menu

Báo chí miền Nam trước 1975: "Giữ Thơm Quê Mẹ" của Nhất Hạnh

View: 1035 -     Viên Linh       17/03/2019 09:03:27 pm
Báo chí miền Nam trước 1975: "Giữ Thơm Quê Mẹ" của Nhất Hạnh
Báo chí miền Nam trước 1975: "Giữ Thơm Quê Mẹ" của Nhất Hạnh
Trong các tạp chí văn học tại miền Nam, Giữ Thơm Quê Mẹ xuất hiện trên các sạp báo và các tiệm sách vào tháng 7, 1965 với một khuôn khổ lớn, 18x25cm, khuôn khổ tương tự tờ Thế Kỷ Hai Mươi năm 1960, cùng với sự tập hợp những cây bút tên tuổi, hay có một quá khứ vào tù ra khám vì hoạt động chính trị: Hồ Hữu Tường, chủ trương Trung lập chế, và Tam Ích, trong nhóm Chân Trời Mới, thường được coi là nhóm “Ðệ tứ,” một nhóm khuynh Tả, tiếng đương thời là “chủ nghĩa xã hội có khuynh hướng quốc gia,” để phân biệt với nhũng người cộng sản theo Liên Xô.

Giữ Thơm Quê Mẹ vừa ra mắt đã gây được sự chú ý của người đọc, với bài thơ mở đầu tờ báo chỉ có 4 câu, và đăng nguyên trang 2 của số ra mắt:


quê hương tôi là đây
chỉ có dòng sông, hàng cau, vườn chuối;
mặt trái đất dù mang đầy cát bụi
nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm Rằm.
(Nhất Hạnh, Chỗ Ðứng, GTQM 1)

Trong cả bài thơ chỉ có chữ Rằm viết hoa ở chữ R, còn tất cả viết thường, kể cả bốn chữ đầu dòng. Bài thơ trên của Sư Ông Nhất Hạnh có thể hiểu như một tuyên ngôn, hay một Lời Phi Lộ, cho tờ báo. Tờ báo về quê hương đất nước, tờ báo đề cao truyền thống dân tộc (giữ thơm quê mẹ), “những đêm Rằm.” Lúc ấy Thượng Tọa Nhất Hạnh đã rất nổi tiếng với Bông Hồng Cài Áo (in lần thứ 2, năm 1965), Ðạo Phật Ði Vào Cuộc Ðời và tập thơ Chắp Tay Nguyện Cầu Cho Bồ Câu Trắng Hiện. Ông ở ngoại quốc, song hiện diện trong sinh hoạt văn chương miền Nam qua nhà xuất bản Lá Bối, mà người điều hành (in trên giấy tờ) là Trương Phú. Trương Phú cũng là người quản trị tờ Giữ Thơm Quê Mẹ trong khi người phụ trách tòa soạn là nhà thơ Hoài Khanh. Trương Phú chính là Thanh Tuệ sau này.

Ngay trong Giữ Thơm Quê Mẹ số 1, Hồ Hữu Tường viết “Ngày trở về của đứa con hoang” và Tam Ích viết mục sở trường của ông: Ngày Lại Ngày, ghi nhận sinh hoạt văn nghệ trong và ngoài nước với những chú giải ngay trong bài. Và đặc biệt đây là tờ tạp chí văn nghệ đã mỗi kỳ đăng một sáng tác mới của nhạc sĩ Phạm Duy, kỳ đầu dành tới 4 trang đăng bài “Tiếng Hát Thật To!” nhạc và lời của ông:

Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy.
(Phạm Duy, GTQM 1, tr.54)

Trong những số thiếp theo, Phạm Duy phổ thơ Nhất Hạnh, đưa ra những bài Tâm Ca 1: “Sáng nay vừa thức dậy, nghe tin em gục ngã nơi chiến trường.” Hay Tâm Ca 3: “Ngồi gần ngồi gần nhau...” Riêng Tâm Ca 4 rất được ham mộ: “Giọt mưa trên lá, tiếng nói thầm thì, bóng dáng Phật về, xoa vết thương trần thế...” Bản nhạc này góp phần dương danh cho tờ tập san văn nghệ do một nhà sư chủ xướng, và cho ảnh hưởng Phật Giáo của thời đại đương thời.

Nhà văn Hồ Hữu Tường đã viết rất ngụ ý trong bài “Ngày trở về của đứa con hoang,” về tình cảnh của ông (và có thể là cho những người cùng hoàn cảnh): theo cộng sản chỉ ăn “vỏ đậu heo ăn,” nhưng trở về với quốc gia thì bị ném đá. Tác giả “Thằng Thuộc con nhà nông” vốn có lối viết hấp dẫn, thường lấy một chuyện cổ tích hay một huyền thoại để vào đề, rồi mới bắt vào ý chính, nên rất hấp dẫn.

Tên tuổi Tam Ích thường đi chung với Thiên Giang, Thê Húc, ba cây bút trong Nhóm Chân Trời Mới ở Sài Gòn từ trước 1954. Mục Ngày Lại Ngày chiếm tới 5 trang của số 1 GTQM, trong đó ông viết từ Ðông sang Tây, từ Pháp về Sài Gòn. Sinh hoạt văn nghệ giữa thập niên '60, và sau khi chế độ Ðệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ tháng 11, 1963, có thể được phản ảnh trong những dòng viết sau: “Cái giới văn nghệ vốn là một giới phi công thức. Họ không sống theo công thức có sẵn... Ðối với họ, vệ sinh về tâm hồn quan trọng hơn là thứ vệ sinh về tất cả những gì làm ra cái bề ngoài của con người cần trang trí những trường hợp vật chất hơn là trang trí bên trong...

Bản chất họ vốn là một bản chất dễ cảm xúc cho nên họ phản ứng ngay trước những chuyện bất công nhớp nhúa... Thái độ sống của họ vốn là thái độ đối lập với trật tự có sẵn, cho nên họ không theo công thức.” Cổ kim như vậy. Kể cả Hàn Dũ đời nhà Ðường chẳng hạn: “Ðại phàm vật bất đắc kỳ bình, tắc minh.” Nghĩa là vật không thỏa mãn thì kêu lên. Chính vì “bất mãn” nên “tắc minh” và ở vào thế đối lập. Và chính là nghệ phẩm phát sinh từ tình trạng tâm lý ấy. Ở đời chẳng có cái văn thơ thù tạc và mãn nguyện nào mà lại thành... danh văn bao giờ! Văn nghệ theo nghĩa “chính,” văn nghệ sĩ theo nghĩa chính là như vậy đó.” (Tam Ích, Ngày Lại Ngày, GTQM 1, trang 68). Ông cố ý cho in chữ nghĩa và chữ “chính” bằng 2 dạng chữ khác nhau, độc giả có thể hiểu ngầm chữ đó là chính nghĩa.

Riêng Hoài Khanh, người phụ trách bài vở Giữ Thơm Quê Mẹ, là một nhà thơ, thi phẩm đầu tay nhan đề Dâng Rừng, xuất bản tại Sài Gòn năm 1957, quanh đó chúng tôi gặp nhau hàng ngày. Anh nổi tiếng với thi phẩm Thân Phận in năm 1962. Trong Giữ Thơm Quê Mẹ số ra mắt, anh góp mặt với bài thơ trong đó hoán vị hoàn cảnh, như cách thận trọng hằng có:

Nếu em đã cùng tôi trưa hôm đó
Chuyến xe Sài Gòn-Phú Nhuận ra đi
Tôi sẽ đưa em về miền cát bỏng
Cưỡi lạc đà đi suốt cõi châu Phi...

Hắn đã về giữa dòng sông nước chảy
Của Á châu nhược tiểu khổ đau này
Hắn đã về giữa cát bừng sa mạc
Của Phi châu quằn quại suốt trời mây.
(Hoài Khanh, Về Nguồn, GTQM 1, tr.8)

Trong số ra mắt còn những tên tuổi nổi tiếng khác: Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Bùi Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðức Sơn, Kim Tuấn. Bài “Ngồi đợi ngoài hành lang” của Nguyễn Ðức Sơn bị “đục bỏ” lỗ chỗ. Ðó là những chỗ tác giả nhắc đến vụ Tòa Ðại sứ Mỹ bị đặt chất nổ, (trang 94) hay chỗ dùng mấy chữ “những tên lính lê dương chết đói đã và sẽ đến đây.” (trang 95) (1).

Giữ Thơm Quê Mẹ không sống lâu, chúng tôi cũng chỉ có 6 số của năm 1965. Tờ báo chết không phải vì thiếu độc giả, trái lại. Dàn biên tập qui tụ những người nổi tiếng, (2) bài vở dám viết, cho nên sự yểu mệnh của nó là do những nguyên do khác. Nó cũng không chết vì bị kiểm duyệt, vì báo bị kiểm duyệt là chuyện phải có tại một đất nước trong chiến tranh - lại là chiến tranh tương tàn. Nó chết vì những nguyên do nào đó. Sau này cô Cao Ngọc Thanh, em ruột bà Chân Không Cao Ngọc Phượng, thay thế ông Trương Phú về mặt trị sự, và Ðại Ðức Từ Mẫn thay thế Ðại Ðức Thanh Tuệ trông coi nhà xuất bản Lá Bối và việc xuất bản các tác phẩm của Sư Ông Nhất Hạnh. Hiện diện không lâu song “tập san văn nghệ” Giữ Thơm Quê Mẹ đã có đóng góp rất đáng kể trong sinh hoạt văn hóa báo chí miền Nam trong giai đoạn 54-75.


(1) Ðục bỏ: Hồi đó nghề ấn loát ở Sài gòn còn dùng loại chữ đúc trên những thỏi chì-thiếc, thỏi vuông vắn nhỏ xíu, dài cỡ 2cm, ví dụ hai chữ “con voi” là do ba thỏi chì có 3 chữ c, o, n và ba thỏi chì có ba chữ v, o, i ghép lại với nhau mà thành. Khi bài bị kiểm duyệt, nếu nhà in dùng 6 con chữ chính, thì người ta lộn ngược các con chữ lại, khi in ra chỉ thấy mấy ô vuông mực đen. Nhưng nhà báo không có tiền đâu mà in chữ nguyên thủy, dễ mòn, dễ hư phải bỏ đi, nên sau khi sắp chữ, dùng chì nấu lỏng, đổ lên các “khuôn chữ” của trang báo, thành ra một trang báo bằng chì. Thợ in gắn các trang báo bằng chì để in báo, in xong lại gỡ xuống, nấu lỏng ra, lấy chì đúc chữ cho báo ngày hôm sau. Như thế các con chữ nguyên thủy vẫn còn nguyên, vẫn sắc nét như mới (vì nó có bị chạy qua máy in đâu; và như thế báo Việt Nam mới không sắc nét, mà lỗ chỗ, mực không đều, vì nét chữ là nét chì đúc lại.) [Khi báo bị kiểm duyệt, người thợ in lấy đục, búa, đục mảng chì có những câu bị kiểm duyệt đi, thành ra việc đó có tên là “đục bỏ.”]

Một số tác giả khác có bài vở trong GTQM: Trần Tuấn Kiệt, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Thụy Long, Viên Linh, Trụ Vũ, Võ Hồng, Thành Tôn, Vương Pển Liêm, Kim Tuấn, Ðịnh Giang, Hà Nguyên Thạch, Hữu Phương.

Viên Linh

Nguồn: Người Việt Online

Bài liên quan

add
close

Kết nối cùng chúng tôi

Ghi danh nhận tin