menu

Vì sao thế giới khó hòa nhập?

View: 895 -     Hồng Hà | Bodhi Media       4/11/2018 06:11:45 am
Vì sao thế giới khó hòa nhập?
Vì sao thế giới khó hòa nhập?
Bài viết dựa theo kinh nghiệm cá nhân khi làm việc chung và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa. Một số chia sẻ giành cho các bạn trẻ trước khi đi du học hay còn ngồi trên ghế nhà trường muốn tiến bộ hơn trong làm việc nhóm, hay cá nhân muốn cải thiện khả năng giao tiếp trong và ngoài nước.

Thế giới tròn hay méo, đẹp hay xấu là do cách mình nhìn không phải lỗi của tạo hóa vì vạn vật không sinh ra để đáp ứng nhu cầu cho riêng ai, nên việc “ xui xẻo” đến ngoài mong đợi là chuyện thường tình. Để không vật vã với cuộc sống, nên trang bị cho mình kiến thức, có thái độ tích cực, và không ngừng cải thiện chính mình. Nói về thái độ sống, nhận thấy là người Việt mình có một số tính cách nổi bật mà bạn bè thế giới xem trọng như sự mềm mỏng, kiên nhẫn và không ngại khó khổ. Tuy nhiên, khi còn chưa va chạm nhiều trong giao tiếp xã hội, và khi mới bước ra ngoài nước có những điểm trừ trong tư duy và ứng xử khiến các bạn khó hòa nhập hay được đánh giá cao bởi cộng đồng.


Trước tiên là tư duy sỹ diện, anh chàng sỹ diện khác với anh chàng tự trọng ở nhiều điểm. Người có lòng tự trọng không muốn để người khác làm thay việc cho mình khi có thể tự mình làm được, vậy nên người tự trọng chỉ nhờ vả khi thật sự cần đến vì họ cố gắng làm mọi việc trong khả năng của mình,những người này thường mang tư duy đôc lập. Còn người sỹ diện? cũng có thể tồn tại lòng tự trọng, nhưng lại chú ý hơn việc người khác nhìn mình như thế nào, và muốn thể hiện bản thân trước mặt người khác, dù trên thực tế họ sẽ không làm tương tự nếu ở một mình. Ở mức độ nặng hơn, người sỹ diện vì sợ bị đánh giá tiêu cực, nên cố gồng mình làm điều người khác kỳ vọng mà quên đi rằng điều kiện bản thân hay hoàn cảnh không phù hợp. Ví dụ, không biết thì vẫn cố tỏ ra biết, cái này là “căn bệnh” thường thấy ở nhiều người. Nếu hiểu không đến nơi, hay không chắc nó là cái gì thì hãy thành thật với bản thân và người khác mà nói “tôi không biết/ tôi không chắc lắm”và nên hỏi lại “ nó nghĩa là gì? “ Người hiểu chuyện sẽ vui vẻ giải thích và chia sẻ thêm thông tin, còn ngược lại cũng không cần quan tâm đến người ưa phán xét người khác. Sự thành thật trong hoàn cảnh này mình được hai cái lợi, thứ nhất học thêm cái mình chưa biết, thứ hai hiểu được kiểu người mình đang nói chuyện là ai. Tuy nhiên, cái dở ở một số bạn trẻ là cố thể hiện mình có hiểu rồi, nên dù biết chưa rõ thì vẫn khẳng định như đinh đóng cột, hậu quả là bản thân không tiến bộ hơn được vì cái dở vẫn ở nguyên đó. Nên cái kiểu sỹ diện sẽ cản trở cá nhân tiến bộ lên trong tư duy, mà nghĩ xem một xã hội tập hợp nhiều kẻ sỹ thì xã hội đó chuyển mình nhanh không?



Cái thứ hai là tính đố kỵ. Tất nhiên, là con người ai cũng có anh đố kỵ này bên trong, không ít thì nhiều. Nhưng, anh chàng này rất “ nguy hiểm” và sẽ luôn cản bước anh hạnh phúc, vì người đố kỵ sẽ chẳng bao giờ tìm được hạnh phúc thật sự, đơn giản vì anh mãi bận tâm nhìn vào thứ người khác có mà không trân trọng và nuôi dưỡng những gì mình đang có. Anh đố kỵ cũng sẽ tạo khoảng cách với người khác, dù cố che dấu đến đâu cuối cùng sẽ lòi ra. Người mang tâm tính nhỏ nhen sẽ tạo ra năng lương tiêu cực trong ứng xử, và chỉ hút được những năng lượng tiêu cực khác mà thôi. Cụ thể, khi bạn làm việc nhóm, trong công ty hay trong gia đình, nên biết vị thế của mình trong nhóm, ai giỏi hơn mình thì hãy chấp nhận và học hỏi, để ngày không xa mình sẽ giỏi như họ và còn hơn thế nữa. Nếu ngay từ đầu bạn đã để tâm đố kỵ lấn lướt thì cái tinh thần ham học hỏi đó đã bị triệt tiêu, để rồi bạn mãi nằm trong cái “giếng” của mình mà thôi. Thật ra, không chỉ học người có kinh nghiệm hơn, mà ở bạn bè, ở người nhỏ tuổi hơn, đồng nghiệp dưới cấp, mình đều có thể học được một số điểm hay của họ, vì mỗi cá nhân luôn có sự khác biệt, có khả năng và có giá trị riêng và đáng để tiếp thu. Tuy nhiên, ở bất cứ mối quan hệ nào để tồn tại lâu dài thì nên giữ ở trạng thái win-win ( có qua có lại), nếu mình nhận được giúp đỡ, lợi ích từ người khác thì nhất định phải “đền đáp”, có thể dười nhiều hình thức hay thời điểm khác nhau, nhưng nhất quyết không nhận một chiều, vì chẳng ai đủ rộng lượng cho đi mãi (có thể ngoại trừ cha mẹ hay gia đình mình). Ngoài việc làm lợi cho mình, nên chủ động giúp đỡ người khác, đó là cách tuyệt vời nhất để mở rộng mối mang hệ, tạo niềm tin, và xây dựng mạng lưới xã hội bền vững trong phạm vi của mình. Vì chẳng ai thành công khi đi một mình, mà đằng sau đó phải là sự hậu thuẫn của rất nhiều người quan tâm đến mình. Để làm được điều này, bạn phải có một cái đầu mở, cách nhìn nhận khách quan, và một thái độ hòa nhã trong giao tiếp.


Cái thứ ba là sự vội vàng phán xét người khác. Mỗi lần đọc báo, hay xem một chương trình giải trí, mình hay lướt bình luận bên dưới. Thấy các bạn đánh giá người trong cuộc cư như đã biết họ rất rõ, mà thực tế chỉ mới xem qua truyền hình, báo chí, vậy liệu có chính xác không? có khách quan không? Những gì mình biết, đôi chỉ là mặt nổi nhỏ của một tảng băng lớn. Những gì mình thấy, nghe lúc ấy chưa hẳn đã đại diện cho con người họ, vì khoa học đã chứng minh cảm xúc và hành vi con người rất phức tạp và không ổn định. Nhìn lại chính bản thân, ở mỗi hoàn cảnh có khi mình ứng xử và biểu hiện cảm xúc khác nhau ( đôi khi mình chẳng hiểu tại sao lúc đó lại nói/ làm bừa kiểu này). Những gì mình tin là đúng và hợp lý nhưng có thể là không với người khác, vì sao? Vì môi trường, hoàn cảnh sống, tư duy của mỗi người là khác biệt (đăc biệt trong môi trường đa văn hóa), nên định hình tính cách và hành động sẽ khác nhau. Nên cũng một vấn đề mà mỗi người sẽ cho ra 1 cách giải quyết của riêng mình, và nên tôn trọng và tìm điểm dung hòa, thay vì nghĩ “ những người không chung suy nghĩ và hành đông giống mình thì không thể chung chiến tuyến?” Ngược lại, mỗi sự cách giải quyết hay khác biệt có cái hay của nó, nếu mình học được cái hay đó thì cuộc sống bản thân sẽ đa sắc hơn. Tóm gọn, đừng vội phán xét người khác, nếu đáng thì nên cho họ và bản thân thời gian để tìm hiểu thêm trước khi quyết định, vì nếu vội vàng phán xét, có khi bạn đã lỡ mất một mối quan hệ đẹp về sau. Hơn nữa, nên nhớ cái mình BIẾT so với cái mình CHƯA BIẾT như hạt cát nhỏ trong vũ trụ bao la mà thôi.

Tiếp theo, nên tránh tính toán thiệt hơn. Ai cũng biết cho đi là nhận lại, nhưng liệu bạn hiểu và làm được đến đâu? Cái mình học được sau hai năm học ở ba nước là sự cho đi, giúp đỡ vô điều kiện từ giáo sư, bạn bè, người phụ trách, và đa phần những người mình được tiếp xúc. Khi gặp phải một vấn đề nào đó, chỉ cần mở miệng hỏi trong nhóm thì có ít nhất ba người sẽ trả lời và giúp hướng dẫn chi tiết. Tại sao họ làm như vậy? bởi vị họ hiểu một ngày nào đó, trong một hoàn cảnh tương tự, họ sẽ cần sự giúp đỡ. Tất nhiên cái sự “vui vẻ” giúp đỡ này cũng có giới hạn, miễn là mình tự giác không dựa dẫm vào họ, và theo nguyên tắc “có qua có lại” như trên. Cảm nhận cá nhân cho thấy, dù mình có chủ động “cho đi” nhưng sự nhận lại là rất lớn, đó là gia tăng sự hài lòng về bản thân ( cảm giác mình có ích cho xã hội), cải thiện các mối quan hệ, và tạo năng lượng/ cộng hưởng tích cực trong cuộc sống. Chắc chắn một điều đơn giản, khi mình giúp được người khác, lòng mình cũng thấy vui hơn. Vậy tại sao không làm 1 việc tốt khi có thể?


Cuối cùng, các bạn tránh thụ động trong các buổi họp mặt. Trước các buổi làm việc nhóm, nên giành thời gian suy nghĩ ý tưởng để đóng góp trong quá trình thảo luận, dù các ý tưởng đó có thể không phù hơp và bị bác đi nhưng người khác vẫn đánh giá cao bạn bởi tinh thần xây dựng và biết thể hiện chính kiến cá nhân, thay vì chỉ im lặng và lắng nghe. Ngoài ra, các buổi họp lớp, họp mặt công ty, mời bạn bè đến nhà ăn tối, v.v là những dịp tuyệt vời để tương tác và hiểu hơn về cuộc sống qua câu chuyện, do vậy nên tham gia khi có dịp. Nhiều người nghĩ, đến các bữa tiệc này thì không biết nói gì, chẳng quen ai; thật ra có hàng nghìn cái để nói, chỉ cần chủ động bắt chuyện với một vài người trong nhóm, đơn giản nói về một tin tức mới đọc, 1 chương trình ti vi, một câu chuyện làm ăn, hay một tình huống nực cười mình gặp phải khi mới bắt buổi làm quen, thì sẽ dễ dẫn nhập vào các câu chuyện khác. Tất nhiên, không phải ai cũng phù hợp để kéo câu chuyện lâu hơn, tùy vào độ hợp rơ mà để câu chuyện dài hay ngắn, nhưng rõ ràng chỉ cần tiếp xúc với người mới luôn luôn có những cái thú vị, cái mới để mình biết thêm. Trong môi trường đa văn hóa, việc hội họp diễn ra thường xuyên và là gia vị không thể thiếu trong cuộc sống, do vậy nếu quá thụ động hay im lặng trong các buổi họp mặt, bạn vừa vô tình tạo khoảng giữa mình và “phần còn lại của thế giới”, vừa mất đi dịp hay để mở rộng tư duy và mối quan hệ.

Kể trên chỉ vài điểm cơ bản mà cá nhân mình thấy nhiều bạn mắc phải khi mình được tiếp xúc. Bản thân mình cũng từng mắc những lỗi này và tốn khá nhiều thời gian để nhận ra và sửa đổi. Hy vọng những góp ý mang cá nhân trên mang lợi ích nhỏ đến quá trình hoàn thiện bản thân của các bạn và cũng chính là lời nhắc nhở cho chính mình.


Hồng Hà | Bodhi Media

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin