menu

Giữa dòng đời hãy Có Mặt Cho Nhau

View: 1032 -     Nguyễn Minh Tiến       25/02/2020 12:02:57 pm
Giữa dòng đời hãy Có Mặt Cho Nhau
Giữa dòng đời hãy Có Mặt Cho Nhau

Sau 5 lần tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau, buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau Lần thứ 6 đã quay lại với thành phố San Jose vào buổi chiều ngày 22 tháng 2 năm 2020, tại chùa Phổ Từ (17327 Meekland Ave. Hayward, CA 94541). Thật trùng hợp tình cờ, một loạt những số 2 trong ngày tháng năm cũng là lần thứ 2 sự kiện quan trọng này được tổ chức tại San Jose và cũng là lần thứ 2 chúng tôi hân hoan quay lại theo lời mời của Ban Tổ Chức để cùng tham dự “có mặt cho nhau”.

Cho đến nay, tên gọi đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa thân thương này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người. Tuy con số những người trực tiếp đến “có mặt cho nhau” không lớn lắm, nhưng thông qua những chương trình truyền thông trực tiếp của chúng tôi, khán thính giả trên toàn cầu đã thực sự biết nhiều đến chương trình này với lượt theo dõi lên đến nhiều ngàn người ở khắp mọi nơi. Hơn thế nữa, hiệu quả thực tế là rất nhiều người thông qua các chương trình sinh hoạt này đã được tiếp cận với nhiều quyển sách hay do Ban Tổ Chức chương trình giới thiệu.

Từ đầu giờ chiều, các anh Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) và Nguyễn Xuân Hiệp (Tâm Định) đã có mặt trước tiên để chuẩn bị trưng bày sách quanh hội trường. Hàng “núi sách” với số lượng lên đến hơn 500 quyển được bày ra quanh phòng đã làm cho không gian của phòng trưng bày có vẻ như hẹp lại, nhưng cũng chính nhờ vậy mà vòng tròn bên trong dành cho khách tham dự trở nên gần gũi và ấm áp hơn giữa thời tiết đang giá lạnh của miền bắc California.

Liên Phật Hội

Không gian ấm áp với sự quy tụ của những người yêu sách

Các tác giả trực tiếp đến dự Có Mặt Cho Nhau lần này có Thượng tọa Thích Từ Lực, Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, nhà văn Đào Văn Bình, Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng, cư sĩ Trần Việt Long, cư sĩ Nguyên Minh Nguyễn Minh Tiến. Đặc biệt còn có sự tham dự của nhạc sĩ Nguyễn Quang đến từ Sacramento, người đã mang đến cho khán thính giả những giây phút tuyệt vời khi được lắng nghe anh trình bày hai nhạc phẩm do chính anh sáng tác về chủ đề “sống và chết” với chất giọng trầm buồn nhưng ấm áp và truyền cảm, cùng với tiếng đàn guitar đơn sơ sinh động.

Nhạc Nguyễn Quang không có nhiều điểm mới trong ca từ, bởi trăn trở của anh cũng không đi ngoài những điều vẫn thường được nhắc nhở rất nhiều lần trong giáo pháp nhà Phật, những phù du hư ảo của kiếp người mà bất cứ ai khi tĩnh tâm nhìn lại cũng đều thấy rõ. Thế nhưng, chính điều đó đã cho thấy sự thấm đẫm của tư tưởng Phật giáo trong tâm hồn nghệ sĩ của anh và đặc biệt là được anh thể hiện ra dòng nhạc bằng cách thức rất riêng biệt, rất gợi cảm. Nỗi khao khát tìm về sự thanh thản bình an cho thấy những dằn vặt tâm hồn giữa cuộc đời khổ não mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua. Vì thế, cho dù lời anh tha thiết sẽ an nhiên khi rời khỏi cuộc hồng trần, nhưng dòng nhạc của anh lại toát lên một nỗi ngậm ngùi về thân phận phù du của kiếp người, dẫu biết rằng “danh phận nào cũng chẳng thể mang theo”, dẫu biết rằng “nắng ấm sẽ lên, ngày buồn sẽ qua nhanh”, nhưng dường như những vấn vương trói buộc vẫn chưa thực sự tìm đến được sự vượt thoát mà anh mong muốn.

Nghe anh hát, tự nhiên bỗng thấy đồng cảm với nỗi niềm thao thức của những con người rất “người” ở quanh ta, dù luôn biết rằng cuộc đời là bể khổ nhưng thật không dễ dàng buông xả tất cả để quay về với tự tâm an nhiên. Có thể nói, Nguyễn Quang đã thể hiện được một cách rất thành công “ý đạo tình đời” trong các nhạc phẩm này. Chính vì vậy, những dòng nhạc của Nguyễn Quang như đi thẳng vào lòng người nghe, khơi dậy được những nỗi niềm rung động sâu xa, những rung động rất đời thường nhưng cũng chính là những chất liệu để ươm mầm đạo pháp. Bởi xét cho cùng, nếu không từng trải qua những khổ đau dằn vặt ngậm ngùi của kiếp nhân sinh này thì mấy ai trong chúng ta biết tìm về Đạo pháp?

Liên Phật Hội

Khán thính giả cùng lắng lòng trong tiếng hát của nhạc sĩ Nguyễn Quang

Sau phần trình bày của nhạc sĩ Nguyễn Quang, Ban Tổ Chức giới thiệu các tác giả đến tham dự và cũng đồng thời giới thiệu sơ lược về các sách được trưng bày trong lần này cũng như mục đích và tâm nguyện của những người thực hiện chương trình. Tiếp theo, Ban Tổ Chức dành một khoảng nghỉ ngắn để mọi người được tự do xem lướt qua tất cả những tựa sách được trưng bày. Một tiến bộ đang ghi nhận của Ban Tổ Chức là lần này các sách trưng bày đã được phân chia thành từng khu vực với các chủ đề, các tác giả, nhà xuất bản khác nhau, rất thuận tiện cho sự tìm kiếm của người xem.

Trong thời gian ngắn ngủi này, Ban Truyền Thông Liên Phật Hội cũng đã thực hiện được một số cuộc phỏng vấn ngắn trực tiếp với Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng, Huynh trưởng Tâm Định và Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) để mang đến cho khán thính giả khắp nơi những thông tin cơ bản nhất về sự kiện này. Nội dung phỏng vấn được truyền phát trực tiếp và có thể xem lại trên Facebook tại đây.

Một tiến bộ đáng ghi nhận khác của lần tổ chức này là Ban Tổ Chức đã giới thiệu khá nhiều các sách Phật học bằng Anh ngữ. Đây chính là nhu cầu cần thiết để giúp mang đạo Phật đến gần với tuổi trẻ hiện nay trên đất Mỹ, bởi đối với đa số các em thì việc tiếp nhận qua Anh ngữ có phần dễ dàng hơn so với các sách Việt ngữ hiện có.

Liên Phật Hội

Rất nhiều sách Phật học bằng Anh ngữ được giới thiệu trong Có Mặt Cho Nhau lần thứ 6

Còn nhớ ở chương trình Có Mặt Cho Nhau lần thứ 2 được tổ chức cũng tại San Jose (Thư viện Tully), một số độc giả đã nêu ý kiến than phiền về sự khan hiếm loại sách dành cho các em thiếu nhi. Để đáp ứng nhu cầu này, chương trình Có Mặt Cho Nhau lần này đã giới thiệu tập sách đặc biệt dành cho thiếu nhi: Em Mơ Cùng Đức Phật, dày 134 trang, in màu toàn bộ với nhiều hình ảnh sinh động minh họa cho những câu chuyện kể được rút ra từ Kinh Bản Sanh, chính là những chuyện tiền thân của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Sách được dịch giả Nguyễn Minh Tiến chuyển dịch từ Anh ngữ sang Việt ngữ, hy vọng sẽ là bước khởi đầu cho một loạt các tác phẩm bổ ích khác dành cho các em thiếu nhi.

Liên Phật Hội

Dịch giả Nguyễn Minh Tiến giới thiệu tập sách in màu dành cho thiếu nhi: Em Mơ Cùng Đức Phật. Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ đang cầm trên tay tập sách này.

Liên Phật Hội

Những câu chuyện kể với hình minh họa in màu sinh động

Nhìn chung, Có Mặt Cho Nhau không chỉ là một Hội sách (Bookfair) theo ý nghĩa giới thiệu sách thông thường, mà còn là một cơ hội để độc giả có thể trực tiếp giao lưu cùng các tác giả, tạo một mối quan hệ giao tiếp lợi lạc cho cả đôi bên. Người đọc sách qua đây có thể hiểu được nhiều hơn về các tác giả mình yêu thích, trong khi các tác giả viết sách cũng có được những phản hồi quý giá từ độc giả về những đứa con tinh thần đã ra đời của mình. Ngoài ra, chính các tác giả cũng co được cơ hội tiếp xúc và trao đổi kinh nghiệm, tri thức cùng nhau để có thể tiếp tục cống hiến cho người đọc những tác phẩm giá trị và hoàn thiện hơn nữa.

Liên Phật Hội

Giới thiệu các tác giả tham dự chương trình Có Mặt Cho Nhau

Tiếp theo, phần nội dung chính của chương trình được dành để mời các diễn giả giới thiệu về một số tác phẩm chọn lọc trong những sách được trưng bày lần này. Các phần giới thiệu này đã mang đến cho người xem rất nhiều thông tin về các tác giả cũng như tác phẩm của họ, nhưng nhìn chung chưa có được sự hệ thống cần thiết để nêu bật những điểm chính yếu, do đó có vẻ như chưa thực sự giúp người nghe nắm rõ được những thông tin nổi bật nhất của từng tác giả và tác phẩm, mặc dù mỗi diễn giả đều thể hiện rõ sự uyên bác, hiểu biết rất nhiều về tác giả mà họ giới thiệu. Đây là một trong những điểm Ban Tổ Chức cần lưu ý khắc phục trong những lần tổ chức sau này, để những phần giới thiệu tác giả cần được xoáy vào trọng tâm với các điểm nhấn cần thiết, giúp người nghe dễ tiếp nhận hơn.

Với hơn 500 tựa sách được giới thiệu chỉ trong một buổi chiều, có thể nói là người xem thực sự không đủ thời gian để tiếp cận. Tuy nhiên, điều may mắn là hầu hết những sách được giới thiệu ở đây hiện đều có thể tiếp cận và tìm hiểu qua các “kho sách” trực tuyến như ở đây hoặc ở đây. Độc giả cũng có thể tìm kiếm dễ dàng bằng cách gõ tên sách vào thanh tìm kiếm của Amazon. Hơn thế nữa, nếu quý vị liên lạc trực tiếp với chúng tôi qua email (lienphathoi@gmail.com) thì có thể mua sách với giá chỉ bằng 60% giá phát hành qua Amazon.

Tâm tình với các tác giả và Ban Tổ Chức trước giờ chia tay, Thượng tọa Thích Từ Lực cũng đưa ra một số góp ý quý giá cho những lần tổ chức về sau. Thầy nói, nên có kế hoạch thật cụ thể về những lần tổ chức trong năm, và trong số những lần đó nên có sự tổ chức thích hợp cho các tác giả hoặc mở rộng hơn đến đông đảo người đọc. Điều này là hợp lý, vì cách tổ chức những sự kiện như vậy cần có sự điều chỉnh chương trình khác biệt nhau. Chẳng hạn, những buổi họp mặt của các tác giả nên được tổ chức như những cuộc hội luận trao đổi về các chủ đề sáng tác, trong khi những buổi tiếp xúc với đông đảo độc giả cần phải dành thời gian linh hoạt cho việc giới thiệu cụ thể các tác phẩm được trưng bày.

Liên Phật Hội

Thượng tọa Thích Từ Lực, Viện chủ chùa Phổ Từ, chụp hình lưu niệm cùng Ban Tổ Chức Có Mặt Cho Nhau và các tác giả

Khi chúng tôi chuẩn bị rời chùa về khách sạn, hai huynh trưởng Tâm Thường Định và Tâm Định vẫn còn đang loay hoay với những chiếc bàn dài đầy sách chưa thu dọn xong, trong khi hết thảy mọi người đều đã ra về. Chúng tôi cùng nán lại phụ giúp cả hai xếp sách vào thùng để đưa trở về Sacramento trước khi sẽ đưa ra trưng bày trong lần tổ chức sắp tới. Hai chàng tuổi trẻ này quả thật đang nhiệt tình cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giáo dục và văn hóa của cộng đồng, cũng là một trong những công việc quan trọng nhất của sự nghiệp hoằng pháp. Không có những đóng góp thầm lặng này, rất nhiều lời dạy của đức Như Lai hẳn sẽ không đến được với đông đảo những người Phật tử khắp nơi trên thế giới. Những nỗ lực của họ trong một chừng mực nhất định đã khơi dậy được sự quan tâm của cộng đồng đối với văn hóa đọc và qua đó giúp mọi người tiếp cận được với nhiều phần Giáo pháp quan trọng của đạo Phật gửi gắm trong những trang sách được phát hành đi khắp nơi mỗi ngày, và đó cũng chính là những nền tảng văn hóa tâm linh đang vô cùng “khan hiếm” trong xã hội hiện đại này.

Quả thật chúng ta đang rất cần nhiều hơn nữa những bàn tay, những khối óc và những tấm lòng vàng để cùng vun đắp và nuôi dưỡng chương trình non trẻ này. Mục tiêu đề ra quá lớn và con đường phía trước còn quá xa, trong khi nhân lực, tài lực hiện có thật vô cùng ít ỏi. Mong ước một ngày không xa, mô hình sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau sẽ lan tỏa rộng trong thế hệ trẻ hôm nay, để tri thức và đạo đức trở thành những phẩm chất không bao giờ thiếu vắng. Còn gì ấm áp và hạnh phúc hơn khi giữa dòng đời vô định này mỗi chúng ta đều luôn sẵn sàng có mặt cho nhau?

Được biết, Có Mặt Cho Nhau lần thứ 7 sẽ tổ chức tại Florida (Chùa Pháp Vũ, 716 N . Dean Rd. Orlando, FL 32825) trước khi những người bạn trẻ của chúng ta lại đến miền nam California và tổ chức Có Mặt Cho Nhau lần thứ 8 tại Viện Việt Học (15355 Brookhurst St., Suite 222, Westminster, CA 92683).

Quý vị nào quan tâm muốn tìm hiểu thêm chi tiết hoặc muốn đóng góp tinh thần, tài vật cho chương trình, hoặc cần được hỗ trợ trong việc mua sách, xin vui lòng liên lạc một trong các địa chỉ sau đây:

- Huynh trưởng Tâm Thường Định (Bạch Xuân Phẻ): email: tamthuongdinh@gmail.com. Cell: (916)-607-4066.

- Huynh trưởng Tâm Định: (619) 488-7279

- Nhà xuất bản Liên Phật Hội: lienphathoi@gmail.com hoặc nguyenminh@pgvn.org - Phone: (714) 889-0911

Nhà xuất bản Liên Phật Hội hiện đang có chương trình hỗ trợ giảm 40% giá bán đối với tất cả các kinh sách Phật học đang được phát hành.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin