menu

Hòa thượng Tuệ Sỹ - Trí Siêu, những thiên tài lỗi lạc

View: 1417 -     Thích Nguyên Siêu       10/12/2018 10:12:20 am
Hòa thượng Tuệ Sỹ - Trí Siêu, những thiên tài lỗi lạc
Hòa thượng Tuệ Sỹ - Trí Siêu, những thiên tài lỗi lạc
Thầy xuất gia từ thuở còn thơ và sống ở Lào, làm chú tiểu Sa Di sớm chiều kinh kệ, công phu bái sám, đó là bổn phận của người làm điệu, trong nếp sống nhà chùa. Dù chùa ở Lào hay Việt Nam cũng vậy, tụng kinh học luật là điều chính yếu của người xuất gia tu Phật. Bằng bản chất thông minh, thiên tư từ thuở nhỏ, cho nên sau khi xuất gia, Thầy đã miệt mài học hỏi kinh điển, siêng năng nghiên cứu nghĩa lý đạo mầu. Có lần được nghe quí Ngài kể lại, thời gian sống nơi chùa Lào, suốt ngày Thầy ở dưới bàn tượng Phật Bổn Sư thờ nơi chánh điện, để học kinh luật, sưu tra luận nghĩa, mà quí sư Lào sau một thời gian dạy dỗ, đã thấy được trí tánh thông minh của Thầy, biết được đây là bậc kỳ tài, là rường cột của Phật giáo, mà chư sư Lào đã không đủ khả năng dạy nữa. Để không làm mai một thiên tư trác việt, trí tuệ tuyệt vời, các vị Bổn sư Lào đã gởi Thầy về Việt Nam, cho quí Hòa thượng tiếp tục hướng dẫn, dạy dỗ.

Thầy được đưa về Huế, cùng tu học với quí chư Tăng và thành đạt sở học một cách nhanh chóng, như con phượng hoàng khi đã đủ lông cánh tung bay giữa trời cao, như rồng thiêng vẫy vùng nơi biển sâu, sóng lớn. Do vậy, sau một thời gian tham học với chư Tổ Đức về phần kinh luật và chữ Nho, Thầy đã thông suốt và tự mình phát huy sở học mà không cần thầy dạy. Từ đó, Thầy tiếp tục vân du tham học ở chư bậc kỳ tài, hữu danh đương thời, lần hồi Thầy đã vào Sài Gòn để tiếp tay xây dựng và giáo dục đàn em, học trò của mình. Dĩ nhiên, lúc bấy giờ Thầy đã trở thành bậc giáo sư lịch lãm, tri thức bạt chúng. Là vị giáo sư gương mẫu, nồng cốt của Đại học Vạn Hạnh, mà cứ mỗi lần gặp nhau thăm hỏi, những người đồng nghiệp đều gọi Thầy là “chú Sỹ” vì Thầy còn quá trẻ.

Thầy phụ trách dạy tại Đại học Vạn Hạnh chương trình Triết học Tây phương, văn học Đông Phương, luận đề Phật giáo : triết học Tánh Không, Trung Quán luận, A Tỳ Đạt Ma, đại cương Thiền Quán…. Mặc dầu ở vào lứa tuổi đôi mươi, nhưng Thầy đã đóng góp một phần không nhỏ trong nền văn hóa, giáo dục của nước nhà và Thầy đã xuất sắc hơn trong lãnh vực ngôn ngữ : sinh ngữ và cổ ngữ. Thầy tự học, rèn luyện lấy chính mình vì vậy mọi người ai cũng kính mến, thán phục và có nhiều bạn vong niên dưới mái trường Đại học Vạn Hạnh.

Là một trong những vị tu sĩ trẻ dẫn đầu với kiến văn quảng bác, được sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ Tăng sinh, sinh viên. Thầy là vị tu sĩ trẻ nhất, tự học, tự nghiên cứu và thấu đạt, thông suốt nền Triết học Đông Tây. Một trí tuệ vô sư trí, mộ vị Thầy không Sư cho chính mình. Thầy đã nghiên tầm thâm sâu vào mọi lãnh vực kinh, luật, luận, xuyên qua những cánh đồng giáo lý mênh mông, bát ngát, khó hiểu, sâu xa, đòi hỏi một kiến văn xuất chúng, mới thể nhập được, nhưng đối với Thầy dường như không khó khăn gì.

Thầy đã đơn đao đột kích phá tung nền Triết học Tánh không, khai quật và trình bày giá trị sâu thẳm tận cùng tư tưởng Trung Quán, phiên dịch giảng giải Trí Độ luận, để từ đó, hình ảnh chư Tổ Đức, luật sư nổi tiếng, vang danh oai đức như Tổ Long Thọ, người bấy giờ tôn xưng là Đệ nhị Thích Ca, Đề Bà, Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Huyền Trang, La Thập, Tăng Duệ, Tăng Triệu… dường như quá gần gũi, quen thân với Thầy. Vì tất cả các tác phẩm trước tác, dịch thuật của chư Tổ, như là sách gối đầu giường của Thầy, còn Tam Tạng kinh điển, bộ Đại Tạng, chẳng bộ nào mà Thầy không dở đọc. Người viết đã học với Thầy, sau đó cùng Thầy làm việc dịch thuật Trung A Hàm, Kinh Pháp Cú, tuyển tập Nikàya A Hàm…. qua những năm 75-77 tại Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang và 80-84 tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam cũng là nơi thư viện Vạn Hạnh (Võ Di Nguy, Phú Nhuận) mới thấy được khả năng, trí nhớ trác tuyệt của Thầy. Kinh, luật, luận, Tam Tạng giáo điển, hầu như Thầy nằm lòng tự kiếp nào. Có lẽ trong lòng sinh tử vô tận, đã có bao đời Thầy đã là Thiền sư, Pháp sư, Luận sư, cho nên mỗi khi hỏi đến những pháp số, ý kinh, nghĩa luận trong Đại Tạng, Thầy đều dở đúng số trang, số quyển, số dòng. Phải làm việc chung với Thầy mới biết được tính cần mẫn, ý chí kiên quyết, tự lập để xây dựng cho chính mình của Thầy. Hầu như bất cứ thời điểm nào Thầy cũng học, cũng nghiên cứu, cũng nghiền ngẫm, cũng đọc kinh điển, thi văn, kinh thi, kinh dịch, triết lý, thi ca ; cũng tự học âm nhạc : dương cầm, vĩ cầm ; cũng tự tập viết chữ Nho : chữ Thảo của Vương Hy Chi ; đọc thơ của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha…. Thầy sống thanh bạch, đơn sơ, đêm ngày miệt mài, trầm mình trong thế giới tâm linh, tư tưởng, triết học, thi ca, ngôn ngữ, nên không còn thời giờ nghĩ đến cách ăn mặc, bề ngoài như kẻ khác. Do vậy, trên người của Thầy, luôn luôn với bộ áo nhật bình 4 vạt úa mầu với thời gian, dài tới dưới đầu gối, khi dạy học cũng như lúc ra ngoài. Dáng người tuy nhỏ nhắn, nhưng khối óc thì vĩ đại, thông minh thiên phú. Chính vì bản chất thông minh đó mà tên Tuệ Sỹ là do Thầy tự đặt, sau khi hiểu và thông đạt được tư tưởng tu chứng của Thiền sư Tuệ Trung Thượng Sỹ, đời Trần, Thầy đã lấy tên Tuệ Sỹ, trong bốn chữ Tuệ Trung Thượng Sỹ. Khi đặt pháp danh của Thầy là Nguyên Chứng có lẽ Ôn Già Lam đã thấu hiểu được tâm tư của Thầy, tài nghệ khác thường hơn người đời, như rồng thiêng vẫy vùng nơi đại hải, nên lắm lúc cũng bất chừng khi tâm thức vùng dậy, như trận cuồng phong xô giạt phá đổ mọi thành trì, chướng ngại, trở lực của thế giới trí thức, liễu tri thế gian, mở bày một chân trời giải thoát của tâm hồn Đại Sỹ, bao la, vô cùng tận. Do vậy, nhìn vào đời sống của Thầy thật đơn giản nhưng sung túc, cặm cụi nhưng thư thái, nhiệt tâm nhưng buông xả, mà Thầy thường dạy anh em Tăng sinh viên, như “hạt xả không trí”, như hạt bỏ ao hoang, không luyến lưu, tham đắm mọi hình thái của cuộc đời.

Từ trí tuệ hơn người, Thầy đã đi bằng đôi chân dân tộc, đạo pháp, khai quật và tỏ bày con đường tự do, hạnh phúc cho quê hương Việt Nam ; mang tinh thần triết lý văn học vào cuộc đời thăng hoa sự sống ; phát triển và trao truyền tinh thần triết học của luận, thực nghiệm tu chứng của kinh và hành trì nghiêm mật của luật cho nếp sống Tăng sinh trẻ, Thầy đã sống bằng giá trị thực tiễn của lẽ sống phụng sự, hy sinh, gương mẫu nhằm hướng đến chân trời kiến văn cho tất cả mọi người.

BÓNG NGƯỜI TRÊN ĐỈNH NÚI

Dừng chân đứng lại trên ngọn đồi Trải Thủy, như hình con dơi đang xòe cánh, Thầy đã sống bình lặng qua bao tháng ngày êm đềm, giản dị, gần gũi, thân thương như hòa tâm cùng cỏ cây, vách đá, gió núi, và hương vị nước mặn của sóng biển. Lần đầu tiên gặp Thầy, như đã nói trên, trong cung cách thật dung dị, chiếc quần màu cà-phê tái nhạt, chiếc áo nhật bình đã sờn vai theo năm tháng mà lại ngắn ngủn, đầu tóc hơi dài hơn bình thường, thật phù hợp, ăn tiệp với nhau từ đầu đến chân. Tuy nhiên, một điểm nổi bật trên khuôn khổ ấy là đôi mắt sâu và sáng quắc. Nhìn vào đôi mắt ấy như hai hố thẳm của tư tưởng, khó ai có thể dò tới đáy sâu của hố thẳm là bao nhiêu. Trong tận cùng của hố thẳm ấy, là một trời trăng sao văn học, triết lý, đạo lý… tiềm tàng ngút ngàn mù khơi, như sóng biếc trên giòng Chiết Giang; thâm u, cô tịch như hòn Lô Sơn mà Thầy đã dịch trong bộ Thiền Luận.

Giờ học đầu tiên Thầy giảng về nền Triết học Tây phương qua các tư tưởng Henry Miller, Jean Paul Sartre, Engel, Platon… nghe sao mà khó hiểu vô cùng nhưng có gì là lạ, lý thú trong cách giảng dạy của Thầy, không cần sách vở, chỉ nói và nói. Nói như dòng thác đổ từ trên cao, vì đầu nguồn của dòng thác chứa đầy nước, được sung mãn vô kể, do vậy, cứ đổ hoài mà không bao giờ vơi. Thầy đem tất cả sở học, kiến thức trao truyền lại cho anh em ; tuy nhiên, anh em Tăng sinh khó có thể thâu đạt được hết những gì Thầy đã truyền giảng. Từ chân trời phương Tây đến góc biển phương Đông, bao nền Triết học Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Kinh Dịch, Đạo Đức Kinh, Kinh Thi ; văn học Trung Hoa, Đào Tiềm, Hàn Dũ, Tô Đông Pha…. Các thi hào, thi bá như một cánh đồng văn học đầy hoa thơm cỏ lạ mà Thầy là con ong đang bay đi hút mật trên cánh đồng nhiều hoa thơm cỏ lạ đó, để rồi luyện thành mật sáp nuôi dưỡng tinh thần, đời sống tâm linh. Là một đạo sĩ trưởng thành trên nền tảng giáo lý giác ngộ giải thoát xuất thế gian, được hấp thụ và thể nhập tư tưởng giáo pháp siêu phàm của bậc Đạo sư, từ đó Thầy đã quán triệt qua các giáo nghĩa Hoa Nghiêm, một thế giới quan trùng trùng vô tận ; giá trị đích thực tu chứng từ địa vị phàm phu, đắc thành Phật quả của kinh Pháp Hoa ; từ yếu nghĩa vô ngã, phá trừ, đập nát cái vỏ chấp ngã, để nhơn pháp câu không của Bát Nhã ; từ đỉnh núi Lăng Già của vua Dạ Xoa đến cánh đồng A Hàm nguyên thủy, từng bước chân đi của Đức Phật, hầu như Thầy theo dõi trọn vẹn, trên lãnh vực trí tuệ thế gian, và chính nơi đây, chỉ đợi đến giây phút tối hậu, cánh cửa tâm linh bật mở, chân trời giải thoát bao la hiện bày, và con người của thế nhân bặt dứt.

Suốt thời gian bốn năm Trung đẳng Chuyên khoa, 70-74, ngày hai buổi dạy học, như một trách nhiệm mặc nhiên, mà Thầy tự xem đó như là lẽ sống trên tinh thần phụng sự, trao truyền kinh nghiệm tu học cho tất cả. Thầy tận tụy trong từng giờ dạy học, Thầy chia xẻ những hiểu biết, tâm tình với anh em Tăng trên đồi, tháp sắt vào những buổi chiều, sau giờ cơm chung của đại chúng. Thầy kể chuyện không mấy có duyên lắm nhưng rất rộn rã và khôi hài, trong những lúc đó, đôi mắt Thầy to tròn lên gần như gấp đôi diễn đạt và biến chuyển theo tình tiết câu chuyện, lời kể lúc nào cũng thâm thúy nhưng đầy vẻ hài hước, vui tươi. Thầy làm việc gần như không biết mệt, thức thật khuya nhưng dậy sớm, bên cạnh tách cà phê giúp Thầy thêm tỉnh táo để tuôn trào những dòng tư tưởng, triết lý, thi ca cho thời đại, đóng góp những tinh hoa văn học cho dân tộc, con người.

Vẫn chưa đủ trên phạm trù xây dựng, cung phụng văn học, nghệ thuật, giáo dục, đạo học, mà còn đích thân lăn xả vào xã hội để gần gũi với con người trong từng miếng ăn, giấc ngủ. Thầy đã thể hiện điều này qua cuộc chiến mùa hè đỏ lửa 1972. Hàng trăm ngàn người tị nạn từ Ban Mê Thuột, Pleiku đổ xuống, từ Quảng Trị, Thừa Thiên tràn vào, tạm trú tại các trường trại, từ tiểu học đến trung học, tư thục hay công lập đều được trưng dụng cho làn sóng người tị nạn các tỉnh địa cầu giới tuyến và vùng cao nguyên Trung phần, già trẻ, lớn bé, đàn ông, đàn bà gánh gồng chiu chít, người mất cha, kẻ mất chồng, lầm than, cơ cực trong cảnh màn trời chiếu đất. Thầy cùng anh em học Tăng tình nguyện đi cứu trợ, từ Nha Trang ra Vạn Giả, Tu Bông xin gạo, tiền, vật thực về phân phối cho đồng bào. Thầy tự lái chiếc xe Jeep của Viện mà chẳng ai dám tin tưởng tí nào, vì từ trước tới giờ Thầy chưa bao giờ lái xe, nhưng vì tinh thần tương thân tương trợ, lá lành đùm lá rách, và chí nguyện của Bồ Tát hành Bồ Tát đạo không cho phép Thầy không thể hiện. Thấy vậy, anh em học Tăng lại càng xả thân cho công cuộc cứu trợ, người đào giếng ngoài Đồng Đế, kẻ căng lều, mang vật thực, săn sóc vết thương, người chở gạo, tải thuốc men, cấp cứu, mà hình ảnh Thầy như một chiến tướng giữa đám quân binh, vì đồng bào lúc bấy giờ không có hàng ngũ trật tự gì nữa, cảnh tượng như ong vỡ tổ, tay xách nách mang, đạp nhau mà chạy. Máu chảy ruột mềm, chính trong cảnh huống này mới thấy được tấm lòng cứu độ, lợi tha trước vận mạng đen tối của quốc gia dân tộc. Thầy đã phát huy con đường Bồ Tát đạo ngày càng rộng rãi, thênh thang hơn nữa, cũng chính vì vậy mà sau này, ngày 02/4/1984, Thầy đã bị bắt và lãnh bản án tử hình ngày 30/9/1988 tại Tòa án nhân dân Sài Gòn.

Thời gian như âm thầm trôi đi dưới mái Phật học viện thân yêu đầm ấm, tình Thầy trò như được quyện lại bên nhau mà mỗi lần trời mưa, sáng sớm Thầy trò xuống nhà bếp nấu nước sôi pha trà, thì thấy cô Bảy đã xong nồi cơm sáng cho đại chúng, còn ông Đông thì ngồi trên cái đòn gần bếp để sưởi ấm, những hình ảnh thật đơn sơ, mộc mạc, và chính trong những giờ phút đó mới thấy thật gần gũi, cảm thông, tình nghĩa. Ngồi bên bếp lửa bập bùng cháy sáng, tiếng lửa củi kêu tí tách, nhìn xuống chân đồi, vườn rau, luống cải của viện, cạnh chùa Phước Điền, để nghe Thầy đọc thơ:

Vác cuốc xuống lưng đồi

Nắng mai hồng trên môi

Phương đông mặt trời đỏ

Mùa hạ không mây bay…

Bướm vàng trên vách đá

Tịch mịch cảnh chùa xưa

Chim chóc từ viễn phố

Tình không rặng núi mờ…

Từ âm điệu, từ khung cảnh, bên bếp lửa hồng, ấm cúng, ngồi nghe giọt mưa rơi dưới mái hiên, như hình ảnh một Thiền sư ngồi gõ nhịp thời gian, người viết làm bốn câu thơ tặng Thầy:

Bếp lửa hồng Thiền sư ngồi gõ mộng

Bình tâm không động giọt sương trong

Ai khơi ánh lửa chiều đông

Hơ lòng lãng tử chốc mòng phiêu du.

Đây chính là thời gian bình thản, yên lòng để lo việc học, thi cử mãn khóa, tiếp tục lên cao đẳng, thì hình ảnh Thầy lại càng kề cận, chăm sóc, lo lắng cho anh em học Tăng hơn nữa. Thầy đã soạn thảo chương trình, bài giảng, học liệu để mở ra chân trời Cao đẳng Chuyên khoa mà ước nguyện của quý Ôn, quí Thầy mong thành đạt, để mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của dịch thuật, người lãnh đạo trực tiếp là Thầy. Tất cả mọi nỗ lực được thành như ý nguyện, tấm bảng hiệu Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang được dựng lên nơi đầu đường, cạnh chùa Núi, Linh Phong Cổ Tự. Và cũng chính từ ngày hôm đó, thời gian ấy, Thầy bận rộn nhiều, phần học vụ làm Thầy không có thời gian như trước. Ban ngày lo soạn chương trình, bài vở, hoặc dịch thuật, trước tác và phụ tá cho Hòa thượng Viện Trưởng, ban đêm đến giờ hô canh ngồi Thiền thì Thầy lại mặc áo tràng, bây giờ thì Thầy đã có đủ áo quần đàng hoàng như quí Thầy khác mà không như trước, một nghệ nhân, hay du sĩ, đi canh chúng ngồi Thiền, nhìn qua lỗ trống của mỗi phòng trên dãy nhà cư xá Tăng sinh viên, nằm ven triền đồi Trải Thủy gần gác chuông. Những đêm mưa gió, từ biển khơi thổi vào đập nát cả lá hoa sườn đồi, nhưng Thầy vẫn không bỏ giờ canh Thiền đại chúng.

Thời gian của năm thứ nhất cao đẳng cũng là thời gian chiến tranh bùng nổ dữ dội, chiến trận tổng tấn công của bộ đội Bắc Việt, xâm chiếm từ các vùng cao nguyên Trung phần, từ các tỉnh Dầu Giây, Xuân Lộc, Củ Chi, miền Tây, và miền Đông Sài Gòn. Trong khi đó, từ các tỉnh địa đầu vĩ tuyến 17 cũng mất dần an ninh, và cuối cùng là bộ đội Bắc Việt tiến chiếm dần miền Nam.

Trước ngày 30/4/1975, quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã rút lui, bỏ ngõ trên các tuyến đường quốc lộ I, chẳng có ai kiểm soát, thành phố Nha Trang bỏ trống, các phi đội, khu trục Không quân ở phi trường Nha Trang được lệnh bay vào phi trường Phan Rang để từ đó mang bom ra dội Cầu Xóm Bóng, cắt đứt đường tiến quân của Bắc Việt. Thì lại một lần nữa Thầy và anh em học Tăng làm nghề cứu thương, xuống bệnh viện toàn khoa Nha Trang, những bệnh nhân nào hơi khỏe mạnh, hay đi đứng được thì đã di tản, còn lại những bệnh nhân nặng thì vẫn nằm đó, vì lúc đó không còn bác sĩ, y tá trực nữa, mạnh ai nấy lo liệu, bệnh viện, trường ốc, cư xá, chợ búa như nhà không chủ. Trong cảnh nước mất nhà tan này, Thầy lại lăn xả vào vùng lửa đạn để cứu giúp đồng bào, an ủi bệnh nhân, thương binh, trẻ mồ côi lạc mất gia đình cha mẹ, để bồi đắp tình thương trong cuộc đời khổ lụy này.

Trước tình thế mới đầy rối ren, khủng hoảng, chưa biết phải xử trí như thế nào, ngay tối hôm đó, anh em học Tăng gặp Thầy tại thư viện, quây quần bên nhau, mong tìm phương pháp giải quyết, có anh em đề nghị Thầy nên di tản, chúng ta không thể ở lại viện được nữa. Khi ấy, anh em cứ ngỡ là Thầy sẽ đồng ý, chấp nhận cho anh em tự do đi, hay là đi cùng đi tập thể, nào ngờ Thầy nhìn tất cả anh em, rồi nói bằng giọng cương quyết: “Tôi vẫn còn đây, thì anh em cũng phải ở đây, quê hương và đất nước này còn cần đến anh em nhiều hơn nữa. Chúng ta không thể trốn chạy khi dân tộc, đạo pháp đang gặp cảnh điêu linh”. Qua lời nói khẳng khái đó, ai nấy đều nhìn nhau mà bàng hoàng. Trong cái bàng hoàng thầm kính phục tấm lòng sắc son, hy sinh đời mình để chia xẻ nỗi tang thương vận nước. Một con tim nóng hổi đang ấp ủ, che chở hàng triệu con tim đang thiếu máu.

Đây là thời điểm đánh dấu sự quyết định dứt khoát của Thầy là phải ở lại trên mảnh đất quê hương này. Dân tộc, đạo pháp còn cần sự có mặt của Thầy. Ngày nào dân tộc còn lầm than, quê hương còn khốn khổ thì ngày đó còn có những đôi tay, khối óc như Thầy để cày xới, gieo rắc hạt mầm yêu thương, để vơi đi sự thù hận, để thấy trên quê hương còn có những bông hoa tươi thắm tô điểm, thêm hương, khởi sắc giữa cánh đồng hoang, lau sậy gầy guộc. Thầy là hiện thân của đóa hoa tình thương nguyện ở lại để thọ nhận thương đau cùng với cái thương đau của dân tộc, nguyện dấn thân vào nơi khốn cùng, của cơn phong ba bão tố để đưa con thuyền đạo pháp đến bến bờ bình yên. Sự ở lại của Thầy mang nhiều ý nghĩa của một tâm hồn đạo sĩ, thi sĩ, văn nhân, và tự tình con dân nước Việt. Là mấu chốt, là yếu điểm vàng son của chặng đường lịch sử dân tộc và đạo pháp. Thầy ở lại vì còn hàng triệu người ở lại. Thầy không đi vì chung quanh Thầy còn nhiều đôi tay giơ lên réo gọi Thầy. Quê hương Việt Nam, dân tộc giống nòi, ngàn năm Tổ quốc, còn hiện rõ hình bóng chư vị anh hùng liệt nữ, một thời chống xâm lăng giữ yên bờ cõi, một Lý Thái Tổ, Lê Đại Hành, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông… là những vị Phật tử mang hương vị giáo pháp giải thoát giác ngộ vào nơi trận mạc, giữa chốn ba quân, trong cơn quốc biến để tu tập và giáo hóa. Một đại tướng Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi… là những bậc thiền sư, bằng đôi tay mạnh, trái tim nóng để an bang xã tắc, thì có lý do nào để ra đi ? Đó là những hình ảnh hào hùng của người dân Việt. Còn đạo Phật Việt thì sao ? Từ thuở đầu đời, những bước chân chập chững của chư vị Pháp sư, Tổ Đức gieo rắc ánh đạo mầu vào lòng dân tộc, trên mảnh đất Luy Lâu thân yêu, một Ngài Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… hay vào thời cận đại, Tổ Phước Huệ, chùa Thập Tháp, Tổ Liễu Quán, Phú Yên, Bồ Tát Quảng Đức, ngọn lửa bình đẳng, tự do tín ngưỡng, đã thắp sáng bao thập niên qua. Những hình ảnh đó sừng sững như tường đồng, vách sắt trong mỗi nhịp thở con tim của Thầy, và hình ảnh của một thế hệ, một chặng đường lịch sử của đạo pháp còn cần sự tiếp tay của Thầy, còn cần lời nói của Thầy, còn cần ngọn bút thiên tài của Thầy để viết nên những trang sử vàng son, oai hùng của thời đại. Và đến giờ này, thật sự Thầy đã viết nên những dòng sử mệnh đó.

Sau sự quyết định của Thầy, tất cả anh em học Tăng đều vui vẻ ở lại tiếp tục làm việc dưới sự hướng dẫn của Thầy. Lúc bấy giờ, viện đã đóng cửa, một số anh em đã trở về với Thầy Tổ, số còn lại lo công việc dịch bộ Trung, Tăng Nhứt và Tạp A Hàm. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bộ Trung A Hàm thì hoàn cảnh lại không cho phép. Lý do, người thì phải đi lao động xã hội chủ nghĩa, kẻ phải đi làm thủy lợi, kinh tế mới… sản xuất các hợp tác xã, nói chung là không còn có thì giờ để ngồi xem kinh, trước tác gì nữa. Và cũng chính trong thời điểm này, 1976, đời sống giữa anh em với Thầy cũng cách xa. Thầy cũng phải đi lao động, làm rẫy tại Vạn Ninh, Vạn Giả, vui với cỏ cây, khoai sắn, lúa mạ, vườn tược, làm xúc cảm hồn thơ của Thầy, và tập thơ “Soi Đê” được ra đời. Nhưng có lẽ, điều mà Thầy nhìn thấy mạnh mẽ và thiết thực nhất là quê hương bị tàn phá, dân tộc bị lầm than, đạo pháp bị bức bách, cả một thế hệ trẻ bị vong bản vì nền cai trị chuyên chính độc tài cộng sản đang ngự trị và bạo hành đất nước, cho nên Thầy càng thấy buồn cho tiền đồ đạo pháp, vận mạng quốc gia sẽ ra sao ? Lúc này trông Thầy như cánh hạc trong đêm, khi gặp khi không, vì Thầy thường ở nơi cái chòi bằng tranh, “Soi Đê” của Thầy tại Vạn Giả, để ngày thì vác cuốc làm rẫy, tỉa bắp, trồng rau, đêm thì nằm nghe núi rừng u tịch, tiếng côn trùng rỉ rả, dế mèn nỉ non dưới lòng đất mới. Tiếp xúc với mảnh đất gầy gò quê hương, qua chứng tích điêu tàn hoang lổ trên đất mẹ, không cầm được lòng đau thương, tủi phận cho giống nòi Hồng Lạc, cho những hạt giống tinh anh, siêu việt của dân tộc bị mai một, và cho những cái gì của hàng ngàn năm lịch sử bị tàn phá, quê hương lùi dần vào bóng đêm, và tâm tình của Thầy như lời thơ “Mười Năm Trong Cuộc Lữ”:

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn
Triều đông hải vẫn thì thầm cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của Trường sơn
Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị
Yêu rừng sâu nên khóe mắt rưng rưng
Tay anh vói trời cao chim chiều rủ rỉ
Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường
Mười năm sau anh băng rừng vượt suối
Tìm quê hương trên vết máu giữa đồng hoang
Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi

Từng con sông từng huyết lệ lan tràn
Mười năm đó anh quên mình sậy yếu
Đôi vai gầy từ thủa dựng quê hương
Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu
Bản tình ca vô tận của Đông Phương
Rồi ngày ấy anh trở về phố cũ
Giữa con đường còn rợp khói tang thương
Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ
Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.

Từ Nha Trang ra Vạn Giả khoảng 60 cây số, Thầy đã đi về bằng những chuyến tàu đêm, âm thầm lặng lẽ trong tâm tư lắng đọng nên Thầy ít nói hơn khi xưa. Có lúc Thầy đóng cửa phòng ở một mình cả tuần không cơm nước. Thầy chỉ uống nước chanh đường, hoặc nước lạnh, thỉnh thoảng mới thấy Thầy đi bách bộ bên ngoài. Trông Thầy gầy hẳn, nhưng trên khuôn mặt luôn luôn phảng phất một niềm riêng sầu kín, thiêng liêng qua ánh mắt. Một tâm sự, nỗi niềm dường như không thể nói cùng ai, dù thời gian ấy vẫn có Hòa thượng Viện Trưởng, Thượng tọa Giám sự, Thượng tọa Phó Viện Trưởng, cùng anh em học Tăng. Có lẽ, tất cả không ai có thể hiểu và cảm thông được nỗi lòng chất chứa, tràn đầy những tâm sự mà chẳng biết tỏ cùng ai, nên Thầy đã dùng đến vần thơ để diễn đạt:

Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rũ mi dài trên bến cỏ sương khô
Vì lêu lổng mười năm dài gối mộng
Ôm tình già quên bẵng tuổi hoàng hôn
Rồi một sáng nghe chim rừng đổi giọng
Người thấy ta xô giạt bóng thiên thần
Đất đỏ thắm nên lòng người hăm hở
Đá chưa mòn nên lòng dạ trơ vơ
Thành phố nọ bởi mưa phùn nắng quái
Nên mười năm quên hết mộng giang hồ.

Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc tơ xưa
Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nỗi vết sa cơ
Trời vẫn vậy vẫn mây chiều gió tĩnh
Vẫn một đời nghe kể chuyện không như
Để sống chết với điêu tàn vờ vĩnh
Để mắt mù nhìn lại cuối không hư
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
Chẳng một lần lầm lỡ không ư ?
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay vén lại tóc tơ xưa

Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng?
Đến tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vạch tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.

Rồi từ đó, xuôi ngược, trải qua bao nhiêu thác ghềnh, biến cố của quê hương, xứ sở, mỗi người một ngả, hàng vạn lối chông gai; tuy nhiên người viết vẫn còn cái duyên tao ngộ với Thầy, mà trải qua bao năm tháng cùng Thầy làm việc, phiên dịch đánh máy kinh điển, Trung A Hàm, sưu tra tuyển tập Nikàya – A Hàm, Kinh Pháp Cú… tại thư viện Phật học viện Nha Trang. Tất cả những kỷ niệm đó còn đậm nét trong tâm khảm để đến hôm nay được tiếp tục những gì còn dang dở của một thời đèn sách, miệt mài bút nghiên.

Sau khi Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang đóng của như đã nói ở trên. Ôn Già Lam vẫn mang hoài bão phụng sự, giáo dục thế hệ trẻ. Để hoàn thành ước nguyện đó, Thầy là một trong những người nòng cốt cho sự tiếp nối chương trình cao cấp bốn năm của lớp học Tăng sinh Già Lam. Lớp học được hình thành, trải qua bốn năm vừa làm việc vừa học hành trong sự lo lắng mà nhiều đêm cả chùa chẳng ai ngủ được, vì công an soát hộ khẩu một hai giờ khuya, anh em học Tăng phải leo lên trần nhà để trốn.

CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN KẾT ÁN TỬ HÌNH

HAI THƯỢNG TỌA THÍCH TUỆ SỸ – PHẠM VĂN THƯƠNG VÀ THÍCH TRÍ SIÊU – LÊ MẠNH THÁT

Một buổi sáng mùa xuân, cuối tháng 3 năm 1984, khí trời êm ả, cảnh vật êm đềm, tĩnh lặng cũng như bao nhiêu thời khóa công phu và lạy Sám mỗi sáng. Ôn Già Lam và đại chúng xong thời lễ tụng 108 biến Hồng danh. Về phòng, Ôn uống trà và điểm tâm. Sau giờ điểm tâm, là việc làm thường nhật, tưới nước, quét sân, cho cá ăn… Nhưng sáng hôm nay Ôn đã không làm việc đó, vì có lệnh công an mời lên họp trên Mặt trận Tổ quốc, do vậy Ôn đi từ sáng sớm. Sau khi Ôn đi rồi thì công an vào soát chùa Già Lam, đồng lúc bên viện Phật học Vạn Hạnh cũng bị soát. Họ, công an, bắt quí thầy vào ngồi phòng khách, không được đi lại, một số công an khác lên phòng Thầy Tuệ Sỹ và Nguyên Giác kè hai Thầy lên xe và chở đi, không nói một lời từ biệt. Và bên Vạn Hạnh cũng không khác, cùng một thủ thuật, họ bắt Thầy Trí Siêu và Thầy Như Minh cũng kè ra xe rồi chạy mất. Có điều thật dễ thấy là mạng lưới công an đã bao vây chùa Già Lam và Vạn Hạnh từ sáng sớm, cũng như họ đã toan tính trước, vì vậy, bên chùa Già Lam thì họ mời Ôn đi họp sớm, còn bên Vạn Hạnh thì Ôn Minh Châu cũng đã đi họp mấy hôm ở Hà Nội, cho nên cả hai nơi đều vắng mặt hai Ôn, mục đích để họ dễ bề hành sự.

Nói đến Thầy Thích Trí Siêu – Lê Mạnh Thát, một sử gia, một nhà văn hóa lớn, một học giả uyên bác, tinh thâm ngôn ngữ học, Phật học. Người viết cũng đã một thời gian làm việc với Thầy tại thư viện Vạn Hạnh, 1981-1984, công trình khảo cứu, sưu tra làm bộ bách khoa Phật học Đại Từ Điển cho Ôn Già Lam. Thầy cũng bình dị không kém gì Thầy Tuệ Sỹ, cuộc sống đơn sơ của một nhà đạo sĩ. Vóc người nhỏ, với vầng trán cao, bóng nhụi, biểu lộ một sự thông minh xuất chúng. Dáng đi của Thầy, không giống như người thường, đôi tay hơi khung lên và xăm xăm tới, chữ viết của Thầy còn khó đọc gấp mấy lần chữ viết của Thầy Tuệ Sỹ. Có lần Sư cô Huệ Khương, thư ký đánh máy tại thư viện, người đã bị bắt cùng ngày với quí Thầy, đọc bản thảo của Thầy không hiểu, cô hỏi Thầy, Thầy trả lời : “Chữ nghĩa văn chương là của con người, sao lại không hiểu ?” bằng giọng Quảng Trị khó nghe, rồi Thầy tiếp tục đọc, viết, không nói gì nữa, cô Khương cũng chẳng dám hỏi thêm. Thầy làm việc thật cặm cụi, có những đêm thức trắng bên chồng kinh, sách, sử liệu cổ. Thầy không ngừng phát kiến, lục đạo những chứng tích, di tích xa xưa, mà một thời đã bị mai một. Đích thân Thầy đi về các ngôi chùa cổ ở miền Tây, hay miền Trung, để đọc lại những bản kinh, lịch sử được viết tay bằng chữ Nho, mà theo năm tháng gần như mục nát, nhưng đó chính là những tài liệu vô giá trong công trình khảo đính văn học sử, lịch sử Phật giáo Việt Nam. Qua những công bố sử học mới nhất của Thầy, ngay cả Bộ Văn Hóa Hà Nội cũng phải tham kiến với Thầy, dù họ chẳng ưa gì những sự khám phá mới mẻ này. Vào những năm đầu sau ngày 30/4/1975, Bộ Văn Hóa Thành phố Hồ Chí Minh mời Thầy công tác, giảng huấn, nhưng sau một thời gian, họ thấy trí tuệ của Thầy vượt họ quá xa, sự hiểu biết lịch lãm, kinh nghiệm chuyên môn sâu sắc, nên thôi, và cũng từ thời gian đó, công an theo dõi Thầy cho đến ngày Thầy bị bắt và bị kết án tử hình. Có lần Thầy ra Phật học viện Nha Trang, cùng Thầy Tuệ Sỹ, hai người đi bộ xuống biển rồi chiều về, đi ngang qua Sở công an thành phố, được mời vào ngủ lại đêm, sáng mới về. Hỏi ra, Thầy nói: “Họ không biết mình là ai nên bắt nhốt một đêm muỗi cắn quá chừng”. Nói xong, Thầy cười tự nhiên.

Ngoài thiên tư, bẩm chất của một nhà sử học, đạo học, nghiên tầm Đại Tạng kinh điển. Thầy còn là một Bác sĩ Y khoa tốt nghiệp tại Hoa Kỳ, mà qua thời gian thân phụ Thầy là Ôn Trí Lưu. Giám tự Linh Mụ, Huế, bịnh nằm trong phòng Thầy, Viện Vạn Hạnh, tự tay Thầy chăm sóc thuốc men, cơm cháo. Thầy cùng thân phụ là đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Viện Tăng Thống, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu.

Thân thế và sự nghiệp của hai Thầy khác hẳn với tất cả mọi người. Thầy Tuệ Sỹ là đệ tử của Hòa Thượng Viện trưởng Viện Hóa Đạo Thích Trí Thủ, có một sự nghiệp văn học lừng lẫy, giáo pháp thông suốt, liễu tri, thơ văn đầy ắp trong tư tưởng. Còn Thầy Trí Siêu như trên đã nói, cả hai là những ngôi sao sáng dưới bầu trời Việt Nam, là tinh hoa nước Việt, là những cây bút trác việt, tuyệt luân của Phật giáo, chính những yếu tố đó mà hai bản án tử hình đã tròng vào cổ hai Thầy. Cộng Sản không thể làm ngơ và để tự do cho những con người ưu tú như vậy. Đọc lịch sử hình thành từ những ngày đầu tiên của Cộng sản Quốc tế, đến đường lối xây dựng xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay, ai cũng thấy tầng lớp công nông đứng lên cướp chính quyền, đấu tố giai cấp thượng lưu, trí thức, địa chủ, phú hương. Do vậy, sự hiện diện của hai Thầy trong xã hội chủ nghĩa không có lý do gì tồn tại được, mà đã không thể tồn tại được thì chế độ Cộng sản phải làm gì ? Đây là lý do đẻ ra bản án tử hình. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam kết án tử hình hai Thầy là mặc nhiên công nhận với thế giới về việc đàn áp Phật giáo.

Ngay sau ngày 30/4/1975, Cộng sản đã ra lệnh tịch thu tất cả sách báo miền Nam trước 30/4/1975 từ mọi lãnh vực: triết học, kinh tế, chính trị, tôn giáo, xã hội, âm nhạc… họ cho rằng sách báo của miền Nam là bồi bút của “Mỹ-Ngụy”, chất chứa những tư tưởng phong kiến, đồi trụy, và bắt phải hủy bỏ. Lúc bấy giờ, vì đau lòng thương tiếc bao công trình văn hóa của đất nước nên nhiều nơi sách vở được cất vào bao bố và đem ra ngoài rẫy cất dấu, thời gian sau coi lại, mối mọt đã ăn rách nát. Cộng sản Việt Nam đã hủy hoại nền văn hóa dân tộc. Đôi bút của hai Thầy đã đóng góp một phần không nhỏ cho nền văn học đương đại, khơi dậy một chặng đường lịch sử văn học, sử học và nghệ thuật nước nhà. Hai con người, bốn hình ảnh, vừa cưu mang sứ mệnh con dân tộc Việt, đang đứng trước vực thẩm của thời đại mới, thời đại hủy diệt, tàn phá, lạc hậu, bần cùng và nghèo đói; hai Thầy phải làm gì cho sự tồn vong của đất nước ? Vừa gánh nặng trên vai công cuộc khai phá và phát huy con đường giáo pháp “Duy Tuệ Thị Nghiệp” để tiếp nối ngọn đèn chánh pháp mà mấy ngàn năm qua. Tổ Tổ tương truyền, trong sử mệnh của người tu sĩ Phật giáo. Dân tộc lầm than, đang sống dưới sự đọa đày bức ép của chế độ, hai Thầy cũng không thể đành lòng ngó lơ. Đạo pháp trong cơn pháp nạn, hai Thầy không thể bó gối xuôi tay. Hai Thầy đã thể nhập vào đời, như hình ảnh Thiền sư chống tích trượng xuống núi, đem tấm thân giả tạm hiến dâng cho đại cuộc. Ngày hai Thầy bị bắt mang đi và kết án tử hình, là ngày chế độ Cộng sản Việt Nam tuyên bố cho thế giới biết rằng : xã hội chủ nghĩa Việt Nam không gìn giữ chứng tích sử học, không thừa truyền nền văn hóa dân tộc, tụ phát bởi những tấm lòng, ước mơ xây dựng một nền văn hiến, văn phong cho đất nước. Bản án đó đã hủy diệt những danh tài trẻ tuổi với nhiều ước mơ và lý tưởng siêu xuất khỏi chốn đọa đầy, nô lệ hóa của xã hội chủ nghĩa. Vì lứa tuổi hai Thầy đại diện cho tầng lớp thế hệ trẻ, mang nhiều hoài bão, vươn đôi tay ôm choàng Tổ quốc vào lòng, bằng khối óc no tròn tình tự nòi giống tổ tiên. Bản án tử hình hai Thầy đã đánh động lương tâm thế giới, khiến mọi người từ quốc nội đến hải ngoại, từ Liên Hiệp Quốc đến Hội Ân Xá Quốc Tế, tất cả đều lên tiếng yêu cầu nhà nước Cộng sản Việt Nam phải hủy bỏ bản án tử hình phi nhân, vô đạo. CS Hà Nội kết án tử hình hai nhà tu sĩ Phật giáo, những người đã nuôi dưỡng lòng từ bi, mang tình thương, ban vui cứu khổ; khơi dậy ngọn đuốc trí tuệ, thắp sáng đến tận cùng tự mỗi lương tâm của con người. Đối với hai Thầy, những người mang đạo tâm vì dân vì nước thì bản án đó có nghĩa gì khi phải hy sinh thân mạng trên nền tảng chân lý, cứu khổ độ mê. Chết để cho bao người được sống, để làm viên sỏi lót đường cho bao người bước tới. Chết như là tiếng sóng ngầm của đại dương làm các loài thủy tộc tỉnh giấc mơ hóa rồng thiêng bay cùng mây trắng. Chết như cơn địa chấn làm sụp đổ mặt đất này. Người đã đứng trên đỉnh núi Lăng Già của A Bà Tu La Vương, dùng mọi thứ ngôn ngữ, văn từ, thi ca, âm nhạc để tự trang nghiêm mình, trang nghiêm quốc độ, cùng với sinh mệnh hơn 70 triệu dân, vì lòng Bi nguyện, hai Thầy có sức tự tại bằng giá trị thực nghiệm Tánh Không, thì bản án tử hình có làm run rẫy chân lông, sợi tóc ? Hai Thầy đã liễu giải nhơn pháp đều vô ngã, phiền não và sở tri, thường thanh tịnh không, mà sanh khởi lên tâm đại bi. Nếu không vì đại bi tâm, thì hai Thầy đâu cưu mang tù tội, nhưng tất cả chỉ vì hoa đốm giữa hư không, mấy chốc có không, thiên lưu thiên biến. Chế độ Cộng sản đã không thấy rõ thực chân, thực tướng dòng máu Đại Cồ Việt. Dòng máu của chư anh linh Thánh Tử Đạo, đã tưới lên từng ngọn cỏ, đọt cây làm xanh tươi non sông gấm vóc. Lý tưởng tứ đại giai không, đem nắm xương tàn bón phân hoa lá cũng có ích cho đất trời mù khơi, sương tuyết. Tất cả đều cưu mang tự tính vô tình và hữu tình đồng thành Phật đạo, thì đâu sá gì một chút cỏn con sanh di tử độ. Chỉ có Cộng sản mới chấp thủ, bảo thủ, định thủ những tư kiến chủ nghĩa của cái nhìn không qua khỏi mũi cho nên cứ mãi ghìm chặt súng đạn, gươm đao, và cho đó là sức mạnh vô cực đối kháng để bảo tồn danh vọng, địa vị. Sự sát hại xem như cứu cánh, kết án tử hình xem như giải pháp tối thượng thì đó chính là ảo ảnh của lương tri, mà trước mặt là hố sâu đưa cả chế độ xuống vực thẳm. Một thế giới mù lòa vì không có văn hóa, văn học, văn phong, văn mỹ. Xã hội chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam chưa hề có một nền văn học thuần túy dân tộc, phụng sự cái hay, cái đẹp, cái thanh cao, tinh khiết con người. Họ giết người vì tự ái thua kém của mình. Giết người để thấy cái khôn của người không còn phải chứng kiến, chướng tai gai mắt. Giết người là để chôn đi hết mọi chứng tích của sự hiểu biết, thông minh, tri thức con người. Và họ giết người vì không cùng đường hướng, chủ trương với chế độ. Bản án tử hình năm xưa, 1988, nơi hai Thầy là chứng nhân một oan nghiệt của chế độ Cộng sản Việt Nam mà mãi mãi ngàn sau, qua những dòng lịch sử dân tộc, đàn cháu con, hậu sinh sẽ biết thế nào là tội trạng của chế độ Cộng sản đối với Phật giáo. Suốt một dòng lịch sử dân tộc và đạo pháp, trải qua những chặng đường thăng trầm, vinh nhục của đất nước, mấy nghìn năm qua có thể nói thời đại Cộng sản Việt Nam là thời đại đầu tiên tuyên án tử hình đối với giới tu sĩ Phật giáo mà hai Thầy đã phải nhận lãnh. Bản án tử hình cũng nói lên sự thật cho mọi người biết rằng: có chế độ xã hội chủ nghĩa thì không có Phật giáo, hoặc nếu có chỉ để làm vì. Cộng sản đâu biết rằng từ ngụm nước đầu nguồn, cha ông, tổ tiên đã ăn trái cây giải thoát của Phật giáo, đã uống dòng nước thanh hương từ bi của đạo Phật mấy nghìn năm qua, mà ngày nay là đàn con cháu lại nhổ gốc cây, bứng tận rễ, tát cạn suối nguồn, quấy phá tanh hôi. Người ta thường nói: “Con hơn cha là nhà có phước”, nhưng quê hương Việt Nam thật kém phước, vì nhà cầm quyền CSVN đã làm đảo lộn mọi trật tự gia đình, xã hội, mọi đạo đức, lễ nghĩa. Họ đã hủy hoại mọi nền tảng lễ nghi, nhân phẩm đến văn hóa, văn học, văn minh của dân tộc qua những hành động áp bức, khủng bố, vô nhân và hủy diệt tất cả sách báo miền Nam. CSVN đã làm hoen ố những trang sử Việt.

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin