menu

Ai là Tâm Minh của thế kỷ 21

View: 1256 -     TT Thích Từ Lực       9/04/2019 07:04:00 pm
Ai là Tâm Minh của thế kỷ 21
Ai là Tâm Minh của thế kỷ 21

Giữa khung cảnh an tĩnh của lúc đầu Xuân, kẻ hậu học xin cúi đầu tưởng niệm bậc tiền bối hữu công: cụ Tâm Minh Lê Đình Thám. Chắc bạn rõ, không phải là sự ngẫu nhiên mà tôi ngồi đây, trong căn chái nhỏ, để viết về con người và sự đóng góp của cụ đối với Phật giáo nói chung và đối với tổ chức Gia đình Phật tử nói riêng. Thật là một con người đầy đạo tâm và sức sống. Lắm lúc, vì hơi ốm yếu, tôi đã mong ước mình có được phần nào tâm chí vững mạnh và đầy lý tưởng của cụ.

MỘT CÂU CHUYỆN XƯA

Tôi xin phép được bắt đầu với bạn bằng một câu chuyện xưa. Lúc tôi mới vào chùa, làm điệu, có tham dự những buổi học tập kinh điển và giới luật hàng tuần. Có khi vào buổi tối, sau giờ đi học ở trường, mà cũng có khi vào ngày cuối tuần. Tôi còn nhớ, hôm đó, thầy Tịnh Từ, hiện nay là Viện trưởng tu viện Kim Sơn, dạy chúng tôi về bản văn “Đại thừa Kim Canh Kinh luận” do hòa thượng Viên Giác của tòng lâm Giác Hải ở Vạn Giả, Nha Trang dịch giải. Thầy thường tìm cách lồng vào bài học là các câu chuyện ở chùa để gián tiếp dạy bảo anh em chúng tôi.

Thầy kể lại rằng, cụ Tâm Minh lúc đó rất lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài để gánh vác công việc Phật sự mai sau. Và vì nhờ am hiểu cả hai nền tân học và cựu học, tức là Hán văn và Tây học cho nên cụ được quý Ôn mời dạy cho quý Thầy tại Phật học đường Báo Quốc. Chúng ta đừng quên, cụ vừa là một Phật tử thuần thành gần gũi với giới bình dân và cũng là một bác sĩ y khoa của hàng trí thức khoa bảng. Bản chất của cụ là một con người thông minh, ham học, nhưng đồng thời cũng rất khiêm nhượng, tôn kính chư Tăng. Do đó, mà trước khi bước lên bục hay ngồi vào bàn để giảng dạy, cụ đều đảnh lễ chư Tăng, mà lúc đó là học trò của cụ trên nguyên tắc, và chắc chắn có thầy tuổi còn kém hơn cụ rất nhiều.

Đã gần hai mươi năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn chưa quên sự xúc động của tôi lúc đó. Hẳn nhiên, tôi đã biết gì đến hạnh khiêm cung của Bồ Tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa đâu. Tôi chỉ hình dung ra một con người, có đôi mắt sáng, đầy sự cương quyết trong lòng, và đặc biệt hơn hết, có cả trái tim của một vị Bồ tát sống đúng với Chánh pháp. Tôi nghĩ, chưa kể đến những điều hiểu biết mà cụ trao truyền cho các học tăng, chỉ cần thái độ khiêm cung đó cũng đủ chất liệu cho một bài học vô giá rồi. Trong chúng ta, ai cũng có một bản ngã rất lớn lao mà qua bao đời kiếp ta đã tìm đủ mọi cách để củng cố, để tô bồi thêm. Khó khăn hơn nữa là khi có quyền hạn trong tay, ở vào một địa vị cao hơn người khác một chút, là ta đã để cho cái “bản ngã vị kỷ” đó tự tung tự tác, không kể gì đến sự tương kính, nhường nhịn. Khó thay cho chúng ta mà cũng đáng phục thay thái độ sống của một người cư sĩ Phật tử biết trọng Phật, kỉnh Tăng với hiểu biết của trí óc và chân thành của con tim.

CON NGƯỜI CÓ LÝ TƯỞNG

Năm tháng trôi qua, xúc động của hôm đó và hình ảnh cụ Tâm Minh tiếp tục ở lại trong lòng, sánh bước với  cuộc đời tu hành của tôi. Tôi thường quan niệm, con đường Phật giáo là con đường hài hòa giữa mình với ta. Phật đã chế định giới luật và chỉ bày cách sống cho cả hai giới tại gia và xuất gia. Trên hết, trên con đường phụng sự lý tưởng giác ngộ, Tăng Ni và tín đồ cần có sự tương kính, hỗ trợ lẫn nhau, làm đẹp cho nhau. Do đó, tôi thường tìm cơ hội để gần gũi, tìm hiểu, học hỏi ở những vị cư sĩ đạo tâm, chuộng đời sống bình dị để có thể tích cực tu tập Chánh pháp. Nhân duyên đưa đẩy, tôi lại chọn con đường sinh hoạt với tuổi trẻ, mà trong đó có hình ảnh của Gia Đình Phật tử, của chiếc áo lam thân yêu đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ lúc còn bé.

Lại thêm một lần không ngờ đầy thích thú, khi tôi phát giác ra cụ Tâm Minh cũng là một trong những người đầu đàn thành lập và nuôi dưỡng tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam. Thì ra, cụ không chỉ là một người gần gũi với chư Tăng mà cũng là một con người đầy lý tưởng, muốn tạo một sức sống cho những người trẻ tuổi biết đạo đức, biết tôn quý những giá trị tinh thần. Chúng ta hãy đọc lại mục đích của tổ chức áo Lam: “Đào tạo những thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt của xã hội, sống theo tinh thần Phật pháp.” Thật là một việc làm rất ý nghĩa và đem lại lợi ích lớn lao cho gia đình và xã hội. Dĩ nhiên, chính cá nhân của các huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử đã được thánh hóa, chuyển hóa khi theo đúng đường lối này.

Càng tìm hiểu về con người của cụ, chúng ta càng kính phục sự hoạt động bền bỉ, đầy hăng say của cụ. Một trong những nhân chứng sống mà tôi được tận tai nghe là hòa thượng Mãn giác. Với giọng bình dân của người miền Trung, hòa thượng kể cho một số anh em tăng sinh trẻ tuổi nghe về cụ Tâm Minh và các hoạt động của Gia đình Phật tử lúc đó. Thầy nói: “Cụ Tâm Minh hăng hái lắm. Ra khỏi phòng mạch là đi thẳng về chùa, rồi hội họp với lớp trẻ lúc đó, như Võ Đình Cường, chị Hoàng Thị Kim Cúc, có cả thầy Minh Châu nữa, lúc đó chưa xuất gia. Bộ tướng thì nhỏ người mà răng làm việc quá sức hăng say. Các thầy, ai cũng thương cụ.” Đã hơn 50 năm trôi qua, cho đến hôm nay hình ảnh con người đầy nhiệt huyết của cụ vẫn có thể làm mẫu mực cho chúng ta.

NUÔI DƯỠNG TUỔI TRẺ

Có một câu hỏi hơi thừa nhưng chắc chắn là không vô ích mà chúng ta có thể đặt ra ở đây: tại sao cụ Tâm Minh và những người tiên phong lúc đó lại đặt nặng vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục tuổi trẻ? Có người hy hiến cả đời mình cho tuổi trẻ không biết nhọc mệt, không than van gì cả. Trải qua 20 năm sống ở xã hội Tây phương, chắc đa số chúng ta đã thấy tuổi trẻ ở quốc gia nào mà bị băng hoại thì sẽ kéo theo một sự đổ vỡ lớn lao và lâu dài trong các sinh hoạt tại quốc gia đó. Đối với cộng đồng Việt Nam chúng ta cũng vậy, có nuôi dưỡng thanh thiếu niên giữ được những nét truyền thống văn hóa thì chúng ta mới có hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn nữa, giáo lý nhà Phật lại có nền tảng hợp với sức sống của tuổi trẻ và tinh thần khoa học hiện đại thì chúng ta lại có nhiều triển vọng hơn và, dĩ nhiên, rất an tâm, đầy tin tưởng khi chọn con đường giáo dục tuổi trẻ. Vả lại, con đường mà Gia đình Phật tử Việt nam đã trải qua suốt nửa thế kỷ nay đã để lại nhiều chứng tích tốt đẹp và chứng nghiệm hùng hồn không ai chối cãi được.

Nhìn một đội thiếu niên hay một chúng thiếu nữ quay quần bên nhau trong một lớp Việt ngữ, hay trong một khóa Phật pháp, chúng ta có cảm tưởng gì? Có hy vọng không? Rằng mai đây, các em lớn lên sẽ có thể đóng góp gì cho xã hội các em đang sống? Phải nói là chúng ta tràn trề hy vọng chứ. Tương quan nhân quả cho phép chúng ta nhận định như vậy. Bây giờ, các em đến với những sinh hoạt đạo đức tâm linh và học hỏi được những điều hay lẽ phải thì mai đây các em sẽ đem ra áp dụng trong đời sống và có thể làm đẹp cuộc đời, làm tốt cho con người. Vì vậy, bao nhiêu công trình mà người trước, và ngay cả bây giờ, quý anh chị huynh trưởng các cấp đang đầu tư vào công cuộc nuôi dưỡng và giáo dục tuổi trẻ sẽ không vô ích chút nào; trái lại, hướng dẫn được tuổi trẻ theo con đường chơn chánh thì chúng ta vẫn còn có nhiều triển vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.

HOÀI NIỆM NGƯỜI XƯA HAY MONG MỎI CHO HÔM NAY?

Cả hai, bạn à. Chúng ta sắp sửa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại. Theo luật chung của cuộc đời thì phải vậy. Hơi có nhiều tiền một chút thì mình lại ham chơi, quên ngồi thiền, xao lãng việc tìm hiểu về đời sống tâm linh. Nhưng ai kia thì có thể như vậy, chứ chẳng lẽ mình lại nhắm mắt, bỏ đàn em đang trông chờ sự thương yêu dẫn dắt của chúng ta?

Tôi thiết tha  nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người có lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm cung của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? Làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?

Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. Đầu năm, đốt nén hương, tưởng niệm cụ Tâm Minh như là một lời cầu nguyện chân thành: xin anh linh của cụ soi đường cho đàn hậu tấn, cho màu Lam vững bước tiến trên đường dẫn dắt tuổi trẻ, thương yêu tuổi trẻ.

(Trích Lắng lòng nhìn lại - Thích Từ Lực - Trung tâm Phật giáo Hayward ấn hành)

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin