắt nạt bé để cướp con chồn.

Thú thật, nghe xong tôi hơi chưng hửng pha lẫn cụt hứng, cười buồn và có chút thất vọng! Nếu đơn giản như thế thì bài đồng dao không có lý do để tồn tại cho đến bây giờ.

- Plwai có nghĩa là quả bí, Ja là từ vị đặt trước tên để chỉ con trai – thằng Plôi có dáng người thấp bé, mặt tròn như quả bí nên cha mẹ lấy hình dáng mà đặt tên – Mư là từ vị chỉ tên con gái, Mưja liến lắc hiếu động lủi thủi như con chồn nên cha mẹ dựa vào tính cách mà đặt tên. Theo thứ tự Japloi là anh, Mưja là em gái và nhà chỉ có 2 anh em. Từ nước đối với từ vựng văn học Chăm luôn bao hàm tính ẩn dụ 2 nghĩa: nước sinh hoạt và đất nước tổ quốc luôn xuyên suốt hoán chuyển theo ngữ cảnh ngữ nghĩa thích hợp. Trong văn hoá Chăm, thằng Plôi là con trai có nghĩa vụ phải chiến đấu, bảo vệ gia đình và tổ quốc nên nó đương nhiên phải thử nghiệm với nước. MưJa là con gái phải nội trợ vun vén việc nhà. Có lẽ Mưja cũng muốn ra ngoài bơi lội thoả thích như người anh nhưng phải lo sắp xếp quét dọn nhà cửa. Buồn quá nó lôi cái bẫy đi chơi một mình thì có lệnh bằng câu chửi, tiếng nạt nộ của người lớn. Ong Dam San, người cha dượng đang ở trong nhà với mẹ chúng nó! Chỉ 6 câu khái quát nhưng phơi mở một khoảng trời bao la trong đó nơi một vùng quê nghèo thấp thoáng một căn nhà nhỏ có 2 đứa trẻ mồ côi cha không được giáo dục chu đáo. Ông Dam San là hình tượng của một người khổng lồ có đủ quyền lực của kẻ chiến thắng đã tước đoạt mẹ chúng nó và cả ngôi nhà thân yêu. Nên nỗi thằng Plôi lêu lổng đi lội nước suốt ngày, Mưja buồn tủi lôi cái bẫy đi chơi vì không biết phải làm gì khi không còn cha dìu dắt hướng dẫn. Hệ quả tất yếu là thằng Plôi sẽ chết chìm trong nước, Mưja sẽ trúng cái cạm bẫy đời, mà mình đang cầm trong tay. Người mẹ yếu đuối không đủ khả năng bảo vệ bênh vực con mình. Ong Dam San luôn chửi bới, xua đuổi hai đứa trẻ và tương lai của nó không có lời giải đáp số!

3. Ciim.

Ciim đơm di dhan kluw pluh
Ciim nau mưsuh klak dhan mưjwa
Thei thuw ka tian kuw lipa
Nhjơm par di ia mưng thuw ka tian
Cơk glaung glai cơng mưng nak
Kau maung mai wơk o bboh dhan ciim.

(dịch)
Ba mươi chim đậu trên cành
Chim đi chinh chiến bỏ cành phôi pha
Có ai thấu hiểu lòng ta
Rau sam lót dạ may ra thấu tình
Núi cao che khuất tầm nhìn
Ngoái trông quê cũ đâu hình bóng em.

Chim là hình tượng tự do thanh bình trong thi ca Chăm và luôn là biểu tượng của đàn ông con trai. Chim đậu trên cành để xây tổ thay vì bay đi kiếm ăn hay chao lượn trong bầu trời bao la sáng tạo. Số lượng 30 ở đây để chỉ thời gian 30 ngày. Người con trai mới lấy vợ lập gia đình được một tháng nhưng vì thời cuộc nên phải dằn lòng ra đi chiến đấu bỏ lại người vợ trẻ mới cưới không nơi nương tựa, không người sưởi ấm… nơi làng quê tiêu điều hoang vắng. Còn đối với chàng trai? Đói khát gian khổ trăm bề! Ai hiểu được nỗi lòng chàng? Chỉ có rau sam cũng đang tìm sự sống trong nước ao hồ mà chàng trai phải ăn đỡ đói (vì không còn gì để ăn), có nằm trong cái bao tử trống mới hiểu cơn đói cồn cào xót ruột của người chiến sĩ. Có nằm trong ruột gan con người mới hiểu được nỗi nhớ nhung của chàng trai trẻ với người vợ mới cưới, với cha mẹ anh em, làng xóm quê hương. Rồi chàng trai nhìn về tương lai, phía trước là núi cao vời vợi, rừng thẳm ngút ngàn không một tia hy vọng để bám víu sinh tồn. Ngoái trông lại xa xa quê cũ cũng không thấy bóng dáng làng xóm đâu. Mái ấm gia đình giờ đã chìm trong khói lửa chiến tranh. Người vợ trẻ đã chết hay di tản trôi giạt đến phương trời nào? Một bức tranh nhạt nhoà vô vọng!

III. Thiền trong chuyện kể:

Chuyện kể của người Chăm thường biểu đạt trong Dalikal (Chuyện cổ tích) ở mức độ dân dã, hay được thần thoại hoá trong sử thi ở dạng cao hơn mà ngày nay dường như đang mất dần dấu tích. Dù sao vẫn còn rải rác trong ca dao tục ngữ … nhưng sự cảm nhận trong trào lưu văn chương hiện đại đã khiến cách nghĩ và hiểu theo một hướng khác làm sai lệch nguyên nghĩa ban sơ hay nói một cách khác là phủ nhận hoặc không tiếp nhận sự khải ngộ của thiền. Từ đó sự tiếp thu và kế thừa có nguy cơ đứt mạch và hậu duệ Chăm mai sau dần xa rời tư tưởng của tiền nhân.

Sunuw đơ abauh habei, Gru si brei đa ka abih.
Bùa phép bằng củ khoai, thầy muốn cho e rằng hết.
Sunuw đơ asar lingư, Hu khing ka hư brei hadiip ka kuw.
Tài phép bằng hạt mè, muốn có cho mình dâng vợ cho thầy.

Bình thường được hiểu là: tài phép của thầy cao siêu lắm lớn bằng củ khoai (sự sống vật chất) thầy muốn truyền lại nhưng e rằng đức độ, bản lĩnh của học trò không tiếp nhận được nên trở thành lãng phí thất truyền. Tài phép của thầy dù chỉ bằng hạt mè nhưng biến hoá khôn lường. Muốn đạt được thì phải dâng vợ cho thầy, ý nói phải có thử thách sự quyết tâm cầu học mới đạt được tâm nguyện. Nhưng ở đây, yếu tố thiền chỉ muốn khải ngộ rằng: Tài phép của thầy chỉ lớn bằng trái khoai (bauh habei) đã thấy rõ ràng, vì khoai chỉ ở dạng củ còn ẩn tàng dưới đất không thể nhận diện được. Một người thầy đúng nghĩa không bao giờ khoe khoang yêu sách. Câu sau: Tài phép chỉ bằng hạt mè nghĩa là nhỏ hơn, nhưng muốn học phải dâng vợ cho thầy cho ta thấy ý đồ của thầy không thiện chí. Chuyện muốn nói về một thời thế đã đổi thay vàng thau lẫn lộn nên những người cần học phải phân biệt được thực hư chân giả để chọn thầy và xác định bản thân mình. Đó là một câu nói để phản biện lại một câu chuyện khác cũng trong đề tài tìm thầy học đạo với ý đồ cảnh tỉnh đánh thức những người thầy chẳng ra thầy để sản sinh ra những người trò chẳng ra trò và là mầm móng của một xã hội nhiễu nhương.

+ Chuyện cổ Ấn Độ: Quỷ Vetala.

Chuyện kể về một ông vua tài trí và dũng cảm luôn một lòng vì nước vì dân nên sẵn sàng xả thân làm việc nghĩa. Vua hết lòng với con người, hoà nhập với thần linh và chấp nhận sinh hoạt với quỷ nếu cần thiết. Quỷ Vetala thông thái đã đặt nhiều câu hỏi hóc búa nhưng nhà vua đều hoá giải được và sau đây là chuyện cuối cùng:

a. Vợ và chồng:

Có một vương quốc nọ bị loạn lạc, một triều đại bị cướp ngôi và ông vua bị giết chết bởi kẻ phản loạn. Người vợ và đứa con gái đã dậy thì chạy nạn đến một vương quốc láng giềng. Tại đây có một ông vua goá vợ và người con trai đã trưởng thành đang đi săn. Hai người nhìn thấy dấu chân hai mẹ con bị nạn đang trên đường về kinh đô. Đã có thời gian hai cha con động viên nhau lấy vợ để an bề gia thất nên sẵn dịp này, hai người đã cam kết với nhau quyết tâm lấy hai người phụ nữ này làm vợ. Người cha sẽ lấy người đàn bà có bàn chân lớn và người con sẽ lấy người phụ nữ có bàn chân nhỏ – hoá ra bàn chân nhỏ là của người mẹ, bàn chân lớn là của người con. Hai vợ chồng họ sau này phải xưng hô với nhau như thế nào cho đúng?!

b. Cha mẹ và con:

Một đứa con bị bỏ rơi và được người khác dưỡng dục. Lớn lên cha mẹ ruột đứa bé đòi con. Ai sẽ chọn ai? Đứa con sẽ chọn cha mẹ nuôi nếu nó được giáo dục tốt, có trí thức và tình nghĩa. Đứa con sẽ chọn cha mẹ ruột vì cha mẹ ruột giàu có, quyền thế, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Đứa con sẽ chọn cả hai vì một lí do nào đó? Luật pháp không thể can thiệp bằng lí lẽ.

c. Thầy và trò:

Một người trò học với thầy hết bậc tiểu học. Giờ đây người trò năm xưa đã làm giáo sư tiến sĩ dạy nhiều trường đại học nổi tiếng. Người thầy cũ giờ đây mới có điều kiện học tiếp đại học và là học trò của người học trò thuở nào. Ai là thầy và ai là trò theo đạo lý Chăm?.

Qua những câu chuyện trên chúng ta thấy rằng có nhiều vấn đề không thể đơn thuần lấy lý lẽ để giải thích hay biện minh mà chỉ có thể chứng nhận trên một nền tảng cơ sở nào đó ngoài luân lý, phi tâm lý, phi đạo đức. Mỗi sự việc sẽ được quyết toán tuỳ theo quan điểm, nhận định của từng người. Trong những bối cảnh tình huống nhất định trong một nền văn hoá mà chúng ta được thừa hưởng. Nền văn hoá ấy biểu hiện, quy nạp trong bản chất từng cá nhân, giáo dục trong gia đình, ảnh hưởng tương hỗ ngoài xã hội, môi trường sống và kế thừa từ xa tít một nền văn minh thăm thẳm. Đối với dân tộc Chăm, những gì còn để lại là quá ít so với sự phát triển vốn có, nhưng ngày hôm nay những di sản đó dù chỉ là một câu thơ, truyện kể… lại được tiếp nhận một cách hời hợt, không đến nơi đến chốn và có nguy cơ bị thất truyền dưới sự tấn công hung bạo của kinh tế thị trường mà vật chất đang lấn át tinh thần, sự thô thiển giả trá đang bó hẹp sự tinh thâm chân thực. Còn đó ARIYA phải được soi sáng dẫn đạo theo đúng tinh thần chân nguyên của nó. Đó là dấu ấn thiền và sự khải ngộ cuối cùng nếu chúng ta muốn hiểu người xưa, hiểu người nay để có một hy vọng về người sau.

IV. Còn chút gì để nhớ:

Thuở bé tôi được nghe mẹ, dì bà đưa nôi hát ru (dauh dai), lớn lên được nghe cha, chú, ông kể chuyện cổ tích về một thời xa xưa oanh liệt hào hùng bi tráng… Hồi nhỏ tôi không hiểu gì nhưng tôi vẫn nhớ như in từng lời ca câu kể, lời hát ru của người Chăm rất đặc biệt, không chỉ là lời ru êm ái trong tình mẫu tử, những câu hò ru ngủ đứa bé ngây thơ yên giấc mà chính là những câu ca dao, đồng dao nói về cội nguồi xưa xa đầy bắt trắc.

Ông Kẹ để hù dọa những đứa trẻ không biết vâng lời hay khóc nhè làm nũng là Binh Bang Cabbang Kayuw chứ không phải là ông cọp, ông say rượu hay ma quỷ. Cách đây không lâu, khoảng mười năm về trước tôi vẫn còn nghe thoang thoảng giọng đọc ariya của những cụ già trong những đêm thanh vắng. Họ đang tụng kinh qua thi ca để tìm về đại ngã, thân phận con người.

Có lẽ chính họ đang hành thiền, và tôi một đứa trẻ ngây ngô khi nghe giọng đọc trầm trầm đều đều chợt nghe tâm hồn rúng động không nguyên cớ bỗng lâng lâng cõi lòng giạt trôi không bến bờ, lang thang về một nơi chốn mơ hồ vô định. Hôm nay những cụ già đã về thiên cổ, không còn giọng đọc thuở nào. Những Rija Praung, Rija Dayơp cũng dần thưa đi và những buổi Đih swa ngọa thiền không về trong tâm hồn ngây ngô thơ bé của tôi nữa. Tôi không còn được rung lục lạc (grong) con ngựa tộc họ hay vỗ tay gân cổ ahei, ahei …để nhận lễ vật nải chuối, quả lựu từ Muk Rija đang hóa thân tổ tiên về giao lưu với con cháu. Không còn háo hức nhìn ông Mưdwơn dai bwai tiến đưa những cô hồn về nơi cố quốc, Pwơc Jal về một cuộc tình xa trong đời người ngắn ngủi. Nhiều bạn trẻ tân thời đòi phá bỏ Kút, dẹp lễ nghi tâm linh mà họ cho rằng hủ tục mê tín dị đoan. – Swatik Sidhik khải ngộ cho những linh hồn bình an để thu nhận năng lượng mới; Heleh để yên tâm sự thịnh cầu; Bhaing bhaing…đwơc để chấp nhận chia xa trong sinh ly tử biệt. Aum là gì? Thiền là gì ? Tự thân ngộ để hiểu!

Còn chút gì để nhớ một khi con người chỉ muốn quên?!

Trích từ tạp chí Tagalau 6
Xem thêm: inrasara.com

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin