menu

TÌNH THƯƠNG RỒI SẼ THẮNG

View: 1019 -     Trần Trung Đạo       29/12/2018 08:12:21 am
TÌNH THƯƠNG RỒI SẼ THẮNG
TÌNH THƯƠNG RỒI SẼ THẮNG

 

Theo Dương Lịch, 23 tháng Ba là ngày giỗ của Huynh Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu. Ngày anh ra đi, tôi viết bài thơ để kính tiễn anh và cũng để nhắc nhở các anh chị em Gia Đình Phật Tử chúng ta hãy gần gũi và thương yêu nhau hơn. Bài thơ khá dài và kết luận bằng câu “Và đừng xa nhau nữa”.  

Tôi sinh hoạt đa dạng và trong nhiều lãnh vực, nhưng trong suốt đời mình cho đến  hôm nay, Gia Đình Phật Tử là tổ chức duy nhất mà tôi phát nguyện trung thành theo lý tưởng.

Ngoại trừ các sinh hoạt bình thường trong cộng đồng nơi tôi đang sống, tôi chưa tham gia một tổ chức không những chính trị mà cả văn hóa, xã hội với tầm vóc quốc gia nào.

Tôi còn nhớ rõ, nhân Đại Lễ Phật Thành Đạo năm 1962, cha tôi dắt tôi đến chùa Ba Phong, làng Mã Châu, Duy Xuyên, Quảng Nam để xin cho tôi được tham gia đội Đồng Niên của GĐPT Ba Phong.

Liên Đoàn Trưởng đầu tiên của tôi là Trưởng Tâm Thanh Lê Thanh Hải. Trưởng Tâm Thanh rời đoàn sớm để về sinh hoạt trong Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Nam và sau đó được Thượng Tọa Thích Long Trí làm lễ thế phát xuất gia ở chùa Viên Giác, Hội An cũng với pháp hiệu Tâm Thanh.

Tôi bước theo duyên nghiệp riêng của mình, nhưng sau đó cũng về Viên Giác Hội An và cũng được sư phụ chúng tôi, Thượng Tọa Thích Long Trí, dạy dỗ. Đại Đức Thích Tâm Thanh, cùng với một số tăng sĩ trẻ như Đại Đức Thích Hộ Giác, Đại Đức Thích Liễu Minh, Đại Đức Thích Giác Đức v.v.. được Viện Hóa Đạo mời vào giảng sư đoàn Viện Hóa Đạo. Các ngài dù ở lại hay ra đi đều trở thành các bậc tăng tài của giáo hội.

Đại Đức Thích Tâm Thanh sau này là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, viện chủ Vĩnh Minh Tự Viện và là Cố Vấn Giáo Hạnh của GĐPT Việt Nam. Ngài viên tịch ngày 2 tháng 4 năm 2004.

Cách đây khoảng 25 năm, nhân dịp Hòa Thượng Thích Trí Chơn viếng thăm chùa Lục Hòa ở Boston, trong một buổi lễ, Huynh trưởng Tâm Chí Trương Xuân Bảo khuyến khích tôi phát nguyện làm huynh trưởng GĐPT. Tôi vẫn nhớ lời anh khuyên, hệ thống Gia Đình Phật Tử quá cần những huynh trưởng có điều kiện học hành ở cả trong nước lẫn nước ngoài để hướng dẫn các em sinh ra hay lớn lên ở hải ngoại.

Tôi không nhận lời vì biết mình không thể gánh vác thêm trọng trách. Tôi quá nhiều việc phải làm. Ngoài đời sống ra, tôi phải dành thời gian để viết về những vấn đề mà đất nước đang đương đầu. Cánh cửa “đổi mới” vừa mở ra, trách nhiệm của những người cầm bút là phải soi rọi ánh sáng vào.  

Tuy nhiên khi lễ bắt đầu, Trưởng Tâm Chí vẫn xướng danh Thị Nghĩa Trần Trung Đạo. Tôi ngượng ngùng đứng lên để nói vài lời. Đứng trước Tam Bảo uy nghiêm, với ánh mắt của HT Trí Chơn đang nhìn về phía tôi, Trưởng Tâm Chí và đồng bào Phật Tử đang chờ câu trả lời, tôi không biết làm thế nào để nói lời từ chối. Hôm đó, tôi phát nguyện làm một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử.

Tôi viết khá nhiều về sinh hoạt có liên quan đến GĐPT nhưng thường ký với tư cách một đoàn viên. Nhưng từ sau lễ phát nguyện đó tôi là một huynh trưởng. Một em huynh trưởng trong GĐPT Viên Lạc tặng tôi chiếc áo đoàn. Thời gian dần trôi, duyên nghiệp cuốn tôi theo nhiều ngả nhưng trong lòng vẫn luôn nghĩ, chỉ có một tổ chức tôi có trách nhiệm với sự thịnh suy là Gia Đình Phật Tử.

Trong những năm trọ ở chùa Viên Giác từ 1968 đến 1972, tuy không trực tiếp tham gia sinh hoạt đoàn, tôi ngủ bên cạnh văn phòng Ban Hướng Dẫn Tỉnh. Sư phụ chúng tôi lại là Đặc Ủy Thanh Niên Tỉnh Giáo Hội nên tôi có dịp gần gũi với hầu hết các trưởng thuộc BHD tỉnh hay BHD trung ương đến.

Thời gian đó, Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu đang làm việc tại Đà Nẵng và hay vào Hội An. Mỗi khi về chùa, khoảng năm 1970, Trưởng Tâm Huệ mặc đồ quân nhân, đeo lon Trung Tá nhưng trước khi đảnh lễ chư tôn đức, anh vào phòng tôi thay đồ lính mặc đồ đoàn.

Sau 30 tháng 4, 1975, chúng tôi như hai chiếc lá bị cuốn đi trong dòng đời đầy oan nghiệt nhưng vẫn không quên nguồn cội.

Anh em chúng tôi gặp lại nhau ngày 17 tháng 12, 2005. Có một chút tủi buồn và cay đắng vì không phải trong sân chùa hay trong ngày họp trại mà tại một bịnh viện ở San Diego, nước Mỹ. Thằng bé chùa Viên Giác bây giờ đã lớn. Bao mùa Thu đi qua. Không nhận ra nhau nhưng anh nhớ từng chi tiết nhỏ trong những lần anh ghé Hội An.  

Anh đọc nhiều thơ và văn tôi viết về mọi lãnh vực của đời sống nhưng không ngờ chúng tôi đã gặp nhau nhiều lần khi tôi còn khá nhỏ. Anh rất vui khi tôi đã trưởng thành. Anh nói ít về kỷ niệm mà nói nhiều hơn ở những ước mơ.  Không phải mơ ngày mai hay tuần tới anh rời bịnh viện mà mơ nhiều nơi thế hệ chúng tôi.

Chúng tôi ngồi với nhau khá lâu trong căn phòng nhỏ của bịnh viện. Anh Tâm Huệ, dù rất yếu đuối mong manh, không khóc và tôi cũng không. Không giọt nước mắt vui mừng nhỏ xuống cho ngày gặp lại hay nhỏ xuống cho lần vĩnh viễn chia tay sắp diễn ra. Chụp chung nhau một vài bức hình với nụ cười rất thật. Ánh sáng Hòa Tin Vui được thắp lên.

Người xưa bao lớp đã ra đi nhưng tiếng còi vẫn còn vọng lại, nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên lời phát nguyện của mình trước Tam Bảo.

Bài thơ tiễn Biệt Huynh Trưởng GĐPT Tâm Huệ Cao Chánh Hựu:


ĐỪNG XA NHAU NỮA

Chiếc mũ vẫn còn đây
Anh đã về cõi khác
Dây Thân Ái chiều nay
Sao chẳng còn ai hát

Chiếc còi vẫn nằm im
Trên bàn xưa trống trải
Khi giọt máu từ tim
Vừa ra đi, đi mãi

Anh sống một cuộc đời
Âm thầm như ngọn núi
Ôm ấp nỗi niềm riêng
Nghe đau mà không nói

Giọt nước mắt mùa xuân
Nhỏ trên từng phiến đá
Như hạt bụi thời gian
Phai theo màu chiếc lá

Đoàn các em hôm nay
Còn rất nhiều khốn khó
Nhìn chiếc áo màu Lam
Thấy tình anh trong đó

Anh sẽ là mũi tên
Trên quãng đường còn lại
Để mai mốt các em
Biết lối về đất trại

Anh sẽ là mật thư
Giấu trong vườn Sen Trắng
Chỉ vỏn vẹn một câu
Tình thương rồi sẽ thắng

Anh sẽ là tiếng còi
Thổi lên lời hy vọng
Để em biết ngày mai
Trời không còn biển động

Anh sẽ là bài ca
Giữa đêm dài hiu hắt
Để em biết hôm qua
Đau thương và nước mắt

Anh sẽ là củi khô
Đốt lên từng ngọn lửa
Sưởi ấm mãi Tình Lam
Và đừng xa nhau nữa.

Trần Trung Đạo

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin