menu

Làn gió mát buổi sớm bình minh!

View: 1398 -           16/08/2018 09:08:46 pm
Làn gió mát buổi sớm bình minh!
Làn gió mát buổi sớm bình minh!

Làn gió mát buổi sớm bình minh!

By Tâm Tiến

(August 15th 2018)

Đối với tôi, việc nhìn thấy hình ảnh một người Phật tử cúng dường Tam Bảo không phải là chuyện hiếm có. Nhưng hôm ấy, một hình ảnh đẹp vô cùng, hình ảnh tôi chắc sẽ không bao giờ quên, hình ảnh khiến lòng tôi cảm động và tràn đầy hạnh phúc đã diễn ra tại chùa Phổ Từ, miền bắc Cali. Tôi nghĩ, nếu có ai nhìn được hình ảnh cũng sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc và an lành như tôi. Tôi muốn viết lên đây để chia sẻ cùng mọi người và mong muốn chúng ta đều có những nguồn an lạc bằng chính việc mình làm cũng như tỏ lòng hoan hỷ với những việc lành từ mọi người xung quanh.

Sáng hôm ấy, cái không khí mát lạnh của miền bắc Cali như nửa muốn níu kéo như nửa muốn tiễn đưa một cách trọn vẹn. Tôi chuẩn bị hành lý để được Ôn Từ Lực - trụ trì chùa Phổ Từ đưa ra sân bay Oakland để bay về Colorado sau một chuyến Phật sự. Hôm đó cũng có 3 em nhỏ cùng đi cùng ra sân bay để các em bay về nhà. Trước đó, lúc ăn cơm sáng, Ôn có nói chuyện và dặn chúng tôi là Ôn sẽ đưa đi lúc 9 giờ sáng. 

Đúng 9 giờ sáng, tôi đã sẵn sàng tất cả mọi thứ để nói lời tạm biệt ngôi chùa Phổ Từ thân thương và những quý Thầy Cô dễ mến. Tuy nhiên, một việc nhỏ xảy ra làm chúng tôi phải chờ hơn 30 phút và chính việc đó làm tôi cảm động không thể nào quên. Khi đi ra xe, em Phúc - một trong 3 em nhỏ đi cùng chúng tôi nói rằng, 2 chị của em - chị Jackie và chị Nhi, đi ra ngoài có công việc một chút nữa mới về. Tôi cũng hơi lo lắng sẽ bị trễ chuyến bay, một phần nữa là tự hỏi sao giờ này mà các em còn đi đâu để Ôn phải chờ. Tôi nói với Phúc là gọi hỏi xem hai chị đi tới đâu rồi và khi nào mới về. Phúc gọi và nói rằng hai chị đang “chạy” về. Em dùng từ chạy. Tôi hỏi Phúc là hai chị đi ra ngoài làm gì vậy thì em không trả lời thẳng mà chỉ nói với giọng tiếng Việt của một em nhỏ sinh ra và lớn lên ở Mỹ đó là hai chị đi “có việc”. 

Thế là tôi cũng không hỏi gì thêm và cũng chỉ biết chờ. Trong khi chờ thì tôi cũng đứng nói chuyện với Ôn. Trong lúc nói thì em Phúc chắp tay và nói lời cảm ơn Ôn về việc cho em ở chùa mấy hôm, rồi còn cho quý Thầy Cô dẫn đi tham quan. Một lúc sau, hai em Jackie và Nhi “hì hục” đi vào, mồ hôi nhễ nhại, tôi có thể thấy được sự thở mệt nhọc của các em vì các em phải “chạy” về cho đúng giờ. Tôi chưa kịp hỏi gì thì hai em Jackie và Nhi quỳ gối trước Ôn và đưa ra một ít tịnh tài để cúng dường Ôn. Các em tỏ lòng biết ơn Ôn và chùa Phổ Từ đã chăm sóc cho các em mấy ngày hôm nay. Nhìn hình ảnh đó tôi thực sự không biết dùng ngôn ngữ nào để diễn tả nên lời. Một cơn gió mát lạnh thổi qua giữa buổi sớm mai thanh bình như điểm tô thêm sự an lành cho những hành động hết sức thành kính và dễ thương của các em. 

Thì ra các em tranh thủ ăn sáng xong để đi bộ ra ngân hàng rút tiền để cúng dường Tam Bảo. Tôi cứ tưởng hai em đi mua gì thêm nhưng không ngờ các em lại biết nghĩ và có tâm thành đến như vậy. Khi lên xe hỏi ra mới biết là hai em đã “đi và chạy” hơn 2 dặm để tìm cây ATM rút tiền. Nhìn sao mà thấy thương đến vậy! 

Việc một Phật tử cúng dường Tam Bảo đâu còn xa lạ đâu mà tôi lại “làm quá” lên vậy nhỉ! Jackie và Phúc là hai chị em. Các em được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, còn Nhi là du học sinh và cũng là em họ của Jackie. Mặc dù sống trong nền văn hoá của nước Mỹ, các em vẫn được cha mẹ cho đi chùa sinh hoạt, học các lớp Việt ngữ và tham dự những khoá tu, đại lễ ở chùa. Các em nói Tiếng Việt rất giỏi. Đôi khi tôi còn nói với các em là “Tiếng Việt của các con còn giỏi hơn cả Tiếng Anh của Thầy”. Các em nói chuyện rất dễ thương, lễ phép và còn biết cách xưng hô với những bậc trưởng thượng. Tôi thực sự cảm phục yếu tố rất chi là “Việt” trong các em.

Việc giáo dục con cái như cha mẹ Jackie quả thật là một điều mà những bậc làm cha làm mẹ ở Mỹ nên học hỏi. Tôi cũng đã đi nhiều nơi ở Mỹ, cũng được gặp nhiều bậc phụ huynh và con cái của họ. Đa phần, các em là thế hệ thứ hai, tiếng Việt của các em rất “bập bẹ”. Cha mẹ các em vì ảnh hưởng nhiều yếu tố mà không đủ cơ hội tiếp xúc và hướng dẫn con cái mình học lại ngôn ngữ của ông bà tổ tiên. Đôi khi có người còn nghĩ rằng, miễn sao con cái học giỏi, thành công trên đất nước cờ hoa này là được rồi. Các em cũng ít cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá truyền thống Việt Nam nên có rất ít kiến thức về quê hương của cha mẹ. Đối với các em, đạo Phật, đi chùa, học tiếng Việt vẫn còn là một điều gì đó “cha mẹ bắt phải làm”. Cũng không ai dám trách cứ ai trong việc dạy con cái, không ai có quyền ép buộc người khác phải sống sao cho phải nhưng thử nghĩ lại một lần sẽ như thế nào nếu con cái của chúng ta - những người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, không còn ý niệm gì về một nền văn hiến Việt Nam  vốn dĩ rất đáng tự hào và hãnh diện. 

Chính vì vậy, khi nhìn thấy hình ảnh Jackie và Nhi quỳ xuống nền của bãi đậu xe và cúng dường Ôn như vậy tôi mới thực sự cảm mến. Tôi hỏi các em là làm thế nào mà các em biết cúng dường cũng như biết giữ gìn những bản sắc đẹp của nền văn hoá Việt Nam như thế. Các em nói rằng chính cha mẹ là yếu tố quyết định cho các em. Cha mẹ biết cho các em tiếp cận nền văn hoá Việt, tiếng Việt và dẫn các em đến chùa nhiều cho nên các em mới học hỏi được nhiều thứ như vậy. Nói như vậy tôi cũng không phải đưa các em lên để làm hình ảnh tiêu biểu cho mọi người học hỏi, các em vẫn là những đứa trẻ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, vẫn Facebook, Instagram, vẫn có những thú vui của người trẻ, nhưng các em vẫn giữ được và tiếp nối được những tinh hoa văn hoá cha ông là một điều rất đáng quý. 

Là một nhà hoằng pháp trẻ đang tu học trên đất Mỹ, tôi luôn canh cánh bên mình một nỗi băn khoăn về việc đưa đạo Phật vào tầng lớp thanh thiếu niên người Mỹ gốc Việt. Tôi may mắn được tiếp xúc với quý Ôn ở Mỹ như Ôn Nguyên Hạnh, Ôn Từ Lực,… và cũng được quý Ngài chia sẻ nhiều về việc hoằng pháp ở Mỹ với những thuận lợi cũng như khó khăn. Có những lúc, tôi tự hỏi mình sẽ làm được gì khi mình chỉ là một cánh tay nhỏ giữa một vùng trời rộng lớn như vậy. Quý Ôn khuyên là không ai cô đơn trong việc hoằng pháp lợi sinh cả, chỉ cần chúng ta biết tiếp nối và mở rộng tấm lòng thì sẽ có rất nhiều người hỗ trợ chúng ta. Và hôm đó, nhìn thấy hình ảnh các em quỳ xuống nói những lời cám ơn Ôn Từ Lực làm tôi dâng lên niềm hy vọng vô cùng lớn lao trong việc mang Phật pháp và văn hoá Việt đến với những em khác ở xứ sở này. 

Mong rằng những bậc phụ huynh, những người làm công tác giáo dục có tâm huyết hướng đến thế hệ trẻ, hãy cùng nhau nhìn về một hướng, hướng đến một mục đích, bắt tay nhau làm việc, để con em chúng ta - những người trẻ, người tiếp nối, người mang ánh sáng, có cơ hội tiếp thu và tắm mình trong nền văn hoá Việt, giữ gìn những gì tốt đẹp của tổ tiên và mãi mãi khắc ghi trong tâm rằng dù đi đến phương trời nào “Các con, các em vẫn có trong mình dòng máu Lạc Hồng”. 

Gió mát xứ Oakland vẫn nhẹ nhàng đùa giỡn trên tà áo nâu của tôi, hy vọng làn gió ấy có thể mang hình ảnh dễ thương của các em sáng hôm ấy bay xa hơn nữa, bay đến lòng của tất cả những người con Việt trên xứ sở Hoa Kỳ và lan toả “hương thơm” ngọt ngào từ những hành động rất đỗi khâm phục của các em.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin