menu

PHẬT GIÁO VIỆT NAM - BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (kỲ 6) - LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN (1977)

View: 1088 -     GHPGVNTNHN/HK       17/10/2018 09:10:16 pm
PHẬT GIÁO VIỆT NAM - BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (kỲ 6) - LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN (1977)
PHẬT GIÁO VIỆT NAM - BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (kỲ 6) - LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN (1977)

PHẬT GIÁO VIỆT NAM - BIẾN CỐ VÀ TƯ LIỆU (kỲ 6) - LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN CỦA VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN (1977)

09-6-1977: Lời Kêu Gọi Bảo Vệ Nhân Quyền của Viện Hóa Đạo: Từ khi bị Cộng sản chiếm đoạt cơ sở Tổng Vụ Thanh Niên và mất cả quyền cư trú (xóa tên trong sổ gia đình cũ, không cho lập sổ hộ khẩu mới), Hòa Thượng Thích Thiện Minh đã phải lang thang nay ở chùa này, mai ở chùa kia. Đến đâu Hòa Thượng cũng bị công an xua đuổi bằng cách gây khó với các vị trụ trì chủ hộ các chùa mà Hòa Thượng ghé đến. Tuy vậy, cũng chính thời gian này, Hòa Thượng đã đúc kết những quyết nghị chưa được công bố của Đại Hội Khoáng Đại Kỳ VII để viết nên “Lời Kêu Gọi của GHPGVNTN để Bảo Vệ Nhân Quyền tại nước CHXHCNVN.” Nội dung gồm 6 điểm chính gởi đến nhà cầm quyền CSVN như sau:

Thả tù nhân chính trị, tôn giáo và hàng trăm ngàn người khác đang ở trong các trại cải tạo.
Thi hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng.
Chấm dứt tình trạng tham nhũng của nhân viên chính quyền các cấp.
Cho phép những người có khả năng, những người không phải đảng viên của Cộng sản được phép tham gia vào công cuộc xây dựng xứ sở theo khả năng chuyên môn.
Yêu cầu cho phép các tu sĩ và tín đồ thuộc các tôn giáo được tiếp tục làm các công tác xã hội mà không phải từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng của mình.
Phá bỏ mọi bất công, kỳ thị giữa các đảng viên Cộng sản và nhân dân. Mọi người đều có quyền công dân.

LỜI KÊU GỌI BẢO VỆ NHÂN QUYỀN
CỦA VIỆN HÓA ĐẠO GHPGVNTN

Trong những tuần lễ trước ngày giải phóng Sài Gòn, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã hoạt động tích cực để tránh sự giết chóc dân vô tội và sự tàn phá thành phố Sài Gòn với hơn 4.000.000 dân cư. Để đạt được mục tiêu trên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã:

Sử dụng ảnh hưởng của mình đối với hai phe lâm chiến, làm thế nào để cứu dân chúng Sài Gòn và những thành phố khác khỏi bị tàn phá.
Kêu gọi Phật tử đừng sợ hãi vì viễn tượng chấm dứt chiến tranh, hãy bình tĩnh đừng có giao động. Trong Thông Cáo đề ngày 09 tháng 4 năm 1975, Giáo Hội nói: “Nếu sự nghiệp giác ngộ của bản thân là giác ngộ cho kẻ khác thì việc phục vụ nhân dân theo tinh thần phục vụ đạo pháp. Phật tử chúng ta đừng biến chúng ta thành tù nhân của chủ nghĩa, vì đời sống của con người quý hơn chủ nghĩa. Chúng ta phải cương quyết để thực hiện ba mục tiêu sau:
Với hòa bình, chúng ta có thể phục vụ đạo pháp và dân tộc dễ dàng hơn.
Yêu cầu hai phe lâm chiến đừng tàn sát nhân dân vô tội vì theo bên này hay theo bên kia.
Yêu cầu hai phe lâm chiến hạn chế tối đa vũ lực để cứu mạng người trong giai đoạn chuyển tiếp.”
Trước lời kêu gọi và thiện chí này, chính phủ Cộng Sản Việt Nam, từ 1975 đến 1977 đã tiến hành việc hành hạ, bắt bớ, giam cầm và chiếm đoạt tài sản.

Hàng trăm trường học, cô nhi viện, phòng phát thuốc của Phật giáo đã bị chính quyền tịch thâu, “quản nhiệm” và hàng nghìn cán bộ Phật tử đã không được phép tham gia vào các công tác xã hội của Phật giáo nói riêng của quốc gia nói chung và đã chịu không biết bao nhiêu phiền nhiễu đọa đày. Viện Đại Học Vạn Hạnh bị đóng cửa. Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội bị đóng cửa. Ủy Ban Tái Thiết và Phát Triển Phật Giáo bị giải tán, ngân quỹ bị tịch thâu. Tất cả mọi báo chí văn hóa tôn giáo của Giáo Hội bị đóng cửa không cho phép xuất bản. Tăng Ni không được phép tiếp tục dạy các trường, không được phép làm việc tại các bệnh viện, các cô nhi viện, ký nhi viện, phòng phát thuốc mặc dầu chính phủ không đủ cán bộ chuyên môn để điều hành những cơ quan này. Họ không được phép hoạt động vì họ không phải là đảng viên của đảng Cộng Sản.

Sau ngày tịch thu những cơ sở văn hóa và xã hội của Giáo Hội, những cơ sở này không còn hoạt động nữa và chúng biến thành nhà ngủ, văn phòng của chính quyền. Thí dụ trường Bồ Đề Quy Nhơn đã trở thành nhà ngủ cho cán bộ chính quyền. Cán bộ của chính phủ từ miền Bắc vào không đủ khả năng để cai quản và điều hành các cơ sở văn hóa xã hội, kết quả là nhiều nơi bị đóng cửa không hoạt động. Chính phủ chỉ tin tưởng ở đảng viên của mình và do đó trong nhiều trường hợp đã đặt họ vào những vị trí mà họ không đủ sức hoạt động hữu hiệu. Cán bộ Phật Giáo không có công ăn việc làm lại bị chính phủ đưa về các vùng kinh tế mới, nơi đây họ đã phá rừng làm rẫy, phá đất làm ruộng nhưng bị chính phủ đánh thuế quá nặng nề nên nhiều người đã phải bỏ những hợp tác xã canh nông đó. Thí dụ tại Long Thành một số tăng sĩ năm 1975 đã trồng tiêu và họ đã bán mùa tiêu trong năm đó được 2 triệu đồng. Chính phủ đánh thuế 1 triệu 9 trăm ngàn đồng. Một số các tu sĩ khác làm mía năm 1976. Họ bán vụ mía được 300.000 đồng, và bị đánh thuế là 300.000 đồng. Họ phải giải tán và đi kiếm việc riêng, lẽ dĩ nhiên là không có việc. Hàng nghìn trí thức Việt Nam không còn cơ hội để sử dụng khả năng của mình đã trở thành những tài xế taxi, làm nghề nông, hay thất nghiệp hoàn toàn: ngay cả là nghề nông hay nghề lái taxi họ cũng bị theo dõi làm khó khăn nữa.

Chính phủ không dừng ở đây. Theo đuổi chính sách tiêu diệt tôn giáo, chính quyền Cộng Sản Việt Nam đã bắt giam hàng trăm tăng sĩ, tịch thu hàng trăm ngôi chùa để làm văn phòng, nhà ngủ. Đập phá tượng Phật và tượng Bồ tát; cấm không cho hành lễ, không công nhận lễ Phật đản là ngày nghỉ, tước bỏ ruộng đất và những phương tiện sinh sống của Tăng Ni, cấm hay ngăn cấm không cho tín đồ đến chùa, cấm không cho Tăng Ni di chuyển lấy lí do vì an ninh quốc gia.

Vì hạn chế cấm đoán không cho di chuyển nên những vụ bắt bớ Tăng Ni, tịch thu chùa chiền chưa được báo cáo đầy đủ lên cấp Giáo Hội Trung Ương. Những vụ xảy ra mà Giáo Hội được biết, Giáo Hội đã báo cáo đầy đủ với chính quyền, nhưng chính quyền làm lơ để tình trạng càng ngày càng thêm trầm trọng. Ngày 09 tháng 02 năm 1977, Giáo Hội đã gửi văn thư cho Thủ Tướng Phạm Văn Đồng về vụ chính quyền bắt giữ 19 vị sư, Thủ Tướng Phạm Văn Đồng không trả lời văn thư đó. Ngày 17 tháng 3 năm 1977, Giáo Hội làm bản đúc kết những vụ phá chùa, bắt Tăng Ni và gửi đến chính phủ. Chính phủ cũng làm ngơ không trả lời.

Mười hai vị Tăng Ni chùa Dược Sư ở Cần Thơ ngày 2 tháng 11 năm 1975 đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của chính phủ. Đến cuối năm 1975, Giáo Hội đã nhận rất nhiều báo cáo về sự đàn áp tôn giáo, nhưng Giáo Hội vẫn khuyên các vị lãnh đạo Phật giáo các cấp kiên nhẫn đợi chờ, mong chính phủ điều chỉnh sửa sai. Trong những văn thư và báo cáo gửi đến chính phủ Trung Ương, Giáo Hội đã rất dè dặt không đổ tội cho chính quyền Trung ương và hy vọng những việc làm đó chẳng qua chỉ vì cán bộ địa phương chưa thông thạo đường lối chính phủ. Nhưng chính quyền trung ương không những không sửa sai mà còn cố tình đánh lạc hướng, che đậy những hành vi phạm pháp của chính quyền địa phương. Sau nhiều lần can thiệp nhân vụ 12 vị Tăng Ni tự thiêu tại Cần Thơ, chính phủ đã cho phép 3 vị đại diện của Giáo Hội Trung Ương cùng với phái đoàn chính phủ về Cần Thơ để điều tra. Trong một buổi họp giữa hai phái đoàn Chính phủ trung ương và phái đoàn Phật giáo trung ương cùng chính quyền địa phương, ông chủ tịch xã Tân Bình đã nói rõ mọi tình tiết về vụ tự thiêu và những lời nhân chứng đó sau được ông Tỉnh trưởng Cần Thơ xác nhận. Những vị nhân chứng này sau bị chính phủ cất chức vì đã nói rõ sự thật. Bản thâu băng về vụ tự thiêu bị chính phủ trung ương tịch thu. Họ chủ trương rằng “Nhà sư Huệ Hiền, trụ trì chùa Dược Sư đã giết 11 vị Tăng Ni và sau đó tự đốt mình và đốt chùa để phi tang.” Ai không đồng ý với luận điệu đó của chính phủ đều bị thanh toán khai trừ.

Phật tử Việt Nam đã liên tiếp bày tỏ thiện chí của mình, đã uốn mình trong hoàn cảnh mới, trong khuôn khổ mới của giai đoạn lịch sử để có thể hợp tác xây dựng đất nước. Chúng tôi đã quen sống trong nghèo khổ và chúng tôi cũng quen chống lại những kẻ đàn áp. Chúng tôi có thể chịu đựng mọi khó khăn, mọi thử thách. Nguồn lợi tài chánh của chúng tôi là mồ hôi nước mắt của chúng tôi qua nhiều chương trình tiểu công nghệ, nhưng chúng tôi cũng không được phép làm như vậy. Những đợt viện trợ của nước ngoài thật ra không ảnh hưởng mấy đối với chúng tôi, do đó chúng tôi nghĩ là chúng tôi có thể ghép mình vào việc xây dựng một quốc gia xã hội, công bằng hơn. Nhưng chúng tôi không được phép làm như vậy. Chúng tôi muốn giữ mình là Phật tử đồng thời là công dân của xã hội. Chúng tôi đã tập nói, tập sử dụng những ngôn ngữ Mác-xít và đã cố gắng để chúng tôi được thông cảm trong ngôn từ đó. Nhưng đảng Cộng sản không muốn hiểu, không chấp nhận những ước vọng sâu xa và thầm kín nhất của chúng tôi. Chúng tôi đã mất tin tưởng ở họ. Chúng tôi đã bị đối xử tàn tệ, bị đàn áp, bị khủng bố mọi mặt.

Khẩu lệnh của nhân viên chính quyền thường trái ngược với đường lối hoặc nghị quyết của chính phủ, nhất là đường lối chính sách về tôn giáo. Chúng tôi phải thi hành theo khẩu lệnh hay là đi đúng theo nghị quyết của chính phủ? Làm thế nào để chúng tôi không tuân theo khẩu lệnh khi kết quả của sự bất tuân là nhà tù và trại cải huấn? Cán bộ chính quyền trong những buổi học tập cũng như những buổi họp công cộng, thường tuyên bố Phật giáo là thuốc phiện, văn hóa Phật giáo là thuốc độc và phản động, các nhà sư không sản xuất v.v… nếu ai cố tình chứng minh trái ngược lại là có thể bị trừng phạt. Giáo Hội đã nỗ lực trình lên chính quyền thái độ bất hợp tác của cán bộ hạ cấp và kết quả là những vị lãnh đạo Phật giáo bị chính phủ bắt giam. Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Tổng Thư Ký Viện Hóa Đạo, Hòa Thượng Thích Thuyền Ấn – Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp, Thượng Tọa Thích Thông Bửu – Quyền Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sĩ đều bị tù chỉ vì muốn chính phủ biết đến nguyện vọng của Giáo Hội và của tín đồ Phật giáo. Ngoài ra, chính quyền còn muốn triệt hạ khả năng tự túc tự cường của Phật giáo bằng cách bắt cầm tù Đại Đức Thích Thông Huệ và Đại Đức Thích Thanh Thế, hai vị có trách nhiệm trong chương trình kinh tế tự túc của Giáo Hội.

Chúng tôi kêu gọi không những chỉ vì cộng đồng Phật giáo mà cho toàn thể nhân dân Việt Nam. Những cộng đồng tôn giáo khác cũng chịu những cảnh ngộ tương tự. Ít nhất có vào khoảng mấy trăm linh mục bị bắt, rất nhiều những vị linh mục trước đây đã chống lại chế độ Nguyễn Văn Thiệu, đã qua đời vì Cộng sản cầm tù. Hàng trăm ngàn dân đang phải sống nheo nhóc đọa đày trong những trại tập trung, trại cải tạo mà thân nhân không được viếng thăm, không được tin tức. Hàng nghìn người đã chết vì bệnh tật, vì thiếu ăn, vì thất vọng chán chường. Quốc gia Việt Nam đã trở thành trại cảnh sát. Người lớn cũng như trẻ em bắt buộc phải báo cáo mỗi hành động của người thân mình. Vì vậy bạn bè không thể tin nhau, anh em ruột thịt không thể tin nhau, bà con, đồng nghiệp không thể tin nhau. Thật là một cảnh tượng không khác gì địa ngục. Chúng tôi đã phản đối lại những chính phủ Ngô Đình Diệm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu một phần vì những chính phủ này đã hạn chế quyền tự do của người dân. Chúng tôi biết những khó khăn trong tình trạng hậu chiến. Nhưng những khó khăn kinh tế này không thể nào dùng để giải thích biện minh cho hoàn cảnh, trạng huống mà dân chúng Việt Nam bây giờ phải chịu đựng. Đói rách bệnh tật lan tràn. Chính phủ độc quyền tất cả, và mỗi cố gắng của chính quyền chỉ để củng cố quyền hành của mình mà thôi. Họ không chấp nhập sáng kiến, họ không chấp nhận xây dựng. Họ chỉ muốn mọi người làm theo ý họ, dù kết quả như thế nào. Họ đã diệt hết mọi khả năng cho mục tiêu hòa hợp hòa giải dân tộc. Hòa hợp hòa giải bây giờ là trò khôi hài mặc dầu đó là chủ trương trên giấy trắng mực đen của họ, mặc dầu đó là chủ trương của những đoàn thể phản chiến để đem lại hòa bình cho Việt Nam.

Đức Giám mục Nguyễn Kim Điền thuộc địa phận Huế đã phát biểu ý kiến một cách can đảm và rõ ràng trong phiên họp ngày 15 tháng 4 năm 1977 do Mặt Trận Tổ Quốc Bình Trị Thiên và Thành phố Huế tổ chức. Đức Giám mục đã nói lên những khổ sở mà cộng đồng Công giáo đã phải gánh chịu và đã đưa ra ý kiến là nếu có tự do tín ngưỡng thì sẽ không có bất đồng ý kiến và do đó việc bắt bớ những người có khuynh hướng bất đồng không có thể xảy ra được.

Từ ngày giải phóng thành công đến nay, hàng trăm người đã tự tử vì phẫn chí, vì tuyệt vọng. Hàng nghìn người đã bỏ nhà ra đi tìm tự do trên những chiếc thuyền nhỏ. Nhà thương chỉ để dành cho cán bộ, dân chúng khó có dịp được nằm, dù bệnh tật có nặng chăng nữa; mặc dù thiếu bác sĩ, hơn 200 bác sĩ vẫn không được sử dụng mà hiện đương nằm trong khám giam. Các trẻ em dưới 14 tuổi đã bị đưa đi làm công tác như nhặt sắt vụn trong mùa hè và kết quả là những vụ nổ ngày 02 tháng 6 năm 1977 đã làm cho 25 trẻ em thiệt mạng. Hàng nghìn các thương phế binh Việt Nam đã bị bỏ rơi không ai săn sóc. Những em khác may mắn được bà con đem về nuôi. Nông dân cày ruộng và bị đánh thuế 40%. Họ được giữ lại một ít hoa màu còn bao nhiêu phải bán lại cho chính phủ và chính phủ đã trả cho họ bằng chứng phiếu.

Hàng nghìn các kỹ thuật gia đương bị cầm tù trên hai năm. Những người không có khả năng cầy cấy như các giáo sư, luật sư v.v… bị bắt phải đi cầy. Việc dẫn thủy nhập điền đã do cán bộ chính quyền không kinh nghiệm đảm trách, kết quả là nước mặn vào làm hư hại mùa lúa không biết thế nào lường được. Một quốc gia trước đây thường xuất cảng gạo, bây giờ không có gạo mà ăn, mặc dù lực lượng nông dân đã lên đến gấp 10 lần.

CHO MỘT XÃ HỘI ÔN HÒA

Thật ra chúng tôi muốn gì? Chúng tôi không muốn những quyền hành chính trị. Mục đích của chúng tôi không phải là lật đổ chính quyền. Chúng tôi cũng không chủ trương bôi nhọ chính quyền. Chúng tôi chỉ muốn sống với tất cả giá trị con người để có thể tham gia trong công tác xây dựng xứ sở. Trong lịch sử Việt Nam đã có những giai đoạn dân chúng sống ôn hòa với những tư tưởng chính kiến sai biệt. Chúng tôi chỉ đòi hỏi sự ôn hòa. Chúng tôi chỉ đòi hỏi quyền tham dự trong công tác xây dựng quốc gia, xây dựng đời sống con người không phải như những bộ máy mà là những khối óc, những con tim.

Chúng tôi kêu gọi toàn thể Phật giáo đồ, toàn thể các đồng bào ruột thịt thuộc các thành phần tôn giáo khác – Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, và Mác-xít hãy thông cảm lẫn nhau, đoàn kết nhất trí để xây dựng quốc gia, để tạo niềm tin, để biến ước vọng hòa hợp hòa giải thành sự thật cho một chế độ cộng hòa xã hội hòa bình và thống nhất. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam:

Thả những tù nhân chính trị, tôn giáo và hàng trăm ngàn người khác đang ở trong các trại cải tạo.
Thi hành nghiêm chỉnh chính sách tự do tín ngưỡng: cho phép dân chúng đi chùa, đi nhà thờ ở đô thành cũng như ở các thị xã, thôn quê. Cho phép tổ chức hành lễ. Cho phép xuất bản kinh sách báo chí tôn giáo. Yêu cầu chấm dứt việc tịch thu chùa chiền và nhà thờ để làm nhà ngủ hay văn phòng. Yêu cầu dừng phá hủy các tượng Phật, tượng Chúa.
Chấm dứt tình trạng tham nhũng của nhân viên chính quyền các cấp.
Cho phép những người có khả năng, những người không phải đảng viên của đảng Cộng sản được phép tham gia vào công cuộc xây dựng xứ sở theo khả năng chuyên môn.
Yêu cầu cho phép các tu sĩ và tín đồ thuộc các tôn giáo được tiếp tục làm các công tác xã hội mà không phải từ bỏ tôn giáo tín ngưỡng của mình.
Phá bỏ mọi bất công, kỳ thị giữa các đảng viên Cộng sản và nhân dân. Mọi người đều có quyền công dân. Mọi người đều có quyền đi học, đi chữa bệnh, mua thuốc men, thực phẩm chứ không phải chỉ nhân viên chính phù, đảng viên mới được hưởng những quyền đó
Làm tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 09/6/1977
Viện Hóa Đạo
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất

13-4-1978: Cộng sản bắt giam HT Thích Thiện Minh: Vốn đã e sợ uy tín và sự can trường đảm lược của Hòa Thượng Thích Thiện Minh, lại biết rằng Hòa Thượng Thích Thiện Minh là cố vấn cao của Viện Hóa Đạo, cũng như là một giáo phẩm lãnh đạo cao cấp, một “chiến lược gia” sâu sắc tinh tường trong các vấn đề hành hoạt ứng xử của GHPGVNTN, Nhà nước Cộng sản đã ra lệnh công an bắt ngài và giam ở trại giam T20 (số 4 Phan Đăng Lưu, Bình Thạnh) để ngăn ngừa mọi biến động có thể nẩy sinh từ Phật giáo, nhất là qua “Lời Kêu Gọi của GHPGVNTN để Bảo Vệ Nhân Quyền tại Nước CHXHCNVN” mà HT Thiện Minh là tác giả.

17-10-1978: Hòa Thượng Thiện Minh bị bức tử

Sau vài tháng giam giữ ở trại giam T20, CSVN đã chuyển Hòa Thượng Thích Thiện Minh sang khám Chí Hòa, rồi ở đây Nhà nước ra lệnh tra tấn Hòa Thượng Thích Thiện Minh đến chết. Sau đó, vì sợ cái chết của Hòa Thượng sẽ xúc động giới lãnh đạo Phật giáo cũng như lòng phẫn uất quần chúng Phật tử để rồi có thể xảy ra những việc nổi dậy khắp nơi, CSVN đã âm thầm đưa xác Hòa Thượng ra trại cải tạo Hàm Tân (Phan Thiết). Ba hôm sau, Nhà nước mới thông báo cho Hòa Thượng Thích Trí Thủ thay mặt Viện Hóa Đạo ra Hàm Tân nhận xác. Theo Hòa Thượng Thích Trí Thủ và một vài vị tăng sĩ tháp tùng thuật lại thì xác Hòa Thượng Thiện Minh bị bầm tím, có dấu hiệu của sự đánh đập và xiết cổ.

Image may contain: 1 person, text
 

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin