menu

Xây dựng lại cấu trúc Gia đình

View: 1204 -     Thích Nhất Hạnh       23/04/2019 11:04:34 pm
Xây dựng lại cấu trúc Gia đình
Xây dựng lại cấu trúc Gia đình

Chỉnh đốn lại Gia Ðình Phật Tử

Trong Gia Đình Phật Tử, Huynh Trưởng có thể giận nhau, có thể ghét nhau, có thể không nói chuyện được với nhau. Giữa các đoàn sinh cũng có thể có hiện tượng đó. Vậy nếu chính Gia Đình Phật Tử nằm trong tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử có thể can thiệp vào để giúp những gia đình của đoàn sinh được, có phải như vậy không? Cho nên chuyện đầu tiên cần làm là phải chỉnh đốn lại Gia Đình Phật Tử. Phải thực tập như thế nào để những khổ đau, bất hòa, chia rẽ, ganh tị, những bực bội trong Gia Đình Phật Tử đó tan biến đi. Khi Gia Đình Phật Tử thực tập được những điều đó rồi thì mới có khả năng can thiệp vào những gia đình của đoàn sinh và giúp cho họ thoát khổ. Đó là sứ mệnh của Gia Đình Phật Tử. Vì vậy cho nên về lại đơn vị Gia Đình Phật Tử của mình, ta phải dùng phương pháp quán chiếu của Bụt để nhận diện trong gia đình có những nỗi khổ, niềm đau nào không. Quán chiếu trong từng đoàn viên, từ Huynh Trưởng đến Oanh Vũ, xét xem có những niềm đau trong tâm của từng người không. Đó gọi là quán chiếu về sự thật thứ nhất. Phải công nhận, phải nhận diện những đau khổ có mặt trong Gia Đình Phật Tử. Phải thấy được những bản chất, những triệu chứng của đau khổ đó. Rồi phải biết phương pháp để chuyển hóa. Không phải ta chỉ học thuộc lòng bốn sự thật mà Đức Thế Tôn dạy là Khổ, Tập, Diệt, Đạo thôi. Như vậy không có lợi ích gì hết. Ta có thể nói được trôi chảy về Tứ Diệu Đế, nhưng mà ta không có khả năng áp dụng giáo lý đó trong đời sống đích thực của mình.

Gia Đình Phật Tử cũng được cấu tạo bởi những thành viên giống như những gia đình khác. Trong đó có người lớn đóng vai trò phụ huynh và có người nhỏ đóng vai trò con em. Giữa những phụ huynh với nhau cũng có khổ đau, có bất hòa, có giận hờn, rồi cũng có thể đi tới tan rã. Trong mỗi cá nhân của thành viên Gia Đình Phật Tử, trong mỗi Huynh Trưởng hay mỗi đoàn sinh cũng có tình trạng những hạt giống tốt không được tưới tẩm khi tới với nhau. Có thể các Huynh Trưởng chưa học được phương pháp tưới tẩm những hạt giống tốt trong các em và trong bản thân của mình. Đã vậy trong khi nói, khi làm, khi chơi, lại vô tình tưới những hạt giống xấu. Nếu những hạt giống xấu mạnh hơn hạt giống tốt thì khổ đau sẽ tràn lấp, sẽ chiếm thế thượng phong. Vì vậy cho nên người nào cũng đi tìm những trò giải trí, những thức ăn, thức uống để quên đi nỗi khổ niềm đau trong lòng của mình. Nếu Gia Đình Phật Tử lâm vào tình trạng như vậy thì làm sao Gia Đình Phật Tử đóng được vai trò của mình mà can thiệp vào tình trạng của đoàn sinh, giúp cho gia đình của đoàn sinh đó bớt khổ?

Gia Ðình Phật Tử là Gia đình tâm linh

Mỗi đoàn sinh của Gia Đình Phật Tử đều có hai gia đình: gia đình tâm linh là Gia Đình Phật Tử và gia đình huyết thống là gia đình ruột thịt có cha mẹ, anh em. Hai gia đình này hỗ trợ cho nhau và sự tu tập của gia đình tâm linh sẽ đem lại nhiều lợi lạc cho gia đình huyết thống của đoàn sinh. Cho nên trước hết ta phải công nhận là có những khổ đau. Ta phải ngồi với nhau và phải gọi được tên của những khổ đau đó. Gọi đúng tên của những khổ đau đó là có sự chia rẽ, sự ganh tỵ, sự thù hằn, sự thiếu truyền thông giữa Huynh Trưởng với nhau và giữa các đoàn sinh với nhau. Khi đã chấp nhận điều này rồi ta mới thấy có nhu yếu cấp bách để chuyển hóa tình trạng đó. Và lúc ấy quý vị đã bắt đầu hé thấy phương pháp rồi. Điều đầu tiên là đừng có tưới tẩm những hạt giống xấu trong nhau, đừng làm cho nhau thêm giận hờn, bực tức, hận thù, ganh tỵ, sợ hãi. Trong ta, người nào cũng có những hạt giống xấu đó hết. Xuất gia hay tại gia đều có những hạt giống xấu trong lòng. Sinh hoạt chung trong một gia đình ta phải cẩn thận đừng tưới những hạt giống tiêu cực nơi người kia. Huynh Trưởng với nhau đừng tưới cho nhau những hạt giống tiêu cực. Huynh Trưởng cũng đừng tưới những hạt giống tiêu cực của đoàn sinh.

Giáo dục theo đường lối Phật giáo

Thưa quý vị, ba ngày chúng ta ở với nhau không hẳn là một khóa tu mà cũng không hẳn là một cuộc họp. Chúng ta, ai cũng ao ước đem thêm sinh lực, đem thêm nguồn dinh dưỡng cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, để Gia Đình Phật Tử trở thành một tổ chức thanh thiếu niên giáo dục theo đường lối Phật giáo. Nó có thể là một tổ chức gương mẫu cho các bạn trẻ trên thế giới. Chúng ta biết rằng năm 1974, tổ chức của ‘Buddhist Fellowhip’, Hội liên hữu Phật tử thế giới, đã giao cho Việt Nam trách vụ tổ chức một hội nghị cho thanh thiếu niên Phật tử toàn thế giới. Lúc đó có một ban vận động và tổ chức đã được hình thành tại Sài Gòn. Chúng ta đang chuẩn bị đại hội quốc tế để đón chào tất cả những đại biểu của thanh niên, thiếu niên Phật tử của các nước trên thế giới tới Việt Nam thì biến động chính trị xảy ra. Chúng ta đã không thực hiện được công việc mà chúng ta ao ước là có một buổi họp bạn quốc tế của thanh niên và thiếu niên Phật tử. Bao nhiêu năm đã đi qua. Chúng ta mong ước rằng nếu chúng ta có thể làm mới được Gia Đình Phật Tử, nếu chúng ta tìm ra được những nguồn tư lương, những nguồn dinh dưỡng để làm cho Gia Đình Phật tử trở thành một tổ chức hùng mạnh, vững chãi đứng về phương diện hình thức cũng như đứng về phương diện nội dung thì chúng ta sẽ có khả năng tổ chức lại hội nghị đó trong vòng vài năm nữa.

Món quà cho quê hương

Ba ngày của chúng ta đây, ba ngày mà chúng ta tập họp, sống với nhau, ngồi bên nhau, thở với nhau, đi thiền hành với nhau, chúng ta hãy tập quán chiếu để tìm ra con đường làm mới cho tổ chức của chúng ta. Tôi muốn rằng đó là một món quà mà chúng ta sẽ gửi về quê hương cho các bạn ở Việt Nam. Vậy thì trong ba ngày này chúng ta phải có mặt cho nhau, có mặt đích thực với nhau. Chúng ta phải cùng nhau bước những bước chân thiền hành cho vững chãi. Chúng ta phải cùng nhau ngồi cho thật yên, thở cho thật có ý thức, rồi với năng lượng chánh niệm, chánh định đó mà chúng ta sẽ nhìn sâu vào tình trạng của chúng ta, tình trạng của Gia Đình Phật Tử trong nước cũng như ngoài nước. Và chúng ta sẽ phát kiến ra được những cái chúng ta gọi là ‘tuệ giác’. Những tuệ giác đó là hoa trái của khóa tu này mà chúng ta sẽ hiến tặng cho quê hương và cho đoàn thể của chúng ta. Chúng ta phải sống sâu sắc thì món quà đó mới có giá trị. Còn nếu chúng ta chỉ sống hình thức thôi thì món quà đó tuy có mặt nhưng không có chất liệu cao như chúng ta mong ước.

Một nguồn sinh lực mới

Khi một cái cây đã già cỗi thì chúng ta phải biết phương pháp làm cho cái cây đó mạnh mẽ trở lại. Một cái cây có thể có nhiều gốc rễ và nếu chất liệu dinh dưỡng ở dưới đất không đầy đủ thì chúng ta phải làm sao để tăng cường, để bồi dưỡng chất liệu dinh dưỡng đó? Nếu một vài cái rễ dưới đất mà tìm ra được một vùng đất mới có nhiều chất dinh dưỡng thì chính những cái rễ đó sẽ đi xa để đưa về sự dinh dưỡng cho toàn cây và sẽ đem lại sinh lực mới cho cây. Cây là tượng trưng cho một thực tại linh động, luôn luôn chuyển biến và lớn lên. Khi nào nó ngừng sự lớn lên là bắt đầu có sự thoái hóa. Vì vậy ta phải làm đủ cách để cho cái cây Gia Đình Phật Tử tiếp tục lớn mạnh, đừng để cho nó bị ngưng lại. Khi mà sự lớn lên bị ngưng lại thì nó bắt đầu già cỗi. Chúng ta biết rằng biến cố chính trị trong nước đã không cho phép chúng ta làm công việc đó một cách dễ dàng trong mấy chục năm qua. Ở trong nước và ở ngoài nước tất cả các bạn đều có chung một niềm thao thức về tổ chức. Phật giáo đã có mặt từ 2600 năm và trong thời gian đó Phật giáo đã có nhiều lần được đổi mới. Mà mỗi lần đổi mới như vậy thì đạo Bụt lại có sinh lực mới. Đó là quy luật chung của tất cả các tổ chức, các đoàn thể. Gia Đình Phật Tử chúng ta cũng vậy: lâu lâu, mười năm, mười lăm năm chúng ta cần phải có sự đổi mới. Vì vậy tất cả chúng ta ở trong nước cũng như ở ngoài nước, người nào cũng mong ước có những cơ hội có thể tới được với nhau để cùng nhau quán chiếu về cách thức đổi mới, đem lại sinh lực mới cho đoàn thể chúng ta. Có thể nói rằng Gia Đình Phật Tử là một đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên Phật tử có uy tín trên thế giới. Nếu chúng ta có thể làm mới được, nếu chúng ta có thể đem lại cho đoàn thể của chúng ta những chất liệu dinh dưỡng mới thì ta có thể đóng được vai trò của mình và ta có thể giúp được những đoàn thể thanh thiếu niên Phật tử khác trên thế giới. Chúng ta biết rằng những người ở trong nước và những người ở ngoài nước có liên hệ với nhau rất mật thiết. Tất cả những gì chúng ta làm được ngoài này thì trong nước cũng được hưởng và tất cả những gì người ở trong nước làm được thì chúng ta cũng được hưởng. Cũng như vậy, khi mà chúng ta làm nên lỗi lầm, chúng ta có sự chia rẽ, sự chống báng nhau thì bên nhà, các Phật tử rất đau khổ. Mà nếu ngoài này chúng ta nắm tay nhau được, thương yêu nhau được, thực hiện được một vài công trình gì đó thì tiếng thơm bay về nhà và điều đó an ủi người bên nhà rất nhiều. Tất cả những công việc nào chúng ta làm ở ngoài này mà có tính cách xây dựng thì bên nhà đều được hưởng. Những quyển sách, những quyển kinh, những bài pháp thoại, tất cả những gì mà chúng ta thực hiện được ở ngoài này thì bên nhà đang được hưởng. Và tuy chúng ta không trực tiếp làm việc ở quê hương nhưng tất cả những sự tu tập, tất cả những công trình mà chúng ta thực hiện ở ngoài này đều có ảnh hưởng về bên nhà. Máu trở về tim.

Một niềm tin chung

Hôm qua, ngày 19 tháng 6 năm 1998, sau khi mãn khóa tu ở Omega Institute tại tiểu bang New York, trên con đường về Đạo Tràng Thanh Sơn, tôi có thấy một cái bảng quảng cáo ghi như thế này: “Có vấn đề hả? Tại sao không thử cầu nguyện đi?” Và cách đó không xa có một cái bảng khác viết là: “Những gia đình nào mà biết cầu nguyện chung thì không tan rã”. Chắc chắn là người ở trong nhà thờ nào đó đã dựng lên hai tấm bảng quảng cáo này. Đó là sự thực tập của những người Tin Lành và những người Cơ Đốc Giáo. Họ tin rằng nếu trong gia đình mà mọi người cùng quỳ xuống cầu nguyện chung thì gia đình đó có cơ hội không bị tan rã, không bị chia năm xẻ bảy. Bởi vậy, tấm bảng đó có ý nói rằng nếu trong gia đình quý vị có những sự lộn xộn, chia rẽ, khổ đau thì quý vị phải thực tập cầu nguyện với nhau mỗi ngày. Cầu nguyện Thượng Đế, cầu nguyện Mẹ Maria, cầu nguyện Chúa Kitô, và phương pháp cầu nguyện có thể gọi là phương pháp gần như duy nhất để thực tập trong giáo lý của Cơ Đốc giáo. Và khi tất cả mọi người trong gia đình cùng có chung một đối tượng, cùng cầu nguyện chung thì thế nào những khó khăn, những khổ đau của gia đình đó cũng sẽ giảm bớt. Gia đình đó có cơ hội được lành lặn và không bị tan rã. Tôi nghĩ rằng có ít nhất một phần sự thật trong các lời phát ngôn ấy. Tại vì khi chúng ta cùng có một niềm tin chung và biết cùng nhìn về một hướng thì gia đình chúng ta có nhiều cơ hội để tồn tại hơn mà không bị tan vỡ hay chia rẽ.

Chúng ta thuộc về truyền thống đạo Bụt, chúng ta cũng có những phương pháp thực tập như tụng kinh, hộ niệm, niệm Bụt. Chúng ta cũng tin tưởng rằng nếu chúng ta biết tập họp gia đình lại để cùng tụng kinh, cùng hộ niệm thì chúng ta sẽ có nhiều cơ hội hàn gắn lại những đổ vỡ, thiết lập lại truyền thông giữa những người cùng sống trong một gia đình và giữ cho gia đình chúng ta không bị tan rã. Nhưng ngoài phương pháp tụng kinh, niệm Bụt và hộ niệm ra còn có rất nhiều phương pháp khác mà nếu học được, nắm vững được thì chúng ta sẽ thành công hơn trong sự duy trì liên hệ gia đình và giúp cho gia đình chúng ta được vững chãi và hạnh phúc. Đức Thế Tôn đã dạy rất nhiều pháp môn, chỉ cần đem một vài pháp môn đó ra để thực tập thì chúng ta đã có thể thiết lập được sự vững chãi, sự toàn vẹn của gia đình mình.

Nơi nuôi dưỡng và chữa trị

Gia Đình Phật Tử là một trong những thành trì cuối cùng mà chúng ta còn giữ được. Gia Đình Phật Tử có mặt cũng là để bảo vệ cho con em của ta, để ta đừng bị mất mát, đừng đi vào con đường tan rã. Gia Đình Phật Tử nằm giữa hai bên và có thế đứng cũng như sứ mệnh của nó. Một bên là học đường, một bên là gia đình. Có thể là trong gia đình em bé không có hạnh phúc: Em bé không có được hạnh phúc với cha, với mẹ, với anh, với chị; khi tới trường thì em bé cũng không có hạnh phúc với thầy, với bạn. Bởi vì trong gia đình có thể có sự bạo động, có sự lộn xộn, có sự chia rẽ. Trong học đường cũng vậy, ở đó bây giờ cũng có những bạo động, những tệ nạn phản ảnh cái xã hội mà trong đó học đường có mặt. Chẳng những gia đình phản chiếu sự tệ hại của xã hội mà ở học đường cũng phản chiếu điều đó. Em bé không có hạnh phúc trong gia đình mà cũng không có hạnh phúc trong học đường thì em bé chỉ còn có một cơ hội chót là Gia Đình Phật Tử. Đó là nơi để nuôi dưỡng và chữa trị những vết thương của em. Đó là nơi trao truyền cho các em những phương pháp để các em có thể sống hạnh phúc trong gia đình, trong học đường của các em. Nhưng Gia Đình Phật Tử có làm được phận sự đó hay không hay là chúng ta cũng đã sa vào cái chủ nghĩa gọi là hình thức?

Chúng ta là Huynh Trưởng, là anh, là chị, chúng ta có bổn phận phải chăm sóc, phải tháo gỡ những khó khăn, khổ đau cho những đứa em của chúng ta. Những khó khăn, khổ đau đó có thể em đã tiếp nhận trong nếp sống gia đình của em, một gia đình thiếu sự vững chãi, thiếu sự thực tập, thiếu hòa thuận, và thiếu hạnh phúc. Những thương tích đó có thể em đã tiếp nhận trong nếp sống học đường, đã bị ảnh hưởng của những người bạn xấu đầy bạo động, đã sống bất cần không theo một nguyên tắc đạo đức và tâm linh nào cả. Một em bé bị tổn thương như vậy khi tới với các anh, các chị, liệu các anh, các chị có đủ sức, đủ tài năng, đủ đức độ để chữa trị cho em, để cho em bớt khổ khi trở về nhà, để em có thể đem một ít sự thực tập về nhà giúp cho gia đình mình? Và khi đi vào học đường em có thể đóng vai trò gương mẫu cho những học trò khác hay không? Sứ mệnh đó là một sứ mệnh rất lớn của Gia Đình Phật Tử.

Chúng ta đã biết rằng Gia Đình Phật Tử không thể nào làm việc đơn độc được. Những tệ hại, những vết thương gây ra cho em bé từ gia đình cũng như từ học đường rất lớn. Một mình Gia Đình Phật Tử với một số rất ít Huynh Trưởng không có đủ thì giờ, không có đủ sự huấn luyện, không có đủ tư liệu thì có thể bảo bọc, chữa trị, nuôi dưỡng được các em bé bị thương hay không? Nếu Gia Đình Phật Tử chỉ đứng đơn độc một mình không có sự yểm trợ của gia đình huyết thống, cũng không có sự yểm trợ của thầy trụ trì địa phương (nhiều khi thầy không cho sinh hoạt trong chùa) thì chúng ta có thể làm gì được trong vai trò của mình? Chúng ta phải thực tế, chúng ta đừng có sống bằng những danh từ, chúng ta không thể hồ hởi, phấn khởi bằng những thành công hình thức. Chúng ta phải hiểu rõ thực chất và mục đích của tổ chức.

Thiết lập thế liên minh giữa GĐPT và gia đình huyết thống

Tất cả chúng ta đều biết rằng mục đích của Gia Đình Phật Tử là để nuôi dưỡng đạo đức của mỗi đoàn sinh từ cấp Oanh Vũ trở lên. Nuôi dưỡng đạo đức để cải thiện nếp sống gia đình, cải thiện nếp sống học đường và cải thiện nếp sống xã hội. Chúng ta phải có đường lối giáo dục để có thể cải thiện, nâng cao đạo đức của đoàn sinh và chỉ có con đường đó mới có thể giúp được gia đình, giúp được học đường và giúp được xã hội. Ai cũng biết điều đó, nhưng thực sự thì chúng ta đã và đang làm được gì, nhất là trong khi chúng ta rất lẻ loi, không có sự yểm trợ của học đường, không có sự yểm trợ của gia đình? Làm thế nào để có một thế liên minh giữa GĐPT và gia đình huyết thống của các em cũng như giữa GĐPT với học đường của các em? Được như vậy thì chúng ta mới có cơ hội để chữa trị các vết thương của các em và đào tạo các em thành một thành phần ưu tú lành mạnh của xã hội và của đất nước.

Trở về để khám phá

Cấu trúc của gia đình Việt Nam có khác với cấu trúc của gia đình Bắc Mỹ, nhưng khi chúng ta đã rời quê hương để sang đó sinh sống thì chúng ta bắt đầu bị ảnh hưởng lối sống của người Bắc Mỹ. Vì vậy chúng ta cũng bắt đầu có cùng những vấn đề như người Bắc Mỹ. Tôi nhớ hồi đồng bào mới bắt đầu di cư sang Tây phương, ở Châu Âu cũng như ở Châu Mỹ, con cái của chúng ta học rất giỏi ở các trường tiểu học. Chuyện các cháu đứng đầu lớp là chuyện thường. Nhưng sự kiện đó chỉ kéo dài được năm hoặc sáu năm thôi và sau đó việc học của các cháu bắt đầu đi xuống. Nhìn cho kỹ thì ta thấy rằng, ban đầu, cấu trúc của gia đình còn rất vững nên em bé an tâm và thành công trong sự học tập. Nhưng khi gia đình bắt đầu bị lung lay, bị ảnh hưởng bởi nếp sống Tây phương; khi người cha, người mẹ, người anh, người chị có những khổ đau mới, cộng với những khổ đau của người xa xứ, thì em bé mất chỗ nương tựa vững chãi từ gia đình, vì vậy em bé không còn học giỏi nữa. Điều này nếu quý vị học về xã hội học, nhân chủng học hoặc từng lưu tâm tới thì quý vị cũng trông thấy. Một vị dược sĩ hành nghề ở Canada cho tôi biết rằng ban đầu thanh niên Việt Nam không vướng vào vòng ma túy và không cần đến thuốc ngủ hay thuốc an thần. Những người mua thuốc ngủ và thuốc an thần toàn là người Tây phương. Nhưng chừng sáu bảy năm sau thì đồng bào ta bắt đầu tới mua thuốc ngủ và thuốc an thần. Điều đó cho thấy rằng chúng ta đã chịu ảnh hưởng bởi lối sống của xã hội Tây phương. Nếp sống tâm linh, nếp sống tinh thần cũng như nếp sống gia đình của chúng ta đã bị ảnh hưởng một cách nặng nề và chúng ta bắt đầu khổ đau, những khổ đau của người Tây phương, cộng thêm những khổ đau đã có sẵn. Trước đó cấu trúc gia đình của người Việt khá vững chãi nhưng sau đó đã từ từ bị lung lay và những chuyện như cha từ con, vợ bỏ chồng hay vợ chồng ly dị nhau bắt đầu xảy ra ở những gia đình người Việt. Ai mà không có những ước muốn giữ cho gia đình mình được nguyên vẹn và hạnh phúc? Thế mà mấy ai trong chúng ta làm được chuyện đó để giữ cho gia đình mình có được sự toàn vẹn, hòa thuận và thương yêu?

Nếu chúng ta không trở về để khám phá ra những nguyên tắc đạo lý, những phương pháp thực tập ở trong truyền thống tâm linh của chúng ta thì chúng ta không có cách gì để cứu vãn được tình trạng của bản thân và của gia đình. Người trẻ Việt Nam sống ở hải ngoại bây giờ cũng lâm vào tình trạng của người trẻ ngoại quốc và chúng ta không có yếu tố nào để bảo vệ chúng ta cả. Chúng ta nói rằng chúng ta theo đạo Bụt, chúng ta có nếp sống tâm linh của chúng ta. Nhưng điều đó chỉ có thể đúng một phần thôi, nhất là trên phương diện danh từ và lý thuyết. Trên phương diện hình thức, chúng ta là con của Bụt, là học trò, là đệ tử của thầy… Đúng như vậy. Chúng ta có chùa tổ ở Việt Nam và chúng ta cũng có ngôi chùa thứ hai ở trong thành phố của chúng ta thì trên phương diện hình thức rất đúng, nhưng chưa chắc điều này đã đúng trên phương diện tinh thần. Tại vì có thể chúng ta cũng còn cảm thấy bơ vơ, chúng ta cũng không có những phương tiện để bảo vệ bản thân và gia đình của chúng ta.

Thích Nhất Hạnh

(trích Ðạo Phật của Tuổi Trẻ, Tủ sách Phổ Hòa ấn tống)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin