menu

Đại Học Vạn Hạnh (1970): Tiếng Nói Của Viện Đại Học Vạn Hạnh Đối Với Thảm Kịch Tan Nát Của Quê Hương Hiện Nay

View: 1008 -     Tạp Chí Tư Tưởng       17/05/2020 06:05:50 am
Đại Học Vạn Hạnh (1970): Tiếng Nói Của Viện Đại Học Vạn Hạnh Đối Với Thảm Kịch Tan Nát Của Quê Hương Hiện Nay
Đại Học Vạn Hạnh (1970): Tiếng Nói Của Viện Đại Học Vạn Hạnh Đối Với Thảm Kịch Tan Nát Của Quê Hương Hiện Nay

L.T.S.: Dưới đây TƯ TƯỞNG xin đưa ra tiếng nói của Viện Đại học Vạn Hạnh đối kháng lại cơn tàn phá đang đẩy toàn thể quê hương đến chỗ diệt vong. Tiếng nói ở đây là một lời tố cáo lay động cơn hôn trầm sa đọa hiện nay. Thượng tọa. THÍCH MINH CHÂU, Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh và Thượng tọa THÍCH TRÍ TỊNH, Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học Viện Đại Học Vạn Hạnh, cùng với Thượng tọa THÍCH QUẢNG ĐỘ, Phó Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học Viện Đại Học Vạn Hạnh, cả ba vị lãnh đạo tinh thần của Viện Đại Học Vạn Hạnh đã đồng thanh nói lên tiếng nói quyết liệt trong sự quyết định trầm trọng đối với sự sống còn của dân tộc. (Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, số 1, 1970)

T.T. THÍCH MINH CHÂU (1918-2012)

Mỗi người đều chịu trách nhiệm cuộc phân hóa của quê hương hiện nay, mỗi người đều có tội, mỗi người đều đồng lõa với sự tương tàn huynh đệ, máu đổ, nhà tan. Tất cả chúng ta đều đồng lõa với cuộc chiến tranh này, dù tham chiến hay không tham chiến. Chúng ta đồng lõa bằng cuộc sống nông cạn, bằng tình cảm yếu đuối, bằng thành kiến cố định, bằng sự bảo vệ bản ngã, bằng lý tưởng giả đạo đức, nhất là bằng tất cả sự sợ hãi, dưới đủ mọi hình thức.

Sợ hãi là cơn bịnh nặng nề nhất trong mỗi người, sợ hãi là mầm móng của tất cả mọi cuộc chiến tranh, vì sợ hãi nên phải lên tiếng, vì sợ hãi nên phải im lặng, vì sợ hãi nên phải thụ động, trốn trong tháp ngà.

Vô Úy là một trong những đức tính quan trọng mà đấng Thế Tôn đã dạy cho chúng ta. Đó là con đường của tất cả Bồ Tát. Hóa thân của Đức Di Lặc sẽ mang đủ đức tính của Bất Không Thành Tựu Như Lai. Đó chính là tư thái thản nhiên của Ngài được thể hiện trong VÔ ÚY ẤN (abhaya mudrà).

Tất cả những gì xảy đến trong ta đều xuất phát trong ta, từ trong bản thể sâu kín của ta. Không có gì làm hại ta được chỉ trừ ta đã chứa sẵn mầm móng phá hại ấy trong ta, vậy thì không thể nào sợ hãi bất cứ cái gì xảy ra trong đời này, bạo quyền, bất công, độc tài, chiến tranh, tai họa chỉ xuất hiện khi chúng ta đã chứa sẵn những mầm móng trong tự thân và tự thể. Chiến tranh và bạo quyền là thể hiện bên ngoài của những gì ta chứa đựng, tiềm tàng trong sâu kín tâm hồn. VÔ ÚY ẤN là tư thái của một người thản nhiên mỉm cười nhìn thẳng vào tất cả sự khủng khiếp rùng rợn trong đời mà không sợ hãi, vì ý thức rằng không có gì xảy đến cho mình được, chỉ trừ khi mình đã đồng lõa với nó, nuôi dưỡng nó thầm kín trong tâm tư mình. ~ T.T. THÍCH MINH CHÂU

T.T. THÍCH TRÍ TỊNH (1917-2014)

Tất cả sự đã toàn đồng một thể tánh, mà thể tánh thời dung thông không phân chia riêng khác, nên bất luận là một sự nào cũng đều dung nhiếp tất cả sự, và cũng đều tức là tất cả sự, một sự nhiếp và tức tất cả sự, tất cả sự nhiếp và tức một sự. Thế là sự sự vô ngại tự tại, nên gọi là “sự sự vô ngại pháp giới”. Tất cả sự không ngoài thời gian và không gian. Thời gian dung thông thời gian, không gian dung thông không gian, thời gian dung thông không gian, không gian dung thông thời gian. Một không gian dung thông tất cả không gian, một thời gian dung thông tất cả thời gian, tất cả dung thông với một, thời gian với không gian, một cùng tất cả cũng đều dung thông như vậy. Đây chính là sự sự vô ngại pháp giới, mà cũng chính là cảnh giới giải thoát bất tư nghì. ~ T.T. THÍCH TRÍ TỊNH

T.T. THÍCH QUẢNG ĐỘ (1928 – 2020)

… Từ xưa, chiến tranh đã được ngụy trang bằng những danh từ rất đẹp, như thánh chiến, chiến tranh khai hóa, chiến tranh tự vệ, chiến tranh giải phóng, chiến tranh phòng thủ an ninh chung v.v…, song không một ai có lương tri mà không thừa nhận rằng, bất cứ núp dưới chiêu bài nào, chiến tranh cũng vẫn là hiện thân của tàn bạo, của man rợ, ngay cái tên của nó cũng đã nói lên tất cả ý nghĩa kinh tởm, khủng khiếp, và hậu quả của nó tất nhiên là chết chóc, đói khổ và tiêu hủy. Vậy thì, dù ngụy trang dưới danh nghĩa nào đi nữa, mục đích và thực chất của chiến tranh cũng chỉ là chiếm hữu, xâm lược, đoạt thị trường và cướp giật. Ấy thế mà những tay đại tướng cướp trong lịch sử như Alexandre, Napoléon v.v… đã được tôn lên hàng đại đế và được ca tụng là anh hùng!

Chừng nào mà bạo lực chiến tranh còn được ứng dụng để giải quyết những bất đồng về chính kiến, về quyền lợi kinh tế và về chủ nghĩa giữa các quốc gia, và chừng nào mà những cuộc tàn sát đại quy mô trên chiến trường còn được tung hô là chiến công oanh liệt và những kẻ giết người còn được phong tặng những “anh dũng bội tinh” thì thế giới này chỉ là một cái chuồng thú rộng mênh mông, trong đó, các nhà quân sự là sư tử, các nhà chính trị là hùm beo, các nhà khoa học kỹ thuật là lang sói, còn các nhà triết học, văn học cũng như các tầng lớp dân chúng khác chỉ là những đàn cừu!

Và sống trong một thế giới như thế mà thảng hoặc có người nào còn mơ ước một nền hòa bình chân thật và vĩnh cửu ngự trị trên trái đất, hay mong muốn một nền văn minh tiến bộ đúng với ý nghĩa đích thực của nó, thì người ấy nếu không là đại bất hạnh, đại vô phúc thì cũng là người mới từ hành tinh xa lạ nào rớt xuống và sống lạc loài giữa cái chuồng thú mông mênh này vậy! ~ T.T. THÍCH QUẢNG ĐỘ

 

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin