Suy Nghĩ Về Văn Học Phật Giáo Việt Nam
View: 1098 - Vĩnh Hảo 18/06/2020 03:06:12 pm
Ðây là điều người viết từng ưu tư khi nhìn lại quãng đường trên một phần tư thế kỷ của nền văn học Phật giáo trong nước cũng như hải ngoại. Những ưu tư này đã được trình bày một cách sơ sài qua buổi thuyết trình với một số Tăng Ni tại trường hạ Chùa Phật Tổ, Long Beach, California, Hoa Kỳ vào ngày 25/6/2006, chủ đề “Mấy suy nghĩ về văn học Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.” Thời gian ít ỏi chưa đầy hai giờ đồng hồ không đủ để nói và lắng nghe được những gì cần thiết liên quan đến chủ đề. Đa số Tăng Ni đã chia sẻ với người viết về những thao thức và hoài vọng đóng góp cho văn học Phật giáo, nhưng đi vào đường hướng và hành động cụ thể thì dường như không có gì, bởi vì, có thể nói rằng, Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại không có một tư tưởng chủ đạo hay một hướng đi rõ rệt nào trên phương diện văn học. Nói theo ngôn ngữ chuyên khoa thời thượng, điều này có nghĩa rằng chúng ta chưa có một ‘định hướng văn học’ Phật giáo.Thực ra, Phật giáo có cần một định hướng văn học chăng? Đây là một chủ đề lớn, vượt khỏi tầm mức của người viết, cần được thảo luận và học hỏi nhiều hơn từ những bậc cao minh thức giả có thẩm quyền về Phật học và văn học. Nhưng có thể từ vị trí của một người sáng tác, xin đưa ra một vài nhận xét có tính cách gợi ý để mong cầu sự hồi ứng từ những người làm văn học Phật giáo:
– Sự dậm chân của sáng tác: Không khác những người làm văn học ở thế tục, những người sáng tác Phật giáo bị khựng lại một thời gian khá dài sau biến cố lịch sử của đất nước từ năm 1975. Liền sau đó là một nền văn học bị phá sản và o ép đi vào ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ trong nước, trong khi ngoài nước là một nền văn học tạm dung, rồi văn học lưu vong, văn học hoài niệm, văn học hội nhập… có vẻ như không dính dự và theo kịp các trào lưu văn học thế giới mà chỉ là những diễn đạt có tính cách phản ứng theo tâm thức và hoàn cảnh của mình. Theo cách ấy, có thể nói là chính từ biến cố và hoàn cảnh mà bộc phát những”trào lưu” của một nền văn học khu biệt, dậm chân tại chỗ. Từ khuynh hướng cho đến thể loại sáng tác, những phật-tử nghệ sĩ và những nghệ sĩ phật-tử của 30 năm qua tại hải ngoại không có gì khác hoặc khá hơn so với những người sáng tác trước năm 1975. Trong nước bị hạn chế vì “quan điểm và lập trường” và chính sách độc quyền tư tưởng, bưng bít thông tin đã đành, ngoài nước quá tự do thì sự dậm chân không thể qui lỗi cho hoàn cảnh được nữa. Thiếu nhân lực chăng? Thiếu tài lực chăng? — Không phải. Thế thì, làm thế nào để phát huy một nền văn học Phật giáo Việt Nam rực rỡ không chỉ cho chính nó mà còn đi vào dòng chính của văn học dân tộc, văn học thế giới?
– Mục đích và định hướng văn học Phật giáo: Mục tiêu tối hậu của hành giả Phật giáo là giải thoát, giác ngộ thì mục đích của Tam tạng thánh điển hoặc văn học Phật giáo cũng qui vào đó. Nhưng có chăng một con đường dẫn đến mục tiêu ấy? Đứng về mặt chân đế (cứu cánh) mà nói, chẳng có thứ phương tiện ngữ ngôn văn tự nào có thể chạm đến tuyệt đối. Vậy thì, mọi cố gắng của Tam tạng kinh điển cũng như các thể loại và văn bản Phật giáo được sáng tác đều chỉ mang tính cách ước lệ, tương đối, giới hạn, nhằm gợi ý hoặc hướng dẫn sự trực nhập chân lý chứ không phải tự thân chúng là chân lý. Không có con đường dẫn đến thực tại tối hậu. Giới hạn của văn học như thế, đã được đề cập qua bài “Dẫn vào thế giới văn học Phật giáo” của Tuệ Sỹ: “…mọi diễn tả của ngôn ngữ không được phép vượt qua giới hạn của tri thức thường nghiệm. Chân lý chỉ tuyệt đối ở tự thân của nó, nhưng là tương đối ở lãnh vực diễn đạt của ngôn ngữ. Vì vậy, các tác giả của Phật học có thói quen mở đầu tác phẩm của mình bằng một thái độ khiêm tốn: những gì họ sẽ trình bày không liên hệ đến tự thân của chân lý mà họ muốn hướng đến.” Hệ luận có thể rút ra từ đây là, khi văn học được xem là ‘phương tiện’ để thuyết minh cứu cánh, văn học không còn là văn học. Bởi nếu tự thân văn học không là cứu cánh, nó không quan hệ gì đến chân lý; còn nếu chỉ là phương tiện cho một cái gì ngoài nó, muôn đời nó chỉ là xác khô. Thế nhưng, ai cũng biết là Tam tạng kinh điển đã được thuyết minh, là một kho tàng văn học đồ sộ của Phật giáo. Tam tạng kinh chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh, nhưng qua đó, thế giới tịch lặng linh động của bản thể có thể được trình hiện bởi sự trực nhận sâu sắc của người nghe (đọc). Không thể vì giới hạn của ngôn ngữ mà không thuyết giáo. Đức Phật đã kinh qua con đường ấy, và người sau cũng cứ thế mà đi. Có nghĩa là vẫn có mục đích và định hướng hay một phương thức nào đó để diễn đạt chân lý. Mục đích là giải thoát giác ngộ. Định hướng hay phương thức diễn đạt chính là Tứ Diệu Đế. Phật giáo đã có sẵn một khuôn mẫu, một định hướng rõ rệt cho giáo điển. Văn học Phật giáo mọi thời mặc nhiên đi theo định hướng ấy.
– Định mà bất định: Tứ Diệu Đế không phải là một khuôn mẫu cứng ngắc. Đó là cánh cửa tóm thâu hai vòm trời chân đế và tục đế. Như hai mặt gương soi chiếu vào nhau, mở vào tương quan vô tận. Từ chỗ này, chẳng có biên giới giữa phương tiện và cứu cánh; cũng chẳng có giới hạn của tư tưởng, phương thức và thể tài văn học. Nói theo ngôn ngữ của Kim Cang bát-nhã thì cứu cánh chẳng phải là cứu cánh thì mới là cứu cánh; định hướng chẳng phải là định hướng thì mới là định hướng. Tất cả các pháp đều chẳng phải là pháp, đồng thời, không có pháp nào mà chẳng là Phật pháp. Từ không tính mà phủ nhận tất cả, cũng từ không tính mà xác lập tất cả. Lấy diệu hữu mà phô diễn chân không; từ chân không mà trình bày diệu hữu. Nói mà thực ra chẳng nói gì cả. Định hướng mà kỳ thực là bất định hướng. Như vậy, một hướng mà mở ra muôn hướng. Đó là con đường thênh thang của văn học Phật giáo.
Nhưng cần gì phải lý luận dông dài! Vẻ mênh mông tráng lệ của tư tưởng văn học Phật giáo dường thế, nhưng đâu là thực tế của nền văn học Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại (và trong nước)?
– Văn học kinh viện: Văn học Phật giáo Việt Nam 30 năm nay có vẻ khép kín, thầy-trò trong chùa đóng cửa nói nhau nghe, dường như không liên hệ tới nền văn học dân tộc. Văn học dân tộc ở đây là nói một nền văn học của một cộng đồng con người dùng chung một ngôn ngữ, có những sinh hoạt sáng tác nghệ thuật, góp phần tạo nên bản sắc của một nền văn hóa đặc trưng, có thể thăng trầm đổi thay, nhưng nhất quán. Ở đây không dám vượt qua lằn ranh tính thể của văn học, mà chỉ xin xét nơi hiện tượng sinh hoạt của văn học. Có thể nói sinh hoạt văn học Phật giáo Việt Nam 30 năm qua là sinh hoạt “cửa tùng đôi cánh gài.”thử nhìn lại thời kỳ 1964-1975, những Nhất Hạnh, Huyền Không, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Quách Tấn, Võ Hồng, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đức Sơn, Trịnh Công Sơn, Phạm Thiên Thư… không những là văn thi sĩ lỗi lạc của Phật giáo mà còn là những danh tài nghiễm nhiên chiếm lĩnh những vị trí hàng đầu trong vuông chiếu văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam. Những văn thi tài ấy cùng những tác phẩm cũ hoặc mới của họ cho đến ngày nay, vẫn còn là những ngôi sao sáng ảnh hưởng sâu đậm trong nền văn học dân tộc (và trong một vài trường hợp đặc biệt, văn học thế giới). Nhưng sau năm 1975, ở trong và ngoài nước, sao lại có hiện tượng vắng hoe nhân tài văn học trong giới Phật giáo như thế? Chúng ta có thể tính kể cho nhau nghe, nào là nhà văn A, nào là nhà thơ B, nào là nhạc sĩ C, nào là họa sĩ D… nhưng tại sao những văn nghệ sĩ ấy nổi danh trong Phật giáo lại không hề được biết đến trong giới văn nghệ sĩ cũng như giới thưởng ngoạn văn học nghệ thuật bên ngoài? Khi họ vào chùa, nhìn kinh sách báo chí nhà chùa thì họ biết thoáng qua những tên tác giả, nhưng ra khỏi chùa thì không còn nhớ đến nữa. Điều này có nghĩa gì? – Một là, Phật giáo thiếu những nhân tài văn học nghệ thuật kiệt xuất; hai là các nhân tài văn học Phật giáo chỉ sáng tác với mục đích truyền bá Phật Pháp, không quan tâm đúng mức chức năng thực sự của văn học, cho nên, không có tác phẩm xuất sắc; ba là sinh hoạt văn học Phật giáo rất cục bộ, không tiếp cận cuộc đời. Ba lý do ấy tác động hỗ tương với nhau, cô lập nền văn học Phật giáo khỏi dòng chính của văn học nhân gian.
– Nghệ sĩ phật tử và phật tử nghệ sĩ sáng tác gì? Báo chí Phật giáo kêu gọi sự góp mặt của những ‘nghệ sĩ phật tử’ có tiếng tăm, nhưng những nghệ sĩ này không biết phải góp mặt bằng cách nào. Nhà thơ tìm trong tập thơ trăm bài của mình xem bài nào có vẻ thuần tịnh, tả cảnh chùa với tiếng chuông mõ, hoặc phảng phất bóng dáng từ bi. Nhà văn tìm bài nào có liên hệ tới Phật và Bồ-tát hoặc một vị sư nào đó. Không tìm được bài thích hợp thế giới chay tịnh của thiền môn, các nghệ sĩ phật tử đành bó tay, im lặng, và đôi khi phải lánh mặt không bén mảng đến chùa. Còn những ‘phật tử nghệ sĩ’ thì lúc nào cũng hăng say sáng tác, nhưng bài vở chỉ rập khuôn một công thức “văn dĩ tải đạo.” Viết cho báo chùa thì phải viết về chùa. Ăn chay, trì chú, tụng kinh, niệm Phật, hình như là đề tài muôn thuở không thể thiếu trong các sáng tác Phật giáo. Thế nên, số lượng sáng tác thì nhiều mà phẩm chất lại kém, thơ văn của người này sàng sàng na ná của người kia, chẳng có cá tính, chẳng có sự đặc thù. Một nền văn học đầy dẫy những sáng tác có vẻ “vô ngã” tương tự nhau như thế, không thể gọi là một nền văn học thuần túy, mà chỉ là phòng thông tin của một cơ quan truyền giáo. Thiền sư nghệ sĩ như Nhất Hạnh có thể dùng văn học làm phương tiện truyền đạo mà phương tiện ấy vẫn cứ là tối hảo; nghệ sĩ thiền sư như Tuệ Sỹ sáng tác hào hoa cách nào cũng thể hiện lồng lộng cung trời tính Không. Nhưng đó là những tài năng ngoại hạng. Nơi họ, văn học cũng là phương tiện, cũng là cứu cánh. Nói cách nào cũng là đạo, mà im lặng cũng là đạo. Còn những người nghệ sĩ phật tử và phật tử nghệ sĩ ‘tầm tầm bậc trung’ như chúng ta, tất phải vạch một “khởi điểm” nhắm đến một “đích điểm.”tức là cần phải có một định hướng văn học với những chủ đề mở rộng, được khai triển từ Tứ Diệu Đế, có thể tạm gọi là nền ‘văn học Tứ Đế.’ Các nghệ sĩ phật tử và phật tử nghệ sĩ có thể bổ túc cho nhau, học hỏi và trao đổi nhau về tư tưởng phật học và các thể loại sáng tác văn học. Mà quan trọng nhất là từ phía hàng tăng sĩ lãnh đạo Phật giáo, cần phải có một cái nhìn cởi mở đối với văn học, từ nội dung đến hình thức, từ ý tứ đến thể tài. Một nền văn học khởi sắc rực rỡ chỉ có thể nẩy mầm và vươn cao từ mảnh đất tự do. Chất liệu giải thoát và tư tưởng mênh mông khoáng đạt của Phật giáo là nguồn tài nguyên vô tận cho cảm hứng sáng tạo của nghệ sĩ. Những nhà lãnh đạo Phật giáo không thể không quan tâm.
Với mấy suy nghĩ và nhận xét khái quát về hiện trạng văn học Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại (và trong nước) như thế, người viết luôn kỳ vọng báo chí Phật giáo sẽ là những quán trọ ở ngã tư đường, mở toang bốn hướng cửa để tiếp đón lữ khách bốn phương, là chỗ nối kết cho các khuynh hướng sáng tác văn học Phật giáo, là viên gạch lót đường cho những khai phá, sáng tạo, tìm tòi, thử nghiệm… như là khởi điểm cho một viễn trình làm mới bộ mặt văn học Phật giáo. Sẽ có ít người đồng tâm hưởng ứng. Sẽ có khá nhiều người bảo thủ chống đối. Nhưng không sao. Chẳng có cuộc cách mạng nào có thể diễn ra một cách êm thấm xuôi thuận.
Mở hướng mới không thể không nhìn lại chặng đường đã qua. Tản mạn đôi điều về văn học Phật giáo Việt Nam như thế nếu có làm phật lòng ai, cũng là điều vạn bất đắc dĩ.
Bởi vì, đích điểm của văn học Phật giáo là gì?
Là sự vượt qua.
Ma ha bát nhã ba la mật.
California, ngày 01 tháng 9 năm 2006
Vĩnh Hảo
---------------------
Ðặc san Hoa Ðàm – Số 4 – Chủ Ðề “Văn Học Phật Giáo”,
phát hành ngày 30 tháng Tư, 2017
Chủ trương và thực hiện:
Hoa Ðàm Group
Kết tập:
Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ – Nguyên Túc Nguyễn Sung
Tâm Khai Sơn Nguyễn Anh Thy
Nhuận Pháp Trần Nguyễn Nhị Lâm – Quảng Pháp Trần Minh Triết