Một dân tộc không thích đọc sách là một dân tộc không có hy vọng
Gần đây, một bài viết có tên "Người Trung Quốc không đọc sách, thật đáng lo ngại" của một người kỹ sư Ấn Độ đã lan truyền rộng rãi trên các trang mạng. Người kỹ sư này lo lắng rằng nếu như thế thì Trung Quốc tương lai có thể sẽ phải trả giá lớn. Nhưng ngẫm sâu hơn, đó không chỉ là hiện trạng tại Trung Quốc mà xảy ra ở nhiều quốc gia khác...
Bài viết kêu gọi, nếu bạn không bận việc thì hãy cùng bạn bè đến thư viện một chuyến, chứ không phải là rạp chiếu phim hay đi dạo phố! Đọc sách có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người, một thế hệ, thậm chí một dân tộc.
Nội dung bài viết như sau:
Trên chuyến bay đến Thượng Hải, vào giờ ngủ, khoang máy bay đã tắt đèn, tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện những người còn thức chơi IPad hầu hết là người Trung Quốc, hơn nữa họ đều đang chơi game hoặc xem phim, không ai có dáng vẻ đang đọc sách cả. Hình ảnh này cứ in mãi trong tâm trí tôi.
Thật ra ngay từ khi ở sân bay quốc tế Frankfurt, Đức, tôi đã thấy phần lớn hành khách người Đức đang yên tĩnh đọc sách hay làm việc. Còn đa số khách Trung Quốc đi lại mua sắm hoặc cười nói so sánh giá cả. Nhiều người Trung Quốc hiện nay dường như không thể kiên nhẫn ngồi yên đọc sách.
Theo truyền thông đưa tin, trung bình hàng năm mỗi người Trung Quốc chỉ đọc 0,7 quyển sách, Hàn Quốc là 7 quyển, người Nhật Bản đọc 40 quyển, người Nga là 55 quyển. Đem ra so sánh thì người Trung Quốc đọc sách ít đến mức đáng thương.
Ở các thành phố và thị trấn lớn nhỏ tại Trung Quốc, loại hình giải trí phổ biến nhất phải kể đến là quán mạt chược và tiệm internet, một thị trấn nhỏ hơn 10.000 người có đến mấy chục sòng mạt chược, năm sáu tiệm net là chuyện thường. Người lớn tuổi tham gia mạt chược, thanh niên lên mạng, trẻ con thì xem tivi.
Đời sống tinh thần giải trí của người Trung Quốc gần như giới hạn trong mạt chược, internet và tivi. Bất kể trong tiệm net hay phòng vi tính của nhà trường, chúng tôi đều thấy phần lớn sinh viên chơi game, một số ít nói chuyện. Số học sinh tra cứu tài liệu trên mạng hoặc đến thư viện rất ít ỏi.
Trong tác phẩm "Xã hội chỉ số thông minh thấp" của ông Kenichi Ohmae, bậc thầy quản lý người Nhật Bản bất ngờ đã động chạm đến dây thần kinh nhạy cảm của người Trung Quốc. Ông nói trong sách của mình: "Khi du lịch ở Trung Quốc phát hiện, khắp mọi ngõ ngách trong thành phố đều là tiệm mát-xa, còn cửa hàng sách thì chỉ lèo tèo thưa thớt.
Người Trung Quốc đọc sách mỗi ngày không đến 15 phút, trung bình chỉ bằng một phần mấy chục của Nhật Bản, Trung Quốc là "quốc gia chỉ số thông minh thấp" điển hình, trong tương lai khó có thể trở thành một quốc gia hiện đại!"
Nguyên nhân người Trung Quốc không thích đọc sách có 4 phương diện:
- Một là trình độ văn hóa của người dân trong nước thấp
- Hai là từ nhỏ không được dưỡng thành thói quen tốt trong việc đọc sách
- Ba là "giáo dục kiểu thi cử", khiến cho trẻ nhỏ không có thời gian và tinh lực để đọc các loại sách bên ngoài
- Bốn là sách hay càng ngày càng ít.
Người Do Thái là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người mù chữ, ngay cả người ăn xin cũng luôn có quyển sách bên cạnh. Trong mắt họ, đọc sách báo không chỉ là một thói quen mà còn là một phẩm chất tốt.
Một ví dụ điển hình nhất, trong ngày lễ Sabbath (ngày lễ nghỉ ngơi), tất cả người Do Thái đều dừng các hoạt động buôn bán, vui chơi. Các cửa hàng, quán ăn, những khu vui chơi đều phải đóng cửa, các phương tiện giao thông cũng ngừng hoạt động, ngay cả các công ty hàng không đều ngừng bay, người dân chỉ có thể ở nhà nghỉ ngơi hoặc cầu nguyện. Nhưng có một ngoại lệ, tất cả nhà sách trên toàn quốc vẫn được mở cửa hoạt động.
Trong ngày này, những người đến tiệm sách là đông nhất, mọi người đến đây đều yên lặng đọc sách.Một quốc gia khác là Hungary, diện tích và dân số đều không bằng 1/100 của Trung Quốc, nhưng lại có gần 20.000 thư viện, bình quân 500 người lại có một thư viện, còn ở Trung Quốc trung bình 459.000 người mới có một thư viện.
Hungary cũng là quốc gia có số người đọc sách nhiều nhất thế giới, hàng năm có đến hơn 5 triệu người thường xuyên đọc sách, vượt quá 1/4 dân số nước này.
Dân số Isael thưa thớt, nhưng nhân tài vô số. Lịch sử xây dựng đất nước tuy ngắn, nhưng đã có 8 người đoạt giải Nobel. Thiên nhiên Isael khắc nghiệt, phần lớn đất đai là sa mạc, nhưng họ lại có thể biến đất nước mình thành một ốc đảo xanh tươi, lương thực sản xuất không chỉ đủ cung cấp trong nước, mà còn xuất khẩu một lượng lớn đi các nước trên thế giới.
Các giải thưởng Nobel mà Hungary nhận được thuộc về nhiều lĩnh vực như: vật lý, hóa học, y học, kinh tế, văn học, hòa bình, v.v… Nếu so với dân số, Hungary quả thật không hổ thẹn là "quốc gia của những giải thưởng Nobel". Phát minh của họ cũng rất nhiều, có thể nói là không sao đếm xuể, từ những vật phẩm nhỏ bé, cho đến những sản phẩm công nghệ cao.
Một quốc gia nhỏ bé vì yêu sách mà có được trí tuệ và sức mạnh, dựa vào đó kiến thiết đất nước thành một "cường quốc" khiến cho thế giớ không thể không bội phục.
Một vị học giả đã từng nói: "Lịch sử phát triển tư tưởng của một người nên là lịch sử học tập của người đó, và trình độ tư tưởng của một dân tộc quyết định lớn ở trình độ giáo dục của họ. Một xã hội sẽ phát triển hay tụt hậu, là dựa vào trình độ học vấn có sâu rộng không, quốc gia có ai đang đọc sách, đọc những sách gì, sẽ quyết định tương lai của đất nước đó. Sách không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, nó còn ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Hãy nhớ: Một thế hệ không đọc sách là một thế hệ không có hi vọng. Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng".
(Sưu tầm)