menu

THÔNG ĐIỆP TỪ HÀN QUỐC

View: 1022 -     Cao Huy Hóa       17/02/2019 06:02:13 am
THÔNG ĐIỆP TỪ HÀN QUỐC
THÔNG ĐIỆP TỪ HÀN QUỐC

THÔNG ĐIỆP TỪ HÀN QUỐC

Cao Huy Hóa

“ Dispatch from South Korea” (Thông điệp từ Nam Triều Tiên) là nhan đề một bài báo trên tạp chí Phật giáo Tricycle của tác giả Emma Varvaloucas ngày 13/11/2018. Với tư cách là biên tập viên chính của tạp chí, bà được mời dự lễ khánh thành trung tâm tu tập chính của Giáo hội Phật giáo Wŏn tại Hàn Quốc. Thông điệp đó chắc hẳn đưa thông tin về cái mới, không chỉ là một trụ sở mới bề thế của một pháp môn Phật, mà còn là những con người và những hoạt động của Phật giáo Wŏn mà bà Emma được hân hạnh gặp và chứng kiến tận nơi. Bài báo khiến cho người viết bài này muốn tìm hiểu thêm về những cái mới này.

Tuy nhiên, muốn biết cái mới như thế nào, tôi phải tìm hiểu về hiện trạng tôn giáo và Phật giáo tại Hàn Quốc. Thật khó để nắm hết vấn đề, càng khó hơn chỉ trong khuôn khổ một bài báo, may mắn tôi đọc được trên facebook “Thông tin Hàn Quốc” như là tiếng nói chính thức của Hàn Quốc bằng tiếng Việt (cùng với website Thông tin Hàn Quốc, dành cho người Việt Nam), một bài viết nhan đề: “Có nên đi nhà thờ ở Hàn Quốc?”, ngày 30/8/2017.

Bài viết là để trả lời hai câu nhắn tin (chắc là của người VN):

- Ở Hàn Quốc có phải đạo Tin Lành chiếm ưu thế không? Vì đi đâu cũng thấy nhà thờ?

- Tại sao đi trên đường thỉnh thoảng bị một số người Hàn Quốc “giữ lại” để hỏi han về chuyện có tin Chúa hay không? Trong trường hợp đó phải xử lý thế nào?

Xin ghi phần lớn nội dung trả lời hai câu hỏi, trong bài viết nói trên:

Về ưu thế của đạo Tin Lành ở Hàn Quốc

Đến Hàn Quốc các bạn sẽ thấy có nhiều nhà thờ hơn là chùa chiền và nhầm tưởng là tín đồ theo đạo Tin Lành, đạo Thiên Chúa sẽ nhiều hơn, nhưng trên thực tế gần đây, số người theo đạo Phật vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất. Những ngôi đền thờ Phật nổi tiếng hầu hết nằm trên những vùng núi tuyệt đẹp, thu hút rất nhiều khách du lịch đến thăm viếng trong năm.

Tuy nhiên, theo số liệu năm 2015 thì số người không theo đạo ở Hàn Quốc chiếm 56.1%, đạo Phật giảm xuống (15.5%), đạo Tin Lành (19.7%) và đạo Thiên Chúa (7.9%). Như vậy dần dần, đạo Tin Lành đã vươn lên chiếm vị trí đứng đầu.

Tại sao đạo Tin Lành lại dần dần trở nên phổ biến ở Hàn Quốc?

- Đạo Tin Lành rất năng động, tham gia phát triển văn hóa, giáo dục, chính trị ở Hàn Quốc. Đối với cuộc sống vất vả nhọc nhằn của tầng lớp người nghèo và nỗi đau khổ day dứt do thân phận nghèo hèn và những nỗi oan khuất đem lại, đạo Tin Lành ở Hàn Quốc đã ra tay cứu giúp họ, xoa dịu nỗi đau trong tâm linh họ. Nói một cách cụ thể, đối với tầng lớp dân nghèo, những người vô gia cư, những người bỏ nông thôn ra thành phố kiếm sống gặp phải những cảnh éo le, lừa gạt, những người tàn tật, cô đơn không nơi nương tựa, những người bị án oan, án sai, gặp phải cảnh trớ trêu trong ái tình… đang rất cần sự trợ giúp, dù là ít ỏi, thì đạo Tin Lành và nhà thờ là nơi họ nhờ cậy. Hơn thế nữa, họ còn nhận được sự động viên, an ủi về mặt tâm linh. Với góc độ từ thiện, không thể không khẳng định vai trò giúp đỡ của nhà thờ Tin Lành. Song, có điều sự trợ giúp đó không phải là vô tư mà là có điều kiện. Đó là mong muốn những con người được trợ giúp đó tin theo đạo Tin Lành. Không ít người sau lúc khó khăn đó đã tin vào Chúa và trở thành tín đồ ngoan đạo. Nhưng cũng có nhiều người chỉ dừng lại ở mức cám ơn rồi trở về với con người thật của mình.

- Những người ở tầng lớp thượng lưu ở Hàn Quốc thường có xu hướng đi nhà thờ nhiều hơn. Không phải ngẫu nhiên mà ở Seoul, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Hàn Quốc có tỷ lệ dân theo Cơ Đốc chiếm 37%; 1,5 lần cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước.

- Đạo Tin Lành rất tích cực truyền giáo. Tính theo số lượng các giáo sĩ Cơ Đốc trên toàn thế giới được cử đi ra nước ngoài thì Hàn Quốc đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ. Các giáo sĩ cũng lao động không mệt mỏi trong nội địa đất nước. Bất kỳ ai sử dụng tàu điện ngầm tại Seoul đều gặp những người “tuần tiễu” trên các chuyến tàu điện ngầm và đường phố của thành phố với mục tiêu tìm kiếm các linh hồn chưa được nuôi dưỡng. Một số gây ấn tượng khá đặc biệt: Với hình thập tự giá đổ khuôn, treo đầy các biểu ngữ và cùng với loa phóng thanh, họ đi theo các con phố, kêu gọi tất cả mọi người hãy ăn năn để tránh những thống khổ nơi địa ngục. Phần lớn các nhà truyền đạo là những người ở tuổi trung niên ăn mặc chỉnh tề, lịch sự, với vẻ ngoài của những công chức thông thường. Tuy nhiên, mặc dù phong cách khác nhau, các giáo sĩ đường phố đều có đặc điểm là có “sự bám dính” khiến nhiều người lẩn tránh để thoát khỏi sự quan tâm của họ không mấy dễ dàng.

Cách xử lý khi bị gặp người “níu kéo” đòi truyền đạo trên đường, trong trường học

- Nếu bạn đang cô đơn, đang buồn, muốn có người bầu bạn hoặc muốn luyện nghe, luyện nói thì rất… hên rồi đấy. Những người truyền đạo rất kiên nhẫn và nhiệt tình nghe bạn tâm sự từ sáng cho tới tối.

- Nếu không thích nghe thì cách tốt nhất là đưa ra lời từ chối thẳng thừng và bước nhanh dứt khoát. Ví dụ: Xin lỗi, tôi theo đạo Phật hay Xin lỗi, tôi không có thời gian.

Không thể phủ nhận là có rất nhiều nhà thờ Tin Lành, Thiên Chúa đã trở thành mái nhà, chỗ dựa tinh thần, vật chất vững chãi cho người Việt Nam tại Hàn Quốc. Đến nhà thờ, bạn được học tiếng Hàn, học văn hoá Hàn Quốc, được ăn miễn phí, được tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng người Hàn Quốc và thậm chí nhiều bạn du học sinh đã được học bổng của nhà thờ, nhiều lao động được nhà thờ giúp đòi tiền lương, tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, bên cạnh những nhà thờ uy tín, gần đây có rất nhiều tổ chức tôn giáo “ma”, lợi dụng sự ngây thơ, hạn chế ngôn ngữ của người nước ngoài để thu tiền bất chính. Vì vậy, nếu thấy có những biểu hiện đáng ngờ thì bạn nên dứt khoát từ chối để tránh phiền toái hoặc bị tổn thất về tiền bạc, thời gian nhé!

o0o

Trước thực trạng tôn giáo đó, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở nhiều nơi trên thế giới, chắc chắn những người Phật tử không xông ra để “cạnh tranh” với các thế lực tôn giáo khác, nhưng các tổ chức Phật giáo cần phải đi vào cuộc sống xã hội bằng các hoạt động cụ thể, hữu hiệu, với phương châm từ bi và trí tuệ, trước hết là để giúp người ta không đặt niềm tin tâm linh vào miếng cơm manh áo, vào khó khăn nhất thời, vào lời lẽ quyến rũ êm ái, du dương, vào dọa dẫm đọa địa ngục… mà thực tế, trong cảnh khốn cùng, chỉ một chút ít cơm áo gạo tiền cũng đủ để lôi cuốn người ta theo. Quan trọng hơn nữa là việc hoằng pháp và tu tập, ngoài các nội dung và hình thức chuyên sâu dành cho những người Phật tử có tâm và có trình độ vững, làm sao để người dân thường, người trẻ dễ tiếp cận, từ đó thích đạo Phật, rồi tu tập, sống vui, sống có ích với đạo, dễ hiểu kinh, dễ tụng kinh, với những bản kinh được thống nhất và giản lược ở mức cần thiết.

Bài báo nói trên của tạp chí Tricycle viết về những hoạt động của đạo Phật Wŏn có thể xem như là một giải đáp cho những vấn đề nêu trên, ở đất nước Hàn Quốc. Thật ra, ở nước ta, giáo hội, các chùa, các vị xuất gia và cư sĩ đều có nhiều hoạt động giúp người có hoàn cảnh khó khăn, như tổ chức từ thiện, chăm sóc người bệnh, điều trị bằng châm cứu, đông y, nuôi dạy trẻ mồ côi, mở trường mầm non, các lớp học tình thương, nuôi người già neo đơn, quán cơm miễn phí… nhưng hiện thực ở Hàn Quốc là sâu xa và bài bản hơn nhiều.

Phật giáo du nhập vào Triều Tiên từ năm 372 từ Trung Hoa. Đến thế kỷ thứ VII, Thiền tông Trung Hoa đã thâm nhập vào Triều Tiên và được bản địa hóa thành đạo Phật Son (Thiền) và khá cách biệt với dạng thức Phật giáo được tu tập phổ biến ở Triều Tiên. Cách đây 100 năm, đạo Phật Wŏn ra đời và đang phát triển, như là một dạng hiện đại của Phật giáo Hàn Quốc.

Wŏn theo tiếng Hàn có nghĩa là “circle” (tròn). Wŏn Buddhism có nghĩa là “Circle Buddhism”, “Round Buddhism” hay “Consummate Buddhism”, Round hay consummate có nghĩa là trọn vẹn. Vì sao trọn vẹn? Đó là đạo Phật Wŏn kết hợp nhiều trường phái của tư tưởng Phật giáo vào giáo lý của mình, như thiền định, tụng kinh, và tu theo giới luật. Sự kết hợp đó thể hiện trong tu tập hàng ngày. Đây là pháp môn tu tập giác ngộ cho mọi người và dễ áp dụng trong đời sống hàng ngày. Kinh được giản lược đến mức dễ hiểu và những áp dụng của kinh trong đời sống rất rõ ràng. Thực tập cũng được giản lược đến mức mọi người, bất kể hoàn cảnh giàu nghèo, công việc, điều kiện sống, đều có thể tu tập được. Những lối thực tập được xem như lỗi thời, khó hiểu và không cần thiết đều bị loại trừ. Bởi vì đạo Phật Wŏn thực hiện những biến đổi chính trong tu tập nên được xem như là một phong trào tôn giáo mới. Không giống như phần lớn những giáo hội Phật giáo khác, những Phật tử đạo Wŏn bầu những vị lãnh đạo, phục vụ cho đến hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ sáu năm.

Bài báo nói trên ghi nhận hai nhân vật nổi tiếng của đạo Phật Wŏn ngày nay: một thiền sư và một cư sĩ, cũng như ghi nhận những nỗ lực chung.

Thiền sư Haemin Sunim cũng được biết với danh xưng “Twitter monk” (nhà sư Twitter, chắc là nhà sư quen dùng công cụ truyền thông Twitter), có trên một triệu tín đồ. Sách của thiền sư được rất nhiều người đọc. Ba năm qua, thiền sư xây dựng một trung tâm rất khác lạ ở Seoul, mà thiền sư gọi là School for Broken Hearts (trường cho những tâm hồn tan vỡ). Bạn có thể nhầm lẫn trường này với trụ sở của YMCA (Young Men’s Christian Association: Hội Thanh niên Cơ-đốc) nếu không để ý đến tảng đá to tạc tượng Phật Dược Sư. Tại trường này, Haemin Sunim dạy thiền và hướng dẫn những buổi lễ Phật giáo truyền thống, nhưng phần lớn thời gian của thiền sư là cống hiến cho những chương trình lập ra để làm vơi nỗi khổ: những nhóm hỗ trợ chữa bệnh nhân ung thư, những lớp về nghệ thuật điều trị, và ngay cả những gặp gỡ thi điền kinh.

Cư sĩ Jeong Wok Lee là một cựu giám đốc ngân hàng. Sau khi về hưu, ông dùng toàn bộ tiền tiết kiệm để xây Wŏngak Meditation Center (Trung tâm Thiền Wŏngak), (Wŏngak có nghĩa là Enlightened to the Truth: giác ngộ sự thật) tại Jeonju, một thành phố ở Tây nam Hàn Quốc. Ngày nay ông sống ở đó như là một đạo sư cư sĩ. Hàng tuần ông chỉ trở về ngôi nhà để chăm sóc vợ, và người vợ rất ủng hộ ông say mê làm Phật sự.

Đạo Phật Wŏn quan niệm tu tập và phục vụ dịch vụ là một. Những Phật tử tất bật từ những sáng kiến trong nước đến các dự án quốc tế, chẳng hạn họ làm việc tại một bệnh viện, một trung tâm chăm sóc người cùng khổ, một trường dạy châm cứu, và một đại học tại Iksan, tất cả những cơ sở này là mở ra cho mọi người. Vị đạo sư sáng lập, Sotaesan (1891–1943) được nhớ đến như là người có khuynh hướng tu tập chú trọng hiệu quả công việc rõ ràng. Nhiều người kể rằng việc đầu tiên mà đạo sư làm sau khi đạt giác ngộ là thực hiện một dự án cải tạo vùng nước ngập.

Hàn Quốc hiện nay là quốc gia có nền kinh tế và khoa học phát triển vào hàng đầu trên thế giới, cho nên ngay cả các cơ sở từ thiện, giáo dục hoặc phục vụ công ích cũng đồ sộ và có tiếng vang trong nước và quốc tế, đó cũng là điều dễ hiểu; trong khi ở nước ta, các cơ sở như thế chỉ ở tầm địa phương nhỏ lẻ, và các công tác từ thiện thường là theo vụ việc và biến cố nhất thời (tuy nhiên, vô cùng cần thiết), hy vọng trong tương lai, các tổ chức thiện nguyện của Phật giáo nước ta có cơ sở vật chất xứng đáng tầm cỡ của một tôn giáo lớn, có kế hoạch hoạt động lâu dài đàng hoàng. Trong thế giới ta-bà này, một trường học, một Tuệ Tĩnh đường, một trung tâm văn hóa… của Phật giáo càng lớn mạnh thì hoạt động giúp đời càng hiệu quả và càng tạo thêm niềm tin cho nhân dân và Phật tử.

Riêng về mặt tu tập và hoằng pháp cho nhiều triệu người bình thường, tôi chỉ xin chuyển “thông điệp từ Hàn Quốc” liên quan đạo Wŏn để mọi người ngẫm nghĩ.

Tài liệu sử dụng:

- Emma Varvaloucas, Dispatch from South Korea, Tricycle, 13/11/2018.

- Có nên đi nhà thờ ở Hàn Quốc, trên facebook “Thông tin Hàn Quốc”, 30/8/2017.

- Wikipedia tiếng Anh.

(Tạp chí Văn hóa Phật Giáo, số 312, Ngày 1.1.2019)

Thư Viện Hoa Sen

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin