menu

Trang nghiêm Giáo Hội và Tăng Đoàn

View: 929 -     GHPGVNTNHN - HK       27/03/2019 07:03:41 pm
Trang nghiêm Giáo Hội và Tăng Đoàn
Trang nghiêm Giáo Hội và Tăng Đoàn
  1. DẪN NHẬP:

Trong Đại luật viết rằng: "Giới luật là thọ mạng của chư Phật. Giới luật còn là Phật Pháp còn.

Tăng đoàn của đạo Phật là biểu tượng thiêng liêng và đặc thù của nền đạo đức xuất thế và siêu việt. Sự viên mãn của Tăng đoàn đối với nền đạo đức xuất thế và siêu việt ấy còn là sự minh xác kiên định cho giá trị khả thi và khả chứng đối với giáo pháp mầu nhiệm của đức Thế Tôn. Chính vì vậy, hình ảnh của một vị tăng sĩ Phật giáo không chỉ đơn thuần là biểu hiện cụ thể của sự hiện hữu của Tăng đoàn, mà còn là đặc trưng cao khiết cho giá trị đạo đức xuất thế của đạo Phật, nó vừa thể hiện tính khả thể giải thoát và giác ngộ, vừa làm chỗ nương tựa cho đức tin vững chắc đối với Tam Bảo.

Trong ý nghĩa đó, ngày nào mà hàng ngũ Tăng đoàn của đạo Phật nói chung và từng vị tu sĩ nói riêng còn được trang nghiêm bằng giới đức siêu thoát và trí tuệ tĩnh giác thì ngày ấy giá trị thiêng liêng đặc hữu của Phật Pháp và Tăng già còn tồn tại. Có như thế, một vị xuất gia trong hàng ngũ Tăng già mới có thể xứng đáng với lý tưởng:

"Phát túc siêu phương,

Tâm hình dị tục.

Thiệu long Thánh chúng

Chấn nhiếp ma quân

Dụng báo tứ ân

Bạt tế tam hữu."

(Quy Sơn Cảnh Sách)

Dù sống trong xã hội văn minh cơ khí Tây phương hay ở bất cứ quốc độ và thời đại nào, giới đức siêu thoát và trí tuệ tỉnh giác vẫn luôn luôn được xem như là những yếu tính cốt lõi xác định vị thế đặc dị của Tăng đoàn đạo Phật, và là những chất liệu quan thiết để trang nghiêm Giáo hội và Tăng già, nếu không muốn nói là những chiếc phao sinh mệnh của đạo Phật.

II. BƯỚC ĐẦU XUẤT GIA:

Giải thoát khổ đau và giác ngộ vô minh cho mình và người là mục tiêu trọng đại của việc xuất gia. Trên lộ trình thành đạt mục tiêu trọng đại ấy, người xuất gia đã thật sự sống đời sống của một vị Thánh giả xuất thế. Tư duy, ngôn ngữ và hành động của người xuất gia, vì vậy, luôn luôn an trú trong chánh niệm và tịnh giới. Giới luật, do đó, là phương tiện cấp thiết và quan yếu đối với người xuất gia. Giới luật có công năng giúp cho người xuất gia phòng hộ thân, khẩu và ý trước những tác động tạp nhiễm của các pháp. Trong ý nghĩa đó, việc thọ giới không giản dị như là thủ tục hình thức để nhập hội. Việc thọ giới phải là một thắng duyên quí giá có đủ năng lực của bối cảnh ngoại tại và sự tác động mãnh liệt của tâm thức để có thể làm phát sinh giới thể vô biểu trong người thọ lãnh giới luật. Nếu không có năng lực của vô biểu giới thể thì người thọ giới sẽ thiếu công năng kiến hiệu trong sự phòng hộ giới.

Người xuất gia là một thành viên trong hàng ngũ Tăng già, do đó, lý tưởng và phong thái đạo đức của một người xuất gia gắn liền với lý tưởng và phong thái đạo đức của tập thể Tăng già ấy. Chính vì vậy, việc truyền thọ giới pháp cho người xuất gia cần phải thông qua các thủ tục hành sự của Tăng, hay nói cách khác là thủ tục yết ma giữa Tăng. Đây là biểu hiện trách nhiệm tương quan của tập thể Tăng già. Sự tiến bộ hay thối thất của một vị xuất gia không chỉ ảnh hưởng đến con đường tiến tu đạo nghiệp của một cá nhân ấy mà còn ảnh hưởng đến giá trị siêu xuất và sự thăng trầm của Phật Pháp.

Nói tóm lại, trong các luật và luận tạng đưa ra các quy định về việc truyền thọ giới xuất gia như sau:

1/ Tư cách làm thầy phải được Tăng nghiệm xét và hứa khả. Nếu Tăng không hứa khả thì vị ấy không đủ tư cách để đứng ra làm thầy thâu nhận đệ tử.

2/Người thầy thâu nhận đệ tử phải thông bạch cho Đại Tăng biết. Nếu hàng Đại Tăng không chuẩn y cho thì không được làm trái lại.

3/ Đại Tăng phải xét và chứng thực tư cách của người thọ giới để tránh việc truyền thọ thiếu xác chứng.

III. XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH LÀM THẦY:

Một vị tu sĩ khi đã được chính thức thâu nạp vào hàng ngũ xuất gia, hay tập thể Tăng già là người đã thật sự sống một đời sống xuất thế, thoát tục như một vị Thánh giả A La Hán, mặc dù chưa hoàn toàn dứt trừ hoặc nghiệp. Dù cho vị tu sĩ ấy là một Sa di thì so với các hàng tại gia đắc quả Thánh Dự lưu hay Nhất lai vẫn được tôn quí hơn nhiều. Chính đó là yếu tố then chốt trong giá trị tôn quí của hàng Tăng bảo. Khi trở thành là người xuất gia, vị ấy đã thoát ly hoàn toàn các nghiệp duyên thế tục và phiền não; tư duy, ngôn ngữ và hành động của vị ấy luôn luôn hướng về việc giải thoát và giác ngộ cho mình và người, hay nói cách khác, là vị ấy đang nuôi lớn pháp thân tuệ mạng của một đức Phật tương lai. Chính vì vậy, vấn đề hướng dẫn và giáo dục cho người xuất gia trong tiến trình nuôi dưỡng pháp thân huệ mạng là một vấn đề vừa cấp thiết, vừa trọng đại. Trong ý nghĩa đó, bậc làm thầy luôn luôn cưu mang trọng trách cao quí đối với hàng môn đồ của mình.

Hứa khả và thâu nhận một người xuất gia không phải chỉ có tánh cách qua loa hay dễ dãi, để rồi thả xuôi cuộc đời của vị mới xuất gia ấy cứ trôi nổi đi đâu thì đi. Thâu nhận một người xuất gia là tự gánh lấy trách nhiệm trọng đại trong việc hướng dẫn và giáo dục từ kiến thức Phật Pháp, phẩm chất đạo đức xuất thế, đến việc trưởng dưỡng pháp thân huệ mạng cho vị ấy. Vị thầy, do đó, không chỉ có trách nhiệm đối với việc nên hư của người đệ tử trong bình diện cá nhân, mà còn có trách nhiệm đối với tiền đồ thịnh suy của tập thể Tăng già và Phật Pháp trong bình diện tương quan tập thể.

Nói một cách thiết thực hơn, trách nhiệm của vị thầy đối với người đệ tử nằm trong hai lãnh vực: vật chất và tâm linh, về mặt vật chất, vị thầy phải có đủ khả năng và điều kiện vật chất khả dĩ cấp dưỡng cho người đệ tử sống tương đối đầy đủ như nhà cửa phòng ốc, áo quần, thực phẩm, thuốc men v.v... về mặt tâm linh, vị thầy phải có khả năng để hướng dẫn và giáo dục cho người đệ tử kiện toàn kiến giải và thực nghiệm Giới, Định và Tuệ. Trong Luật tạng đề cập đến các vấn đề trên một cách chi tiết và phong phú, ở đây có thể liệt kê một vài điều kiện tiên quyết mà Luật tạng ghi đối với tư cách của một vị thầy:

  1. Tuổi đạo phải đủ mười hạ.
  2. Hiểu biết rõ các trường hợp, trì, phạm, khinh và trọng trong giới luật.
  3. Có kiến thức uyên bác.
  4. Có khả năng và kinh nghiệm tâm lý để giải quyết các vấn đề khúc mắc thuộc tâm lý của người đệ tử.
  5. Có khả năng giải trừ các kiến giải cố chấp và sai lầm của người đệ tử.

Trong Luật tạng qui định một thủ tục trọng yếu mà Đại Tăng thực hiện để xác định tư cách và khả năng của một vị tỳ kheo trước khi ra làm thầy. Thủ tục ấy gọi là "Yết Ma Súc Chúng". Đây là thủ tục Yết ma giữa Tăng để chấp thuận cho một vị tỳ kheo có quyền đứng ra thâu nhận đệ tử. Trừ khi thông qua thủ tục này, theo Luật, một vị tỳ kheo không thể có tư cách thâu nhận đệ tử. Điều kiện này nhằm bảo đảm khả năng và tư cách của vị thầy trong việc hướng dẫn và giáo dục đệ tử, đồng thời tránh tình trạng dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho người đệ tử và cho cả tập thể Tăng già. Luật còn giới hạn một vị tỳ kheo, dù đã được thông qua thủ tục Yết Ma Súc Chúng, cũng không được thâu nhận hai vị Sa di và truyền giới cụ túc cho hai vị tỳ kheo khác trong cùng một năm. Những nguyên tắc này cần phải được ứng dụng một cách sáng tạo và linh động hơn trong những điều kiện cụ thể mà Tăng có thể chấp nhận.

IV. VIỆC THẾ PHÁT XUẤT GIA:

Theo quy định của Luật tạng, một người mới thế phát xuất gia tuổi từ 7 tuổi trở lên có thể cho thọ Sa di giới. Nhưng, theo truyền thông Tăng già tại Việt Nam và Trung Hoa, dù người đã lớn tuổi, mới xuất gia cũng chỉ thi hành việc cạo tóc, học kinh, luật và chấp hành các công tác trong tự viện, mà không truyền thọ giới Sa di ngay. Thời gian từ lúc vào chùa xuống tóc đến khi thọ giới Sa di tùy theo phẩm cách đạo đức của mỗi người mà vị thầy cho phép sớm hay muộn. Khi vị ấy bắt đầu thọ nhận giới Sa di qua thủ tục truyền giới thì mới thật sự trở thành người xuất gia. Truyền thống này hiện vẫn còn được duy trì tại các tự viện ở Việt Nam và Trung Hoa. Xét về mặt thực tế, đây là một thủ tục hiệu quả nhằm thử thách ý chí xuất gia và gầy dựng quan niệm và phong thái đạo đức cho một người sắp chính thức xuất gia. Điều này ảnh hưởng rất mãnh liệt đối với một người để sau này trỏ thành một vị xuất gia sống có lý tưởng, có tư cách đạo đức.

Các thủ tục thế phát xuất gia và truyền giới Sa di cũng cần phải được lưu ý đặc biệt vì tính cách nghiêm trọng của nó. Như đã nói trong một đoạn trước, khả năng phòng hộ giới của một người đã thọ nhận giới tùy thuộc mãnh liệt vào năng lực của giới thể vô biểu đã phát sanh trong lúc cử hành lễ truyền thọ giới. Chính vì thế, việc tổ chức chu đáo và trang nghiêm trong buổi lễ truyền giới là một điều kiện cần thiết. Bối cảnh của lễ truyền giới sẽ là thắng duyên thù thắng giúp cho giới tử tăng trưởng tín tâm và phát sinh năng lực vi diệu của giới thể vô biểu. Tư cách giới đức thanh tịnh của giới sư truyền giới cũng là một trong những yếu tố quyết đinh giúp cho giới tử phát sinh tín tâm và giới thể vô biểu.

V. VẤN ĐỀ NGOẠI ĐẠO XUẤT GIA:

Tại Việt Nam, vấn đề người ngoại đạo (người thuộc các tôn giáo khác với đạo Phật) xuất gia trong đạo Phật không trở thành là vấn đề đáng lưu tâm trong quá khứ. Bởi do bối cảnh xã hội và tôn giáo tại Việt Nam không quá ư phức tạp, và một phần cũng do tinh thần Tam giáo đồng nguyên đã ăn sâu vào tư tưởng người Việt thuộc các tôn giáo.

Nhưng, tại Ấn Độ, đây quả là một vấn đề mà Tăng đoàn đã từng lưu tâm rất nhiều. Tất nhiên là do bối cảnh xã hội và tôn giáo tại Ấn mang tính chất phức tạp vì quan niệm giai cấp dị biệt. Điều đáng nói là trong sử liệu của Phật giáo Ấn, mỗi khi đề cập đến tình trạng phân hóa trong hàng ngũ Tăng đoàn, các bộ phái phần đông đều cho rằng vì sự trà trộn của ngoại đạo vào tập thể Tăng để phá rối.

Những người thuộc các tôn giáo khác vì truyền thống sinh hoạt lâu trong tôn giáo của mình, nên khi gia nhập vào đạo Phật khó tình có thể thay đổi bản chất tư duy và hành xử cố hữu của họ để chuyển hóa theo con đường mới của đạo Phật. Đây là lý do người ngoại đạo dễ gây ra những dị biệt, mâu thuẫn trong tập thể của đạo Phật mà họ mới tham gia, chưa nói đến việc họ có dụng ý trà trộn để phá hoại.

Từ bài học lịch sử của tôn giáo như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy thêm được một sự kiện khác mang tính chất cụ thể và thời đại hơn, đó là vấn đề những người thuộc các đảng phái chính trị muốn xuất gia trong đạo Phật. Cơ cấu của các đảng phái chính trị chỉ khác với tôn giáo ở chỗ là đặc tính thần quyền. Vì thế, người trong tổ chức đảng phái chính trị cũng có đức tin, lý tưởng, giới điều và giáo điều của họ. Một khi những người này gia nhập vào đạo Phật, họ cũng sẽ mang cái bản chất tư duy và hành xử truyền thống của họ như người thuộc các tôn giáo khác.

Luật tạng của các bộ phái lưu tâm và dè dặt trong việc cho phép người ngoại đạo xuất gia trong đạo Phật. Một cách cụ thể, Luật Tứ Phần đã đưa ra các nguyên tắc về người ngoại đạo xuất gia sau đây:

1/ Cần phải hiểu biết thật rõ về bản chất tôn giáo mà người ấy đã từng đi theo trước khi chấp nhận cho xuất gia.

2/ Việc xác định bản chất tôn giáo và cá nhân của người ngoại đạo phải được tập thể Tăng thông qua.

3/ Khi đã chấp nhận cho người ngoại đạo vào đạo Phật, trước phải trải qua thời gian bốn tháng nghiệm xét. Trong thời gian này chỉ cho phép cạo tóc, khoác áo ca sa và chấp tác trong tự viện.

4/ Sau bốn tháng đầu nghiệm xét, nếu Tăng nhận thấy người ấy đã thật sự cải đạo, nghĩa là thật sự từ bỏ các lối tư duy, hành xử theo tôn giáo cũ, Tăng duyệt chứng cho người ấy chính thức xuất gia.

5/ Nếu sau bốn tháng đầu nghiệm xét, Tăng không thấy người ấy thật sự cải đạo, hay xét thấy cần thêm thời gian nghiệm xét thì Tăng chấp thuận gia hạn thêm bốn tháng thứ hai để nghiệm xét.

VI. VIỆC THỌ CỤ TỨC GIỚI:

Một vị xuất gia khi đã thọ nhận giới cụ túc là thật sự sống một cách trọn vẹn đời sống siêu xuất của một vị Thánh giả A La Hán. Thứ nữa, một vị xuất gia khi đã thọ cụ túc giới là chính thức trở thành một thành viên trong hàng Tăng Bảo và dự phần quan trọng trong tất cả các quyết định của tập thể Tăng già. Hơn thế nữa, càng ngày sự liên đới có tính cách tất yếu của tiến trình lịch sử giữa Tăng già hay Giáo hội với xã hội càng mở rộng thì vai trò của một vị tỳ kheo càng trở nên quan trọng và đa dạng. Trong bối cảnh liên đới ấy, đòi hỏi một vị tỳ kheo phải có đủ khả năng và phẩm chất đạo đức thoát tục để gánh vác công việc hoằng dương chánh pháp. Chính trong các ý nghĩa ấy, việc nghiệm xét tư cách và khả năng của một người muốn thọ cụ túc giới ngày càng được lưu tâm và thực hiện trong những điều kiện thận trọng và có tính cách chuyên môn hơn. Công việc nghiệm xét này thông thường được gọi là những câu hỏi về các già nạn, hay các pháp chướng ngại, và được thực hiện ngay trong giai đoạn chính thức tiến hành việc tác pháp.

Trong truyền thống Luật tạng, các già nạn này bao gồm chủ yếu là việc đầy đủ sáu căn. Nếu một người sáu căn không đầy đủ, như mù, đui, điếc, câm v.v... thì không được phép thọ cụ túc giới. Tất nhiên, trong việc giải thích các nguyên tắc để thực thi công việc nghiệm xét các già nạn này, giữa các bộ phái có rất nhiều dị biệt. Trong truyền thông Tăng đoàn Việt Nam và Trung Hoa, ngoài việc nghiệm xét các già nạn trên còn có cuộc khảo nghiệm về kiến thức Phật Pháp bao gồm kinh, luật và luận. Dĩ nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để chấp nhận cho một người thọ cụ túc giới là tuổi phải đủ hai mươi. Theo truyền thống Tăng đoàn Việt Nam để được thọ cụ túc giới, ngoài việc tuổi phải đủ hai mươi, người thọ còn phải là một vị Sa di có phẩm chất đạo đức và kiến thức Phật Pháp căn bản.

Những quy định và nguyên tắc trên Tăng đoàn có thể thực hiện một cách linh động và uyển chuyển, vấn đề căn bản là làm thế nào để bảo vệ được giá trị đặc hữu và cao khiết của Giáo Hội, của Tăng già nói chung và cá nhân từng vị tỳ kheo nói riêng. Việc thực thi các nguyên tắc theo luật định để nghiệm xét cho một người thọ cụ túc giới sẽ giúp cho Tăng đoàn tránh được các tình trạng hỗn độn trong hàng ngũ Tăng già, vì sự trà trộn của một số người vì lợi dưỡng, hay vì các mưu cầu khác mà xuất gia làm tỳ kheo.

---
(Tham luận của Hội Đồng Giám Luật trong Đại Hội Thường Niên lần thứ I của GHPGVNTNHN-HK ngày 25 và 26 tháng 11 năm 1993)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin