Thanh niên của đạo Phật
View: 1015 - Viên Âm 7/10/2018 08:10:46 pm
Thanh niên là tuổi trẻ. Trẻ đối với già mà nói: người dưới 30 tuổi còn có thể sống được nhiều năm nữa, thì gọi là thanh niên; người hơn 70 tuổi không còn sống được mấy năm nữa, thì gọi là già cả. Cái ý nghĩa hai chữ thanh niên đã do nơi thọ mạng của loài người mà nói, thì cái giới hạn của thanh niên cũng phải nơi thọ mạng của con người mà thay đổi. Phỏng như loài người biết tu nhơn tích đức, được cái phước báu sống lâu đến 7-800 năm, thì những người 200 tuổi cũng còn gọi là thanh niên. Trái lại, nếu người đời độc hiểm hung dữ, phải chịu cái ác báo chỉ sống trong 20 năm, thì những kẻ 18 tuổi đã gọi là già cả. Đối với một loài người cũng vậy mà đối với cá nhân cũng vậy, tùy theo thọ mạng của mình dài hay vắn mà cái thời kỳ thanh niên, nó cũng có dài vắn.Song thanh niên cũng sống, cũng hành động, cũng tư tưởng; vãn niên cũng sống, cũng hành động, cũng tư tưởng. Hai tuổi ấy lớn nhỏ khác nhau nhưng cũng vẫn là mình, vậy thời kỳ thanh niên có cái đặc biệt gì mà phải phân chia giới hạn?
Thời kỳ thanh niên thiệt có một cái đặc biệt nhất là tự nhận mình còn có thể sống được lâu năm. Đã tự nhận có thể sống lâu năm, nên bạn thanh niên làm việc gì cũng có cái chí hướng xa xôi, cũng có cái hy vọng to tát; họ chỉ chăm lòng làm việc cho có những hiệu quả tốt tươi về sau chớ không kể sự nhọc nhằn trong lúc hiện tại. Họ được vậy là họ biết thời gian còn để dành cho họ một khoản khá dài, đủ cho họ thành tựu những mục đích khó khăn và vĩ đại.
Thanh niên của thế gian là vậy, còn thanh niên của đạo Phật là những bực nào?
Thanh niên của đạo Phật là những bực đã phát Bồ đề tâm, đã tự nhận cái tánh bất sanh bất diệt.
Chúng sanh không biết bản tánh, say mê theo vọng tưởng giả danh, sống cái sống hẹp hòi trong một đời, nên duy có những kẻ biết mình còn sống lâu năm mới phát được những chí hướng xa xôi, những hi vọng vĩ đại, nhưng xa xôi vĩ đại cũng chỉ giới hạn trong khoảng thời gian 100 năm mà thôi. Đến như những bực đã phát Bồ đề tâm, đã nhận được cái tánh bất sanh bất diệt nơi mình, thời không còn thời gian, không còn không gian, sống một cái sống rộng lớn vô cùng vô tận, không cuộc trong một đời, không cuộc trong một kiếp, dầu trời nghiêng đất ngửa mà tánh bất sanh bất diệt ấy cũng không bao giờ thay đổi. Những người như vậy thì không lúc nào là không thanh niên, dầu còn một hơi thở cuối cùng cũng vẫn có cái chí hướng sâu xa rộng lớn vô biên vô lượng của tâm tánh thường trụ.
Độ một chúng sanh khỏi luân hồi là khó, mà người đã phát Bồ đề tâm thì quyết chí độ tất cả chúng sanh; trừ một sự phiền não mê lầm là khó, mà người đã phát Bồ đề tâm thì quyết chí trừ tất cả các sự phiền não mê lầm; học một phép tu cho hoàn toàn là khó mà người phát Bồ đề tâm thì quyết chí học vô lượng pháp môn; thành một vị Tu đà hoàn là khó, mà người phát Bồ đề tâm quyết chí tu cho thành Phật.
Cái chí hướng rộng lớn như kia, đối với tâm trí thông thường thì in tuồng là viễn vông lắm, nhưng đối với những người thiệt hiểu đạo Phật, thiệt phát Bồ đề tâm, đã ra ngoài hạn lượng không gian và thời gian của vũ trụ thì quyết chắc đạt đến mục đích.
Thanh niên như vậy mới thiệt là thanh niên, vì là thanh niên mãi mãi không già không chết.
Nguyện cho toàn thể nhơn loại, vô lượng chúng sanh đếu phát Bồ đề tâm đặng đồng nhập vào hạng thanh niên của đạo Phật.
(Tạp chí Viên Âm năm thứ II - số 14 - 1935)
Pháp Uyển sưu lục