menu

NĂM MỚI 2019 GIỞ LẠI HỒ SƠ CŨ… ĐANG ĐE DỌA TƯƠNG LAI CỦA HÀNG TRIỆU CON EM THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM

View: 997 -     Trần Kiêm Đoàn       11/02/2019 04:02:39 pm
NĂM MỚI 2019 GIỞ LẠI HỒ SƠ CŨ…  ĐANG ĐE DỌA TƯƠNG LAI CỦA  HÀNG TRIỆU CON EM THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM
NĂM MỚI 2019 GIỞ LẠI HỒ SƠ CŨ… ĐANG ĐE DỌA TƯƠNG LAI CỦA HÀNG TRIỆU CON EM THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM

NĂM MỚI 2019 GIỞ LẠI HỒ SƠ CŨ…

ĐANG ĐE DỌA TƯƠNG LAI CỦA

HÀNG TRIỆU CON EM THẾ HỆ TRẺ VIỆT NAM

~~oOo~~

 

Tại sao hai ông Nghè bị ném đá

Nước Việt Nam ta tự hào có bốn nghìn năm văn hiến, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 11, đời vua Lý Nhân Tông (1072-1076) mới có thi cử để chọn nhân tài với khoa thi đầu tiên gọi là Bác Học. Từ đó, khoa cử là con đường vinh hiển nhất để tiến thân. Bậc học cao nhất là Tiến sĩ. Người thi Đình để chính thức xếp hạng tiến sĩ được ngồi dưới mái “nghè” thường là văn phòng tứ bảo của Vua nên được vinh dự gọi là ông Nghè. Ông Nghè được vinh quy bái tổ có quyền chọn năm mẫu đất bất cứ nơi nào mình thích trong Tổng để làm nhà nên dân gian có câu: “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng”!

Việt Nam ta ngày nay có khoảng 120.000 ông bà Nghè (trung bình 800 người dân mới có một người có học vị tiến sĩ; so với Mỹ trung bình 130 người dân có một tiến sĩ). Nhưng chưa nghe ai sợ bị “đe hàng tổng” mà chỉ nghe tin các ông Nghè bị “ném đá”. Hai ông Nghè bị ném đá gần đây nhất là hai nhà giáo đã đưa sáng kiến “cải cách tiếng Việt” đang diễn ra trong nước.

Hai ông Nghè bị ném đá đó là hai vị Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại và Phó giáo sư Phó tiến sĩ Bùi Hiền. Nhị vị nầy có chung niềm… thú vị là cùng tuổi đời 83, cùng tốt nghiệp đại học Liên Xô trong những năm đầu 1970 và cùng bỏ ra hơn 40 năm để nghiên cứu và trình làng công trình cải cách tiếng Việt mà theo sự thâm tín của hai ông là tối tân, khoa học, hợp lý cho sự “chuẩn hóa” tiếng Việt.

Xin lần lượt “vấn an” hai vị:
 

Về trường hợp Phó Giáo sư – Phó Tiến sĩ Bùi Hiền
 

   

 

Giới thiệu về PGS. Bùi Hiền qua mục bình luận trên Online, một tác giả khuyết danh đã nhận định:

“PGS Bùi Hiền tự nhiên nổi tiếng không nhờ ekip nào cả mà chỉ bằng sức mạnh của một bảng chữ cái tân thời. Mình nói trắng luôn, cái vụ bảng chữ cái là từ xưa đã có vấn đề. Ngay cả bản thân người Việt chuẩn, ngay cả mình đây này, cũng viết sai tiếng Việt. Nhưng mình cũng nói thẳng, để sửa được thì căng lắm.

Thứ nhất, một ngôn ngữ phải thể hiện được: Âm sắc, Ngữ nghĩa, đẹp về mặt hình ảnh. Nếu làm theo ý kiến của ông Bùi Hiền, thì coi như hủy mất “độ đẹp” và “âm sắc” của chữ. Mặc dù nó tối ưu hơn hẳn. Tuy nhiên, mình phải nói là việc bạn gọi một người bằng tuổi ông bạn, với học hàm của một giáo sư bằng ‘thằng’… Muốn nói gì thì nói, để bỏ công nghiên cứu một công trình ‘Điên’ đi chăng nữa, người ta cũng vẫn phải làm với cái tâm hết lòng vì khoa học. Nên góp ý, đừng nên miệt thị.”

Riêng về thân thế, công trình, cảm xúc và phản ứng cá nhân, PGS. Bùi Hiền đã trả lời trong nhiều cuộc phỏng vấn, xin ghi chép tóm lược như sau:

Chi tiết cuộc phỏng vấn mới nhất, xin mời đọc:

https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/pgsts-bui-hien-nguoi-than-lo-toi-dot-quy-nhung-toi-co-ao-giap-chong-gach-da-20171228072131505.htm
 

Sau đây xin lược trích nguyên văn lời phát biểu của chính PGS. Bùi Hiền:

“Tôi cũng xin nhấn mạnh, tôi nhắm vào cải tiến chữ viết chứ không phải cách phát âm của tiếng Việt. Nghĩa là phát âm vẫn giữ nguyên, chỉ là cải tiến cách viết.

Xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân khi sử dụng tiếng Việt, tôi ngoài viết sách cũng thường xuyên viết báo gửi đăng. Và không ít lần khổ sở vì lỗi chính tả tiếng Việt, phân biệt s - x, tr - ch, không tra là mắc lỗi.

Động lực nghiên cứu của tôi là làm nhẹ công sức người học, người dùng - từ chỗ đó tiết kiệm và thuận lợi. Tự bản thân tôi thấy công việc có ích, có lợi cho mọi người thì làm, chứ không ai thuê, ai bắt tôi làm. Tôi càng không được bất kì ai trả một đồng xu/xin ai một đồng xu nào để làm nghiên cứu. Ai đồng ý thì ủng hộ, ai không đồng ý thì thôi.

Đúng là tôi bị “ném đá” không tiếc tay. Tôi có đọc được bình luận của một người bạn trong giới nghiên cứu là nhà văn Chu Lai. Ông nói rằng không ủng hộ cách cải tiến ngôn ngữ của tôi nhưng trân trọng tinh thần nghiên cứu và lo rằng, tôi sẽ không trụ nổi trước những làn sóng dư luận sục sôi. Nhưng tôi không sao hết.

Thậm chí có kẻ còn nguyền rủa ‘lão già nên chết đi’, tôi đọc chỉ thấy buồn cười.

Người nhà, bạn bè lo tôi sẽ bị đột quỵ nhưng tôi đã có ‘áo giáp chân lý’. Tôi tin vào sự đúng đắn, bây giờ người ta chưa hiểu thì có một ngày nào đó sau này họ sẽ hiểu, mà không hiểu thì cũng thôi.”

Công trình ngữ học 40 năm của PGS. Bùi Hiền xuất hiện có vẻ mới lạ hay thậm chí là “kỳ quái” hay “điên khùng” đối với nhiều người chưa quen với lãnh vực ngữ học nói chung và Ngữ học Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nhìn quanh thế giới và nhìn lại trong vùng thì ngôn ngữ và chữ viết cũng là một sự vay mượn lẫn nhau. Thế giới hiện nay có 197 quốc gia nhưng có tới 7.000 ngôn ngữ. Nhưng chỉ có khoảng một nửa (3.500) loại ngôn ngữ là có được chữ viết. Tổng số các quốc gia dùng mẫu tự La-tinh abc để chế tác chữ viết cho ngôn ngữ của mình giống như Việt Nam chỉ có khoảng 100. Con số 100/3500 quá khiêm tốn nầy đã nói lên rằng, tuồng chữ dùng theo mẫu tự Latin chẳng phải là tối ưu bởi còn rất nhiều lỗ hổng cũng như sự khiếm khuyết để phiên âm và chế tác cho một hình thức văn tự mới trong các quốc gia có cấu trúc ngôn ngữ đơn âm như Việt Nam. Một nước mà có nhiều vùng ngôn ngữ khác nhau là chuyện thông thường. Nước Việt Nam may mắn là với dân số đông hàng 15 trong bảng xếp hạng toàn cầu (96.500.000 năm 2018) nhưng toàn quốc chỉ có một ngôn ngữ và một hệ thống chữ viết thống nhất từ Nam chí Bắc.

Chữ Quốc Ngữ được phiên âm theo mẫu tự tiếng La tinh được các nhà truyền giáo Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha chế tác từ thế kỷ 17 vốn không mang cấu trúc đa âm và có âm ngữ khác thế giới phương Tây. Bởi vậy, hệ lụy ngôn từ mang tính chất thiếu sót, so le, bất lực, khập khiễng của mẫu tự Latin được dùng trong vòng 500 năm qua cho một hệ thống ngôn ngữ đã có mấy nghìn năm của nòi giống Việt là sự dĩ nhiên và điều dễ hiểu.

Tất cả mọi cố gắng cá nhân hay học phái, phong trào muốn cải đổi tiếng Việt theo quan điểm và phương pháp này kia đều đáng được bình tâm xem xét vì đây là một khuynh hướng năng động và tự nhiên của tất cả mọi hệ thống “sinh ngữ” (khác với “tử ngữ” là ngôn ngữ đã chết, một thời có mặt nhưng hiện tại không còn ai dùng để nói như La tinh, cổ Hy Lạp, Ai Cập, Sanskrit…). Trong vòng 100 năm qua đã có quá nhiều nhà ngữ học và học phái tại Việt Nam đã đề ra những nguyên tắc và hình thức chấn chỉnh ký âm tiếng Việt tương tự như kiểu nhà giáo Bùi Hiền. Nhưng hầu như hết thảy đều rơi vào im lặng bởi vì chưa hợp lý và không đáp ứng được nhu cầu ngôn ngữ và học thuật. Tiếc thay, nhân tài ngữ học vắng bóng và viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam chưa hề có một động thái nào đáng tin cậy trong lãnh vực chuyên môn về học thuật ngôn ngữ nầy cả. Vì vậy, nếu có chăng những hiện tượng cá nhân múa gậy vườn hoang là hệ quả tất nhiên của cơ chế quốc gia hữu danh vô thực như cơ quan Hàn Lâm Ngôn Ngữ Việt Nam thời hiện đại. Việt Nam đang có hơn 120.000 tiến sĩ và mấy triệu thạc sĩ, cử nhân… tại sao lại để hiện tượng quần chúng “ném đá” vào lãnh vực ngôn ngữ học thuật mãi kéo dài đến nay còn diễn tiến như thế?!

Công trình tập đại thành hơn 40 năm của PGS. Bùi Hiền về cải cách hệ thống chữ Quốc Ngữ có thể tóm lược như sau:

Nguyên tắc chung của phương pháp Bùi Hiền là mỗi chữ biểu đạt một âm vị. Mỗi âm vị có một chữ cái tương ứng biểu đạt. Chữ Đ sẽ tạm bị đưa ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt đang dùng. Một số chữ cái tiếng “Tây” La tinh như F, J, W, Z. sẽ được đưa vào bảng chữ cái đang có. Đồng thời, 11 chữ cái hiện dùng sẽ thay đổi giá trị phát âm.

Cụ thể là: Ch, tr = c /chờ/; đ = d /đờ/; ph = f /phờ/; c,k,q = k /cờ/; nh = nh /nhờ/ (tạm thời); th = q /thờ/; s, x = s /sờ/; ng, ngh = w /ngờ/; kh = x /khờ/; d, gi, r = z /dờ.

Với âm "nhờ" /nh/ chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép /n'/ để biểu đạt. Hệ thống chữ “Quốc ngữ Cải tiến” của PGS. Bùi Hiền căn bản dựa trên tiêu chuẩn phát âm của giọng Bắc Hà Nội, gồm 6 thanh: Không dấu, sắc, huyền, hỏi ngã, nặng. và phụ âm cuối phân biệt /t/ - /c/; /n/ - /ng/.

Nếu dùng lối chữ mới nầy thì truyện Kiều sẽ bị viết lại như sau:

"Căm năm cow kõi wười ta,

Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau.

Cải kua một kuộk bể zâu,

Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw".
 

Thay cho:

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
 

Cách “chế tác” những phụ âm đầu và phụ âm cuối của tác giả Bùi Hiền không dựa trên một căn bản âm vị, biến âm nào của phương pháp ngữ học tổng quát cả. Vì vậy, một sự cải cách theo “ngữ học kiểu Bùi Hiền” thì vần Quốc Ngữ của tiếng Việt sẽ bị mắc cạn giữa một đống bùi nhùi không có chỗ thoát.

Thầy giáo Hiền bị ném đá vì đem trấu đổi gạo cho tiếng nói Việt Nam quả nhiên là không thể phàn nàn oan ức chút nào!

Thật ra, trước ông Bùi Hiền, đã có nhiều sáng kiến và đề án tương tự.
 

"Quốc ngữ mới" của nguyễn Văn Vĩnh năm 1928

Năm 1928 nhà văn, học giả Nguyễn Văn Vĩnh đề xướng kiểu chữ Quốc Ngữ dùng toàn mẫu tự La Tinh thay cho dấu và ký âm Việt. Ví dụ: Quốc Ngữ Mới sẽ được viết thành: “Quôcj Ngưw Moeij”. Nhưng sáng kiến cải cách này không được công luận đương thời ủng hộ. Cũng trong năm này, Vũ Ngọc Phan và những nhà văn lớp trước muốn cải cách tiếng Việt được nhiều người biết đến như Nguyễn Trọng Thuật và Trần Trọng Kim . Với cuốn Việt Văn Tinh Nghĩa xuất bản năm 1928 , Nguyễn Trọng Thuật có nhiều nhận xét về tiếng Việt thời đó và đồng thời đề nghị một số cải cách nhưng những cải cách của ông không căn cứ trên những nguyên tác ngữ học khách quan và khoa học mà lại dựa vào văn phạm Pháp quá nặng nề nên không được ủng hộ và bị lãng quên. 
 

Chữ và Vần Việt Khoa Học của Nguyễn Bạt Tuỵ năm 1949

Có thể nói Nguyễn Bạt Tuy là một nhà nghiên cứu Ngữ học Việt Nam sáng giá và có thẩm quyền trong lãnh vực nầy.Năm 1949, ông viết sách Chữ và Vần Việt Khoa Học. Nội dung cuốn sách nầy là quan điểm ngữ âm học tiếng Việt của ông. Từ đó ông đề nghị sửa đổi cách viết chữ Việt theo mẫu tự La Tinh mà ông cho là khoa học và hợp lý nhất. Cách viết của ông nặng về mặt ngữ âm nên bảng ký hiệu tiếng Việt ông đưa ra rất gần với những ký hiệu phiên âm quốc tế.

Nội dung là trình bày những gì ông tìm tòi được về mặt âm vị học tiếng Việt, rồi qua đó đưa ra một bản đề nghị sửa đổi cách viết chữ quốc ngữ mà ông cho rằng hợp lí và khoa học.

Nguyên tắc chung của quan điểm Nguyễn Bạt Tuỵ là dựa trên nguyên tắc âm vị học để ghi âm tiếng Việt. Ông phân tích hệ thống đơn vị âm thanh tiếng Việt và các lối tổ hợp âm thanh của nó. Kết quả là tác giả phát hiện hệ thống các âm vị có nhiều nét khác với những gì xưa nay cứ yên trí là đúng đắn, nay cần phải sửa lại. Từ đó sẽ phải dẫn đến một một việc chính yếu của sách là đưa ra một bản đề nghị thay đổi cách viết chữ quốc ngữ theo ông là chính xác theo nguyên tắc ngữ âm học .

Ví dụ: Bốn câu thơ trong Chinh Phụ Ngâm:

"Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu."

 

Thì ông Nguyễn Bạt Tụy đề nghị viết thành:


 

Hình thức chữ Việt nầy không được giới ngữ học và quần chúng ủng hộ nên chìm vào im lặng.

Và tại hải ngoại, một tác giả nghiên cứu Ngữ học là ông Dương Đức Nhự cũng đã đưa ra một đề án cải cách tiếng Việt tương đối nhẹ nhàng hơn ông Bùi Hiền nhưng không nhận được sự ủng hộ của giới văn bút và học thuật nên cũng sớm rơi vào quên lãng.

Ví dụ: Như tác giả Dương Đức Nhự viết lại truyện Kiều theo cách của ông như sau:
 

Trăm năm trong kõj người ta

Cữ tài , cữ mệnh qéw là gét nhaw .

Trải kwa một kuộk bể zâu

Những diềw trông thấj mà daudớn lòng

 

Lạ jì bỉsắc tưfong ,

Trời xanh kwen thój má hồng dánh gen .

Kảw thơm lần jở trướk dèn

Fongtình kổlụk kòn trwiền sử xanh …

 

(Tiếng Việt cải cách của Thạc sĩ Dương Đức Nhự)

Vấn đề cải cách tiếng Việt tại miền Nam trước năm 1975 cũng liên tục được đề ra. Những khuôn mặt chuyên gia ngữ học có thẩm quyền từ trong nước ra hải ngoại như: Nguyễn Đình Hòa, Lê Văn Lý, Trương Văn Chình, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Hữu Văn, Huỳnh Đình Tế, Gaston Nhan, Nguyễn Ngu Í… đã đề ra những sáng kiến cải cách tiếng Việt về các mặt ngữ âm, ngữ vị, ngữ pháp v.v… đã gây ra nhiều thảo luận. Nhưng trong lãnh vực cải cách chữ Quốc Ngữ Việt Nam đã nở rất nhiều hoa đầy khởi sắc mà chưa thấy kết trái.

Có lẽ gặp điều kiện thiên thời chưa chín tới, PTS. Bùi Hiền đã “thượng đài” trong thời kỳ biển sóng của cuộc cách mạng truyền thông đại chúng đang năng nỗ tột độ nên đã có quá nhiều người “chiếu cố” so với các tác giả cùng đề tài trước ông. Mong cây “bonsai” tiếng Việt Bùi Hiền vẫn là cây kiểng bát tuần, tuy có hình thức kỳ dị khó ưa nhưng vẫn là nguồn tâm huyết chăm chút của người ươm trồng ra nó.

Cánh cổng Bùi Hiền được xem như đã khép lại trong khu vười kỳ hoa dị thảo Ngôn Ngữ đã hết thời của những trí tuệ phiêu lưu trên những con đường hiện thực của văn minh, văn hóa Việt Nam.

 

Xin tiếp tục nói về một hiện tượng nghiêm trọng hơn.

Về trường hợp Giáo sư Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại (viết tắt: TS.HNĐ) 
  

Năm 1977, khi còn dạy ở trường Đồng Khánh Huế, tôi đã có dịp cùng với anh chị em giáo chức Thừa Thiên Huế dự cuộc thuyết trình của Tiến sĩ Hồ Ngọc Đại tại giảng đường C. Ngày đó, ông vừa tốt nghiệp “ông Nghè” ở Liên Xô mới về mới toanh ở lứa tuổi trung niên bốn chục, nhiệt tình còn nóng hổi. Nghe ông đăng đàn đả kích nguyên lý giáo dục của nền giáo dục Việt Nam đương thời và đề nghị một mô thức dạy học rất cấp tiến và mới mẻ, “áp dụng những thành tựu khoa học mới nhất của giáo dục thế giới” khiến tôi quá phục tài ba và nhất là sự can đảm của ông. Vào một thời điểm mà dân nhà giáo như chúng tôi mở miệng ra là sợ “mắc quai”. Thế mà TS. Đại đã đăng đàn đòi “xét lại” những nguyên lý giáo dục thời cách mạng đang tràn ngập tiếng tung hô thì quả là một hiện tượng gan lỳ, bất chấp, có một không hai. Thế nhưng khi tiếng xì xào rỉ tai nhau: “Con rể của ông Lê Duẩn đó” thì đã có lời vọng lại:“Cam chi hèn!” (Huế); “Thảo nào!” (Bắc).

Nhưng trên bình diện học thuật, dẫu ông ấy có là phò mã của TBT Lê Duẩn hay là ai thì tôi – bấy giờ đang ở lứa tuổi 30 – cũng nghiêng mình khâm phục cái khẩu khí… dàng trời của ông. Giữa buổi giao thời tai vách mạch rừng hung hiểm, tâm thức phản kháng thì ai cũng có; nhưng chúng tôi còn phải biết sợ, thương vợ thương con, nên phải chừa cái đầu để đội nón mà sống còn để nuôi vợ đỡ con nữa chứ!

Sau đó một năm, năm 1978, nghe tin chương trình Giáo Dục Công Nghệ (GDCN) của TS. Hồ Ngọc Đại đã được “triển khai”! Năm 2000 thì dừng lại và năm 2014 lại… tái xuất giang hồ. Từ năm 1978 cho đến bây giờ là 40 năm. Tôi đã được đi một vòng khá dài qua những nẻo đường học thuật để được tiếp cận với thế giới muôn màu các hệ thống ngữ học của nhiều quốc gia. Từ đó, tôi được thấy rõ hơn những sở trường và sở đoản của CNGD và tác dụng trực tiếp hay gián tiếp của nó trên khả năng phát triển tâm lý và trí óc trong một tương lai không xa của gần một triệu trẻ em tiểu học Việt Nam đang đưa ra làm đối tượng giáo dục thí nghiệm cho một công trình “cách mạng giáo dục” đã có tuổi thọ hơn 40 năm.

  1. Hồ Ngọc Đại chưa phân định rõ ràng giữa hai phương pháp giáo dục: Đấy là giáo dục bình thường và giáo dục đặc biệt (special education) dành cho trẻ em khuyết tật (ngọng, lãngtai, câm điếc). Trong giáo dục đặc biệt, phương pháp tận dụngTrực quan Sinh động lấy môi trường sinh hoạt để khởi động sự quan tâm chú ý của học trò một cách tự nhiên và thích thú như trò chơi game đang thịnh hành trong lớp trẻ hiện nay được xem là chủ đạo. Vai trò lên lớp của thầy giáo theo mô thức nầy phải trực tiếp và năng động như vai trò của người vú em hay hướng dẫn viên trong các học viện giáo dục nhi đồng khuyết tật. Bởi vậy, trong tác phẩmCông Nghệ Giáo Dục của TS.HNĐ, trang 152 có ghi: “Trẻ em hiện đại là những đứa trẻ… ăn cùng mâm, xem chung một ti-vi với người lớn hiện đại.” Và ông hiểu cũng như đánh giá thiếu chính xác về cách dạy chữ theo các tiêu chuẩn của nhà trường hiện đại. Bởi vậy, ông đã viết lời phê phán trong CNGD là: “Sự nhầm lẫn rất tai hại của nhà trường là đánh tráo vật thật và vật thay thế. Lẽ ra học tiếng nói (âm thanh) thì lại học chữ.” Theo ông thì “Vật thật” là tiếng nói và “Vật thay” là chữ viết. Từ đó, ông hình dung và phân định vai trò của người thầy giáo theo tính “khoa học” gồm có hai bộ phận: Thiết kế và thi công. Người thiết kế tìm ra giải pháp tối ưu cho mỗi việc làm nhằm tạo ra sản phẩm giáo dục. Còn người thi công là thầy giáo đứng lớp làm nhiệm vụ thi công lên lớp giống như người lái xe.

Kết quả của CNGD Hồ Ngọc Đại như thế nào vẫn còn là một khả năng giả định và mọi sự giả định đều chưa có một căn bản nào để đánh giá nên đứng về mặt khoa học nhân văn nó vẫn còn là một ảo tưởng.

Sẽ không có ai tranh luận được với ảo tưởng vì thiếu dữ kiện để chứng minh, diễn giải và suy luận trên một một căn bản tri thức và hiệu năng cụ thể. Cái “kết quả thành công rực rỡ sau cùng” của một công trình đang thí nghiệm có thể là  mà cũng thể là không vì khi chưa kết thúc thì tất cả chỉ là một chuỗi lý luận bề mặt hay phiến diện hơn là một loại hội chứng mặc cảm tâm lý sai lạc của “Chiếc Áo Choàng Anderson”!

Quá trình thí nghiệm của Công Nghệ Giáo Dục/ Hồ Ngọc Đại trong 49 tỉnh thành và 800.000 học sinh Việt Nam hiện nay chỉ tạm được báo cáo là “có kết quả tốt” ở các vùng sâu, vùng xa và các miền dân tộc không nói hay nói ngọng nghịu tiếng Việt. Chẳng lẽ cả quần chúng Việt Nam, Nhà Nước Việt Nam và Bộ Giáo Dục Việt Nam… lại nhắm mắt làm ngơ phó mặc cho gần một triệu con em mình bị đem ra làm thí nghiệm về một kiểu học ngôn ngữ CNGD mà chưa có một nuớc tiên tiến nào trên thế giới hiện nay áp dụng hay sao?

Để có một cái nhìn cụ thể và khách quan hơn, xin mời bạn đọc xem kỹ một đoạn video đã phát tán rộng rãi trên Youtube diễn tả cụ thể một cháu bé đang học “vần tiếng Việt” theo phương thức dạy chữ CNGD của TS.HNĐ:

https://www.youtube.com/watch?v=Z7wtcp2WxvI

https://www.youtube.com/watch?v=MzKDqxqWZkQ
 

Nhiều người “tá hỏa” khi xem thực tế cách học vần quái dị nầy.

Nguồn gốc sâu xa của “Công Nghệ Giáo Dục” đến từ đâu?

Ông Hồ Ngọc Đại tốt nghiệp Tiến sĩ Tâm Lý Học (Doctor of Psychology) từ đại học quốc gia Lomonosov Mạc Tư Khoa (Московский государственный университет им. М.В.Ломоносова - Lomonosov Moscow State University). Năm 2017, đại học Lomonosov được xếp hạng 199 trong bảng xếp hạng hệ thống đại học toàn thế giới. Nếu muốn biết rõ hơn về đại học nầy và khoa Tâm Lý nơi TS.HNĐ đã học, xin mời vào tham khảo thêm:

https://www.timeshighereducation.com/student/what-to-study/psychology

Ngành tâm lý giáo dục và triết lý giáo dục không phải là một cơ sở lý thuyết khoa học thực nghiệm. Đây là khởi nguồn của những lý thuyết về sự cấu tạo và phát triển khả năng nhận thức của con người. Từ đầu thế kỷ 19, đã có rất nhiều lý thuyết gia đưa ra những hệ thống lý thuyết về nguốn gốc, khả năng và tiến trình phát triển của con người từ sơ sinh cho đến khi trưởng thành. Trường phái có ảnh hưởng lớn nhất tạm gọi là Cấu Trúc Luận (Constructivism hay Constructivist Theory) do một triết gia Tâm Lý Thụy Sĩ là ông Jean Piaget (1896-1934) dẫn đầu. Nhà lý thuyết Cấu Trúc Luận của khối Đông Âu và Liên Xô là ông Lev Semyonovich Vygotsky (1896-1934) hưởng ứng. Vygotsky là vị tổ sư có ảnh hưởng lớn nhất trong ngành Tâm Lý (Nhận Thức và Phát Triển Ngôn Ngữ) của đại học Lomonosov mà ông Hồ Ngọc Đại đã là một nghiên cứu sinh và tốt nghiệp Tiến sĩ ở trường này. Tuy nhiên, căn bản nhận thức và phương pháp ứng dụng trong lý thuyết Tâm Lý Giáo Dục giữa khối Liên Xô – Đông Âu (theo Vygotsky) và Phương Tây (theo Piaget) hoàn toàn khác biệt. Trong thế hệ 1920 và 1930, nhiều cuộc tranh luận về Phương pháp Ngữ học đã diễn ra giữa hai khuynh hướng:

Khuynh hướng Vygotsky đặt nặng trên căn bản hoàn cảnh và phương tiện tập thể.

Khuynh hướng Piaget đặt nặng trên căn bản phát triển tâm sinh lý cá nhân của từng đứa trẻ khác nhau.

Những “hậu luận” có ảnh hưởng trực tiếp đến lý thuyết CNGD của ông TS.HNĐ như sau:

- Lý thuyết “Công Nghệ Giáo Dục” viết ra trong sách Tiếng Việt Lớp 1 của ông TS.HNĐ không phải là sách giáo khoa theo nghĩa thông thường mà chỉ là những sáng kiến cá nhân về việc học và dạy tiếng Việt đang còn trong vòng thí nghiệm. Sự thử nghiệm là một công trình đang diễn tiến, chưa có kết luận là sẽ thành công hay thất bại như thế nào. Vậy thì vì cớ gì lại đem gần cả triệu con em mầm non ngây thơ vô tội của 49 tỉnh thành trong cả nước ra làm vật thí nghiệm?

- Phương Pháp học tiếng Việt theo mô thức Hồ Ngọc Đại là là sản phẩm Tâm lý và Triết lý giáo dục của Piaget, Vygotsky thời thập niên 1930 đã bị các nhà Tâm lý giáo dục đương thời và hiện đại phản bác. Họ đã đặt lại vấn đề rằng, quá trình giáo dục một ngôn ngữ không phải thực tại đến trước, phương tiện đến sau như “Từ bản chất của thực tại, tung tăng bước vào ngữ âm trước như một trò chơi, tìm hiểu ngữ nghĩa, tìm đồ hình hay dụng cụ để ghép vần và tự nhiên đi vào ngữ pháp…” Các bước đi vào ngôn ngữ của một đứa trẻ lành mạnh, không khuyết tật sẽ không diễn ra một cách máy móc như lý thuyết của Vygotsky hay ngược lại của Piaget mà thực tại và phương tiện xuất hiện đồng thời trong tâm trí của trẻ thơ. Và bằng chứng hùng hồn nhất là suốt 88 năm qua – kể từ khi lý thuyết Constructivism xuất hiện – chưa có một quốc gia hay nhóm phái nào dám đưa vào chương trình giáo dục quy ước chính thức cả. Bởi đây chỉ là một mảng lý thuyết đơn thuần, chưa có thực thế chứng minh hay kiểm chứng. Nay Việt Nam là nước độc nhất, đang theo một sáng kiến cá nhân của ông Hồ Ngọc Đại, đơn phương mang 800.000 đứa trẻ ra thử nghiệm trong 49 tỉnh thành trong toàn bộ 63 tỉnh thành của đất nước bé nhỏ này là tại sao?

- Tâm lý Giáo dục Thời 1930 chưa có mạng lưới truyền thông vi tính và đặc biệt nhất là trò chơi điện tử (game) như thời nay. Tuổi thơ sống trong những trò chơi truyền thống cổ xưa như đánh đáo, đánh bi, nhảy dây, trốn tìm… nên hình thức đồ hình, lập phương, tam giác (mà TS.HNĐ đã tận dụng trong CNGD) là những gợi mở trí tuệ cho trẻ thơ trong học tập. Ngày nay, với những trò chơi điện tử và phương tiện truyền thông đại chúng mà Việt Nam đứng vào hàng thứ 7 của thế giới về tỷ số dân dùng Wi-Fi và Internet (68/93 triệu người sử dụng) thì rõ ràng phương pháp đồ hình vuông, tròn, tam giác của Hồ Ngọc Đại tự động trở thành những trò chơi lỗi thời và lạc hậu; nếu không muốn nói là phản tiến hoá và đi ngược với chiều hướng nhân văn.

- Mô thức CNGD lay đổ tận gốc rễ những mối quan hệ cốt tủy hai chiều của Giáo Dục. Đó là mối quan hệ giữa thầy giáo và học trò, gia đình và học đường, phụ huynh và con em, bạn bè và chia sẻ. Đây là mối quan hệ truyền thống quan trọng nhất mà ngay tại các nước tiên tiến hàng đầu cũng chưa hề chuyển đối. Thế nhưng CNGD đạt định vai trò thầy giáo như người lái xe, gia đình không thể chia sẻ “cách học” của con em và bạn bè theo kiểu học nào thì biết kiểu học ấy. 
 

Những vấn đề và vấn nạn cứ thế nẩy sinh và kéo dài không dứt…

Biến tướng và hệ lụy phát sinh do cách áp dụng mô thức CNGD của TS.HNĐ không lường trước được.

Nếu bạn đọc muốn đi xa hơn để tìm tiểu về lý thuyết Cấu Trúc Luận (Constructivist Theory) mà người viết đã đề cập ở trên, xin mời ghé tạm qua một (trong vô số bài viết) về vấn đề này trên các trang mạng.

https://www.brighthubeducation.com/teaching-methods-tips/76645-pros-and-cons-of-constructivist-learning-theory/

Mô thức giáo dục Hồ Ngọc Đại xuất phát từ cảm quan tâm lý triết học và tiến dần đến “khoa học lãng mạn” – vốn không phải là tiêu chuẩn sư phạm của giáo dục – nhất là trong lãnh vực ngôn ngữ. Nó được phát biểu rất “siêu sao” và cường điệu qua nguồn thông tin thuyết trình và phỏng vấn nhưng thực tế là xa lạ và tách rời hệ thống giáo dục truyền thống lành mạnh và quy ước. Nơi đó, mỗi Thầy, Cô giáo là cả một tấm lòng chức nghiệp dạy học trò bằng cả khối óc, tình thương và tâm hồn. Gia đình và phụ huynh là suối nguồn nuôi dưỡng con em.

Vì cuộc thử nghiệm kéo dài hơn 40 năm chưa có kết quả cụ thể chính thức của công trình, TS.HNĐ mang mớ lý thuyết giáo dục của mình ra làm chất liệu “tư tưởng và khoa học” để xây dựng một thế giới ước mơ cho cả một thế hệ sau chiến tranh. Trong khi đó, cha mẹ đang sẵn sàng hy sinh cho con cái mình được học cái hay, cái đẹp của một một thế giới khoa học kỹ thuật đầy hấp dẫn của thế giới bên ngoài. Và cái tiêu đề “Công Nghệ Giáo Dục” của TS.HNĐ đã đánh trúng vào khát vọng đang cháy bỏng đó. Ngày nay, hành tinh nầy là một “làng địa cầu” nên sẽ rất dễ dàng để kiểm chứng cái phương pháp luận CNGD của TS.HNĐ là một tài liệu khoa học giáo dục hay chỉ là một sáng kiến cá nhân thuộc về tâm lý triết học giáo dục của trường phái Vygotsky và Piaget thời 1930 mà cả thế giới không có một trường học hay quốc gia nào áp dụng từ khởi thủy cho đến thời hiện đại.

Tại sao Việt Nam lại đem cả triệu đứa trẻ ra làm vật thí nghiệm cho những ý nghĩ lập dị của một vị giáo sư đã 82 tuổi, với hơn 40 năm đầy năng động nhưng chưa tự chứng minh được điều gì cụ thể với mấy tập sách thuần lý thuyết của mình.

Ông TS.HNĐ tuyên bố: “Thế kỷ XXI, một thế hệ chưa từng có trong lịch sử phải có một hệ thống giáo dục chưa từng có trong lịch sử! Phải đổi mới giáo dục! Bỏ chấm điểm để các cháu phát huy thế mạnh, năng khiếu… nó yếu cái nọ nhưng nó mạnh cái kia.”

Có chăng đây là “khẩu khí” của một vị tối thần linh trên Trời vừa rơi xuống muốn ban phép lạ cho trần gian? Cái “hệ thống giáo dục chưa từng có” của TS.HNĐ từ đâu đến? Trong lúc lịch sử nhân văn của con người là phải có gốc mới có ngọn; có điểm xuất phát mới có điểm đến sau cùng. “Bỏ chấm điểm để các cháu phát huy thế mạnh, năng khiếu…”  là loại “thế mạnh” và “năng khiếu” nào mà tự tôn, tự đại không cần thẩm định. Mỗi em bé là một thiên thần tự phát chăng?

Đây là một phát biểu mang tính “liều mạng” chứ hoàn toàn không có tính chất khai phóng của “cách mạng” chút nào cả. Văn hoá, giáo dục, xã hội tự bản chất là một dòng sinh tồn và sinh mệnh mang tính kế thừa để phát huy văn hóa và hiệu chỉnh để thích nghi với nhu cầu thời đại. Từ thời vô thủy đến thế kỷ XXI hôm nay là một quá trình diễn tiến qua từng chớp mắt của thời gian. Ngay cả giả thuyết “Big Bang”, nguyên động lực sinh ra thiên hà, vũ trụ cũng là sự bùng vỡ của một tiến trình của vô lượng động thái. Nay bỗng dưng, ông TS. Đại hô hào ném “một hệ thống giáo dục chưa từng có trong lịch sử” cho Việt Nam trên đường sang thế kỷ.

Cái gọi là “hệ thống giáo dục…” đầy cường điệu giả định đó là gì? Từ đâu đến? Giáo dục như thế nào? Ai là người giáo dục và ai được giáo dục…?!

Chỉ tiếc một điều là chúng ta chưa đủ dữ kiện để phản bác điều đó vì Công Nghệ Giáo Dục của TS.HNĐ đã khởi đầu với các phương tiện ở tầm mức quốc gia (Việt Nam) với một chặng đường hơn nửa đời người và cho đến hôm nay đã 40 năm qua mà vẫn còn lê gót trong vòng “thí nghiệm” (!) Điều tôi quá đỗi kinh ngạc là sự kiên nhẫn đến độ bất bình thường của quý vị lãnh đạo Việt Nam có trách nhiệm lại hành xử như vô trách nhiệm trước một cuộc thí nghiệm đã mày mò hơn 40 năm vẫn còn tiếp diễn thiếu định hướng giáo dục đến như thế. Đồng thời, tôi cũng chia sẻ với sự nơm nớp trông chờ “phép lạ CNGD” của quý vị phụ huynh và đội ngũ Thầy Cô giáo.

 

Một kết luận bất ngờ

  1. Hồ Ngọc Đại tuyên bố:“Việc tôi mở trường Thực nghiệm, hành vi đó là có trách nhiệm nhất với đất nước. Tôi lấy cá nhân làm cơ bản, mà những tư tưởng như thế dễ bị phản ứng lắm”.

Nói về “tình”, tôi tin là GS. Đại nói thật với tất cả niềm thâm tín của mình. Nhưng nếu nói về “lý” và “sự” thì tôi cho rằng: Đây là một sự khẳng định mang tính chất hý luận hơn là lý luận.Nói là “thực nghiệm” là con đường đạt tới kết quả hiển nhiên của thí nghiệm. Nhưng nếu đem gần một triệu con em ra làm thí nghiệm cho một giấc mơ quyết đoán cá nhân, loay hoay suốt 40 năm chưa có lối thoát, có một không hai trên thế giới, rồi tự phong là “có trách nhiệm với đất nước” như ông Hồ Ngọc Đại và dựa trên một chiếc bè ngã mạn như “tôi lấy cá nhân làm cơ bản” là một cách nói cuồng ngã (Egocentrism/Narcissim) mà trong giáo trình Tâm Lý Học đại học Lomonosov có ghi.

Ngày 8-9-2018 vừa qua GS. Đại lại đăng đàn giải luận:

“Như lúc anh ngồi trên ô tô để di chuyển chẳng hạn, anh có cần cố gắng hơn? Trẻ con làm sao mà học không có cảm giác là học, nhưng thực ra là học, thì mới gọi là học. Tức là những việc đó phải tự nhiên, như hít thở không khí. Và muốn tự nhiên nhất thì phải hợp lý nhất, phải đúng nhất”.

Từ 2500 năm trước, chỉ có Phật mới nhìn thấy cái chân đế, cái thực tánh của thế gian để “Nhìn cái nhà, thấy không phải là cái nhà, đó mới thật là cái nhà.”

Học là một quá trình vận dụng thể lý, cảm quan và tri thức. Nay ông Đại muốn con em thành “bậc giác ngộ” khi đến trường để học là một hý luận viễn vông. Tất cả đều đòi hỏi sự tập trung vắng lặng của tri thức, ý thức và tâm thức mà chữ nhà Phật gọi là “chánh niệm”. Đi ô tô không để ý thì chẳng biết ga nào mà xuống. Lái ô tô không để ý thì vong mạng. Học mà không có cảm giác học là mộng du. Thở mà không phân biệt không khí trọc, thanh là nhiễm độc buồng phổi…

Và ông Đại kết luận… vô tư (!) như xem chuyện cả triệu con em đang học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục của ông là một đàn muỗi vo ve bay quanh tới đâu thì tới; miễn sao cái gọi là “tư tưởng về lý thuyết khoa học, tâm lý học, triết học và cuộc sống” gắn liền với tên tuổi của Hồ Ngọc Đại được đem ra nhắc nhở là mãn nguyện cho ông thôi!

Không một nhân vật có sở học nào dám tuyên bố một cách ích kỷ, vô trách nhiệm và thiếu lương tri kẻ sĩ của người trí thức khi đem cái “cuồng ngã” vô xiển dụng của mình mà bất chấp quyền sống của thế hệ đàn em và đại chúng Việt Nam trong nước như GS. Đại khi ông dám công khai khẳng định rằng:

“Công trình của tôi có vô nghĩa đi nữa thì quyển Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng an ủi tôi bởi vì ở trong đó thể hiện được những tư tưởng về lý thuyết khoa học, tâm lý học, triết học và cuộc sống”.

Nhưng điều tôi từ tò mò, đến hoài nghi, thành thất vọng và thật sự trở thành phẫn nộ lên án khi nghĩ đến 49 tỉnh thành với 800.000 con em thế hệ trẻ tương lai Việt Nam đang bị đưa ra làm thí nghiệm cho một sự lạm dụng chất xám và tinh thần của con trẻ ngây thơ, vô tội của đất nước mình. Tôi tự hỏi tại sao người dân trong nước không khởi tố kiện nghi can Hồ Ngọc Đại về tội Ngược Đãi Trẻ Em (Child Abuse) về mặt Xâm Phạm Tâm Lý (Psychological Abuse), Bóc Lột chất xám (Mental Exploitation) và Bỏ Phế Tinh Thần (Depressed/Passive Neglect). Đưa tập thể trẻ con vào một cuộc thí nghiệm, bất chấp nó có thích thú và thích hợp hay không: là một hình thức ngược đãi tâm lý. Sử dụng đầu óc trẻ con vào một cuộc thí nghiệm hay thử nghiệm: là bóc lột chất xám. Đưa trẻ em vào một chương trình giáo dục mà không quan tâm đến thầy giáo, gia đình và truyền thống học tập xung quanh: là bỏ phế tinh thần.

Theo luật pháp quốc tế thông qua Liên Hiệp Quốc và UNICEF thì vấn đề Ngược Đãi Trẻ Em (Child Abuse) là một trách nhiệm riêng của từng quốc gia; nhưng đồng thời cũng là mối quan tâm chung cộng đồng quốc tế: Mọi hình thức đưa trẻ em vào một công trình thí nghiệm thuộc phàm trù thể chất hay tinh thần đều phải được nghiêm cấm. Đặc biệt là sự tác hại về thể chất tức thời có thể quan sát và kịp thời ngăn chận; nhưng sự tác hại lâu dài vào tinh thần và não trạng của trẻ thơ có thể là một tác hại tiệm tiến, lâu dài và thường đã quá muộn màng và vô phương cứu chữa khi sự phát tác hiện rõ.

Một chương trình huấn luyện hay giáo dục mang tính cách áp đặt lên thân thể và trí tuệ của tuổi trẻ từ sơ sinh đến 18 tuổi thường có khả năng gây dấu ấn, tác dụng, ảnh hưởng, hệ lụy… biến đổi tâm hồn, trí tuệ và cách ứng xử của đứa trẻ trong độ tuổi vào đời và có khi suốt cả cuộc đời về sau nầy. Ngay cả những chương trình “thượng lưu” như chơi các dụng cụ âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, võ thuật. sinh hoạt đoàn thể… đều có khả năng hợp với đối tượng nầy mà không hợp với đối tượng khác. Một chương trình giáo dục đang trong vòng thí nghiệm thì tuyệt nhiên bị nghiêm cấm áp dụng cho tập thể trẻ con. Việc đem CNGD của ông Hồ Ngọc Đại ra áp dụng thí nghiệm trên tập thể trẻ con vở lòng là một trường hợp vi phạm chức năng giáo dục mà cha mẹ, phụ huynh các con em bị áp đặt có quyền kiện ông Hồ Ngọc Đại và những thành viên có trách nhiệm trước tòa án Việt Nam và quốc tế.

 

Sacramento, mồng 6 Tết Kỷ Hợi 2019

Trần Kiêm Đoàn, MSW., Ph.D

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin