VƯỜN THIỀN TRONG BUỔI CHIỀU RONG CHƠI
VƯỜN THIỀN TRONG BUỔI CHIỀU RONG CHƠI
Cuộc ngao du chiều nay đưa tôi vào một thế giới đặc biệt, đó là khu vườn thiền, ở nơi ấy ngoài tiếng gió thổi, tiếng róc rách của nước chảy, tiếng thì thầm của cỏ cây, tất cả đều tĩnh lặng. Không gian cô tịnh, thời gian ngưng đọng, thân và tâm hợp nhất về một chỗ Ở ĐÂY VÀ BÂY GIỜ. Ngồi xuống phiến đá nghỉ ngơi, nơi ấy "Ngã kim nhật tại tọa chi địa; Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi" (trích bài thơ Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ, nghĩa là "Hôm nay ngồi xuống chốn này, Tổ tiên xưa đã ngồi đầy ngàn năm".) Lòng hoài cổ cho ta về lại quá khứ, cát ấy và đá ấy, cây Tùng ngàn năm ấy đã chứng minh cho bao thời thế đổi thay, nhưng tâm tình của nhân loại có thay đổi hay không? Chắc không đổi, thuở ấy người ta cũng đã quay quắt với những phiền não, ô trược, với những hỉ nộ ái ố tham sân si, nên người ta cần tĩnh lặng, cần thiền để đưa tâm về lại với thân, để thấy vị ngọt của sự cô liêu tịnh quả, và để bớt đi những kiêu căng ngã mạn.
Lê Quý Đôn, vị bác học của Việt Nam trong thế kỷ 18, tác giả của cuốn sách bách khoa "Vân Đài Loại Ngữ", ông học giỏi, đậu Bảng Nhãn (Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa) tức là chỉ sau Trạng Nguyên một bậc, giai thoại truyền rằng bài thi của ông đo tính khí kiêu ngạo nên quan giám khảo đánh thấp một bậc. Ông là người tự phụ khoe tài, trước cổng cho dựng một bức hoành phi rất lớn, đề rằng "Thiên hạ nghi nhất tự, vấn Bảng Đôn!" (Thiên hạ có chữ gì không hiểu thì cứ đến hỏi Bảng Đôn). Sự tự tin của ông đã phải trả giá. Tương truyền khi ông cụ thân sinh ra Bảng Đôn qua đời, rất nhiều quan lại, sĩ tử đến viếng, song đến ngày thứ ba chợt có lão trượng áo vải tay chống gậy trúc đến linh đường bái lễ và tự xưng là bạn cũ rất thân của cụ thân sinh ra Bảng Đôn. Khi lễ bái xong, ông cụ bảo Lê Quý Đôn lấy giấy bút ra để ông cụ có đôi câu đối phúng điếu bạn cũ. Bảng Đôn vốn văn hay chữ tốt, viết câu đối là chuyện nhỏ, ông ngồi ngay xuống với giấy mực sẵn và nói: Thưa cụ đọc đi ạ, cháu sẵn sàng viết. Ông cụ chậm rãi vuốt râu, uống trà, suy nghĩ rồi một hồi mới đọc CHI. Bảng Đôn hơi mất kiên nhẫn, chau mày khó chịu, vì trong chữ Hán có bao nhiêu chữ CHI, chi là cành, chi là nhánh, chi là chén rượu, chi là chi? Mỗi chữ viết mỗi khác, dù đồng âm. Vậy nên Bảng Đôn không biết chữ Chi nào, ông đợi ông lão đọc thêm một chữ nữa sẽ viết luôn thể. Ông lão đợi một hồi lại đọc thêm CHI. Bảng Đôn hơi bực mình song bảo: Cụ đọc tiếp chữ thứ hai đi ạ! Ông cụ bảo thì đọc rồi, CHI CHI. Đến đây thì Bảng Đôn không nhịn được nữa, bèn hỏi lại: Chi nào ạ? Khi ông cụ nghe Bảng Đôn hỏi vậy, bèn đứng lên vái bài vị của cha Bảng Đôn mà khóc lớn: "Ối anh ơi, anh đã thác sao? Con trai anh chữ Chi không biết viết, vậy mà dám đề bảng "thiên hạ nghi nhất tự vấn Bảng Đôn" như thế có ngông cuồng tự đại quá không? Có thiếu bề khiêm cung quá không anh?" Ông cụ vừa nói, vừa khóc vừa đấm ngực coi bộ hết sức bi thương. Bảng Đôn thật sự nổi nóng bèn gắt lên: "Cụ nói cụ là bạn của cha tôi, tôi vì chữ hiếu với cha, nên nhịn cụ, sao cụ còn giở trò như thế? Câu đối làm sao lại là hai chữ CHI CHI được, cụ đọc cho tôi nghe, không phải kẻ sĩ tôi lập tức tống cổ cụ ra ngoài đường."
Ông lão đằng hằng rồi đọc đôi câu đối hoàn chỉnh:
Xuất: Chi Chi Ngũ Bách Niên Tiền, Bích Thủy Lam Sơn Hà Xứ Tại
Đối: Tại Tại Tam Thiên Giới Ngoại, Đào Hoa Lưu Thủy Cánh Hà Chi!
(Nghĩa là, Nơi đâu, năm trăm năm trước, non xanh nước biếc, ở chốn nào? Chốn mà, trong ba ngàn đại thiên thế giới, hoa trôi nước chảy, biết về đâu?) Đây là đôi câu đối hay nhất trong Làng Nho Việt Nam, chỉ cần một đôi câu đối có vẻ bình thường, song đã bao gồm hai nền tư tưởng lớn của triết học Lão Giáo và Phật Giáo trong một sự kiện ma chay hiếu hỷ đang cử hành theo truyền thống Khổng Giáo. Tam Giáo Đồng Nguyên trong tích tắc. Lão Giáo cho rằng các vị chân nhân đắc đạo rong chơi 500 năm giữa non xanh nước biếc, gót trần lãng du tiêu giao tự tại, lúc đến lúc đi phiêu dật không vướng mắc cuộc đời. Phật Giáo quan niệm có đến ba ngàn thế giới lớn trong vũ trụ mênh mông, người ta nôi nổi trong Sinh tử luân hồi trong cõi ba ngàn thế giới ấy, khi chết đi như nước chảy hoa trôi, lưu lạc về chốn nào trong ba ngàn thế giới ấy? Lấy SỐNG đối với CHẾT, lấy LÃO đối với PHẬT, lấy CÕI TRẦN TẠM BỢ nhỏ bé đối với VŨ TRỤ MÊNH MÔNG. Khi Bảng Đôn nghe đôi câu đối từ ông lão, mồ hôi lạnh xuất đầm đề, sợ hãi và xấu hổ khôn cùng, bèn hiểu rằng "nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên" (người giỏi có người giỏi hơn, trời cao còn có trời khác cao hơn nữa), vội vã vái lạy xin lỗi ông lão, ông lão đã từ tốn bước ra cửa và tiếng gậy trúc mỗi lúc một xa. Chiều hôm ấy, Bảng Đôn bảo gia nhân tháo tấm biển "Thiên hạ nghi nhất tự vấn Bảng Đôn" xuống.
Thời nay, công nghệ phát triển, một cậu bé 13 tuổi, biết nhiều hơn Lê Quý Đôn thuở ấy, song những trải nghiệm cuộc sống, những sự nghiền ngẫm và sướng khổ buồn vui trong cõi nhân sinh thì dù là thời nào vẫn vậy. Chiều nay, ngồi trong Vườn Thiền lòng thư thái nghĩ đến thời xưa, chỗ ngồi của mình bữa nay và cuộc sống của mình hiện tại, nghĩ đến chuyện của Bảng Đôn, để rồi biết rằng cuộc sống, ta luôn cần dè dặt và khiêm tốn.
Trần Bảo Toàn