menu

Những Cánh Chim Oanh Vũ Trong Sân Chùa Ấn Quang

View: 878 -     Thị Nghĩa Trần Trung Ðạo       30/03/2019 06:03:34 am
Những Cánh Chim Oanh Vũ Trong Sân Chùa Ấn Quang
Những Cánh Chim Oanh Vũ Trong Sân Chùa Ấn Quang

Ký ức của tôi về Gia Đình Phật Tử từ khi bảy tuổi cho đến ngày nay thì rất nhiều. Chuyện vui và chuyện buồn. Chuyện để mỉm cười và những chuyện đã làm tôi rơi nước mắt trong mỗi lần nhớ lại.

Tuy nhiên, hình ảnh làm tôi nhớ và cảm động nhất vẫn là buổi chiều Chủ Nhật  năm 1977 khi tôi đến chùa Ấn Quang để thăm bổn sư tôi khi nghe tin thầy từ Hội An vào dự đại hội lần thứ bảy của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Tôi vừa không có tư cách đại biểu và vừa ngại công an dòm ngó nên chỉ biết ngồi trong quán Café bên kia đường Sư Vạn Hạnh để chờ thầy họp xong. Thầy tôi không vào tham dự đại hội nhưng tôi không biết nên vẫn cứ chờ mãi từ buổi trưa cho đến lúc trời chiều.

Chùa Ấn Quang, cách đó hai năm là trung tâm điều hành Phật sự của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, hằng ngày tấp nập kẻ đến người đi, giờ đây là một ngôi chùa vắng vẻ. Trong những đại hội trước, chùa Ấn Quang với những ống kính truyền hình, tiếng phóng viên trực tiếp truyền thanh của các hãng tin quốc tế, nhộn nhịp bao nhiêu, đại hội lần này diễn ra trong im lặng bấy nhiêu.

Các “cư sĩ Phật Tử”, các “đệ tử trung thành”, các “chính trị gia Phật Giáo”, các “người hùng cách mạng”, v.v.. đã không còn trở lại. Ngọn gió công danh đã thổi họ về hướng khác. Nhiều trong số họ đã sang Mỹ, sang Pháp, sang Anh. Một số khác còn ở lại và đang tiếp tục kiếm sống bằng nghề cũ, nhưng thay lời rao “dân tộc và đạo pháp”, bằng lời ca tụng “dân tộc và chủ nghĩa xã hội” để thích hợp hơn với xu hướng chính trị của thời đại mới.

Trong lúc tôi đang miên man suy nghĩ về thế thái nhân tình trong quán Café bên đường Sư Vạn Hạnh, thì một Gia Đình Phật Tử khoảng 20 em, vài em ngành thanh, một số ngành thiếu và khá đông ngành oanh vũ bước vào chùa.

Họ chở nhau bằng xe đạp. Các em lớn, chắc để tránh dòm ngó, đã mặc thêm bộ đồ thường, khi bước vào chùa mới cởi áo ngoài ra. Tôi không biết họ thuộc đơn vị nào vì tôi không nhớ chùa Ấn Quang có Gia Đình Phật Tử.

Không giống như ngoài Trung, mỗi chùa thường có một Gia Đình Phật Tử, và ngoại trừ những ngày lễ lớn, các gia đình sinh hoạt cố định trong sân chùa hay trong đoàn quán mình, các Gia Đình Phật Tử Sài Gòn Gia Định, có khi sinh hoạt luân lưu ở các chùa trong thành phố.

Các em Oanh Vũ GÐPT Pháp Vân, chùa Pháp Vân, Pomona, California (Ảnh: Uyên Nguyên)

Tiếng còi quen thuộc lại được thổi lên. Cả đoàn nghiêm chỉnh bắt ấn Tam Muội, hát bài Sen Trắng để chào đoàn kỳ, trước khi lắng nghe anh huynh trưởng dặn dò đôi điều cần thiết. Tôi ngồi khá xa nên không nghe anh nói gì nhưng qua khuôn mặt nghiêm trang đượm một màu buồn, tôi thầm nghĩ, chắc anh không có gì vui để gởi gắm cho các em ngoài tình thương và niềm hy vọng.

Gần một giờ sau, cả đoàn sắp thành một vòng tròn nhỏ, cầm chéo tay nhau và hát bài Dây Thân Ái trước khi tan hàng. Tôi nghe lòng mình cũng hát: “Dây Thân Ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng. Ca hát vang không gian đơm hoa. Đường tuy xa nhưng tình bao la. Tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền. Dù cách xa ngàn dặm nhưng gần. Gan thép ta chia tay đừng buồn.”

Nhìn các em đi ra khỏi chùa, lòng tôi chợt dâng lên một niềm đau xót như chính mình đang trong cuộc chia ly.

Tôi nhìn theo bóng các em khuất dần phía cuối con đường. Những con nai tơ tội nghiệp kia vẫn vô tình reo vui bên bờ suối mà không biết phía sau lưng bầy sói dữ đang chờ.

Tôi tự hỏi, họ cầm tay nhau hôm nay, liệu tuần sau có còn được cầm tay nhau nữa hay không. Họ gặp nhau hôm nay, liệu tuần sau có còn gặp lại nhau đông đủ như thế nữa hay không. Không ai có thể trả lời khi cả nước đang bị quay cuồng trong cơn lốc.

Các công trình thủy lợi, chính sách kinh tế mới, các buổi mít-tinh thức chờ trắng mắt, các chiến dịch lượm lon, lượm giấy, các kế hoạch nhỏ, các buổi học tập “năm điều bác Hồ dạy” sẽ một ngày không xa, cuốn hút tâm hồn chân thiện mỹ của các em vào quỹ đạo của lọc lừa và dối trá.

Tôi lo cho các em, lo cho số phận của tổ chức đã hun đúc tôi nên người, lo cho tương lai của Phật Giáo Việt Nam, và lo cho tương lai của quê hương Việt Nam mà tôi yêu tha thiết.

Tương lai đất nước Việt Nam sẽ ra sao khi một đứa bé mới lớn lên mỗi ngày phải học thuộc lòng những câu đầy sắc máu: “Hạnh phúc tính theo đầu người, là anh giết được bao nhiêu giặc Mỹ. Như cây yêu đời sinh được mấy muôn hoa. Giết chúng đi, chỉ còn một đường thôi: giết chúng. Ôi hôm nay lòng ta như họng súng.” (Suy Nghĩ 1966, thơ Chế Lan Viên).

 “Ôi hôm nay lòng ta như họng súng”! Nếu trước 1975, có ai bảo tôi đó là thơ Chế Lan Viên, tác giả của Điêu Tàn với những câu thơ rất dễ thương “Có một người nghèo không biết Tết. Mang lì chiếc áo độ thu tàn. Có đứa trẻ thơ không biết khóc. Vô tình bỗng nổi tiếng cười ran” mà tôi thuộc nằm lòng từ ngày biết đọc văn thơ, tôi chắc chắn không tin.

Tôi cũng vô cùng kính phục tinh thần can đảm của anh huynh trưởng mà tôi chưa có dịp biết tên anh.

Thật ra, lúc đó tôi cũng không có ý định tìm hiểu tên anh, bởi vì, ngay giữa tâm hồn tôi, anh đã có một cái tên rất đẹp: Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Anh như con chim đầu đàn đang bay ngược chiều cơn bão lớn, cố giương đôi cánh tả tơi để che chở cho đám chim non.

Năm 2003, đọc câu kết luận trong lá thư gởi tăng sinh Huế của HT Thích Tuệ Sỹ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình”, tôi chợt nhớ đến các em ngành thiếu, ngành oanh vũ trong sân chùa Ấn Quang buổi chiều năm 1977.

Các em oanh vũ ngày xưa đã lớn. Tôi đau xót nghĩ đến bao nhiêu sự bức chế mà các cấp huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đã phải chịu đựng từ sau 1975. Những trấn áp, đe dọa đó đã làm các huynh trưởng Hạnh Minh Hồ Tấn Anh, Hứa Văn Xuân không còn chọn lựa nào khác hơn là thắp lên ngọn đuốc để đánh thức lương tri nhân loại bằng chính nhục thể của mình.

Thầy Từ Lực và các em học sinh tại trường Bodhi Academy, California (Ảnh: Uyên Nguyên)

Các em đoàn viên Gia Đình Phật Tử, nếu sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại trong cùng thời điểm thì nay cũng đã trưởng thành. Các em may mắn hơn. Thế hệ của các em không phải trải qua những ngày khốn khó. Nhiều trong số các em đang là những chuyên gia lỗi lạc trong nhiều ngành khoa học kỹ thuật, kinh tế xã hội ở nước ngoài.

Nhưng trong tâm hồn các em, dòng suối Từ vẫn chảy, và trái tim của các em vẫn hướng về nơi có bóng Từ Quang tỏa sáng.

Dù đang ở trong nước hay sống ngoài nước, các em chứ không ai khác phải có trách nhiệm xây dựng lại đoàn, đội của mình một cách thích hợp với môi trường mà các em đang sống. Đừng sợ mất bởi vì mất để còn hơn là cố bám víu nhưng biết rằng sẽ mất vĩnh viễn.

Dù đang ở trong nước hay sống ngoài nước, các em chứ không ai khác phải biết tự làm vỡ chiếc vỏ dày bảo thủ trong tâm thức, trong tổ chức của các em để những mầm xanh Bi Trí Dũng được có cơ hội lớn lên trên nền đất mới.

Dù đang ở trong nước hay sống ngoài nước, các em chứ không ai khác phải biết bay qua những ao tù nước đọng của quá khứ hoài nghi và định kiến để phát huy tinh thần Bi Trí Dũng bằng thái độ khai phóng và dung hợp trong thời đại toàn cầu.

Được như thế, tôi tin, một ngày không xa, các em sẽ cùng với hàng trăm ngàn đoàn viên Gia Đình Phật Tử ở khắp nơi trên thế giới mang ngọn lửa tình thương, tin yêu và hy vọng thắp sáng bầu trời đất mẹ Việt Nam.

Đêm tối sẽ qua đi. Bình minh sẽ đến. Trong sân chùa Trấn Quốc, Từ Đàm, Viên Giác, Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Xá Lợi … những con chim oanh vũ lại cất cao tiếng hát. Sau lưng các em sẽ không còn đàn sói già rình rập nhưng là tiếng Suối Từ róc rách, tiếng chuông chùa nhè nhẹ êm đưa. Chào Tinh tấn.

Trần Trung Đạo

(Trích trong Tiếng Vọng Của Suối Từ)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin