menu

Nói với huynh trưởng GĐPT – Tùng địa dũng xuất

View: 1720 -     Nói với huynh trưởng GĐPT – Tùng địa dũng xuất       23/04/2019 09:04:45 pm
Nói với huynh trưởng GĐPT – Tùng địa dũng xuất
Nói với huynh trưởng GĐPT – Tùng địa dũng xuất

Kinh Pháp Hoa, phẩm thứ 15. Có tựa đề là Tùng Địa Dũng Xuất, nghĩa là từ đất vụt lên, xuất hiện mãnh liệt vô ngại. Kinh văn như sau:

“Lúc bấy giờ, các vị đại Bồ Tát ở cõi nước phương khác đông hơn số cát của tám sông Hằng, ở trong đại chúng đứng dậy chắp tay làm lễ mà bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu bằng lòng cho chúng con lúc sau khi Phật diệt độ ở tại cõi Ta Bà này siêng tu tinh tấn, giữ gìn đọc tụng biên chép cúng dường kinh điển này, thời chúng con sẽ ở trong cõi nước đây mà rộng nói đó”.

Khi đó Phật bảo các chúng đại Bồ tát: “Thiện nam tử! Thôi đi chẳng cần các ông hộ trì kinh này. Vì sao? Vì cõi Ta bà của ta tự có chúng đại Bồ tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng. Mỗi vị Bồ tát có sáu muôn hằng hà sa quyến thuộc những người đó có thể sau khi ta diệt độ hộ trì đọc tụng rộng nói kinh này”. ”

Trước tiên, chúng ta lưu ý đến những Pháp số “các vị đại Bồ Tát ở cõi nước phương khác (pháp giới bồ tát) đông hơn số cát của tám sông Hằng,..” Những vị Bồ tát ở các cõi khác đều đã thành tựu tám tâm vương, tinh tấn bất thối (hơn tám), có thừa khả năng dẫn dắt chúng sanh bằng cách hộ trì và lưu bố kinh Pháp Hoa tại thế gian. So với chúng sanh nơi cõi Ta bà, số lượng đông đúc hơn “chúng đại Bồ tát số đông bằng số cát của sáu muôn sông Hằng…”, tuy số lượng đông đúc hơn nhưng chỉ mới thành tựu được 6 thức (nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân,ý), và phải là chính họ ra sức hộ trì và thực hành kinh Pháp Hoa tinh tấn bất thối để tiếp độ cho sáu muôn hằng sa quyến thuộc thì kinh Pháp Hoa mới đích thực là được hộ trì.

Ví như có những người học trò nương tựa vào các bậc thầy siêu việt không tự rời bỏ nên cả đời khó có thể bằng các đấng tôn sư; như những đứa con không chịu rời khỏi cha mẹ nên chậm tự lập trưởng thành; nếu Phật không thị hiện tướng nhập diệt, thời hậu lai không nỗ lực hết mình để chứng đạo giải thoát.. Nếu như chúng ta biết có vô số Bồ tát đông hơn tám hằng sa đang hết lòng hộ trì, có lẽ chúng sanh nơi cõi ta bà sẽ dễ dãi, buông lung! Đạo hạnh là phải do tự mỗi người nỗ lực tự lập, không thể nương cậy vào người khác Huống chi chúng sanh cõi ta bà chỉ mới thành toàn được 6 thức, trong đó Ý thức (mind) làm chủ, đã được đặt danh hiệu “Công vi thủ, tội vi khôi” [công đầu mà tội cũng đầu]. Trong quá trình thực hành tu học các hành giả phải ra công phu quán chiếu để điều chỉnh tâm trạng, rèn cập ý thức gắt gao theo Giới-Định-Tuệ trên đường chuyển hóa, chuyển thức thành trí – Lúc này, tự biết mình đã có một vị thầy là “Trí Độ” thật sự.

Như chúng ta từng nghe câu chuyện của Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đưa Ngài Huệ Năng qua sông: “Ngũ Tổ liền đưa đến bến đò Cửu Giang, bảo Ngài Huệ Năng lên thuyền và Tổ bèn cầm chèo tự chèo. Ngài thưa: “Thỉnh Hòa thượng ngồi, để đệ tử chèo.” Tổ bảo: “Phải là ta độ ông.” Ngài thưa: “Khi mê thì Thầy độ, ngộ rồi thì con tự độ. Độ tên tuy là một nhưng chỗ dùng không đồng. Huệ Năng sanh nơi biên phương, tiếng nói không đúng, nhờ Thầy truyền pháp nay đã được ngộ, chỉ nên tự tánh tự độ.”

Khi mê thì nhờ thầy độ, Ngộ rồi thì con tự độ. Tình thầy trò cần cung kính mà tự tánh vốn bình đẳng không có sai biệt.

Do Ý thức dẫn đầu các pháp nên sửa đổi cách nhìn theo Chánh tri kiến:

  • Chuyển Ý thức thành Diệu quan sát trí.
  • Chuyển Mạt na thức thành Bình đẳng tánh trí.
  • Chuyển A đà na thức thành Đại viên cảnh trí.

Như vậy, chúng ta thấy Ý thức (quan sát) có dẫn theo Mạt na thức phò trợ (phân biệt) tạo thành tâm cảnh vui sướng hay phiền não, khổ đau. Tu hành là tự điều chỉnh tâm ý theo Chánh niệm (mindfulness) trong mỗi thời khắc, vượt qua thành kiến ngã chấp trước đó mà buông bỏ cho tâm ý được thanh tịnh, tâm ý hoàn toàn thanh tịnh thì Đại viên cảnh trí chân thật hoàn toàn hiện ra. Tuy ba nhưng cũng chỉ một, như chỉ có một Phật thừa mà thôi.

Nếu chúng ta, huynh trưởng Gia đình Phật tử không sớm biết điều này, có thể là ta chưa đủ duyên lành để đi vào nhà Như Lai, nghe được kinh điển đại thừa mà mở lòng tu tập, hoặc là biết rồi nhưng còn say đắm trong ảo mộng làm giàu, đạt các địa vị công hầu, khanh, tướng, mà nơi đó phải thường xuyên sử dụng ba thứ độc (tham, sân,si) để cạnh tranh khốc liệt với trường đời, rồi lấy cái đó làm thước đo đẳng cấp, bất bình như trong xã hội. Nếu muốn được hơn họ, tự mình phải uống thuốc độc trước, phải say mê tốc độ không thì bỏ cuộc giữa chừng. Trường hợp của Cư sĩ Duy Ma Cật nhập thế là một ví dụ điển hình về tự tánh vô nhiễm như hoa sen, vào đời với một mục đích duy nhất là vì chúng sinh mà tế độ.

Asoka, một vị vua hộ pháp vĩ đại. thay vì đầu tư cho chiến tranh thì Ngài đã buông gươm, tạo sự an trị nhân tâm bằng Phật hóa. Ngày nay, ít ai tự hỏi tại sao Phật giáo Nguyên Thủy tại Ấn Độ thực thời do Phật tử cúng dường có khi mặn, khi chay? Trong khi 75% dân số Ấn Độ là ăn chay, sự giảm thiểu sát sinh thực sự là rất nhiều.

Trước năm 1975, GĐPT đã được sự khuyến hóa của chư Ân sư, cùng các huynh trưởng thiện tri thức đề ra một chương trình học Phật cho các bậc Huynh trưởng. Một bài Phật học viết ra, giảng dạy cho vô số đoàn sinh, huynh trưởng, dẫn dắt nhau liên tiếp qua nhiều thế hệ không hề mong muốn rằng chúng ta học Phật để đối phó với các kỳ thi, mà chỉ ước nguyện một điều duy nhất, ta và quyến thuộc nhiều như số cát của 6 muôn sông Hằng kia cùng ngồi chung một đạo tràng.

Đức Phật thành đạo là khi vô số chúng sanh như cát của 6 muôn sông Hằng kia đã được độ tận “Ta là Phật đã thành – Chúng sanh là Phật sẽ thành”, tâm Phật hoàn toàn vắng bặt “chúng sanh trược” mà vào Đại viên cảnh trí tức niết bàn.

Sau năm 1975, hoàn cảnh xã hội đổi thay, cái nhìn cũng đổi thay qua từng thập niên. Tất cả các hình tướng, tôn giáo, tư tưởng, giáo dục, đời sống.. cũng bị bóp méo, vo tròn, hệ quả hôm nay là do mọi sự bắt đầu bị sai lệch, như một vòng tròn khi di chuyển tâm thì cả vòng tròn cũng phải di chuyển. Nhưng GĐPT, duy GĐPT tồn tại giữa những hoàn cảnh nghiệt ngã là do chúng ta bám được vào “cái bè chánh pháp” để thường tùy Phật học, Hàng ngàn huynh trưởng thâm niên được chạm tay, được tụng đọc những bộ Đại thừa kinh điển thật là hy hữu trong đời, duyên lành khó gặp, nhưng có khi trong tay cầm được các “bí kíp” để chứng đạo, để giải thoát luân hồi sinh tử mà chúng ta không trân trọng giữ gìn, không thực hành dẫu đã làu thông các pháp, vẫn biết cuộc đời là vô thường mà cứ bám chặt vào huyễn ngã, không chịu buông tay.

Bài học đầu tiên chúng ta được học là Nhân-Quả, kèm theo câu chuyện Bài học ngàn vàng “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ đến hậu quả”, sự say sưa đắc thắng hay lòng tự hào, tự ty đều là những bước đi sai lầm của tự ngã không thật, thời khắc hiện tại nào cũng phải biết “sát tặc”, phải biết lần hồi triệt tiêu các ý nghĩ tà kiến sai lầm khi chúng bắt đầu khởi vọng niệm sai biệt thay vì dung dưỡng chúng để chúng lại trồi lên làm sa đọa bản tâm.

Thí dụ như ngày Chủ Nhật, ta phải đi chùa sinh hoạt, làm một nhiệm vụ nhỏ nhoi là huân tập, giáo dục các em. Tuy nhỏ nhoi mà công đức có khi vô lượng nếu như mai kia các em thành nhân trong đời sống từ hòa, hiếu thảo, biết sống chân thật hạnh phúc trong gia đình, xã hội..  do cách ân cần, tận tâm chỉ bảo hôm nay của các anh chị. Chúng ta cương quyết từ chối những chuyện riêng tư không quan trọng để đến chùa với các em. Với sự quyết tâm đó, chúng ta đã xoay chuyển cả thế giới quy Phật, lòng đất cũng phải nứt ra để một vị Bồ tát vọt lên vì chúng sanh tế độ. Trong đời huynh trưởng của các anh chị, có bao nhiêu lần lòng đất nứt ra để xuất hiện chân Tâm Bồ tát như vậy?

Riêng tôi, xin cảm ơn Gia Đình Phật Tử thật nhiều, vì tôi đã sớm có mặt trong hàng ngàn huynh trưởng thâm niên được chạm tay, được tụng đọc và hành trì những bộ kinh điển Đại thừa, biết thực hành diệu dụng tâm yếu của kinh điển để tự chữa lành thân và tâm bệnh. Mỗi huynh trưởng tự biết đã gieo trồng được cội rể chân tâm từ muôn kiếp trước để ngày nay được nhìn thấy lối về. Lối vào tu học có ngàn, muôn mà đường về chỉ có một. Một ở đây là “Vô sở trú”, không vướng mắc Ở thời khắc nào, không gian nào cũng không nương tựa và không dừng nghĩ ở bất cứ vị trí nào.

Năm 1973, sau khi hai miền Nam-Bắc ký kết hưu chiến đã làm cho quý huynh trưởng và Phật tử thời đó dấy lên bao niềm hy vọng và đề tài “xây dựng lại quê hương trong thời hậu chiến” đã được bàn cãi rất nhiều. Nhưng, chuyện đời vốn không như ý, chúng ta lại tiếp tục hành trình vào gian nan, và lần này GĐPT đã có gia tài tu học qua bảy bộ kinh điển đại thừa mà tiền nhân để lại trong chương trình tu học Huynh trưởng, thập niên 1980 GĐPT tiếp tục đi vào lò lửa mà làm cho hoa sen nở (liên phát lô trung), ấy mới là công phu thật sự, tu học trong gian khó nhọc nhằn mà ta làm sáng tỏ chân tâm. Chúng ta tìm cầu các vị bồ tát ở cõi giới đầy đủ số cát của tám sông Hằng đến cõi giới Ta bà của mình để cứu độ chúng sinh đông như số cát 6 muôn sông Hằng! Thật ra nếu các vị ấy đến đây thì cũng có thể chỉ cho đại chúng cái bí quyết thắp vô tận đăng để chúng ta tự độ và cứu độ cho nhau; chỉ cho ta mảnh đất phì nhiêu của chân tâm để chúng ta phát tâm Bồ tát để mạnh dạn vọt lên từ lòng đất với tâm nguyện tự độ và độ sinh.

Hỡi quý anh chị em huynh trưởng!

Nếu không thu xếp được một ngày, tạm rời chuyện thế gian để gia nhập đạo tràng rèn luyện sự thanh tịnh tam nghiệp, thì từ bây giờ đến muôn kiếp nữa, chẳng lẽ ta mãi hoài gánh chịu bao phiền não trầm luân? Nếu không thu xếp được vài giờ trong tuần để đến với các em, lẽ nào ta không nhìn thấy đàn bé thơ, con cháu chúng ta lớn lên trong sa đà dục lạc? Việc làm của mỗi huynh trưởng chúng ta tuy nhỏ nhoi không đáng kể, nhưng ngàn muôn cái nhỏ nhoi góp lại sẽ bồi đắp thành vùng đất lành Tịnh độ nhân gian.

Này các vị bồ tát, hãy từ đất dũng mãnh hiện lên cho thế gian bớt khổ.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin