Hội thảo đem thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với thanh thiếu niên Quận Cam
Hội thảo đem thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với thanh thiếu niên Quận Cam
Vào sáng Chủ Nhật 14 tháng 7 2019, tại hội trường báo Người Việt (Westminster, Little Saigon) đã có một cuộc hội thảo với chủ đề tìm cách đem sự thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với giới thanh thiếu niên gốc Việt tại Quận Cam.
Những người tham gia vào buổi hội thảo thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp chuyên môn, tôn giáo khác nhau. Nhưng họ có chung một nỗi ưu tư đối với thực trạng đáng báo động của cộng đồng người Việt nói riêng, và của cả xã hội Mỹ nói chung: cuộc sống nhiều áp lực, mất cân bằng về tâm lý dẫn đến tình hình tự tử ở giới thanh thiếu niên tăng vọt.
CNN trong tháng 6 có đưa tin: Năm 2017 chứng kiến tỉ lệ tự tử tăng mạnh lứa tuổi giữa 15 và 24, theo biên bản nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa JAMA. tỉ lệ tự tử ở lứa tuổi giữa 15 và 19 là 11.8/100,000 trong năm 2017. Với lứa tuổi từ 20 đến 24, tỉ lệ năm vào 2017 là 17/100,000. Trong toàn năm 2017 ghi nhận 6,241 vụ tự sát của thanh thiếu niên từ 15 đến 24 tuổi, trong đó gồm 5,016 nam và 1,225 nữ.
Theo anh Paul Hoàng, chủ tịch tổ chức Viet Care và Moving Forward, một trong những người tham gia hội thảo- cho biết thống kê cho thấy Quận Cam đứng đầu cả nước Mỹ về số ca tự tử. Và tỉ lệ người Mỹ gốc Á tự tử lại đứng đầu Quận Cam. Ai cũng biết rằng tỉ lệ người Việt sống ở Quận Cam là cao nhất nước.
Tham gia hội thảo có bà mẹ của một em học sinh trung học ở Quận Cam mới tự tử vào tháng 12/2018. Em tự tử vì không tìm thấy lý do đáng sống ở cuộc đời này. Mẹ của em chia sẻ rằng chuyện con của mình đã thuộc về quá khứ. Chị muốn cùng mọi người tìm phương cách giúp đỡ vấn đề khủng hoảng tâm lý cho các em khác trong cộng đồng gốc Việt. Có nhiều em có vấn đề về tâm lý mà không biết cách vượt qua, và cha mẹ cũng không biết để kịp thời hỗ trợ. Vấn đề này là cấp bách, cần nhiều người hợp lực lại để cùng nhau giải quyết.
Nhiều người có mặt trong hội thảo có con ở độ tuổi tiểu học, trung học, cũng có nỗi lo âu tương tự. Họ muốn giúp con mình trang bị các phương cách để vượt qua những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống ngày càng tăng trong xã hội Mỹ, dù chỉ ở độ tuổi học sinh.
Rõ ràng là sự mất cân bằng về tâm lý như căng thẳng, trầm cảm, cô đơn… là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều hành động quyên sinh của các em thanh thiếu niên. Hầu hết những người tham gia hội thảo đều đã có ít nhiều trong việc thực tập chánh niệm tỉnh thức theo phương pháp của Thiền Sư Nhất Hạnh, và đã trải nghiệm qua những lợi ích mà sự thực tập này đem lại cho đời sống tinh thần của mình. Họ nghĩ rằng nếu các em có thực tập chánh niệm, các em sẽ nhiều khả năng có một đời sống tâm lý cân bằng hơn, dễ tìm được sự bình an, hạnh phúc trong cuộc sống hơn.
Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, một trong những thuyết trình viên chính của buổi hội thảo- là giáo viên dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học Mira Loma- Sacramento. Đồng thời, anh là người thực hành và giảng dạy về “Sự Tỉnh Thức”, là thành viên của Instructional Leadership Corps member -Chương trình Giáo viên dạy Giáo viên của Stanford và Hiệp Hội Giáo Chức California (California Teacher Association- CTA). Trong 16 năm đi dạy, đã có 5 học sinh của anh Phẻ tự tử vì không thể chịu nổi những cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng trong gia đình, trường học. Kể từ năm 2014, anh Phẻ cùng CTA đã tổ chức những khóa huấn luyện “ Tỉnh Thức” cho khoảng trên 3,000 giáo viên thuộc nhiều học khu California, thuộc mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Những giáo viên này thấy được sự lợi lạc, nên sau đó đã đem sự thực hành “Tỉnh Thức” đến với học sinh của mình trong các trường học California.
Trong buổi hội thảo, anh Phẻ đã chia sẻ kinh nghiệm của việc đưa việc thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với các em học sinh, thầy cô giáo tại các trường. Theo anh, đây là một phương pháp khoa học, không phải là hình thức tôn giáo, giúp cho các em có thể kiểm soát được tâm ý và hành động, chế tác được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Để được chấp thuận như hiện nay tại một số trường học ở Cali, anh đã đưa vào linh hoạt bằng nhiều cách khác nhau, thí dụ như các khóa huấn luyện giáo viên ở học khu, vận động tại trường học, vận động từ phía phụ huynh, học sinh… Tuy nhiên, theo anh Phẻ, điều quan trọng nhất là phải có sự thực tập từ chính những cá nhân. Bởi vì ta không thể cho người khác sự an bình, hạnh phúc, khi chính mình không có những trạng thái đó trong tâm thức. Những người muốn đem thực tập chánh niệm đến với thanh thiếu niên trước tiên phải có được an lạc từ sự tự thân thực hành.
Chơn Nguyên-một thuyết trình viên khác tại hội thảo- là y tá của học khu San Gabriel Nam Cali, cũng đã thành công trong việc đưa thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với một số trường học tại học khu của mình. Chị đã chia sẻ kinh nghiệm cá nhân. Là một y tá chị, chị nhận ra rằng ngay các em học sinh tiểu học cũng đã có những dấu hiệu của căn bệnh căng thẳng lâu dài về tâm lý. Là một người đã tự mình vượt qua những triệu chứng của căng thẳng tâm lý bằng thực tập chánh niệm, chị đã đề nghị với giám đốc học khu của mình là cho phép chị hướng dẫn các em thực tập phương pháp hữu ích này. Nhưng vị giám đốc ngại, vì sợ phương pháp này sẽ gặp chống đối của các phụ huynh vì màu sắc tôn giáo. Không bỏ cuộc, chị đã vận động ở cấp thấp hơn, là với một hiệu trưởng của một ngôi trường tiểu học trong học khu. Vị hiệu trưởng này rất thích thú với đề nghị này, nên để cho chị thực hành thí điểm tại một vài lớp. Phương pháp thực hành hết sức đơn giản, không hề ảnh hưởng đến thời gian học tập chính thức của các em. Thí dụ mỗi khi các em vào lớp lúc đầu ngày, lúc sau giờ ra chơi, lúc sau giờ ăn trưa, giáo viên rất mất thì giờ giúp các em ổn định trật tự. Vậy mà sau khi thực tập nghe tiếng chuông, ngồi tĩnh lặng, theo dõi hơi thở chỉ trong vòng chưa đầy một phút, các em đã ổn định và tập trung vào buổi học một cách nhanh chóng. Hữu xạ tự nhiên hương, các lớp khác trong trường, rồi các trường khác cũng đã yêu cầu chị Chơn Nguyên đến hướng dẫn cho các em học sinh của mình. Theo chị, để đưa được phương pháp này vào các học khu khác, cần kiên nhẫn, và vận động về lợi ích của nó từ nhiều phía, trong đó có cả sự thỉnh cầu từ phía phụ huynh.
Anh Paul Hoàng cho biết mình từng là một sư huynh của Dòng Ngôi Lời Thiên Chúa Giáo. Anh đã thực tập chánh niệm tỉnh thức trong nhiều năm, và thấy rõ những lợi ích của nó đem lại đối với đời sống tâm linh và sức khỏe tinh thần của chính mình. Anh thấy nhiều điểm tương đồng giữa phương pháp này và việc tĩnh tâm, cầu nguyện trong truyền thống Thiên Chúa. Vì vậy anh ủng hộ việc đưa việc thực tập đến với thanh thiếu niên thuộc mọi truyền thống tâm linh khác trong cộng đồng gốc Việt. Làm việc với Viet Care đã qua một thập kỷ, anh Hoàng cho biết tình trạng về tâm bệnh trong cộng đồng gốc Việt rất đáng quan tâm. Hiện nay, một điểm đáng mừng đó là nhiều gia đình Việt đã không còn mặc cảm với căn bệnh này, và đã sẵn sàng chia sẻ câu chuyện khó khăn của chính mình với cộng đồng. Giới truyền thông, giới dân cử cần làm việc nhiều để thức tỉnh cộng đồng về thực trạng của căn bệnh, và đưa những phương pháp trị liệu đến với cộng đồng một cách rộng rãi hơn.
Mọi người đều đồng ý là vẫn còn nhiều việc phải làm để dự tính này trở thành hiện thực. Mọi người hẹn sẽ tiếp tục gặp nhau thường xuyên, cùng nhau góp tâm ý, công sức vì một lý tưởng chung: đem niềm vui, hạnh phúc, bình an đến với giới thanh thiếu niên trong cộng đồng thông qua lối sống chánh niệm, tỉnh thức.
Đoàn Hưng
Nguồn: https://www.sbtn.tv/hoi-thao-dem-thuc-tap-chanh-niem-tinh-thuc-den-voi-thanh-thieu-nien-quan-cam/