menu

Tuổi Trẻ và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội

View: 1192 -     Thị Nghĩa - Trần Trung Đạo       16/09/2019 10:09:39 pm
Tuổi Trẻ và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội
Tuổi Trẻ và Lý Tưởng Phụng Sự Xã Hội

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo (Ảnh: Sen Trắng)

Tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện thật, rất cảm động về tinh thần phụng sự xã hội của một cụ già Thụy Sĩ do một người cháu của tôi đang làm việc về ngân hàng tại Thụy Sĩ kể lại. Câu chuyện nói lên ý nghĩa sâu sắc về tình người, về trách nhiệm của mỗi chúng ta trong cồng đồng xã hội hôm nay và ngày mai.

Chuyện xảy ra trên chiếc cầu Lausanne, Thụy Sĩ. Mỗi năm vào những dịp lễ lớn, nhất là trong mùa Đông, một cụ già tên là Dupont thường đến cắm chiếc lều nhỏ cạnh đầu cầu để ở. Mùa Đông ở đâu cũng buồn và lạnh. Nhưng nơi cháu tôi định cư lại heo hút hơn nhiều nơi khác. Trong những ngày lễ lớn, với những người có diễm phúc, đó là ngày sum họp gia đình, tiệc tùng, đàn hát bên bếp lửa hồng ấm cúng. Thế nhưng, với những kẻ cô đơn, không nhà, bệnh hoạn, nỗi trống vắng lại càng sâu đậm hơn, những vết thương nơi thân xác hay tinh thần lại càng thêm nhức nhối. Chiếc cầu Lausanne dài và rất cao từ mặt nước, do đó đã trở thành điểm hẹn cuối cùng của những người bị bệnh trầm cảm (depression). Trên thành cầu cao đó, những người không còn hy vọng gì trong thế giới này đã chọn gieo xuống để tự kết liễu đời mình. Mục đích của ông lão Dupont đóng trại ở đầu cầu, để mỗi khi có một người nào dừng lại bên dốc cầu nguy hiểm, ông sẽ tìm cách bắt chuyện, mời một ly rượu cho ấm lòng, và thậm chí giúp đỡ một ít tiền bạc nếu người đó đang thiếu thốn.

Như người ta thường nói: “Nỗi buồn khi san sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi, niềm vui khi san sẻ, niềm vui sẽ tăng gấp bội”. Ông Dupont làm việc đó suốt 20 năm dài. Ông đã san sẻ chuyện buồn phiền trong đời nhiều kẻ khác, khuyên can những người không còn lối thoát nào khác. Con số những người ông cứu giúp thật sự không ai biết. Nhiều báo chí, truyền thanh, truyền hình xin phỏng vấn nhưng đều bị ông từ chối. Con số không quan trọng, nhưng điểm quan trọng là ông đã hy sinh, dâng hiến, đeo đuổi tâm nguyện cứu người. Và mới đây ông qua đời. Trong di chúc, ông để lại hết tài sản tuy khiêm nhượng nhưng đó là cả đời làm việc và dành dụm, cho những ai sẽ tiếp tục làm công việc của ông.

Tinh thần phụng sự xã hội của ông Dupont, có thể được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Như một người Ki-tô giáo, việc làm của ông là sự thể hiện của lòng bác ái, vị tha; đồng thời, cũng có thể là hành động để ngăn chận sự hủy hoại thân thể vốn ngược lại với niềm tin tôn giáo mà ông là một tín đồ. Hành động đó cũng dễ dàng được giải thích trong tinh thần Bồ tát của Phật giáo với tấm lòng từ bi vô lượng, hy sinh cả mạng sống của mình để cứu độ chúng sinh.

Qua câu chuyện của ông Dupont, chúng ta có thể nhận ra các đặc điểm và ý nghĩa của lý tưởng phụng sự xã hội:

Lý tưởng phụng sự xã hội, trước hết, là một mục đích sống cao đẹp của một đời người. Một danh ngôn các bạn có thể đã nghe: “Lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời và làm nảy hoa cho cuộc sống”. Một cuộc đời không lý tưởng như chiếc thuyền trôi vô định trên biển khơi, như nụ hoa không ánh sáng. Tôi tin rằng, ít nhất đã một lần, các bạn tự hỏi mình, ta có mặt trong cuộc đời này để làm gì? Nếu chúng ta đặt qua một bên niềm tin tôn giáo hay sự giải thích dựa vào niềm tin tôn giáo, và nếu chúng ta không có một lý tưởng để sống, sự có mặt của chúng ta sẽ vô vị biết bao. Đó chỉ là sự lập lại một cách nhàm chán những công việc, những ngày, những tháng, những năm, những tiếng cười và nước mắt, những hơn thua và tranh chấp, cho đến cuối cùng một hơi thở hắt ra. Nhưng với một người sống có lý tưởng, sống có mục đích, những khoảnh khắc dù chỉ một vài giây phút cũng đong đầy ý nghĩa. Người có lý tưởng bao giờ cũng lạc quan và hy vọng bởi vì họ không chỉ sống cho hôm nay mà cho ngày mai và nhiều ngày mai sẽ tới.

Lý tưởng là cần thiết. Trong cuộc sống, hẳn nhiên nhiều lúc vì áo cơm chúng ta có thể phải làm những nghề nghiệp không hợp với sở thích và khả năng của mình. Tuy nhiên, chỉ có những nghề nghiệp mà chúng ta có quyền tự do chọn lựa, yêu thích và đam mê theo đuổi mới có thể đưa chúng ta đến thành công được. Và trong những đam mê phục vụ, phục vụ con người vẫn là đam mê cao quý nhất. Nhà khoa học Albert Einstein có lần đã chia sẻ quan điểm phụng sự xã hội của ông: “Cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất” (Only a life lived for others is a life worthwhile).

Nhà thơ Emily Dickinson đã viết trong bài thơ Không vô ích (Not in Vain) nổi tiếng của bà:

If I can stop one heart from breaking
I shall not live in vain.
If I can ease one life from aching,
Or cool one pain,
Or help one fainting robin
Until his nest again,
I will not live in vain.

Tôi xin tạm dịch:

Nếu tôi có thể ngăn được một tâm hồn đang tuyệt vọng
Tôi sẽ sống một cuộc đời có ích
Nếu tôi có thể làm vơi đi cơn đau nhức
Hay làm nhẹ nỗi buồn lo của một người nào
Hay tôi có thể vỗ về con chim sơn ca gầy yếu xanh xao
Cho đến ngày được về bên tổ ấm
Tôi sẽ sống một cuộc đời đáng sống cho tôi.

ĐÊM NGHE SÔNG HẰNG HÁT
Tác phẩm của Trần Trung Đạo
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Lotus Media, tái bản, 2019
Bản quyền © 2019, Trần Trung Đạo

Lý tưởng phụng sự xã hội còn mang ý nghĩa trả một món nợ mà mỗi chúng ta đã và đang thọ ơn từ xã hội. Chiếc áo chúng ta mặc, hạt gạo chúng ta ăn, con đường chúng ta đi, chiếc xe chúng ta xử dụng, không đơn giản chỉ do tiền chúng ta làm ra hay mồ hôi nước mắt chúng ta đổ xuống, nhưng trong đó còn tích lũy công sức của bao nhiêu người khác. Trong thời gian ngắn ngủi của mỗi chúng ta trên thế giới này, không ai có thể tự tạo cho mình một cuộc sống độc lập, riêng tư, thỏa mãn tất cả nhu cầu cá nhân mà không cần đến người khác. Con người xã hội của mỗi chúng ta là kết quả của các mối tương quan xã hội.

 Tóm lại, như tôi đã chia sẻ với các bạn ở phần trên, dù sinh hoạt trong hoàn cảnh của một cộng đồng Việt Nam nhỏ hẹp hay trong phạm vi của xã hội rộng lớn, lý tưởng vẫn là điều kiện đầu tiên một người phục vụ xã hội cần phải có.

 Tuy nhiên, khoảng cách từ ước mơ, suy nghĩ, nhận định, tâm thức, lý tưởng được chuyển hóa sang hành động cụ thể, sang các đề án cụ thể và thực hiện thành công mục đích sống của đời mình, không phải là con đường tráng nhựa, một dòng sông êm đềm nhưng là một chiếc cầu dài, chênh vênh và nhiêu khê, phức tạp. Để thực hiện lý tưởng phụng sự xã hội một cách thành công, chúng ta không phải chỉ có lý tưởng là đủ. Ngón tay, không phải là mặt trăng nhưng chúng ta sẽ không thấy được mặt trăng nếu không bắt đầu từ một góc nhìn đúng đắn của ngón tay. Lịch sử đã để lại cho chúng ta nhiều bài học về sự thất bại, không phải vì do thiếu lý tưởng nhưng nhiều lý do chủ quan và khách quan khác nhau, đã biến lý tưởng thành ảo tưởng.

Bên cạnh các lý do khách quan vượt ngoài khả năng chủ động của chúng ta, trong giới hạn thời gian của buổi nói chuyện, tôi chỉ xin phân tích hai yếu tố chủ quan mà tôi nghĩ quan trọng nhất. Hai yếu tố đó là sự nhận chân ra chính mình và nhận chân được đối tượng mà chúng ta phục vụ. Trong trường hợp chúng ta đang thảo luận, có nghĩa nhận chân ra chính chúng ta và hiểu chính xác các đặc tính của cộng đồng người Mỹ gốc Việt mà chúng ta đang phục vụ.

 Như người xưa thường nói “Biết người không bằng biết mình”. Người mang lý tưởng phụng sự xã hội là người, trước hết, phải biết mình là ai, muốn gì và sẽ làm gì trong thời gian nhất định.

 Biết mình là ai cho phép chúng ta đặt mình đúng vị trí trong cuộc vận hành của lịch sử, cũng như trong từng mối quan hệ ngoài xã hội. Những bất ổn, ganh tị, tranh chấp trong xã hội, một phần không nhỏ, vì con người thường có khuynh hướng thích làm những công việc vượt quá khả năng của mình, thiếu can đảm chấp nhận những yếu kém của mình, cũng như tự đặt mình vào những vị trí xã hội không đúng với chỗ mình nên đứng.

 Trong gần 30 năm xây dựng cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại, bên cạnh những tổ chức có căn bản và đang phát triển mạnh, hàng trăm, nếu không muốn nói hàng ngàn tổ chức, cơ quan đã phải chết non. Bên cạnh các lý do thiếu phương tiện, nhân lực, tài lực, các hiện tượng tiêu cực,… một lý do quan trọng khác là các cơ quan, tổ chức đó đã không thật sự biết mình muốn gì và làm gì một cách dứt khoát. Nhu cầu của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại trong giai đoạn hình thành hẳn nhiên rất nhiều và rất đa đạng, nhưng trong mỗi thời điểm nhất định chỉ nên có một nhu cầu cần phải được thỏa mãn và cũng chỉ nên theo đuổi một mục đích nhất định mà thôi.

Ông bà chúng ta thường dặn dò: “Giai đoạn bắt đầu một công việc bao giờ cũng là giai đoạn khó khăn”. Vâng, điều đó đúng, nhưng trong hoàn cảnh chúng ta đang sống, duy trì và phát triển một tổ chức có thể còn khó hơn là giai đoạn bắt đầu. Phần lớn các đoàn thể được hình thành do các nhu cầu trực tiếp và các thành viên sáng lập đến với nhau qua các ràng buộc tinh thần, tình cảm hơn là các mục đích được đặt trong các tầm nhìn đúng đắn, ngắn hạn cũng như dài hạn. Khi thời gian kéo dài những nhiệt tình của thuở ban đầu tàn lụi, tổ chức rơi vào khoảng trống và thiếu mất hướng đi.

 Chúng ta thường nghe cụm từ “làm một cái gì đó cho cộng đồng” hay “làm một cái gì đó cho quê hương” trong những buổi mít-tinh, hội thảo cuối tuần. Vâng, “làm một cái gì đó” vẫn tốt hơn là không làm gì, nhưng nếu chúng ta biết một cách chính xác “cái gì đó” là gì, vẫn là tốt nhất. Hai mươi năm trước, tôi đã gặp nhiều người ôm ấp giấc mơ “làm một cái gì đó cho quê hương” và hai mươi năm sau tôi gặp lại chính những người đó, ngoài vầng trán nhăn nheo và mái tóc đã bạc nhiều, còn nguyên vẹn và đang ngủ yên trong họ giấc mơ “làm một cái gì đó” vẫn chưa thức dậy. Làm gì, do đó, là một câu hỏi vô cùng quan trọng.

 Phục vụ xã hội là một thách thức lớn và đầy khó khăn vì đối tượng của chúng ta phục vụ không phải là những bộ máy thuần kỹ thuật nhưng là con người. Mỗi người là một phần tử của thế giới, nhưng đồng thời, mỗi người cũng là một thế giới, riêng tư, sinh động và thay đổi thường xuyên. Những ưu tư, lo lắng của ngày hôm qua, có thể không phải là của ngày nay. Những đam mê, mơ ước của đêm nay có thể sẽ biến mất khi chúng ta thức dậy.

 Những người mang lý tưởng phục vụ xã hội không những biết chính họ và tổ chức của họ muốn gì, phải làm gì, nhưng cũng phải biết rõ một cách chính xác đối tượng phục vụ của họ là ai.

Lời kêu gọi “xây dựng cộng đồng Việt Nam thành một cộng đồng vững mạnh” là một ví dụ điển hình. Thế nào là một cộng đồng Việt Nam vững mạnh?

 Cách đây 29 năm, vững mạnh đồng nghĩa với tồn tại, có được công ăn việc làm, mỗi năm có một hai lần họp mặt, nhưng ngày nay, vững mạnh có nghĩa phải thâm nhập vào dòng chính của sinh hoạt xã hội Mỹ, cần phải có những ông bà Nghị viên, Dân biểu gốc Việt. Một tổ chức thành công, vì thế, không những phải biết rõ mục đích của tổ chức được thành lập để làm gì, nhưng đồng thời, mục đích đó phải có tính mềm dẻo đủ để thích nghi và đáp ứng được với nhu cầu vốn thay đổi không ngừng của đối tượng mà tổ chức đang phục vụ.

 Ngày mai các bạn sẽ trở về làm việc trong các cơ quan, tổ chức xã hội có trực tiếp liên hệ đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam. Qua hội nghị này, chúng ta cũng nên dành vài phút để phân tích vài đặc điểm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, một cộng đồng hình thành trong một hoàn cảnh xã hội và chính trị rất đặc biệt.

 Không giống như cộng đồng các sắc dân khác tại Mỹ, cộng đồng Việt Nam được hình thành sau một cuộc chiến tranh dài với quá nhiều đau thương và chịu đựng. Đọc lịch sử nước Mỹ, chúng ta biết rằng những người Đức, người Ý, người Ba Lan khi đặt chân đến Mỹ, họ chỉ mang trên vai gánh nặng của tương lai. Khi còi tàu rú lên báo hiệu giờ vào cảng Boston, New York, San Francisco, cuộc đời họ thật sự được lật sang một chương khác. Họ dễ dàng hội nhập vào xã hội kỹ nghệ Hoa Kỳ, một phần bởi vì họ đã đến từ một quốc gia kỹ nghệ. Họ dễ dàng hội nhập vào lối sống, tập tục, văn hóa Mỹ, bởi vì chính họ cũng từ phong tục tập quán châu Âu. Cộng đồng Việt Nam thì khác. Đa số người Việt đến đây từ một nền văn hóa phương Đông khép kín với những phong tục tập quán hoàn toàn khác với các sinh hoạt trong xã hội Tây phương. Người Việt Nam ra đi mang trên vai cả quá khứ đầy u uất và một tương lai còn nhiều bất định. Trong hơn một triệu người Việt vượt biên bằng đường biển, có bao nhiêu người khi ngồi trên ghe biết mình sẽ trôi dạt về đâu. Tôi tin rằng không ai biết chắc chắn. Nhiều trong số họ đến được bến bờ tự do khi chiếc áo chưa phai hết mùi súng đạn và những vết thương trên da thịt vẫn còn đang mưng mủ. Đa số người Việt đến hải ngoại sau 1975, với một hành trang tâm lý nặng nề và đầy uất ức. Cuộc chiến bằng súng đạn tuy đã chấm dứt gần 30 năm nhưng sức chấn động vẫn còn nghe trong giấc ngủ xứ người.

 Các bạn, đa số sinh ra sau cuộc chiến, tuy nhiên không phải vì thế mà các bạn không gánh chịu hậu quả chiến tranh. Những hậu quả tiêu cực của chiến tranh như tính hoài nghi, mặc cảm, dễ bị xúc động được chuyển đến thế hệ các bạn qua di truyền, qua máu huyết, qua không khí nặng nề vẫn còn đè nặng trong những buổi họp hành trong cộng đồng người Việt, qua cung cách đối xử với nhau, và ngay cả trong những giờ bữa cơm gia đình lẽ ra nên vô cùng êm ấm.

 Phân tích những đặc điểm của cộng đồng người Việt không phải để chứng minh ai đúng, ai sai, không phải để chỉ ra ai tốt và ai xấu. Đó không phải là mục đích của bài này. Nhưng phân tích để từ đó có thể tìm ra và áp dụng những phương cách phục vụ cộng đồng thành công và hữu hiệu. Cách mạng bản thân hay xã hội là một quá trình chuyển hóa vô cùng tinh tế, bắt đầu từ nhận thức đúng và kết thúc ở hành động đúng.

 Chúng ta trở lại một phút với chiến tranh Việt Nam. Một người lính Mỹ chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam vỏn vẹn một hai năm, khi trở về nước, còn phải chịu đựng một căn bệnh tâm lý ám ảnh họ suốt đời người còn lại, đừng nói chi là một người Việt Nam, sinh ra trong chiến tranh, chiến đấu trong cuộc chiến tranh tự vệ suốt 20 năm dài đầy khói lửa, chịu đựng nhiều năm lao lung, đói khổ trong trại tù, và khi tuổi về già, khả năng dung hợp không dễ dàng, lại phải đối diện với trăm ngàn khó khăn trên đất lạ. Nỗi đau tâm lý của một người Việt Nam, hẳn nhiên phải trầm trọng hơn nhiều. Những vết thương trên thân thể có thể lành đi theo thời gian, nhưng vết thương trong tâm thức không phải một sáng một chiều mà phai đi được.

 Các bạn trẻ rất dễ dàng ca ngợi bao dung, tha thứ bởi vì các bạn sinh ra và lớn lên trong một xã hội có truyền thống văn minh dân chủ, chưa từng chịu đựng khổ đau. Tuy nhiên, nếu các bạn đã phải bị vào tù ra khám, bị đánh đập tra tấn, phải trải qua những ngày cháo rau khoai sắn, thì việc kêu gọi bao dung, tha thứ có dễ dàng không. Tôi nghĩ sẽ không. Hiểu được những khó khăn đó của cha mẹ, cô chú và đồng hương gốc Việt, chúng ta, thay vì thất vọng, sẽ hãnh diện được phục vụ cộng đồng của mình, thay vì chán nản, sẽ kiên nhẫn hơn trong việc hoàn thành trách vụ của mình và thay vì đòi hỏi, chúng ta sẽ cảm thông nhau hơn trong đời sống cộng đồng. Phục vụ cồng đồng, trong ý nghĩa đó, còn là một trách nhiệm đạo đức của thế hệ người Mỹ gốc Việt trẻ, sinh ra hay lớn lên tại hải ngoại, đối với các thế hệ cao niên trưởng thượng. Thừa nhận các hiện tượng tiêu cực trong đời sống cộng đồng không có nghĩa chấp nhận chúng và để cho chúng tự do sinh sôi nảy nở, nhưng để tìm một phương pháp thích hợp nhất thay đổi chúng. Nhiều khi phương pháp hay nhất để ngăn chặn và xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực là làm và khuyến khích mọi người hãy làm những điều tích cực.

 Bao nhiêu năm nay chúng ta vẫn đi tìm một mẫu sống chung, một tinh thần đoàn kết trong cộng đồng người Việt. Hai chữ đoàn kết thường bắt đầu và chấm dứt trong mọi diễn văn, tuyên ngôn, tuyên cáo. Tôi thật sự tin đó là một lời chúc chân thành và một ước mơ tha thiết. Không một người Việt Nam nào không mong thấy cộng đồng chúng ta đoàn kết, có uy thế, có ảnh hưởng mạnh trong đời sống kinh tế, chính trị Hoa Kỳ. Nhưng làm thế nào để tạo được một mẫu số chung trong khi chúng ta chưa cảm thông nhau? Làm thế nào để nhìn rõ mặt nhau khi chúng ta chưa bước ra khỏi vùng bóng tối của khu rừng dày hoài nghi, mặc cảm còn bao bọc trong tâm thức, trong suy nghĩ và cả trong hành động của mình? Do đó, chiếc cầu bắt qua những khác biệt về thế hệ, hoàn cảnh trưởng thành và môi trường giáo dục không có tên nào thích hợp hơn là chiếc cầu thông cảm.

 Thế hệ của các bạn, những người Mỹ gốc Việt trẻ được trang bị bằng kiến thức hiện đại và có trái tim nhân bản, là thế hệ Việt Nam duy nhất có khả năng xây được chiếc cầu thông cảm đó. Các bạn là những người có đủ phương tiện để vượt qua những bức tường hoài nghi, đố kỵ trong đời sống cộng đồng. Thế hệ của các bạn không phải chỉ là thế hệ thừa hành, làm theo, nói theo, nhưng là thế hệ lãnh đạo cộng đồng một cách sáng tạo và vạch ra hướng đi của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại hải ngoại trong thời đại mới. Người được gọi là anh hùng của thời đại ngày nay không phải là những minh quân hay nhân tài xuất chúng nhưng là những người biết sống cho mình và sống cho kẻ khác, biết tự thúc đẩy chính mình để phục vụ tha nhân và biết khuyến khích những người chung quanh dấn thân vào lý tưởng phục vụ con người.

 Lý tưởng phụng sự xã hội còn là một cách để thăng tiến chính mình. Như chúng ta thường nghe, không trường đại học nào dạy chúng ta nhiều hơn là trường đại học cuộc đời. Xã hội dạy chúng ta kinh nghiệm sống, dạy chúng ta hiểu biết, khôn ngoan, cách đối xử với nhau, dạy chúng ta tính kiên nhẫn, khiêm cung, biết vươn lên sau những lần vấp ngã. Có rất nhiều trường hợp mà chúng ta phải trả một giá rất đắt cho những bài học ngoài xã hội, nhưng chắc chắn, chúng sẽ khó bị lãng quên hơn so với những bài học ở trường. Trường học dạy chúng ta kỹ thuật lãnh đạo nhưng không thể trang bị chúng ta một đức tính, một tư cách của người lãnh đạo, thành thật, kiên nhẫn và tận tụy, biết tiến khi cần tiến và cũng phải biết lui khi đến lúc phải lui, biết can đảm đương đầu với thách thức khó khăn nhưng cũng biết bao dung và tha thứ. Những đức tính đó chỉ có thể học bằng sự va chạm với thực tế của cuộc sống, bằng việc chia ngọt xẻ bùi với đồng hương của mình. Với kinh nghiệm từ bản thân, tôi đã học được rằng, bông hoa tình thương đẹp hơn khi mọc lên từ nỗi khổ đau, và cũng từ những thăng trầm của đời mình tôi học được rằng chỉ có tình thương mới thật sự dẫn đến cứu cánh của con người.

 Mỗi người chúng ta có thể khác nhau trong niềm tin sau cuộc sống này, nhưng trong khi chúng ta còn đang chia sẻ chung một môi trường, một xã hội, chúng ta đang có chung một đạo với nhau, đó là đạo làm người. Và vì thế, tôi xin kết luận bài nói chuyện bằng câu nói cuối đời của ông Dupont: “Ta được sống trong xã hội đầy đủ thế này, ta nợ biết bao nhiêu người, nếu không làm việc để trả nợ những ân nghĩa ta vay, thời ta nợ đến bao giờ mới trả nổi”.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin