menu

“Tự ngã” của mỗi con người

View: 1429 -     Thích Như Điển       13/11/2020 06:11:13 pm
“Tự ngã” của mỗi con người
“Tự ngã” của mỗi con người
Mới đây Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, một kẻ sĩ của Phật Giáo Việt Nam thời hiện tại, có một buổi nói chuyện thân mật với các Tăng trẻ tại chùa Từ Hiếu, trong đó cũng có nhiều Phật Tử đến nghe.

Bài nói chuyện nầy được đưa lên mạng lưới Internet của Trang Hoa Sen; nên ai cũng có thể vào đó để xem được. Riêng tôi sau khi đọc bài nói chuyện nầy, tôi đã nói với Đại Chúng chùa Viên Giác rằng: “Đúng Thầy Tuệ Sỹ là một kẻ sĩ thời đại của Phật Giáo Việt Nam”. Vì sao vậy? Vì kẻ sĩ – cả ngày xưa lẫn ngày nay đều là những người quân tử, lấy cây trúc làm điển hình, bực trượng phu của Tam giới; hơn thế nữa, là một vị Bồ Tát thị hiện ở giữa cõi đời nầy.

Thầy phân tích rất rõ ràng, lời nói êm dịu qua cách diễn đạt; nhưng cũng không thiếu những sâu sắc. Đôi khi dí dỏm; nhưng rất chua cay. Riêng tôi thì đã thấm sâu lời Thầy; nên hôm nay mới lấy một số ý chính để viết cho báo Viên Giác kỳ nầy với nhan đề như bên trên đã chọn lựa.

Ngày xưa cách đây 2000 năm, Ngài Long Thọ là một Đại Luận Sư về Trung Quán và trong hiện tại có Đức Đạt Lai Lạt Ma; ngoài ra cũng có một vài nhà hiền triết Âu Châu đã ảnh hưởng tinh thần của Phật Giáo; nên đã nói rằng: “Thay vì người ta phải tự bọc nhung hai chân của mình để đi trên quả địa cầu nầy để được êm dịu; nhưng đa phần ai cũng muốn rằng quả địa cầu nầy phải bọc nhung để đôi chân được êm hơn khi đi đứng chạy nhảy trên ấy”. Quả là một điều nghịch lý mà chúng ta lâu nay vẫn hay nghĩ như vậy. Làm gì có một thế giới trong 3 cõi nầy mà không có khổ đau để Bồ Tát hành phương tiện? Bồ Tát hay Phật chỉ thành tựu đạo nghiệp khi thực chứng sự khổ đau của chúng sanh mà thôi.

Thầy Tuệ Sỹ đã kể về cái học ngày xưa của Thầy và cách đối xử, tiếp xúc với quý Ôn, quý Hòa Thượng lớn và từ đó Thầy nói về tương lai của Phật Giáo Việt Nam; nói về tuổi trẻ ở thời gian sắp tới. Tựu chung là Thầy thất vọng. Vì lẽ tuổi trẻ Việt Nam trong hiện tại không có định hướng cho hướng đi của mình, mà việc định hướng tương lai của mỗi người thì không ai có thể dạy trước được điều nầy cho mình cả. Mỗi người phải tự định hướng cho mình mà thôi. Quý Ôn, quý Thầy lớn có thể dạy cho mình nào Kinh, Luật, Luận, nào oai nghi cử chỉ đi đứng nằm ngồi; nhưng quý bậc Tôn Túc ấy không thể dạy cho ta tất cả những gì mà cuộc đời cần đến ta. Do vậy việc định hướng tương lai của mỗi người tự mỗi người phải thành tựu lấy.

Những mảnh bằng mà ta có được nào là Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Cao Học, Thạc Sĩ, Phó Tiến Sĩ v.v… tất cả đó chỉ là công lao của sự học tập; chứ nó không nhất thiết phải là định hướng của cuộc đời. Đôi khi nếu không có sự tu tập, ta căn cứ trên tự ngã của mình mà biến nó thành chỗ trường đua danh lợi thì nguy hiểm vô cùng. Dĩ nhiên sự học rất cần thiết. Do đó tôi thường hay nói: “Sự học nó không làm cho con người ta giải thoát được, mà muốn mở cánh cửa giải thoát ấy, người ta không thể thiếu sự tu và sự học được”. Đã biết vậy, nhưng cái tri thức và sự hiểu biết kia nó chỉ giới hạn trong một số vấn đề mà thôi. Ví dụ người học về ngôn ngữ thì chỉ biết về phạm vi ngôn ngữ của mình học; chứ không thể biết hết tất cả các ngôn ngữ được. Người học về Triết học cũng chỉ có thể biết tổng quát về triết Đông, Tây kim cổ; chứ không thể biết hết mọi triết thuyết của các triết gia. Người học Y Khoa, Tôn Giáo, Giáo Dục, Phật Giáo v.v… cũng chỉ thế thôi. Vì cái học bao giờ cũng bị giới hạn bởi cái hiểu biết của mình. Đó là chưa nói đến những điều thành kiến, cố chấp do tự ngã của mình xây dựng nên. Do vậy khó có thể nói rằng nhận thức của mình là đúng hay sai. Vì lẽ đúng sai khó phân biệt trong cuộc sống tương đối nầy. Có thể cái nầy đúng trong lúc nầy mà sai ở nơi khác. “Tất cả các pháp đều không nhất định”, Phật đã dạy từ ngàn xưa như thế. Nếu pháp nào mà đừng dùng cái “tự ngã” của mình để phán đoán, thì chắc chắn pháp ấy đứng đắn hơn, công tâm hơn và cao cả hơn. Còn pháp nào mà còn lấy cái ta để đo lường thì chắc chắn rằng pháp ấy tương đối của thế gian; chứ chẳng phải là pháp của xuất thế gian.

Thầy Tuệ Sỹ cũng có nói cho các học Tăng nghe rằng: “Ngày xưa Thầy và Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, thông minh như thế đó, học giỏi chẳng ai bằng như thế đó mà mỗi ngày quý Thầy ấy vẫn phải miệt mài trên chiếc ghế từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ.” Còn chúng ta ngày nay? – Chỉ học đâu đó lõm bõm đôi điều, thế là có cơ hội để đi khoa trương bằng chứng. Nghĩa là vào đàng tai ra đàng miệng như văn Cảnh Sách của Ngài Quy Sơn đã nói. Cái học ngày nay nó li chi lắm; nó nhiều ngành lắm; nhưng đa phần thì không lo chuyên môn, mà đi lo thị phi của những ngành khác. Không ai rành hơn người sống trong tôn giáo của mình mới có đủ tư cách và bản lãnh để nói về Tôn Giáo của mình. Trong khi đó có biết bao nhiêu người, kể cả người Tu và Phật Tử cũng như không Phật Tử làm như mình là kẻ hiểu biết lắm – cứ vấn đề nào cũng bàn đến, tán vào, nói vô tội vạ chẳng có một căn cứ và chứng từ nào cả.

Một ông Bác Sĩ chắc chắn không thể rành chuyện nông tang bằng một anh nông dân được. Trừ khi ông ấy trước khi trở thành Bác Sĩ đã là một ông nông dân thì có thể nghe được khi ông ta nói về chuyện nông tang. Trong khi đó có rất nhiều người nông dân không rành chuyện Bác Sĩ; nhưng vẫn cứ dùng tự ngã của mình để nói về chuyên y học như thường. Đúng là cuộc đời nầy không có định hướng và xã hội của chúng ta đang loạn lên rồi.

Nhìn vào báo chí, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc, phim ảnh v.v… của thế kỷ thứ 21 nầy chúng ta thấy cháng váng. Đôi khi nghe nhức cả tai, mờ cả mắt mà chẳng biết nội dung của bài ca, lời hát đó họ muốn diễn đạt cái gì. Nếu có chỉ là điệu bộ; nhưng điệu bộ bây giờ sao mà nó khác ngày xưa quá. Do vậy đã có nhiều người và nhiều tổ chức muốn trở về nguồn là vậy. Nhưng còn tương lai thì sao đây? Bỏ lại sao đành với vấn đề văn hóa giáo dục và những vấn đề khác?

Mới đây Cơ quan Giáo dục Trung ương của nước Đức đã làm một bảng thống kê về sự học của dân mình. Chỉ số tiến bộ về mọi bộ môn nằm ở điểm ngoài 10 nước tiêu chuẩn. Như thế là thế nào? Nước Đức, Mỹ, Nhật vẫn là những cường quốc kia mà; nhưng tại sao dân của mình vẫn còn ngoại lệ như vậy? Cái gì đã làm cho những giá trị của học đường nó sa sút như thế? Đó là chưa kể những bài học một chiều trong các nước vẫn còn theo chế độ Cộng Sản. Ví dụ Karl Marx sinh trưởng tại Trier; nơi ấy bây giờ họ đã chối từ ông. Trong khi đó có không biết bao nhiêu người Cộng Sản đang treo hình ông để thờ và đánh bóng ông một cách quá lố; trong ấy có Cộng Sản Việt Nam. Thật là một điều lố lăng và sỉ nhục. Những kẻ còn có lương tâm không ai làm việc ấy cả.

Thượng Tọa Tuệ Sỹ có nhắc lại một câu chuyện trong buổi nói chuyện thân mật với chư Tăng chùa Từ Hiếu tại Huế như sau: “Năm 1980, 1981 Ban Tổ Chức của Nhà nước cố tình thuyết phục Cố Hòa Thượng Thích Trí Thủ ra làm việc, với nhiệm vụ gần như là Viện Trưởng Viện Hóa Đạo của trước đó; nhưng Hòa Thượng cố chối từ vì lẽ, trong Hiến Chương Giáo Hội mới có câu: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc”. Mà Hòa Thượng biết chắc là Mặt Trận nầy là con cờ của Đảng Cộng Sản; nên Hòa Thượng không đồng ý. Ngài quan niệm rằng Giáo quyền phải nằm ngang hoặc nằm trên thế quyền, chứ không thể nằm dưới thế quyền. Điều nầy các xã hội Âu Mỹ ngày nay đang áp dụng và Hòa Thượng chỉ đồng ý ký vào biên bản khi câu ấy không có nghĩa phụ thuộc nữa. Thế nhưng những con cờ, những con thoi liên lạc giữa Giáo Hội và Nhà nước lúc bấy giờ rất sợ thế lực của Nhà nước nên đã đánh tráo. Cuối cùng rồi Ngài cũng đã ra làm việc; nhưng Ngài đã nói với quý Thượng Tọa Tuệ Sỹ và Trí Siêu rằng: “Tôi chịu nhục để quý Thầy làm việc”. Đây là một câu nói lịch sử mà gần 20 năm sau, khi Hòa Thượng bị bức tử, vì không làm theo lệnh của Nhà nước; nên chúng ta phải trả lại vị trí của vị Đạo Sư ngày nào cho Phật Giáo Việt Nam chứ không nên hiểu lầm như bao lâu nay chúng ta đã có người lầm tưởng.

Câu nói ấy chứng tỏ Hòa Thượng đã quên đi cái tự ngã của mình và hòa mình vào đại ngã của Dân Tộc và Phật Giáo trong thời kỳ nhiễu nhương ấy. Thế nhưng vô minh và nghiệp chướng không chừa Hòa Thượng, để rồi Hòa Thượng cũng phải ra đi một cách tức tưởi, mặc dầu Hòa Thượng đã chẳng đau yếu gì. Những kẻ ấy cũng là những kẻ sĩ của Dân Tộc và của Phật Giáo Việt Nam của hôm qua, ngày hôm nay và cho bao đời trong mai hậu nữa. Rồi đây Hòa Thượng Huyền Quang, Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Đức Nhuận, Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Thượng Tọa Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Sư Trí Hải v.v… sẽ là những tấm gương vằng vặc rạng ngời trí tuệ siêu việt của Phật Giáo và quyết không là những người sống trong quê hương mà chẳng làm lợi lạc được cho quê hương.

Một Khuông Việt Thái Sư làm quân sư cho vua Đinh Tiên Hoàng; một Pháp Thuận Quốc Sư làm Cố vấn cho vua Lê Đại Hành; một Vạn Hạnh Thiền Sư làm Thầy cả vua và trăm họ cho Lý Thái Tổ v.v… và v.v… lịch sử cũng còn đó để chứng minh rằng dẫu cho 1.000 năm sau đi nữa lịch sử cũng phải minh danh các bậc Đại Sư nầy đã bỏ qua tự ngã và hòa mình vào cái đại ngã của dân tộc hay cái vô ngã của Thiền Tông cũng như của Đạo Phật, mà danh thơm ấy, sử xanh còn truyền lại cho đến ngày hôm nay.

Cách dây chừng 5 năm tôi đã viết một bài đăng trên Viên Giác với tiêu đề là “Bất Lễ Quân Vương, Bất Lễ Phụ Mẫu”, có nhiều người đọc, nhưng đã hoài nghi và nghĩ rằng làm sao người tu sĩ có thể xử sự như thế được và ngày xưa vua chúa có tha tội cho những người xuất gia khi không lễ bái quân vương chăng?

Hôm nay tôi quay lại tiêu đề nầy một chút vì nó có liên quan đến tự ngã và vô ngã với tiêu đề bên trên. Nếu quý vị nào hiện có quyển “Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới Giảng Ký quyển 2” do Pháp Sư Diễn Bồi người Trung Hoa diễn giảng tại Singapore và Liên Chúng Bồ Tát giới tại Đức, Hòa Lan ấn hành năm 2001 thì xin giở ra trang 862 do Hòa Thượng Thích Trí Minh ở Việt Nam dịch, vào phần B. 2.2.40 – Giới không bình đẳng truyền giới thì sẽ đọc được ngay về nghi vấn bên trên. Đến trang 871 phần đầu được ghi lại như sau:

“Còn người xuất gia, ngay lúc xuất gia đã thực hành như vậy rồi (xem đoạn bên trên) nên khi thọ đại giới, không được thực hành như vậy nữa. Chỉ lấy Đạo làm trọng và phải vâng giữ theo pháp của người xuất gia. Cho nên không được lễ bái quân vương, cũng không được lễ bái cha mẹ. Vì người xuất gia đã xa lìa tình niệm quyến thuộc, nên đối với lục thân, không được bày tỏ lễ nghi kính trọng”. Đó là phần của người xuất gia đối với những người tại gia. Còn người tại gia đối với người xuất gia thì sao?

(Xin xem “Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới” dịch ra tiếng Việt của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, trang 25, phần 48 điều giới khinh nhẹ).

1 – Giới không kính Thầy bạn.

Nếu Phật Tử, lúc sắp lãnh ngôi Quốc Vương, ngôi chuyển Luân Vương, hay sắp lãnh chức quan trước nên thọ giới Bồ Tát. Như thế tất cả quỷ thần cứu hộ thân vua và thân các quan. Chư Phật đều hoan hỷ.

Đã đắc giới rồi, Phật Tử nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Nếu thấy có bậc Thượng Tọa, Hòa Thượng, A Xà Lê, những bực Đại Đức, đồng học, đồng kiết, đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, hỏi thăm. Mỗi sự đều đúng như pháp và cúng dường, hoặc tự bán thân cho đến quốc thành con cái, cùng bảy báu trăm vật để cung cấp các bậc ấy. Nếu Phật Tử lại sanh lòng kiêu mạn, sân hận, ngu si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y theo pháp mà cúng dường, Phật Tử nầy phạm “khinh cấu tội”.

Phân tích đoạn đầu chúng ta thấy, ngay cả Vua chúa, Quan chức, Phật cũng đã khuyên trong kinh Bồ Tát giới là nên thọ giới Bồ Tát. Để làm gì? Để tu thân và lợi lạc cho cả quốc gia và xã hội.

Đoạn 2 có nghĩa là khi một người đã thọ Bồ Tát giới rồi, bất luận là Vua, Quan, Tể Tướng v.v… khi gặp người xuất gia đều nên tiếp rước lạy chào. Nếu không làm vậy tức phạm vào giới không kính Thầy bạn.

Ở đây có 2 điều được đặt ra – Người xuất gia được kính lễ cũng phải xả bỏ cái tự ngã của mình. Còn người tại gia, dầu là quan chức lớn đến đâu đi chăng nữa cũng nên xả bỏ cái cố chấp về bản ngã đó để đảnh lễ các bậc xuất gia, thì công đức ấy khó gì sánh kịp và chư Phật đều hoan hỷ. Như vậy cả hai đều có lợi lạc khi xả bỏ cái tự ngã của mình. Còn kẻ nào làm mà còn đứng trên bản ngã để hành động thì kẻ ấy dầu xuất gia hay tại gia cũng đều có lỗi cả.

Ngày xưa là thế. Ngày nay vật đổi sao dời, người tại gia cũng chẳng tu mà người xuất gia cũng có lắm điều xấu hổ. Vì gió lợi, danh, tiền tài, địa vị cũng đã có đôi phần làm hoen ố cửa Thiền. Phải thành thật nói lên điều ấy. Do vậy mà Thầy Tuệ Sỹ bảo rằng nếu không cho Thầy ở chùa thì Thầy ra gầm cầu Thầy ở. Đối với Thầy ấy ở đâu cũng vậy. Nơi nhà tù cũng là chỗ tu hành. Đã có lần Thầy viết:

“Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường tối thắng tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn”

Ngồi trong chùa, ở dưới gầm cầu hay ở trong tù cũng chỉ thế thôi. Vì con người ấy đã lấy cái đau của chúng sanh làm cái đau của chính mình. Trong khi đó đa phần chúng sanh khác thường lấy cái khổ của kẻ khác để làm niềm vui của mình thì những hạng người nầy ở thời buổi nào cũng có; cho dù đó là tại gia hay xuất gia.

Bài nói chuyện của Thầy hôm đó công khai, đã có nhiều người nghe và có lẽ đã đánh thức được lương tâm của thời đại – nhất là lương tâm của những người Tăng sĩ trẻ ở trong nước ngày nay. Một thời đại của áo mão xênh xang, áo giải thoát không mặc mà lo khoác lên mình một chiếc áo cửa quan trần thế. Để làm gì? – khi mà hỏi về giáo lý cũng chỉ ngẩn ngơ ra chứ chưa thông chữ Hán, không rành chữ Phạn hoặc Pali thì làm sao còn những ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức, Nhật mà kham nổi nữa. Thầy đã đau buồn về thời đại; Thầy đã kể rõ tên từng người Tăng sĩ đã chịu khiếp nhược trước thế quyền, mà thế quyền đó không đáng cho ta cúi đầu vâng phục.

Ngay cả những thời kỳ tự chủ của nước nhà, Phật giáo vẫn đóng một vai trò cao cả. Đó là lãnh đạo quốc gia, cố vấn cho Vua. Còn ngày nay những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đều bất tài vô học, làm sao ta là người Tăng sĩ có thể bợ đỡ cho được. Điều ấy đã làm hoen ố lịch sử của Phật Giáo do những nhà sư trá hình cò mồi, nối giáo cho giặc để cho bản thân mình có chức tước, bổng lộc. Nếu là như vậy thì mục đích của người xuất gia đã hỏng rồi. Nhớ lại văn xưa Ngài Quy Sơn Đại Viên Thiền Sư có ghi trong Cảnh Sách rằng:

“Phù xuất gia giả
Phát túc siêu phương
Tâm hình dị tục
Thiệu long thánh chủng
Chấn nhiếp ma quân
Thượng báo tứ ân
Bạt tế tam hữu
Nhược bất như thử
Lạm xí tăng luân…”

Phải như vậy mới là mục đích của người xuất gia. Nếu không là vậy uổng công ở chùa và uổng cơm của đàn na thí chủ.

Tôi đọc và ngẫm nghĩ bài văn trên trong nhiều ngày, cũng đã có đem ra thảo luận trong chúng lý chùa Viên Giác và hôm nay lại viết lên đây một vài trang để cho mọi người cùng đọc nhằm chia xẻ những kinh nghiệm của cuộc sống mà Thầy Tuệ Sỹ là một kẻ sĩ của thời đại; không những chỉ cho Phật Giáo mà cho mọi người và mọi loài.

Còn Thầy Trí Siêu là trí tuệ của Phật Giáo, sau khi đã dày công nghiên cứu trong bao năm tháng đã cho ra các tập sách giá trị với cổ kim thời đại như lịch sử Phật Giáo Việt Nam tập I và II – Minh Châu Hương Hải toàn tập, Chân Nguyên toàn tập, Trần Nhân Tông toàn tập, Nghiên cứu về Thiền Uyển tập anh, Văn Học Sử Phật Giáo v.v… đúng là những bộ óc siêu việt của Phật Giáo Việt Nam và của Dân Tộc Việt Nam trong thời hiện tại.

Trong khi đó ở hải ngoại ngày nay chúng ta đã gặt hái được gì? về Tăng Già lẫn Cư Sĩ? Sau hơn 25 năm có mặt tại xứ người mặc dầu chúng ta đã tạo dựng được nhiều ngôi chùa to Phật lớn đấy, nhưng nhìn chung phải nói là đau buồn. Vì lẽ trong chùa lớn ấy không có nhiều các tâm hồn lớn như Thầy Tuệ Sỹ hay Thầy Trí Siêu. Nhiều nơi đã thi nhau cất chùa, nhưng ít nơi nào để ý kỹ đến vấn đề giáo dục cho Tăng Ni. Nếu có cũng chỉ một vài ba nơi lẻ loi, chưa xứng đáng với vị trí của một Phật Giáo Việt Nam ở nơi các xã hội văn minh Âu Mỹ nầy.

Ngày nay người Anh, người Úc, người Mỹ, người Đức khao khát giáo lý của Đức Phật như đất hạn trông mưa. Thế nhưng quái ác thay bức tường thành ngôn ngữ và sự hội nhập của chư Tăng Ni còn quá giới hạn, chưa đi vào đời. Chỉ phải chạy theo đời để bắt cho kịp cái trào lưu tiến hóa nầy đã phải thở dốc rồi. Đó là nói những người có chí; còn đa phần những người gặp khó khăn thử thách thì chùn chân. Chỉ vì thiếu hướng dẫn và không trang bị cho mình một ý thức trách nhiệm. Chỉ muốn việc gì dễ thì tham gia, Thầy nào dễ thì theo; chứ ít ai tự kiểm điểm lại mình nên phải làm gì khi mà hoàn cảnh bên trong lẫn bên ngoài đều nhốn nháo lên cả như thế mà cửa chùa thì vẫn đóng im lìm. Những ai không thích hợp với thời cơ thì sẽ bị đào thải.

Thầy Tuệ Sỹ nói bài đó chắc cũng có lắm kẻ buồn và hôm nay ở hải ngoại tôi trùng tuyên lại việc nầy chắc cũng có nhiều Thầy, Cô và Phật Tử cho tôi là càn dỡ; nhưng nếu tôi không nói thì bên ngoài họ cũng đã nói nhiều rồi. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đúng. Vì họ không nằm trong nội bộ; nhưng bệnh thì phải phòng, chứ không phải chờ cho bệnh nặng mới chạy chữa thì lúc ấy trễ lắm rồi.

Còn Phật Tử ở hải ngoại ngày nay ra sao? Đa phần là giỏi, có tiền bạc, bằng cấp, địa vị trong xã hội ở xứ người; nhưng giỏi tu học giáo lý của Đức Phật thì thấy còn rất khiêm nhường. Giáo lý của Đức Phật phải ứng dụng vào cuộc sống của gia đình trong sinh hoạt hằng ngày; chứ không phải giáo lý ấy đem cất và thờ cao trên trang hay ở những bàn Phật trang nghiêm đẹp đẽ khác.

Ngày nay ở hải ngoại nầy tự do ngôn luận đã đi đến chỗ quá lố, muốn nói ai thì nói, muốn chửi ai thì chửi; ngay cả Tổng Thống, Thủ Tướng, Vua Chúa, Dân Biểu. Chứ Tăng Ni thì họ kể gì. Chuyện không có tạo ra cho có. Chuyện thế nầy nói thế kia, vạch áo cho người xem lưng. Nhiều khi còn tự đặt chuyện thêm mắm giặm muối vào để tình tiết câu chuyện éo le gay cấn hơn. Có như thế mới có nhiều người đọc, sách bán mới chạy v.v… Không có chuyện nào hấp dẫn cho bằng chuyện ông Thầy, ông Cha lăn nhăn dan díu với đàn bà con gái; cũng chẳng có chuyện nào hấp dẫn bằng chuyện tiền bạc hay địa vị danh lợi dưới mắt của người đời. Cứ thế và cứ thế tạo nên ý nghiệp cũng như khẩu nghiệp và văn nghiệp. Những người Phật Tử và không Phật Tử viết như thế nhằm chủ đích gì?

Dĩ nhiên là hạ uy tín cá nhân của quý Thầy, quý Cô đó.

Làm thế để làm gì?

Để tự bảo vệ cái ngã của mình. Để chứng tỏ rằng trên đời nầy không có ai đúng hết. Tất cả đều sai, chỉ có cá nhân người ấy đúng thôi.

Điều ấy dễ hiểu thôi, đối với người chưa hiểu đạo hoặc cố tình không hiểu thì con bọ hung nó xấu xí như thế, nó nhỏ nhoi như thế; nhưng chắc cái ngã của nó không nhỏ đâu. Trong ngụ ngôn của Lafontaine đã viết về con ếch và con bò cũng giống như vậy. Con ếch thấy con bò bụng to nên cố gắng ráng sức phùng mang trợn mắt lên để có cái bụng to như con bò. Cuối cùng là bể bụng. Ở đây người tu không có đối tượng. Nếu có chỉ là tham sân si, để họ phải vượt qua và tự tu cho bản thân họ. Còn người Phật Tử lại lấy người tu để làm đòn bẩy để đạp lên và từ đó mới sinh ra những chuyện nghịch đời là:

“Ngựa đua dưới nước, Thuyền chèo trên non” là vậy.

Tu sĩ thì không tròn bổn phận của mình. Cư sĩ đôi khi xâm phạm và muốn thay thế luôn nhiệm vụ của Tăng sĩ nữa. Điều ấy không những chỉ có Phật Tử Việt Nam thôi đâu, cả Hội Phật Giáo ở Đức nầy cũng thế. Đúng là thời kỳ pháp nhược ma cường – tăng không ra tăng tục không ra tục. Lỗi ấy tại ai? Câu trả lời thật đơn giản – Tại mỗi người không xả bỏ tự ngã của mình mà thôi. Nếu cả tăng lẫn tục làm bất cứ một điều gì đừng để cái ngã nó chi phối, quả thật việc ấy rất đúng ý Phật, ý Tổ và đúng với chân lý muôn đời. Còn làm bất cứ một vấn đề gì mà để cái ngã nó làm chủ thì xem như việc ấy hỏng. Nói dễ nhưng làm khó lắm đấy! Vậy muốn thực hành chúng ta phải làm sao đây?

Đầu tiên chúng ta thử xem về kết quả cũng như mục đích của một việc làm nhằm để làm gì? Nếu mục đích nhằm để tô vẽ, củng cố tự ngã của mình thì hãy dẹp ngay nó đi. Nếu mục đích làm cho mọi người vui, dẫu cho ta có chịu thiệt thòi đi nữa, thì việc ấy nên làm. Vì kết quả là cho tha nhân chứ không phải cho tự ngã. Nếu mục đích chỉ để làm trò hề cho thiên hạ thì không cần phải suy nghĩ nhiều. Vì ngoài sở thú đã có nhiều chú khỉ diễn trò khỉ rồi. Mọi người đang bu chung quanh để xem đông nghẹt đó.

Tôi viết bài nầy để vinh danh Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát; nhưng có lẽ quý Thầy ấy không cần. Tuy nhiên tôi ở vào thế hệ đàn em của quý Thầy ấy nên có bổn phận phải tán dương ngay khi những con người ấy còn sống, chứ không phải đợi đến khi chết rồi mới viết bài khen ngợi. Ngoài ra cũng để tự trách mình là không khéo xử sự ở nhiều vấn đề nên tự ngã đã xen lấn vào và khiến cho nhiều cái ngã khác ở bên cạnh cũng nương vào những sơ hở nầy mà khai thác. Điều ấy lỗi tại tôi, chứ không phải ở những người khác. Dầu sao đi nữa con đường còn lại của tôi phải đi là hướng đến vấn đề văn hóa giáo dục cho Phật Giáo; cho Tăng Ni cũng như Phật Tử; lúc nào cũng phải ý thức được trách nhiệm của mình để tu thân, học đạo, dẹp bỏ ngã mạn, thành kiến, để từ đó con đường giác ngộ của Đức Phật càng ngày lại càng rộng mở thênh thang trên lộ trình giải thoát sanh tử ấy.

Viết tại thư phòng Chùa Viên Giác sau một thời sám hối cuối tháng 11 năm Tân Tỵ.

(Số 127 Tháng 2.2002)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin