BẺ GÃY THẾ TAM GIÁC
View: 1130 - Thiền Sư Nhất Hạnh 6/08/2018 06:08:07 pm
BẺ GÃY THẾ TAM GIÁCTHẾ TAM GIÁC ĐƯỢC THÀNH LẬP
A là một người, và B là một người khác. A có thể là một Huynh Trưởng và B có thể là một Huynh Trưởng khác, hoặc là một đoàn sinh. Hai người có vấn đề với nhau, có những khó khăn với nhau. Có thể A đã nói gì, hoặc đã làm gì đó và gây ra cho B nỗi khổ. B không có khả năng tới A để giải tỏa, để làm mới, vì vậy B đi kiếm một người để than thở, và người đó thường thường là người không có cảm tình với A, người đó là C. Nghĩa là B âm thầm tìm C để mà liên minh chống A. Nếu C là một người rất thân với A, thì B không có đi kiếm C đâu. Đi kiếm C để C bênh người kia hay sao? Cho nên ta có khuynh hướng đi tìm người đồng ý với ta rằng người kia là người rất ác, rất khó tánh, rất dữ, không có lòng thương. Đi kiếm liên minh là một khuynh hướng của tất cả chúng ta.
Thất bại đầu tiên của B là không đi thẳng tới A để làm mới và hòa giải. Thất bại thứ hai của B là không đi tìm tới một người thân A để nhờ giúp đỡ, mà lại đi tìm một người ghét A để lập thế liên minh. Do đó thế tam giác được thành lập. Khi thế tam giác bắt đầu thành lập rồi thì sẽ có những rắc rối, khổ đau và khó khăn. Chúng ta phải học làm thế nào để đừng có tạo ra thế tam giác trong đoàn của chúng ta. Nếu có thế tam giác rồi, ta phải học cách phá gãy thế tam giác.
BẺ GÃY THẾ TAM GIÁC
Vậy nếu ta là C mà có thực tập thì khi nghe B nói, ta chỉ ngồi nghe thôi chứ đừng nói gì hết. "Chị khổ gì thì nói em nghe đi!" Ta nghe người kia nói và thực tập phương pháp lắng nghe của Đức Bồ Tát Quan Thế Âm. Chúng ta người nào cũng phải đóng vai trò của C cho thật đàng hoàng thì mới phá gẫy được thế tam giác. Khi mà thấy hai người giận nhau, một người tìm tới ta thì ta phải thực tập lắng nghe trước. "Tội nghiệp chị quá. Chị khổ mấy ngày rồi? Chị đã nói được với ai chưa? Hay chị mới nói với em lần đầu thôi? Tội nghiệp chị quá." Nghe xong thì ta khoan nói gì hết. Ta tìm cách đến với A để hỏi thăm chuyện gì đã xảy ra, và ta có thể làm môi giới giữa A và B. Xong rồi thì ta tới B và nói rằng: "Chị ơi, Bụt đã dạy con đường ngắn nhất là con đường đi tới với nhau, tại sao chị có khó khăn như vậy mà không tới nói với A? Chị ngại ngùng hả? Chị ngại thì em đi với chị. Em yểm trợ chị." Tại vì ta đã nói chuyện với A rồi, và hiểu được cả hai phía. Ta nghe hai tiếng chuông rồi chứ không phải một tiếng cho nên có thể đóng vai người hòa giải. Ta làm một vị Bồ Tát trong đoàn của mình. Ta là em nhưng có thể giúp các anh chị của mình. Trước hết ta là Bồ Tát lắng nghe, khi lắng nghe xong thì ta làm Bồ Tát ái ngữ, nói lời dễ thương, nói lời hòa giải: "Chị đi với em, chúng ta đi tới với chị A đi". Đôi khi chỉ có mười tuổi hoặc mười hai tuổi thôi mà ta có thể làm vị Bồ Tát được.
Khi người kia nói tới chị A thì ta dùng lời ái ngữ nói rằng: "Chị A đâu có ý đó để làm khổ chị đâu", và ta giúp hai người làm hòa lại với nhau. Trước hết ta giúp cho B có thể nói ra hết nỗi khổ của B cho A nghe. Theo phương pháp này thì A chưa cần trả lời, mà chỉ lắng nghe thôi: "Tội nghiệp quá, chị khổ như vậy mà mấy ngày nay em không biết". A chưa nên thanh minh, cải chính gì hết. Vì theo phương pháp làm mới thì ta không thanh minh liền. Ta để cho người kia nói ra hết những đau khổ trong lòng để người đó được nhẹ. Nếu người đó nói đúng thì ta xin lỗi liền lập tức, còn nếu người đó có một nhận thức sai lầm mà nói ra như vậy thì ta khoan đính chính đã, hãy để cho người đó thảnh thơi mấy ngày, chờ khi người đó vui vẻ thì ta nói: "Chị ơi, hôm trước em nghe chị nói em buồn quá. Em buồn là tại vì chị buồn. Mà chị buồn như vậy thì không có căn cứ, vì sự thật không phải như vậy. Sự thật là như thế này…". Đừng có nói ngay cái bữa giải tỏa đó, phải đợi ba ngày sau, năm ngày sau, hay bảy ngày sau, khi mà người kia đã nhẹ, đã vui rồi thì ta mới tới để nói. Cái đó gọi là bẻ gãy thế tam giác.
Thiền Sư Nhất Hạnh