menu

Doãn Quốc Sỹ, văn chương và cái đói

View: 1009 -     Viên Linh       22/10/2018 06:10:43 pm
Doãn Quốc Sỹ, văn chương và cái đói
Doãn Quốc Sỹ, văn chương và cái đói

Viên Linh: Doãn Quốc Sỹ, văn chương và cái đói

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ do nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh chụp

 

Doãn Quốc Sỹ là một bút hiệu được biết đến từ giai đoạn giữa thập niên 1950, các bài viết ngắn dài ký tên đó xuất hiện trên các đặc san Người Việt, Sáng Tạo.

Tác giả cũng thuộc nhóm các nhà văn di cư của các tờ báo gọi là báo Bắc, chỉ xuất bản sau Tháng Bảy, 1954, tại Sài Gòn, kể từ khi đất nước bị phân đôi.

Như tôi còn nhớ, báo Bắc lúc ấy có các tờ Tự Do, Dân Chủ và Ngôn Luận, của nhóm các ký giả Tam Lang, nổi tiếng từ Hà Nội, Vũ Ngọc Các và Nguyễn Thanh Hoàng. Nhóm Tam Lang phần lớn là những vị đứng tuổi, hai nhóm sau trẻ hơn, khoảng trên dưới ba mươi. Doãn Quốc Sỹ ở nhóm Vũ Ngọc Các, lúc ấy có Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, Thanh Tâm Tuyền.

Vừa từ Bắc vào, dân di cư được phân tán ít ra là ở ba nơi, là Nhà Kiếng trên đường Lê Văn Duyệt, dành cho phụ nữ, phần lớn là nữ sinh; trại lều Gia Long trên nền khám lớn cũ kế cận Tòa Án Sài Gòn, cho thanh niên thuộc thành phần còn đi học, sinh viên và học sinh, và trại lều Phú Thọ lớn nhất gần trường đua Phú Thọ ngay trên đường Pavie Lamotte, đa số là học sinh choai choai, chúng tôi tự nhận là nhóm Ba Vì Là Một… Tất cả ba nhóm này đều còn độc thân.

Lúc đầu người viết bài này ở trại Gia Long, sau mới chuyển xuống trại Phú Thọ; chính ở Gia Long tôi đã thấy các anh Lữ Hồ, Nguyễn Sỹ Tế tụ họp nhau đứng trò chuyện cả giờ, giữa khoảng đất lộ thiên, bàn ghế đâu mà ngồi… Lúc ấy tôi chưa biết mặt biết tên hết nhóm sinh viên, ngoại trừ hai người vừa kể; đó là hai vị giáo sư Quốc Văn tại các trường trung học lớn, nhưng không quen ông Doãn Quốc Sỹ hay Thanh Tâm Tuyền, tuy sau này biết họ từng ở đấy.

Cuối thập niên 1950 Doãn Quốc Sỹ đã được biết đến với truyện ngắn -sau cũng là nhan đề của một tác phẩm là “Gìn Vàng Giữ Ngọc.” Nói đến Doãn Quốc Sỹ là người ta nhớ đến “Gìn Vàng Giữ Ngọc,” hay “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều.” Cả hai nhan đề, “Giữ Ngọc” hay “Cạp Điều” đều có ý nghĩa tuy rộng mà tương tự như nhau: gìn giữ nhân cách, mực thước hay khuôn thước trong cuộc sống.

Nhiều độc giả của ông là sinh viên, học sinh, hay nhà giáo như ông, nên người ta kiểm chứng ông dễ dàng ở ngoài đời, cho nên nói đến văn chương Doãn Quốc Sỹ là nói đến ý niệm mực thước nhân sinh của xã hội, dù ở hoàn cảnh nào. Nhân vật điển hình cho con người miền Bắc, nơi cần nhìn trước, ngó sau, nơi “chê người hãy ngẫm đến ta,” nơi ăn ở phải có ý tứ, nên gọi là “ý ăn, ý ở” nơi – nhân vật – văn chương của Doãn Quốc Sỹ thể hiện cặn kẽ chu toàn như sau, dù các nhân vật sau đây đang đói, đói lắm, nạn đói năm 1945.

Nhân vật chính của truyện ngắn “Gìn Vàng Giữ Ngọc” cho hay là hai anh em rể, Huân và Sơn, Sơn còn là nhạc sĩ dạy dương cầm cho con gái của Huân; từ xa đi bộ từ sáng tới chiều mới tới nhà vợ chồng người em. Chàng mệt lả vì đói, nằm vật xuống mặt chõng. Thế mà lại bị Nhàn, vợ cậu em, bảo ngồi dậy vào trong vì cái chõng ấy của ông chủ nhà. Sơn về thăm vợ chồng Huân, có ba đứa con nhỏ, mà không có một chút quà cáp gì, chỉ mang cho Huân được một điếu thuốc lá Cotab, may mà có người bạn cho từ hôm trước, để dành mang về cho em rể.

Trong lúc nằm nghỉ trên chõng, Sơn bất ngờ thấy đứa con gái cỡ 8 tuổi của vợ chồng người em leo tường vào nhà, hướng về phía bếp, tưởng nó nghịch ngợm nhưng không phải. Lúc leo tường xuống nó để rớt ra một cái mề gà, vì còn dính cái lòng gà nên cái mề không rớt hẳn xuống đất, khiến Sơn nhìn thấy. Chàng giả vờ không thấy gì, quay đi. Thế là lại thấy cô em đang vo gạo. Mớ gạo trong rá hai người ăn còn không đủ, trong khi kể cả Sơn là sáu người.

Doãn Quốc Sỹ viết: “Sự thực tôi ngồi nhỏm dậy vì thấy Nhàn đương vo gạo ở đằng góc bể. Cứ trông cái giá vo và cách xóc gạo tôi cũng thấy rõ ràng nồi cơm sắp thổi không thể là nồi cơm đủ cho ba người lớn và ba đứa trẻ. Hai đứa cháu nhỏ của tôi một trai, một gái quãng tuổi lên năm và lên bảy, cùng gầy gò và xanh xao như nhau lúc đó vẫn quấn lấy bên Nhàn.”

Thế là Sơn tìm cách rời khỏi gia đình em, Doãn Quốc Sỹ không giải thích, người đọc vẫn hiểu là chàng không nỡ ăn bữa cơm đó. Cả gia đình người em đang đói, chàng cũng đang đói sau khi cuốc bộ bốn mươi cây số tới đây, nhưng… Ta hãy xem màn kịch sau đây:

“Vừa kịp có một ý định tôi thấy cần phải hành động nhanh chóng bèn đứng dậy thủng thỉnh ra ngõ.

Huân hỏi:

–Anh đi đâu đó?

-À – tôi đáp – Đi xem qua phong cảnh thôn này một chút!

Rồi tôi tiến ra đầu thôn trên con đường dẫn tới chợ.

Ánh chiều vừa tắt, vừng trăng rằm tròn vành vạnh lên ngôi, óng ánh như tình cảm một người con gái đến tuổi vừa biết rằng mình đẹp. Nhìn trăng càng thấy vững tâm trên quãng đường trường mà tôi sắp phải đi nốt.

Đợi mười lăm phút qua, tôi quay về làm dáng hốt hoảng bảo Huân:

-Hỏng rồi cậu Huân ạ. Như lúc nãy tôi nói là sau nửa tháng về sống với gia đình, tôi có thể trở lại làm việc trong Ty Thông Tin Vĩnh Yên. Tôi vừa gặp ông trưởng ty ngoài chợ, ông ta nhất định kéo mình đi dự hội nghi thông tin liên ty Vĩnh Phúc (Vĩnh Yên-Phúc Yên) ngay bây giờ.

Huân rẫy nẩy người, chỉ mâm thức ăn úp lồng bàn trên chõng:

-Sao? Ngay bây giờ là thế nào?
Nhàn nghe rõ câu chuyện cũng nhô ra khỏi bếp, tay cầm đôi đũa xào nấu, rồi nói:

-Ăn cơm đã anh ạ, em đang làm món cánh gà xào chua ngọt mà anh thích.

Tôi tiếp tục buộc lại ba-lô và đáp:

-Thôi được chẳng lần này thì lần khác, cô nên nhớ từ nay tôi công tác ngay tỉnh bên chứ có đâu xa xôi như trước.

Huân mở lồng bàn cho tôi thấy đĩa miến xào mề gà còn bốc khói và đĩa thịt gà luộc tuy không được đầy đặn nhưng cũng khá tươm, rồi bảo tôi:

-Ðã thế anh hãy ngồi đây, chúng ta nâng chén luôn, cơm mang lên sau là vừa.

Tiếng Nhàn họa theo lập tức:

-Phải đấy.

Óc tôi thoáng nhớ lại một kỷ niệm ăn giỗ năm đói (…) và cương quyết khoác ba-lô lên vai:

-Ô hay – (tôi vừa cười vừa nói, tiếng cười, lạ thế, cũng trong và ròn như tiếng cười của mẹ tôi năm xưa, và tiếng cười của Nhàn khi nãy) – các cậu làm như thể tôi là khách không bằng.

Vừa lúc đó thằng bé cháu út ngã và khóc. Dịp may hiếm có, tôi bảo Huân:

-Kìa cậu dỗ cháu ngay đi. Thôi tôi đi, cậu đừng phải tiễn.

Nhàn nhô ra khỏi bếp:

-Khổ, sao anh vội thế? Ðâu phải là khách, nhưng anh em đã lâu quá mới gặp nhau.

Tôi giơ tay chào đùa kiểu quân sự:

-Ối chà, chuyến này còn nhiều dịp gặp nhau lo gì. A-lê! me-xừ Huân ra dỗ cháu đi kìa. Thôi nhé chào cả nhà.

Vợ chồng Huân buồn thiu không chào lại được tôi, trong khi tiếng hai con cháu lớn lanh lảnh:

-Lạy bác ạ… Lạy bác ạ…

Tôi mỉm cười nhìn chúng một lần nữa, đứa nào cũng gầy và đen. Chúng vẫn còn giữ được lối chào kiểu cách Hà Nội hồi chưa tác chiến.

Tôi vội vã ra khỏi xóm, sợ Huân theo tiễn. Ra tới đầu làng, nhìn bóng mình in dưới chân, tôi mới biết là chiều đã thật hết, trăng bắt đầu tỏ.” (Viên Linh)

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/…/doan-quoc-sy-van-chuong-va-ca…/

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin