menu

PHÁP HỘI KINH PHÁP HOA TẠI ĐẠO TRÀNG ĐUỐC TUỆ

View: 947 -     Đào Ngọc Phong       28/03/2019 07:03:03 pm
PHÁP HỘI KINH PHÁP HOA TẠI ĐẠO TRÀNG ĐUỐC TUỆ
PHÁP HỘI KINH PHÁP HOA TẠI ĐẠO TRÀNG ĐUỐC TUỆ

PHÁP HỘI KINH PHÁP HOA TẠI ĐẠO TRÀNG ĐUỐC TUỆ
Đào Ngọc Phong


NAM MÔ PHÁP HOA HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT

Hai giở chiều ngày 17 tháng 3 năm 2019, tại Trung Tâm Sinh Hoạt Shanga thành phố Huntington Beach, Nam California , Hội Phật Học Đuốc Tuệ đã mời Thượng Tọa Thích Tâm Thiện lên pháp tòa làm giảng sư lần thứ hai trong năm nay giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Từ 1 giờ trưa, trước khi thính chúng đến, ban tổ chức đã có mặt sắp xếp những hàng ghế, bàn tiếp tân, pháp tòa, bàn thờ Phật, hệ thống ánh sáng và âm thanh… Chúng tôi gặp dược bác Mật Nghiêm, đạo hữu Tâm Cát, anh Nguyên Trí phụ trách phần âm nhạc phụ diễn, anh Tuệ Nhẫn phụ trách quay video, cô MC Tịnh Tánh duyên dáng trong chiếc áo dài xanh hoa….và nhiều thiện nguyện viên lặng lẽ làm việc. Bác Mật Nghiêm và đạo hữu Tâm Cát là hai trong những vị cao niên nhất suốt mười mấy năm nay điều hành HPHĐT tổ chức biết bao buổi thuyết pháp tại vùng Little Sai Gòn.

Giảng sư Thích Tâm Thiện hôm nay sẽ ban pháp thoại về đề tài Giới Thiệu Triết Lý Kinh Pháp Hoa—Phần 1. Thính chúng lần lượt đến lấp đầy dần những hàng ghế. Chúng tôi nhận xét quí thính giả phần lớn trên tuổi 50, hẳn đều là những người đã từng đọc, tụng, biên chép Kinh Pháp Hoa tại các chùa Bắc Tông, bởi vì hầu như chùa nào cũng có những thời khóa trong tuần tụng tập thể Kinh Pháp Hoa. Chúng tôi nói về chùa Bắc Tông vì các chùa Nam Tông không có các Kinh Đại Thừa như Pháp Hoa, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Duy Ma Cật, Lăng Nghiêm, Kim Cang v…v…

Như vậy hầu như cả ban tổ chức, giảng sư và thính chúng đều là những hành giả Pháp Hoa với những mức độ khác nhau, như trong Phẩm thứ 10-- Pháp Sư trong Kinh Pháp Hoa đã nói tới. Trong Phẩm này, Đức Thế Tôn nói với Bồ Tát Dược Vương là đại chúng trong pháp hội hôm nay, chư Thiên, chư Thần, chư Thanh Văn , Bích Chi Phật, nhân và phi nhân đứng trước Phật chỉ cần “nghe Kinh Diệu Pháp Liên Hoa một bài kệ, một câu, nhẫn đến một niệm tùy hỷ đó, Ta đều thọ ký cho sẽ được vô thượng chánh đẳng chánh giác” (Kinh Pháp Hoa—Bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh—Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản –1999—Phật lịch 2543 ). Thọ ký nghĩa là gì ? Hòa Thượng Nhất Hạnh giảng “thọ ký là một công tác hoằng pháp, gieo đức tin, gieo sự quyết tâm vào trong lòng người” ( Sách “Sen Nở Trời Phương Ngoại—Lá Bối xuất bản—San Jose, California 2001—trang 75 ). Phật cũng thọ ký cho bất cứ chúng sinh nào làm như thế sau khi Phật diệt độ.

Đặc biệt đối với giảng sư, đức Phật nói “ Dược Vương nên biết,Người đó tự bỏ nghiệp thanh tịnh sau khi ta diệt độ, vì thương chúng sinh mà sinh nơi đời ác, rộng nói Kinh này” . Đời ác là đời gì ? Là đời có nhiều bạo lực chống lại giáo lý của Phật vốn chủ trương không có thần thánh cai quản vũ trụ và con người, không có linh hồn trường cửu, xóa bỏ đẳng cấp xã hội, cứu vớt nữ giới , mỗi con người đều có thể giác ngộ như Phật….Bản thân Phật trong suốt 45 năm hoằng pháp đã gặp biết bao nghịch duyên. Như Hòa Thượng Nhất Hạnh viết “Chúng ta biết rằng Bụt cũng là một nhà cách mạng, Bụt đã công kích chế độ giai cấp và sự kỳ thị phụ nữ, chống đối tới cùng những tư tưởng của Bà La Môn Giáo. Nhưng Bụt đã may mắn hơn chúa Ki-Tô , Ngài không bị đóng đinh.” ( Sđd trang 27 ).

Đức Phật Thích Ca ( 624-544 BC ) không phải là một nhà cách mạng chủ trương dùng bạo lực mà dùng Tứ Vô Lượng Tâm và Trí Tuệ vô thượng cảm hóa bạo lực. Trong khi còn tại thế Ngài đã thu phục hai ông vua hiền làm đệ tử là vua Tần Bà Sa La của nước Ma Kiệt Đà và vua Ba Tư Nặc của nước Kosala, thu phục bạo vương giết cha là A Xà Thế cũng có mặt trong hội Pháp Hoa ( Xem Phẩm Tựa thứ nhất, sđd, trang 29 ). Sau khi Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài lại thu phục bạo vương A Dục ( trị vì đế quốc Maurya từ năm 270 đến 232 BC).

Kinh Pháp Hoa là một tác phẩm văn học viết theo thể thoại kịch có 28 màn trong đó màn thứ tư ,Phẩm Tín Giải , có một đoạn ngắn ( clip ) diễn tả hiện thực xã hội đương thời. Một đại phú gia có người con bỏ nhà đi từ nhỏ, suốt 50 năm nghèo khổ làm thuê kiếm sống, lăn lộn giữa giai cấp cùng đinh. Tình cờ lang bạt về bổn quốc, dừng trước một tòa lâu đài tráng lệ, thấy một ông trưởng giả ngồi “giường sư tử, ghế báu đỡ chân, các hàng Bà La Môn, Sát Đế Lợi, Cư Sĩ đều cung kính bao quanh…” Gã cùng tử sanh lòng lo sợ, nghĩ rằng đây chẳng phải chỗ xin làm thuê, e rằng còn bị bắt nữa, bèn bỏ chạy. Ông trưởng giả nhận ra đứa con ruột, bèn sai người đuổi theo bắt lại. Gã nghĩ “ta không tội tình chi mà bị bắt bớ, đây chắc định phải chết, lại càng sợ sệt mê ngất ngã xuống đất” ( Kinh Pháp Hoa—sđd—trang 170 đến 174 ).

Giai cấp cùng đinh luôn lo sợ bị bắt bớ tù đầy bởi giai cấp thống trị do bốn đẳng cấp ưu quyền kết thành : tu sĩ Bà La Môn, hoàng tộc, tướng lãnh quân đội, đại phú gia. Mô hình thống trị này có lẽ vẫn là mô hình của mọi chế đô chuyên chế cho tới thời hiện đại dưới những danh xưng khác nhau. Chính vì vậy mà tư tưởng Kinh Pháp Hoa vẫn không lỗi thời, và ngày hôm nay Phật lịch 2563 thính chúng vẫn vân tập nghe Thầy giảng Kinh Pháp Hoa. Vẫn là trong đời ác, không có gì thay đổi.

Trong khi chờ hội trường đông hơn, anh Nguyên Trí và chị Thúy Anh hát nhiều bản đạo ca dẫn đưa đạo tràng vào cảnh giới thanh tịnh. Nhân lúc Thầy chưa đến, chúng tôi cũng xin lược qua về xuất xứ của Kinh Pháp Hoa .

Bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh vào năm 1948 là bản thông dụng nhất trong hàng Phật tử Việt Nam. Bản này dịch từ bản Hán văn của Ngài Cưu Ma La Thập khoảng năm 402 AD đời Dao Tần bên Trung Hoa, dịch từ bản bằng Phạn ngữ. Theo nghiên cứu của Hòa Thượng Thích Trí Quảng, các nhà khảo cổ đã tìm được tới 28 bộ kinh Pháp Hoa bằng Phạn ngữ từ nhiều địa phương khác nhau như Nepal, Kashmir, Khotan…và ước chừng vào khoảng 100 năm trước Công Nguyên, những bộ kinh này đã được kiết tập bởi các Thầy Tổ từ lời dạy của Đức Phật vào cuối đời ( Thích Trí Quảng---Lược Giải Kinh Pháp Hoa—Sài Gòn 1999—trang 9—26: Lịch Sử Kinh Pháp Hoa ).

Trí Giả Đại Sư ( 538-597 ) là tổ thứ 3 của Tông Thiên Thai bên Trung Hoa vốn lấy Kinh Pháp Hoa làm căn bản , chia ra năm thời kỳ thuyết giáo của Đức Phật Thích Ca :

Hoa Nghiêm hai mươi mốt ngày
A-Hàm mười hai, Phương Đẳng tám năm
Bát Nhã hai mươi hai năm
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm

Đó gọi là Ngũ Thời Giáo mà Ngài Trí Giả so sánh với ánh sáng chiếu từ mặt trời qua năm vị trí trên trời xuống thế gian

Nhật xuất tiên chiếu cao sơn
Nhật thăng thứ chiếu hắc sơn
Nhật thăng chuyển chiếu cao nguyên
Nhật thăng phổ chiếu đại địa
Nhật một hoàn chiếu cao sơn

Lúc rạng đông, ánh sáng chỉ chiếu núi cao tượng trưng đệ tử có căn cơ cao. Hắc sơn tượng trưng hàng đệ tử căn cơ bậc trung . Cao nguyên tượng trưng bậc trung và hạ. Đại địa tượng trưng mọi loài chúng sinh. Mặt trời lúc hoàng hôn giống như Kinh Pháp Hoa giảng vào cuối đời tổng hợp mọi căn cơ vào một mối gọi là Nhất Thừa Pháp, bao dung Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa, Bồ Tát thừa và Nhân thừa

Thầy Tâm Thiện mở đầu pháp thoại bằng cách nhắc lại ẩn dụ Ánh Sáng tượng trưng cho Trí Tuệ Phật triển khai qua các bộ kinh. Hôm nay Thầy chỉ giảng giải về chân lý Thực Tướng vạn pháp là Vô Tướng mà Đức Phật nói trong Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa để giáo hóa Bồ Tát như là phần mở đầu trước khi giảng Kinh Pháp Hoa.

Lấy thí dụ đơn giản, Kinh Pháp Hoa thuộc trình độ tiến sĩ, thì Kinh Vô Lượng Nghĩa ở cấp Dự Bị tiến sĩ. Còn trong 40 năm hoằng pháp kể từ ngày thành đạo năm 35 tuổi, các kinh Tứ Thánh Đế, Vô Ngã Tướng, Thập Nhị Nhân Duyên ở trình độ Cử Nhân ; mười hai bộ kinh Phương Đẳng như Đại Bát Nhã, Hoa Nghiêm… ở trình độ cao học ( Xem Kinh Đại Thừa Vô Lượng Nghĩa—HT Thích Trí Tịnh---sđd—trang 670 ).

Tại sao gọi Vô Lượng Nghĩa ? Pháp Sư tùy theo căn cơ ngàn vạn chúng sinh mà một chữ, một câu trong kinh có thể giảng rộng ra vô lượng nghĩa. Đức Phật ví giáo pháp giống như nước : “Giáo pháp cũng giống như nước hay rửa sạch mọi thứ cấu uế; dù là nước giếng, nước ao, nước sông, nước ngòi, nước khe, nước suối hay nước biển lớn cũng đều hay rửa sạch mọi thứ cấu uế, thì nước pháp cũng giống như vậy. Nó hay rửa sạch những cấu uế phiền não cho chúng sanh” ( Kinh Pháp Hoa—sđd—trang 657 ). Theo Thầy Tâm Thiện , nước Pháp chỉ có một tướng giải thoát và một vị giải thoát.

Kinh Vô Lượng Nghĩa có ba phẩm : Phẩm 1: ĐỨC HẠNH—Phẩm 2 : THUYẾT PHÁP---Phẩm 3 : MƯỜI CÔNG ĐỨC

Hòa Thượng Thích Trí Quảng lý giải rất rõ, dễ hiểu về Kinh VLN từ trang 27 đến trang 52 ( sđd—Lược Giải KPH). Kinh này dùng để kiểm tra trình độ về ba mặt của ai muốn trở thành hành giả Pháp Hoa, vì hành giả Pháp Hoa phải là những Bồ Tát gần như Phật thì mới thay thế Phật giáo hóa quần sanh sau khi Phật nhập diệt. Đó là kiểm tra về đức hạnh, về trình độ thuyết pháp, về những công đức tu hành.

Thầy Tâm Thiện hôm nay chỉ giảng về Phẩm Thuyết Pháp. Trong Phẩm này Đức Phật nói từ lúc khởi đầu chuyển Pháp Luân ở vườn Lộc Dã Uyển hơn 40 năm đến nay giảng Kinh VLN “ chưa lúc nào ta không nói thuyết khổ không, vô thường, vô ngã, phi chơn, phi giả, phi đại phi tiểu, bản lai bất sanh nay cũng bất diệt, một tướng vô tướng, pháp tướng, pháp tánh, không tới, không lui mà bốn tướng của chúng sinh thường phải biến thiên”(sđd—trang 671 ). Đọc câu này, chắc ai là Phật tử cũng nhớ Bát Nhã Tâm Kinh : “Xá Lợi Tử! thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng , bất giảm”.

Thầy Tâm Thiện đưa ra ba thi dụ cho đại chúng dễ hiểu .

Thí dụ thứ nhất : Bốn tướng Sinh, Trụ, Hoại , Diệt biến thiên như thế nào mà con người không biết hay mang ảo tưởng là cuộc đời vĩnh viễn không thay đổi. Ta cắt móng tay hôm nay, một tháng sau thấy nó dài ra một phân. Đâu có phải từ mồng một đầu tháng qua ba mươi ngày nó ở nguyên vị trí để rối đến ngày 30 nó vụt dài ra một phân ? Trí phàm nhân không thể theo dõi được nó dài ra từng một phần ngàn ngàn của giây đồng hồ. Tóc và da cũng vậy. Theo năm tháng da nhăn dần tức là tế bào da chết dần. Tóc mọc dài ra là tóc chết. Thầy cho biết một báo cáo khoa học mới nhất khám phá ra trong thân thể con người chỉ có 40% là của mình còn 60% là của vi khuẩn. Thân ta sinh ra hoại dần tới chết, cũng như những niệm tưởng trong tâm ta khởi lên rồi biến .

Thí dụ thứ hai : Một người vừa sinh ra gọi là hài nhi, lên bảy tám tuổi gọi là cô bé, 15 tuối gọi là thiếu nữ, lấy chồng gọi là phụ nữ, có con gọi là bà mẹ, có cháu gọi là bà nội bà ngoại, già quá phải chống gậy , để rồi thân tứ đại rã tan thì gọi là hương linh. Những cái ta, cái tôi, cái của ta trong mỗi thời kỳ chỉ là những ảo tưởng. Trước khi ta nhập vào bào thai mẹ, ta là gì, ở đâu? Sau khi thân thể rã tan ta là gì, về đâu ? Cái tôi đang ngồi đây nghe pháp chỉ là một giả tướng, sau khi nghe pháp ta lại khoác một giả tướng khác. Vì thế mới nói mỗi pháp có một tướng là vô tướng. 
Nếu vẫn muốn dùng ngôn ngữ để diễn tả thì phải nói thực tướng của vạn pháp là vô tướng.

Thí dụ thứ ba : Thầy đang ngồi trên ghế, để tay trên bàn. Cái gọi là ghế, bàn chỉ là hai tướng của chất gỗ. Tất nhiên dụng của hai tướng đó khác nhau : ghế dùng để ngồi, bàn dùng để đồ vật, nhưng cả hai tướng đó đều do nhân duyên khế hợp mà thành . Phải có rừng cây, có người chặt cây, có thợ mộc cưa cắt đóng ráp…Quán tưởng rộng hơn nữa…phải có trái đất, có ánh nắng mặt trời, có mây mưa tưới tẩm…Nếu không có những nhân duyên đó thì chẳng có cái bàn. Tướng cái bàn thực ra là vô tướng. Đấy là ta quán tưởng vào ngay lúc này, lúc Thầy đang ngồi đây. Nếu quán tưởng theo chiều thời gian đang trôi đi, thì đến một thời điểm nào cái bàn bị mối mọt, gẫy chân, bị vứt vào thùng rác, rồi mục rã thành bụi lẫn vào đất cát làm chất phân bón cho rừng cây…Vì thế mới nói : gọi là bàn mà chẳng phải bàn.

Cái ngã của ta cũng thế thôi , được khế hợp bởi ngũ uẩn- sắc, thọ, tưởng, hành, thức liên tục biến thiên rã hoại. Thầy Tâm Thiện giảng thêm : Giờ phút này ta học lý vô ngã, nhưng chỉ chớp mắt ai chửi ta một câu là ta nổi giận đùng đùng, có khi đi tới bạo động với đối tượng, nếu không thì lại hận thù mang xuống tuyển đài không tan….vì thế hôm nay ta học Kinh VLN về vô tướng, thì cố gắng tập nhìn đời bằng đôi mắt từ bi như hạnh Quan Âm –Từ Nhãn thị Chúng Sinh. Vì sao ? Vì nổi giận về lầm lỗi của ai tức là mê muội đem phiền não của người đó để trừng phạt chính mình. Cả ta lẫn tha nhân rồi cũng tan không.

Thầy kể một câu chuyện khác về đời người. Có ba ông già ngồi trà đàm. Mỗi ông làm hai câu thơ. Ông thứ nhất :
Hôm nay ngồi tại nơi đây
Biết sang năm có cầm tay bạn hiền

Ông thứ hai :

Đêm nay để giép dưới giường
Sáng mai đâu chắc xuống giường xỏ đi

Ông thứ ba :

Lúc này ta đang thở khì
Biết đâu phút chốc hồn phi lên trời

Ta ôm ảo tưởng có một tự ngã trường tồn nhưng thực ra mình chỉ nhìn thấy bóng mình mà tưởng là một cái gì có thực. Nhà thơ Phạm Thiên Thư diễn tả tâm cảnh đáng thương này bằng hai câu thơ :
Hỡi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận bóng hình không bay

Hãy suy gẫm câu thực tướng vạn pháp là vô tướng và ứng dụng vào cuộc sống thực tế. Ta có là gì để mà kiêu mạn, giận hờn, vì những thái độ này biểu lộ giòng suy tư hữu ngã chỉ dẫn đến những hành xử tiêu cực, giống như mình có bảo vật trong tay mà vứt bỏ đi.
Bảo vật đó có trong mỗi con người là Phật tánh tức là Tánh Giác bị tham sân si che phủ.

Nếu quán tưởng về nhân duyên như thí dụ cái bàn nêu trên, ta lại thấy ta sở dĩ hiện hữu được là do bao nhiêu nhân duyên khế hợp mà thành. Từ đó đưa đến suy nghĩ về một cách sống hòa điệu bao dung với mọi người mọi vật.

Thầy hỏi thính chúng trong chúng ta đang ngồi đây có ai chưa bao giờ đau khổ ? Hội trường im lặng. Thầy đọc bốn câu thơ :

Có chua mới gọi là chanh
Muốn ngọt thì có cam sành trên cây
Có chua mới ngồi ở đây 
Muốn ngọt thì với trên cây cam sành

Minh có mặt ở cõi ta bà là có khổ rồi. Vì khổ mới đi tìm đường thoát khổ,
mới tìm cầu chánh pháp qua kinh sách, qua những buồi pháp thoại từ bao nhiêu năm rồi…Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí huệ như biển. Đúng là biển Phật học mênh mông, biết bao nhiêu kiếp mới thâm nhập được? Bởi vì thân mệnh một đời qua nhanh quá, hiện hữu đó rồi hư vô đó, như thiền sư Vạn Hạnh viết “Thân như điện ảnh, hữu hoàn vô” ( Thân như sấm chớp, có rồi không). Kinh Pháp Hoa xuất hiện như một cái phao cho chúng sinh đang trôi nổi vô định trên sóng biến. Hành giả Pháp Hoa cứ tự mình bơi nhưng vững niềm tin vào chư Phật hộ niệm.

Ai cũng biết hơi thở là sự sống; thở một hơi ra mà không thở vào được, coi như xong. Vì thế đức Phật mới dạy pháp Anapanasati, phép Niệm Hơi Thở, luyện đến mức hoàn hảo thì tâm toàn định để bước vào thiền minh sát Vipassana thanh lọc mọi cấu uế tham sân si đưa đến giải thoát ngay trong cõi đời này.

Ở thời kỳ đầu đức Phật đã giảng Phép Niệm Hơi Thở cùng Tứ Thánh Đế , nhiều đệ tử của Ngài đã đắc bốn quả Thánh từ Tu Đà Hoàn đến A La Hán sau một thời gian tu theo Bát Chánh Đạo ( Giới Định Tuệ ) . Các vị đó vừa có đạo đức vừa có trí tuệ đáp ứng những tiêu chuẩn của Kinh Vô Lương Nghĩa, sẵn sàng tiếp nhận sứ mệnh Bồ Tát của Kinh Pháp Hoa. Sứ mệnh đó nặng nề vô cùng vì sau khi Phật nhập diệt phải thay Phật giáo hóa vô lượng chúng sinh từ hàng vua quan tướng lãnh đến người dân thường. Nhưng khác với những kinh trước, Bồ tát trong Kinh Vô Lượng Nghĩa và Pháp Hoa được chư Phật hộ niệm.

Các Bồ Tát đó phải hóa hiện uyển chuyển thành nhiều tướng tùy theo đối tượng và hoàn cảnh “Này Thiện Nam Tử!Vì lấy nghĩa đó nên chư Phật không có chỗ nào nói hai lời, chỉ dùng một âm thanh để ứng hợp tất cả giọng tiếng, và chỉ dùng một thân mà thị hiện trăm nghìn muôn ức na- do- tha vô lượng, vô số hằng-hà-sa thân ; trong mỗi một thân 
lại thị hiện ra bao nhiêu trăm nghìn muôn ức na-do=tha a-tăng-kỳ hằng-hà-sa chủng loại hình…………..” ( KPH—K VLN --sđd trang 671-672 ).

Thầy Tâm Thiện kể câu chuyện về một vị Thiền Sư Nhật Bản pháp hiệu là Nhất Khưu từng được Hoàng Đế phong làm Quốc Sư. Nhân một lễ hội Phật giáo, vua tổ chức yến tiệc mời Quốc Sư đến chủ trì. Ngài mặc một bộ đồ cũ tầm thường trông như một gã bụi đời. Khi đến cổng hoàng cung, lính gác trông thấy bèn đuổi đi. Ngài nói muốn gặp quan cấp cao để dẫn vào dự tiệc, nhưng viên quan này ra nhìn thấy cũng xua tay. Ngài trở về chùa mặc đồ đại lễ vua ban trông uy nghi tráng lệ. Đến hoàng cung, từ lính đến quan đều khúm núm mời mọc. Trong khi ăn uống, từ vua đến quan đều kinh ngạc khi thấy Quốc Sư không ăn, chỉ gắp thức ăn bỏ vào tay áo. Tể Tướng bèn lễ phép nói với Ngài rằng thức ăn còn nhiều xin Ngài cứ dùng rồi vua sẽ ban cho chư tăng trong chùa sau khi mãn tiệc. Ngài bèn kể lại câu chuyện hồi nãy cho vua và quần thần và nói : “Quí vị đâu có mời bần tăng mà chỉ mời cái áo thôi nên bần tăng cho cái áo nó ăn”.

Đúng là người đời chấp tướng nên thường mắc sai lầm khi đánh giá việc đời. Có những Bồ Tát nhà giàu muôn vạn nhưng xuất hiện như những gã hành khất. Có những Bồ Tát học vấn uyên bác nhưng vẻ ngoài ngây ngô. Có những Bồ Tát hiện thân thành khách trăng hoa để vào kỹ viện cứu những cô gái mắc nạn. Vị Quốc sư kể trên đúng là một Bồ Tát uyển chuyển hóa thân để cho hàng vua quan một bài học. Đoạn văn trong Kinh VLN nhắc chúng ta nhớ Phẩm Phổ Môn , phẩm thứ 25 trong Kinh Pháp Hoa mà hầu như người Phật tử nào cũng thuộc. Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện muôn hình tướng để cứu độ chúng sinh.

Nếu sống theo châm ngôn thực tướng cuộc đời là vô tướng ta sẽ nhận được năm món quà quí :

1/ Ánh Sáng : Trí tuệ được phát triển dần dần xóa màn vô minh
2/ Hương thơm : Tâm Từ Bi lan tỏa khiến được mọi người yêu mến
3/ Trẻ trung : Tâm Hỷ tràn đầy niềm vui với thành công của tha nhân
4/ Tươi mát : Tâm Xả tha thứ bao dung làm lòng ta nhẹ nhàng
5/ An lành : Tín tâm vào sự gia trì của chư Phật và chư Bồ Tát vượt qua mọi trở ngại

Bản thân Thầy đã nhận được năm món quà này trong quá trình tu tập theo Kinh Pháp Hoa mà món quà thứ năm là tiêu biểu nhất qua dự án xây tu viện Thượng Hạnh.

Thầy cho đại chúng biết là đang xây cất Tu Viện Thượng Hạnh ở Dallas tiểu bang Texas, ước mong hoàn thành sớm để thường xuyên tổ chức Pháp Hội Kinh Pháp Hoa. Bao nhiêu trở ngại về tài chánh, về giấy phép xây cất, về nhân sự khiến cho Thầy lo nghĩ bao lâu nay, không biết mấy chục năm nữa có xây xong. Thầy nghĩ năm nay Thầy ngoài năm mươi, nếu may mà sống được đến 80 như Đức Phật thì còn 30 năm nữa không biết giấc mơ có thành . Nhưng sau nhiều đêm trầm tư nghiền ngẫm chân lý trong Kinh VLN thục tướng vạn pháp là vô tướng , lại nhớ đến Kỳ Viên của ông Cấp Cô Độc, một cư sĩ đại phú gia từng trải vàng trên đất để xây tinh thất cúng dường Đức Phật, bây giờ vườn đó chỉ còn là mảnh đất trơ trụi vài bức tường đổ nát, tâm tư Thầy bỗng nhẹ nhàng như mây bay. Thầy nghĩ sức mình không nổi nhưng kiên định niềm tin có chư Phật chư Bồ Tát phù trợ thì thể nào cũng tới đích. Y như trong Phẩm 3 : Mười Công Đức của Kinh VLN nói , hoàng tử tuy còn thiếu niên nhưng nhờ oai lực của Phụ Hoàng mà mọi mệnh lệnh của mình được muôn dân tuân theo.

Trong Phẩm thứ 15 TÙNG ĐỊA DŨNG XUẤT, có bốn vị Bồ Tát là thượng thủ mà Đức Phật đã giáo hóa ở chốn ta bà : Thượng Hạnh, Vô-Biên-Hạnh, Tịnh Hạnh, An –lập-hạnh.

Thầy đặt tên cho tu viện là Thượng Hạnh hẳn có ý xác tín rằng ngay trong cõi đời ô trược này con người cũng có khả năng trở thành những Bồ Tát hướng dẫn chúng sinh vào Phật Đạo, không cần trông chờ những Bồ Tát từ phương xa.

Giờ pháp thoại chấm dứt. Bác Mật Nghiêm lên giới thiệu một vị sư trẻ người Nhật theo Thầy Tâm Thiện qua Mỹ hành đạo. Nhìn vị này chúng tôi liên tưởng đến Tông Nhật Liên do sư Nichiren ( 1222-1282 ) sáng lập khoảng năm 1253 lấy Kinh Pháp Hoa làm nền tảng tu hành. Tông này theo tinh thần Kinh Vô Lương Nghĩa chỉ chuyên tâm niệm đề kinh : NAM MÔ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH thay cho Nam Mô bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Khi đi qua các chùa Nhật thuộc tông phái này chúng ta thường nghe tụng đề kinh bằng tiếng Nhật NAMU MYOHO RENG-KYO.

Theo nghiên cứu của HT Nhất Hạnh trong tác phẩm Sen Nở Trời Phương Ngoại (sđd trang 24), ở Việt Nam đời Hậu Lê cũng có một giáo phái lấy Kinh Pháp Hoa làm kim chỉ nam tu hành, đó là phái Liên Tông do Lân giác Đại Sĩ làm sáng tổ.

Như vậy Kinh Pháp Hoa quả là một bộ kinh có tầm ảnh hưởng to lớn trong đời sống tâm linh của Đông phương. Hy vọng Thầy Tâm Thiện từ tu viện Thượng Hạnh xây dựng được nền móng cho một giáo phái Pháp Hoa ở Hoa Kỳ trong thời đại mới.

Thầy dành nửa tiếng để trả lời một số nghi vấn của thính chúng. Một đạo hữu nêu thắc mắc nếu nói thực tướng vạn pháp là vô tướng thì có phân biệt tánh với tướng không ? Câu hỏi này rất hay, vì trong cuộc đời thực tế , với mỗi sự vật và sự việc cụ thể thì tánh và tướng phân biệt rõ ràng. Thí dụ một người trông tướng bên ngoài rất hung tợn nhưng tánh lại ôn hòa dịu dàng; trái lại có những người vẻ ngoài hiền hòa mà tánh lại rất hiểm ác. Hoặc như Ma Ba Tuần có phép thần thông tự biến thành hình dạng giống y như Phật. Nó có tướng Phật nhưng thực tánh là ma. Tuy nhiên triết học Phật giáo thường phân biệt Tục Đế và Chân Đế , tức là trên bình diện bản thể không phân biệt tánh và tướng. Đó chỉ là những giả danh.

Một đạo hữu khác nêu câu hỏi về hiện tượng chết trùng làm sao ngăn ngừa được. 
Thầy giải thích rõ, là ta phải ôn lại bài học căn bản Phật Pháp. Đạo Phật coi sự sống chết là do nghiệp quá khứ và hiện tại mỗi người hiện ra quả báo riêng gọi là biệt nghiệp. Nếu hai người chết trùng ngày thì là do cộng nghiệp của họ thôi. Còn nếu tin rằng người chết về bắt thân nhân đi theo thì chỉ là mê tín.

Câu hỏi thứ ba do một cụ ông hỏi : thị pháp trụ pháp vị--thế gian tướng thường trú--. Hai câu này trích từ Phẩm thứ 2--Phương Tiện. Cụ thắc mắc là có phải dịch giả Cưu Ma La Thập nói tới hai danh từ kép : PHÁP TRỤ & PHÁP VỊ ; hay là trong câu đó chỉ có một danh từ kép thôi : PHÁP VỊ . chữ VỊ có nghĩa là NGÔI THỨ-

Thầy nói vấn đề này cần phải giảng giải trong thời gian lâu, đến thời Pháp vào tháng 6 Thầy sẽ trở lại.

Chúng tôi xin mạn phép làm rõ câu hỏi của cụ ông. Trong Phẩm thứ 2—Phương Tiện của KPH, đoạn thứ 34 có một đoạn kệ bằng chữ Hán như sau;

Chư Phật Lưỡng Túc Tôn
Tri Pháp thường vô tánh
Phật chủng tùng duyên khởi
Thị cố thuyết Nhất Thừa
Thị Pháp trụ Pháp vị
Thế gian tướng thường trụ
Ư đạo tràng tri dĩ
Đạo sư phương tiện thuyết
( Thích Thiện Siêu—Kinh Pháp Hoa Giữa Các Kinh Điển Đại Thừa—Sai Gòn-1999—trang 112—Nhất Thừa Đạo ). Hòa Thượng Thiện Siêu viết “Chữ Pháp Trụ- Pháp Vị trên đồng nghĩa với Chân Như, Pháp Tánh, Thật Tế, Thật Tướng…. ( sđd—trang 116 )

Trái lại Hòa thượng Thích Trí Tịnh lại dịch như sau :

Các Phật Lưỡng Túc Tôn
Biết pháp thường không tánh
Giống Phật theo duyên sanh
Cho nên nói Nhất Thừa
Pháp đó /trụ/ ngôi pháp
Tướng thế gian thường còn
Nơi đạo tràng biết rồi
Đức Phật phương tiện nói 
Hai vị Hòa Thượng hiểu khác nhau. Với HT Trí Tịnh thì chữ TRỤ là một động từ có chủ từ là PHÁP ĐÓ ( THỊ PHÁP ). Hòa Thượng Nhất Hạnh cũng hiểu hai câu trên giống như HT Trí Tịnh ( Sen Nở Trời Phương Ngoại—sđd—trang 101-102 ).

Chúng tôi chỉ nêu lên như vậy, không dám bàn thêm.

Theo thông lệ của HPHĐT , đạo hữu Tâm Cát thay mặt thính chúng cúng dường tịnh tài lên giảng sư như là một đóng góp vào việc hoằng pháp.

Thầy đứng lên cùng thính chúng xướng lời hồi hướng công đức hôm nay tới pháp giới chúng sinh. Kính chúc Thầy thượng lộ bình an.

Chúng tôi xin tri ân Thượng Tọa Thích Tâm Thiện đã cho thính chúng một buổi Pháp thoại dài hơn ba giờ , với cách giảng sinh động dễ hiểu, soi sáng nhiều vấn đề quan trọng về Kinh Pháp Hoa. Thính chúng mong mỏi chờ đợi những Pháp Hội Pháp Hoa trong thời gian còn lại của năm 2019 do Thầy chủ trì trong Đạo Tràng Hội Phật Học Đuốc Tuệ.

Đào Ngọc Phong

Westminter, CA ngày 17 tháng 3 năm 2019

KINH SÁCH THAM KHẢO
1/ Thích Trí Tịnh--Kinh Pháp Hoa & Kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa—Phật Học Viện Quốc Tế xuất bản –California--1999—Phật Lịch 2543
2/ Thích Thiện Siêu—Kinh Pháp Hoa giữa Các Kinh Điển Đại Thừa—Sải Gòn 1999
3/ Thích Nhất Hạnh-- Sen Nở Trời Phương Ngoại—Lá Bối xuất bản—SanJose California 2001
4/ Thích Trí Quảng—Lược Giải Kinh Pháp Hoa—Sài Gòn 1999

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin