menu

Những đôi dép ngoài cửa trai đường

View: 855 -     Chân Văn Ðỗ Quý Toàn       23/10/2019 08:10:59 pm
Những đôi dép ngoài cửa trai đường
Những đôi dép ngoài cửa trai đường
Cư sĩ Chân Văn Ðỗ Quý Toàn (Ảnh: Quảng Pháp)

Có lần tôi ghé thăm một tu viện Phật giáo ở Miến Điện. Ni viện u nhã, tĩnh lặng, đám du khách tự nhiên bước đi chậm rãi. Những con đường mát bóng cây giữa các thiền đường, và bảo tháp không thấy một bóng người, cũng không nghe tiếng động.

Qua một ngôi nhà lớn, có người thì thào: “Đây là phòng ăn,” tay chỉ vào những hàng dép xếp trên thềm, trước những khung cửa gỗ đóng kín, Chắc giờ này các ni sư đang thọ trai. Trai đường yên ắng; như bên trong không có người, hoặc có nhưng không ai chuyển động hay trò truyện.

Từ nhỏ đi Hướng Đạo đã tập thói quen quan sát cho nên tôi đếm các đôi dép xếp bên ngoài cửa trai đường để đoán có bao nhiêu người bên trong. Đếm hàng dọc, hàng ngang, rồi nhân lên. Có hơn 80 người trong trai đường. Khi đếm, tôi mới nhận thấy các đôi dép được xếp thành đúng một hình chữ nhật ngay ngắn. Dép xếp thẳng hàng. Đôi này cạch đôi kia những khoảng cách nhỏ đều đặn, hai chiếc dép trong mỗi đôi đặt thẳng, không nghiêng ngả, không xô lệch.

Tôi tự nhủ: Tu viện này rất trang nghiêm. Tôi đứng im với tấm lòng tôn kính nhìn lên những cánh cửa gỗ đã mang màu sơn úa cũ im lìm bất động. Ở đây, mọi người tu trì nghiêm cẩn.

Hơn tám chục đôi dép, có cũ, có mới, làm bằng nhiều thứ vật liệu, đủ thứ mầu sắc, không đôi nào nổi bật lên vì mang kiểu cách riêng hay được trân trọng đặt ở một chỗ cao hơn, gần bậc cửa hơn. Không thể đoán được một đôi nào là của vị ni viện trưởng, của các giáo thọ hoặc các vị có trách nhiệm với đại chúng. Các đôi dép nằm im, những chúng sinh bình đẳng.

Tôi thoáng nghĩ đến hình ảnh một bàn chân trái đang rút ra khỏi chiếc dép; rồi bàn chân trái hạ xuống chạm mặt đất để bàn chân phải trút chiếc dép kia ra. Một bàn tay với xuống xếp hai chiếc dép sóng đôi ngay ngắn trước khi thân người duỗi lên đứng thẳng. Phía trên những cử động khoan thai, nhẹ nhàng của hai bàn chân có đôi mắt chăm chú của một ni cô đang nhìn chân mình lần lượt tháo từng chiếc dép. Đằng sau hai con mắt đó là bộ não đang được vận dụng để chỉ chú ý tới cử động chậm rãi của từng bàn chân rút ra khỏi từng chiếc dép. Đó là một bộ óc đang ngưng tụ bình yên trong từng chuyển động của bàn chân, của bàn tay, của thân thể. Thân là tâm, tâm là thân, an trú trong từng giây phút. Khi ngài Huệ Năng quét rác trong sân chùa chắc ngài cũng quét như vậy. Người ta vào tu viện để sống như vậy.

Hình ảnh các đôi dép bầy trước phòng ăn tu viện đã cho thấy nội dung tu tập trong ngôi chùa này. Không cần nghe thuyết trình về chương trình tu học, về kỷ luật, thanh quy của tự viện. Không cần ai phân phát tài liệu, chiếu phim, triển lãm. Những đôi dép trước cửa trai đường chứa một thông điệp về uy nghi của người tu tập. Nhìn thấy bỗng phát khởi những suy nghĩ, khuấy lên những tình tự. Hình ảnh các đôi dép xếp ngay ngắn làm tâm mình chuyển động, có thể thay đổi cả thái độ, cả cách sống của những người sẵn sàng mở lòng đón nhận những thông điệp không lời.

Tôi liên tưởng đến những hàng chữ trên báo, trong sách mình viết. Thanh Tâm Tuyền có câu thơ, “… Hằng đêm đọc sách hàng chữ ngay thẳng như lòng người – Hay chúng ta đến đây bằng trí óc trong sạch – Hãy khép mắt, khép mắt thật khẽ…” Những hàng chữ cũng chuyển các thông điệp, giống những đôi dép ngoài cửa trai đường; nhưng theo cách khác hẳn. Bây giờ chúng ta viết các hàng chữ ngay ngắn nhờ những chương trình soạn cho máy vi tính chạy. Hình ảnh các hàng chữ ngay hàng không cho ta biết về cái tâm người viết như thế nào như thời mọi người chỉ viết tay. Người viết dùng lời nói để gửi đi các thông điệp, thường hay viết quá nhiều lời.

Những cuốn phim, những tấm ảnh, các nét vẽ cũng vậy. Người làm nghề truyền thông luôn cố ý chuyên chở những tình những ý của mình. Dù tường thuật một trận bão, hay kể câu chuyện một người con đi tìm mẹ, hoặc làm phóng sự về một hội xem hoa hay một trận động đất, người viết đều muốn chuyển đi các thông điệp.

Nhưng người ta còn có thể nhận được những thông điệp bên ngoài những lời lẽ, những hình ảnh hoặc sự kiện được gửi đi; dù mình có ý định hay không. Thường đọc lại một bài mình viết tôi luôn luôn cảm thấy không hài lòng. Tôi có thể nhớ lại mình đã định diễn tả những ý tưởng nào, có thể nhớ lại động cơ nào đã thúc đẩy khiến mình thấy cần gửi đi tới độc giả những tình ý đó. Nhưng có khi chỉ sau một hai ngày, đọc lại những lời mình viết thấy thất vọng. Khi đóng vai một độc giả, thấy cả bài viết không mang lại cái thông điệp lúc đầu mình định chuyển đi. Không gây cho mình, người đọc, những suy nghĩ hay xúc động mà mình, người viết, tha thiết muốn gợi ra. Tóm lại, là thất bại.

Sau nhiều lần trải qua kinh nghiệm đó, tôi nhận ra một lý do chính là thấy cái tâm của người viết không bình yên, lúc viết đã không làm chủ cái tâm mình. Cái tâm xôn xao hay náo loạn không hiện ra trong riêng một lời, một câu hay một ý tưởng nào mà cảm thấy khi đọc nhiều đoạn, hay cả bài. Tâm đã bị bao nhiêu thứ lôi cuốn, áp đảo, mà người viết không biết. Có thể chỉ vì một chi tiết nhỏ nằm trong cơn cảm hứng đã trồi lên, trùm lấn tất cả. Hay vì lòng tham muốn trút hết những cơn sóng trào lên trong lòng, lôi kéo và thúc đẩy. Người viết đã quên những người sẽ đọc mình, chỉ cắm cúi chạy theo những tình ý ở trong mình.

Mỗi bài viết cũng chuyển tới người đọc cả tình trạng trong lòng của người viết. Tâm đang bình an hay náo động, đều hiện ra trong cách dùng chữ, cách đặt câu, cách trình bầy các tình ý hay sự kiện. Người đọc sách sẽ tiếp nhận cả cái tâm không bình an của người viết. Tâm người đọc cũng xao động, rối loạn mà thường chính họ không ý thức điều đó. Chúng lẳng lặng thấm vào tâm não họ, nằm đó chờ đợi. Mỗi hạt giống gieo vào tâm thức được chứa trong các nơ ron và các xi náp của chúng ta, không biết khi nào sẽ thức dậy, nẩy mầm và tác động trên thân, khẩu, ý mình.

Nhìn những đôi dép bầy gọn gàng, thứ tự tôi chợt thấy lòng mình an vui, trong sáng hơn. Các ni cô xếp những đôi dép thẳng hàng đã nhiếp hóa tâm đại chúng. Một thông điệp được chuyển đi từ tâm sang tâm, cho người nào sẵn sáng tiếp nhận. Cho nên tôi nghĩ đến các hàng chữ mình vẫn viết. Người viết không gửi các tình ý tới người đọc nhưng không phải chỉ có vậy. Cái tâm của mình trong lúc viết thế nào, nó cũng chuyển sang tâm người đọc.

Chúng ta muốn viết những “hàng chữ ngay thẳng như lòng người” thì cần tấm lòng phẳng lặng, bình an, như những đôi dép xếp hàng ngay ngắn trước cửa trai đường. Tại sao Thanh Tâm Tuyền viết về thành phố Budapest năm 1956 lại thốt lên: “Sao ở trên trời sao rơi nhẹ nhàng… bếp lửa củi hồng tiếng thì thầm nụ cười cháy đỏ… chúng ta đứng giữa cánh đồng phì nhiêu tâm hồn, trên triền núi cao tình thương yêu…”? Khó trả lời những dấu hỏi này. Đọc bài thơ, chúng ta có thể làm theo đề nghị của thi sĩ: “Hãy khép mắt, khép mắt thật khẽ…” Rồi ngắm nghía xem tâm mình nó chuyển thế nào.

CHÂN VĂN ÐỖ QUÝ TOÀN

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin