menu

Lời giới thiệu, Trích Vô Môn Quan- Trần Tuấn Mẫn

View: 2625 -     TUỆ SỸ       4/05/2021 05:05:07 pm
Lời giới thiệu, Trích Vô Môn Quan- Trần Tuấn Mẫn
Lời giới thiệu, Trích Vô Môn Quan- Trần Tuấn Mẫn

Một thời xa xưa, tại pháp đường của các Thiền viện, người ta nghe sang sảng những tiếng cười và tiếng hét. Bao nhiêu lời lẽ luận bàn khúc chiết được gói trả về cho dải sa mạc trên miền Cao Á, nơi đã từng ghi dấu cuộc hành trình khổ nhọc của những tâm hồn khát khao tuyệt đối. Nơi đây, sa mạc vẫn cứ thiên thu cô tịch trong cơn gió bức bách của hư vô. Lẽ sống và lẽ chết vẫn mãi bồng bềnh trên hư ảo. Tâm hồn miệt mài nóng cháy, nhưng không cháy tan nổi những giấc mộng hãi hùng của hư vô và huỷ diệt. Rồi một mai, khi thời cơ đến, tiếng cười và tiếng hét trổi lên làm đảo lộn cả nếp sống bình sinh.

Cuộc sống bình thường của chúng ta chẳng mấy khi nghe được những tiếng ấy trong cơn sửng số bàng hoàng; để cho, trong thiên tải nhất thì, một lần chết đi và một lần sống lại trước sự thực nghìn đời. Những khát khao nồng nhiệt cứ vĩnh viễn mỏi mòn; tâm trí càng lúc càng bất động như sỏi đá. Biết bao thành kiến dần dần đông lại thành lớp vỏ cứng của bản ngã, không cách gì phá vỡ.

Bởi vậy, chúng ta có thói quen đến với các tác phẩm Thiền như săn đuổi một thứ hương hoa kỳ lạ nào đó để trang điểm thêm một chút văn vẻ cho đời sống vốn dĩ đã nhạt phèo này. Thói quen đã khiến chúng ta sơn phết cho Thiền vô số tạp sắc: nghệ thuật, văn chương, triết lý, và văn vần…

« Phải đến với Thiền như thế nào? » Chúng ta quen hỏi như vậy. Bởi vì đời sống đang chìm đắm trong bùn lầy hôi thối của những cảm thức phù phiếm; chúng ta như những con sâu, triền miên ngủ suốt một mùa băng giá. Ngôn ngữ Thiền, dù có là sấm chớp bão bùng, trong tai ta, chẳng qua chỉ là «ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè nóng bức.»

Làm sao chúng ta có thể góp tất cả gió bốn phương trời sa mạc mà dộng vào đôi cánh cửa của quan ải Thiền? Có lẽ, cũng nên một lần, với đói khát, với nóng lạnh, nghênh ngang bước vào giữa những tiếng cười rổn rảng, băng qua biên giới không ngần của sa mạc. Rồi sẽ thấy như người xưa từng nói, Thiền là một quan ải hiểm nghèo, không cửa, thách thức bước tiến của tâm linh. Vậy, đã nhất quyết bước tới, sấn cho đến tận ngọn nguồn của sự sống, thì dù có cửa hay không cửa, chúng ta vẫn cố thẳng lưng mà vượt qua. Nơi đây, không một dấu hiệu chỉ thị đường lối. Mặc dù tiếng nói vẫn không ngớt vang dội nhịp nhàng giữa hư không. Nhưng, đấy chỉ có âm hưởng mà không thấy có ý hướng:

.. hằng ngày tự kêu:

Ông chủ!
Rồi tự đáp:

Dạ
Lại nói:

Tỉnh táo nhé!
Dạ.
Mai kia mốt nọ đừng để người gạt nhé!
Dạ, dạ.
Vô môn… :

« … tự bán tự mua, bịa ra lắm đầu thần mặt quỷ. Cớ sao vậy? Một lão kêu, một lão dạ, một lão tỉnh táo, một lão không bị gạt, ngó kỹ té ra vẫn không lão nào là thật lão. Nếu bắt chước lão, thì đó cũng là kiến giải của chồn hoang. »

Đoạn văn vừa dẫn là một phong cách ngôn ngữ trác việt trong số 48 công án của Vô Môn Quan; tuồng như là dáng dấp cao ngạo của một tâm hồn khiêm nhượng bao la.

***

Một buổi sáng, khách đến viếng chùa, trao cho một tập bản thảo Việt ngữ của Vô Môn Quan. Một đốm than nhỏ xíu, bị vùi lấp trong đống tro tàn của bếp lạnh, được khơi lại — khơi lại giữa ám ảnh của tuổi già đang đè nặng không cưỡng nội và dưới những lần ra đi không trở lại của một thứ sức khoẻ hao mòn — khơi lại, nhưng không đủ nóng để làm chảy tan những lớp băng lạnh. Tôi vội vã ghi lại đây một vài lời xin quì lạy mười phương cây cỏ để cảm tạ một cơ duyên hội ngộ tình cờ trong một binh sinh hãn hữu. Và cảm tạ những giọt máu Tào khê chảy xuống trong âm hưởng nồng nàn và kỳ lạ của Việt ngữ mà khách mang đến như một quà tặng nghìn đời:

Đá mòn nhưng dạ không mòn,

Tào khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.


Tu viện Quảng Hương

10-11-1971

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin