menu

Phật giáo và dân tộc

View: 1853 -     Thích Quảng Độ       14/07/2018 04:07:31 am
Phật giáo và dân tộc
Phật giáo và dân tộc
Đạo Phật ra đời để cứu khổ cho muôn loài. Đây là bước tiến vĩ đại trong tư tưởng cũng như trong hành động tại xã hội Ấn độ nói riêng, và cho loài người nói chung, cách đây 2544 năm. Giải phóng con người khỏi vô minh, khỏi sự sợ hãi và nô lệ thần linh hay các luồng ý thức hệ cuồng tín, giải phóng con người khỏi sự hà khắc và bất công của mọi hệ thống xã hội. Vào thời đức Phật tại thế, giáo lý đạo Phật đánh đổ mọi học phái thần quyền, mọi chủ nghĩa hư vô, duy vật, hoài nghi, định mệnh, đưa CON NGƯỜI vào vị thế trung tâm giữa trời đất để giải thoát tự thân và giải phóng tha nhân. Không hề có những yếu tố phi xã hội trong giáo lý đạo Phật, vì thế người Phật tử luôn tôn trọng và đương đầu bảo vệ con người, chống lại những bất công hay bất bình đẳng xã hội, vốn là nguyên nhân chà đạp quyền sống của lương dân, ngăn cản hạnh nguyện tu học để tiến thủ, ngăn cản sự thực hành Từ, Bi, Trí, Lực, theo chí nguyện Bồ tát cứu đời, ngăn cản sự hiện thực Giác ngộ.

Từ nguyên tắc chỉ đạo cứu khổ ấy, Đạo Phật Việt Nam phát triển thêm nhiều nhân tố tích cực trong cuộc dấn thân bảo vệ nhân dân và đất nước. Lịch sử Phật giáo Việt, lồng trong lịch sử dân tộc trên hai nghìn năm qua, đã bao lần minh chứng rằng HỘ DÂN, HỘ QUỐC và HỘ PHÁP hòa quyện trong nhau làm kim chỉ nam cho nếp sống và hành động của người Phật tử Việt Nam. Một trong những bộ kinh của Phật giáo do vị Cao tăng Việt Nam Khương Tăng Hội phiên dịch rất sớm, là Lục độ tập kinh, xuất hiện vào thế kỷ II Tây lịch, có những câu viết thể hiện tinh thần này :”Bồ tát thấy dân kêu ca, do vậy gạt lệ xông vào nơi chính trị hà khắc để cứu dân khỏi nạn lầm than”. Đối với những chính quyền hà khắc, áp bức dân, thì Lục độ tập kinh cảnh báo : “Loài lang sói không thể nuôi, người ác không thể làm vua”. Mâu Tử, tác giả sách Lý hoặc luận, hoàn thành tại Giao châu cuối thế kỷ II Tây lịch, đề cao đạo Phật Việt, chống lại các luồng văn hóa nô dịch của phương Bắc, đã khẳng định : “Bản chất đạo Phật là ở nhà có thể đem mà thờ cha mẹ, giúp nước có thể đem mà giáo hóa dân, sống một mình có thể đem mà trị thân”.

Nhận thức trên đây vốn là tư tưởng chỉ đạo các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, chống các luồng ý thức hệ ngoại lai, để bảo vệ chủ quyền và văn hóa dân tộc, bảo vệ tự do, no ấm và hạnh phúc cho nhân dân, mà sử sách còn ghi danh Hai Bà Trưng (năm 40 TL.) ; 9 cuộc kháng chiến của Khu Liên, Chu Đạt, Lương Long, Khổng Chi và Trụ thiên tướng quân (suốt thế kỷ II TL.) ; anh em bà Triệu Thị Trinh (năm 248 TL.) ; Lý Nam Đế dựng lên nhà nước độc lập Vạn Xuân (năm 544 TL.), v.v… tạo tiền đề cho sự kiến lập huy hoàng của quốc gia Việt Nam qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin