menu

Tại Sao Nhiều Người Hoa Kỳ Đang Hướng Về Phật Giáo

View: 1000 -     Tác giả: Olga Khazan; Dịch giả: Nguyên Giác       12/03/2019 02:03:55 pm
Tại Sao Nhiều Người Hoa Kỳ Đang Hướng Về Phật Giáo
Tại Sao Nhiều Người Hoa Kỳ Đang Hướng Về Phật Giáo

Tại Sao Nhiều Người Hoa Kỳ Đang Hướng Về Phật Giáo

Tôn giáo xưa cổ phương Đông này đang giúp nhiều người phương Tây các nan đề tâm bệnh hiện đại. 

Tác giả: Olga Khazan

Dịch giả: Nguyên Giác

 

(Lời Dịch Giả: Bài này dịch từ “Why So Many Americans Are Turning to Buddhism: The ancient Eastern religion is helping Westerners with very modern mental-health problems” của tác giả Olga Khazan, đăng ngày 7 tháng 3/2019 trên tạp chí The Atlantic. Trong bài dẫn ra một thống kê, cho thấy người dân ngày càng gặp nhiều khủng hoảng tâm lý, căng thẳng, trầm cảm, trong khi 60% quận hạt Hoa Kỳ không có tới một bác sĩ tâm lý. Đó là lý do nhiều nhà tâm lý trị liệu khuyên người dân nên tìm tới Phật giáo để thiền tập, xem như một phương thuốc. Thống kê trong bài cũng nói rằng, 40% dân Mỹ đang thiền tập ít nhất là hàng tuần. Nhiều người Mỹ không tìm được câu trả lời từ tôn giáo Ky tô họ được dạy từ thơ ấu, trong đó một số đã rời bỏ nhà thờ để theo Phật giáo, một số vẫn giữ tôn giáo cũ và chỉ chọn thiền tập như một phương thuốc y khoa trị liệu. Chúng ta nghĩ gì? Cộng đồng người Việt đã hình thành ở Mỹ từ 44 năm nay, đã có thêm hai, hay ba thế hệ hậu sinh, trong đó nhiều em hoàn toàn không biết tiếng Việt, đã suy nghĩ gần như người Mỹ, và chắc chắn đa số các em cũng nằm trong nhóm 40% dân Mỹ đang nghĩ tới, hay đang tìm tới Phật giáo như vị thuốc. Do vậy, các chùa hải ngoại nên đưa thiền tập vào sinh hoạt chính trong hoằng pháp.)

***

Trong bộ áo tràng màu vàng, với đầu không để tóc, vị nữ thiền sư dạy chúng tôi không làm gì hết. Chúng tôi ngồi lặng lẽ trong các ghế nhựa plastic, nhắm mắt, và tập trung vào hơi thở. Trước đó, tôi chưa bao giờ thiền tập, nhưng tôi đã từng đi nhà thờ, do vậy tôi một cách phản xạ cúi đầu xuống. Rồi tôi nhận ra, vì thấy rằng việc này sẽ kéo dài khoảng 15 phút, tôi nên để cổ ở một vị trí thoải mái hơn.

Đó là buổi đầu trong hai thời thiền tập của lớp Kadampa Buddhism (một tông phái PG Tây Tạng) tôi tham dự tuần này, gần nhà tôi, ở Bắc Virginia, và tôi không tới Niết bàn. Bởi vì chúng tôi ở trong một thành phố lớn, bên ngoài đôi khi tiếng còi hú xuyên bức màn tĩnh lặng, và vì nơi thiền tập nằm dưới tầng hầm một nhà thờ, người ta vẫn đang cười, nói trong các hành lang. Một anh chàng bước vào hỏi, rằng đây có phải là buổi họp của Alcoholics Anonymous (lớp dạy cai nghiện rượu). Vị thầy bảo đảm chúng tôi rằng, hễ càng tập trung vào hơi thở, là phân tâm càng tan biến nhanh chóng.

Sau khi cúng tôi ngồi thiền khoảng 15 phút, vị thầy bảo hướng tập trung vào đề tài của lớp: buông bỏ sân hận. Đó là lý do thực mà tôi tới với lớp thiền này, hơn là cứ tự mình thiền tập tại nhà với cái app (ứng dụng qua điện thoại di động). Tôi muốn học thêm về Phật giáo và về cách Phật pháp có thể cải thiện  sức khỏe tâm lý của tôi – và đó là lý do hàng loạt người Mỹ khác tìm tới Phật giáo các năm gần đây. Những người mới này không nhất thiết tìm giác ngộ tâm linh hay tìm một cộng đồng tín ngưỡng, nhưng là hy vọng tìm một cách chữa trị tâm lý nhanh chóng.

Tôi đã nói chuyện với nhiều người, già và trẻ, rất ít người trong đó sinh trong gia đình theo Phật giáo. Có lẽ vài người trong đó đã hết cách chọn lựa: rối loạn tâm thần tăng vọt trong xã hội phương Tây, và câu trả lời như dường không phải là tới nhà thờ, nơi giáo dân đang suy giảm. Luôn luôn có những cách trị liệu, nhưng đều quá đắt tiền. Còn lớp thiền tôi theo học chỉ tốn có 12 đôla.

Trong khi mở một cuốn sách về Phật pháp, vị nữ thiền sư nói với cả lớp rằng giữ lòng sân là điều nguy hại. Giữ niệm sân y hệt như nắm giữ lấy một cây gậy đang bốc cháy , và than phiền rằng nó đang đốt cháy chúng ta. Và rằng, khi bị người khác làm hại, thì mình cũng tổn thương. Do vậy, vị thầy nói, câu hỏi là: “Tôi nên làm gì với tâm tôi nếu tôi cảm thấy như đang bị người khác làm hại?”

Người Mỹ khắp nơi như dường đang tự hỏi những hình thức khác của câu hỏi này: Chúng ta nên làm gì với tâm của chúng ta?

Một ông bố khoảng 40 tuổi, cư dân tại Los Angeles, đang khựng lại. Ông đã thành đạt hầu hết mục tiêu sự nghiệp, tới chức vụ quản lý cao cấp ở một công ty lớn. Nhưng công việc đầy cạnh tranh đã làm kiệt sức cuộc hôn nhân của ông, và ông đang tiến trình ly dị. Ông hiếm khi được gặp các con đã lớn. “Nói ngắn gọn, tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng giữa đời,” theo lời người này viết cho tôi qua email, vài ngày trước khi tôi tham dự lớp thiền. (Ông yêu cầu ẩn danh, bởi vì hồ sơ ly dị và các tranh chấp khác của ông không là chuyện công khai.)

Mới năm ngoái, ông bố này hướng sang pháp trị liệu tâm lý truyền thống trong vài tháng, nhưng ông không thấy lợi ích nhiều như mong đợi. Ông đã cảm thấy hầu như được dạy là phải làm hợp lý hóa các cảm xúc và hành vi tổn thương đó. Tuy nhiên, chuyên gia trị liệu đó cũng đề nghị ông tìm đọc hai cuốn sách lợi ích: How to Be an Adult in Relationships (Để Làm Người Trưởng Thành Trong Quan Hệ Tình Cảm) của David Richo, và The Wise Heart (Trái Tim Trí Tuệ), của Jack Kornfield. Cả hai tác giả đều viết trong tư tưởng và chủ đề Phật giáo, và mới đầu năm nay họ giới thiệu ông về việc thiền tập.  

Muốn tìm hiểu nhiều thêm, ông bố này mới gần đây tham dự một lớp thiền Phật giáo ở Hollywood, California, nơi ông học những cách để thiền tập thâm sâu hơn và để thay đổi cách ông ứng xử với quan hệ tình cảm. Bây giờ ông thấy cởi mở hơn và sẵn sàng để chịu đựng hơn đối với gia đình và bạn hữu. Ông nói, “Là một tín đồ Công giáo La mã, tôi gặp gian nan với một số khái niệm tôn giáo, nhưng điều đó không ngăn cản tôi ứng dụng kỹ năng và triết lý Phật giáo.” Thêm nữa, ông nói với tôi, như dường là vũ trụ đã đặt Phật giáo tới trước mặt ông.

Mặc dù con số chính xác về mức độ phổ biến khó tìm, nhưng Phật giáo như dường đang hiển lộ trong thế giới phương Tây hạng A. Tác phẩm  “Why Buddhism Is True” (Tại sao Phật giáo là sự đúng đắn chân thực) của nhà báo Robert Wright trở thành sách bán chạy trong năm 2017. Các trung tâm dạy thiền Phật giáo gần đây mọc lên ở các nơi như Knoxville, Tennessee, và Lakewood, Ohio. Bây giờ đã có hàng chục bài giảng âm thanh (podcast) về Phật pháp, trong khi có nhiều ứng dụng điện tử (apps) và  các chuỗi bài giảng (playlists) đặc biệt soạn ra để dạy thiền cho từng cá nhân và không mang đặc tính Phật giáo. Có 4/10 người thành niên Hoa Kỳ bây giờ nói rằng họ thiền tập, ít nhất là hàng tuần.

Hugh Byrne, giám đốc trung tâm Center for Mindful Living tại Washington, D.C., nói rằng cộng đồng thiền tập địa phương này đã “bùng nổ trong mấy năm qua.” Trong khi tôi lần dò trên mạng từ nhóm thiền này sang nhóm thiền kia tại vùng thủ đô D.C. mới đây, tôi nhận ra một vài “không gian thiền tập” nơi trước kia là trụ sở của các cơ sở doanh nghiệp thương mại. Nghiên cứu hàn lâm về thiền tỉnh thức cũng đã bùng nổ, biến cái phương Tây một thời xem như pháp luyện tâm kỳ bí của các chàng hippies bây giờ trở thành như là kiểu “luyện tâm mì ăn liền” cho mọi người.

Phật giáo đã được ưa chuộng qua nhiều hình thức trong một số giới ưu tú kỹ thuật và giới nghệ sĩ nổi tiếng, nhưng phần chủ lực của tôn giáo này thu hút nhiều người Mỹ có vẻ như là sức khỏe tâm trí. Một số người thấy rằng tôn giáo xưa cổ này giúp họ ứng xử với mũi tên, đầu đạn và các chỉ trích trên mạng của thời hiện đại. Nhiều người thấy căng thẳng quá độ vì màn kịch diễn liên tục của chính phủ hiện nay, và các giờ làm việc đã làm họ kiệt sức trong ngày. Có gì rất là mới mẽ, lôi cuốn về một pháp tập dạy rằng bạn chỉ cần ngồi, tỉnh thức và nhận thấy không có gì kéo dài miên viễn. Có lẽ sự thoải mái tới chỉ đơn giản từ cái biết rằng các vấn đề làm nguy hại cho con người đã có từ rất xa xưa, cả trước thời kỳ của Gmail.

Một vài chủ đề và ý tưởng như dường thống nhất các kinh nghiệm dị biệt của những người tôi đã phỏng vấn. Diệu đế đầu tiên của Đức Phật là “đời là khổ,” và nhiều người phương Tây mới theo học thiền diễn dịch rằng, có nghĩa là chấp nhận các cảm xúc đau đớn có thể tốt hơn là tìm cách thăng hoa chúng. Daniel Sanchez, 24 tuổi, cư dân New Jersey, nói, “Phật giáo nhìn nhận rằng khổ là tất yếu. Tôi không nên tập trung vào việc tránh né khổ, nhưng nên học cách đối phó với khổ.”

Bên cạnh việc thiền tập mỗi sáng và đêm, Sanchez đọc kinh Diamond Sutra (Kinh Kim Cương) và Heart Sutra (Tâm Kinh), các luận thư từ thời đầu Trung Cổ, và lắng nghe những bài giảng Thiền Tông. Các kinh hoàn toàn cách biệt với nội dung bình thường của trị liệu tâm lý, trong đó người ta có thể tư duy về những gì thực sự làm người ta hạnh phúc. Tư tưởng Phật giáo khuyên rằng người ta không nên tham muốn sự tiện nghi dễ chịu và tránh né những kém tiện nghi khó chịu, mà một vài người xem như là được phép nhày rời khỏi máy chạy thể dục.

Galen Bernard, một huấn luyện viên về kỹ năng sống ở Colorado, nói với tôi rằng cuốn sách “Comfortable With Uncertainty” (Thoải Mái Trong Bất Định) viết bởi Ni trưởng Pema Chodron đã ảnh hưởng tới ông hơn bất cứ gì khác, có lẽ chỉ trừ kinh nghiệm lần đầu của ông với thuốc Prozac (thuốc an thần, trị trầm cảm). Ông nói rằng cuốn sách và lời dạy trong đó giúp ông tránh gọi tên một số kinh nghiệm như là tiêu cực. Thí dụ, với bạn gái cũ, khi mối tình tan vỡ và phải chuyển sang tình bạn thì cảm thọ ban đầu  là đau đớn, nhưng các bài viết của Chodron và các người khác đã giúp ông nhìn thấy rằng “nó có thể như dường là quá mức đau đớn, nhưng thực sự nó chỉ là một kinh nghiệm tôi đang có mà… có thể thực sự là một cửa ngõ tới niềm vui nơi mặt bên kia.”

Trong nhiều thập niên, người ta tìm cách tự thăng hoa mình xuyên qua các lớp học và khóa hội thảo, trong đó phần nhiều kết hợp các yếu tố của các tôn giáo phương Đông. Phong trào có tên Human Potential Movement thời thập niên 1960s đã ảnh hưởng tới công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Abraham Maslow (người nhấn mạnh tư duy tích cực) và, có lẽ kém tich cực là, phong trào Rajneesh được Netflix quay thành phim tài liệu có tên là Wild Wild Country (1). Trong thời thập niên 1970s, tổ chức Erhard Seminars Training, viết tắt là EST, đưa ra các lớp dạy về cách “nhận trách nhiệm với cuộc đời bạn” và “hãy đón nhận chúng.” (2)

Điều dị biệt – và có lẽ, bảo đảm – về Phật giáo là, đây là một tôn giáo đương hữu được tu tập bởi nửa tỷ người. Bởi vì chưa có nhiều người Mỹ gốc Caucasian (hiểu là, da trắng) trưởng thành trong môi trường Phật giáo, họ thường không mang bất kỳ hành trang gia đìn nào với nó, hệt như một số người, thí dụ, thời thơ ấu lớn lên trong môi trường Ky tô giáo hay Do thái giáo. Trong khi nhẹ nhàng không hành trang, cũng có nghĩa là việc thực tập Phật giáo thế tục thường khác biệt rất nhiều với tôn giáo tự thân. Tất cả những người thiền tập thế tục mà tôi đã nói chuyện cho bài viết này đều đang đọc nhiều sách, nghe nhiều băng giảng khác nhau, và theo nhiều vị thầy và nhiều tông phái dị biệt. Sự diễn dịch của họ về Phật pháp không nhất thiết phù hợp với nhau, hay với các luận thư truyền thống.

Tôi đã được nghe về những cái nhìn của họ, nêu lên từ một chuyên gia về Phật giáo, David McMahan tại đại học Franklin and Marshall College, người nói rằng một số diễn dịch kiểu phương Tây này có một chút pha trộn từ văn hóa và bối cảnh nguyên thủy của Phật giáo. Phật giáo mang theo với nó một nhóm các giá trị và đạo đức mà người Mỹ da trắng không luôn luôn sống theo. Nhiều phần như các tín đồ “Công giáo tiệm cà phê” (3) gạt bỏ những phần trong tôn giáo này mà họ thấy không phù hợp, một số người phương Tây tập trung chỉ vào một số thành phần trong triết học Phật giáo và không chấp nhận, thí dụ, quan điểm về tái sinh của Phật giáo hay thờ phượng Đức Phật. Hãy gọi họ là “buffet Buddhists” (những Phật tử chỉ chọn vài món ăn trong bàn tiệc).

McMahan nói, khi tách rời khỏi bối cảnh Phật giáo, các phương pháp như thiền tập “trở thành y hệt như một miếng bọt biển khô (để lau chùi) sẽ hút nước bất cứ giá trị nào quanh nó.” Nhưng các nhà sư truyền thống “không thiền tập để kinh doanh.”

Cái gọi là Phật giáo thế tục, theo lời Autry Johnson, một người pha rượu trong một tiệm ăn ở Colorado và là một hướng dẫn viên du lịch, người thường xuyên thiền tập, “có một chút dễ tiếp cận hơn đối với những người không chủ yếu tự nhận là Phật tử, hay đã tự nhận là theo tôn giáo nào khác hay triết lý nào khác, nhưng muốn ứng dụng vài phương pháp Phật giáo để phụ trợ cho quan điểm thế giới hiện nay của họ.” Thực sự, nhiều trung tâm dạy thiền nhấn mạnh rằng bạn có thể tham dự khóa thiền mà không cần là Phật tử.

Phật Giáo Bàn Tiệc có thể là phi truyền thống, nhưng tính linh động của kiểu này cho người ta dễ dàng hơn trong việc áp dụng triết lý này để chữa trị bệnh trầm cảm. Một số người lại thực tập Phật giáo và thiên tập như cách thay thế cho pháp trị liệu tâm lý hay thuốc chữa bệnh tâm lý, trong tình hình hiện nay chăm sóc bệnh tâm thần quá đắt và hiếm hoi: 60% quận hạt tại Mỹ không có tới một bác sĩ tâm lý. Bernard nói, “Tôi có bảo hiểm y tế khá tốt, nhưng nếu tôi muốn có sự hỗ trợ [y tế], phải cần tới một tháng rưỡi để được khám bệnh. Có một nguồn tài nguyên [thiền tập] mà tôi có thể mở sẵn ra dùng thì thật là hữu ích tuyệt vời.”

Một số người hướng tới cả Phật giáo và trị liệu tâm lý. Byrne, giám đốc viện Center for Mindful Living, nói: “Có một sự chồng lấn giữa lý do những người tới để chữa trị và lý do họ tới để thiền tập.” Một số chuyên gia trị liệu cũng khởi sự kết hợp khái niệm Phật giáo vào việc họ chữa trị. Tara Brach, một bác sĩ tâm lý và là người sáng lập trung tâm thiền Insight Meditation Community tại Washington, D.C., cung ứng cả việc dạy thiền và nói chuyện với các chủ đề như “Từ Làm Người Tới Là Người” (From Human Doing to Human Being) trên trang web của bà. Tại Texas, bác sĩ tâm lý Molly Layton khuyến khích bệnh nhân hãy tỉnh thức “ngồi với các niệm của họ,” còn hơn là “nhảy vào chu kỳ suy nghĩ của họ.”

Mary Liz Austin, người trị liệu tâm lý trong viện Center for Mindful Living, tương tự giúp bệnh nhân thấy rằng “chính sự dính mắc vào kết quả mới thực sự gây ra đau khổ.” Một cách dạy ưa chuộng khác của bà là phương châm của Ni trưởng Chodron đưa ra, “Mọi thứ đều có thể dùng được.” Nghĩa là, một cách chủ yếu, rằng những gì tốt lành cũng có thể tới từ những khoảnh khắc tệ hại nhất. Austin nói, “Tôi đang trải qua kinh nghiệm hiện nay với thân phụ của chồng tôi. Ông đang hấp hối vì ung thư. Tình hình cực kỳ tệ hại. Nhưng điều tôi đang thấy là, kết quả của việc chẩn đoán ung thư này là mọi người về bên giường bệnh bố chồng tôi, mọi người bày tỏ lòng yêu thương rất mực tới ông, và như thế cho phép những người trong đời bạn xuất hiện trong một cách mà bạn thấy quá nhều điều đáng trân quý.”

Có những lần, chính các thiền sư lại hành xử như các chuyên gia trị liệu tâm lý, đưa ra hướng dẫn thực dụng để đối phó với các khó khăn đương hữu. Byrne, người cũng dạy thiền tập, đã viết một cuốn sách về sức mạnh của chánh niệm trong việc thay đôi thói quen. Ông dùng pháp thiền tỉnh thức để giúp người khác hiểu về vô thường, một giáo lý khác của Phật giáo. Cách này là, hãy nhìn thấy cảm thọ của bạn và kinh nghiệm chúng – kể cả lo âu hay đau đớn – như là liên tục thay đổi, “y hệt một hệ thống khí hậu trải nghiệm,” theo lời ông. Mọi thứ, thực sự rồi, sẽ kết thúc.

Cecilia Saad thấy đó  là một điểm hấp dẫn đặc biệt của Phật giáo. Một bạn thân của bà bị chẩn đoán có bệnh ung thư ba năm về trước, và Saad cảm thấy ấn tượng về cách bình tâm mà người bạn giữ được xuyên qua thời gian chẩn đoán và chữa trị. Saad nói, “Chúng tôi đã nói nhiều về quan điểm của cô ta, và cô cứ luôn luôn trở về với Phật giáo của cô.” Bây giờ thì, khi Saad căng thẳng lo âu về chuyện gì, khái niệm vô thường giúp bà hình dung rằng bà đã sẵn sàng sống sót qua sự kiện mà bà đang lo âu trải qua.” 

Trong lớp thiền của tôi, vị nữ thiền sư đọc từ cuốn sách của bà với giọng đều đặn, tuyệt hảo, không vướng giọng địa phương (ám chỉ, nữ thiền sư là ngoại kiều, không dùng tiếng Anh như bản ngữ). Sách nói với chúng tôi là hãy xem xét rằng có 2 lý do người ta có thể gây hại chúng ta: đó là bản chất của họ là gây hại, hay là hoàn cảnh ạtm thời làm cho họ hành động gây hại. Dù cách nào đi nữa, vị thầy nói, sẽ là vô nghĩa nnếu chúng ta nổi giận với người kia. Bản chất của nước là ướt, do vậy bạn sẽ không nổi giận đối với trận mưa làm bạn ướt mem. Và bạn sẽ không nguyền rủa các đám mây vì tạm thời có một hệ thống khí hậu gây ra các trận mưa.

“Khi nào chúng ta bị buộc làm tổn thương người khác?” bà hỏi, giọng nâng lên trước khi trả lời: “Khi chúng ta đau đớn. Nếu bạn thấy sợ hãi, sẽ dễ dàng khởi lòng từ bi.”

Bà yêu cầu chúng tôi nhắm mắt và thiền tập lần nữa, lần này trong khi suy nghĩ về việc buông xả tâm sân hận phiền muộn đối với một người nào trước đó họ từng hại mình. Tôi chuyển cách suy nghĩ một cách khó khăn, và thắc mắc về cách mà anh chàng to con ngồi phía trước tôi mặc áo T-shirt cảm thọ. Tôi gặp khó khăn hướng tâm về lòng sân hận, và mắt tôi cứ tự động chớp hoài. Bên ngoài trời là lạnh giá 30 độ (4) nhưng hầu hết các ghế trong lớp thiền đều có người ngồi. Đông như thế là rất khích lệ. Dù vậy, điểm đáng nhớ là, quá nhiều người trong chúng tôi đã sẵn sàng bước xuyên bóng đêm lạnh băng chỉ để học một vài trí tuệ căn bản về cách nào để làm bớt buồn phiền.

Trong trường Chủ Nhật (ám chỉ, lớp hàng tuần ở các nhà thờ Ky tô dạy trẻ em), khi bạn mở mắt trong khi đọc kinh cầu nguyện, mấy đứa trẻ khác sẽ mách linh mục về bạn; do vậy tự mấy đứa trẻ đó kết tội là chúng cũng mở mắt vậy. Đó là cách đôi khi người ta làm như thế, tôi suy nghĩ: Họ sẽ tự đốt cháy họ để tìm cơ hội gây hại cho người khác. Tôi hít một hơi thở sâu và tìm cách khởi lòng từ bi hướng về họ.

GHI CHÚ của dịch giả:

(1) Phim “Wild Wild Country” dài 6 tập, về cuộc đời giáo chủ Osho (Bhagwan Shree Rajneesh), là người sáng lập một cộng đồng kết hợp huyền học phương Đông với chủ trương yêu tự do, và bị nhiều báo Mỹ gọi là một đạo sư tình dục. Phim đầy đủ có thể xem ở Netflix, trong khi nhiều cuộc phỏng vấn liên hệ có thể xem trên YouTube. Có nhiều bản tin tiếng Anh có thể đọc trên Google về Osho.

(2) EST là tổ chức thành lập bởi Werner Erhard vào năm 1971, đưa ra khóa học dài 2 tuần lễ, tổng cộng 60 giờ đồng hồ, dạy kỹ năng sống, ứng phó, trách nhiệm cá nhân và chuyển hóa. Một số người chỉ trích rằng phương pháp EST là kiểm soát tư tưởng và đã tới gần như tà giáo. EST giải thể năm 1984.

(3) Tiếng Anh là “cafeteria Catholics” (Công giáo tiệm cà phê), có nghĩa là người tự nhận là tín đồ Công giáo nhưng không đồng ý một số giáo lý căn bản.

(4) Tác giả viết 30 độ là ám chỉ 30 độ F, lạnh dưới mức đóng băng, đổi ra đơn vị quen thuộc của người Việt là (âm) -1.1 độ C.

 

 

 

 

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin